Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Chương I – Phần 1: Đứa Con Trai



Ông gia thần

Có một chú bé khoảng mười bốn tuổi, người cao, lớn khỏe, tóc vàng như sợi gai. Chú chẳng được tích sự gì. Chỉ thích ăn và ngủ, lại còn bày ra những trò nghịch nữa.

Một buổi sáng chúa nhật, bố mẹ sắp sửa đi lễ nhà thờ, chú mặc chiếc sơ-mi, ngồi ở một góc bàn. Chú bé trông thấy bố mẹ sắp đi và mình sẽ được tự do chẳng ai cai quản trong hai giờ. Chú nghĩ bụng: “mình có thể lấy súng của bố xuống, bắn vài ba viên đạn, chẳng ai biết cả”.

Có thể nói là bố mẹ đã đoán được ý định của chú, lúc ra đi bố dừng lại trên bậu cửa và nói:

– Con đã không muốn theo bố mẹ đi nhà thờ thì có thể đọc kinh ở nhà. Con có hứa với bố như vậy không?

– Vâng, nếu bố muốn. Nhưng trong bụng chú đã nghĩ là chỉ đọc cái gì chú thích mà thôi.

Chưa bao giờ chú thấy mẹ chú nhanh nhẹn đến thế chỉ nháy mắt mẹ đã đến trước cái giá nhỏ treo trên rương, lấy cuốn sách thuyết giáo của Luthơ, đặt lên cái bàn kê trước cửa sổ, giở ra đúng trang có bài giảng hôm ấy. Mẹ lại tìm cả đoạn kinh Phúc âm sẽ đọc hôm chúa nhật ấy, đặt luôn lên cuốn thuyết giáo. Sau cùng, mẹ kéo sát vào bàn bên chiếc ghế bành lớn mua năm trước, hồi bán đấu giá cái nhà mục sư ở Vemmenhơg, cái ghế mà thường chỉ có bố mới được ngồi.

Chú bé nghĩ rằng mẹ chú đã quá nhọc trong công việc dàn cảnh ra như vậy vì chắc là chú sẽ đọc chỉ một hai trang thôi. Nhưng hình như bố lại đoán biết ý định của chú; bố nói, giọng nghiêm nghị:

– Cố đọc cho kỹ đấy, lúc về bố sẽ hỏi từng trang, nếu bỏ bớt thì liệu hồn.

– Bài thuyết giáo những mười bốn trang rưỡi, mẹ nói thêm. Muốn đọc hết thì hãy bắt đầu ngay đi.

Cuối cùng bố mẹ đi ra, qua cửa chú bé muốn nhìn bố mẹ đi xa dần và chú thấy hình như mình bị mắc mưu vậy. Chú lẩm bẩm: “biết mình phải chúi mũi vào quyển sách suốt cả buổi họ vắng mặt thế này, bố mẹ chắc bằng lòng lắm đấy”.

Nhưng mà bố mẹ chắng bằng lòng chút nào, trái lại còn rất phiền muộn. Bố mẹ là những nông dân nghèo, mảnh đất làm ăn chẳng rộng hơn một cái chéo vườn chút nào. Khi mới đến đây, cái trại chỉ nuôi được có một con lớn và mấy con gà. Nhờ chịu khó, siêng năng, tháo vát, giờ đã có mấy con bò cái và đàn ngỗng. Nghĩa là họ làm ăn đã khá và nếu như không phải nghĩ gì đến đứa con trai thì buổi sáng đẹp trời hôm ấy họ đã đi về nhà thờ rất vui vẻ. Bố phiền lòng vì thấy con lười quá sức, ì quá sức, chẳng muốn học hành gì ở trường cả, may ra chỉ có thể đi chăn ngỗng được mà thôi. Mẹ cũng thấy đúng như thế, nhưng mẹ buồn nhất là thấy nó độc ác, quá nhẫn tâm, quá tàn bạo với súc vật, xấu bụng với mọi người. Mẹ than thở: “Lạy Chúa bẻ gẫy cái đinh độc ác của nó đi và phú cho nó một tâm tình khác nếu không chính nó sẽ gây ra bất hạnh cho nó và cho cả nhà nữa”.

Sau khi suy nghĩ một hồi lâu, chú bé quyết định lần này nên vâng lời bố mẹ thì hơn. Chú ngồi vào chiếc ghế bành lớn và bắt đầu đọc lẩm nhẩm. Chưa được bao lâu giọng chú đã như ru chú ngủ. Chính chú cũng thấy là mình cứ thế thiếp đi.

Bên ngoài, trời xuân đẹp tuyệt. Mới hai mươi tháng Ba, nhưng làng Vextra Vemmenhơg ở tận cùng miền Nam tỉnh Xkhônê đã vào xuân hẳn rồi. Tiết trời chưa làm cây cối xanh lại, nhưng khắp nơi đã đâm chồi và sáng lên, con mương nào cũng đã có nước, hoa tử uyên đã nở bên những vệ đường. Tất cả rêu và địa y mọc trên đường đã chuyển sang màu nâu và ánh lên. Rừng dẻ gai ở phía tận cùng, lớn lên trông thấy và như mỗi lúc một thêm um tùm. Bầu trời dường như cao thăm thẳm và xanh một màu trong vắt. Cửa ngôi nhà nhỏ vẫn để mở hé, nghe lọt tiếng ríu rít của chim sơn ca. Ngoài sân, gà và ngỗng đang kiếm mồi; những con bò cái cảm thấy không khí mùa xuân đến tận cuối chuồng thinh thoảng rống lên một tiếng dài.

Chú bé đọc, thiếp đi, giật mình tỉnh dậy và cố chống lại cơn buồn ngủ. “Mình không muốn ngủ vì ngủ thì mất cả buổi sáng cũng chẳng đọc xong”. Nhưng dù quyết tâm như vậy, cuối cùng chú cũng phải nhượng bộ cơn buồn ngủ.

Chú ngủ đã lâu hay chỉ mới một lúc? Chú cũng chẳng biết nữa, nhưng một tiếng động khẽ ở đằng sau đánh thức chú dậy.

Trên bậu cửa sổ, trước mặt chú, có tấm gương nhỏ phản chiếu gần hết căn phòng. Chú ngẩng đầu lên thì nhìn ngay vào tấm gương và thấy chiếc hòm lớn của mẹ đã mở nắp.

Bà mẹ có một cái hòm gỗ sồi lớn tướng, nặng nề đóng đai sắt, không cho phép ai mở ra bao giờ. Mẹ cất vào đó tất cả những vật thừa hưởng được của bà ngoại và rất quý thứ ấy. Đó là những chiếc áo dài thêu kiểu cổ bằng dạ đỏ, thân ngắn, váy gấp nếp và trước ngực thêm ngọc trai. Đó là những chiếc mũ trắng, hồ bột, và những chiếc hoa tai nặng, và những dây chuyền bằng bạc. Giờ người ta không muốn mặc những áo xấu kiểu cổ ấy nữa, và nhiều lúc mẹ đã nghĩ đến việc bỏ đi hết, nhưng rồi cũng không quyết được: những thứ ấy đối với lòng mẹ thân thiết quá.

Thế mà chú bé trông thấy rõ ràng trong gương là nắp hòm bị mở. Chú không hiểu tại sao lại có thể nào mở được vì chắc chắn là mẹ đã khóa hòm trước khi đi; chẳng bao giờ mẹ lại bỏ ngỏ khi chỉ có một mình con trai mẹ ở nhà.

Chú thấy khó chịu hết sức. Chú sợ có tên trộm nào đã lẻn vào nhà. Chú không dám cựa, ngồi yên chú nhìn chăm chăm vào tấm gương.

Chú chờ tên trộm ló mặt ra, bỗng chú tự hỏi cái bóng đen vừa rơi xuống nắp hòm kia là cái gì. Chú nhìn, nhìn mãi mà vẫn không tin vào mắt mình. Nhưng dần dần cái mà lúc đầu chỉ là một bóng đen kia đã hiện rõ ra, và chú liền hiểu ngay rằng đó là một vật có thật. Trước mặt chú có một ông tumtê không hơn không kém, đang ngồi như cưỡi ngựa trên mép hòm.

Tất nhiên chú đã nhiều lần nghe nói đến các gia thần, nhưng vì chưa bao giờ chú lại nghĩ rằng họ bé nhỏ đến thế. Vị thần lần này không cao hơn gang tay. Mặt gia thần nhăn nheo và không có râu; thần mặc chiếc áo đen rất dài, cái quần chẽn, đội chiếc mũ đen rộng vành; trang phục rất chải chuốt: hai cổ tay áo và cổ áo đều viền đăng ten trắng, đôi giày có những cái vòng đẹp, và bít tất thắt nơ to. Thần lấy một chiếc yếm thêu trong hòm ra, ngắm nghía cái công trình ngày xưa ấy say mê đến nỗi không thấy chú bé đã thức giấc.

Thấy gia thần, chú bé rất ngạc nhiên, nhưng chú không sợ lắm. Làm sao mà chú phải sợ một kẻ bé tí teo như thế? Và trong khi gia thần đang mải mê đến mức chẳng trông mà cũng chẳng nghe thấy gì cả, thì chú bé nghĩ là chơi ông ta một vố thì thích quá: chẳng hạn đẩy ông ta vào hòm rồi đậy nắp lại, hoặc là một trò gì đó đại loại như vậy.

Tuy nhiên chú cũng không đủ can đảm đến mức đưa tay ra sờ vào thần. Bởi vậy, chú đưa mắt tìm một vật gì có thể dùng để nện thần một cái. Chú nhìn từ giường sang bàn và từ bàn đến lò sưởi. Ngước nhìn lên xoong chảo và ấm cà phê để trên cái giá gỗ nhỏ; nhìn khẩu súng của bố treo trên tường giữa những bức chân dung của vương thất Đan Mạch, lại nhìn tới những cây phong to và vẫn ánh nở hoa trước cửa sổ, rồi cuối cùng chú dừng mắt lại nơi cái vợt bắt bướm cũ treo ở cửa sổ choáng thấy chiếc vợt bắt bướm là chú vớ ngay lấy vọt lên và úp sập xuống mép hòm. Chính chú cũng ngạc nhiên về sự may mắn của mình, vì chú đã bắt được gia thần, rõ mười mươi; vị thần bé nhỏ đáng thương nằm gọn ở đáy vợt, đầu lộn ngược xuống, không sao chui ra được.

Mới đầu chú bé không biết làm gì với cái mồi của mình, Chú chỉ lắc đầu chiếc vợt cho gia thần không trèo ra được thôi.

Thần liền lên tiếng và hết sức van chú trả lại tự do cho mình. Thần nói là trong bao nhiêu năm đã đem cho gia đình chú những sự tốt lành, và đáng được đối xử khác thế này. Nếu chú thả ra, thần sẽ biếu cho một cái thìa bạc, và một đồng tiền vàng to bằng cái hộp đồng hồ của bố.

Chú bé cho những thứ ấy chẳng nhiều nhặn gì, nhưng từ khi bắt được gia thần chú lại đâm ra sợ. Chú thấy mình đang liên quan đến một cái gì lạ lùng, khủng khiếp không thuộc về thế giới của mình, và chỉ mong sao ra khỏi cuộc phiêu lưu này.

Vì vậy, chú đồng ý tức thì với đề nghị của gia thần và ngừng tay lắc vợt để cho kẻ nhỏ bé kia trèo ra. Nhưng đúng lúc tù nhân của chú ra gần khỏi vợt thì chú chợt nảy ra cái ý là phải nắm lấy những của cải lớn và đủ mọi thứ khác nữa. Để mở đầu, ít ra chú phải biết rằng bài thuyết giáo cứ tự nhiên nhập vào óc. Chú nghĩ: “Để cho ông ta thoát thì mình ngu thật”. Thế là đột nhiên chú lại lắc lắc cái vợt.

Nhưng đúng vào lúc ấy chú bị một cái tát dữ dội đến nỗi tưởng như đầu sắp nổ toang ra; trước chú bị bắn vào tường, rồi bật sang tường bên kia sau cùng ngã vật xuống đất và nằm bất tỉnh nhân sự.

Lúc tỉnh lại, chú chỉ còn một mình trong phòng, chẳng thấy chút dấu vết nào của gia thần cả. Nắp hòm đã đậy lại; chiếc vợt bướm treo ở chỗ cũ, nơi cửa sổ. Nếu không thấy đau rát ở má thì chú đã có thể cho rằng tất cả những chuyện ấy chỉ là chiêm bao. Chú tự nhủ: “Dù sao đi nữa thì bố mẹ vẫn cho rằng đó chỉ là giấc chiêm bao. Bố mẹ sẽ chẳng vì gia thần mà tha cho mình bài thuyết giáo. Vì vậy, tốt nhất là mình hãy đọc lại đi”.

Nghĩ vậy chú đi lại phía bàn, bỗng chú nhận thấy một điều gì rất lạ. Lẽ nào cái nhà lại to ra thế này. Nhưng mà giải thích bằng cách nào khác được, vì chú phải đi bao nhiêu bước mới tới cái bàn. Và cái ghế thì ra sao thế này? Hình như cái ghế không to ra; thế mà trước hết chú phải đu mình lên thanh gỗ bên dưới rồi từ đó mới leo lên được chỗ ngồi. Cái bàn cũng vậy cố trèo lên tay ghế bành mới trông thấy được mặt

Chú nghĩ: “Thế này là thế nào? Mình cho là gia thần đã hóa phép thay đổi cái ghế bành, và cái bàn rồi!”

Cuốn thuyết giáo vẫn để mở trên bàn và hình như không biến đổi gì; thế mà rõ ràng là trên sách vẫn có cái gì kỳ quái, vì chú không thể nào đọc được một chữ nếu không đứng hẳn lên trên cuốn sách.

Chú đọc vài dòng, rồi ngẩng đầu lên. Mắt chú lại bắt gặp tấm gương và chú kêu to lên: “Kìa, lại một gia thần nữa!”

Trong gương, chú thấy rõ ràng một người bé nhỏ tí tẹo, đội mũ nhọn, mặc quần chẽn bằng da.

“Tay này ăn mặc hệt như mình”, chú reo lên, hai tai chắp lại vì ngạc nhiên. Thế là con người bé nhỏ trong gương cũng làm động tác như thế.

Chú bé liền bứt tóc mình, tự cấu mình, xoay mình như chong chóng; tức thì người trong gương làm đúng động tác như chú.

Chú liền chạy vòng quanh cái gương xem có kẻ nào đứng nấp đằng sau không. Nhưng chẳng thấy ai cả. Thế là chú bắt đầu run, vì chú chợt hiểu ra rằng gia thần đó là chú, và hình người phản chiếu trong gương chính là hình của chú.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.