Hàn Phi Tử

Thiên XLIII: Xác định phép tắc (Định pháp)



1. Có người hỏi: “Thân Bất Hại, Công Tôn Ưởng, lời nói của hai nhà này, lời của ai cần gấp cho nước hơn?”. Xin thưa: “Cái đó không thế nói được. Người ta không ăn mười ngày thì chết. Trời rét cóng, không mặc thì chết. Nói rằng quần áo và thức ăn cái nào cần gấp cho con người hơn, thì hai, cái này không thể thiếu cái nào: đó đều là những thì để nuôi dưỡng sự sống. Nay Thân Bất Hại nói đến thuật mà Công Tôn Ưởng nói đến pháp luật. Thuật là nhân trách nhiệm giao chức quan, theo tôn gọi mà yêu cầu sự thực. Nắm lấy cái quyền cho sống và giết chết, hiểu rõ năng lực của bầy tôi, đó là điều nhà vua nắm lấy. Pháp luật là mệnh lệnh ban bố rõ ràng ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ cẩn thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh! Đó là điều những bầy tôi phải tuân theo. Nhà vua không có thuật trị nước thì ở trên bị che đậy; bầy tôi mà không có pháp luật thì cái loạn sinh ra ở dưới. Hai cái không thể thiếu cái nào, đó đều là những công cụ của bậc đế vương.

2. Người hỏi nói: “Tại sao không thể chỉ có thuật trị nước mà không có pháp luật, chỉ có pháp luật mà không có thuật trị nước?”. Thưa ràng: “Thân Bất Hại, là người giúp cho Hàn Chiêu Hầu. Nước Hàn là một nước từ nước Tấn tách ra. Pháp luật cũ của nước Tấn chưa chấm dứt, mà những pháp luật mới của nước Hàn đã ra đời. Mệnh lệnh của tiên quân chưa thu lại mà những mệnh lệnh của ông vua sau đã ban ra. Thân Bất Hại nếu không chuyên lo về pháp luật của nó, nếu không làm cho mệnh lệnh thống nhất thì bọn gian sinh lắm việc. Hễ pháp luật cũ và mệnh lệnh trước đây có lợi cho người ta thì người ta theo nó, hễ pháp luật mới và mệnh lệnh sau có lợi cho người ta thì người ta theo nó. Cái lợi ở chỗ cái cũ và cái mới trái ngược nhau, cái trước và cái sau chống lại nhau thì theo. Như vậy thì tuy Thân Bất Hại mười lần khiến Hàn Chiêu Hầu dùng thuật, nhưng bọn gian thần vẫn còn cách đưa ra lời dối trá. Cho nên tuy dựa vào nước Hàn mạnh có vạn cỗ xe mà trong mười bảy năm vần không thể đạt được địa vị bá vương. Như vậy tuy ở trên dùng thuật trị nước, nhưng có mối lo các quan không trau giồi pháp luật.
Công Tôn Ưởng cai trị nước Tần, đặt ra quy chế tố cáo lẫn nhau để xét sự thực, cho các nhà kết thành từng nhóm năm nhà, mười nhà cùng nhau chịu tội, thường hậu mà chắc chắn, hình phạt nặng và dứt khoát. Vì vậy dân chúng dùng sức vất vả mà không nghỉ ngơi, đuổi theo quân địch gặp nguy hiểm mà không lùi. Nhờ vậy nước giàu, quân mạnh. Nhưng lại không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà làm giàu có cho các quan đại thần mà thổi. Đến lúc Tần Hiếu Công và Thương Quân chết, Huệ Vương lên ngôi pháp luật nước Tần chưa hỏng mà Trương Nghi đã lấy nước Tần để mưu lợi cho nước Hàn, nước Nguỵ. Tần Huệ Vương chết. Vũ Vương lên ngôi. Cam Mậu lấy nước Tần để mưu lợi cho nước Chu. Vũ Vương chết, Chiêu Tương Vương lên ngôi. Nhương Hầu vượt nước Hàn, nước Nguỵ để đánh nước Tề ở phía đông, suốt năm năm mà nước Tần không được thêm một thước đất, chỉ đắp thành cho đất phong Đào Ấp của ông ta. Ứng Hầu đánh nước Hàn tám năm, nhưng chỉ dẫn tới việc phong đất cho ông ta ở Nhữ Nam. Từ đó về sau, những người được tin dùng ở nước Tần đều thuộc loại ứng Hầu, Nhương Hầu cả.

Do đó, nếu như đánh thắng thì các đại thần được đề cao, thêm đất thì những đất phong riêng được lập vì nhà vua không có cái thuật để biết điều gian. Thương Quân tuy tìm mọi cách để tô vẽ cho pháp luật của mình nhưng các bầy tôi lại dùng nó một cách sai trái cho việc riêng của họ. Cho nên dựa vào cái cơ sở của nước Tần mạnh, trong mấy mươi năm vẫn không đạt đến đế vương. Đó là cái mối lo pháp luật tuy được các quan chăm chỉ trau giồi nhưng ở trên vẫn không có cái thuật để trị nước,
3. Người hỏi nói: “Nhà vua dừng cái thuật của Thân Tử, các quan thi hành pháp luật của Thương Quân có được không?”. Trả lời: “Thân Tử chưa đạt đến cái hoàn mỹ của thuật, Thương Quân chưa đạt đến cái hoàn mỹ của pháp luật”. Thân Tử nói: “Làm quan không được vượt chức quan, tuy biết cũng không nói”. Làm quan mà không vượt chức quan là nói giữ chức vụ của mình, cái đó được. Còn biết mà không nói thì cái đó sai. Bậc vua chúa lấy mắt một nước để trông nhìn, cho nên cái nhìn không ai sáng suốt bằng; lấy cái tai của một nước để nghe cho nên nghe không ai tỏ bằng. Nay bầy tôi biết mà không nói thì bậc vua chúa còn nhờ vào đâu mà nghe, mà thấy được?
Pháp luật của Thương Quân nói; “Chém được một đầu giặc thì thăng một cấp[74], còn muốn làm quan thì được chức quan năm mươi thạch lương. Chém được hai đầu giặc thì thưởng tước hai cấp, còn muốn làm quan thì được một chức quan một trăm thạch lương”. Việc thăng quan và tước là ăn khớp với cái công chém đầu giặc.
Ví thử nay có pháp luật nói: “Kẻ chém đầu giặc được làm thầy thuốc hay làm thợ mộc, thì bệnh sẽ không thôi mà nhà sẽ không thành. Thợ mộc là kẻ khéo tay và thầy thuốc là người biết thuốc. Thế nhưng lấy cái công chém đầu để giữ những chức vụ này thì không đúng với khả năng của họ.
Nay người làm quan là cốt ở tài năng và sự khôn ngoan. Việc chém đầu giặc thì cần có sức mạnh và sự dũng cảm. Lấy kẻ dũng cảm và có sức mạnh để làm chức quan là cái cần đến sự khôn ngoan và tài năng thì cũng như lấy cái công chém đầu giặc để làm thầy thuốc và làm thợ mộc vậy. Cho nên nói: “Hai người về một pháp luật và thuật trị nước đều chưa hoàn toàn giỏi”.

Chú thích:

 [74] Đây là nghĩa gốc của từ “thủ cấp”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.