Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Ngoại Truyện



Cuộc lữ hành của Nilx bắt đầu bằng một cái thế tiến thoái lưỡng nan, cũng lại kết thúc bằng một thế lưỡng đao thật là bi đát.

Điều kiện của ông gia thần để Nilx trở lại làm người là phải đem ngỗng đực Martin về đến nhà để mẹ chú làm thịt, Akka đã tự mình đến, lại phái cả Gorgo đến gặp gia thần, xin thần tha cho Martin, nhưng vô ích; thần lại còn nhắn Nilx là phải về nhà ngay vì gia đình sa sút, bố mẹ khốn cùng quá đỗi.

Thương cha nhớ mẹ, Nilx chỉ mong được về nhà; mới thấy lại quê hương là mắt của Nilx đã rưng rưng lệ, nhưng mà về với gia đình, ở lại với quê hương, ấy là đưa ngỗng đực đến chỗ phải chết. Các thế lưỡng đao ghê gớm quá. Nhưng mà Nilx đã quyết định và nói với Bataki: “Cái ông gia thần ấy đặt ra một điều kiện đến nỗi làm cho tôi không sao mtrở về giúp đỡ bố mẹ tôi được. Nhưng ông ta không làm cho tôi trở thành tên phản bội, đánh lừa bạn mình được. Bố và mẹ tôi là những người lương thiện và tôi biết là sẽ muốn tôi đừng về giúp đỡ, còn hơn là thấy tôi trở về với cái lương tâm xấu hổ”.

Bài toán cuối cùng gia thần đặt ra cho Nilx thật là hiểm ác; và dù đau xót hết sức, Nilx vẫn giải quyết không phải ân hận với lương tâm. Truyện ngụ ngôn, nặng tính dân gian, thường kết cấu đơn giản, dễ mấy ai trong văn học thế giới mà có thể thắt một câu chuyện ngụ ngôn lại thành một cái nút khó gỡ đến như thế này; các bi kịch nổi tiếng như bi kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII, cũng đâu có tình huống bi đát đến thế. Kịch LơXit chỉ là xung đột giữa tình yêu với danh dự; cái kết thúc “Cuộc lữa hành kì diệu” là xung đột giữa hiếu với nghĩa, đều là những bổn phận lớn của con người cả; và Nilx đã sống có nghĩa, có nhân; việc làm của Nilx thật là nghĩa khí.

Không muốn để Martin phải hi sinh cho mình, Nilx giấu bạn các quyết định của gia thần, nhưng cố khuyên Martin đừng nghĩ đến việc về nhà, và gạ nó tiếp tục chu du ra nước ngoài cùng với đàn ngỗng trời. Tuy không hiểu ý tốt của Nilx, nhưng ngỗng đực vẫn khảng khái: “Cậu nhất quyết đi tiếp, tôi chẳng bỏ cậu đâu”. Ngỗng đực cũng có ý nghĩa không khác gì Nilx.

Trước khi ra đi lại, và có thể là đi suốt đời không giờ trở về quê nhà, để cho Martin khỏi bị giết, Nilx cũng lén về thăm nhà một lát, mong có giúp cho bố mẹ được chút gì chăng, nhưng không dám ra mắt bố mẹ, sợ bố mẹ vì thấy hình hài bé nhỏ của mình mà buồn. “Chú nghĩ bố mẹ đã chẳng có gì sung sướng rồi, mình có nên thêm cho bố mẹ nỗi buồn phiền này nữa không?”

Nhưng khi ngỗng đực Martin chẳng hay biết gì cả, cứ dẫn vợ và sáu con “bầu đoàn thê tử” về thăm nhà cũ, và liền bị mẹ mình tóm gọn đem giết, thì Nilx quên hết mọi điều lo ngại, xông lên xin mẹ tha cho bạn; nhưng vừa bước chân vào nhà là liền được gia thần cho trở lại thành người.

Truyện ngụ ngôn là phải biết kết thúc bằng “đại đoàn viên”; còn ngỗng đực và vợ con thì trong niềm vui lớn của gia đình, lại là bạn đường trung thành của Nilx thì tất nhiên là phải được yêu quý lắm, chẳng cần “hạ hồi phân giải” cho thêm dài dòng như trong các truyện dân gian.

Nilx vừa về nhà, con bò cái trông thấy liền nghĩ rằng: “cái tên Nilx này, ra đi vào mùa xuân, dáng đi thật nặng nề, lê lết, đôi mắt cứ như đang ngủ; nhưng cái kẻ trở về đây nhanh nhẹn, dẻo dai, nói năng hoạt bát, đôi mắt long lanh, rực rỡ, tư thế thật đoan trang và quả quyết, và dù bé nhỏ như vậy vẫn làm cho người ta phải nể vì”.

Cuộc lữ hành đã biến đổi Nilx như vậy; về đến đích Nilx được trở lại làm người và đã nên người. Thật là cuộc đi nên người. Và cuộc lữ hành ấy, Xelma Layerlop gọi là “kỳ diệu” nhưng chắc chắn trong thâm ý của tác giả thì kì diệu không phải là nhiều bước phiêu lưuu, lắm việc lạ lùng, bao phen hồi hộp… mà kì diệu là ở việc thay đổi trí tuệ và lương tâm của Nilx. Cuộc lữ hành kì diệu không phải chỉ là một cuốn sách địa lí và sinh vật học, mà trong ý tác giả trước hết phải là một cuốn sách luân lí.

Than thở với Akka, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trở lại làm người nữa, Nilx vẫn không thấy tiếc rẻ gì, chú nói: “Tôi muốn mẹ biết rằng tôi không tiếc là đã đi theo đàn ngỗng trong mùa xuân vừa qua. Đối với tôi chẳng thà không trở lại thành người còn hơn là không được đi cái chuyến vừa rồi”.

Nilx muốn nói là đi để học làm người cho ra người, việc đó quan trọng hơn là cứ làm người mà không ra cái con người. Bài học kể ra cũng thật là nghiêm khắc.

Đọc cuốn truyện này viết trên đất Thụy Điển, trong băng giá Bắc Âu, người ta không thể không liên tưởng đến một cuốn truyện khác cũng viết cho trẻ em trên đất Italia dưới mặt trời Địa Trung Hải; cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Pinôckiô”. Côllôđi cho con bằng gỗ ấy biến thành người vì nó thiết tha muốn làm người, và đã phải cố gắng làm việc thật tốt đển xứng đáng là người, Xelma Layerlop thì nghiệt hơn nhiều; Nilx Holyerxon là người hẳn hoi, thế mà chỉ vì một vụ nghịch ác đã bị biến thành gia thần, rồi phải đi, phải sống mãi với loài vật, và chỉ khi làm được thật nhiều việc tốt, bấy giờ mới được trở lại làm người. Ra cái danh hiệu con người là quý thế đấu. Và cả hai nhà văn Côllôđi và Xelma Layerlop, đều muốn đem đến cho trẻ em lòng tự hào được làm người cùng với ý thức phải ăn ở thế nào cho xứng đáng là con người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.