Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển
Phần 2: Lịch Sử Mỏ Falun
Tí Hon ạ, cho tôi nói với cậu là tôi sống trên mặt đất này đã lâu rồi, đã được sung sướng cũng như phải khổ sở, và nhiều lần đã bị loài người giam cầm. Vì thế mà không những tôi đã biết được tiếng nói của loài người, mà còn học được rất nhiều hiểu biết của họ. Và tôi dám quả quyết rằng trong cả nước, chẳng có lấy một con chim nào mà hiểu những kẻ cùng giống loài với cậu hơn tôi được.
Nhiều năm liền tôi đã bị nhốt trong lồng ở đây, tại nhà một ông kỹ sư trưởng phụ trách cái mỏ Falun này và chính ở đấy tôi đã biết được những gì tôi sắp kể cho cậu nghe.
Thuở xưa, ở tỉnh Đalarne này có một ông khổng lồ sinh được hai con gái. Khi đã già và cảm thấy sắp chết, ông ta gọi hai con đến cạnh mình để chia của. Tài sản quý nhất của ông ta là mấy quả núi chứa đầy những đồng. Ông nói với các con: “Trước khi ta để lại gia tài cho các con thì các con phải hứa với ta rằng hễ có một người lạ nào tìm ra các mỏ này thì các con phải giết nó đi trước khi nó kịp nói việc đó ra cho một kẻ nào khác biết”. Cô gái lớn vốn dã man và độc ác, chẳng chút do dự, hứa ngay sẽ tuân theo ý muốn của cha. Cô kia, tính tình hiền hậu hơn và ông bố thấy cô do dự trước khi hứa, liền cho cô chỉ một phần ba gia tài, còn cô chị thì được đúng gấp đôi. Ông khổng lồ nói: “Ta biết là có thể tin cậy con như thể con là một người đàn ông vậy. Và vì thế con được cái phần lớn hơn”.
Ít lâu sau, khổng lồ chết và rất lâu hai con gái hết sức lưu tâm đến lời hứa của họ.
Nhiều lần đã xảy ra cái việc một người thợ rừng hay một người đi săn trông thấy quặng đồng lộ ra ở nhiều chỗ, nhưng vừa về đến nhà để kể lại việc đó thì bị tai nạn chết ngay. Khi thì bị một cây thông chết đổ ập xuống người, lúc thì bị một vụ núi lở cuốn phăng đi. Chưa bao giờ một ai trong bọn họ đã có thể tiết lộ c khác biết cái kho tàng của thiên nhiên hoang dã đó nằm chỗ nào.
Thuở ấy, nông dân có tập quán thả gia súc vào rất sâu trong rừng để kiếm ăn, những người chăn bò đi theo để khỏi mất chút sữa nào, lại có thể làm ngay bơ và phó mát. Để cho người và gia súc trú ngụ, họ khai quang vài chỗ trong rừng và dựng lên những nhà nhỏ mà họ gọi là nhà ở đồng cỏ núi cao.
Một người nông dân ở ven sông Đalelven, trong xã Torxong có những đồng cỏ mùa hè trên các bờ hồ Runn, mà đất nhiều sỏi đến nỗi tưởng không trồng trọt gì được cả. Một ngày thu nọ, người nông dân lên đồng cỏ trên núi đem theo vài con ngựa thồ để lùa gia súc, chở sữa và phó mát về. Khi đếm lại số gia súc thì thấy đôi sừng của một con dê đực toàn màu đỏ. “Cái gì đã xảy ra cho con dê đực Kore của ta thế?” người nông dân hỏi cô chăn gia súc. Cô ta trả lời: “Tôi cũng chẳng biết. Chiều nào trong mùa hè này, nó trở về, sừng cũng đỏ lên như thế. Trông đẹp đấy chứ”. Người nông dân hỏi: “mày tin là thế thật à?”. Cô chăn gia súc nói: “Đúng, cái con dê này, nó có cá tính ra phết dấy. Lần nào tôi rửa hết màu đỏ ở sừng nó đi, nó cũng tức khắc quay lên núi bôi lại màu đỏ vào”. Thế là người nông dân bảo: “Vậy mày rửa lại cho nó một lần nữa. Để ta xem là nó sẽ làm thế nào nào.”
Con dê đực được rửa xong sừng là lại đi ngay vào rừng. Người nông dân đi theo và chỉ một lát là thấy con vật cọ sừng vào mấy hòn đá đỏ. Người nông dân nhặt mấy hòn, nếm thử, ngửi xem và nghĩ là mình đã tìm ra một thứ quặng nào đấy.
Anh ta đang suy nghĩ thì bỗng một khối đá to lăn từ trên sườn núi xuống ngay cạnh. Anh ta nhảy phóc một cái sang bên mới khỏi chết, nhưng mà Kore, con dê đực bị khối đá đè nát rồi. Ngước mắt lên, người nông dân thấy trên đầu sườn núi một người đàn bà khổng lồ, vững chãi, sắp hất một khối đá nữa xuống người anh ta. “Bà làm gì thế? Anh ta kêu to. Tôi có bao giờ làm gì hại bà cũng như họ hàng bà đâu” – “Không, ta biết rõ như thế, người khổng lồ trả lời. Nhưng ta phài giết ngươi vì ngươi tìm ra núi đồng của ta”. Người khổng lồ nói những lời đó giọng buồn bã như thể thành thực không hề muốn giết anh ta, và điều đó làm cho người nông dân bạo dạn lên để nói chuyện tiếp với người khổng lồ. Thế là người ấy nói đến ông khổng lồ già, đến lời hứa của mình, đến người chị đã nhận được phần lớn hơn mình rồi nói thêm: “Ta ghê tởm cái việc giết những người vô tội đáng thương đã tìm ra núi đồng của ta, đến mức chỉ muốn không bao giờ nhận cái gia tài này nữa. Nhưng ta đã hứa và phải giữ lời hứa” và thế là người đàn bà lại tiếp tục đẩy khối đá. Người nông dân liền kêu lên: “Khoan, đừng vội vàng thế. Lời thề của bà không buộc bà phải giết tôi. Không phải tôi đã tìm ra mỏ đồng đâu mà là con dê đực của tôi đấy, và bà đã giết chết nó rồi”. Người khổng lồ ngập ngừng, rồi hỏi: “Ý ngươi định nói là ta đã giữ trọn lời thề rồi chứ gì?” – “ Đúng thế, bà đã giữ lời thề đúng như người ta nói có thể bắt buộc”. Rồi anh ta thuyết phục người khổng lồ khéo đến mức được tha khỏi chết.
Thế là người nông dân liền lùa bò về nhà, rồi đi sang vùng Bergxlayen. Họ giúp anh ta khai một cái một ở chỗ con dê đực chết. Ban đầu anh ta còn sợ bị giết, nhưng rồi mọi việc cho thấy con gái ông khổng lồ đã chán cái việc canh giữ núi đồng rồi, và không bao giờ làm anh ta phải lo ngại gì nữa.
Vỉa quặng tìm được ở ngang mặt đất, việc khai thác hết sức dễ. Anh ta cùng với thợ, nhặt củi trong rừng chất lên thành đống cao trên các khối đá chứa kim loại mà đốt. Sức nóng làm nứt đá ra, thế là họ lấy được quặng rồi từ lửa này đến lửa khác, họ đốt cho đến khi lấy được đồng tinh khiết, khử hết cứt sắt.
Ngày xưa, thiên hạ dùng đồng hàng ngày nhiều hơn ngày nay. Đồng là sản vật có ích và được ưa chuộng, nên người nông dân có cái mỏ kia đã chóng giàu ghê gớm. Anh ta xây cho mình một ngôi nhà lớn và đẹp ở cạnh mỏ và đặt tên là Korarvet – gia tài của Kore, để kỷ niệm con dê đực của mình. Đi dự lễ mi-xa ở Torxong anh ta cưỡi con ngựa đóng móng bằng bạc và đám cưới con gái anh ta tiêu thụ số bia cất bằng hai chục thùng mạch nha lớn với mười con bò ta quay xiên.
Thuở ấy, thiên hạ sống yên tĩnh, mỗi người ở một góc quê hương mình và tin tức không truyền đi dễ dàng như ngày nay. Nhưng cái tin tìm ra mỏ đồng lớn cũng đến được tai bao nhiêu người, và những kẻ chẳng có việc gì làm tốt hơn, bèn kéo nhau lên Đalarne. Tất cả những khách nghèo khó ấy đều được đón tiếp ân cần ở Korarvet. Người nông dân lấy họ vào làm, trả lương thật khá để cho họ đi khai quặng cho mình. Quặng nhiều quá mức, và càng lấy thêm thợ vào làm, anh ta càng giàu to.
Nhưng người ta kể lại rằng một buổi tối nọ bốn tay trai tráng vác cuốc chim thợ mỏ đến Korarvet. Họ được tiếp đãi tử tế như tất cả mọi người đã đến trước đó, nhưng khi người nông dân hỏi có muốn làm với anh ta không thì họ cương quyết trả lời là không. Họ nói: “Chúng tôi dự định khai quặng cho riêng chúng tôi thôi”. Người nông dân bảo: “Nhưng núi kim loại này là của tôi cơ mà” – “Chúng tôi không đào trong mỏ của anh, – những người khách lạ trả lời. Núi to thế này và chúng tôi cũng có quyền như anh đối với cái thiên nhiên tự do và không có hàng rào giới hạn này”.
Người ta không nói gì thêm nữa và người nông dân vẫn tỏ ra hiếu khách đối với những người mới đến. Sáng sớm tinh mơ hôm sau, bốn người ra đi, tìm được quặng đồng không xa lắm và bắt đầu khai thác. Mấy hôm sau, người nông dân đến thăm. Anh ta nói: “Trong núi này nhiều quặng thật”. Một trong số bốn người đáp: “Đúng, có đủ công việc cho vô số người làm trước khi hết cái kho tàng này”. Người nông dân lại nói: “Tôi hiểu điều đó, nhưng dù sao thì tôi nghĩ là các anh cũng phải trả tôi một ít hoa hồng về quặng mà các anh khai thác vì chính là nhờ tôi mới khai thác được mỏ này”
– “Rất lấy làm tiếc, nhưng chúng tôi chẳng hiểu anh muốn nói gì?” bốn người liền nói thế. – “Chính là nhờ trí khôn của tôi núi này mới được tự do khai thác”. Người nông dân nói rồi kể lại cho họ nghe chuyện hai con gái ông khổng lồ và việc chia gia tài không đều.
Bọn người kia nghe rất chăm chú, nhưng hình như chỉ lưu tâm đến một điểm của câu chuyện, khác cái điểm mà người nông dân muốn nhấn mạnh. Họ hỏi: “Mụ khổng lồ kia có thật nguy hiểm hơn các mụ anh đã gặp không?”. Người nông dân trả lời: “Tôi không nghĩ là mụ ta sẽ tỏ lòng thương xót các anh lắm đâu.”
Tối hôm đó, trong khi dân Korarvet đang ăn bữa tối thì nghe những tiếng thét ghê rợn trong rừng. Xen vào tiếng gầm của ác thú nghe rõ những tiếng người. Người nông dân vụt dậy, nhưng thợ thì không muốn đi theo anh ta; những người nhà thì nói: “Kệ thây bọn họ vô lại ấy, dù chó sói có ăn thịt chúng nó”. Người nông dân nói: “Dù sao ta cũng phải đi cứu những kẻ gặp nạn chứ” và anh ta đã tập hợp năm chục thợ lại.
Khi họ đến nơi thì thấy một đàn sói khủng khiếp đang chen lấn nhau, tranh nhau mồi. Đám thợ đuổi chúng đi thế là thấy dưới đất bốn cái xác người đã bị cắn xé đến nỗi không thể nói là những ai đấy nữa, nếu không tìm thấy bốn chiếc cuốc chim ở dưới đất.
Từ đó, núi đồng lại là sản nghiệp của một mình người nông dân cho đến khi người ấy chết đi và để lại làm gia tài cho các con trai. Những người này cùng làm với nhau trong mỏ, đến cuối năm mới chia nhau quặng khai được bằng cách rút thăm, rồi đem phần của mỗi người về luyện trong lò riêng của mình. Họ đều thành những chủ mỏ quyền thế và xây lên những biệt thự lộng lẫy. Kế nghiệp họ, đám con cháu lại tiếp tục công việc, mở ra những giếng mỏ và tăng thêm việc khai thác. Năm tháng trôi qua, mỏ mở rộng ra và ngày càng nhiều chủ mỏ có phần ở đấy. Có người ở ngay cạnh mỏ, người khác biệt thự và lò đúc khắp nơi trong vùng. Cứ thế hình thành một vùng giàu mạnh mà người ta gọi là khu mỏ Xtora Kopparbey.
Tuy vậy, quặng mà đến lúc ấy người ta có thể khai thác chẳng khó khăn gì ở ngay cạnh mặt đất như đá ở các công trường, đã bắt đầu cạn, và thợ mỏ bắt buộc đào sâu dưới đất. Họ phải tụt xuống những giếng hẹp, đi theo những đường hầm dài, ngoằn ngoèo để vào trong lòng đất mà đốt lửa để làm vỡ tan đá ra. Khai được quặng bao giờ cũng là một việc nặng nhọc rồi, nhưng còn cái cực hình bị hun khói vì khói không thể nào len lỏi để ra được ngoài trời; rồi lại cái khó khăn trong việc đưa quặng lên mặt đất theo những cái thang thẳng đứng. Thỉnh thoảng, những túi nước khổng lồ bục ra ở một góc mỏ, những lúc khác thì trần các đường hầm đổ xuống vùi công nhân. Công việc trong mỏ đáng sợ đến mức chẳng một ai tự nguyện xuống đấy nữa. Thế là người ta đề nghị với những phạm nhân bị kết án tử hình và những kẻ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật đang lang thang trong rừng, là tha cho họ các trọng tội nếu họ nhận lời làm thợ ở Falun.
Trong một thời gian dài, chẳng một ai nghĩ đến việc đi tìm cái phần gia tài của người chị được ưu đãi. Nhưng rồi một vài kẻ trong đám người ngoài vòng pháp luật kéo đến Xtora Kopparbey, họ cho là có thể liều tính mạng trong một cuộc phiêu lưu, và thế là kéo nhau đi khắp vùng hi vọng sẽ tìm ra được cái phần rất lớn ấy.
Chẳng ai có thể kể lại số phận của tất cả các kẻ đi tìm cái phần ấy, nhưng mà có câu chuyện nói rằng vài người thợ mỏ, một buổi tối trở về nhà chủ và kể lại là họ đã tìm được trong rừng một vỉa kim loại rộng và rất nhiều quặng. Họ đã đánh dấu đường đi bằng cách cứ quãng quãng lại tước đi những mảnh vỏ trên các thân cây, và họ muốn đưa ông chủ họ đến đấy ngay ngày hôm sau. Nhưng hôm sau lại là chúa nhật và ông chủ không muốn đến, và ông ta đã đi nhà thờ với tất cả đám gia nhân. Vì là mùa đông họ đi bộ qua hồ Varpan, lúc đi chẳng có việc gì, nhưng lúc về, hai người thợ ngã xuống một hồ nước và chết đuối. Thế là người ta nhớ lại cái truyện cổ về việc chia gia tài và cho là chắc chắn hai người thợ đã tìm ra cái phần gia tài lớn hơn.
Để cứu chữa tất cả các khuyết tật của mỏ, các ông chủ quyết định mời những người ngoại quốc thành thạo đến và những người ấy đã tập cho họ xây những hệ thống tháo nước và chuyển quặng. Người ngoại quốc chẳng tin gì cái chuyện các con gái ông khổng lồ nhưng họ cho là việc có một vỉa quặng tốt hơn ở gần đấy là hoàn toàn có thể tin được, và họ liền hăng hái lao đi tìm. Thế là một ngày nọ, một kỹ sư người Đức trở lại nhà người chủ, báo tin là vừa tìm ra cái phần gia tài lớn. Nhưng vì cứ nghĩ đến cái giàu sang đang chờ đợi mình, anh ta đã hoàn toàn mất trí. Ngay tối hôm đó, anh ta tổ chức một bữa tiệc, uống rượu và nhảy múa, đánh xúc xắc và cuối cùng cãi nhau với một đám bạn rượu, bị người kia đâm chết.
Trong thời gian ấy, người ta tiếp tục khai thác ở Xtora Kopparbey những khối quặng lớn đến mức làm cho mỏ này được xem là mỏ đồng sản xuất nhiều nhất thế giới. Không những mỏ ấy đem đến nguồn giàu có lớn nhất cho cả miền và khắp cả chung quanh mà những của cải quí giá lấy từ đấy ra đã cứu giúp rất nhiều cho vương quốc Thụy Điển lúc bấy giờ đang trải qua những thời khó khăn. Toàn thể thành phố Falun đã được dựng lên vì nước Thụy Điển, và cái mỏ này đã được xem là hữu ích và đặc sắc đến mức các quốc vương đều đến Falun thăm thành phố và gọi Falun là Ân sủng của Thụy Điển và Kho báu của Vương quốc Xvea.
Nghĩ đến tất cả các của cải phong phú từ cái mỏ cổ ấy ra, thì không ai ngạc nhiên vì những kẻ đã tin là có một kho báu lớn gấp đôi nằm ngay bên cạnh, và những kẻ ấy đã điên cuồng lên khi cảm thấy là không thể với tới được. Nhiều người đã liều cả tính mạng để đi tìm nhưng dù có thế cũng vẫn chẳng có kết quả gì.
Một trong những kẻ sau cùng đã trông thấy cái phần lớn hơn đó là một người chủ mỏ Falun trẻ tuổi, con một nhà giàu có tử tế và có nhà và lò đúc trong thành phố. Anh ta muốn lấy cô gái xinh đẹp của một chủ trại ở Lekxanđ và đã đến cầu hôn. Nhưng cô ta từ chối vì không muốn đến ở Falun là thành phố mà khói các lò nung và lò đúc ngột ngạt quá, chỉ nghĩ đến là đủ làm cho cô ta khắc khoải.
Người chủ mỏ yêu thương cô ta quá chừng và quay về nhà anh ta buồn khổ vô cùng. Cả đời anh ta đã sống ở Falun và chưa bao giờ tưởng tượng ra là đời sống ở đấy khó khăn cả. Nhưng mà lần này về đến gần thành phố thì anh ta hoảng hốt. Một làn khói lưu huỳnh dày đặc và làm người ta nhức nhối, từ miệng giếng mỏ bốc lên, từ hơn trăm cái lò ở chung quanh tỏa ra, trùm lên toàn thể thành phố như đám sương mù. Cái khói ấy ngăn không cho cây cối mọc lên đến nỗi mặt đất cứ trơ trụi, cằn cỗi trên những diện tích rộng mênh mông. Khắp nơi, anh ta thấy những lò đúc phun lửa ra tua tủa và chung quanh là những đống xỉ đen ngòm và như thế không những ở trong thành phố và ngoại ô mà ở khắp cả một vùng. Cũng như thế ở Gruyckxbo, ở Bengtxarvet, ở Bergxyoden, ở Xtennexet, ở Korxnex, ở Vika, cho đến tận Axpeboda. Thế là anh ta hiểu ra rằng ai m đã sống trên các bờ bãi xanh tươi và lóng lánh của hồ Xilyan thì không thể nào thấy dễ chịu ở đây được.
Quang cảnh thành phố này càng làm anh ta u sầu, ủ rũ thêm; không muốn về nhà ngay anh ta liền bỏ con đường cái và cứ thế đi vào rừng. Anh ta lang thang suốt cả ngày trong rừng, không hề nghĩ là đi đâu cả.
Tối đến, anh ta tưởng như trông thấy bề mặt của một khối đá sáng lên như vàng và đến gần anh ta hiểu rằng đó là một vỉa đồng rất lớn. Thoạt tiên việc phát hiện đó làm anh ta vui mừng, nhưng rồi anh ta nghĩ rằng đó chắc là cái phần lớn hơn, cái phần đã làm cho bao nhiêu người chết và thế là anh ta đâm sợ. Anh ta nghĩ: “Thế là hôm nay bất hạnh cứ đuổi theo mình không tha. Bây giờ phát hiện ra kho tàng này, chắc là ta sắp mất mạng rồi đây”.
Lập tức anh ta quay lại và quyết trở về nhà. Một lát sau anh ta gặp một người đàn bà cao lớn, đẫy đà, trông như những người nữ công nhân trong mỏ, nhưng anh ta không nhớ ra là đã gặp lần nào chưa.
Người đàn bà ấy nói: “Ta không hiểu anh có thể làm gì ở trong rừng này. Ta thấy anh lang thang cả ngày trong này”.
Người chủ mỏ đáp rằng: “Tôi tìm một chỗ để có thể ở được, vì người con gái tôi yêu không muốn đến sống ở Falun”.
Thế là người đàn bà lại hỏi: “Anh không định khai thác đồng ở cái vỉa anh vừa tìm ra đó chứ?”
“Không, tôi phải thôi hết việc khai mỏ, nếu không sẽ chẳng lấy được người mà tôi yêu”
“Nếu thực sự anh giữ lời hứa đó thì chẳng có gì khó chịu xảy ra cho anh cả”.
Và bỗng nhiên người đàn bà biến mất. Còn anh ta thì liền làm ngay cái việc anh ta đã nói chấm dứt việc khai mỏ, anh ta cho lập một cái trại xa Falun; ở đấy người mà anh ta yêu liền đến ở với anh ta, chẳng khó khăn gì”.
Kể đến đấy, con quạ dừng lại. Chú bé vẫn rất tỉnh ngủ suốt thời gian nghe kể chuyện, nhưng mà chẳng hăng hái gì trong việc đục tường.
Nghe đến đấy, chú liền hỏi: “Rồi sau đó ra sao nữa?”
Quạ kể tiếp: “Thế là việc luyện đồng sa sút
từ thời ấy. Thành phố Falun vẫn còn, thật thế, nhưng tất cả các lò đúc trước kia đều mất hết khắp vùng rải rác những ngôi nhà cổ của các chủ nhỏ, nhưng những người ở đấy đã phải làm nông nghiệp hay khai thác rừng. Quặng của mỏ Falun hết rồi. Tìm ra được cái phần lớn hơn kia thì tốt quá.”
Chú bé lại hỏi: “Tôi muốn biết là người chủ mỏ mà bác nói đó có phải đúng là kẻ cuối cùng đã trông thấy cái mỏ lớn ấy không?”
Bataki đáp: “Tôi sẽ nói cho cậu biết ai đã trông thấy sau cùng, nhưng phải sau khi cậu đục xong tường và đánh tháo cho tôi ra đã”.
Chú bé giẫy nẩy lên rồi lại hăng hái đào tiếp. Lời nói đầy bóng gió của Bataki đã cố cho biết rằng chính mình đã tìm ra vỉa quặng. Quạ có ẩn ý gì mà kể cho chú nghe cái truyện đó?
Để cố hiểu rõ hơn, chú bé hỏi: “Cứ như truyện bác kể thì bác đã rong ruổi trên vùng này nhiều lắm. Bác ắt phải thấy được lắm sự vật khi bay qua các rừng, các núi”.
“Đúng thế, rồi tôi sẽ chỉ cho cậu thấy những sự vật đáng ngạc nhiên lắm, chỉ cần cậu đánh tháo cho tôi ra khỏi chốn này”.
Chú bé lại đục và hăng hái đến mức làm những mảnh vỡ bay khắp quanh mình. Bấy giờ thì chú đã chắc rằng chính con quạ đã tìm ra cái phần lớn hơn. Chú liền nói: “Dù sao cũng thật đáng tiếc vì bác là con quạ nên không thể hưởng cái tài sản mà bác đã tìm”
Con quạ nói: “Tôi không nói về việc ấy nữa chừng nào mà cậu chưa tỏ ra là cậu biết đục một cái lỗ ở bức tường”.
Chú bé đục mạnh đến nỗi cái đục tóe lửa ra.
Chú nghĩ là đã đoán ra được dụng ý của Bataki rồi con quạ tất nhiên là không thể nào khai được cái mỏ cho chính mình hưởng, nên đã tính là sẽ đem việc phát hiện ra cái mỏ đó làm quà biếu cho chú, cho chính chú, Nilx Holyerxon. Như thế có lẽ là gần với sự thật nhất. Và chú mà biết được bí quyết đó thì ngay lập tức được trở lại làm người là chú sẽ trở về ngay chốn này để khai thác nguồn của cải đó và lúc đó sẽ thu nhập được khá nhiều tiền, chú sẽ mua lại tất cả xã Vextra Vemmenhơg và xây ở đấy một toà lâu đài to rộng lớn bằng lâu đài Vitsovle. Và một ngày nào đó chú sẽ mời ông chủ trại nhỏ Holyer Nilxon và vợ đến lâu đài của mình. Và chú sẽ tiếp đón họ ở cổng vào và nói: “Xin mời vào, cứ xem như ở nhà các cụ vậy!” Và họ sẽ không nhận ra chú, chắc chắn như vậy, và họ sẽ tự hỏi rằng cái ông xinh đẹp kia đã mời họ đến đây là ai vậy. Thế là chú hỏi họ: “Các cụ có thích ở một ngôi nhà như thế này không?” Họ sẽ nói: “Chắc chắn là thích, nhưng chốn này đâu phải để cho chúng tôi”. Chú sẽ trả lời: để cho các cụ chứ vì con dự định dâng hai cụ để đền lại đàn ngỗng đực trắng to đã bỏ các cụ mà đi cách ngày nay mấy năm”
Chú bé đục đến mỗi lúc một nhanh thêm. Sau đó chú sẽ dùng tiền mình để làm một chiếc nhà nhỏ mới ở truông thạch thảo Xunnerbo cho Axa cô bé chăn ngỗng và bé Matx. To hơn và đẹp hơn chiếc nhà cũ rất nhiều, tất nhiên rồi. Rồi thì chú mua lại cái hồ Tokern và biếu cho đàn vịt, rồi thì….
Con quạ cất tiếng nói: “Tôi phải công nhận là bây giờ cậu đục nhanh quá. Tôi nghĩ cái lỗ đủ rộng rồi đấy”.
Và con quạ đã thực sự chui lọt qua được cái lỗ đục. Chú bé ra theo và thấy Bataki đang đậu trên một tảng đá cách mấy bước.
Rất trịnh trọng, Bataki cất tiếng nói: “Bây giờ, Tí Hon ạ, tôi giữ lời đã hứa với cậu. Tôi đã trông thấy rõ cái phần lớn ấy và tôi không khuyên cậu cất công đi trông nó đâu, vì chính tôi đã phải mất biết bao nhiêu năm công sức để tìm ra nó”.
Chú bé nói: “Còn tôi thì cứ tin là bác sắp chỉ cho tôi để trả ơn tôi đã đánh tháo cho bác”.
Bataki lại nói: “Cậu đã buồn ngủ quá khi tôi kể cho cậu nghe truyện cái phần lớn hơn ấy. Không thì cậu đã chẳng bao giờ mong ước đến cái gì như thế. Cậu có để ý đến cái việc tất cả những ai đã tìm ra vỉa quặng đều đã gặp phải tai nạn cả không? Cậu thấy chưa, Bataki này đã sống quá lâu để mà không biết là lúc nào cần phải ngậm miệng lại hay sao”.
Và nói xong, quạ liền tung cánh lên, bay đi ngay.
Akkangủ dưới đất cạnh Xvavelkoket, nhưng chú bé để một lúc lâu mới đánh thức ngỗng dậy. Chú chán nản và buồn rầu vì đã hụt mất tài sản khổng lồ đó và chẳng cái gì có thể an ủi chú nữa. Chú nghĩ rằng: “Mình chắc chắn rằng chẳng có chút gì là thật trong cái chuyện các mụ khổng lồ này cả. Mà mình cũng không tin chuyện chó sói cũng như chuyện băng tan, nhưng mình nghĩ rằng khi những thợ mỏ nghèo khổ tìm ra vỉa quặng lớn trong rừng sâu hoang vu thì họ mừng điên lên đến mức không thể nào chịu đựng nổi khiến họ không còn đủ sức mà sống được nữa. Mình nghĩ chắc là mọi việc đã xảy ra như thế”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.