Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Chương XII: Con Bướm Lớn



Thứ tư, 6 tháng Tư

Đàn ngỗng bay dọc theo hòn đảo hẹp, mà từ trên cao nhìn xuống trông thấy toàn cảnh. Chú bé cảm thấy lòng thanh thản. Tối hôm trước chú chán nản và buồn rầu bao nhiêu, trong lúc lang thang trên đảo tìm ngỗng đực, thì bây giờ chú sung sướng bấy nhiêu. Hình như ở giữa đảo là một cao nguyên trơ trụi, bao quanh là một dải đất rộng giàu có và phì nhiêu, dọc các bờ biển. Nilx bắt đầu hiều ý nghĩa của câu chuyện nào đó mà chú đã nghe kể tối hôm trước.

Chú đang nghỉ dưới chân của một trong các nhà xay sức gió, mọc trên cao nguyên, thì hai người chăn cừu tới gần, có những con chó đi theo, và đi trước là một đàn cừu rất đông. Chú bé không phải đứng lên, vì chú ở rất kín dưới những bậc thang của nhà xay, nhưng tình cờ thế nào mà hai người chăn cừu lại đến ngồi ngay trên cầu thang ấy, và Nilx đã phải ngồi ở đó mãi cho đến lúc họ bỏ đi.

Một trong hai người chăn cừu là một chàng trai trẻ, bề ngoài trông chẳng có chút gì đặc biệt cả, người kia là một ông già kỳ quặc. Thân hình ông ta cao và gầy dơ xương, đầu nhỏ, khuôn mặt có những nét dịu dàng và mềm mỏng. Có thể nói là thân hình và cái đầu ông không hài hòa với nhau. Ông ngồi im lặng và một lúc nhìn vào sương mù với cái nhìn mệt mỏi vô cùng. Anh này đã lấy bánh mì và pho mát từ cái túi ra để ăn tối. Anh chẳng trả lời câu nào, nhưng hình như nghe ông ta nói không sốt ruột chút nào.

“Tôi kể cho anh nghe chuyện này, Êrik à. – Ông già nói. Tôi đã suy nghĩ, và tôi tin rằng, xưa kia trong cái thời mà người và vật đều to lớn hơn ngày nay nhiều thì loại bướm dài mấy dặm, cánh rộng như hai cái hồ màu xanh với những ánh bạc, và đẹp đến độ tất cả những súc vật khác đều đứng lại ngắm con bướm khi nó bay”.

“Khốn nỗi là nó to quá. Đôi cách đỡ thân nó thật khó khăn. Chỉ cần nó khôn ngoan, cứ bay trên mặt đất thôi thì còn may không xảy ra việc. Nhưng nó đã liều bay trên biển Baltika. Nó bay chưa được bao xa thì bão đã làm lung lay đôi cánh của nó. Anh cũng hiểu, Êrik à, cái gì phải xảy đến khi đôi cánh bướm mong manh phải phơi ra trước bão tố biển Baltika. Đôi cánh, chẳng mấy chốc đã bị những đợt cuồng phong giật tung và cuốn đi, con bướm đáng thương rơi xuống biển. Ở đó nó bị những đợt sóng đánh đi, đánh lại cho đến khi bị giạt vào mấy tảng đá ngầm trước bờ biển tỉnh Xmelanđ. Mắc cạn, nó nằm dài ra đó”.

“Tôi cho rằng, Êrik ạ, nếu xác bướm mà nằm trên đất liền thì nó đã nhanh chóng thối rữa và tan thành bụi rồi. Nhưng vì nó rơi xuống biển, ở đó nó được chất vôi thấm vào, và đã cứng lại như đá. Anh còn nhớ là chúng ta đã tìm thấy ở trên bờ những hòn đá những con giun đã hóa đá. Tôi tin rằng đó là việc đã xảy ra cho thân hình con bướm lớn. Tôi tin là nó đã thành ra một khối đá dài và hẹp nằm giữa biển Baltika. Anh nghĩ thế nào?”.

Ông già ngừng lại để chờ một câu trả lời, người con trai trẻ lắc đầu:

– Bác kể tiếp đi, và cho cháu biết bác có ý định gì?

– Này để ý xem, Êrik ạ, đất Ơlanđ mà anh với tôi đang sống đây, không phải gì khác cái xác bướm ấy. Chỉ cần suy nghĩ là thấy hòn đảo này đúng là một con bướm. Ở mạn Bắc, ta thấy cái ngực thắt lại và cái đầu tròn, ở mạn Nam là cái bụng, trước mở rộng ngang ra, rồi thu hẹp và cuối cùng thót lai thành cái mũi nhọn.

Ông già ngừng lại một lúc và lo ngại nhìn người bạn trẻ, xem anh ta tiếp nhận lời khẳng định của mình như thế nào, nhưng anh chàng vẫn tiếp tục ăn một cách thản nhiên và chỉ ra hiệu cho ông kể tiếp câu chuyện.

– Con bướm vừa thành ra một khối đá vôi thì rất nhiều hạt giống cỏ cây bị gió thổi đến, đã thử bắt rễ xuống đây. Các hạt giống thấy khó lắm mới bám được vào khối đá trơ trụi và trơn trượt. Một thời gian dài chỉ có cỏ lách là có thể mọc nổi ở đây thôi. Rồi đến một loài hoa thảo và loài hướng dương. Nhưng mãi đến nay nữa, ở đây, trên cao nguyên này, vẫn không đủ cây cối để phủ kín hết được khối đá, vì đá lộ ra khắp nơi. Mà cũng chẳng ai nghĩ đến việc cày bừa cũng như gieo hạt ở đây, bởi vì lớp đất mỏng đến thế.

Nhưng nếu anh công nhận rằng cao nguyên và các núi đồi là do xác con bướm tạo nên, thì anh có quyền hỏi rằng chỗ đất trải ra bên dưới kia, chung quanh đảo, là ở đâu mà ra

– Cháu định hỏi bác điều ấy đấy

– Thế này! Anh nhớ rằng hòn đảo đã lưu lại dưới biển rất nhiều năm và trong khoảng thời gian ấy, tất cả các thứ mà biển đẩy đi; rong biển, cát, vỏ sò, vỏ ốc đều chất lại thành đống ở đó. Rồi, từ hai bên sườn cao nguyên, có những phen đá và đất đổ lở xuống. Như thế đảo có những bờ ruộng để cho lúa mì, các loài hoa và các loài cây có thể mọc lên được.

Ở đây, chỗ cao trên lưng bướm, chỉ thấy có những cừu cái, những bò cái và những con ngựa bé tí, ở đây chỉ có những con chim te te và những con chim óc cau. Không có công trình xây dựng nào ngoài những nhà xay gió và những túp lều tồi tàn bằng đá mà chúng ta, những dân chăn cừu trú ẩn. Nhưng, trên các bờ biển, có những nhà nông dân lớn, có những nhà thờ và những nhà mục sư, những xóm chài và cả một thành phố.

Ông già ngừng lời và nhìn người kia. Anh này đã ăn xong và đang lúi húi buộc chặt túi lương thực của mình.

– Cháu muốn biết là bác có mục đích gì? –

Cuối cùng anh ta nói:

– À! Đây này, – ông già hạ thấp giọng, gần như thì thầm, đôi mắt nhỏ, mệt mỏi vì đã cố tìm ra tất cả những gì thực sự không có, nhìn dõi vào sương mù – Đây là điều mà tôi muốn biết: những nông dân ở trong những sân vây kín đằng kia dưới chân cao nguyên, và những tàu đánh cá mòi ngoài biển, những người buôn bán ở Borghôlm, những người đi săn cứ mùa thu mùa hè nào cũng tới đây, những du khách đi dạo trong các phế tích của lâu đài Borghôlm, những người đi săn cứ mùa thu thì đến đây bắn chim đa đa, những họa sĩ leo lên ngồi trên đỉnh núi này để vẽ những con cừu và những cối xay gió, tôi muốn biết có bao giờ một kẻ nào trong số đó hiểu rằng hòn đảo này nguyên là một con bướm đã từng bay trên không với những cánh rộng lớn, rực rỡ không?

– Ồ! Có chứ, – anh chàng chăn cừu nói, – một người nào đó trong bọn họ sẽ ngồi trên bờ biển vào một buổi chiều, sẽ nghe tiếng họa mi hót trong những rừng cây nhỏ dưới chân mình, ngắm eo biển Kalmar sẽ phải hiểu hòn đảo này không thể được tạo ra như tất cả các đảo khác được.

– Tôi muốn biết, ông già nói tiếp, có một người nào trong bọn họ ó ý muốn đem cho các cối xay này những chiếc cánh to đến mức có thể bay lên trời, to đến mức đủ sức nhấc bổng cả hòn đảo ra khỏi biển cả, và làm cho nó bay như một con bướm giữa các con bướm khác không?

– Trong điều bác nói có cái đúng, – chàng trai đáp lại, – vì trong những đêm hè, lúc bầu trời như một cái vòm xanh bao la trùm lên đảo, đôi khi cháu thấy đúng là hòn đảo đang muốn cất mình khỏi mặt biển và bay lên.

Nhưng ông già, cuối cùng đã kéo được chàng trai vào câu chuyện, rồi ông lại không nghe anh ta nói nữa. Ông lại tiếp tục, giọng còn hạ xuống thấp hơn: “Tôi muốn biết rằng có người nào đó có thể giải thích được cho tôi tại sao ở đây, trên cao nguyên này, người ta cảm thấy nhớ quê hương đến như thế này. Tôi cảm thấy tất cả mọi ngày, trong suốt cả cuộc đời, và tôi tin rằng cái tình quê hương ấy len vào lồng ngực của tất cả những ai sống ở đây. Tôi muốn biết rằng, có người nào đó lại không hiểu là có tâm trạng mòn mỏi đó, vì toàn thể hòn đảo này là một con bướm đang khao khát được một đôi cánh”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.