Hàn Phi Tử

QUYỂN IV – Thiên XI: Nỗi phẫn uất của con người cô độc (Cô phẫn)



1. Những kẻ sĩ có mưu trí và có thuật thế nào cũng nhìn xa và xét đoán sáng suốt, vì nếu không xét đoán sáng suốt thì không thấy rõ được niềm riêng tây. Những kẻ sĩ biết nêu cao pháp luật thế nào cũng kiên nghị và thẳng thắn, vì nếu không kiên nghị và thẳng thắn thì không thể nào sửa chữa được kẻ gian. Bộn bầy tôi nghe theo mệnh lệnh và làm chức vụ, dựa theo pháp luật mà làm quan không phải là những người được trọng. Những kẻ được trọng là những kẻ không có mệnh lệnh mà tự chuyên, bẻ cong pháp luật để mưu lợi riêng, làm hao tổn đến quốc gia để mưu lợi cho mình, sức có thể làm chủ được nhà vua. Đó là những kẻ gọi là được quý trọng.
Những kẻ sĩ có mưu trí và có thuật, xét đoán sáng suốt, nếu được dùng thì sẽ thấy rõ tâm địa riêng tư của bọn người được quý trọng. Những kẻ sĩ có thể đề cao pháp luật, thẳng thần, nếu được dùng sẽ sửa chữa những hành vi gian tà của những kẻ được quý trọng. Cho nên nếu những kẻ sĩ có mưu trí và có thuật biết đề cao pháp luật được dùng thì bọn bầy tôi được quý trọng thế nào cũng bị gạt ra ngoài. Chính vì vậy những kẻ sĩ có trí và thuật, biết đề cao pháp luật và những bọn hiện đang cầm quyền là những kẻ thù của nhau không thể cùng sống.
2. Khi những bọn cầm quyền nắm lấy mọi việc thì bên ngoài cũng như bên trong họ chỉ lo mưu lợi riêng mà thôi. Cho nên nếu chư hầu không dựa vào họ thì công việc không thành. Kết quả là các nước địch ca ngợi họ. Nếu những người chung quanh nhà vua không dựa vào họ thì không gần nhà vua được cho nên những người chung quanh nhà vua che giấu các sai lầm của họ. Những kẻ sĩ có học nếu không dựa vào họ thì bổng lộc và địa vị thấp cho nên những người có học tán dương họ.
Nhờ bốn kẻ giúp đỡ này cho nên bọn bầy tôi gian tà tự tô vẽ mình. Những kẻ được quý trọng không thể trung với nhà vua để tiến cử những kẻ thù của mình. Nhà vua lại không thể vượt qua bốn hạng người giúp đỡ để xem xét rõ bầy tôi. Cho nên nhà vua càng bị che đậy và bọn đại thần càng được trọng vọng.
Nói chung, những kẻ cầm quyền đối với nhà vua ít người không được nhà vua tin yêu. Vả lại, họ lại quen biết nhà vua từ lâu. Họ biết lòng nhà vua, cùng yêu cùng ghét như nhà vua, đó là cách tiến thân của họ.
Một khi chức quan và tước lộc của họ đã được trọng, bè đảng của họ lại đông, cả một nước ca ngợi họ, thế thì những kẻ sĩ biết nếu cao pháp luật muốn đến gần nhà vua cũng không có được cái thân của những kẻ được nhà vua tin yêu, không có được cái ân huệ của những kẻ quen biết từ lâu. Như thế mà những người này lại muốn lấy pháp luật và thuật để sửa chữa cái bụng sai lệch của nhà vua thì tức là làm trái ngược với nhà vua. Mình đã ở vào cái thế thấp hèn lại không có bè đảng cho nên cô độc.
Phàm con người ở xa và không thân mà lại muốn tranh với con người ở gần và được tin yêu thì tình thế là không thể thắng được. Người mới đến, là kẻ ở trọ mà muốn tranh với người cũ và quen thuộc thì cái số là không thể thắng được. Người nói nếu trái với ý nhà vua lại muốn tranh với kẻ cùng ham thích như nhà vua thì cái số là không thể thắng được. Người bị coi khinh, thấp hèn lại muốn tranh với kẻ được quý trọng thì cái số là không thể thắng được. Mình chỉ có một miệng lại tranh với cả một nước thì cái số là không thể thắng được.
Kẻ sĩ biết đề cao pháp luật và thuật trị nước nắm lấy cái thế có năm điểm thua, lại bao năm trời không được yết kiến nhà vua phải đối lập lại bọn cầm quyền đã nắm lấy năm cái thắng, ngày đêm một mình nói trước mặt nhà vua. Cho nên kẻ sĩ đề cao pháp luật và thuật trị nước làm sao có thể tiến lên được và nhà vua biết bao giờ mới có thể tỉnh ngộ được?
Đã ở vào cái thế phải thua, lại không thế cùng nhau tồn tại thế thì kẻ sĩ đề cao pháp luật và thuật trị nước làm sao khỏi nguy được? Những kẻ có thể buộc tội để trị thì người ta dùng pháp luật để giết, những kẻ nào không, thể buộc tội để trị thì người ta dùng kiếm riêng để hại. Như thế thì những kẻ soi sáng pháp luật làm trái ý nhà vua, nếu không bị quan lại giết ắt bị thanh kiếm riêng giết vậy.
3. Bè đảng nhóm họp để che giấu nhà vua, những lời nói quanh co để tiện cho việc riêng thế nào cũng được những người được quý trọng tin. Vì vậy cho nên ai có thể viện cớ là có công lao thì họ phong cho quan tước để làm cho thành sang. Ai có thể cho mượn cái tiếng tốt thì họ dùng cái quyền của nước ngoài để làm cho được trọng. Ai che giấu được nhà vua và chạy chọt ở cửa riêng thì dù không có được quan tước vinh hiển cũng sẽ được trọng nhờ quyền lực của nước ngoài.
Nay các vị vua không xem xét bằng chứng để thi hành việc trừng trị; không đợi thấy công lao đã ban tước lộc, như thế làm sao kẻ sĩ đề cao pháp luật và thuật trị nước có thể liều chết đưa cái thuyết của mình ra và bọn bầy tôi gian tà làm sao có thể bỏ lợi mà rút lui được? Cho nên chúa ở trên càng bị thấp xuống thì những cửa riêng càng được để cao.
Nước Việt kia tuy nước giàu và binh mạnh nhưng các vị vua ở Trung Quốc đều biết nó không có ích gì đối với mình và nói: “Nước ấy ta không khống chế được”. Nay có nước tuy đất rộng, người nhiều, nhưng nhà vua bị che đậy, các quan đại thần chuyên quyền thì nước ấy cũng là như nước Việt vậy. Biết nước mình là không giống nước Việt, nhưng không biết nước mình không giống nó ở chỗ nào, tức là không xét đến sự giống nhau.

Sở dĩ người ta nói nước Tề đã mất không phải là nói đất và thành của nó đã mất mà nói họ Lữ không cai trị mà họ Điền chuyên quyền. Sở dĩ người ta nói nước Tấn đã mất không phải là nói đất đai và thành của nó đã mất mà nói họ Cơ không cai trị; trái lại sáu quan khanh chuyên quyền.
Nay nếu như các quan đại thần nắm lấy quyền lực giải quyết một mình, còn ông vua ở trên không giành lại được cái quyền ấy, như vậy là nhà vua không sáng suốt vậy. Người nào cũng mang chứng bệnh với người đã chết thì không thể sống được, nước nào lâm vào tình trạng như những nước đã mất thì không thể còn được. Ngày nay noi theo lối đi của nước Tề, nước Tấn đã mất mà lại muốn tồn tại yên ổn thì không thể được.
4. Nói chung, pháp luật khó thi hành không phải chỉ đối với cái nước có vạn cỗ xe mà thôi. Đối với cái nước có ngàn cỗ xe cũng thế. Những người chung quanh nhà vua không nhất thiết đều là những người khôn. Nhà vua nghe lời người nhà vua cho là khôn, rồi lại đem những lời của ông ta ra bàn với những người chung quanh mình. Như vậy là nói chuyện khôn với người ngu vậy. Những người chung quanh nhà vua không nhất thiết đều là những người giỏi. Nhà vua dùng lễ đối xử với người mình cho là giỏi, nhưng rồi lại bàn về hành vi anh ta với những người chung quanh. Như vậy là cùng với những người kém để bàn về người giỏi vậy.

Người khôn phải để cho người ngu quyết định kế hoạch của mình, người giỏi phải để cho người kém xét về việc làm của mình thì người giỏi và người khôn sẽ xấu hổ và cách bàn của nhà vua sẽ sai lầm vậy. Trong các bầy tôi muốn được làm quan thì những kẻ sĩ trau giồi đức hạnh, cố gắng giữ thân mình trong sạch, những kẻ sĩ khôn ngoan dùng biện luận để thực hiện sự nghiệp. Những kẻ sĩ trau giồi đức hạnh không thể dùng của đút lót để thờ người, vì nó trái với sự trong sạch lại càng không thể bẻ cong pháp luật để cai trị. Cho nên những kẻ sĩ trau giồi đức hạnh và khôn ngoan không thờ những người chung quanh nhà vua, không nghe những chuyện xin xỏ. Những người chung quanh nhà vua đức hạnh đã không phải là Bá Di, khi họ đòi hỏi không được, của đút không đến thì cái công giữ trong sạch và tài biện luận (của người giỏi) sẽ bị dập tắt và những lời chê bai sẽ nổi lên. Kẻ có công lo về việc bàn luận về cách cai trị đã bị bọn gần gũi nhà vua kiềm chế. Kẻ có đức hạnh liêm khiết đã bị lời khen chê quyết định thì các quan lại lo trau giồi đức hạnh và khôn ngoan sẽ bị bỏ và cái sáng của nhà vua sẽ bị chặn lại. Một khi nhà vua đã không lấy công lao để xét những người khôn ngoan và có đức hạnh, không lấy việc so sánh những tội lỗi để phạt những sai lầm mà lại nghe lời bọn gần gũi chung quanh thì bọn kẻ sĩ bất lực ở trong triều và bọn quan lại tham ô, ngu xuẩn sẽ nắm các chức vụ.
5. Cái lo của một nước có vạn cỗ xe là ở chỗ các quan đại thần được tôn trọng quá đáng. Cái lo của một nước có ngàn cỗ xe là ở chỗ những người chung quanh được tin dùng quá đáng. Đó là mối lo chung của những kẻ làm vua. Vả lại, bọn bầy tôi có tội lớn vì nhà vua có sơ suất lớn.
Cái lợi của vua và tôi là khác nhau. Làm thế nào để chứng minh điều ấy? Xin thưa: cái lợi của nhà vua là bổ nhiệm những người có khả năng làm quan. Cái lợi của bầy tôi là ở chỗ không có khả năng mà được làm quan. Cái lợi của vua là có công lao mới có tước lộc. Cái lợi của bầy tôi là ở chỗ không có công lao mà được giàu sang. Cái lợi của ông vua là ở chỗ người hào kiệt được trổ tài năng; cái lợi của bầy tôi là ở chỗ lập bè đảng làm việc riêng.
Cho nên nước bị chia cắt thì nhà riêng được giàu; nhà vua bị hạ thấp thì các quan đại thần được tôn trọng. Cho nên ông vua mất thế lực thi bầy tôi lấy được nước, ông vua phải làm phiên thần thì ông tướng quốc được chẻ phù. Do đó bầy tôi lừa dối nhà vua để mưu việc riêng.
Trong số bọn bầy tôi được quý trọng ngày nay khi thế lực nhà vua thay đổi nhưng họ vẫn giữ vững được ân sủng thì mười người không có đến hai ba người.
Tại sao thế? Vì tội của bầy tôi lớn. Bầy tôi có tội lớn. Hành động của họ là lừa vua, tội ấy đáng chết. Những kẻ sĩ khôn ngoan, nhìn xa thấy rộng, và sợ bị chết thế nào cũng không theo bọn bầy tôi được quý trọng. Những kẻ sĩ tài giỏi, đức hạnh liêm khiết và xấu hổ không chịu theo bọn gian thần lừa vua, thế nào cũng không theo những người được quý trọng. Như vậy thì bọn theo những người cầm quyền nếu không phải là ngu và không biết lo lắng thì nhất định là người nhơ bẩn không tránh việc gian tà.
Các quan đại thần nắm lấy bọn ngu si, nhơ bẩn, trên thì cùng lừa dối nhà vua, dưới thì cùng chúng thu lợi bèn rút nhân dân, kéo bè kéo đảng, tất cả một lời, lừa dối nhà vua, làm hỏng pháp luật, làm dân chúng và kẻ sĩ rối loạn, khiến cho nước nhà bị nguy, bị cắt, nhà vua vất vả nhục nhã. Đó là cái tội rất lớn. Làm bầy tôi có cái tội lớn mà nhà vua không cấm, đó là điều sai lầm lớn.
Ở trên nhà vua có sai lầm lớn, ở dưới bọn bầy tôi có tội lớn mà muốn cho nước không mất thì không thể nào được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.