Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển
Chương XXX – Phần 1: Cái Phần Lớn Hơn
Thành phố mỏ cổ
Chẳng có nơi nào ở Thụy Điển mà con quạ Bataki thích hơn Falun. Xuân về đất vừa hơi tan băng thì nó đã về đấy và lưu lại nhiều tuần ở chung quanh thành phố mỏ cổ ấy.
Falun nằm trong một thung lũng có con sông ngắn chảy qua; ở phần Bắc là một cái hồ nhỏ xinh xắn, nước trong vắt, hồ Varpan, bờ hồ khúc khuỷu, cây cối xanh rờn; còn phần Nam là một cái vũng của hồ Runn gọi là Tixken, gần như là một cái hồ độc lập. Ở đấy, nước nông và bẩn, bờ hồ lầy lội, xấu xí, ngổn ngang đủ thứ linh tinh. Phần Đông thung lũng là một dãy đồi phủ rừng thông rất đẹp và rừng cây dương căng nhựa; các sườn đồi thì toàn là vườn cây sum suê. Phần thành phố cũng là một dãy đồi mà những nơi cao có ít cây thông thưa thớt và các sườn đồi thì đều trọc, trơ trụi, không cây chẳng cổ gì, như thể một hoang mạc thực sự. Ở đấy, mặt đất chỉ rải rác những tảng đá to, tròn.
Thành phố Falun nằm ở đáy thung lũng hai bên dòng sông, nửa bên nào cũng như thể rập theo quang cảnh của phía bờ sông bên ấy. Bên màu xanh của thung lũng là tất cả những dinh thự tráng lệ, nguy nga; hai ngôi nhà thờ, tòa thị chính, dinh thị trưởng, văn phòng của công ty mỏ, các ngân hàng, khách sạn, nhiều trường học bệnh viện, tất cả những nhà ở và biệt thự xinh đẹp. Bên màu đen của thung lũng đường phố chỉ có những nhà nhỏ một tầng, sơn màu đỏ, những hàng rào buồn bã và những nhà máy xây thành khối dày đặc. Đằng sau các đường phố, giữa một khu sỏi, cuội là mỏ Falun, với nào bơm, nào tời, nào máy dẫn nước, nào những ngôi nhà cũ kỹ xây nghiêng trên các vỉa quặng, nào những đống cứt sắt đen ngòm và những dây dài lò nấu quặng.
Bataki không bao giờ nhìn vào các xóm phía Đông của thành phố, cũng không nhìn hồ Varpan xinh đẹp. Nhưng lại càng thích cái phía Tây và vũng Tixken.
Thật vậy, Bataki con quạ thích tất cả những gì bí mật, những gì để cho người ta suy ngẫm, tư biến và làm cho tư duy hoạt động, và nó cho rằng cái bên tối tăm của thành phố là thích hợp với nó quá chừng. Thế là nó vui thú cố đoán ra tại sao mà cái thành phố cổ bằng gỗ sơn đỏ này lại không bị cháy như tất cả mọi thành phố bằng gỗ đỏ khác của đất nước, nó cũng tự đặt ra câu hỏi rằng những ngôi nhà nghiêng trên hầm mỏ kia sẽ còn đứng vững bao nhiêu lâu nữa. Nó đã suy nghĩ về cái hố Xtơxen mênh mông sâu xuống đất ở giữa khu mỏ và nó đã bay xuống tận đáy hố để khảo sát xem cái khoảng trống khổng lồ đó đã sinh ra như thế nào. Nó đã bị mê hoặc vì những đống cứt sắt vây quanh hố Xtơxen và các ngôi nhà dựng đứng như những thành quách.
Nó đã cố hiểu xem chiếc chuông nhỏ kia muốn báo cái gì mà cứ rung lên khô khốc và đều đều quanh năm suốt tháng như thế; nó đã tự hỏi rằng dưới mặt đất kia, lòng đất có thể giống cái gì vì bị đào thành đường hầm chẳng kém gì một tổ kiến và ở đấy người ta khai quặng đồng từ bao nhiêu thế kỷ rồi. Khi đã tìm được đôi điều soi sáng các chủ đề đó là Bataki bay đến cái hoang mạc đá thê lương và ở đấy nó tự đặt cho mình câu hỏi tại sao mà tuyệt không một ngọn cỏ nào mọc lên được ở đây; mà không thì nó bay đến Tixken. Hồ ấy là các cảnh tuyệt diệu nhất mà nó được biết. Làm sao mà nước hồ hoàn toàn không có lấy một con cá và mỗi khi có cơn bão xáo trộn lên thì nước ở đây lại đỏ ngầu? Lạ hơn nữa là một con suối từ trong mỏ chảy ra đổ vào hồ một thứ nước lóng lánh màu vàng rực rỡ. Nó cũng tự đặt ra những câu hỏi về những ngôi nhà đổ nát còn rải rác trên bờ hồ và về cái xấp nhỏ Tixkxôgen mà chung quanh toàn là vườn rau xanh tốt và cây cao bóng mát, nhưng lại nằm vào khoảng giữa cái hoang mạc đá ấy với cái vũng nước bí ẩn này.
Cái năm mà Nilx đi với đàn ngỗng trời qua suốt đất nước thì trên bờ hồ Tixken, hơi xa phố phường có một ngôi nhà cổ mà người ta gọi là Xvavelkoket – Cái hồ Lưu huỳnh – vì rằng cứ hai năm người ta lại điều chế lưu huỳnh ở đấy vài tháng. Cái nhà cũ nát kia đỏ rực lên một hôm rồi chuyển sang màu nâu sẫm. Không có cái cửa sổ, chỉ có một dãy lỗ thông khí đóng lại bằng những tấm ván đen, vì thực ra thì cái nhà lúc nào cũng đóng kín. Chưa bao giờ Bataki có thể liếc nhìn một cái vào trong nhà và vì thế mà cái nhà ấy gợi tính tò mò của nó hơn bất cứ cái gì khác. Nó nhảy nhót trên mái nhà để tìm một lỗ hở và thường vắt vẻo trên nóc ống khói để ghé mắt nhìn qua cái ống khói hẹp.
Một hôm, Bataki bị lâm vào một cái thế hiểm nghèo. Gió thổi mạnh, mở tung một tấm ván bị một lỗ thông cửa nhà cũ Xvavelkoket và Bataki đã thừa dịp chui vào để xem phía trong nhà. Nhưng vừa vào, thì tấm ván đóng ập lại ngay thế là Bataki bị kẹt trong nhà. Nó chờ gió lại mở tấm ván ra, nhưng hình như gió chẳng có ý gì muốn làm cái việc ấy cả.
Những khe nứt ở các bức tường để lọt vào một chút ánh sáng và ít ra Bataki cũng được cái thích thú nhìn xem bên trong chiếc nhà giống như cái gì. Chẳng có gì ngoài một cái lò lớn, chung quanh là những chiếc nồi đóng chặt vào, và nó liền quan sát kỹ các thứ ấy. Nhưng khi nó muốn ra thì việc ấy rõ ràng là không thể được. Gió không chịu mở ván ra. Mà chẳng có cửa lớn, cửa sổ nào mở cả. Đơn giản là con quạ đã bị nhốt trong một nhà ngục rồi.
Bataki bèn cất tiếng kêu cứu và cứ tiếp tục kêu suốt cả ngày. Ít có loài vật nào mà biết làm ầm ĩ liên tục, không dứt như các con quạ và chẳng mấy chốc mà bốn chung quanh đến rất xa, ai ai cũng biết là Bataki đã bị cầm tù. Con mèo rừng ở Tixkxogen là con vật biết được tai họa ấy trước tiên. Nó nói cho đám gà mái biết rồi bọn này kêu lên là Bataki đã bị cầm tù. Các chim bay qua nghe. Chỉ một lát là cảnh ngộ của Bataki đã được tất cả chim câu, quạ khoang, quạ nhỏ và chim sẻ của thành phố Falun biết hết. Chúng tức thì kéo nhau đến chiếc nhà cũ Xvavelkoket để xe lại cho gần. Tất cả đều thương con quạ, nhưng chẳng con nào tìm ra cách giúp nó cả.
Bỗng Bataki kêu lên, giọng rít cao rất khó chịu: “Im này, ngoài kia, nghe ta nói này: Các người bảo là muốn giúp ta thì hãy đi tìm ngỗng già Akka núi Kebneaixe và đàn ngỗng trời. Hình như vào độ này họ đang ở tỉnh Đalarnê thì phải. Kể cho Akka biết việc xảy ra cho ta. Ta nghĩ là Akka đem theo cái kẻ độc nhất có thể giúp ta đấy”.
Agar, chim bồ câu đưa thư tín, tín sứ giỏi nhất cả nước, gặp đàn ngỗng trời trên bờ sông Đalelven, và trời bắt đầu tối là đã cùng với Akka bay về đến Xvavelkoket. Tí Hon ngồi trên lưng Akka; ngỗng già cho rằng đem cả đàn đến Falun thì sẽ làm sinh nhiều vấn đề hơn là đưa đến nhiều cách giải quyết, nên đã để các bạn đồng hành lại trên một đảo nhỏ giữa hồ Runn.
Sau khi bàn bạc một hồi với Bataki, Akka đặt Tí Hon lên lưng và bay đến một cái trại ngay bên cạnh Xvavelkoket. Akka bay thong thả trên khu vườn và các rừng bạch dương chung quanh cái ấp nhỏ và cùng chú bé nhìn rất kỹ xuống mặt đất. Rõ ràng là trẻ con thường đến đây chơi và chẳng lâu la gì con ngỗng và chú bé đã thấy cái mà họ đi tìm. Trong một dòng suối xuân chảy vui vẻ, có một loạt những chiếc búa lò luyện kim đang quay ầm ĩ, và ngay cạnh đấy chú bé tìm được một cái đục. Một chiếc xuồng đã nát đến một nửa còn đặt trên các cái giá ba chân và bên cạnh đó chú nhặt được một cuộn dây nhỏ.
Họ mang tất cả các thứ ấy, quay về Xvavelkoket. Chú bé buộc đầu dây quanh ống khói dòng sợi dây theo ống khói dài, rồi nắm dây mà tụt xuống. Chào Bataki và được con quạ cám ơn nồng nhiệt. Vừa đến là chú bắt tay ngay vào việc khoét một lỗ ở tường với cái đục.
Tường ở Xvavelkoket không dày lắm, nhưng một nhát bổ của chú bé cũng chỉ gỡ được một mảnh vụn, bé đến nỗi, mỏng đến nỗi một con chuột nhắt cũng có thể lấy răng mà gặm được thế. Rõ ràng hết sức là phải đào đục suốt cả đêm và lâu hơn nữa nếu muốn khoét ra một cái lỗ đủ rộng cho con quạ có thể chui qua được.
Bataki thì nóng lòng được giải phóng đến nỗi không ngủ được, cứ đứng bên cạnh chú bé đang làm việc. Lúc đầu, chú làm hăng hái, kiên quyết hết sức nhưng chỉ một chốc là con quạ thấy rằng những nhát đục mỗi lúc một cách quãng nhau lâu hơn và cuối cùng thì dừng hẳn lại.
Con quạ nói: “Cậu mệt rồi đấy. Có lẽ cậu chẳng còn sức mà làm nữa chăng?”
Chú bé trả lời rồi lại cầm lấy cái đục: “Không, tôi không mệt, nhưng đã từ lâu rồi có đêm nào mà tôi được ngủ thực thụ đâu. Tôi chẳng biết làm sao mà không buồn ngủ được”.
Công việc lại tiếp tục, trước còn nhanh nhưng chỉ một chốc, các nhát đục lại cách quãng nhau xa, con quạ lại đánh thức chú bé lần nữa và nó nghĩ là nếu không tìm được cách giữ cho chú tỉnh ngủ thì chính nó sẽ phải ở đấy suốt đêm và còn cả ngày mai nữa.
Nó liền nói: “Chắc là cậu sẽ làm việc dễ dàng hơn nếu tôi kể cho cậu nghe một câu chuyện này” – “Vâng, có lẽ như thế là giúp cho tôi đấy”. Chú bé vừa nói vừa ngáp, thấy buồn ngủ quá sức và gần như không cầm vững cái đục.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.