Hàn Phi Tử

Thiên VII: Hai cái cán (Nhị bính)



1. Bậc vua sáng suốt sở dĩ lãnh đạo và chế ngự được bầy tôi chẳng qua chỉ nhờ hai cái cán mà thôi. Hai cái cán ấy là: hình và đức.
Hình và đức là gì? Xin thưa giết tróc gọi là hình phạt; khen thưởng gọi là ân đức. Kẻ làm tôi sợ bị giết, bị phạt mà có lợi ở chỗ được khen thưởng. Cho nên kẻ làm vua nếu tự mình dùng hình phạt và ân đức thì bầy tôi sợ cái uy của nhà vua mà chạy theo cái lợi của họ.

Bọn gian thần ở đời thì lại không thế. Ai họ ghét thì họ lợi dụng nhà vua để làm tội. Ai họ yêu thì họ lợi dụng nhà vua để thưởng. Nếu ông vua không thể khiến cho quyền uy và cái lợi của việc thưởng phạt xuất phát từ tay mình, mà thi hành thưởng phạt theo lời bọn bầy tôi thì những người trong nước sẽ sợ bọn bầy tôi mà coi thường nhà vua, sẽ theo bọn bầy tôi mà bỏ nhà vua. Cái lo của tình trạng nhà vua bỏ mất hình phạt và ân đức là thế.
Nói chung, sở dĩ con hổ có thể khiến cho con chó phục tùng nó là nhờ có nanh, có vuốt. Nếu con hổ bỏ nanh vuốt của nó đi mà trao cho con chó dùng thì con hổ ngược lại phải phục tùng theo con chó. Ông vua dùng hình phạt và ân đức để khống chế bầy tôi, nay ông vua bỏ hình phạt và ân đức của mình để trao cho bầy tôi sử dụng thì ông vua sẽ bị bầy tôi khống chế.
2. Điền Thường ở trên thì xin tước lộc để ban cho quần thần, ở dưới làm đấu hộc lớn hơn đấu hộc thường để làm ơn với trăm họ[10]. Thế là Tề Giản Công đã bỏ mất ân đức mà Điền Thường lại dùng cái ân đức ấy. Cho nên Tề Giản Công bị giết.

[10]  Điền Thường cho vay thì dùng thì đấu lớn, người ta trả thì đong bằng thứ đấu nhỏ nên người Tề quý ông ta.

Tử Hãn nói với vua Tống: “Việc khen thưởng và tặng cấp là điều dân chúng vẫn thích, xin bệ hạ tự làm lấy. Việc giết chóc và dùng hình phạt là điều dân chúng vẫn ghét, thần xin nhận làm”. Do đó, vua nước Tống bỏ mất hình phạt để trao cho Tử Hãn sử dụng. Kết quả, vua nước Tống bị cướp ngôi. Điền Thường chỉ dùng ân đức mà Giản Công bị giết. Tử Hãn chỉ dùng hình phạt mà vua Tống bị cướp ngôi.
Cho nên ngày nay nếu bầy tôi sử dụng cả hình phạt lẫn ân đức thì cái nguy của ông vua ở đời còn tệ hơn là cái nguy của Tề Giản Công và của vua Tống nữa. Cho nên những ông vua bị hiếp, bị giết, bị che đậy, bỏ mất hình phạt và ân đức trao cho bầy tôi mà lại không bị nguy vong là điều chưa hề có Bậc làm vua muốn cấm chuyện gian tà thì phải xét kỹ tên gọi và việc làm xem có hợp với nhau không. Phải xét xem việc làm có khác lời nói không.

Bầy tôi trình bày lời nói của mình, nhà vua căn cứ vào lời nói mà giao công việc, rồi căn cứ vào công việc mà xét kết quả. Nếu kết quả phù hợp với việc làm, việc làm phù hợp với lời nói thì thường. Nếu kết quả không phù hợp với việc làm, việc làm không phù hợp với lời nói thì phạt. Cho nên bầy tôi những ai nói thì lớn mà kết quả thì nhỏ đều bị phạt. Họ bị phạt không phải vì kết quả ít mà vì kết quả không phù hợp với lời nói. Bầy tôi nói nhỏ mà kết quả lớn cũng phạt. Họ bị phạt không phải vì nhà vua không thích kết quả lớn mà vì kết quả không phù hợp với tên gọi của nó. Điều đó còn nguy hại hơn là có công lớn, cho nên phạt.
Ngày xưa Hàn Chiêu Hầu say rượu, ngủ. Viên quan coi mũ của vua thấy nhà vua lạnh nên lấy áo đắp cho nhà vua. Nhà vua ngủ dậy vui lòng hỏi những người chung quanh: “Ai đã lấy áo đắp lên người ta?” Những người chung quanh nói: “Đó là viên quan coi mũ!”. Nhà vua bèn trị tội cả viên quan coi áo lẫn viên quan coi mũ. Trị tội viên quan coi áo vì anh ta đã không làm nhiệm vụ của mình. Trị tội viên quan coi mũ vì anh ta vượt chức vụ của mình. Không phải nhà vua không khổ vì lạnh, nhưng bởi vì cái hại của việc vượt quá trách nhiệm còn lớn hơn là bị lạnh.
Cho nên khi bậc vua sáng nuôi bầy tôi, bầy tôi không được vượt chức quan để có công lao, không được nói những lời không đúng chỗ. Vượt quá chức quan thì chết. Nói những lời không đúng chỗ thì bị tội. Nếu những người làm quan nói lời nào cũng xác thực thì bầy tôi không thể kết bè kết đảng với nhau được.
4. Ông vua có hai mối lo: nếu dùng người hiền thì bầy tôi sẽ lợi dụng cái giỏi của họ để lấn át nhà vua. Nếu dùng người bừa bãi thì công việc sẽ hỏng. Cho nên ông vua nếu thích người hiền thì bầy tôi sẽ tô vẽ hạnh kiểm của mình để làm vừa lòng nhà vua. Như vậy thì tình thực của bầy tôi sẽ không bày tỏ được. Tình thực của bầy tôi đã không bày tỏ được thì nhà vua không có cách gì phân biệt được bầy tôi.
Cho nên vua nước Việt thích dũng cảm mà dân nhiều người coi nhẹ cái chết. Linh Vương nước Sở thích người lưng eo mà trong nước có nhiều người nhịn đói chết. Hoàn Công nước Tề hay ghen và ưa đàn bà, cho nên Thụ Điêu tự hoạn mình để vào cung. Hoàn Công thích ăn ngon cho nên Dịch Nhà nấu đầu con mình để dâng. Tử Khoái nước Yên thích người hiền cho nên Tử Chi bày cho ông ta không làm vua để nhường nước cho mình.
Cho nên khi nhà vua để lộ cái mình ghét thì cái bầy tôi che giấu cái xấu của họ. Khi nhà vua để lộ cái mình muốn thì bầy tôi khoe khoang tài năng của họ. Điều ham muốn của nhà vua đã lộ ra thì bầy tôi có dịp biểu hiện tình cảm và trạng thái của mình cho thích hợp. Vì vậy cho nên Tử Chi giả làm người hiền mà cướp được ngôi của nhà vua. Thụ Điêu, Dịch Nhà lợi dụng lòng ham muốn của nhà vua mà lấn được nhà vua. Kết quả là Tử Khoái chết vì nội loạn, Hoàn Công dòi bò ra ở xác chết chưa được chôn. Tại sao thế? Đó là vì nhà vua để bầy tôi lợi dụng tình cảm của mình. Tình thực của bầy tôi không phải nhất thiết có thể yêu vua mình, chẳng qua vì ham lợi mà thôi.
5. Nay nếu các ông vua không che giấu tình cảm, không giấu cái đầu mối, khiến cho bọn bầy tôi có thể lợi dụng để xâm lấn mình, thì bọn bầy tôi làm Tử Chi, Điền Thường không khó gì vậy. Cho nên nói: “Bỏ yêu bỏ ghét thì bầy tôi bộc lộ tình thực của họ; bầy tôi bộc lộ tình thực của họ thì nhà vua không bị che lấp”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.