Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Phần 2: Chuyện kể của Muyr–Kerxti



“Bố mẹ tôi có cái trại nhỏ ở Ơxybyơkar, nhưng nhà quá đông con mà thời buổi lại khó khăn, đến nỗi mười sáu tuổi tôi đã phải ra đi. Độ hai chục trai gái ra đi cùng một lúc với tôi. Và, ngày 14 tháng Tư năm 1845 tôi đến Xtôckhôlm lần đầu.

Tất cả tiền bạc tôi có chỉ là hai mươi bốn shilling còn thức ăn thì tôi đã mang theo mấy khoanh bánh mì, một súc thịt vai bê non và ít phomai, phần lớn tôi để trong một cái túi da, gửi nhờ trên xe của một bác nông dân cùng với áo quần lao động.

Với ba anh bạn đồng hành tôi lên đường cái đi Falun. Chúng tôi đi ba chục, bốn chục kilomet. Cứ nghĩ đến việc đàn bà ngày nay đi đoạn đường đó chỉ mất tám, chín giờ ngồi trên một chiếc xe lửa đủ tiện nghi.

Trong các phố Xtôckhôlm, thiên hạ cứ quay lại nhìn chúng tôi và bảo nhau: “Kìa, trung đoàn tỉnh Đalarne đấy!”. Mà đúng thế, người ta nói là một trung đoàn thật, không sai đâu vì chúng tôi đi qua phố xá với những đôi giày gỗ mà ông thợ giày đã đóng gót vào ít ra mười lăm cái đinh to tướng. Vì chúng tôi không quên đi trên những lòng đường vồng lên khum khum nên có người trượt ngã.

Chúng tôi ở tại một nhà riêng cho người tỉnh Đalarne trọ trên hiệu là Con ngựa trắng, ở phố Những nhà tắm lớn, trong khu phố Xơđơr. Những người ở Mora thì trọ một cái nhà tương tự mà người ta đặt tên là Vương miện lớn. Tôi phải tìm việc làm ngay vì hai mươi bốn shilling của tôi chỉ còn mười tám. Một cô gái tỉnh Đalarne bảo tôi nên đến gặp một ông đại úy kỵ binh ở Hornxtull mà xin việc làm. Tôi ở tại đó bốn ngày, trông nom vườn rau, mỗi ngày được hai mươi lăm shilling và ăn uống thì tự túc. Tôi chẳng đủ tiền mua được gì, nhưng các cô con gái bé của nhà chủ thấy tôi ăn uống ít ỏi quá chừng, cứ chạy xuống bếp xin cái ăn cho tôi.

Sau đó tôi đến làm ở nhà một bà ở phố Norrland, cái buồng tôi ngủ thật thảm hại, chuột cống vào cắn rách cả khăn quàng, cả mũ, cả túi da, tôi phải vá lại với da ở ống một chiếc ủng cũ mà người ta cho tôi. Tôi chỉ có thể ở đấy mười lăm hôm rồi lên đường về nhà để đem về hai rixdaler kiếm được.

Tôi đi qua Lekxand và ở lại vài ngày trong cái làng tên là Rơnnex. Tôi nhớ là người ta nấu bột hương mạch tráng mỏng dính trộn với cám và mày lúa. Cái thời đói kém ấy họ chẳng có gì khác mà ăn cả.

Ôi, cái năm ấy chẳng ra gì, rồi năm tiếp theo lại càng tệ hơn. Lại một lần nữa tôi phải ra đi để cho gia đình có cái mà ăn. Cùng với hai cô gái Đalarne tôi đi đến Huđikvall cách đây hai trăm bốn mươi kilomet. Và suốt dọc đường phải đeo lấy các túi vì không có cách gì thuê chỗ cả. Chúng tôi nghĩ là có thể tìm được việc làm vườn nhưng khi đến nơi thì tuyết vẫn chưa tan. Thế là tôi phải đi khắp thônóm vào các trang trại nói năng dịu dàng hỏi xem họ có công việc gì cho mình làm không. Lạy Chúa! Tôi đã kiệt sức và sắp chết đói mới tìm được một cái trại mà người ta nhận cho tôi phải chải len, tiền công tám shilling một ngày. Khi mùa xuân đến thì tôi kiếm được việc làm vườn ở thành phố và ở đấy đến tháng bảy. Nhưng đến lúc ấy thì tôi nhớ bố mẹ và các em quá và liền trở về Rettvik là vì tôi mới có mười bảy tuổi, đến nỗi phải đi chân đất hai trăm bốn mươi kilomet. Nhưng dù vậy, tôi vẫn sung sướng vì đã dành dụm được mười lăm đồng rixdaler và đã đem về cho các em tôi mấy cái bánh sữa và một gói đường miếng mà tôi đã để dành được, mỗi lần uống café người ta dọn cho hai miếng đường thì tôi cất lại một miếng.

Ngày nay các cô ngồi đây, các cô gái tỉnh Đalarne ạ, mà các cô không viết là phải đội ơn Chúa đến mức nào vì Chúa đã cho các cô thời buổi tốt hơn trước rất nhiều. Vì thuở ấy, những năm đói kém cứ tiếp theo nhau mãi. Tất cả trai gái tỉnh Đalarne đều bắt buộc phải đi kiếm tiền. Năm sau là năm 1847, tôi lại đi Xtôckhôlm lần nữa, và tìm được việc ở vườn Xtôra Hornxbey. Chị em người Đalarne chúng tôi khá đông và được trả công khá hơn một ít, nhưng dù sao cũng phải thắt lưng buộc bụng để dành dụm đồng tiền chứ. Trên những bãi cỏ của khu vườn, chúng tôi nhặt những cái đinh cũ và những mẩu xương đem bán lại cho người mua giẻ rách rồi lấy tiền mua cái thứ bánh mì họ nung cho lính ăn, rắn như đá. Đến cuối tháng bảy, tôi lại về nhà để giúp gia đình gặt hái. Lần ấy tôi để dành được ba chục rixlader.

Năm tiếp theo, tôi lại phải đi nữa. Tôi trọ ở Xtallmextargorden, gần Xtôckhôlm, mùa hè ấy có tập trận gần Lagordxyerdet và người chủ hiệu ăn cử tôi đi phục dịch ở một căng tin lưu động. Không, dù tôi có sống đến trăm tuổi, cũng chẳng bao giờ tôi quên được cái ngày mà họ yêu cầu tôi thổi tù và của dân chăn bò các bài của quê mình, và trước mặt quốc vương Oxcr I ở Yerdet! Để thưởng nhà vua bảo cho tôi một đồng tiền hai rixdaler.

Sau đó tôi chèo thuyền trên hồ Brunnxviken, qua lại giữa Albano và Haga nhiều năm liền. Đó là thời thích thú nhất. Có khi khách đi thuyền biết là chúng tôi có mang theo tù và, bèn tự chèo lấy thuyền để chúng tôi thổi tù và. Đến mùa thu, không ai sang ngang nữa, tôi lên các trại ở tỉnh Uppland để đập lúa mì. Gần đến lễ Giáng Sinh thì về quê, thường có được khoảng hai trăm rixdaler. Cũng được trả công đập thóc bằng lúa mì nữa, và trong mùa đông, bố đem xe trượt lên tải về. Vâng, bà con thấy đấy, mấy anh chị em tôi mà không đem tiền về góp cái phần chi tiêu của mình thì gia đình lấy gì mà sống được. Là vì lúa mì chúng tôi trồng, thường đến Giáng Sinh là đã hết sạch, mà thuở ấy người ta ít trồng khoai lắm. Thế là phải mua lúa mì ở hiệu buôn, mà hương mạch thì hai mươi bốn rixdaler, và lúa mạch bốn mươi rixdaler một thùng, không tằn tiện làm sao được và cho tôi nói với bà con là cái bánh mì trộn rơm thời đó nó khó nuốt lắm! Muốn nuốt cho trôi, là cứ mỗi miếng phải hớp một hớp nước.

Tôi cứ tiếp tục đi con đường như thế cho đến cái năm lấy chồng, đó là năm 1856. Là vì Yôn và tôi biết nhau tại Xtôckhôlm, rồi thân nhau. Và khi trở về đây tôi cứ sợ là bọn con gái Xtôckhôlm làm cho anh ta mất trí. Họ cứ gọi anh ta là “Muyryon xinh trai”, là anh chàng “Đalarne đẹp trai”, tôi biết mà. Nhưng anh ta có tấm lòng thành thật và khi anh ta đã dành dụm đủ tiền là chúng tôi làm lễ thành hôn.

Tiếp theo là niềm vui không chút bóng tối trong mấy năm, nhưng như thế có được lâu đâu. Năm 1863, Yôn chết và tôi lại lẻ loi một mình với năm đứa con nhỏ. Chúng tôi cũng vẫn qua được, không đến nỗi nào, vì từ đấy mọi việc đều khá hơn ở Đalarne này. Các loại lúa mì và khoai đều phong túc và khác hẳn ngày xưa. Tôi tự mình trông nom lấy mảnh đất được hưởng gia tài, và tôi có một ngôi nhà của riêng mình. Thế rồi năm tháng trôi qua và trẻ con trưởng thành, mấy đứa đội ơn Chúa hiện còn sống đều có tiền của chúng, thật khó mà tưởng tượng ra được là bánh ăn thiếu đến mức nào ở tỉnh Đalarne, thời mà mẹ chúng còn trẻ”.

Bà lão ngừng lời, và khi bà vừa kể hết chuyện thì lửa đã tàn hết và thế là mọi người đứng dậy, nói rằng đã đến lúc về nhà rồi. Và chú bé lại quay về, tìm các bạn đồng hành trên mặt băng. Nhưng đang chạy một mình trong đêm tối thì một khúc hát mà lúc nãy được nghe trên đập cứ như vang bên tai: “Ở Đalarne đã sống và còn sống lòng chung thủy và niềm vinh quanh dù có gian khổ…” Rồi chú không nhớ nữa những lời bài hát tiếp theo chỉ nhớ khúc kết: “Lắm lúc họ đã độn vỏ cây vào bánh mì của họ, nhưng mà bao giờ các lãnh chúa và các quốc vương cũng có thể trông cậy những người nghèo ở tỉnh Đalarne”

Chú bé chưa quên hết những gì người ta đã dạy cho chú về dòng họ Xture và về Guxtav Vaza và bao giờ chú cũng tự hỏi tại sao họ lại phải đòi hỏi sự ủng hộ của chính những người dân xứ Đalarne ấy, nhưng bây giờ thì chú bắt đầu hiểu. Trong một xứ mà có những người đàn bà như bà lão bên cạnh đống lửa kia thì những người đàn ông không phải dễ gì mà chịu khuất phục được.

Ở Gagnep hôm đó người ta đi chôn một người chết trước khi làm lễ. Đám tang đến nhà thờ muộn và việc chôn cất kéo dài. Khi đàn ngỗng bay đến thì mọi người chưa vào nhà thờ và những người đàn bà ở mãi ngoài nghĩa trang trước mộ của thân nhân mình. Họ mặc áo màu lục cánh tay màu đỏ, đầu quàng khăn màu có tua sặc sỡ.

Chú bé nói: “Mẹ Akka rất thân yêu, bay chậm lại cho tôi có thể nhìn xem các bà nông dân”. Và ngỗng cho rằng yêu cầu của chú là phải chăng, nên hạ thấp xuống đến mức có thể chẳng sợ gò và bay ngang, bay dọc trên nghĩa trang những ba lần. Chú không thấy rõ mọi chi tiết, nhưng từ trên cao mà ngắm những người đàn bà ấy ở giữa cây cối của nghĩa trang, chú thấy họ duyên dáng chẳng kém gì các đóa hoa. Chú nghĩ: “Họ cũng đẹp như hoa nở trong các bồn hoa của vườn nhà vua vậy”.

Nhưng mà ở Gagnep cũng chẳng có cánh đồng nào đã tan băng, thế là đàn ngỗng chẳng có cách nào khác là bay tiếp về phía Nam và Floda.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.