Hàn Phi Tử

Thiên XLV: Sử dụng sai (Nguỵ sử)



1. Cái bậc thánh nhân dùng làm đạo trị nước có ba điều: một là lợi, hai là uy, ba là danh. Nói chung; lợi là cái để giành được dân; uy là cái dùng để thi hành mệnh lệnh; danh là cái cả trên lẫn dưới đều theo. Ngoài ba cái này ra, tuy có điều gì nữa cũng không quan trọng bằng.
2. Nay cái lợi không phải không có, thế nhưng những người ở dưới vẫn không được cảm hoá; cái uy ở trên không phải không còn, thế nhưng những người ở dưới không nghe không theo; việc cai trị không phải không có pháp luật nhưng vẫn không xứng với cái tên gọi của nó. Cả ba cái này không phải là không còn, thế nhưng đời vẫn cứ một lần trị rồi một lần loạn là tại làm sao? Đó là vì cái mà bề trên quý với cái làm cho nước được trị là trái ngược nhau.

3. Nói chung, lập danh hiệu là để quy định sự tôn quý. Nay có kẻ coi thường cái danh, coi khinh cái thực. Thế nhưng người đời lại cho là cao. Đạt tước lộc ra là để làm cơ sở cho sự sang hèn. Thế nhưng những kẻ coi thường người trên không cần yết kiến, thì người đời lại cho là người hiền. Cái uy và cái lợi là để thi hành mệnh lệnh. Thế nhưng kẻ coi thường cái lợi, coi nhẹ cái uy thì người đời lại cho là đáng trọng. Pháp lệnh là cái để trị nước. Thế nhưng kẻ không theo pháp luật và mệnh lệnh, làm việc thiện riêng, thì người đời lại cho là trung. Chức quan và tước lộc là cái để khuyến khích dân. Thế nhưng những kẻ ham danh chuộng nghĩa, không đi làm quan người đời lại gọi là liệt sĩ. Hình phạt là cái dùng để ra uy. Thế nhưng những kẻ không tránh cái tội bị hình phạt, chết chóc thì người đời lại cho là dũng cảm. Dân chúng hết sức vội vã theo danh còn hơn họ cầu cái lợi. Như thế thì những kẻ sĩ chịu nghèo đói thiếu thốn sao khỏi ở nơi núi non, chịu khổ thân mình để tranh cái danh với thiên hạ?
4. Vì vậy cho nên sở dĩ đời không trị yên, đó không phải là cái tội của kẻ dưới, mà là vì ở trên bỏ mất đạo. Người trên thường quý trọng cái sinh ra loạn mà coi nhẹ cái làm cho nước trị yên. Vì vậy cho nên cái mà người dưới muốn lại thường trái ngược với cái mà người trên dùng để trị yên.
Nay việc kẻ dưới nghe theo người trên đó là điều người trên cần gấp. Thế nhưng những kẻ đôn hậu, chất phác, giữ chữ tín, lo lắng trong công việc, nhút nhát trong lời nói, thì người trên gọi người ta là hèn. Những người giữ pháp luật chắc chắn, chú ý nghe theo mệnh lệnh thì người trên bảo người ta là ngu. Những người nghe người trên, sợ tội, thì người trên bảo người ta là nhát. Những người nói đúng lúc, làm đúng đạo phải thì người trên gọi người ta là hư hỏng. Những người không hài lòng theo cái học riêng, nghe lời quan lại, theo sự giáo hoá thì người trên gọi người ta là thô lậu. Những người khó mời đến thì gọi là ngay thẳng. Những người khó thưởng thì gọi là liêm. Những người khó cấm đoán thì gọi là hùng tráng. Những người có lệnh không nghe không theo thì gọi là dũng cảm. Những người không làm lợi cho người trên thì gọi là tốt. Những người ít ham muốn, khoan dung, ban ân huệ, làm việc đức thì gọi là nhàn. Những người trọng hậu tự tôn thì gọi là trưởng giả. Những người theo học riêng làm thành nhóm thì gọi là thầy. Những người rỗi rãi an nhàn thì gọi là có suy nghĩ. Những người bỏ nhân chạy theo lợi thì gọi là nhanh nhẩu. Những người giảo quyệt phản phúc thì gọi là khôn ngoan. Những người trước vì người sau mới vì mình, bày đặt ra các danh hiệu, các lời nói, yêu rộng cả thiên hạ thì gọi là thánh. Những người nói khoác lác không hợp với sự thực, không thể dùng được, làm những điều trái với đời thì gọi là đại nhàn. Những người coi khinh tước lộc, không chịu khuất phục với người trên thì gọi là hào kiệt.
Ở dưới cứ làm gian dối như thế. Khi họ ở nhà thì họ làm dân rối loạn. Khi họ ra làm việc thì không thể sai khiến họ được. Người trên lẽ ra phải cấm điều ham muốn của họ, tiêu diệt ảnh hưởng của họ còn chưa được, lại theo đó mà đề cao họ. Như vậy là dạy người dưới làm loạn người trên, nhưng vẫn cho là trị nước.
5. Nói chung, cái dùng để trị nước là hình phạt. Nay có kẻ làm việc nghĩa riêng thì lại tôn quý. Xã tắc sở dĩ đứng được là nhờ yên tĩnh. Thế nhưng những kẻ ba hoa, siểm nịnh, a dua lại được sử dụng, Cái khiến cho trong bốn cõi đều nghe theo là chữ tín và chữ đức. Thế nhưng những bọn ranh ma lừa đảo lại được sai khiến. Mệnh lệnh sở dĩ được thi hành, uy quyền sở dĩ được thiết lập là nhờ chữ cung kiệm nghe người trên. Thế nhưng những bọn ở chốn núi non chê bai thời thế thì lại vinh hiển. Kho lúa kho tiền sở dĩ đầy là nhờ việc cày ruộng lo đến cái gốc. Thế nhưng những bọn làm lụa là, gấm vóc, chạm trổ làm chuyện ngọn lại giàu. Cái danh sở dĩ dựng lên được, thành trì sở dĩ rộng được là nhờ các chiến sĩ. Nay những đứa con mồ côi của các kẻ sĩ đã chết đói, ăn xin ở ngoài đường, trái lại bọn con hát, bọn hề, bọn bợm rượu lại xe ngựa lụa là. Thường lộc là cái để cho dân dốc hết sức mình, kẻ dưới đổi lấy đó bằng cái chết. Thế nhưng những kẻ sĩ đánh thì thắng, tấn công thì chiếm được cứ vất vả mà vẫn không được thưởng còn bọn bói toán, xem chỉ tay, bọn gian xảo lựa lời mà nói cho thuận tai trước mặt nhà vua thì ngày nào cũng được ban thưởng.
Bề trên nắm lấy cái quy củ để nắm trọng quyền sinh quyền sát. Nay những kẻ sĩ giữ vững quy củ muốn lấy lòng trung phục vụ bề trên nhưng lại không được yết kiến: còn bọn khéo nói, lợi khẩu thi hành việc gian trá để cầu may, kiếm chác ở đời thì lần này lượt nọ được yết kiến. Những kẻ nắm pháp luật, nói thẳng, làm cho cái tên gọi và hình phạt phù hợp với nhau, theo đúng quy tắc, trừng trị bọn gian là để vì nhà vua trị nước thì ngày càng bị rời xa; trái lại những kẻ siểm nịnh chiều theo ý muốn và sở thích của nhà vua làm cho đời nguy thì lại được gần gũi.
Thu hết tô và thuế, dùng hết sức dân là đề phòng bị tai nạn, làm cho kho lúa kho tiền đầy. Nhưng sĩ tốt bỏ trốn công việc của mình, những kẻ ẩn nấp dựa vào các nhà có uy thế để tránh giao dịch và thuế mà mà nhà vua không làm gì được lại đến hàng vạn. Bày ruộng tốt, nhà đẹp là để cho sĩ tốt hăng hái chiến đấu, thế nhưng những kẻ rơi đầu, phanh bụng, xương phơi ngoài đồng nội thì lại không có cái nhà để dung thân. Còn những kẻ có con gái và em gái đẹp, các quan đại thần và những người chung quanh nhà vua không có công lao gì lại được chọn nhà để ở, chọn ruộng để ăn. Thưởng và ba lợi đều do ở trên mà ra là để cai trị người dưới, thế nhưng những kẻ sĩ đội mũ thì không được chức vụ, trái lại những kẻ sĩ ngồi không thì được tôn quý hiển vinh. Nhà vua nếu không lấy những việc như vậy để dạy bảo dân thì làm sao tiếng tăm khỏi bị hạ thấp và địa vị khỏi bị nguy được?
6. Nói chung, nếu danh nhà vua bị hạ thấp và địa vị bị nguy thì người dưới nhất định không theo pháp lệnh. Những kẻ có hai lòng, theo cái học riêng, làm trái đời, vậy mà không cấm hành động của họ, không phá cái bè đảng của họ, lại còn theo đó mà đề cao họ thì đó là cái lỗi của kẻ cầm quyền. Ngày xưa sở dĩ lập ra liêm sỉ là để khích lệ những kẻ thuộc hạ. Nay kẻ sĩ và các đại phu không xấu hổ về chỗ nhơ bẩn, xấu xa, nhục nhã mà được làm quan, những kẻ nhờ con gái, em gái, nhờ cửa riêng được làm quan vượt bực. Việc cho và thưởng là để trọng con người có công; nhưng những kệ sĩ có công chiến đấu thì nghèo hèn, còn những bọn nịnh hót và bọn con hát lại được thưởng vượt cấp, Cái danh hiệu được nêu lên một cách chắc chắn là để cho cái uy được thi hành. Nhưng nhà vua lại bị cản trở. Những kẻ thân cận và đàn bà xin xỏ, trăm quan làm chủ việc ban tước đổi người. Đó là cái lỗi của kẻ cầm quyền. Các quan đại thần cho người ta làm quan cùng với những người dưới trước hết lo chuyện lập bè kéo đảng, chỉ lo làm việc trái pháp luật. Khi uy thế và quyền lợi đã thuộc người dưới thì nhà vua bị hạ thấp và các quan đại thần được tôn trọng.

7. Nói chung, pháp luật và mệnh lệnh là để gạt bỏ điều riêng tư; pháp luật và mệnh lệnh được thi hành thì con đường riêng tư bị bỏ. Cái riêng tư là cái làm rối loạn pháp luật. Thế nhưng những kẻ sĩ có hai lòng theo cái học riêng, ở nơi núi non hẻo lánh, nhờ cậy người ta, ngầm lo suy nghĩ sâu xa, lớn thì chê đời, nhỏ thì làm kẻ dưới bị mê hoặc. Nhà vua không cấm họ, lại theo đó lấy cái danh để để cao họ, lấy cái lợi để nuôi dưỡng họ. Như vậy là không có công mà được vinh hiển, không vất vả mà được giàu có. Thế thì những kẻ sĩ có hai lòng, theo cái học riêng làm sao khỏi suy nghĩ sâu xa, ra sức dối trá, phỉ báng pháp lệnh để cầu được mời, và làm trái với đời?
8. Phàm những kẻ làm loạn bề trên, làm trái thế tục thường thường là những kẻ sĩ hai lòng, nghĩ đến cái học riêng. Cho nên sách Bản ngôn nói; “Cái làm cho trị an là pháp luật, cái gây ra loạn là sự riêng tư. Pháp luật đã được thiết lập rồi thì không ai có thể làm điều riêng tư được nữa”.
Cho nên nói: “Theo điều riêng tư thì loạn, theo pháp luật thì trị”. Nếu ở trên không theo đúng cái đạo của mình thì những kẻ khôn ngoan có lời riêng tư, những người hiền có ý riêng tư, ở trên không có ân huệ riêng tư thì ở dưới không có ham muốn riêng tư. Những kẻ thánh trí thành bè thành lũ, làm ra những lời lẽ, lấy chuyện chê bai pháp lệnh nói trước mặt bề trên. Bề trên không ngăn cấm họ lại đi tôn quý họ tức là dạy cho người dưới không nghe theo người trên không theo pháp luật. Vì vậy những người hiền ở không mà nổi danh, những kẻ giun nhờ thường mà giàu có. Cho nên bề trên không thắng được kẻ dưới vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.