Người Ru Ngủ

CHƯƠNG 58



Điện thoại di động của cô đổ chuông nhưng không có ai nghe máy.
Chắc cô ấy không muốn nói chuyện vì còn đang giận. Có thể hiểu được, Berish nghĩ thầm. Anh đáng bị như thế. Lẽ ra anh có thể ghé qua Minh Phủ để làm rõ mọi chuyện, vì vào giờ này thì Mila không thể còn ở nhà được.
Nhưng anh dậy khá muộn và đó là nhờ Hitch đòi ra ngoài giải quyết nhu cầu.
Anh đã ngủ thiếp đi trên chiếc ghế bành cũ cạnh cửa sổ, quần áo còn chưa cởi. Giờ thì một cơn đau chạy suốt phần giữa lưng của anh, chưa nói đến cơ cổ.
Theo anh nhớ thì mình chưa bao giờ ngủ sâu đến thế từ nhiều năm qua. Như thể cơ thể anh đã chìm vào giấc ngủ đông bất chấp tư thế không thoải mái. Anh lại còn mơ nữa chứ.
Nhưng ngoài những cơn đau ra thì anh hoàn toàn khỏe khoắn.
Sau khi tắm nhanh, anh mặc một bộ comlê xanh và uống cà phê. Đã 11 giờ trưa. Mùa thu rốt cuộc đã thay chân mùa hè. Berish đổ đầy thức ăn và nước uống cho Hitch. Lần này anh không thể đưa nó theo.
Anh đã gọi một chiếc taxi để đi kiểm chứng linh cảm trước khi ngủ lịm vì mệt mỏi đêm qua.
Anh muốn Mila đi cùng, nhưng chắc cô bạn đồng nghiệp cần thời gian để nguôi giận. Anh không biết phải xử sự như thế nào vì anh biết cô chưa đủ lâu.
Nếu anh đến Minh Phủ cùng với kết quả mà anh hi vọng sẽ có, Mila có lẽ sẽ quên đi những nguyên nhân của cuộc cãi vã giữa họ. Thật ra thì Berish đã quên chúng rồi. Biết đâu chẳng có nguyên nhân thực sự nào hết. Thỉnh thoảng chuyện này cũng xảy ra.
Chiếc taxi dừng lại trước một tòa nhà màu trắng. Một lá cờ bay phấp phới trên đỉnh một cây cột cắm giữa bãi cỏ. Tiếng leng keng phát ra từ mấy cái khoen của nó là âm thanh duy nhất Berish nghe thấy lúc xuống xe. Anh thanh toán tiền taxi rồi đi vào trong viện dưỡng lão.
Đó là một nơi khá đẹp, đẹp một cách lừa dối. Phía sau tòa nhà chính mở ra một ngôi làng và lúc này anh đang bước qua các lối đi để tìm đến đúng cánh cửa.
Anh gõ cửa và chuẩn bị sẵn phù hiệu. Sau vài giây thì cửa mở.
Người phụ nữ ra đón Berish ngồi trên một chiếc xe lăn. Bà đưa mắt nhìn phù hiệu của anh.
– Tôi đã nói hết với các đồng nghiệp của anh rồi. – Bà bực bội lên tiếng trước khi anh kịp mở miệng. – Anh đi đi.
– Khoan đã, thưa bà Ivanovic. Chuyện này rất quan trọng. – Berish nói luôn điều đầu tiên xuất hiện trong đầu và muộn màng nhận ra đáng lẽ mình phải chuẩn bị một cái cớ.
– Con trai tôi là một tên giết người, tôi đã không gặp nó hai mươi năm nay. Còn gì quan trọng hơn thế?
Cánh cửa sắp đóng lại. Không biết phải làm thế nào để ngăn cản điều đang diễn ra, Berish thầm tiếc nuối vì sự vắng mặt của Mila. Những năm tháng lẩn tránh cuộc đời và bị mọi người xa lánh đã khiến anh không thể tương tác với con người, ngoại trừ trong những buổi thẩm vấn.
– Tôi đã nói chuyện với con trai bà ngày hôm qua. Tôi tin rằng Michael muốn gửi cho bà một lời nhắn…
Anh nói dối. Trên thực tế ý của Ivanovic đã quá rõ ràng.
Đó không phải là mẹ tôi.
Cánh cửa khựng lại cách khuôn mặt anh vài xentimet. Người phụ nữ chầm chậm mở nó ra trở lại và nhìn anh với vẻ thấp thỏm trên khuôn mặt.
Bà ta tìm kiếm một sự tha thứ mà mình không thể mang đến, Berish tự nhủ trước khi bước vào bên trong.
Bà Ivanovic di chuyển chiếc xe lăn đến cuối phòng khách, trong khi đặc vụ Berish khép cửa lại sau lưng.
– Họ đã đến tối hôm qua, họ đã nói với tôi thằng Michael đã quay về. Và họ thẳng thừng cho tôi biết điều nó đã làm, không thèm đếm xỉa gì đến suy nghĩ của tôi, mẹ đẻ của nó.
Bà mới ngoài năm mươi tuổi nhưng tỏ ra già hơn thế rất nhiều. Mái tóc bạc của bà cắt ngắn, gần như cạo trọc. Nơi này cũng giống với con người bà ta. Công năng như một phòng bệnh viện, giản tiện như một xà lim.
– Tôi ngồi được chứ? – Berish vừa hỏi vừa chỉ chiếc ghế bành bọc vải dầu.
Bà Ivanovic gật đầu.
Berish không chắc mình có những lời nói thích hợp để an ủi hoặc trấn an người phụ nữ này. Mà chuyện đó có lẽ cũng vô ích. Sự tức giận trong giọng điệu của bà ta đã quá rõ.
– Tôi đã đọc hồ sơ về vụ mất tích của con trai bà. Việc Michael bị bắt cóc hồi sáu tuổi ngay trên chiếc bập bênh chắc hẳn vẫn còn làm bà lạnh người.
– Tôi tự hỏi tại sao tất cả các anh đều nghĩ như thế. Anh có biết điều gì ám ảnh tôi nhiều nhất không? Nếu tôi quay người lại chỉ một tích tắc sớm hơn thôi thì chuyện đó đã không diễn ra. Buồng điện thoại nơi tôi đứng chỉ cách đó tầm mười mét. Chỉ cần một vài phần trăm giây, tương đương một chữ trong cuộc nói chuyện đáng nguyền rủa ấy. Chúng ta được dạy cách tính giây, phút, giờ, ngày, năm… nhưng không ai giải thích được cho chúng ta giá trị của một khoảng khắc.
Sự đầu hàng cảm xúc này có thể là dấu hiệu cho thấy bà ta sẽ mở lòng với Berish.
– Hồi đó, hai vợ chồng bà đang chuẩn bị ly hôn?
– Phải, lão ta đã tìm được một con đàn bà khác.
– Chồng bà yêu quý Michael chứ?
– Không. Mà này, lời nhắn của con trai tôi là gì vậy?
Berish cầm lấy một tờ tạp chí trên bàn, rút một chiếc bút chì từ túi áo ra và vẽ lại trên một góc của trang bìa hình ảnh mà Michael Ivanovic đã nguệch ngoạc trong buổi thẩm vấn.
– Ê, anh làm gì với quyển tạp chí của tôi vậy.
– Tôi xin lỗi, nhưng đây là việc cần thiết.
Berish vẽ tòa nhà hình chữ nhật bốn tầng lầu với hàng cửa sổ con trên mái, một cửa chính lớn và nhiều cửa sổ. Anh còn thêm bóng người vào một trong các ô cửa sổ. Sau đó anh đưa kết quả cho bà Ivanovic.
Bà ta quan sát nó chớp nhoáng rồi trả lại cho Berish.
– Cái này nghĩa là sao?
– Tôi đang hi vọng bà có thể cho tôi biết.
– Tôi chẳng biết gì đâu.
Berish nhận ra bà ta không thành thật.
– Trong khi vẽ cái này, Michael đã nói nhiều câu có vẻ vô nghĩa.
– Họ bảo tôi có thể nó đã bị điên. Nếu nó giết và đốt người ta thì chắc là vậy rồi.
– Tôi đã nghĩ con trai bà muốn làm chúng tôi tin như thế. Khi tôi hỏi cậu ta trong lửa có gì, cậu ta đáp nó có mọi thứ mà một người muốn nhìn thấy. Câu trả lời này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, bà có biết tại sao không?
– Tôi không biết, nhưng tôi tin anh sẽ giải thích cho tôi.
Bức tường mà bà ta đã dựng lên sau chừng ấy năm tháng quả là vững chắc.
– Chúng ta luôn dừng lại ở bề ngoài mà không nhìn vào thứ ở bên trong ngọn lửa. Nó che giấu một điều, thưa bà Ivanovic.
– Tức là sao?
– Tức là đôi khi ta phải đi xuống tận cùng địa ngục để biết được sự thật về bản thân mình. – Berish đáp, cố tình nhắc lại nguyên văn câu nói của Michael.
Người phụ nữ mở to mắt. Trong một thoáng Berish tưởng như thấy lại biểu cảm của con trai bà ta.
– Bà có biết ở tận cùng địa ngục có gì không?
– Tôi ở trong đó hàng ngày.
Berish gật đầu nghi nhận.
– Bà làm công việc gì trước khi…
Người phụ nữ nhìn xuống đôi chân bất động của mình.
– Tôi là bác sĩ pháp y. Thật trớ trêu, đúng không? Tôi đã làm việc với các xác chết trong mười năm trời. Người ta cứ chết đi mà chẳng biết vì sao mình chết. Tôi đã thấy nhiều trường hợp… Trên đời này có nhiều quỷ dữ hơn cả dưới địa ngục. Anh là cảnh sát, anh hiểu tôi muốn nói gì rồi đấy.
– Đôi khi, nếu người ta biết tên của con quỷ, chỉ cần gọi tên là nó sẽ đáp lại. – Berish nói, một lần nữa dẫn lại lời của Michael Ivanovic.
Người phụ nữ nghi ngờ nhìn Berish.
– Anh chơi trò gì vậy? Anh đang thách thức Chúa trời hay quỷ dữ vậy?
– Với quỹ dữ thì ta không thắng được đâu.
Một sự im lặng kéo dài trùm lên gian phòng. Đôi mắt người phụ nữ lộ vẻ mệt mỏi.
– Bà có mê tín không, thưa bà Ivanovic?
– Anh hỏi vậy là sao?
– Tôi không biết nữa. Con trai bà đã đặt cho tôi câu hỏi này, và tôi không biết trả lời thế nào. Đó là đoạn cuối thông điệp của cậu ta.
– Anh làm tôi mệt đầu quá. Những gì thằng bé đã nói, hình vẽ này… chẳng có liên quan gì với tôi. Thật ra anh muốn gì?
Berish đứng dậy. Người phụ nữ rụt người lại trên chiếc xe lăn.
– Bà biết đấy… Trước khi đến đây sáng nay, tôi không chắc lắm về sự liên can của bà, nhưng khi bà mở cửa cho tôi, bà đã cho tôi một sự xác nhận.
– Anh đi đi.
– Một phút nữa thôi. Kairus bước vào cuộc đời các nạn nhân của hắn thông qua chiếc điện thoại.
– Kairus là ai?
– Bà thích tôi gọi hắn là Người ru ngủ hơn chăng? Hắn là kẻ đã gọi điện cho những con người cùng quẫn và đề nghị với họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đã tự hỏi hắn làm thế nào với Michael… Mới sáu tuổi đầu thì còn quá bé để hiểu cái gì là tốt hơn cho mình. Như vậy hắn đã bắt cóc cậu ta. Nhưng tại sao lại phải liều lĩnh như thế trong khi những người mất tích khác, những người mất ngủ ấy, họ đều tự nguyện nộp mạng cho hắn? Phải có một nguyên do chính đáng…
– Anh chỉ nói vớ vẩn.
– Michael mắc một dị tật bẩm sinh có tên là nghịch đảo phủ tạng, nó đồng thời cũng gây ra bệnh lý tim mạch trầm trọng.
– Phải, rồi sao?
– Bà và chồng bà đang trong giai đoạn chuẩn bị ly hôn. Cha của Michael sẽ có gia đình mới, ở đó chưa chắc có chỗ cho một đứa trẻ đau ốm. Trong khi bà lại không thể chăm sóc cậu ta, đúng không? Tôi đoán hồi đó bà đã bắt đầu có những triệu chứng sớm của căn bệnh thoái hóa trầm trọng đã khiến bà giờ đây phải ngồi xe lăn.
Người phụ nữ lúng túng im bặt.
– Michael cần phải được trợ giúp thường xuyên. Không có người thân lo liệu, cậu ta sẽ tàn đời trong trại mồ côi. Ai mà muốn nhận nuôi cậu ta kia chứ? Ngoài ra, tình trạng của Michael đòi hỏi một chế độ chăm sóc tốn kém. Bà có học y, bà hoàn toàn đủ khả năng dự kiến điều sẽ xảy ra. Không có nguồn tài chính cần thiết, con trai bà sẽ sống sót được bao nhiêu năm đây?
Người phụ nữ bắt đầu thổn thức.
– Nhưng rồi một ngày, một cú điện thoại gọi đến. Một giọng nói xa lạ. Người đàn ông ở đầu dây bên kia giành được sự tin tưởng của bà nhờ những lời lẽ hợp lý. Ông ta đã cho bà hi vọng trở lại. Bà không biết người đó là ai, nhưng ông ta là người bạn duy nhất của bà, và ông ta đã hỏi bà một câu: “Cô nghĩ sao nếu có được một cuộc đời mới… cho con trai mình?”
Berish để cho câu hỏi đó lơ lửng trong không trung giữa họ.
– Và bà, thưa bà Ivanovic, bà đã làm gì? Làm điều mà bà thấy có vẻ đúng đắn nhất vào thời điểm đó: bà đưa con đến căn phòng số 317 khách sạn Ambrus, cho thằng bé uống thuốc ngủ rồi đợi cho nó ngủ thiếp đi. Sau đó bà ra về, tự hiểu rằng sẽ không gặp lại con trai mình nữa. Và bà đã bịa ra chuyện chiếc bập bênh.
Khuôn mặt người phụ nữ lúc này đầm đìa nước mắt.
– Tôi lấy làm tiếc cho bà, thưa bà Ivanovic. Chuyện đó chắc là kinh khủng lắm đối với một người mẹ. – Berish nói với tất cả sự cảm thông mà anh có.
– Khi có nguy cơ bị mất một thứ, người ta không dễ đầu hàng. – Người phụ nữ mím môi đáp. – Nhưng đối diện với nguy cơ mất tất cả, anh nhận ra mình thực sự chẳng có gì để mất… Tôi đã mong mình chết quách đi cho xong sau chuyện đó, vậy mà tôi vẫn sống sờ sờ ở đây.
Sự hiện diện của Berish trở nên thừa thãi kể từ lúc này. Anh thì biết gì về bi kịch này, khi bản thân anh không có con cái? Thậm chí anh còn nói dối để biện minh cho sự hiện diện của mình.
Đó không phải là mẹ tôi.
Câu nói của Michael vẫn còn vang vọng trong đầu Berish. Nếu như anh ta biết người phụ nữ này đã làm gì cho mình, đã phải chịu mất mát những gì… Nhưng có lẽ anh ta biết và lên án mẹ mình. Dù sao thì Berish cũng không thể cho phép mình cảm thấy thương hại bà ta quá mức. Anh chưa muốn ra về khi chưa có mọi câu trả lời.
– Như tôi đã nói, – Berish tiếp lời, – Kairus đã chấp nhận một rủi ro lớn khi chọn một đứa trẻ. Bà biết đấy, người ta rất quan tâm tới những đứa trẻ mất tích, họ xem mình như người thân của những đứa trẻ có hình ảnh in trên hộp sữa, và không dễ dàng bỏ cuộc… Như vậy, nếu Kairus đã chấp nhận rủi ro và để lại một nhân chứng có khả năng đổi ý và kể lại tất cả cho cảnh sát thì… hắn phải có một lí do đúng đắn.
Người phụ nữ lắc đầu.
– Bà Ivanovic, hắn đã yêu cầu bà trao đổi cái gì?
Người mẹ của Michael cụp mắt nhìn trang bìa tạp chí với hình vẽ bằng bút chì.
– Tôi không nghĩ nó còn nhớ, sau bao nhiêu thời gian… Anh có biết hình vẽ này mang ý nghĩa gì không, đặc vụ? Con trai tôi đã không quên tôi. Ngôi nhà này nằm ngay trước công viên nơi tôi thường đưa nó đến.
Berish sững sờ nhận ra mọi thứ liên hệ với nhau như một vòng tròn hoàn hảo. Công viên nhỏ với chiếc bập bênh nơi Michael đã biến mất, sự đau khổ của mẹ hắn, hình vẽ hắn đã nguệch ngoạc trong buổi thẩm vấn. Anh cầm tờ tạp chí lên và một lần nữa cho bà Ivanovic xem hình vẽ.
– Chỗ này ở đâu vậy?
– Hồi tôi còn là bác sĩ pháp y, tôi đã trải qua mười năm làm việc giữa bốn bức tường của tòa nhà này. – Bà ta thừa nhận.
Berish tiến lại gần và đặt tay lên vai người phụ nữ.
– Michael trở thành một con quái vật không phải do lỗi của bà. Nhưng chúng ta vẫn còn kịp ngăn chặn kẻ đã gây ra điều đó… Hai mươi năm trước, Kairus đã muốn gì?
– Một thi thể.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.