Người Ru Ngủ

CHƯƠNG 3



Tôi là mẹ kiểu gì, nếu không biết tên con búp bê ưa thích nhất của con gái mình?
Mila tự nhắc đi nhắc lại câu hỏi đó trong suốt chặng lái xe. Và câu trả lời vẫn luôn như thế.
Mình chẳng hơn gì bà ta.
Mỗi khi nhận thức điều đó, dường như cô lại mở toang một vết thương cũ.
Vào lúc 11 giờ 40 phút, cô bước qua cửa Minh Phủ.
Họ dùng cái tên đó để gọi ban phụ trách tìm người mất tích tại trụ sở cảnh sát liên bang. Nó nằm ở tầng hầm của một tòa nhà thuộc cánh tây, nơi xa trung tâm nhất. Chính điều này, cùng với tên gọi của nó cho thấy dường như chẳng ai quan tâm đến sự tồn tại của Minh Phủ.
Cô được chào đón bằng tiếng rì rầm thường trực của chiếc máy điều hòa cổ lỗ và mùi khói thuốc cũ – di sản của một thời đã xa – khi mà người ta có thể hút thuốc trong phòng làm việc – pha trộn với hơi ẩm của móng nhà.
Minh Phủ gồm nhiều phòng và một tầng hầm để lưu trữ hồ sơ tài liệu. Nó có ba phòng làm việc, mỗi phòng được trang bị bốn bàn giấy, ngoại trừ phòng dành cho thủ trưởng. Tuy nhiên, căn phòng rộng nhất chính là phòng đầu tiên khi người ta tiến vào Minh Phủ.
Sảnh đợi.
Đây là nơi kết thúc con đường đời của nhiều người. Khi đi vào đây, bạn sẽ bị ấn tượng bởi ba điều. Đầu tiên là sự trống trải: do không có đồ đạc, tiếng vang di chuyển tự do mà không bị cản trở. Tiếp đến là cảm giác sợ bị nhốt: trần nhà khá cao nhưng lại không có cửa sổ, nguồn ánh sáng duy nhất được cung cấp nhờ những ngọn đèn huỳnh quang xám xịt. Và điều thứ ba khiến bạn chú ý là hàng trăm đôi mắt.
Các bức tường được phủ kín bởi ảnh chụp của những người mất tích.
Đàn ông, đàn bà. Trẻ, già. Những đứa trẻ khiến bạn lập tức chú ý. Mila đã thắc mắc trong một thời gian dài, trước khi hiểu ra những đứa trẻ nổi bật lên giữa đám đông vì sự hiện diện của chúng gợi nên cảm giác khó chịu của sự bất công. Trẻ con đâu thể tự quyết định biến mất, như vậy rõ ràng một bàn tay của người lớn đã tóm lấy và lôi chúng vào một chiều không gian vô hình. Tuy nhiên, những khuôn mặt trẻ thơ trên các bức tường không nhận được bất kì sự đối xử đặc biệt nào, chúng được xếp chung với những hình ảnh khác theo trật tự thời gian thuần túy.
Tất cả những cư dân của bức tường câm lặng đều ngang hàng. Không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính hay tuổi tác. Hình ảnh của họ là bằng chứng mới nhất về sự tồn tại của họ trên đời. Đó có thể là những tấm ảnh được chụp từ bữa tiệc sinh nhật, hay được lấy ra từ một đoạn video an ninh. Có người cười vô tư, có người còn không biết mình bị chụp ảnh. Nhưng trên hết, trong số họ chẳng mảy may nghi ngờ rằng đây sẽ là tấm ảnh cuối cùng của mình.
Kể từ khoảng cách đó, trái đất đã tiếp tục quay không cần biết đến họ. Tuy nhiên, không ai bị bỏ rơi, không người nào làm việc tại Minh Phủ lãng quên họ.
“Họ không phải là con người”. Thủ trưởng Steph của Mila đã từng nói như thế. “Mà là đối tượng làm việc của chúng ta. Nếu cô không thể nhìn nhận như thế, cô sẽ không thể trụ lâu ở đây được đâu. Tôi á, tôi đã ở đây được hai mươi năm rồi”.
Nhưng Mila không tài nào xem những con người này là “đối tượng làm việc” được. Trong các phòng ban khác của trụ sở, họ sẽ được gọi là “nạn nhân”. Thuật ngữ chung chung này cho biết họ đã hứng chịu một loại tội ác nào đó. Các đồng nghiệp ngoài Minh Phủ của Mila không biết họ may mắn đến thế nào khi có được cái thuật ngữ chung chung ấy.
Trong các vụ mất tích, người ta không thể xác định ngay được người mất tích là một nạn nhân hay tự nguyện bỏ đi.
Các điều tra viên của Minh Phủ không thực sự biết họ đang điều tra cái gì, một vụ bắt cóc, giết người hay sự ra đi tự nguyện. Phần thưởng họ nhận được không phải là công lý. Họ không bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải lùng bắt cho được một tên gian ác. Các điều tra viên của Minh Phủ phải bằng lòng với cơ hội tìm ra sự thật. Quả vậy, sự mơ hồ có thể trở thành một nỗi ám ảnh, không chỉ đối với người yêu quý người mất tích – những người không chấp nhận chuyện đó.
Mila đã học được một bài học. Trong bốn năm đầu tiên ở Minh Phủ, cô từng có một đồng nghiệp là Eric Vincenti, một anh chàng trầm tính, tốt bụng, người có lần đã cho cô biết các cô gái luôn bỏ rơi anh vì cùng một lí do: khi anh đưa họ đi ăn tối hoặc uống gì đó, anh cứ nhìn các bàn khác hoặc những người qua lại.
“Họ nói chuyện với tôi, nhưng tôi cứ nhìn đi chỗ khác. Tôi cố lắng nghe, nhưng không thể. Có cô còn yêu cầu tôi chấm dứt nhòm ngó các phụ nữ khác trong khi đi chơi với cô ấy”.
Mila còn nhớ nụ cười héo hắt của Eric khi kể lại chuyện đó. Chất giọng mỏng, hơi khàn và cái gật đầu chấp nhận của anh. Như thể anh đã bỏ cuộc và coi nó như một câu chuyện phiếm vui vẻ. Nhưng sau đó anh trở nên nghiêm túc.
“Tôi tìm kiếm họ khắp nơi. Tôi tìm kiếm họ mọi lúc”.
Câu nói cay đắng đó, Mila không bao giờ quên.
Eric Vicenti đã biến mất vào một ngày chủ nhật của tháng Ba. Trong căn hộ độc thân của anh, chăn nệm được xếp gọn ghẽ, những chiếc chìa khóa được đặt trên cái bàn nhỏ cạnh cửa ra vào, quần áo còn nguyên trong tủ đồ. Trong tấm ảnh duy nhất của anh mà họ tìm thấy, Eric tươi cười đứng giữa hai người bạn, hãnh diện khoe con cá mèo vừa câu được. Khuôn mặt anh đã được đặt cạnh những khuôn mặt khác trên bức tường phía đông.
“Cậu ta đã không trụ được”. Steph đã tuyên bố như thế.
Bóng tối đã chộp được anh ấy, Mila đã nghĩ như vậy.
Trong khi đi đến bàn làm việc của mình, cô quan sát tấm ảnh của Eric Vincenti, người mà sau hai năm mất tích vẫn chưa có manh mối nào được phát hiện. Tấm ảnh là dấu vết cuối cùng về sự tồn tại của anh.
Và do vậy hiện nay chỉ còn hai người làm việc tại Minh Phủ.
Trong các phòng ban khác của trụ sở cảnh sát, số lượng nhân viên đông đúc đến nỗi họ phải chen chúc nhau trong các văn phòng và phải cố gắng đạt tiêu chí hiệu quả công việc do cấp trên áp xuống. Mila và đại úy Steph thì ngược lại, hai người có cả một không gian mênh mông, chẳng phải báo cáo ai về phương pháp lẫn kết quả làm việc. Tuy nhiên, không một cảnh sát có chút tham vọng tối thiểu nào muốn nhập bọn với họ – hi vọng về một sự nghiệp lẫy lừng của bạn tắt dần khi các vụ việc bế tắc cứ dõi theo bạn từ trên các bức tường.
Về phần mình, Mila đã tự nguyện chọn Minh Phủ sau khi được đề nghị thăng chức nhờ phá thành công một vụ án lớn, hồi bảy năm về trước. Các cấp trên của cô đã không che giấu được sự kinh ngạc của mình. Việc chôn vùi bản thân trong cái lỗ này thật không thể hiểu nổi đối với họ. Nhưng Mila nhất quyết không đổi ý.
Sau khi thay bộ trang phục chạy bộ để ngụy trang lúc sáng, Mila mặc quần áo như thường lệ – một chiếc áo thun dài tay tầm thường, chiếc quần jean và đôi giày thể thao, rồi ngồi vào máy tính để viết báo cáo về vụ Conner. Bóng ma nhỏ tuổi vô danh đã được giao cho bên bảo trợ xã hội. Hai nhà tâm lý được hộ tống bởi một chiếc xe tuần tra đã đến tìm hai chị gái của cô bé tại trường học. Bà Conner đã bị bắt, và theo những gì Mila được biết thì chồng bà ta cũng cùng chung số phận.
Trong khi chờ máy tính khởi động, Mila lại nghe thấy giọng nói đã đeo bám cô suốt buổi sáng.
Mình chẳng hơn gì bà ta.
Đúng lúc đó, cô ngước lên và nhìn về phía cửa phòng của đại úy Steph. Khác với thường lệ, nó khép chặt. Cô đang thắc mắc về sự việc lạ lùng này thì ông đại úy thò đầu qua cửa.
– A, cô đây rồi. Cô vào đây được không? – Ông nói bằng giọng điềm tĩnh, nhưng Mila cảm nhận được một sự căng thẳng trong đó.
Trước khi cô kịp phản ứng, Steph rụt đầu vào trong, để ngỏ cửa cho cô. Mila đứng lên và tiến về phía cánh cửa. Khi đi đến gần, cô nghe thấy tiếng trò chuyện.
Chẳng ai quá bộ xuống dưới Minh Phủ này.
Thế nhưng hôm nay có vẻ Steph không ở một mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.