Hàn Phi Tử
QUYỂN III – Thiên X: Mười điều quấy (Thập quá)
Mười điều quấy là: Một là, làm điều trung nhỏ tức là làm hại đến điều trung lớn. Hai là, ham lợi nhỏ tức là hại đến lợi lớn. Ba là, làm điều sai trái theo ý riêng của mình, vô lễ với chư hầu, tức là thân mình sắp mất. Bốn là, không lo nghe đến việc cai trị mà thích âm nhạc, tức là thân mình sẽ bị nguy khốn. Năm là, tham lam, thích lợi tức là cái gốc của việc thân chết nước mất. Sáu là, say mê nữ nhạc, không đoái hoài đến chính sự trong nước, tức là cái hoạ mất nước. Bảy là, bỏ cung điện đi chơi xa không nghe lời can gián, tức là con đường làm cho thân mình bị nguy. Tám là, đã sai rồi nhưng không nghe lời người tôi trung, cứ độc làm theo ý mình, tức là cái đầu mối làm cho danh cao bị mất và bị thiên hạ chê cười. Chín là, bên trong không lượng sức mình, bên ngoài cậy vào chư hầu, tức là cái hoạ nước bị chia cắt. Mười là, nước nhỏ mà vô lễ không nghe những vị thần can ngăn, tức là tình trạng dòng dõi bị diệt vậy.
1. Thế nào gọi là điều trung nhỏ?
Ngày xưa Cung Vương nước Sở đánh nhau với Lệ Vương nước Tấn ở Yên Lăng. Quân nước Sở thua, Cung Vương bị thương ở mắt.
Trong lúc chiến đấu đang hăng, quan tư mã là Tử Phản khát nước, đòi uống. Tên lính hầu Cốc Dương đưa cho ông ta một chén rượu. Tử Phản nói: “Ôi chao! Thôi ngay, rượu đấy mà”. Cốc Dương thưa: “Không phải rượu đâu”. Tử Phản nhận lấy mà uống.
Tử Phản vốn là người ham rượu nên thích, uống mãi không thôi, nên say vùi.
Chiến đấu xong, Cung Vương lại muốn chiến đấu nữa, sai người triệu quan tư mã Từ Phản. Tư mã Tử Phản viện cớ đau tim, từ chối. Cung Vương thân hành đi xe ngựa đến bước vào trong màn, ngửi thấy mùi rượu nồng nặc trở về nói: “Trong trận chiến đấu hôm nay quả nhân bị thương, người nhờ cậy là quan tư mã. Nhưng quan tư mã lại say như thế, thế là làm mất xã tắc nước Sở mà không thương xót đến dân ta. Ta không muốn chiến đấu nữa”.
Bèn thu binh về chém quan tư mã Tử Phản để trừng phạt. Cho nên tên lính hầu Cốc Dương dâng rượu không phải là vì thù Tử Phàn. Nhưng cái bụng trung yêu nhỏ nhặt của anh ta là đủ giết chết Tử Phản, cho nên nói: Cái trung nhỏ thì làm hại đến cái trung lớn vậy.
2. Thế nào gọi là ham cái lợi nhỏ?
Ngày xưa vua Hiến Công nước Tấn muốn mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc. Tuân Tức nói:
“Bệ hạ hãy lấy ngọc bích Thuỳ Cức và cỗ xe ngựa Khuất Sản đút cho vua nước Ngu để xin mượn đường. Thế nào ông ta cũng sẽ cho mượn đường”,
Nhà vua bảo: “Ngọc bích Thuỳ Cức là vật báu của đức tiên quân ta. Ngựa đất Khuất Sản là con tuấn mã của ta. Nếu họ lấy vật tặng của ta mà không cho mượn đường thì thế nào?”. Tuân Tức thưa: “Nếu họ không cho ta mượn đường thì nhất định không dám nhận quà tặng của ta. Còn nếu như họ nhận quà tặng của ta mà cho ta mượn đường thì vật báu của ta cũng như là lấy ở cái kho bên trong rồi cất ở cái kho bên ngoài, và ngựa quý của ta cũng như lấy ở tàu ngựa bên trong rồi nhốt ở tàu ngựa bên ngoài mà thôi. Xin bệ hạ chớ lo”. Nhà vua nói: “Phải”.
Bèn sai Tuân Tức lấy ngọc bích Thuỳ Cức và cỗ xe ngựa Khuất Sản đút lót cho vua nước Ngu để mượn đường. Ngu Công tham ngọc bích, và con ngựa muốn nghe theo.
Cung Chi Kỳ can: “Không thể cho mượn. Nước Ngu có nước Quắc cũng như xe có bánh xe. Bánh xe dựa vào xe, nhưng xe cũng dựa vào bánh xe. Tình thế của nước Ngu và nước Quắc là như thế.
Nếu như cho họ mượn đường thì nước Quắc mất buổi sáng là nước Ngu mất buổi chiều. Không thể được. Xin đừng cho”.
Vua nước Ngu không nghe, bèn cho nước Tấn mượn đường. Tuân Tức đánh nước Quắc xong, kéo quân về.
Được ba năm, đem quân đánh nước Ngu và lấy nước ấy. Tuân Tức đem ngựa và ngọc bích về trao lại cho Hiến Công. Hiến Công vui và nói: “Ngọc bích vẫn hệt như xưa, nhưng răng ngựa thì có dài hơn”.
Tại sao quân Ngu Công lại thua và đất lại bị cướp? Vì ông ta ham cái lợi nhỏ mà không nghĩ đến cái hại lớn. Cho nên nói: Ham cái lợi nhỏ là hại đến cái lợi lớn vậy.
3. Thế nào gọi là làm điều sai trái?
Ngày xưa Linh Vương nước Sở hội họp chư hầu ở đất Thân. Thái tử nước Tống đến sau, nhà vua bắt cầm tù. Sau đó ông ta lại khinh rẻ vua nước Từ và bắt giữ Khánh Phong nước Tề.
Quan trung xạ sĩ nói: “Hội họp chư hầu không nên vô lễ, đó là then chốt của sự tồn vong. Ngày xưa vua Kiệt họp ở Hữu Nhung mà Hữu Mân làm phản. Vua Trụ tổ chức cuộc đi săn mùa xuân ở Lê Khâu mà người Nhung, người Địch làm phản. Đó là vì vô lễ. Xin bệ hạ nghĩ cho”. Nhà vua không nghe, vẫn làm theo ý mình. Chưa được chẵn một năm, Linh Vương đi chơi phía nam, bọn bầy tôi đi theo ức hiếp nhà vua bắt ông ta bị chết đói ở trên sông Càn Khê.
Cho nên nói: “Làm điều sai trái theo ý riêng của mình, vô lễ với chư hầu tức là thân mình sắp mất đấy”.
4. Thế nào gọi là thích âm nhạc?
Ngày xưa vua Linh Công nước Vệ sắp sang nước Tấn, đến sông Bộc Thuỷ thì mở xe, thả ngựa, lập trại để nghỉ. Nửa đêm, nghe gẩy một điệu nhạc mới lấy làm thích.
Sai hỏi những người chung quanh. Tất cả đều nói là không nghe. Ben gọi Sư Quyên đến hỏi: ”Có người gảy bản nhạc mới, ta cho người hỏi những người chung quanh, thì đều bảo là không nghe. Tình trạng có vẻ như là quỷ thần. Nhà người hãy vì ta nghe và chép lại”. Sư Quyên đáp: “Xin vâng”. Bèn ngồi yên lặng, ôm dàn cầm để đánh lại điệu nhạc.
Sáng hôm sau Sư Quyên nói: “Thần đã học được nhưng chưa lập quen. Xin ở lại một đêm nữa để tập”. Linh Công nói: “Được”. Nhân đó ở lại thêm một đêm. Hôm sau tập xong, bèn sang nước Tấn.
Tấn Bình Công bày tiệc rượu ở đài Thi Di. Rượu say, Linh Công đứng dậy nói: “Có một điệu nhạc mới, xin gẩy để nghe”.
Bình Công nói: “Hay lắm”. Linh Công bèn cho gọi Sư Quyên đến, cho ngồi cạnh Sư Khoáng. Sư Quyên cầm đàn gẩy lên. Gẩy chưa xong, Sư Khoáng chặn lại bảo; “Đó là cái âm thanh mất nước, không thể nghe hết!”. Bình Công nói: “Bàn nhạc này ở đâu ra?”. Sư Khoáng thưa: “Đó là bản nhạc do Sư Diên làm ra để cho vua Trụ chơi bời phóng túng. Đến khi vua Vũ Vương phạt Trụ, Sư Diên chạy về phía đông, đến sông Bộc Thuỷ thì gieo mình xuống nước. Cho nên nghe bản nhạc này thì nhất định là ở trên sông Bộc Thuỷ. Người nào nghe bản nhạc này trước thì thế nào nước cũng bị mất. Không thể nghe trọn”. Bình Công nói: “Quả nhân chí thích có âm nhạc. Ông cứ bảo ông ta đàn cho hết”. Sư Quyên gảy hết bản nhạc.
Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Bản nhạc này gọi là gì?”. Sư Khoáng nói: “Đó là bản Thanh Thương”. Bình Công hỏi: “Có phải bản Thanh Thương là bàn nhạc buồn nhất không?”. Sư Khoáng đáp: “Không buồn bằng bản Thanh Chuỷ “. Bình Công nói: “Ta có thể nghe bản Thanh Chuỷ được không?”. Sư Khoáng thưa: “Không thể được. Ngày xưa những người nghe bản Thanh Chuỷ đều là những ông vua có đức có nghĩa. Nay bệ hạ đức nghĩa mỏng, không đủ để nghe”. Bình Công bảo: “Quả nhân chỉ thích có âm nhạc, muốn thử nghe xem”. Sư Khoáng bất đắc dĩ cầm đàn cầm gảy.
Vừa mới gảy một khúc đã có hai lần tám con hạc đen từ phương nam đến đậu ở nóc cửa cung. Gảy xong hai khúc thì chúng sắp thành hàng, gảy ba khúc thì chúng vươn dài cổ lên mà kêu, vỗ cánh mà múa, âm thanh hợp với điệu cung, điệu thương, tiếng vang lên trời. Bình Công cả mừng, cử toạ đều thích.
Bình Công cầm chén rượu đứng lên chúc thọ Sư Khoáng rồi lại ngồi xuống và hỏi: “Có bản nhạc nào buồn hơn bản Thanh Chuỷ không?”. Sư Khoáng đáp: “Chưa hàng bản Thanh Giốc”. Bình Công hói: “Có thể nghe được bản Thanh Giốc không?”. Sư Khoáng thưa: “Không thể được. Ngày xưa Hoàng Đế hội họp quỷ thần ở trên núi Thái Sơn. Đi chiếc xe ngà do sáu con giao long kéo. Thần Tất Phương đi đầu đẩy trục xe Xi Vưu đi trước, thần gió quét phía trước, thần mưa rưới đường, hổ, sói đi trước, quỷ thần theo sau. Rồng nằm dưới đất, phượng hoàng phù lên trên. Trong buổi hội họp lớn, các quỷ thần làm ra bản Thanh Giốc. Nay bệ hạ đức mỏng, không đủ để nghe. Nghe nó sợ có điều hại vong”. Bình Công nói: “Quả nhân già rồi, chỉ thích có âm nhạc mà thôi. Chỉ mong được nghe nốt”. Sư Khoáng bất đắc dĩ phải gảy.
Mới gảy một khúc đã có một đám mây đen từ phía tây bắc kéo đến. Gảy khúc thì hai, gió lớn nổi lên, xé toang màn trướng, làm vỡ chén đĩa, làm rớt ngói ở hành lang. Những người ngồi bỏ chạy tán loạn. Bình Công sợ hãi, nằm nép ở căn phòng của hành lang.
Nước Tấn bị đại hạn, đất đỏ ba năm. Tấn Bình Công bị bệnh năng. Cho nên nói: “Không lo chính sự mà thích âm nhạc mãi, thì thân mình sẽ nguy khốn”.
5. Thế nào gọi là tham lam bướng bỉnh?
Ngày xưa Trí Bá Dao cầm đầu các họ Triệu Nguỵ, Hàn đánh họ Phạm và họ Trung Hàng, và diệt hai họ này. Sau khi trở về. Trí Bá nghỉ binh vài năm rồi lại sai người đòi đất nước Hàn.
Hàn Khương Tử muốn không cho. Đoàn Quy can rằng: “Không thể không cho, Trí Bá là con người ham lợi và kiêu ngạo, bướng bỉnh. Ông ta cho người đến xin đất mà ta không cho thì thế nào ông ta cũng đem binh đánh nước Hàn. Xin bệ hạ cứ cho. Ông ta được cho quen thói, sẽ đòi đất nước khác. Nước khác nếu có kẻ không nghe thì thế nào Trí Bá cũng đem quân đánh. Như vậy, nước Hàn sẽ tránh được mối lo để đợi tình hình biến đổi”. Khương Tử nói: “Phải”. Bèn sai sứ giả đưa cho Trí Bá một huyện có vạn nhà.
Trí Bá lại sai người đòi đất nước Nguỵ. Nguỵ Tuyên Tử định không cho.
Triệu Đoạn Can nói: “Ông ta đòi đất nước Hàn, nước Hàn cho. Nay ông ta đòi đất nước Nguỵ, mà nước Nguỵ không cho. Như vậy là nước Nguỵ cậy cái thế mạnh bên trong nhưng bên ngoài làm cho Trí Bá giận. Nếu ta không cho thế nào ông ta cũng đem binh đến đánh nước Nguỵ “. Tuyên Tử nói: “Phải”. Bèn sai người dâng cho Trí Bá một huyện có vạn nóc nhà.
Trí Bá lại sai người sang nước Triệu xin đắt Thái và đất Cao Lang.
Triệu Tương Tử không cho. Trí Bá ngầm ước hẹn với nước Hàn và nước Nguỵ để cùng nhau đánh nước Triệu. Tương Tử mời Trương Mạnh Đàm đến, bảo ông ta: “Trí Bá là người bên ngoài tử tế nhưng bên trong độc ác. Đã ba lần sai sứ giả đến Hàn, Nguỵ thế mà quả nhân không cho ông ta đất. Thế nào ông ta cũng sẽ đem quân đến đánh quả nhân. Nay ta nên ở đâu cho yên? . Trương Mạnh Đàm nói: “Đổng Ư Vu là một bầy tôi giỏi của Triệu Giản Chủ. Ông ta cai trị thành Tấn Dương. Doãn Đặc lại noi theo gương ông ta, giáo hoá sót lại của ông ta vẫn còn. Bệ hạ chỉ nên ở Tấn Dương mà thôi”. Nhà vua nói: “Phải”.
Bèn cho gọi Diên Lăng Sinh đến, sai đem quân xe, quân kỵ đến Tấn Dương trước, nhà vua nhân đó đi theo. Nhà vua thân hành đi kiểm tra thành quách và các kho của năm vị quan coi kho thì thấy thành quách không sửa sang, kho lúa không tích trữ thóc, kho tiền không tích trữ tiền, kho vũ khí không có áo giáp và vũ khí, trong ấp không có đồ để bảo vệ.
Tương Tử sợ, bèn gọi Trương Mạnh Đàm đến nói: “Quả nhân thân hành đi xem thành quách và vật chứa chất trong năm kho, thấy đều không chuẩn bị đầy đủ. Ta biết lấy gì để đối phó với quân địch”. Trương Mạnh Đàm thưa: “Thần nghe nói cái trị của bậc thánh nhân là giấu ở dân không giấu ở kho lúa, kho tiền, lo trau giồi việc giáo hoá chứ không lo sửa sang thành quách. Xin bệ hạ cứ ra lệnh, bảo dân giữ thức ăn ba năm, thóc thừa thì đưa vào kho thóc, tiền thừa ra thì đưa vào kho tiền, còn những người nào rỗi rãi thì sai sửa sang thành quách”.
Nhà vua ra lệnh buổi chiều hôm trước thì sáng hôm sau kho lúa không còn chỗ để chứa thóc, kho tiền không còn chỗ để chứa tiền, kho vũ khí không còn chỗ để chứa áo giáp và vũ khí. Trong vòng năm ngày thành quách đã sửa xong, việc phòng bị đã đầy dù.
Nhà vua sai gọi Triệu Mạnh Đàm đến hỏi: “Thành quách ta đã sửa sang xong, việc phòng bị đã có đủ, tiền và thóc đã có đẩy, áo giáp và binh khí có thừa. Nhưng ta chưa có tên bắn thì làm thế nào?” Trương Mạnh Đàm nói: “Thần nghe nói họ Đổng khi cai trị thành Tấn Dương, tường các nhà công đều trồng lau, sậy, cây sở để làm hàng rào. Có cây cao đã một trượng. Bệ hạ cứ chặt mà dùng”. Bèn sai chặt và làm thử thì thấy tên tre cũng không thể cứng hơn.
Nhà vua nói: “Tên của ta đã đủ rồi, nhưng không có kim loại thì làm thế nào?”. Trương Mạnh Đàm nói: “Thần nghe nói Đồng Tử cai trị thành Tấn Dương, các ngôi nhà công và cung điện đều lấy đồng làm cột trụ, làm đế cột. Bệ hạ cứ lấy những cột này mà dùng”. Bèn lấy ra mà dùng thì kim loại có thừa.
Hiệu lệnh đã ban ra, sự phòng bị đã đầy đủ, quân đội ba nước kéo đến. Vừa đến, họ liền xông đến thành Tấn Dương. Cuộc chiến đấu diễn ra. Đánh ba tháng mà vẫn không lấy được thành.
Ba nước bèn dàn quân ra để bao vây, khơi nước sông Tấn Dương cho chảy vào thành, vây thành Tấn Dương ba năm, người Tấn Dương làm lỗ trên cây mà ở, treo nồi để nấu ăn. Thức ăn sắp hết, các kẻ sĩ và các quan đại phu bị bệnh, ốm yếu.
Triệu Tương Tử nói với Trương Mạnh Đàm: “Lương thực thiếu, tài sản sức lực hết, kẻ sĩ và các đại phu bệnh tật mệt mỏi, ta sợ không thô giữ được. Muốn nộp thành để hàng thì nên nộp thành và hàng nước nào?”. Trương Mạnh Đàm thưa: “Thần nghe nói: “Kẻ mất thì không thể bảo tồn, đã nguy thì không thể yên ổn, như thế không thể coi sự khôn ngoan làm quý nữa. Xin bệ hạ bỏ cái kế ấy đi. Thần xin thì lẻn lội nước ra ngoài yết kiến vua Hàn và vua Nguỵ “.
Trương Mạnh Đàm yết kiến vua Hàn và vua Nguỵ và nói: “Thần nghe nói: Môi hở răng lạnh. Nay Trí Bá chỉ huy hai nhà vua để đánh nước Triệu, nước Triệu sắp mất. Nước Triệu mất thì đến lượt hai ngài đấy”. Hai ông vua nói: “Ta vẫn biết thế. Nhưng Trí Bá là con người hay ngờ vực mà ít thân ai. Mưu của ta mà lộ ra thì cái hoạ thể nào cũng đến. Nên làm thế nào?”. Trương Mạnh Đàm nói: “Cái mưu là thốt ra từ miệng của hai ngài và lọt vào tai của thần, không ai biết điều đó”. Hai ông vua bèn cùng Trương Mạnh Đàm ước hẹn ba quân làm phản, định ngày khởi sự. Ban đêm cho Trương Mạnh Đàm vào thành Tấn Dương để báo tin cho Tương Tử biết hai ông vua làm phản. Tương Tử đón Mạnh Đàm, lạy hai lạy, vừa lo vừa mừng.
Hai ông vua đã ước hẹn với Trương Mạnh Đàm, nhân chầu Trí Bá ra về, gặp Trí Quá ở ngoài cửa doanh trại. Trí Quá thấy sắc mặt hai người, lấy làm lạ, bèn đến yết kiến Trí Bá nói: “Hai nhà vua có vẻ , như sắp gây biến”. Trí Bá hỏi: “Như thế nào ?”. Trí Quá nói: “Hai người đi nghênh ngang và ý vênh vang, không phải dè dặt như trước đây. Bệ hạ phải ra tay trước đi”. Trí Bá nói: “Ta cùng hai ông vua giao ước cẩn thận, lấy được nước Triệu thì chia ba nước này, quả nhân thân với họ, chắc chắn họ không lừa dối quả nhân. Quân đội đã đến Tấn Dương ba năm nay, hôm nay sáng chiều sẽ lấy được thành để hưởng lợi, lẽ nào họ có bụng dạ khác. Chắc không phải thế. Nhà ngươi đừng lo, cũng đừng nói ra miệng”.
Sáng hôm sau, hai ông vua lại đến chầu rồi đi ra, lại gặp Trí Quá ở cửa quân doanh, Trí Quá vào yết kiến Trí Bá nói: “Bệ hạ đã đem lời của thần nói với hai ông vua rồi chăng?”. Trí Bá hỏi: “Tại sao ông biết?”. Trí Quá đáp: “Hôm nay hai ông vua vào chầu rồi đi ra, thấy thần, vẻ mặt họ thay đổi, mắt nhìn thần chăm chú. Thế nào cũng có biến đây! Không bằng bệ hạ giết họ đi”. Trí Bá nói: “Xin ông để mặc đừng nói nữa”. Trí Quá nói: “Không được. Bệ hạ phải giết họ. Nếu như không thể nào giết họ thì phải thân với họ”. Trí Bá nói: “Thân với họ bằng cách nào?”. Trí Quá nói: “Mưu thần của Nguỵ Tuyên Tử là Triệu Đoan, mưu thần của Hàn Khương Tử là Đoàn Quy. Đó đều là những người có thể thay đổi cái kế của vua họ. Bệ hạ hãy cùng hai ông vua kia ước hẹn; nếu lấy được nước Triệu thì phong cho hai ông này mỗi người một huyện có vạn ngôi nhà. Như vậy thì bụng của hai ông vua có thể không thay đổi”. Trí Bá nói: “Phá nước Triệu để chia nước làm ba, rồi lại phong cho hai ông kia mỗi người một huyện có vạn ngôi nhà, thế thì phần ta có được quá ít. Không được”.
Trí Quá thấy lời nói của mình không được nghe, bỏ đi, nhân đấy đổi họ mình thành họ Phụ.
Đến đêm ước hẹn, họ Triệu giết người giữ đê của mình, dẫn nước làm ngập quân đội của Trí Bá. Quân đội Trí Bá lo cứu nước mà thành rối loạn. Nước Hàn và nước Nguỵ thừa cơ đánh thọc vào hai bên sườn, Tương Tử dẫn quân đánh mặt trước, đánh quân Trí Bá thua to, và bắt Trí Bá. Trí Bá thân chết, quân bị phá, nước chia làm ba, bị thiên hạ cười. Cho nên nói: Tham lam bướng bỉnh thích lợi đó là cái gốc của việc mất nước hại thân mình.
6. Thế nào gọi là ham mê nữ nhạc?
Ngày xưa, vua Nhung sai Do Dư đến triều cống nước Tần. Tần Mục Công hỏi ông ta: “Quả nhân thường nghe nói đạo nhưng chưa được nhìn thấy tận mắt, muốn nghe nói các bậc vua sáng ngày xưa được nước, mất nước là căn cứ vào đâu?”. Do Dư đáp: “Thần thường được nghe: hễ cần kiệm thì được, hễ xa xỉ thì mất”. Mục Công hỏi: “Quả nhân đã không ngại xấu hổ hỏi ông về đạo, ông lại nói đến chuyện cần kiệm là tại làm sao?”. Do Dư đáp: “Thần nghe ngày xưa, Nghiêu có được thiên hạ, ăn trong bát đất, uống trong chén đất. Đất đai phía nam đến Giao Chỉ, phía bắc đến u Đô, phía đông và phía tây đến chỗ mặt trời mặt trăng mọc và lặn. Không ai không thần phục. Nghiêu nhường thiên hạ. Ngu Thuấn nhận lấy, làm đồ để ăn, đẵn cây trên núi, rồi cưa bào cho trơn, lấy sơn và mực bôi lên, rồi đưa vào cung để làm vật đựng thức ăn. Chư hầu cho đó là xa xỉ, có mười ba nước không phục. Vua Thuấn nhường thiên hạ cho Hạ Vũ. Hạ Vũ làm đồ tế tự bên ngoài sơn đen, bên trong sơn đỏ, gối làm bằng lụa trắng, chiếu cói có viền, chén và bình rượu có màu, chén rượu và mâm có trang sức, như thế lại càng xa xỉ. Có ba mươi ba nước không phục theo. Nhà Hạ mất đi, nhà Ân nối tiếp. Làm xe lớn, dựng lá cờ có chín tua, những đồ đựng thức ăn, chén rượu và bình có chạm trổ, bốn bức vách có sơn trắng, gối, chiếu vẽ hoa văn, như thế lại càng xa xỉ. Và có đến năm mươi ba nước không phục. Những người quân tử đều biết văn vẻ thì số người phục theo càng ít. Cho nên thần nói cần kiệm là đạo vậy”.
Do Dư đi ra, Mục Công cho mời quan nội sử là Liêu đến và kể lại, nói: “Quả nhân nghe nói nước láng giềng có bậc thánh nhân thì đó là mốt lo cho nước địch. Nay Do Dư là bậc thánh nhân, quả nhân lo lắng, quả nhân nên làm như thế nào?”. Quan nội sử Liêu nói: “Thần nghe nói chỗ ở của vua Nhung héo lánh, xa xôi chưa từng nghe nhạc Trung Quốc, xin bệ hạ đem nữ nhạc đến cho ông ta để làm rối loạn chính sự, sau đó xin hoãn ngày về của Do Dư để cho Do Dư đỡ can ngăn. Vua tôi họ có chỗ hở thì sau đó mới có thể tính chuyện được”. Mục Công nói: “Phải”.
Bèn sai nội sử Liên đem hai đoàn nữ nhạc mỗi đoàn tám người tặng cho vua Nhung, nhân đấy xin hoãn ngày về của Do Dư. Vua Nhung ưng thuận.
Vua Nhung thấy nữ nhạc thì thích, đặt tiệc rượu uống mãi, ngày thì nghe nhạc, suốt năm không rời, bỏ ngựa chết mất một nửa. Do Dư trở về, nhân đấy can ngăn vua Nhung, vua Nhung không nghe. Do Dư bèn bỏ sang nước Tần. Tần Mục Công đón và cho làm thượng khanh. Hỏi ông ta về quân đội, tình thế và địa hình.
Sau khi đã biết rõ, đem quân đánh nước Nhung, chiếm mười hai nước, mở đất ngàn dặm. Cho nên nói: ham mê nữ nhạc không đoái hoài đến chính sự trong nước đó là cái hoạ mất nước vậy.
7. Thế nào gọi là bỏ cung điện đi chơi xa?
Ngày xưa Điền Thành Tử đi chơi ngoài biển, rất thích, ra lệnh cho các quan đại phu nói: “Ai nói chuyện về thì chết”. Nhan Trọc Tụ nói: “Bệ hạ chơi ngoài biển và thích, nếu có bầy tôi mưu cướp nước thì thế nào? Bệ hạ dù vui điều này nhưng làm sao còn vui được nữa?”. Điền Thành Tử nói: “Quả nhân đã ra lệnh nói: “Ai nói đến chuyện về thì chết”, nay nhà người phạm lệnh quả nhân”. Bèn cầm giáo định đâm. Nhan Trọc Tự nói: “Ngày xưa vua Kiệt giết Quan Long Bàng và vua Trụ giết Tỷ Can, nay bệ hạ giết cái thân của thần, thế là thành ba người đấy. Thần nói là vì việc nước chứ không phải vì thân mình”. Rồi vươn cổ tiến lên phía trước nói: “Bệ hạ cứ đâm đi!”. Nhà vua bèn buông giáo, lên xe về kinh đô. Về được ba ngày thì nghe tin người trong nước có âm mưu không cho Điền Thành Tử vào.
Sở dĩ Điền Thành Tử còn giữ được nước Tề là nhờ có Nhan Trọc Tụ. Cho nên nói: Bỏ nước đi chơi xa đó là cái đạo làm nguy đến thân mình vậy.
8. Thế nào gọi là có lỗi lầm mà không nghe người trung thần?
Ngày xưa Tề Hoàn Công chín lần hội họp chư hầu, một lần cứu được thiên hạ, làm người đầu tiên trong ngũ bá. Quản Trọng giúp ông ta. Quản Trọng già không thể làm việc, nghỉ ở nhà. Hoàn Công đến thăm và hỏi: “Trọng phụ có bệnh ở nhà, nếu không may bệnh này không khỏi thì chính sự nên trao cho ai?”. Quản Trọng nói: “Thần đã già rồi không thể hỏi được nữa. Tuy nhiên, thần nghe nói: “Biết bầy tôi không ai bằng nhà vua, biết con không ai bằng cha! Bệ hạ hãy thử quyết định theo bụng mình xem”.
Hoàn Công nói: “Bão Thúc Nha thế nào?”. Quản Trọng đáp: “Không được. Bảo Thúc Nha là người cứng rắn, lại bướng bỉnh. Cứng thì dùng điều mạnh mẽ phạm đến dân, bướng bỉnh thì không được lòng dân, ngang ngạnh thì dân không chịu theo và lòng họ không sợ. Đó không phải là người giúp cho bậc bá vương”.
Hoàn Công hỏi: “Vậy thì Thụ Điêu như thế nào?”. Quản Trọng đáp: “Không được. Phàm tình cảm con người không ai không thương yêu thân mình. Bệ hạ hay ghen và thích đàn bà, Thụ Điêu tự hoạn mình để cai quản trong hậu cung. Đến cái thân của mình còn chẳng thương thì làm sao có thể thương yêu nhà vua được?”.
Hoàn Công nói: “Thế thì công tử nước Vệ là Khai Phương thế nào?”. Quản Trọng nói: “Không được. Nước Tề và nước Vệ cách nhau chẳng quá mười ngày đường. Khai Phương thờ bệ hạ. Vì muốn làm bệ hạ vừa lòng nên mười lăm năm không về nhà thăm cha mẹ. Đó không phải là cái tình cảm thông thường của con người. Cha mẹ anh ta mà anh ta còn không thân thì thân làm sao với bệ hạ được?“.
Hoàn Công hỏi: “Vậy thì Dịch Nha thế nào?”. Quản Trọng nói: “Không được. Dịch Nha coi việc ăn uống cho nhà vua. Nhà vua chỉ còn chưa nếm thịt người nữa mà thôi. Dịch Nha chưng đầu con mình để dâng lên. Tình cảm con người không ai không yêu con mình. Nay anh ta chưng đầu con mình để cho bệ hạ xơi. Con anh ta anh ta còn không thương thì làm sao có thể thương bệ hạ được?”.
Hoàn Công hỏi: “Thế thì ai được?”. Quản Trọng đáp: “Thấp Bằng được. Ông ta là người bên trong thì vững chắc mà bên ngoài thì liêm, ít ham muốn mà được nhiều người tin. Phàm con người bên trong vững chắc thì đủ để làm gương mẫu, bên ngoài liêm thì có thể đảm đương nhiệm vụ to lớn, ít ham muốn thì có thể cai trị nhân dân, được nhiều người tin thì có thể thân với các nước láng giềng. Xin bệ hạ dùng ông ta”. Nhà vua bảo: “Được”.
Được hơn một năm, Quản Trọng mất. Hoàn Công không dùng Thấp Bằng mà lại dùng Thụ Điêu.
Thụ Điêu cầm quyền ba năm. Hoàn Công đi chơi phía nam ở Đường Phụ, Thụ Điêu cầm đầu bọn Dịch Nha, công tử nước Vệ là Khai Phương và các quan đại thần làm loạn. Hoàn Công đói khát mà chết tại phòng ngủ ở Nam Môn, là căn phòng của nhà vua. Chết đã ba tháng mà không chôn, dòi bò ra đến cửa.
Cho nên quân đội của Hoàn Công hoành hành trong thiên hạ, làm người đầu liên của ngũ bá, nhưng cuối cùng lại bị bầy tôi giết, danh tiếng lớn bị mất và bị thiên hạ cười.
Tại sao thế? Lỗi ở chỗ không dùng lời của Quản Trọng.
Cho nên nói: Có lỗi lầm mà không nghe lời người trung thần, cứ làm theo ý mình, thì giết chết cái danh tiếng lớn của mình, là đầu mối cho thiên hạ chê cười vậy.
9. Thế nào gọi là bên trong không lượng sức mình?
Ngày xưa nước Tần đánh Nghi Dương, nước Hàn bị nguy cấp. Công Trọng Bằng nói với vua Hàn: “Những nước đồng minh với mình không thể nhờ cậy được. Chẳng bằng nhờ Trương Nghi mà hoà hiếu với nước Tần. Ta đem một đô thành nổi tiếng đút cho nước Tần, quay mặt về phía nam cùng nước Tần đánh nước Sở. Như vậy thì bỏ được cái hại vì nước Tần mà chuyển nó sang cho nước Sở”. Nhà vua nói: “Phải”. Bèn ra lệnh cho Công Trọng Bằng thi hành, sắp đi sang phía tây hoà hiếu với nước Tần.
Vua Sở nghe vậy lo sợ, cho gọi Trần Chẩn đến, bảo ông ta: “Công Trọng Bằng của nước Hàn sắp đi sang phía tây hoà hiếu với nước Tần, nay nên làm như thế, nào?”. Trần Chẩn thưa: “Nước Tần được một đô thành của nước Hàn, sẽ xua đạo quân tinh nhuệ. Nước Tần và nước Hàn hợp làm một đem quân về hướng nam đánh Sở, đó là cái điều vua Tần vẫn cầu xin trong những lời cầu nguyện ở tôn miếu. Rõ ràng điều đó là có hại cho nước Sở. Bệ hạ nên nhanh nhanh sai vị thần được tin cậy đem nhiều xe và lễ vật để nói với vua Hàn: “Nước của tôi tuy nhỏ nhưng binh sĩ đã huy động rồi, xin nước lớn cứ ra uy với nước Tần, và xin gửi sứ giả vào nước tôi để xem nước Sở huy động binh sĩ”.
Vua Hàn sai sứ giả đến nước Sở. Vua Sở nhân thế sai sắp xe trận và kỵ binh ở đường cái phía bắc và nói với sứ giả nước Hàn: “Nhờ báo với vua Hàn là quân đội của tệ ấp nay sắp vào biên giới đây”. Sứ giả trở về báo với vua Hàn. Vua Hàn cả mừng, bảo Công Trọng ngừng việc sang nước Tần. Công Trọng nói: “Không được. Lấy cái thực để nói với ta đó là nước Tần, lấy cái tiếng là cứu ta đó là nước Sở. Nghe lời nói suông của nước Sở mà xem nhẹ cái hoạ thực sự của nước Tần, đó là cái gốc làm nước nguy”. Vua Hàn không nghe. Công Trọng nổi giận trở về nhà, mười ngày không ra chầu.
Thành Nghi Dương ngày càng nguy cấp, vua Hàn sai sứ giả liên tiếp kéo nhau sang nước Sở. Lọng và mũ đầy đường nhưng quân đội không đến. Cuối cùng thành Nghi Dương mất, bị chư hầu cười. Cho nên nói: Bên trong không lượng sức mình mà nhờ cậy chư hầu bên ngoài, đó là mối lo nước bị cắt vậy.
10. Thế nào gọi là nước nhỏ mà vô lễ?
Ngày xưa công tử nước Tấn là Trùng Nhĩ lưu vong, đi qua nước Tào. Vua nước Tào yêu cầu ông ta cởi trần cho mình xem[12]. Ly Phụ Ky và Thúc Chiêm đứng hầu trước mặt nhà vua. Thúc Chiêm nói với vua Tào: “Thần xem công tử nước Tấn là ngươi phi thường, bệ hạ đối xử vô lễ với ông ta. Nếu có ngày ông ta về được nước mà cất quân thì sợ là nguy hại đến nước Tào. Chẳng bằng bệ hạ giết ông ta đi”. Vua Tào không nghe.
Ly Phụ Ky về nhà không vui. Người vợ hỏi: “Ông từ ngoài về sắc mặt không vui là vì sao?”. Phụ Ky nói: “Ta nghe nói: nhà vua có phúc thì cái phúc không đến phần ta; nhưng có hoạ thì cái hoạ liên luỵ đến ta. Hôm nay, nhà vua mời công tử nước Tấn, nhưng tiếp đãi ông ta vô lễ. Ta đứng trước mặt. Ta vì vậy không vui”. Bà vợ nói: “Tôi xem công tử nước Tấn là ông vua có vạn cỗ xe. Những người chung quanh đi theo ông ta là bậc tướng quốc của nước có vạn cỗ xe. Nay ông ta cùng khốn phải lưu vong đi qua nước Tào. Vua Tào đối xử vô lễ với ông ta. Nếu ông ta về nước được thì thế nào cũng giết kẻ vô lễ, và nước Tào sẽ là nước đầu tiên. Tại sao ông không lo tỏ tình riêng với ông ta trước đi?”. Phụ Ky nói: “Phải”. Bèn bỏ vàng vào bình, trên để cơm, đặt ngọc bích lên trên. Ban đêm sai người đưa cho công tử.
Công tử tiếp sứ giả, lạy hai lạy, nhận thức ăn mà trả lại ngọc bích. Công tử từ nước Tào vào nước Sở, rồi từ nước Sở vào nước Tần.
Vào nước Tần được ba năm, Tần Mục Công triệu quần thần lại bàn mưu: “Ngày xưa Tấn Hiến Công giao du với quả nhân, chư hầu không ai không biết. Hiến Công không may rời bỏ bầy tôi, trên dưới đã mười năm. Con nối nghiệp của ông ta không tốt, ta sợ tôn miếu ông ta sẽ không được tế tự, xã tắc sẽ không có cúng tế. Như thế mà không xác lập trật tự thì không phải là cái đạo giao du. Ta muốn giúp Trùng Nhĩ trở về nước Tấn, các người nghĩ sao?”. Quần thần đều nói: “Phải”.
Vua Tần bèn cất quân, đem năm trăm cỗ xe bọc da, hai ngàn quân kỵ, năm vạn quân bộ giúp Trùng Nhĩ trở về nước Tấn, lập làm vua Tấn.
Trùng Nhĩ lên ngôi được ba năm thì cất quân đánh nước Tào. Ra lệnh cho vua Tào: “Bắt Thúc Chiêm đưa ra. Ta sẽ giết hắn trị tội nặng”. Lại sai người nói với Ly Phụ Ky: “Quân ta sẽ phá thành. Ta biết ông không xúc phạm đến ta. Ông hãy đánh dấu cái xóm của mình. Quả nhân sẽ ra lệnh, khiến binh sĩ không xâm phạm đến”. Người nước Tào nghe thế đem thân thích đến giữa xóm của Ly Phụ Ky đến trên bảy trăm nhà. Đó là cái công dụng của lễ.
Nước Tào là nước nhỏ, nằm ép ở giữa nước Tấn và nước Sở, nhà vua nguy ngập như trứng chồng lên nhau, mà lại đối xử vô lễ, cho nên mới bị tuyệt nòi.
Cho nên nói: “Nước nhỏ mà vô lễ, không nghe lời can ngăn của bầy tôi thì đó là cái thế đời bị đứt vậy”.
Chú thích:
[12] Người ta nói Trùng Nhĩ xương sườn liền nhau
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.