Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Phần 2: Cái Đêm Trước Phiên Chợ



Đó là đêm hôm trước một phiên chợ gia súc lớn Ơrêbu và trời mua như trút. Một trận mưa mà chẳng ai có thể lường được nó rơi từ các đám mây xuống như thác đổ thực sự, và nhiều người đã nghĩ rằng: “Đấy, thật là đúng như thời Kauyxa Uyxetter”. Không bao giờ mà mụ lại vui đùa bằng những lúc chợ phiên họp bố trí thế nào để mùa mưa như trút nước hôm chợ phiên thật đúng như là kiểu của mụ. Mưa cứ mỗi lúc một to thêm. Đến chiều tối thì mưa dữ đến nỗi tất cả đường sá đều ngập hết và những người đưa gia súc đi để đến Ơrêbu, ngày mai thật sớm, đã ở vào cái thế rất khó xử. Bò cái và bò đực mệt đến không muốn tiến lên một bước nữa, và có những con nằm cả ra giữa đường để tỏ ý không còn sức mà đi nữa. Tất cả những ai ở ven đường đều phải mở cửa ra đón những người đi chợ và cho họ trọ tùy theo khả năng của mình. Không những các nhà cứ thế mà đầy khách, mà cả chuồng ngựa, chuồng bò cũng đầy súc vật.

Những người có thể đi thì cũng cố đến quán trọ, nhưng khi đã đến đấy lại gần như tiếc đã không dừng lại một nhà nào đó ở dọc đường. Vì tất cả những khoang chuồng bò cũng như chuồng ngựa đều chật ních và người ta chẳng còn có thể làm gì khác là đành để bò và ngựa ở ngoài trời dưới mưa tầm tã? Còn các chủ gia súc thì may ra mới kiếm được một góc mái nhà để trú mưa.

Sân thì nước khủng khiếp, bẩn thỉu và chật ních. Nhiều con vật ở giữa những vũng nước rộng và không thể nằm xuống được nữa.

Tất nhiên một vài ông chủ kiếm được ít rạ lót cho bò nằm hay lấy chăn đắp cho chúng nhưng những người khác thì thích ngồi lì trong quán, uống rượu và đánh bài, quên hẳn những con vật mà đáng lẽ họ phải quan tâm đến.

Tối hôm đó, cậu bé và đàn ngỗng đến một hòn đảo nhỏ trong hồ Yelmaren cách đất liền một cái eo không sâu, mà có lẽ người ta có thể đi qua không ướt chân, khi nước cạn.

Trên đảo cũng mưa, trận mưa không thể tưởng tượng như ở khắp nơi nơi, chú bé không tài nào ngủ được vì những hạt mưa cứ lộp bộp không ngớt quanh mình. Sau cùng thì chú bèn đi dạo chơi trên đảo vì có cảm giác là khi cựa quậy thì ít nhận thấy là trời đang mưa.

Vừa đi được một vòng quanh đảo thì nghe tiếng lõm bòm dưới nước, giữa đảo với đất liền, và tiếp theo là thấy giữa các bụi cây một con ngựa đang đi một mình nó là một con ngựa già, thảm hại và khốn khổ hơn bất cứ cái gì mà chú đã từng thấy trước đây. Lưng gục xuống, cẳng thẳng đưỡn, thân gầy đến nỗi mỗi một cái xương đều hiện rõ ra lớp da. Nó không có yên cương gì cả, chỉ có một sợ dây buộc cổ đã cũ lòng thòng ra một mẫu đã mục nát. Rõ ràng là nó đã tự tháo thân chẳng chút khó khăn gì.

Con ngựa đi thẳng đến chỗ đàn ngỗng trời đang ngủ, và chú bé rất sợ là nó xéo lên chúng nó.

Chú kêu lên: “này, đi đâu đấy? – Cẩn thận chứ”. Con ngựa liền đến gần chú và nói: “À, cậu đây rồi. Tôi đã đi đến mười kilomet để tìm cậu”.

Chú bé ngạc nhiên hỏi: “Ngựa có nghe nói đến tôi à?”

– Tôi cũng có tai chứ, nhiều lắm rồi. Hiện nay nhiều kẻ đang nói đến cậu lắm đấy.

Vừa nói ngựa vừa cúi đầu xuống để nhìn cho rõ, và chú bé thấy là ngựa có cái đầu nhỏ, đôi mắt đẹp và cái mõm xinh xinh, dịu dàng. Chú nghĩ rằng: “Chắc ngày trước phải là một con ngựa hay, nhưng đã phải chịu lắm nỗi khổ trong cái tuổi già này”.

Ngựa nói: “Tôi muốn cậu đến giúp tôi chút việc”. Chú bé nghĩ bụng là đi theo một kẻ bề ngoài khốn khổ như thế thì thật đáng ngại, nên viện cớ là trời đang mưa dữ quá. Ngựa nói: “Cưỡi lên lưng tôi cậu cũng không khổ gì hơn nằm ở đây. Nhưng có lẽ là cậu không dám đi theo một con ngựa già như tôi thì phải”. Chú bé liền nói: “ồ! Đi chứ”. Ngựa tiếp lời: “Vậy đánh thức đàn ngỗng dậy, hẹn với nhau một chỗ để sáng mai họ đến tìm cậu”.

Lát sau, chú đã ngồi trên lưng ngựa, nó đi nước kiệu hay hơn tất cả sự chờ mong của chú bé. – Tuy vậy cũng phải đi khá lâu qua đêm tối và dưới trời mưa, mới đến một cái quán lớn. Quang cảnh chẳng chút dễ chịu gì. Trên đường chú thấy những rãnh sâu mà biết rằng ngã xuống là sẽ chết đuối ở đấy luôn. Ngoài hàng rào, chung quanh ngôi nhà thấy buộc vào ba hay bốn chục ngựa và bò, chẳng có gì che mưa, và trong sân thì đấy đã đẩy vào những xe chở đầy những cũi to nhốt nào bê, nào lợn, nào gà.

Con ngựa đến đứng cạnh hàng rào. Chú bé vẫn ngồi trên lưng nó và đôi mắt nhìn được rõ trong đêm tối, chú thấy các súc vật đang đau đớn đến mức nào.

Chú hỏi: “Làm sao mà các bạn lại ở ngoài trời mưa như thế này?”

– Chúng tôi đi chợ phiên Ơrêbu, nhưng phải dừng lại đây vì mưa. Đây là quán trọ, nhưng khách đông quá nên chẳng còn có chỗ nào cho chúng tôi trong các chuồng ngựa.

Chú bé không trả lời chỉ nhìn quanh, rất ít con vật đang ngủ, và từ mọi phía nghe vọng lại những lời phàn nàn và bất bình. Và phàn nàn là phải, vì thời tiết lại càng tệ hơn lúc ban ngày nhiều. Một thứ gió lạnh như băng thổi đến, mưa lạnh lẫn với tuyết rơi như roi vụt. Chẳng khó gì mà không hiểu được là con ngựa đang chờ mong chú bé giúp cho việc gì.

Ngựa hỏi: “Cậu trông thấy cái trại lớn ở ngay trước mặt quán trọ đấy chứ?”. Chú bé đáp: “Thấy, và tôi không thể hiểu sao người ta lại không đến xin người ở trong trại mà trú nhờ. Hay ít ra là trong ấy cũng đã chật cả rồi”. Ngựa lại nói: “Không, chẳng có khách nào ở trong ấy cả. Những người ở trại ấy keo kiệt và không muốn giúp ai, đến nỗi chẳng một người nào dám xin vào trú nhờ”.

À, ra sự việc là thế cơ à? Thế thì chỉ còn cách là đang ở đâu hãy cứ ở đấy vậy thôi.

Ngựa nói tiếp: “Nhưng chính tôi sinh ra và lớn lên trong trại ấy, tôi biết là có một chuồng ngựa lớn và một chuồng bò to có nhiều khoang và chỗ trống, và tôi nghĩ là có lẽ cậu có thể thu xếp cho chúng tôi được vào đấy.” – “Tôi không nghĩ là tôi mà dám làm việc ấy”. Chú bé nói thế, nhưng dù sao vẫn thương xót các con vật quá đỗi, nên thấy là mình đã sẵn sàng làm thử.

Chú liền chạy vào cái trại không quen biết và thấy ngay là tất cả các nhà xe đều khóa kín và người ta đã rút hết chìa khóa ra cả.

Chú lúng túng, chẳng biết làm gì thì bỗng được một sự giúp đỡ bất ngờ: một con gió lốc xoáy mạnh đến mức mở toang cửa của một cái kho ở ngay trước mặt chú.

Chú liền chạy vội ra chỗ con ngựa và nói: “Không thể vào tàu ngựa cũng như chuồng bò nhưng có cái kho chứa rạ lớn bỏ trống mà họ quên đóng cửa, tôi có thể đưa vào”. Ngựa nói: “Cảm ơn cậu! Thích quá được ngủ lại một lần nữa trong ấp cũ của mình, đó là niềm vui độc nhất mà tôi còn có thể có được trong đời này”.

Trong cái trại nhà giàu ở trước mặt quán trọ đêm đó người ta thức khuya hơn thường lệ.

Ông chủ ba mươi lăm tuổi, mặt đẹp như hơi âu sầu. Ông ta đã ở ngoài trời mưa suốt ngày và cũng ướt lướt thướt như mọi người và lúc ăn bữa tối thì nhờ mẹ già, là chủ gia đình, đốt cho một ngọn lửa trong lò sưởi để hong quần áo. Bà mẹ đã đốt một ngọn lửa leo lét vì trong nhà này người ta không có thói quen lãng phí củi sưởi và ông chủ đã trải chiếc áo khoác lên cái ghế tựa và đẩy đến trước ngọn lửa rồi ông ta gác một chân lên lò sưởi, chống một khuỷu tay lên đầu gối, ngồi ngắm ngọn lửa. Ông ta đã ngồi như thế hai giờ liền không nhúc nhích chốc chốc bỏ vào lửa một khúc củi khô.

Bà mẹ đã dọn dẹp bàn ăn bữa tối và đã dọn giường ngủ cho con, rồi vào ngồi trong cái phòng xép. Chốc chốc bà lại hiện ra ở khung cửa và ngạc nhiên nhìn con vẫn ngồi cạnh ngọn lửa chẳng chịu đi ngủ. Người con nói: “Chẳng có gì đâu mẹ ạ. Chỉ một việc cũ đang làm con suy nghĩ”.

Vì lúc nãy ông ta đi qua quán trọ, thì một anh lái ngựa đến hỏi có muốn mua một con ngựa không và chỉ cho thấy một con ngựa thảm hại đến nỗi ông ta hỏi lại người kia là điên hay sao mà gạ ông ta mua một của như thế, nhưng ngựa đáp lại rằng: “Không có điên đâu, tôi nghĩ con ngựa này nguyên là của ông ngày trước và có lẽ ông cũng muốn cho nó được sống tuổi già yên tĩnh mà nó rất cần cho nên mới mời ông mua đấy chứ”.

Thế là ông ta nhìn con ngựa và nhận ra nó. Đó là một con ngựa mà chính ông ta đã nuôi và dạy. Nhưng đó không phải là lý do để đi mua một con vật già đến thế và vô dụng như thế. Chắc chắn là không. Ông ta chẳng phải là hạng người lãng phí tiền bạc như thế.

Dù sao thì trông thấy lại con ngựa ấy cũng làm thức dậy trong trí ông ta lắm kỷ niệm, và chính các kỷ niệm đó đã làm ông ta cứ tỉnh không thể nào đi ngủ được.

Đúng con ngựa ấy đã là một con vật thật đẹp và thật tốt. Ngay khi mới có bố đã cho ông ta trông nom nó, chính ông ta đã dạy dỗ tập luyện nó và quý nó hơn tất cả mọi thứ gì khác. Bố đã phàn nàn về việc ông ta cho nó ăn quá nhiều và thường ông ta phải giấu bố cho nó ăn hương mạch.

Chừng nào mà còn có con ngựa đó thì không bao giờ ông ta lại chịu đi bộ đến nhà thờ. Bao giờ cũng đi xe và như thế trước hết là để khoe con ngựa non. Chính ông ta thì mặc quần áo dệt may ở nhà và chiếc xe thì đơn sơ thôi, nhưng con ngựa thì đẹp nhất trong số các ngựa đi đến nhà thờ.

Một hôm ông đã xin bố cho được mua những quần áo bán ở hiệu và được sơn lại chiếc xe. Bố nghe mà cứ ngẩn người ra như thể đã hóa thành đá rồi. Ông con tưởng là ông lão sắp lên cơn động kinh. Ông ta cố nói cho bố hiểu rằng khi mà người ta có con ngựa đẹp như thế thì người đi ngựa cũng phải có dáng dấp thật đẹp.

Bố chẳng nói gì nhưng mấy hôm sau đã đến Ơrêbu đem theo con ngựa và bán nó đi.

Ông ta đau xót về việc đó lắm, nhưng cũng đã hiểu là bố sợ con ngựa đẹp sẽ kích thích ông con thêm khoe khoang và hoang phí và bây giờ, việc đã qua từ lâu thế rồi mà ông ta còn phải công nhận là bố mình đã có lí. Một con ngựa như thế chắc sẽ có thể thành ra một vật quyến rũ. Tuy nhiên trong thời gian đầu ông ta khổ tâm ghê gớm lắm. Ông ta đã đi Ơrêbu nhiều lần, chỉ để dừng lại một góc phố mà nhìn con ngựa đi qua, hay để có thể len đến cạnh nó ở trong chuồng ngựa mà cho nó một miếng đường.

Ông ta đã nghĩ rằng: “Bố mà mất và mình mà thừa kế cái trại thì việc đầu tiên mình làm là chuộc lại con ngựa của mình”.

Nay bố đã chết rồi và chính ông ta quản lý cái trại đã mấy năm rồi, nhưng chẳng lần nào ông ta đã thử chuộc lại con ngựa. Ông ta đã không nghĩ đến nó từ lâu, trước đêm nay rồi.

Cũng lại là ông ta đã quên được nó đến mức ấy. Nhưng mà bố là một con người có ý chí rất mạnh cứ muốn kẻ khác phải phục tùng mình, và khi mà con trai đã trưởng thành và cùng làm lụng sát cánh nhau thì đã có ảnh hưởng sâu đậm đến người con. Thế là ông ta bắt đầu nghĩ là bố mình đã có lý trong một việc ông đã làm. Và từ khi nắm cái trại trong tay, ông ta lúc nào cũng xử sự trong tất cả mọi việc như bố ông ta có thể làm ngày trước.

Ông ta biết là thiên hạ vẫn nói rằng bố ông ta hà tiện nhưng mà giữ kỹ túi tiền và đừng tiêu hoang vô ích thì chẳng có gì xấu cả.

Không nên để lâm vào thế nguy những mối lợi mà ta đã kiếm được. Chẳng thà bị cho là hà tiện mà được sở hữu cái trại chẳng nợ nần ai còn hơn là phá sản vì vay mượn những chủ trại khác.

Đang suy nghĩ đến đây thì giật mình vì tưởng như nghe thấy cái gì rất lạ. Như thể có giọng nói rất cao và chế giễu cứ nhắc đi nhắc lại những ý nghĩ của ông ta: “Giữ kỹ túi tiền và đừng tiêu hoang vô ích thì chẳng có gì xấu cả. Không nên để lâm vào thế nguy những mối lợi mà ta đã kiếm được. Chẳng thà bị cho là hà tiện mà được sở hữu cái trại chẳng nợ nần ai còn hơn là phá sản vì vay mượn những chủ trại khác”.

Ông ta định nói rằng kẻ nào đó đang muốn chế giễu cái khôn ngoan của ông ta và ông ta phải nổi cơn thịnh nộ, thì bỗng nhận thấy là mình nhầm. Thật vậy, gió đã nổi lên và chính ông ta thì đã buồn ngủ quá, đến nỗi đã cho rằng tiếng gào thét của gió trong ống khói lò sưởi là những lời nói.

Ông quay lại nhìn đồng hồ thì đúng lúc nó đánh mười một tiếng. Đã quá khuya rồi.

Ông ta nghĩ: “Đã đến lúc đi ngủ thôi”. Nhưng bỗng nhớ là chưa đi một vòng quanh các trại như đêm nào đã cùng đi để xem lại cửa ra vào và cửa chớp đã đóng hết chưa, và đèn lửa đã tắt hết chưa. Xưa nay, ông ta chưa bao giờ quên việc đó, từ khi lên làm ông chủ ở đây. Ông ta liền khoác măng tô và đi ra ngoài trời giữa gió bão.

Ông ta thấy tất cả đều đâu vào đấy chỉ trừ các cửa nhà xe bỏ trống mà gió đã thổi tung ra. Ông ta quay vào nhà tìm khóa ra khóa nhà kho lại và bỏ chìa khóa vào túi áo măng tô. Rồi trở lại phòng lớn trong nhà, bỏ măng tô ra và treo lên trước ngọn lửa.

Nhưng thế rồi vẫn chưa đi nằm mài lại lại trong phòng. Bên ngoài thời tiết thật khủng khiếp, cái gió lạnh như băng và buốt như cắn vào da thịt, và mưa thì lẫn với tuyết. Thời tiết như thế mà con ngựa già của ông ta phải ở ngoài trời, chẳng có tấm chăn phủ lên mình! Dù sao ông ta cũng phải cho bạn cũ một chút mái nhà để trú ẩn vì nó đã trở lại trong vùng này.

Ở các quán trước mặt, chú bé nghe cái đồng hồ cũ kỹ đánh mười một tiếng rè rè, đúng lúc chú đang tháo các nút dây buộc các con vật, để dắt chúng vào nhà kho của cái trại. Cũng mãi mới đánh thức được chúng đứng dậy và vuốt ve cho chúng tỉnh hẳn, nhưng rồi chúng cũng sẵn sàng và một lát là được chú bé dẫn đi, một con trước một con sau vào cái sân của các chủ trại keo kiệt.

Nhưng trong lúc chú bé chuẩn bị tất cả các việc ấy thì ông chủ đã đi vòng quanh trại và đóng cửa nhà kho lại, nên khi các con vật vào đến nơi thì cửa đã khóa chặt rồi. Chú bé dừng lại, chưng hửng. Nhưng không, chú không thể bỏ mặc các con vật ở đây được. Chú phải vào nhà tìm lấy cái chìa khóa.

Chú bảo con ngựa già: “Anh cứ cho họ trú một chút trong khi tôi đi tìm chìa khóa”. Nói rồi chạy đi ngay đến giữa sân, chú dừng lại để nghĩ cách vào nhà, và trong khi đứng đấy chú thấy hai nhân vật bé nhỏ đang đi trên đường cái rồi dừng lại trước quán trọ.

Một cô bé nói: “Thôi, Britta Mauya, đừng khóc nữa. Đến quán trọ rồi, chắc họ cho mình vào thôi!”.

Cô bé vừa nói thì chú bé kêu to lên rằng: “Đừng, không nên cố xin vào quán làm gì không thể nào vào được đâu. Nhưng bên cái trại này không có khách trọ. Đó là chỗ nên vào”.

Hai cô bé nghe tiếng chú nói rõ mồn một mà không thể nhận ra ai đã nói với họ vậy. Nhưng điều đó không làm họ lúng túng gì lắm vì đêm tối như mực, cô gái lớn liền trả lời ngay: “Chúng tôi không muốn vào cái trại ấy vì những kẻ ở đấy keo kiệt và độc ác. Chính vì họ mà hai chị em chúng tôi phải ăn xin trên đường cái”.

Chú bé lại nói: “Có thể như thế lắm. Nhưng hai chị em cũng cứ phải vào đây. Rồi sẽ thấy là mọi việc sẽ tốt lành với hai chị em”.

“Được, có thể cứ thử xem sao, nhưng chắc là họ chẳng để chúng tôi vào đâu”, hai cô bé nói rồi đi đến gõ cửa ngôi nhà.

Ông chủ lại ngồi trước ngọn lửa, nghĩ đến con ngựa của mình, thì nghe tiếng gõ cửa ông ta ra xem và nghĩ ngay là sẽ không được cho bất cứ ai xin ông ta cho vào nhà. Nhưng ông ta vừa quay chìa khóa thì một ngọn gió thổi rất mạnh. Giật cánh cửa khỏi tay ông ta mà mở toang ra, bắt ông ta phải ra ngoài tam cấp mới có thể đóng lại được và khi trở vào thì hai cô bé gái đã ở đấy rồi.

Họ là hai cô bé ăn xin tội nghiệp, quần áo rách bươm, đói và bẩn, hai cô bé còng lưng vác hai cái túi to bằng thân hình của họ. Ông chủ hỏi, giọng chẳng chút thiện cảm nào: “Chúng mày là ai mà lang thang ngoài trời đêm hôm khuya khoắt thế này?”.

Hai cô bé không trả lời ngay mà đặt túi xuống đấy, rồi đến gần ông ta và giang những bàn tay bé nhỏ ra chào. Cô chị nói: “Chúng cháu là Anna và Britta Mauya ở Enyerdet và chúng cháu xin ông trú nhờ đêm nay”.

Ông ta không nắm các bàn tay chìa ra và sắp tống hai cô bé hành khất ra cửa thì bỗng một kỷ niệm nữa hiện lên trong trí nhớ ông. Enyerdet chẳng phải là một cái nhà nhỏ của một người đàn bà góa nghèo khổ ở với năm đứa con sao? Nhưng người đàn bà góa đã mắc nợ của bố ông ta, nợ dồn dập lại lên tới mấy trăm cơ-rao và để thu lại nợ, bố ông ta đã đem bán phát mại chiếc nhà nhỏ. Sau việc đó người đàn bà góa nghèo phải đi lên tỉnh Norrland cùng các con lớn kiếm việc làm, bỏ lại hai cô bé cho xã nuôi.

Nhớ lại việc đó mà cay đắng trong lòng. Ông ta biết là thiên hạ đã trách móc bố ông ta nhiều vì đã đòi cho được món tiền đó, dù là tiền họ nợ ông ta.

Ông ta hỏi các cô bé giọng nghiêm khắc: “Nay chúng mày thế nào rồi. Ra cứu tế công cộng không trông nom chúng mày để chúng mày phải lang thang khắp xứ như những con ăn mày thế à?”.

Cô chị trả lời: “Không phải tại chúng cháu. Nhưng người mà chúng cháu ở nhờ nhà sai chúng cháu đi ăn xin”.

Ông chủ nông dân liền bảo: “Vậy thì túi của chúng mày đã khá đầy rồi, còn phàn nàn gì nữa. Bây giờ thì tốt nhất chúng mày lấy những gì chúng mày đã có ra mà ăn đi cho khỏi đói, vì ở đây không có gì để nuôi chúng mày đâu. Con ở đã ngủ hết cả rồi. Rồi chúng mày có thể nằm trong góc lò sưởi này, như thế khỏi phải lạnh”.

Vừa nói ông ta vừa lấy tay làm một cử chỉ như để xua hai chị em đi, và đôi mắt ông ta có một nét gần như nghiệt ngã. Ông ta đã phải tự cho mình là hạnh phúc vì có một ông bố đã chắt chiu biết mấy với của cải. Nếu không thì từ thời trai trẻ ông ta có lẽ thành ra kẻ lang thang, đeo cái túi ăn mày như hai đứa này rồi.

Ông ta vừa nghĩ xong cái điều đó thì cái giọng sắc và chế giễu đã nghe một lần tối hôm đó, liền nhắc lại cái ý nghĩ ấy từng chữ một. Ông lắng nghe và hiểu ngay rằng không phải tiếng gió rền rĩ trong ống khói. Nhưng cái lạ lùng là khi mà tiếng gió nhắc lại những ý nghĩ của ông ta thì các ý nghĩ đó xem ra ngu ngốc đáng kinh ngạc, tàn nhẫn và giả dối.

Trong lúc ấy thì hai đứa trẻ đã nằm xuống cái sàn nhà cứng ngắc, hai chị em sát vào nhau. Họ không nằm im mà cả hai đều rì rầm.

“Im mồm đi chứ!” – ông ta nói, tức giận đến mức có thể đánh cả hai chị em.

Những tiếng rì rầm vẫn cứ tiếp tục như thường và ông ta lại hét lên bắt im mồm một lần nữa.

Thế là một giọng nhỏ nhẹ trong trẻo trả lời: “Khi mẹ chúng cháu từ biệt chúng cháu, có bắt cháu hứa là tối nào cũng phải cầu kinh.

Cháu đang làm thế đấy, cũng như Britta Mauya. Chúng cháu đọc xong kinh – “Cha chúng ta yêu thương con trẻ” – rồi chúng cháu sẽ im lặng”.

Ông chủ trại đứng đấy hoàn toàn bất động, nghe hai cô bé cầu kinh. Xong ông ta cứ xoãi chân đi quay vòng tròn trong gian phòng, vừa đi vừa vặn hai bàn tay như đang bị một cơn nghẹt thở ghê gớm.

Con ngựa thở không ra hơi và tàn phế, bây giờ lại hai đứa bé đã thành hai đứa ăn mày trên đường cái! Và tất cả đều là sự nghiệp của bố ông ta cả! Chắc rằng bố đã không có lý đến thế.

Ông ta ngồi trên cái ghế tựa, tay ôm đầu. Bỗng mặt ông ta run lên và giật giật, nước mắt trào ra, ông ta lau vội đi. Nhưng những giọt nước mắt khác lại trào ra nữa và ông ta lau đi cũng vội vàng như thế, nhưng vẫn không lau kịp, những giọt khác nhau cứ trào ra theo.

Đúng lúc ấy thì bà mẹ mở cửa cái phòng nhỏ và ông ta vội vàng quay lưng ghế về phía mẹ, nhưng bà đã nhận thấy có cái gì đó bất thường vì bà đứng một lúc lâu sau lưng ông ta như thế chờ ông ta nói với mình điều gì đó, rồi bà nghĩ là đàn ông mà quyết định nói ra cái gì liên can đến họ hơn cả thì đều rất khó khăn. Bà phải giúp cho ông ta vậy.

Từ trong phòng mình, bà thấy những gì xẩy ra ngoài phòng khách rồi và chẳng còn gì phải hỏi cả. Rất tự nhiên, bà hết sức dịu dàng đến chỗ hai đứa trẻ ngủ, nâng dậy và bế vào giường của mình ở trong cái phòng nhỏ. Rồi bà ra với con trai.

Bà nói mà không tỏ ra đã trông thấy những giọt nước mắt của con: “Này, Larx à, để mẹ trông nom hai đứa trẻ ấy” – “Mẹ nói gì vậy”, ông ta nói mà cứ cố cầm cho nước mắt khỏi chảy ra ngoài. Bà mẹ lại nói: “Chúng nó đã làm mẹ đau khổ nhiều năm rồi, từ khi bố bán cái nhà nhỏ của mẹ con chúng nó đi mà mẹ biết là con thì cũng thế”

– “Vâng, nhưng mà…” Bà mẹ liền ngắt lời con trai: “Mẹ muốn giữ chúng lại đây để giúp chúng nên người tử tế. Chúng phải có giá trị hơn chứ đâu chỉ là những đứa trẻ ăn xin”.

Ông ta không thể nào đáp lại mẹ được một tiếng, vì nước mắt chảy ròng ròng không dứt, nhưng ông ta nắm lấy bàn tay già nua, héo tàn của mẹ mà vuốt ve.

Rồi bỗng ông ta vọt dậy như thể hoảng hốt và nói: “Không biết bố sẽ nói về việc này thế nào?” Bà mẹ nói: “Bố đã có thời của bố để điều khiển công việc theo cách của bố. Bây giờ đến lượt con. Chừng nào bố còn sống thì phải vâng lời bố. Bây giờ thì việc của con là tỏ ra đúng như bản tính của con”. Người con ngạc nhiên quá vì nghe mẹ nói thế nên hết khóc hẳn, và nói: “Nhưng mà con vẫn tỏ ra đúng như bản tính của con”. Mẹ lại nói: “Không, chẳng phải đúng như thế. Con cứ cố làm cho giống bố. Bố đã trải qua những thời khó khăn và đã học được nỗi lo bị sa sút. Bố tự thấy phải bắt buộc nghĩ đến chính mình trước tất cả. Nhưng con thì đã bao giờ phải sống qua phút khó khăn nào có thể làm cho lòng con rắn lại. Con có nhiều của hơn là con cần đến, thế mà không nghĩ đến người khác thì sẽ không bình thường”.

Khi hai cô bé vào nhà thì chú bé liền theo vào và nấp trong một xó tối. Chẳng lâu la gì chú đã tìm ra cái chìa khóa nhà kho đang thòi ra khỏi túi áo măng tô của ông chủ và chú nghĩ: “Bao giờ ông chủ tống các cô bé ra khỏi cửa, mình sẽ cầm lấy chìa khóa chạy theo mà chuồn”.

Nhưng các cô bé không bị đuổi ra và cậu bé phải ở lại trong xó chẳng biết làm gì.

Bà mẹ nói chuyện với con rất lâu, càng nói con càng bớt khóc. Và sau cùng gương mặt ông ta sáng ra như thể mặt một người nào khác. Ông ta vẫn vuốt ve mãi đôi bàn tay già nua của mẹ.

Thấy con đã yên tâm bà lão bảo: “Thôi giờ chúng ta phải đi ngủ đi”. Người con đứng vụt dậy nói: “Không, con chưa thể ngủ được, còn một khách nữa còn phải cho trọ đêm nay”.

Ông ta không nói gì thêm nữa, nhưng nhanh nhẹn mặc áo măng tô vào, thắp cây đèn lồng và đi ra. Bên ngoài vẫn lạnh như trước và vẫn ngọn gió ấy thổi, nhưng ra đến tam cấp là ông ta bắt đầu hát khe khẽ. Ông ta tự hỏi là con ngựa có nhận ra mình không, nó có thích trở về tàu ngựa cũ của nó không?

Đi qua sân, ông ta nghe một cánh cửa đập thình thình. Ông ta nghĩ: “Lại cái cửa nhà kho bị gió mở ra” và quay gót đi đến đóng lại.

Đến trước nhà kho sắp đóng cửa lại thì hình như nghe tiếng sột soạt ở bên trong. Nguyên nhân là chú bé đã thừa cơ lẻn ra cùng lúc với ông chủ và tức khắc lao về phía cửa nhà kho, nơi các con vật đang đợi chú. Nhưng mà chúng không còn đứng đấy dưới trời mưa nữa, một cơn gió lốc dữ dội đã thổi tung cánh cửa ra từ lâu và giúp chúng vào ẩn trong nhà. Tiếng sột soạt mà ông chủ vừa nghe, đó là tiếng chú bé đang đi vào trong kho.

Ông chủ đưa chiếc đèn lồng lên soi và thấy là khắp mọi chỗ các con vật đang nằm ngủ chẳng có con người nào ở đây với chúng cả, chúng lại không bị buộc và nằm dài trên khắp cả lớp rạ.

Cuộc xâm nhập ấy làm ông ta giận và ông ta liền hét to, ầm ầm để khua chúng dậy và đuổi chúng ra. Nhưng các con vật cứ nằm im lìm như thể không chịu để cho quấy rối. Con vật độc nhất đứng lên là một con ngựa già, nó rất chậm chạp đi đến gần ông ta.

Bỗng nhiên ông chủ đứng im chỉ nhìn thấy dáng đi của nó là ông nhận ra con ngựa ấy.

– Ông giơ cao chiếc đèn lòng và con ngựa đến tựa đầu vào vai ông.

Thế là ông chủ vuốt ve nó và nói: “Ngựa trung hậu của ta, ngựa trung hậu của ta. Họ đã làm gì ngựa thế? Ừ, ngựa đẹp của ta, ta sẽ chuộc cậu lại. Không bao giờ cậu phải đi khỏi trại này nữa. – Cậu sẽ được tất cả cái gì cậu muốn, ngựa của ta ạ. Tất cả những con kia mà cậu đem theo có thể ở lại đây như cậu, ta sẽ đem cậu về tàu. Từ nay ta sẽ cho cậu bao nhiêu hương mạch mà cậu muốn ăn. Không cần phải ăn vụng. Con ngựa đẹp nhất trước sân nhà thờ sẽ lại là cậu phen nữa. Thế! Thế!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.