Hàn Phi Tử
Thiên XLIV: Nói về sự nghi ngờ (Thuyết nghi)
1. Phàm cái lớn trong việc trị nước, không phải chỉ là ở chỗ thưởng và phạt cho đúng. Thưởng người không có công, phạt người không có tội thì không thể gọi là sáng suốt. Thưởng người có công, phạt người có tội mà không sai lầm ở con người thì chỉ mới đúng ở con người thôi chứ không có thể làm cho cái công sinh ra và ngăn cản được điều sai trái. Vì vậy cho nên cái phép cấm điều gian trá, cao nhất là cấm cái bụng: thứ đến cấm lời nói; thứ nữa là cấm việc làm,
Đời nay người ta đều nói: “Kẻ làm cho vua được tôn quý, nước được yên nhất định phải là kẻ có nhàn nghĩa, khôn ngoan, tài năng” . Nhưng người ta lại không biết rằng kẻ làm cho vua bị thấp hèn, nước bị nguy, nhất định là kẻ có nhân nghĩa, khôn ngoan, tài giỏi vậy. Cho nên vị vua chúa có đạo thì tránh xa nhân nghĩa, gạt bỏ khôn ngoan, tài giỏi, mà dùng pháp luật làm cho người ta phục theo. Nhờ vậy mà tiếng khen lan rộng và tên tuổi có oai, dân trị mà nước yên, đó là cái phép biết dùng dân vậy.
Phàm cái thuật trị nước là cái mà nhà vua nắm lấy; pháp luật là cái mà các quan phải lấy làm thầy. Như vậy khiến cho các lang trung ngày ngày truyền đạt cái đạo cho những người ở ngoài cung điện cho đến những người ở biên giới đều ngày ngày theo pháp luật, điều đó cũng không phải là khó.
2. Ngày xưa họ Hữu Hỗ có Thất Độ, họ Hoan Đâu có Cô Nam, Tam Miêu có Thành Câu, Kiệt có Hầu Xỉ, Trụ có Sùng Hầu Hổ, Tấn có Ưu Thi.
Sáu người này là những bầy tôi làm mất nước. Họ nói việc phải như là trái. Họ nói việc trái như là phải. Bên trong hiểm độc để làm hại cái bên ngoài. Lo cẩn thận điều nhỏ để khoe cái hay của họ. Họ khen cái đạo ngày xưa để làm hỏng việc tốt, khéo nắm lấy nhà vua để tập trung những mánh khoé tinh vi. Họ làm loạn vua bằng cách dựa theo những điều nhà vua thích. Đó là loại lang trung và loại người chung quanh.
Những vua chúa ngày xưa, có kẻ được người mà thân yên, nước còn: có kẻ được người mà thân nguy, nước mất. Cái tiếng đều là được người cả, nhưng cái lợi cái hại cách nhau muôn vàn. Cho nên bậc làm vua chúa không thể không cẩn thận đối với những kẻ chung quanh. Người làm vua chúa nếu quá thực thấy rõ những lời bầy tôi nói thì người hiền với kẻ hư hỏng khác nhau như đen với trắng vậy.
3. Còn như Hứa Do, Tục Nha, Bá Dương nước Tấn, Điền Hiệt nước Tần, Kiều Như nước Vệ, Hồ Bất Bê, Trung Minh, Đổng Bất Thức, Biện Tuỳ, Vụ Quang, Bá Di, Thúc Tề, mười hai người này đều là những người ở trên thấy lợi không mừng, ở dưới gặp nạn không sợ. Có kẻ được giao thiên hạ mà không nhận, có kẻ sợ cái tiếng xấu mà không ham cái lợi được ăn thóc. Phàm thấy lợi không mừng, thì ở trên dù có thưởng hậu cũng không có cái gì để khuyến khích họ, Do gặp nạn không sợ thì ở trên dù có dùng hình phạt nghiêm cũng không thể ra uy với họ được. Đó gọi là những người dân không thể sai khiến. Mười hai người này có kẻ nằm chết trong hang, trong hốc, có kẻ chết khô nơi cỏ cây, có kẻ chết đói trong hang núi, có kẻ trầm mình chết đuối dưới nước. Có loại dân như vậy, các thánh vương ngày xưa đều không thể bắt làm tôi, các vua chúa ngày nay còn làm sao dùng được họ?
4. Như bọn Quan Long Bàng. Vương Tử Tỷ Can, Quý Lương nước Tuỳ, Tiết Dã nước Trần. Thân Tư nước Sớ. Tử Tư nước Ngô, sáu người này đều tranh cãi dữ, can ngăn mạnh để thắng vua của mình. Nếu lời nói của họ được nhà vua nghe việc họ đề nghị được thi hành thì họ có cái thế như thầy đối với trò: còn nếu một lời nói không nghe thì họ lấy lời nói để lăng nhục nhà vua. Dù có thân chết, nhà tan, lưng và cổ không còn, tay chân lìa rơi, họ cũng không xem là việc khó. Những bầy tôi như thế các vị thánh vương ngày xưa còn chưa nhịn được, thì vào thời nay dùng làm sao được?
5. Còn như bọn Điền Hằng nước Tề, Tử Hãn nước Tống, Quý Tôn Như Ý nước Lỗ, Kiều Như nước Tấn, Tử Nam Kính nước Vệ, thái tể Hân nước Trịnh, Bạch Công nước Sở, Đan Đồ nước Chu, Tử Chi nước Yên, chín người này là những bọn bầy tôi lập bè lập đảng để thờ nhà vua, che giấu cái chính đạo mà làm việc quanh co riêng tư, ở trên lấn át nhà vua, ở dưới làm loạn việc cai trị. Họ dựa vào bên ngoài để quấy rối bên trong, thân với kẻ dưới để mưu hại người trên, điều đó họ làm không khó. Những bọn bầy tôi như thế, chỉ có bậc vua thánh, vị chúa khôn ngoan mới có thể cấm được, những ông vua hôn loạn làm sao thấy được cái gian của họ?
6. Những người như Hậu Tắc, Cao Dao, Y Doãn, Chu Công Đán, Thái Công Vọng, Quản Trọng, Thấp Bằng, Bách Lý Hề, Kiển Thúc, Cữu Phạm, Triệu Thôi, Phạm Lãi, đại phu Phụng, Phùng Đổng, Hoa Đăng, mười lăm người này đều là những bầy tôi dậy sớm ngủ muộn, thân mình chịu hèn, xác mình chịu vất vả, lòng ngay ý thẳng. Họ nêu rõ hình phạt, lo việc quan để thờ vua mình, dâng lời nói hay, thông hiểu đạo lý và pháp luật mà lại không dám khoe cái khó nhọc của mình, hy sinh thân mình để cho nhà vua được yên. Họ xem nhà vua của mình tôn quý như trời cao, như núi Thái Sơn mà xem thân mình thấp hèn như hang sâu, như đầm lầy. Nhà vua có được cái tiếng sáng suốt, được tiếng khen vang dội khắp nước, nhưng thân họ không ngại chịu địa vị thấp hèn như hang sâu, đầm lầy. Những bầy tôi như thế, dù gặp những ông vua hôn loạn cũng còn làm nên công, huống nữa là gặp những ông vua hiền minh. Đó gọi là những người giúp đỡ các bá vương vậy.
7. Còn như Hoạt Chi nước Chu, Vương Tôn thần nước Trịnh, Gông Tôn Ninh và Nghi Hành Phụ nước Trần, Vu Doãn và Thân Hợi nước Kinh, Thiếu Sư Việt và Chủng Can nước Tuỳ, Vương Tôn Lạc nước Ngô, Dương Thành Tiết nước Tấn, Dịch Nha và Thụ Điêu nước Tề, mười hai người này làm bầy tôi đều nghĩ đến cái lợi nhỏ mà quên pháp luật, đạo nghĩa. Khi tiến thì che lấp kẻ tài giỏi và tốt để làm cho vua mình hôn ám, khi thoái thì làm rối loạn trăm quan và gây nên tai hoạ, lo lắng. Họ đều a dua theo nhà vua, chiều theo ham muốn của nhà vua. Nếu làm cho nhà vua thích được thì dù cho nước bị phá, dân chúng bị giết, họ cũng làm dễ dàng. Có lại bầy tôi như thế, dù gặp bậc vua thánh cũng còn sợ bị họ cướp mất huống nữa là những ông vua hôn loạn làm sao khỏi có sự sơ suất?
Những ông vua có bọn bầy tôi như thế đều thân chết, nước mất, bị thiên hạ chê cười. Cho nên Uý Công nước Chu thân bị giết, nước bị chia làm hai, Từ Dương nước Trịnh thân bị giết, nước bị chia ba: Linh Công nước Trần thân chết vì Hạ Trưng Thư; Linh Vương nước Kinh chết ở trên ba Càn Khẽ. Nước Tuy bị nước Kinh cướp, nước Ngô bị nước Việt thôn tính. Trí Bá bị giết dưới chân thành Tấn Dương, Hoàn Công thân chết sáu mươi bảy ngày[75] mới được chôn. Cho nên nói: “Bầy tôi siểm nịnh, chỉ có bậc vua thánh mới biết được, nhưng vua loạn lại thích họ, cho nên đến nỗi thân chết nước mất”.
8. Vị vua thánh, vị chúa sáng thì không thế. Chọn quan bên trong không tránh người thân, bên ngoài không tránh kẻ thù. Cái đúng ở đâu thì cứ theo đó mà cất nhắc. Cái sai ở đâu thì cứ theo đó mà trừng phạt. Kết quả là những người hiền và tốt đều tiến còn những kẻ gian tà đều phải lui. Cho nên một lần cử sự mà chư hầu đều phải phục theo. Sách sử có chép: “Nghiêu có Đan Chu. Thuấn có Thương Quân, Khải có Ngũ Quan, Thương có Thái Giáp, Vũ Vương có Quản Thúc, Thái Thúc. Những người năm vi vương kia giết đều là chỗ thân tình cha anh, con em với họ, nhưng những người này lại bị thân chết nhà tan là tại làm sao? Vì họ là loại người hại nước, làm thương tổn đến dân, làm hỏng pháp luật. Xét những người nhà vua dùng, có người ở nơi núi rừng, đầm ao, hang động; có người ở nơi tù ngục, xiềng xích, có người làm việc nấu bếp, nuôi súc vật, chăn bò. Nhưng bậc chúa sang không xấu hổ về chỗ họ thấp hèn, mà cho rằng họ có thể làm sáng tỏ pháp luật, làm lợi cho nước, tiện cho dân nên nghe họ và dùng họ. Những vị vua này đều thân yêu danh tiếng được tôn quý.
9. Vị chúa loạn thì không thế. Họ không biết đến ý nghĩ và hành vi của bầy tôi mà giao nước cho những người này. Cho nên nhỏ thì cái danh bị hạ thấp mà nước bị cắt, lớn thì nước mất, thần chết. Đó là vì họ không sáng suốt trong việc dùng bầy tôi. Họ đã không có cái quy tắc để cân nhắc bầy tôi thì thế nào cũng dựa theo miệng của đám đông mà quyết định. Đám đông khen ai thi họ theo đó mà thích, đám đông chê ai thì họ theo đó mà ghét. Cho nên bọn bầy tôi phá nhà, vứt của, bên trong lập bè đảng, bên ngoài tiếp những họ lớn để được khen ngợi, bí mật cấu kết với nhau để củng cố cho nhau, cấp bừa tước lộc cho nhau để khuyến khích nhau. Chúng nói: “Những ai theo ta thì ta sẽ làm cho được lợi, những ai không theo ta thì ta sẽ làm hại”.
Đám đông tham cái lợi, sợ cái uy, cho rằng nếu chúng thực sự mừng rỡ thì chúng có thể làm cho mình có lợi, nhưng nếu chúng giận thì chúng có thể hại mình. Đám đông theo và dân hùa với chúng. Tiếng tăm của chúng vang dội khắp nước, vang lên đến tai nhà vua. Nhà vua không thể hiểu tình thực, nên cho chúng là hiền. Chúng lại khiến những kẻ sĩ dối trá bên ngoài giả vờ làm những vị sứ giả thân tín của chư hầu, chúng cho bọn này mượn ngựa xe, cấp cho bọn này ấn tiết để làm tin, bày cho lời lẽ, cấp cho tiền lụa, khiến cho bọn này lừa dối ông vua của chúng, ngầm lấy cái riêng để bàn về việc chung. Những người làm sứ giả cho chúng là những vị vua của những nước lạ, những người nói hộ cho chúng là những người chung quanh nhà vua. Nhà vua thích những lời nói của những người này và cho lời lẽ là hùng biện, cho loại người như thế là những kẻ sĩ lùi giỏi. Bên trong, bên ngoài cho đến những người chung quanh nhà vua tất cả đều một lời như nhau khen ngợi chúng. Nhiều ra thì nhà vua dễ dàng hạ thấp thân mình, xem nhẹ địa vị mình để tiếp chúng, ít ra thì dùng tước cao lộc lớn để làm lợi cho chúng.
10. Tước lộc của kẻ gian lớn và bè đảng ngày càng đông. Chúng lại có cái ý gian tà thì bọn gian thần càng thuyết phục chúng rằng: “Những kẻ ngày xưa gọi là vua thánh chúa sáng, không phải là cứ cha truyền cho con theo thứ tự mà là những người lập bè đảng, tập hợp những họ lớn lấn hiếp bề trên, giết vua để cầu cái lợi cho mình”. Nếu chúng hỏi: “Làm sao lại biết là như thế?” thì bọn kia lại nói: “Thuấn ép Nghiêu. Hạ Vũ ép Thuấn, Thang đuổi Kiệt. Vũ Vương đánh Trụ. Bốn vị vua kia đều là những bầy tôi giết vua, nhưng thiên hạ lại khen họ. Xét tình thực của bốn ông vua này thì đều là cái bụng tham lấy. Xem hành động của họ thì đều là dùng binh gây bạo loạn. Thế nhưng bốn ông vua này vẫn ma rộng quyền thế mình mà thiên hạ khen họ là lớn. Họ tự làm mình nổi danh mà thiên hạ lại khen họ là sáng suốt. Như vậy thì cái oai là đủ để trị thiên hạ, cái lợi là đủ để che trùm cả đời, và thiên hạ theo họ”. Bọn này lại nói: “Lấy những chuyện ta nghe đời nay thì Điền Thành Tử lấy nước Tề; Tư Thành Tử Hãn lấy nước Chu; Dịch Nha lấy nước Vệ; Hàn, Triệu, Nguỵ ba người chia nước Tấn; sáu người này đều là những bầy tôi giết vua mình cả vậy”.
Kẻ gian thần nghe vậy thì vểnh tai cho là đúng. Cho nên bên trong chúng lập bè đảng, bên ngoài tiếp xúc với các họ lớn, xem thời cơ mà hành động, một lần hành động mà thu được nước.
11. Vả lại bọn bên trong lập bè đảng cùng nhau hiếp lấn nhà vua, bên ngoài lấy cái quyền của chư hầu để thay đổi nước mình, che giấu cái đạo bậy bạ, dối trá, duy trì việc riêng tây, quanh co, ở trên ngăn cấm nhà vua, ở dưới làm việc cai trị rối loạn không thể kể xiết. Tại sao thế? Đó là vì chọn bầy tôi không sáng suốt, sử ký chép: “Từ đời Tuyên Vương nhà Chu đến nay có vài chục nước mất, những bầy tôi giết vua cướp nước có nhiều”. Như vậy thì cái nạn nẩy sinh từ bên trong so với cái nạn nẩy sinh từ bên ngoài là ngang nhau. Hạng có thể dùng hết sức dân mình nhưng nước tan, thân chết còn là hạng chúa hiền, đến như những kẻ đổi pháp luật, thay địa vị giữ dân chúng nguyên vẹn mà truyền cả nước thì mới là tệ nhất[76].
12. Những bậc làm vua chúa, nếu thực sáng suốt trong việc nghe lời những bầy tôi nói thì tuy có chàng lưới, săn bắn, cưỡi ngựa, đánh chuông, xem vũ nữ, nước cũng vẫn cứ còn. Nếu không sáng suốt về những lời các bầy tôi nói thì dù có tiết kiệm, chăm chỉ vất vả, mặc áo vải, ăn đồ xấu, nhưng nước vẫn cứ tự mất.
Vua nước Triệu trước đây là Kính Hầu không trau giồi đức hạnh, thích phóng túng theo lòng dục, thích thân thể được yên, tai mắt được vui, ngày đông đi chăng lưới săn bắn, ngày hạ chơi thuyền. Ông chơi suốt đêm, mấy ngày liền không bỏ chén rượu. Những người không uống được rượu thì ông ta lấy ống tre đổ vào miệng. Ai tới lui không nghiêm trang, ứng đối không cung kính ông ta chém trước mặt mình. Việc cư xử, ăn uống không có điều độ như thế, hình phạt giết tróc không có chừng mực như thế. Thế nhưng Kính Hầu hưởng nước mấy mươi năm, quân không bị nước địch đánh bại, đất không bị các nước láng giềng bốn bên cắt bớt, ở trong không có cái loạn do bầy tôi trăm quan gây ra, bên ngoài không có cái lo do chư hầu các nước láng giềng gây ra. Đó là vì ông ta sáng suốt trong việc dùng bầy tôi.
Vua nước Yên là Tử Khoái là con cháu của Thiệu Công Thích. Đất vuông ngàn dặm, quân cầm kích vài chục vạn, không vui nữ sắc, không nghe tiếng chuông tiếng khánh, bên trong không đào ao làm đài tạ, bên ngoài không chăng lưới, bắn tên, săn bắn. Lại thân hành cầm cày bừa để lo sửa ba ruộng. Tử Khoái khổ cực thân mình và lo lắng cho dân như thế, tuy những người ngày xưa gọi là vua thánh chúa sáng, dù họ có chăm chỉ trong việc giữ mình, và lo cho đời cũng không kỹ đến thế. Thế nhưng Tử Khoái thân chết, nước mất, bị Tử Chi cướp mất mà thiên hạ cười chê. Tại sao lại thế? Vì không sáng suốt trong việc dùng bầy tôi.
13. Cho nên nói: “Kẻ làm tôi có năm cái gian mà nhà vua không biết. Kẻ làm tôi có người dùng tiền bạc của cải xa xỉ để đút lót mà mua tiếng khen. Có kẻ dùng khen thưởng, tặng cấp để làm đám đông theo mình. Có kẻ lập bè đảng, cấu kết với những người khôn ngoan, tôn trọng kẻ sĩ để lộng quyền. Có kẻ lo thờ các người tù có tội để tăng uy thế. Có kẻ lo chiều theo điều điều sai của kẻ dưới, lấy tiếng bằng cách nói năng quái lạ, ăn mặc oai, trang sức đẹp, để làm cho dân chúng choáng tai hoa mắt. Năm loại người ấy vị vua sáng ngờ vực và vị chúa thánh ngăn cấm. Trừ khử năm loại người ấy thì những người dối trá không dám qua mặt về hướng bắc mà đứng nói. Những kẻ nhiều lời nói văn vẻ, nhưng thực hành ít và không làm đúng pháp luật thì không dám bịa đặt tình cảm để nói năng. Làm như thế thì bầy tôi lúc thường ngày lo sửa mình, lúc hành động thì lo hết sức, nếu không có lệnh ở trên thì không dám tự tiện nói bừa và làm bừa. Đó là cách bậc thánh vương dùng để chăn bầy tôi ở dưới vậy.
14. Bậc vua thánh chúa sáng mà không dùng lối ngờ vực để xét những bầy tôi của mình, thấy những chuyện đáng ngờ mà không phản đối, thiên hạ ít có. Vì vậy có câu: “Con vợ lẽ có người ngang với con trưởng; thiếp có người sánh ngang vợ chính; trong triều đình có bầy tôi sánh ngang tướng quốc; bầy tôi có người được yêu ngang với nhà vua”. Bốn loại người ấy là cái nguy cho nước. Cho nên có câu: “Bên trong người thiếp yêu được sánh ngang với hoàng hậu, bên ngoài kẻ tôi yêu nắm quyền chính sánh ngang với nhà vua, con vợ lẽ sánh ngang với con trưởng, đại thần sánh ngang với nhà vua, đó là cái đạo gây loạn”.
Vì vậy Chu kỷ nói: “Chớ có đề cao vợ lẽ mà hạ thấp vợ chính, đừng có coi thường con trưởng mà đề cao con thứ, đừng có đề cao bầy tôi yêu mà coi khinh các thượng khanh, đừng có đề cao bậc đại thần ngang với nhà vua”. Nếu phá được bốn cái “sánh ngang” đó thì ở trên không phải lo lắng, ở dưới không sinh chuyện quái lạ. Nêu không phá bốn cái “sánh ngang” ấy thì thân nhà vua bị nguy mà nước bị diệt vậy.
Chú thích:
[75] Nguyên bản là 7 ngày, các sách đều chép 67 ngày.
[76] Hạng vua bị nước ngoài diệt mất nước và hạng vua bị chính bầy tôi cướp ngôi
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.