Hàn Phi Tử

QUYỂN XIII – Thiên XXXIV: Sưu tập những chuyện bên ngoài – Phần dưới, đoạn trên – (Ngoại trữ thuyết, hữu thượng)



Nhà vua mà cai trị được bầy tôi là nhờ ba nguyên lý:
I. Khi cái thế của mình không đủ để cảm hoá người ta thì phải khử đi. Câu trả lời của Sư Khoáng và lời dặn của Án Tử đều là vứt bỏ cái thế dễ làm mà nói đến cái đức hạnh khó làm. Như thế là giống như chạy thi với thú vật, chứ chưa biết cách trừ mối lo. Cách trừ mối lo là theo lối Tử Hạ nói về Kinh Xuân Thu. Kẻ khéo nắm lấy cái thế thì sớm cắt đứt được cái gian khi mới manh nha. Cho nên Quý Tôn trách Trọng Ni vượt cái thế của ông ta, huống nữa là cái thế của nhà vua? Vì vậy cho nên Thái Công Vọng giết Cuồng Dạt và kẻ nô tỳ không cưỡi ngựa ký. Tự Quân biết thế cho nên không cưỡi con nai, Tiết Công biết thế cho nên cùng hai người cùng đánh bạc. Những người này đều biết cái lợi và cái hại của Vua và bầy tôi là khác nhau. Cho nên bậc vua sáng nuôi bầy tôi. Chuyện nuôi quạ chứng minh điều đó.
II. Bậc vua chúa là cái đích của lợi hay hại, do đó nhiều người nhằm vào, cho nên bậc làm vua chúa bị lừa dối. Vì vậy cho nên nếu bậc vua chúa để lộ cái yêu và cái ghét của mình thì những người dưới sẽ nhân đó làm cho vua chúa bị lừa. Lời nói vua chúa mà thông suốt xuống dưới thì bọn bầy tôi sẽ làm hại tới lời nói và vua chúa không còn là thần thánh nữa.

Chuyện Thận Tử nói về sáu điều thận trọng, và Đường Dịch nói về cái tên buộc dây chứng minh điều đó. Cái lo là ở chỗ Quốc Dương xin thay đổi và Tuyên Tử thở dài. Chuyện Tịnh Quách Quân dâng mười hoa tai và Tê Thủ, Cam Mậu đào hang nghe trộm nói lên điều đó. Đường Khuê Công biết thuật trị nước cho nên hỏi về cái chén ngọc, Chiêu Hầu nắm được thuật trị nước nên ngủ một mình. Cái đạo của bậc chúa sáng là ở lời Thân Từ khuyên nhà vua quyết định một mình.
III. Thuật trị nước không thi hành được là có lý do. Người bán rượu nếu không giết con chó của mình đi thì rượu sẽ chua. Nói chung, nước cũng có con chó của nó, những người chung quanh nhà vua đều là loại chuột của nhà thờ xã. Các bậc vua chúa không làm như Nghiêu giết hai lần, như Trang Vương trả lời thái tử, mà đều như bà già họ Bạc hỏi bà già họ Thái trước khi quyết định. Kẻ khôn cốt ở chỗ biết lấy cái phép dạy hát để thử trước. Ngô Khởi bỏ người vợ yêu, Văn Công giết Điền Hiệt đều làm trái với tình cảm mình. Cho nên những kẻ có thể khiến người ta nặn cái nhọt của mình chắc phải là những kẻ chịu được đau.
1-1. Kẻ nào thưởng và khen mà không thể khuyến khích, phạt và chê bai mà không thể làm cho anh ta sợ, thi hành cả bốn sách này rồi mà vẫn không thay đổi thì phải giết đi.
1-2. Tề Cảnh Công sang nước Tấn, cùng uống rượu với Tấn Bình Công. Sư Khoáng ngồi hầu. Tề Cảnh Công: hỏi Sư Khoáng về chính trị “Thái sư có gì dạy quả nhân?” Sư Khoáng nói: “Xin bệ hạ ban ơn cho dân mà thôi”. Giữa tiệc đang uống rượu say, lúc sắp đi ra, Cảnh Công lại hỏi Sư Khoáng về chính trị: “Thái sư có gì để dạy quả nhân?”. Sư Khoáng đáp: “Bệ hạ xin ban ơn cho dân mà thôi”. Cảnh Công đi ra đến nhà khách xá, Sư Khoáng tiễn, nhà vua lại hỏi Sư Khoáng về chính trị. Sư Khoáng nói: “Xin bệ hạ ban ơn cho dân mà thôi”. Cảnh Công trở về, suy nghĩ, chưa tỉnh rượu đã hiểu ý của Sư Khoáng! “Công tử Vĩ và công tử Hạ là hai người em của Cảnh Công, rất được lòng dân nước Tề, nhà giàu sang nhưng dân đều thích, họ sánh ngang với công thất. Cái đó là nguy cho địa vị của ta. Nay ông ta bảo ban ơn cho dân, chẳng phải là khiến ta cùng hai em tranh dân đó sao?”. Do đó, Cảnh Công về nước, mở kho thóc để cấp cho dân nghèo, phân tán của cải thừa trong kho để cho những người còn mồ côi và những người goá bụa. Kho lúa không có thóc cũ, kho tiền không có của thừa. Đàn bà trong cung không hầu hạ nhà vua thì đều gả chồng. Những người bảy mươi tuổi được ban lộc bằng gạo. Ban hành ân đức đối với dân, cùng với hai em tranh dân. Được hai năm, hai người em bỏ nước chạy trốn. Công tử Hạ chạy sang nước Sở, công tử Vĩ chạy sang nước Tần.
1-3. Cảnh Công cùng Án Tử chơi ở Thiếu Hải. Trèo lên đài Bách Tẩm, ngắm nhìn nước của mình mà nói: “Đẹp quá! Mênh mông quá! Uy nghi quá! Đời sau ai sẽ hưởng cái này?”, Án Tử thưa: “Họ Điền Thành chăng?”. Tề Cảnh Công nói: “Quả nhân làm chủ nước này tại sao ông lại nói họ Điền Thành sẽ làm chủ?”, Án Tử thưa: “Họ Điền Thành rất được lòng dân Tề. Họ đối với dân ở trên thì xin tước lộc để cấp cho các quan đại thần; ở dưới dùng đấu, hộc lớn để cho vay; dùng đấu, hộc nhỏ để nhận thóc. Khi giết một con bò thì ông ta chỉ lấy một đĩa thịt còn nữa thì để nuôi kẻ sĩ. Suốt năm, vải và lụa ông ta chỉ lấy hai chế (tức là ba mươi sáu thước) còn nữa để cho kẻ sĩ mặc. Cho nên giá gỗ ngoài chợ không đắt hơn giá gỗ trên núi, giá cá, muối, rùa, trai, sò, ốc, không đắt hơn ở ngoài biển. Bệ hạ thu thuế nặng nhưng họ Điển Thành lại cho nhiều. Nước Tề thường đói to, những người chết đói bên đường không thể đếm xiết. Cha con dìu dắt nhau chạy đến họ Điền Thành không nghe nói có ai phải chết. Cho nên khắp dân nước Tề ca hát với nhau: “Nên ca hay lại nên dừng? Điền Thành gạo trắng phải chăng nên về?”. Kinh thi nói: “Tuy không ban đức cho người, xin ca xin múa một bài mừng vui”. Nay cái đức của họ Điền Thành làm cho dân chúng ca múa, cái đức của dân theo về ông ta rồi. Cho nên tôi nói: “Phải chăng là họ của Điền Thành?”. Cảnh Công khóc nước mắt đầm đìa, nói: “Thế chẳng phải là buồn sao? Quả nhân làm chủ nước mà họ Điền Thành lại sẽ hưởng được nước. Bây giờ làm thế nào?”, Án Tử nói: “Bệ hạ có gì phải lo? Nếu như bệ hạ muốn đoạt lại, thì hãy ở gần những người hiền, tránh xa những người hư hỏng, sửa đổi những điều rối loạn, nới hình phạt, phát chẩn cho kẻ nghèo và thương xót tới những người mồ côi và goá bụa, thi hành ân huệ để trợ cấp cho những kẻ không có đủ. Như thế dân sẽ theo về bệ hạ. Có mười họ Điền Thành cũng làm gì được bệ hạ?”.
Có người nói: Tề Cảnh Công không biết dùng cái thế, còn Sư Khoáng, Án Tử không biết trừ mối lo. Con người đi săn, dựa vào sự yên ổn của cái xe, dùng chân của sáu con ngựa, sai Vương Lương cầm dây cương, thì thân mình đã không mệt mỏi mà lại dễ dàng đuổi kịp những con thú chạy nhanh. Nay lại bỏ cái lợi của xe cộ, bỏ cái chân của sáu con ngựa và cái tài đánh xe của Vương Lương, mà xuống chạy bộ đuổi theo con thú thì dù có cặp chân của Lâu Quý cũng không có thì giờ đuổi kịp con thú. Nếu dựa vào con ngựa tốt, cỗ xe vững thì bọn nô tỳ cũng làm thừa sức. Nước là cái xe của nhà vua, cai thế là con ngựa của nhà vua. Nay không dựa vào cái thế để ngăn cấm, trừng trị bầy tôi tranh tình yêu của dân mà lại đòi lấy cái đức dày để cùng lo tranh dân với bầy tôi, thì đó đều là những người không cưỡi cái xe của vua, không dùng cái lợi của con ngựa, bỏ xe mà chạy bộ dưới đất. Cho nên nói: “Tề Cảnh Công là ông vua không biết dùng cái thế của mình mà Sư Khoáng, Án Tử đều là những bầy tôi không biết trừ mối lo vậy”.
1-4. Tử Hạ nói: “Kinh Xuân thu chép việc tôi giết vua, con giết cha đến hàng chục lần. Những điều đó đều không phải chuyện một ngày mà sinh ra, mà nó chất chứa dần dần rồi mới sinh ra”. Phàm kẻ gian, làm lâu thì thành kết quả, kết quả thành thì sức nhiều, sức nhiều thì có thể giết người. Cho nên bậc vua chúa sáng suốt sớm tiêu diệt họ. Nay Điền Thường (tức Điền Thành) làm loạn, đã dần dần thấy rồi, thế nhưng nhà vua không trị, Án Tử không khiến nhà vua cấm bọn bầy tôi xâm lấn nhà vua mà lại khiến ông vua của mình thi hành ân huệ, kết quả Giản Công (con Cảnh Công) mới chịu cái hoạ của ông ta. Cho nên Tử Hạ nói: “Kẻ khéo nắm lấy cái thế của mình thì sớm trừ cái mầm gian dối”.
1-5. Quý Tôn làm tướng quốc nước Lỗ. Tử Lộ làm quan lệnh đất Hậu. Nước Lỗ, tháng năm sai dân chúng đào một cái mương dài. Tử Lộ lấy thóc của chức quan của mình nấu cháo mời những người đào mương ở ngã đường Ngũ Phụ để cho họ ăn. Khổng Tử nghe vậy, sai Tử Cống đến đổ cháo đi, đập vỡ đồ dùng, nói: “Vua nước Lỗ có dân, nhà ngươi vì cớ gì lại cho họ ăn?”. Tử Lộ nổi giận bừng bừng, xắn tay áo lên vào hỏi: “Thầy ghét Do làm điều nhân nghĩa sao? Điều con học với thầy là nhân nghĩa, người nhân nghĩa cùng chung cái mình có với thiên hạ, và cùng hưởng lợi với thiên hạ. Nay tại sao lại cho Do lấy thóc của chức quan của mình nuôi dân là không được?”. Khổng Tử nói: “Anh Do quê mùa lắm! Ta tưởng là anh biết điều đó rồi, nhưng anh vẫn chưa biết. Anh không biết lễ đến thế ư? Anh nuôi họ là vì anh yêu họ. Lễ là như thế này: thiên tử yêu thiên hạ, chư hầu yêu nước mình, đại phu yêu chức quan của mình, kẻ sĩ yêu nhà mình. Vượt quá cái phạm vi mình yêu là xâm lấn. Nay vua Lỗ có dân mà anh lại tranh lấy việc yêu dân. Thế là anh xâm lấn đấy, chẳng phải là vu khoát sao?”.
Nói chưa dứt lời, thì Quý Tôn đã cho người đến trách: “Phì (tên của Quý Tôn) huy động dân và sai khiến họ, tiên sinh khiến học trò bảo họ ngừng công việc và cho họ ăn, có phải định cướp đoạt của Phì không?”. Khổng Tử lên xe rời khỏi nước Lỗ
Người hiền như Khổng Tử, Quý Tôn lại không phải là vua nước Lỗ thế mà còn lấy cái thế của bầy tôi mượn cái thuật của nhà vua, sớm cấm khi nó chưa lộ ra, khiến Tử Lộ không thể thi hành cái ân huệ riêng của mình để làm cái hại không thể sinh ra được, huống nữa là nhà vua? Lấy cái thế của Tề Cảnh Công mà không cho Điền Thường xâm lấn thì nhất định không có mối lo cướp ngôi, giết vua vậy.
1-6. Thái Công Vọng được phong ở đất Tề, ở phía đông. Trên bờ biển đông nước Tề có hai cư sĩ là Cuồng Duật và Hoa Sĩ. Đó là hai anh em ruột. Hai người lập ước với nhau: “Chúng ta không làm bầy tôi của thiên tử, không bạn với chư hầu. Cày cấy để ăn, đào giếng để uống. Chúng ta không cầu gì ở người đời, không có cái tiếng ở trên người ta, không có lộc của nhà vua, không lo làm quan mà dựa vào sức của mình”. Thái Công Vọng đến Dinh Khâu, sai quan lại bắt giết đi lấy đó làm người giết đầu tiên.
Chu Công Đán ở nước Lỗ nghe thế vội vàng cho người đến hỏi: “Hai người kia là những người hiền. Ngày nay ông được hưởng nước lại giết người hiền là cớ làm sao?”.
Thái Công Vọng đáp: “Hai anh em kia lập ước với nhau nói: “Chúng ta không làm bầy tôi của thiên tử, không làm bạn với chư hầu. Lo cày cấy mà ăn, đào giếng mà uống. Chúng ta không cầu gì ở người đời, không có cái tiếng ở trên người ta, không có cái lộc của nhà vua, không lo làm quan mà dựa vào cái sức của mình”.
Họ không làm bầy tôi của thiên tử thì Vọng không thể coi họ là bầy tôi; họ không làm bạn với chư hầu thì Vọng không thể sai khiến được họ; họ cày cấy mà ăn, đào giếng mà uống không đòi hỏi ở người đời, thì Vọng không thể thưởng phạt, khuyên cấm gì họ được. Vả lại, nếu không có cái tiếng ở trên người khác thì dù có khôn cũng không làm việc cho Vọng. Họ không trông chờ cái lộc của nhà vua, thì dù họ hiền, họ cũng không lập công lao cho Vọng. Không làm quan thì không trị được. Không nhận chức vụ thì không trung.
Vả lại, cái khiến cho tiên vương sai khiến được người ta nếu không đủ để sai khiến họ, như thế thì Vọng làm vua của ai? Không mang áo giáp chiến đấu mà nổi tiếng, không tự mình cày, bừa mà có danh, lại có cái để dạy những người trong nước. Nay có con ngựa ở đây, hình dáng như là con ngựa ký, con ngựa tốt nhất trong thiên hạ. Nhưng nếu như thúc nó, nó không tiến lên; kéo nó lui, nó không dừng lại; bảo nó đi qua bên trái, nó không qua bên trái, bắt nó qua bên phải, nó không qua bên phải; thì kẻ nô tỳ tuy hèn cũng không thể nhờ cậy cái chân của nó được. Kẻ nô tỳ sở dĩ muốn nhờ cái chân của ngựa ký là vì ngựa ký có thể đuổi theo cái lợi, tránh được cái hại. Nay nó không để cho người ta sử dụng, thì bọn nô tỳ tuy hèn cũng không nhờ cậy cái chân của nó. Tự cho mình là những kẻ sĩ tài giỏi ở đời mà lại không để cho chủ dùng; đức hạnh hết sức hiền nhưng không để cho nhà vua dùng. Đó không phải là những người bộc chúa sang dùng làm bầy tôi được, cũng như con ngựa ký mà không thể bắt qua bên trái, bắt qua bên phải được vậy. Vì vậy cho nên tôi giết”.
Một thuyết khác nói: Thái Công Vọng được phong ở phía đông, là đất Tề, ở biển có vị hiền già tên là Cuồng Duật. Thái Công Vọng nghe tiếng đến mời. Ba lần bỏ ngựa trước cửa nhưng Cuồng Duật vẫn không tiếp. Thái Công Vọng giết đi.
Lúc bấy giờ Chu Công Đán ở nước Lỗ, ruổi ngựa đến ngăn lại. Nhưng khi đến thì đã giết mất rồi. Chu Công Đán hỏi: “Cuồng Duật là bậc hiền trong thiên hạ. Tại sao thầy lại giết ông ta?”. Thái Công Vọng nói: “Cuồng Duật có ý định không làm bầy tôi của thiên từ, không làm bạn với chư hầu, tôi sợ ông ta làm rối loạn pháp luật, thay đổi giáo hoá cho nên cho là người phải giết trước. Nay có con ngựa ở đây, hình dáng giống con ngựa ký, nhưng thúc giục thì nó không đi, kéo nó thì nó không tiến, thì kẻ nô tỳ cũng không thể nhấc cái chân của nó để lên bánh xe của mình”.

1-7. Như Nhĩ thuyết Vệ Tự Quân. Vệ Tự Quân thích nhưng thở dài. Những người chung quanh nói: “Tại sao ngài không cho ông ta làm tướng quốc?”.
Công nói: “Con ngựa giống như con nai thì giá ngàn vàng. Nhưng chỉ có con ngựa ngàn vàng mà không có con nai ngàn vàng, vì con ngựa để cho người ta dùng mà con nai không để cho con người dùng. Nay Như Nhĩ là vị tướng quốc vạn cỗ xe, bên ngoài có cái ý làm việc nước lớn. Bụng ông ta không ở nước Vệ thì tuy có biện luận giỏi và khôn ngoan cũng không để cho quả nhân dùng. Ta vì thế không cho ông ta làm tướng quốc”.
1-8. Tiết Công làm tướng quốc cho Nguỵ Chiêu Hầu. Những người chung quanh có hai người là Dương Hồ, Phan Kỳ được nhà vua rất trọng nhưng không theo Tiết Công, Tiết Công rất lo.
Tiết Công bèn mời họ đánh cờ, cho mỗi người một trăm lạng vàng và bảo hai người đánh với nhau. Lát sau, lại cho mỗi người thêm hai trăm lạng nữa. Đang đánh cờ, có người tiếp khách nói Trương Quý đang ở ngoài cửa. Tiết Công nổi giận, cầm binh khí trao cho người tiếp khách, nói: “Giết nó đi! Ta nghe nói Trương Quý không theo Văn này”. Người tiếp khách đứng một lát.
Lúc bấy giờ Quý Vũ đứng bên cạnh nói: “Không phải thế. Tôi trộm nghe ông Quý lòng lo cho ngài chỉ có điều ông ta kín đáo, ngài chưa nghe đó thôi”. Công bèn bỏ cái ý giết khách, dùng lễ lớn để tiếp, nói: “Trước đây nghe nói ông Quý không nghĩ đến Văn này, nên tôi muốn giết đi. Nay biết ông ta thành tâm nghĩ đến Văn, vậy Văn đâu dám quên ông Quý”.
Sai người coi kho lúa lấy một ngàn thạch thóc, sai người coi kho tiền dâng năm trăm nén vàng, bảo người giữ chuồng ngựa riêng của mình dâng ngựa tốt, cỗ xe chắc hai cỗ. Nhân đó, sai đem những người thiếp đẹp trong cung hai mươi người đều cho Quý. Hai anh em sinh đôi nhân đó bảo nhau: “Theo Công thế nào cũng có lợi, không theo Công thế nào cũng bị hại. Bọn chúng mình tiếc cái gì mà không theo Công?”. Nhân thế, họ đua nhau theo Tiết Công. Tiết Công lấy cái thế của bầy tôi, mượn cái thuật trị nước của bậc vua chúa, mà cái hại không thể xảy ra huống nữa cái thuật ấy lại nằm trong tay bậc vua chúa?

I-9. Phàm kẻ nuôi quạ thì cắt những lông phía dưới của nó đi. Nó bị cắt lông cánh ở dưới thì thế nào cũng phải nhờ người ta cho ăn, làm sao mà không bị thuần dưỡng được? Bậc vua sáng nuôi bọn bầy tôi cũng thế, khiến cho bọn bầy tôi không thể không hưởng lợi nhờ cái lộc của vua, không thể không vâng theo cái danh hiệu trên ban cho. Đã hưởng lợi nhờ cái lộc của vua, lại mang cái danh hiệu của bề trên, không phục theo sao được?
II-1. Thân Tử nói: “Cái sáng suốt của người trên mà lộ ra, thì người ta đề phòng nhà vua. Cái không sáng suốt của nhà vua lộ ra thì người ta lừa nhà vua. Cái khôn của ông ta nếu lộ rõ thì người ta lừa ông ta, nếu cái không khôn của ông ta mà lộ rõ thì người ta giấu giếm ông ta. Cái không ham muốn của bề trên nếu lộ rõ thì người ta rình ông ta, cái ham muốn của ông ta lộ rõ thì người ta nhử ông ta. Cho nên nói: “Ta không dựa vào cái gì để biết được sự việc, chỉ dựa vào cái vô vi là có thể xét được”.
II-2. Điền Tử Phương hỏi Đường Dịch Cúc: “Người bắn tên cột dây phải thận trọng về việc gì?”. Thưa: “Chim có mấy trăm con mắt nhìn ông, ông chỉ có hai con mắt để khống chế nó, ông phải cẩn thận chỗ nấp”. Điền Tử Phương nói: “Phải đấy. Cái ông dùng vào việc bắn thì tôi dùng vào việc trị nước”. Kẻ trưởng giả nước Trịnh nghe vậy nói: “Điền Tử Phương biết muốn nấp, nhưng chưa biết lấy cái gì để nấp. Hư tỉnh vô vi, không biểu lộ cái gì hết, đó là cái chỗ nấp vậy”.
Một thuyết khác, Tề Tuyên Vương hỏi Đường Dịch Tử: “Bắn tên dây cái gì quan trọng nhất?”. Đường Dịch Tử nói: “Ở chỗ nấp cẩn thận”. Nhà vua nói: “Nấp cẩn thận là thế nào?”. Thưa: “Chim lấy mấy mươi con mắt nhìn người, người lấy hai con mắt nhìn chim. Lẽ nào lại không cẩn thận về chỗ nấp. Cho nên nói phải cẩn thận về chỗ nấp”. Nhà vua nói: “Như vậy thì cai trị thiên hạ lấy cái gì để làm chỗ nấp như thế? Nay bậc vua chúa lấy hai con mắt để nhìn một nước, một nước lấy vạn con mắt để nhìn ông vua. Phải làm như thế nào để tự làm chỗ nấp?”. Thưa: “Người trưởng lão nước Trịnh có nói: “Hư tĩnh vô vi không biểu lộ cái gì hết”; Cái đó phải chăng là chỗ nấp?”.

II-3. Quốc Dương được vua nước Trịnh quý trọng. Nghe nói nhà vua ghét mình, nhân lúc hầu rượu, ông ta nói với nhà vua: “Nếu không may thần có cái gì sai trái, xin bệ hạ ban ơn cho thần biết, để thần sửa đổi, như thế thì thần tránh được tội chết”.
11-4. Có người khách thuyết Hàn Tuyên Vương. Hàn Tuyên Vương thích nhưng thở dài. Những người chung quanh lấy việc nhà vua thích nói trước cho người khách biết để làm ơn đức.
II-5. Tịnh Quách Quân làm tướng quốc nước Tề. Bà vương hậu chết, chưa biết nhà vua sẽ lập ai làm hậu. Bèn dâng đôi hoa tai bằng ngọc để thử.
Một thuyết nói: Tiết Công làm tướng quốc nước Tề. Phu nhân của Tề Uy Vương chết, trong cung có mười người được nhà vua yêu quý. Tiết Công muốn biết trước nhà vua muốn lập người nào làm phu nhân để xin nhà vua lập người đó. Nếu nhà vua nghe mình thì lời nói của ông được nhà vua nghe và ông sẽ được phu nhân trọng. Nếu nhà vua không nghe thì cái thuyết của mình không được dùng và mình sẽ bị người phu nhân được lập coi thường. Ông ta muốn biết trước xem nhà vua muốn lập người nào để khuyên nhà vua lập người ấy. Ông bèn sai làm mười đôi hoa tai bằng ngọc, trong đó có một đôi đẹp nhất rồi dâng cho nhà vua. Vua đem cho mười bà vua yêu. Hôm sau ông ngồi xem người nào đeo đôi hoa tai đẹp và khuyên nhà vua lập người ấy làm phu nhân.
II-6. Cam Mậu làm tướng quốc của Tần Huệ Vương. Huệ Vương yêu Công Tôn Diễn, có nói riêng với ông ta: “Quả nhân sẽ làm cho nhà ngươi làm tướng quốc”. Một người lại của Cam Mâu do lỗ hở nghe được điều đó, đến nói với Cam Mậu. Cam Mậu vào yết kiến nhà vua, nói: “Bệ hạ có được vị tướng quốc hiền, thần xin lạy hai lạy để mừng”. Nhà vua hỏi: “Quả nhân giao nước cho ông, làm gì có vị tướng quốc nào nữa?”. Thưa: “Bệ hạ sẽ cho Tê Thủ[52] làm tướng quốc”. Nhà vua hỏi: “Ông làm sao mà biết?”. Cam Mậu thưa: “Tê Thủ nói với thần”. Nhà vua giận Tê Thủ đã tiết lộ, bèn đuổi Tê Thủ.
Một thuyết khác. Tê Thủ là một viên tướng tài trong thiên hạ và là tôi của Lương Vương. Vua Tần muốn có được ông ta để cùng cai trị thiên hạ.

Tê Thủ nói: “Diễn là bầy tôi của người ta, không dám rời cái nước của chủ mình”. Được chẵn một năm, Tê Thủ có tội với Lương Vương, chạy trốn sang nước Tần. Vua Tần rất trọng đãi ông ta.
Vu Lý Tật là tướng nước Tần, sợ Tê Thủ thay mình làm tướng, khoét lỗ ở nơi nhà vua thường dùng để nói chuyện kín, ít lâu sau, quả nhiên nhà vua bảo Tê Thủ: “Ta muốn đánh nước Hàn, nên làm như thế nào?”. Tê Thủ nói: “Mùa thu có thể đánh được”. Nhà vua nói: “Ta muốn phiền ông trị nước, ông chớ tiết lộ”. Tê Thủ bước lùi đi ra, lạy hai lạy, nói: “Xin vâng mệnh”. Vu Lý Tật nhờ khoét lỗ mà biết được việc này. Các lang trung đều nói: “Mùa thu sẽ khởi binh đánh nước Hàn, Tê Thủ làm tướng”. Ngày hôm đó, các lang trung đều biết. Trong tháng đó cả nước đều biết.
Nhà vua gọi Vu Lý Tử đến hỏi: “Điều này sao mà ầm ầm như thế, việc này do đâu mà có?”. Vu Lý Tử nói:” Hình như do Tê Thủ đấy”: Nhà vua nói: “Ta không hề nói chuyện này với Tê Thủ. Vì sao Tê Thủ lại nói?”. Vu Lý Tử nói: “Tê Thủ là người sống tạm bợ ở đây, mới phạm tội, bụng ông ta cô độc, cho nên nói để được nhiều người theo”. Nhà vua nói: “Phải đấy”. Cho người mời Tê Thủ. Tê Thủ đã bỏ trốn sang nước chư hầu.
II-7. Đường Khê Công nói với Hàn Chiêu Hầu: “Nay có cái chén ngọc ngàn vàng, nhưng không có đáy. Có thể dùng nó đựng nước không?”. Chiêu Hầu nói: “Không đựng được”. Đường Khê Công hỏi: “Có cái hũ sành nhưng không thủng, có thể đựng rượu được không?”. Chiêu Hầu nói: “Đựng được”. Đường Khê Công nói: “Cái hũ sành là vật tồi nhất, nhưng nếu không thủng thì có thể đựng rượu được. Tuy có cái chén ngọc ngàn vàng, rất quý, nhưng không thể đựng nước được vì không có đáy, bị thủng, như vậy thì ai dám đổ rượu vào đấy?
Nay kẻ làm vua chúa nhưng để lộ lời nói của mình cho bầy tôi nghe thì cũng giống như cái chén ngọc không có đáy vậy. Tuy có khôn ngoan sáng suốt hết mực cũng không thể nào làm hết cái thuật trị nước của mình bởi vì để lộ”. Chiêu Hầu nói: “Phải đấy”.
Chiêu Hầu nghe lời Đường Khê Công, từ đó về sau, muốn làm việc lớn trong thiên hạ, vẫn luôn luôn ngủ riêng một mình. Sợ mình nằm mơ nói ra khiến người ta biết được cái mưu của mình.

Một thuyết khác. Đường Khê Công yết kiến Hàn Chiêu Hầu, nói: “Nay có cái chén bằng bạch ngọc nhưng không có đáy và có cái chén sành nhưng có đáy, bệ hạ khát nước, thì sẽ uống cái chén nào?”. Nhà vua nói: “Uống cái chén sành”. Đường Khê Công nói: “Cái chén bạch ngọc tuy quý nhưng bệ hạ không uống, có phải vì nó không có đáy hay không?”. Nhà vua nói: “Phải đấy”. Đường Khê Công nói: “Làm vua chúa mà tiết lộ lời nói của các bầy tôi thì cũng giống như cái chén bạch ngọc không có đáy vậy”. Đường Khê Công mỗi lần yết kiến xong đi ra, Chiêu Hầu thế nào cũng nằm ngủ một mình, sợ nằm mơ tiết lộ lời nói cho vợ và nàng hầu biết.
II-8. Thân Tử nói: “Kẻ riêng mình nhìn gọi là sáng, riêng mình nghe gọi là thông suốt. Kẻ ấy có thể riêng mình quyết định cho nên có thể làm chủ thiên hạ”.
III-1. Nước Tống có người bán rượu. Anh ta đong rượu rất đúng, tiếp khách rất kính trọng, rượu làm hết sức ngon, treo cờ hết sức cao. Nhưng vẫn rất ít khách mua, rượu chua đi. Anh ta không hiểu tại sao, tìm người biết chuyện ấy để hỏi.
Hỏi bậc trưởng giả là Dương Sảnh, Sảnh nói “Con chó của anh dữ quá”. Anh ta hỏi: “Con chó tôi dữ, thì vì cớ gì mà rượu bán không chạy?”. Dương Sành đáp: “Người ta sợ nó. Có người sai con trẻ cầm tiền mang hồ rượu và hũ rượu đến mua, thì con chó chặn đường cắn. Vì vậy cho nên rượu mới chua và không bán được”.
Nước cũng có chó, những kẻ sĩ có đạo trị nước mang thuật trị nước để soi sáng cho bậc vua có vạn cỗ xe, quan đại thần làm con chó dữ chặn đường cắn họ. Vì vậy cho nên nhà vua bị che lấp và các kẻ sĩ có đạo trị nước không được dùng.
Cho nên Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Trị nước thì điều gì đáng lo nhất?”. Quản Trọng đáp: “Điều đáng lo nhất là lũ chuột nhà thờ xã”. Hoàn Công hỏi: “Tại sao lại lo về lũ chuột nhà thờ xã?”. Quản Trọng đáp: “Chắc bệ hạ đã thấy việc dựng nhà thờ xã rối chứ? Người ta trồng cây rồi trét đất lên. Lũ chuột khoét tổ vào đấy, đào hang ẩn ở trong, nếu người ta hun khói thì sợ cháy mất gỗ, nếu người ta tưới nước thì sợ đái nó rã ra. Vì vậy cho nên không bắt được lũ chuột nhà thờ xã. Nay những người ở chung quanh bệ hạ, khi đi ra thì dựa vào cái thế mạnh mà thu lợi của dân, khi vào thì bè đảng với nhau để che dạy cái xấu không cho vua của mình thấy. Bên trong thì rình xem tình ý nhà vua để nói với ngoài, cho nên ở bôn ngoài và ở bên trong họ đều được trọng. Các bầy tôi và trăm viên lại đều dựa vào họ. Quan lại không giết họ đi thì họ sẽ làm pháp luật rối loạn, nhưng giết họ thì nhà vua không yên, nên che chở và giữ họ lại. Họ cũng là loại chuột nhà thờ xã của nước đấy”.
Cho nên bầy tôi cầm quyền và cấm đoán theo ý mình, ai không theo họ thì thế nào cũng bị hại. Đó cũng là bọn chó dữ dấy. Các quan đại thần làm con chó dữ cắn những kẻ sĩ có cái đạo trị nước, những người chung quanh nhà vua làm lũ chuột nền xã dòm ngó tình ý nhà vua mà nhà vua không biết. Như vậy thì nhà vua làm sao khỏi bị che lấp, nước làm sao khỏi mất?
Một thuyết khác. Nước Tông có người họ Trang làm nghề bán rượu. Rượu anh ta rất ngon. Có người sai đầy tớ đi mua rượu họ Trang, nhưng con chó của anh ta cắn người, người sai đi không dám đến, bèn mua rượu ở nhà khác. Chủ hỏi: “Tại sao không mua rượu họ Trang?”. Người đầy tớ đáp: “Hôm nay rượu nhà họ Trang chua”. Cho nên nói: “Nếu không giết con chó thì rượu chua”.
Một thuyết khác. Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Trị nước phải lo điều gì?”. Quản Trọng đáp: “Khổ nhất là lũ chuột nhà thờ xã. Nhà thờ xã làm bằng gỗ lấy đất trát lên. Lũ chuột nhân đó ẩn náu đấy. Hun nó thì gỗ cháy, tưới nước thì đất bị rã. Vì vậy cho nên khổ vì lũ chuột nhà thờ xã. Nay những người chung quanh nhà vua khi ra ngoài thì dựa vào cái thế mạnh mà thu lợi của dân, khi vào trong thì bè đảng với nhau nói xấu người mình ghét. Nếu không giết thì họ làm loạn pháp luật, nếu giết thì nhà vua nguy, nhà vua lo giữ lấy họ. Đó cũng là loại chuột nhà thờ xã đấy”.
Cho nên những kẻ làm tôi nắm lấy quyền tự tiện cấm đoán, người nào rõ ràng theo mình thì được hưởng lợi, những người nào không theo mình thì thế nào cũng bị hại. Họ cũng là loại chó dữ vậy. Cho nên chung quanh là lũ chuột nhà thờ xã, những bọn cầm quyền là chó dữ, thì cái thuật trị nước không thể thi hành được.

III-2. Nghiêu muốn truyền thiên hạ cho Thuấn. Cổn can: “Thật là chuyện không may! Ai lại đem thiên hạ truyền cho kẻ thất phu?”. Nghiêu không nghe, đem quân đánh trị tội, giết Cổn ở ngoại ô Vũ Sơn. Cọng Công lại can: “Ai lại đi truyền thiên hạ cho kẻ thất phu?”. Nghiêu không nghe, lại đem quân trừng trị Cọng Công ở kinh đô của U Châu. Do đó trong thiên hạ không ai dám nói không truyền thiên hạ cho Thuấn.
Trọng Ni nghe vậy, nói: “Cái khôn của Nghiêu, cái hiền của Thuấn không phải khó. Đến việc trừng trị những người can, nhất định truyền ngôi cho Thuấn thì mới là khó”.
Một thuyết khác. Trọng Ni nói: “Không lấy điều mình ngờ vực mà bỏ điều mình xét đoán thì mới là khó vậy”.
III-3. Kinh Trang Vương (tức vua Trang Vương nước Sở) có phép tắc về cửa khuyết nói: “Các bầy tôi, các quan đại phu và các công tử vào triều, nếu ngựa đi vào đường cấm thì quan chấp pháp chặt bánh xe, giết người đánh xe”.
Lúc ấy thái tử vào chầu, con ngựa đi vào đường cấm. Quan chấp pháp chém càng xe, giết người đánh xe. Thái tử giận, vào khóc nói với nhà vua: “Xin vì con giết viên pháp quan”.
Nhà vua nói: “Phép tắc là cái để kính trọng tôn miếu, đề cao xã tắc, cho nên kẻ có thể lập phép tắc, theo lệnh tôn kính xã tắc là bầy tôi của xã tắc, làm sao có thể giết được? Phàm những kẻ phạm phép, bỏ lệnh, không tôn kính xã tắc, đó là bọn bầy tôi xúc phạm nhà vua và bọn người dưới thích báo cừu rửa hận. Bầy tôi xúc phạm nhà vua thì nhà vua mất uy, ở dưới thích báo cừu rửa hận thì địa vị bề trên Nguỵ. Cái uy mất đi, cái địa vị nguy, xã tắc không giữ được, ta biết lấy gì để để lại cho con cháu?” Thái tử bèn chạy về nhà, tránh vào nhà, ở ngoài trời ba ngày, quay đầu về hướng bắc lạy hai lần xin tha tội chết.
Một thuyết khác. Vua Sở vội vàng cho gọi thái từ. Pháp luật nước Sở xe không được đến cửa khuyết. Trời mưa, ngoài sân chầu nước tràn đầy, thái tử bèn thúc xe đến cửa khuyết. Người coi sân chầu nói: “Xe không thể đến cửa khuyết. Đó là trái phép”. Thái tử nói: “Nhà vua gọi gấp, không thể đợi đến lúc không có nước”. Bèn thúc xe lên. Viên quan coi sân chầu giơ giáo đánh con ngựa, làm cái xe hỏng.
Thái tử vào khóc với nhà vua nói: “Ngoài sân chầu nước ngập, con ruổi xe đến cửa khuyết, viên quan coi sân chầu nói trái phép, giơ giáo đánh con ngựa, làm hỏng cỗ xe, xin nhà vua giết hắn đi”. Nhà vua nói: “Trước có vị chúa già mà không vượt phép, sau lưng có vị chúa tương lai mà không a dua. Giỏi lắm! Đó chính là bầy tôi giữ phép tắc của ta. Chớ có đi qua cửa khuyết lần nữa”.
III-4. Vệ Tự Quân nói với Bạc Nghi: “Ông cho nước quả nhân là nhỏ không bõ để làm quan chăng? Quả nhân sức có thể cho ông làm quan. Xin cử ông lên bậc thượng khanh”. Bèn cho Bạc Nghi một vạn khoảnh ruộng. Bạc Nghi nói: “Bà mẹ của Nghi thương Nghi cho rằng Nghi có thể làm tướng quốc một nước có vạn cỗ xe mà vẫn thừa sức. Nhưng trong số các bà thầy cúng của nhà Nghi có bà họ Thái. Mẹ Nghi rất yêu và tin bà ta, giao việc nhà cho bà ta. Cái khôn của Nghi đủ để nói chuyện việc nhà, thế nhưng tất cả mọi việc mẹ Nghi đều nghe theo bà Thái. Những điều mẹ Nghi đã, nói với Nghi rồi thế nào cũng nhờ bà Thái quyết định. Cho nên khi nói về tài năng và sự khôn ngoan của Nghi thì mẹ Nghi cho là có thể làm tướng một nước có vạn cỗ xe mà còn thừa sức, nói về mặt thân yêu, thì đây là giữa mẹ với con. Thế mà còn không khỏi bàn với bà Thái. Nay Nghi đối với nhà vua, không phải thân thiết như mẹ với con, mà các vị vua chúa đều có những bà Thái. Các bà Thái của vua chúa là những người được trọng. Những người được trọng là những người có thể làm việc riêng tư. Phàm làm việc riêng tư là làm chuyện ở ngoài phép tắc mà những điều Nghi nói lại là những chuyện ở trong phép tắc. Kẻ làm chuyện ở ngoài phép tắc với kẻ làm ở trong phép tắc là kẻ thù của nhau, không thể chịu đựng nhau được”.
Một thuyết khác. Vệ Quân sang nước Tấn, nói với Bạc Nghi: “Ta muốn cùng đi với ông”. Bạc Nghi nói: “Mẹ thần ở nhà, xin về bàn với mẹ”. Vua nước Vệ thân hành xin bà mẹ Bạc Nghi. Bà Bạc thưa: “Nghi là tôi của bệ hạ, bệ hạ có ý tốt cho nó đi theo, thế là rất tốt”. Vua nước Vệ nói: “Ta đã xin mẹ ông, bà cụ đã đồng ý với ta”.

Bạc Nghi về nhà nói với mẹ: “Vua nước Vệ và mẹ ai yêu Nghi hơn?”. Bà mẹ đáp: “Ta yêu con hơn nhà vua yêu con”. Bạc Nghi nói: “Vua nước Vệ với mẹ ai cho con giỏi hơn?”. Bà mẹ nói: “Ta cho con giỏi hơn”. Bạc Nghi nói: “Mẹ cùng Nghi bàn chuyện nhà, đã quyết định rồi, mẹ còn hỏi nhờ bà thầy bói họ Thái quyết định. Nay vua nước Vệ cho Nghi đi theo, tuy là cùng bàn với Nghi, nhưng thế nào cũng phá bỏ điều bàn với các bà Thái khác. Như vậy thì Nghi không thể làm tôi nhà vua lâu dài được?”
III-5. Nói chung, người dạy hát trước tiên bắt cất giọng và thay đổi âm thanh, lúc giọng đúng điệu thanh chuỷ rồi mới dạy hát.
Một thuyết khác. Kẻ dạy hát, trước tiên bắt cất giọng theo phép tắc giọng nhanh đúng âm cung, giọng chậm đúng âm chuỷ. Nếu giọng nhanh không đúng âm cung, giọng chậm không đúng âm chuỷ thì không thể dạy hát được.
III-6. Ngô Khởi là người đất Tả Thị thuộc nước Vệ. Khởi bảo vợ dệt lụa nhưng tấm lụa hẹp hơn khổ thường. Ngô Khởi bảo thay, bà vợ nói: “Vâng ạ! Khi dệt xong, lại đo, kết quả vẫn không đúng khổ. Ngô Khởi cả giận. Bà vợ đáp: “Tôi đã đo từ đầu giờ không thể thay đổi được nữa”. Ngô Khởi đuổi vợ. Bà vợ xin với người anh của Khởi để trở về, người anh nói: “Ngô Tử là người vì pháp luật, lại muốn lập công với ông vua có vạn cỗ xe. Cho nên trước đó phải bắt thê thiếp thực hành rồi sau đó mới đem ra thi hành. Em không có hy vọng trở về đâu”. Người em của bà vợ được vua nước Vệ trọng, bèn dựa vào vua nước Vệ xin với Ngô Tử một lần nữa. Ngô Khởi không nghe, bèn rời khỏi nước Vệ vào nước Kinh (Sở).
Một thuyết khác. Ngô Khởi đưa cho vợ một tấm lụa, nói: “Em hãy dệt cho anh một tấm lụa hệt như thế này”. Khi dệt xong xem lại thì tấm lụa đẹp hơn hẳn. Khởi nói: “Anh bảo em dệt tấm lụa phải hệt như thế này, nay tấm lụa này đẹp hơn hẳn là tại làm sao?”. Bà vợ nói: “Vật liệu dùng như nhau, nhưng gia công hơn cho nên đẹp hơn”. Ngô Khởi nói: “Tôi không bảo thế”. Sai vợ đang đêm về nhà cha mẹ. Người cha đến xin, Ngô Khởi nói: “Nhà của Khởi không nói không”.
III-7. Tấn Văn Công hỏi Hồ Yển: “Quả nhân bày đồ ngon vật béo ở nhà khách, chén rượu và đĩa thịt la liệt trong cung, bình rượu không kịp trong, thịt sống không kịp bày, giết một con bò thì cho khắp mọi người trong nước, dùng tất cả vải dệt trong một năm để cho sĩ tốt mặc, như thế có đủ khiến cho dân chiến đấu không?”. Hồ Tử nói: “Không đủ”.
Tấn Văn Công nói: “Ta nới thuế cửa ải, thuế chợ và nhẹ về hình phạt, thế có đủ để cho dân chiến đấu không?”. Hồ Tử nói: “Không đủ”.
Văn Công nói: “Như vậy thì làm thế nào mới đủ cho dân chúng chiến đấu?”. Hổ Tử đáp: “Khiến cho họ không thể không chiến đấu”. Văn Công nói: “Khiến cho họ không thể không chiến đấu là thế nào?”. Hồ Tử trả lời: “Thưởng chắc chắn, phạt dứt khoát thì đủ khiến cho họ chiến đấu”.
Văn Công nói: “Hình phạt đến đâu là cao nhất?”. Hồ Yển nói: “Không tránh người thân, người sang, pháp luật thi hành với những người mình yêu”. Văn Công nói: “Phải lắm”. Sang ngày hôm sau. Công đi săn ở Phó Lục, hẹn đến lúc mặt trời đứng bóng làm kỳ hạn. Ai đến sai thì thi hành quân pháp. Văn Công có người mình yêu là Điền Hiệt đến sau kỳ hẹn, viên lại xin trị tội. Văn Công chảy nước mắt lo lắng. Viên lại nói: “Xin thi hành pháp luật” bèn chém Điền Hiệt ngang lưng để nêu gương cho trăm họ, nêu cao pháp luật dứt khoát.
Sau đó trăm họ đều sợ, nói: “Nhà vua quý trọng Điền Hiệt như vậy mà còn thi hành pháp luật, huống nữa đối với chúng ta, có nghĩa lý gì?”.
Văn Công thấy dân có thế chiến đấu được bèn dấy binh đánh đất Nguyên. Lấy được đất này. Đánh nước Vệ khiến cho các đường của nước này phải đắp từ đông sang tây[53]. Lấy Ngũ Lộc. Đánh Dương, đánh thắng nước Quắc, đánh nước Tào. Phía nam vây nước Trịnh, phá thành luỹ của nước này. Giải vây cho nước Tống, quay về cùng người Kinh đánh nhau ở Thành Bộc, đánh quân Kinh đại bại, khi trở về làm lễ minh thệ ở Tiễn thổ và làm thành cái việc lớn ở Hành Ung[54]. Một lần cất quân mà lập được tám công. Sở dĩ làm được thế không có cái gì khác, theo cái mưu của Hồ Yển và mượn cái lưng của Điền Hiệt vậy.
III-8. Phàm cái nhọt đau đớn không lấy cái ngòi của nó đi thì không thể chịu nổi sự đau khổ. Nếu không biết điều đó thì không thể khiến người ta lấy viên đá nửa tấc để cắt nó đi.

Nay bậc vua chúa đối với việc trị nước cũng thế. Không phải họ không biết chịu khổ thì được yên. Muốn cai trị cái nước của mình, nếu không biết điều đó thì không thể nghe lời khôn ngoan sáng suốt để giết bọn tôi làm loạn. Những bọn tôi làm loạn là những người được trọng, những người vua chúa thương yêu nhất. Vị vua chúa với kẻ mình thương yêu nhất cũng như cái màu trắng và cái vẻ cứng của hòn đá không thể tách ra khỏi nhau được. Lấy tư cách một người mặc áo vải mà lại muốn chia lìa cái cứng và cái trắng của vị vua chúa, những người vua chúa yêu, thì cũng như lấy cái xương đùi bèn trái nói chuyện với cái xương đùi bên phải.
Cho nên thân mình thế nào cùng chết mà cái thuyết của mình thế nào cũng không được thi hành.

Chú thích:

[52]  Tề Thủ là hiệu của Công Tôn Diễn.

[53]  Tức là cùng chiều với đường nước Tấn, xe nước Tấn sang

[54]  Đề cao nhà Chu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.