Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển
Chương VII: Cái Thang Gác Ba
Bậc
Thứ năm, 31 tháng Ba
Đàn ngỗng trời đã dự trù ngày hôm sau lại bay lên phía Bắc qua tổng Allbo trong tỉnh Xmôlanđ. Chúng phái Uykxi và Kakxi đi dò đường nhưng hai con này trở về báo rằng nước sông ngòi đều đóng băng và mặt đất thù khắp nơi đều phủ tuyết.
Các con ngỗng nói: “Như thế chúng ta có thể ở lại đây thôi. Ta không thể bay qua những vùng chẳng có nước, lại cũng chẳng có đồng cỏ”.
Akka cãi lại: “Chúng ta mà ở lại đây thì chắc là phải trọn một tuần trăng. Tốt hơn là đi sang phía Đông, qua tỉnh Blêkinyê rồi thử băng qua tỉnh Xmôlanđ theo tổng Mơrê, ở đó mùa xuân đến sớm vì gần eo biển”.
Vì thế, hôm sau, chú bé rong ruổi tỉnh Blêkinyê ánh sáng ban ngày làm cho chú vui vẻ như thường lệ và lại không tài nào hiểu được cái gì là cái ám ảnh chú tối hôm qua. Giờ thì không còn vấn đề bỏ cuộc lữ hành và đời sống hoang dã nữa!
Một lớp sương mù dày đặc do mưa bụi đem đến, phủ kín tỉnh Blêkinyê và chú chẳng trông thấy gì ở dưới ấy cả. “Mình chẳng biết cái vùng bay qua này là tốt hay xấu nữa”, chú nghĩ vậy và cố nhớ lại những gì đã được học ở trường về tỉnh này. Nhưng đồng thời chú cũng biết là vô ích vì có bao giờ chú đã chịu làm các bài tập đâu.
Và bỗng nhiên chú như thấy lại nhà trường, trẻ em ngồi ở bàn của họ đưa tay lên, thầy giáo ngồi ở bàn của thầy có vẻ phật lòng và chính chú đang đứng trước tấm bản đồ, được mời trả lời một câu hỏi về tỉnh Blêkinyê nhưng không thể nói được lấy một tiếng. Mỗi giây trôi qua là gương mặt thầy lại càng ảm đạm vì cái môn địa lý này nhiều hơn mọi môn khác. Giờ thì thầy đứng dậy đến lấy lại cái que để chỉ bản đồ từ tay chú và cho chú về chỗ. Thế là chú nghĩ: “Thế này thì phiền đấy!”
Nhưng thầy đi đến cạnh cửa sổ và đứng đấy một lúc nhìn ra ngoài trời, mồm khe khẽ huýt sáo. Rồi thầy trở lại bàn giấy và bảo là sắp nói chuyện với học sinh về tỉnh Blêkinyê. Và những gì thầy kể hôm ấy thật vui quá, khiến chú đã lắng nghe. Cố hết sức tìm trong ký ức bấy giờ chú đã nhớ lại được từng chữ.
Thầy giáo nói: “Tỉnh Xmôlanđ là một ngôi nhà cao có những cây thông mọc trên nóc, và phía trước rải ra một cái thang gác rộng gồm ba bậc, thang gác ấy có tên là Blêkinyê.
Kích thước của chiếc thang gác đó thật là hoàn hảo, rải rộng tám mươi kilomet theo mặt trước của ngôi nhà Xmôlanđ và ai mà muốn xuống thang gác ấy để gặp biển Baltika thì phải đi hết bốn mươi kilomet.
Nó cổ lắm, chiếc thang gác này. Năm tháng đã trôi qua lâu từ khi các bậc đá màu ghi của nó được đẽo và xếp thành dải phẳng bóng và đều đặn”.
Cứ như tuổi tác của nó thì người ta có thể hiểu rằng, cái thang gác này chẳng còn mới mẻ gì. Tôi không biết là người thời này có quan tâm đến những việc đó không nhưng cứ như tầm vóc của nó thì chẳng có cái chổi nào là có thể giữ cho nó sạch sẽ được. Rêu và địa y mọc trên các phiến đá của nó, cỏ khô và lá rụng ùn lại đấy trong mùa thu và sang mùa xuân thì nó bị phủ đầy những đá đổ xuống và cuội cát lăn xuống và tất cả các thứ ấy ở tại chỗ để phân hủy ra sau cùng thì một khối mùn lớn các loại chất chứa lại đến mức là không những cỏ cây bụi và cả những cây đại thụ đến bám rễ đấy nữa.
Đồng thời ba bậc càng ngày càng khác hẳn nhau. Bậc trên gần tỉnh Xmôlanđ, phần lớn phủ một lớp đất xấu và sỏi nhỏ và chỉ có một loại anh đào, cây bạch dương và cây thông là mọc lên được vì chịu nổi cái rét nơi cao và vốn sống thanh đạm. Chỉ nhìn diện tích eo hẹp của các cánh đồng đã lấn được vào đất rừng, kích thước bé nhỏ, nhà cửa và khoảng cách giữa các nhà thờ là đủ biết nỗi khô hạn và nghèo nàn của các vùng này.
Bậc giữa được ưu đãi hơn vì không phải chịu những cái rét khắc nghiệt của chốn núi cao; nhìn thấy cây cối cao to hơn, thuộc các loài quý hơn người ta cũng hiểu ngay như vậy. Ở đấy mọc lên những cây phong, cây sồi và cây bồ đề, cây bạch dương lá rũ, và cây phỉ, nhưng chẳng có một cây tùng bách nào. Và người ta lại càng hiểu rõ hơn khi thấy những ngôi nhà to, đẹp đã xây dựng ở đây, các nhà thờ ở các bậc trung gian này cũng nhiều và chung quanh đấy là những làng xã rộng lớn.
Rồi cũng như bậc giữa đẹp hơn bậc trên; bậc dưới cũng lại càng đẹp hơn nữa. Mặt đất phủ lớp mùn phì nhiêu, nó lại tắm mình trong biển nên không cảm thấy cái lạnh của tỉnh Xmôlanđ. Ở dưới này vui thích mọc lên những cây hồ đào, cây dẻ gai và cây lật, thân vươn cao hơn các mái nhà thờ. Những cánh đồng rộng rãi đều ở đấy cả, nhưng người ta không chỉ sống nhờ nghề nông và nghề rừng, mà còn đánh cá và đi biển nữa. Bởi vậy, mà ta thấy ở đấy những nhà ở sang nhất, những nhà thờ đẹp nhất, và làng xã bao quanh nhà thờ đều đã trở thành những thị trấn và những thành phố.
Nhưng chưa hết những điều đã được kể về ba bậc thang gác ấy. Vì còn phải nói rằng khi mà mưa trên mái của ngôi nhà lớn Xmôlanđ và tuyết tan ở đấy thì nước phải chảy đi đâu đấy chứ. Tất nhiên một phần chảy xuống cái thang gác lớn. Lúc đầu chắc là nước chảy suốt cả bề ngang của thang, nhưng rồi nó đào ra những mương hẹp rồi lần hồi nó chỉ chảy theo những khe được vạch ra rất rõ. Và nước vẫn chỉ là nước, dù người ta làm gì thì làm. Nước không biết nghỉ ngơi. Ở đây nó đào và giũa, và bào; ở kia nó bồi vào. Nó đã khoét rộng các rãnh ra thành thung lũng, đã phủ mùn lên các gò đống ấy, đông đúc đến nỗi dấu kín gần hết các dòng nước chảy ở dưới đáy thung lũng. Nhưng khi các khe suối ven các bậc thang thì phải lao đầu xuống và nhờ thế nước có thể chảy xiết đến mức đủ mạnh để làm quay những bánh xe các nhà xay và cỗ máy, và các nhà xay cỗ máy cứ ngày càng tăng thêm lên nhiều dọc tất cả các khe suối.
Tuy nhiên cũng chưa nói hết được về cái xứ ba bậc thang này. Phải biết rằng trong ngôi nhà Xmôlanđ ngày xưa có một ông khổng lồ ở. Đã quá già, ông khổng lồ ấy nguyền rủa tuổi tác của mình đã bắt buộc mình cứ phải theo cái thang gác để đi đánh cá hồi ở dưới biển. Ông ta thích rằng cá cứ phải ngược lên đến tận chỗ ông ta thì hơn.
Vậy là ông ta leo lên mái ngôi nhà lớn của mình và cứ thế ném những tảng đá lớn xuống biển Baltika. Ông ta ném khỏe đến nỗi đá bay qua suốt cả tỉnh Blêkinyê và rơi xuống biển. Thế là khiếp sợ vì đá rơi cá hồi phải rời biển ngược lên các sông suối tỉnh Blêkinyê mà đào tẩu, chúng nhảy lên rất cao để vượt qua các thác, và chỉ dừng lại khi đã vào sâu nội địa tỉnh Xmôlanđ, đúng nới ông khổng lồ già ở.
Những rạn đá ngầm và hải đảo rải rác dọc bờ biển tỉnh Blêkinyê chứng tỏ rằng đó là chuyện có thật. Rạn và đảo chẳng là gì khác những khối đá lớn mà ông khổng lồ đã ném xuống biển.
Một bằng chứng nữa của sự thật ấy là ngày nay cá hồi vẫn còn ngược các dòng sông của tỉnh Blêkinyê qua các khe suối và các vùng nước yên tĩnh, vạch đường lên tận tỉnh Xmôlanđ.
Đúng, ông khổng lồ ấy xứng đáng được dân tỉnh Blêkinyê nhiệt thành cám ơn vì việc đánh cá hồi và nghề đẽo đá trên các đảo là hai ngành hoạt động ngày nay còn nuôi sống rất nhiều người trong bọn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.