RONG BIỂN
Rong biển (seaweeds) còn có các tên gọi khác như rong mơ, rau mã vĩ, hải tảo… là loại thực vật sống ở biển.
Theo các nhà sinh vật học, có đến hơn hai ngàn loài rong biển, được phân chia làm bốn nhóm chính tùy theo màu sắc của chúng: rong nâu, rong đỏ, rong màu lục và rong màu xanh. Rong có thể ngắn, nhỏ li ti hoặc dài đến 700m như loài tảo bẹ.
Rong biển mọc tự nhiên rất nhiều ở biển, nhưng hiện nay có nhiều quốc gia cũng lập những trang trại nuôi trồng rong biển để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng.
Giá trị dinh dưỡng
Từ lâu rong biển đã đươc dùng làm thực phẩm cho người và gia súc vì có nhiều chất dinh dưỡng và khi ăn cho một vị rất ngon.
Loài thực vật này chiếm tới 25% trong các món ăn của người Nhật như nấu súp, trộn xà lách, ăn với đồ biển (sushi), với thịt. Người Việt Nam cũng đã biết thưởng thức rong biển từ lâu, tuy rằng ít người chú ý đến đặc tính bổ dưỡng và trị bệnh của nó.
Rong biển rất giàu những chất dinh dưỡng căn bản như chất đạm, acid folic, beta caroten, calci, iod, natri, magnesium, kali, phosphor và sắt. Viện Nghiên cứu rong biển ở Na Uy đã phân tích được tới gần 60 khoáng chất khác nhau trong rong biển.
Rong biển cung cấp rất ít năng lượng. Một khẩu phần ăn trung bình chỉ cung cấp chừng 100 calori nên rất tốt cho những ai muốn giữ thân hình thon thả, nhưng kèm theo đó là khoảng 200mcg acid folic, 2g chất đạm và 120mg magnesium.
Loài rong biển wakame ở Nhật còn có nhiều loại acid amin như alanine, arginine… và acid glutamic, glycine, leucine, isoleucine… Vì thế rong biển là một món ăn ngon miệng và bổ dưỡng.
Bác sĩ người Đức, Heinz A. Hope, một chuyên gia nổi tiếng về rong biển cho rằng rong biển là nguồn thực phẩm rất lớn, có thể góp phần giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm ở các nước nghèo.
Trong rong có chất algin được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm để làm cho các chất lỏng kết hợp lại với nhau. Chẳng hạn như khi cho vào kem, algin làm nước trong sữa không kết tinh mà trộn đều với nhau.
Rong biển được bán tươi, hoặc phơi khô, hoặc xay thành bột, hoặc làm thành dạng viên…
Tác dụng trị bệnh
Tương truyền là vua Thần Nông (khoảng 3000 năm trước Công nguyên) và đức Khổng Tử (551 – 479 trước Công nguyên) đều đã biết rằng rong biển có đặc tính dinh dưỡng và trị liệu. Từ thời thượng cổ, ở Trung Hoa rong biển đã được dùng để chữa bệnh ung thư.
Theo Jean Carpenter, khoa học hiện đại đã công nhận rong biển là một trong những dược liệu thiên nhiên có quanh năm, với nhiều công dụng như ngăn ngừa và chữa vài loại ung thư, làm giảm cholesterol và huyết áp, làm loãng máu, ngăn ngừa viêm loét dạ dày, tiêu diệt vi khuẩn và làm thông đại tiện…
Theo bác sĩ Jane Teas của Đại học Harvard, những vùng có tập quán ăn nhiều rong biển như miền biển Sago và Hokkaido ở Nhật có tỷ lệ ung thư vú thấp hơn so với các địa phương khác.
Bác sĩ Nhật Ichiro Yamamoto của Đại học Kitasato đã nghiên cứu rong biển trong 15 năm, và kết luận rằng rong biển có tác dụng chống ung thư vú, ung thư máu, ung thư ruột già và nhiều loại ung thư khác.
Rong biển cũng có khả năng kháng sinh. Năm 1917, khoa học gia người Đức R. Harder đã khám phá đặc tính kháng sinh của rong biển.
Đến năm 1959 khoa học gia Mỹ J. M. N. Sieburth nhận thấy trong ruột của chim cánh cụt không có vi khuẩn. Sau khi nghiên cứu, ông mới tìm ra nguyên do là chim cánh cụt ăn tôm, mà tôm có chất kháng sinh nhờ ăn rong biển.
Từ đó tới nay, nhiều cuộc khảo cứu khác cho thấy rong biển có chứa những chất kháng sinh với đặc tính không kém gì các kháng sinh nhân tạo như penicillin, terramycin và streptomycin.
Ngoài khả năng kháng sinh, rong biển còn có đặc tính hạ huyết áp, làm loãng máu và hạ cholesterol, cho nên người Nhật xem rong biển là loại thực phẩm giúp sống lâu. Loài rong biển wakame ở Nhật có đặc tính hóa giải chất độc nicotin trong thuốc lá.
Rong biển có nhiều iod, cần cho các chức năng của tuyến giáp. Thiếu iod, tuyến giáp sưng to, hormon tuyến giáp giảm làm cơ thể suy nhược, da khô và thô, tóc rụng, trí tuệ giảm, người như mụ mẫm, buồn rầu…
Một nhược điểm của rong biển là có tỷ lệ muối natri khá cao. Do đó, người mắc bệnh cao huyết áp không nên ăn nhiều rong biển.
Rong biển đôi khi cũng làm cho mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn.
CÀ RỐT
Cà rốt là tên phiên âm của từ tiếng Pháp carotte, vì khi người Việt Nam lần đầu tiên biết đến loại củ này thì trong tiếng Việt chưa có tên gọi. Tên khoa học của cà rốt là Daucus carota. Người Trung Hoa gọi là hồ la bặc (胡?Þ蔔), vì theo họ thì loại cây này có nguồn gốc từ nước Hồ, và la bặc là cây cải củ, vì củ cà rốt trông hình dạng cũng giống như củ cải.
Người Hy Lap cổ xưa đã biết dùng cà rốt, nhưng chỉ để làm thuốc chữa một số bệnh dạ dày. Cà rốt bắt đầu được người Tây Ban Nha dùng làm thực phẩm vào khoảng thế kỷ thứ 12, được ăn với dầu, muối và giấm.
Loại cà rốt đầu tiên ở Afghanistan có các màu trắng, đỏ và vàng. Hà Lan là quốc gia đầu tiên trồng cà rốt màu cam vào khoảng đầu thế kỷ 17. Người Tây Ban Nha mang theo cà rốt đến châu Mỹ vào thế kỷ thứ 15, rồi người Anh cũng mang cà rốt theo khi họ đi chinh phục châu Mỹ vào thế kỷ thứ 16.
Ngày nay cà rốt được trồng ở khắp nơi trên thế giới. Trung Hoa đứng đầu về sản lượng, tiếp theo là Hoa Kỳ, Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức… Hoa Kỳ thu hoạch mỗi năm 1,5 triệu tấn cà rốt, hơn một nửa được trồng ở bang California.
Giá trị dinh dưỡng
Một củ cà rốt cỡ trung bình có khoảng 19mg calci, 32mg phospho, 233mg kali, 7mg vitamin C, 7 g carbohydrat, 6.000mcg vitamin A.
Những người thích uống nước trái cây có thể dùng một ly (240ml) cà rốt lạnh nguyên chất với khoảng 59mg calci, 103mg phospho, 718mg kali, 21mg vitamin C, 23g carbohydrat và 18.000mcg vitamin A. Thật là một món giải khát vừa ngon, vừa bổ dưỡng.
Tác dụng trị bệnh
Cà rốt chứa rất nhiều beta caroten, còn gọi là tiền vitamin A, vì chất này được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A để sử dụng. Chính tên gọi caroten là bắt nguồn từ chữ carrot.
Khi được đưa vào cơ thể, caroten được chuyển hóa thành vitamin A với sự trợ giúp của một lượng rất ít chất béo, vì vitamin A hòa tan trong chất béo.
Trong 100g cà rốt có 12.000mcg caroten, có khả năng được chuyển hóa thành khoảng 6.000mcg vitamin A trong cơ thể
Có thể so sánh với lượng caroten có trong 100g khoai lang là 6000mcg, xoài là 1.200mcg, đu đủ là 1.200 đến 1.500 mcg, cà chua là 600mcg, bắp su có 300 mcg, cam có 50mcg…
Beta caroten có tác dụng chống ung thư trong thời kỳ sơ khởi, là thời kỳ mà các gốc tự do tác động để biến các tế bào lành mạnh thành tế bào bệnh. Beta caroten là chất chống oxy hóa, ngăn chặn tác động của gốc tự do. Beta caroten làm giảm nguy cơ gây ung thư phổi, ung thư tuyến nhiếp hộ, ung thư tụy tạng, ung thư vú và nhiều loại ung thư khác.
Từ thời thượng cổ, cà rốt, nước ép cà rốt, trà cà rốt đã được dùng để trị bệnh ở Ấn Độ, Hy Lạp và La Mã.
Theo nhà sinh vật học J. L. Hartwell thì cà rốt được dùng trong y học dân gian để trị các chứng bệnh ung thư, mụn loét có tính ung thư, chứng suy gan và suy tủy sống tại một số đ?a phương rải rác trên thế giới như Chile, Bỉ, Anh, Đ?c, Nga, Mỹ…
Thí nghiệm bên Scotland cho thấy những người ăn 200g cà rốt mỗi ngày liên tục trong 3 tuần có thể hạ mức cholesterol trong máu xuống khoảng 11%.
Cà rốt không ngăn ngừa hoặc chữa được cận thị hay viễn thị, nhưng khi thiếu vitamin A, mắt sẽ không nhìn thấy rõ trong bóng tối. Chúng ta chỉ cần ăn một củ cà rốt mỗi ngày là đủ vitamin A để khỏi bị quáng gà.
Nhiều người còn cho là cà rốt với lượng beta caroten lớn còn có khả năng chữa và ngăn ngừa được các chứng viêm mắt, cườm mắt, thoái hóa võng mạc…
Một số bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhận xét rằng cà rốt làm giảm táo bón, làm phân mềm và lớn hơn nhờ có nhiều chất xơ (fiber). Nhờ công dụng này, cà rốt cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột già.
Với phụ nữ, cà rốt có thể mang lại nhiều lợi ích như làm giảm kinh nguyệt quá nhiều, giảm triệu chứng khó chịu trước khi có kinh, giảm bớt chứng viêm âm hộ và nhiễm trùng đường tiểu tiện, đặc biệt là giảm nguy cơ bị chứng loãng xương sau thời kỳ mãn kinh.
Roberta Roberti, một nhà dinh dưỡng có uy tín ở Hoa Kỳ đã liệt kê một số công năng của cà rốt đối với cơ thể như: làm tăng tính miễn dịch, nhất là ở người cao tuổi, giảm cháy nắng, giảm các triệu chứng khó chịu khi cai rượu, chống nhiễm trùng, chống viêm phổi, giảm bớt mụn trứng cá, tăng hồng cầu, làm vết thương mau lành, giảm nguy cơ bệnh tim mạch…
Dùng trong ăn uống
Vị dịu ngọt của cà rốt rất thích hợp với nhiều thực phẩm khác, nên cà rốt được dùng trong nhiều cách nấu nướng.
Cà rốt dù ăn sống hay nấu chín vẫn giữ được các chất bổ dưỡng. Đặc biệt là khi nấu chín thì cà rốt tốt hơn vì hơi nóng làm phân hủy những mảnh bao bọc caroten, làm chất này dễ hấp thụ hơn. Nhưng nấu chín quá thì một lượng lớn caroten sẽ bị phân hủy.
Cà rốt ăn sống là món ăn rất bổ dưỡng vì nhiều chất xơ mà ít năng lượng. Cà rốt tươi có thể dùng trong món rau trộn…
Cà rốt đông lạnh cũng tốt như cà rốt ăn sống hoặc nấu chín, chỉ có cà rốt phơi hay sấy khô là mất đi một ít beta caroten. Cà rốt ngâm giấm đường cũng là món ăn ưa thích của nhiều người.
Ăn nhiều cà rốt làm da có màu hơi vàng, nhưng không hại gì vì da trở lại bình thường sau khi ngưng ăn.
Bảo quản
Khi mua cà rốt, nên chọn những củ còn lá xanh tươi. Củ phải chắc nịch, màu tươi bóng và hình dáng gọn gàng.
Mang về nhà, nếu chưa ăn ngay nên cắt bớt lá để khỏi bị thoát nước, cất vào tủ lạnh, nhưng đừng để gần cà chua và táo vì hai loại này tiết ra hơi ethylene làm cà rốt mau hư.
Kết luận
Cà rốt là món ăn khá rẻ tiền so với lượng dinh dưỡng quý giá mà nó cung cấp. Nhiều người ít ăn cà rốt chỉ vì thiếu hiểu biết đầy đủ về giá trị dinh dưỡng của nó. Mặt khác, tập quán ăn uống vốn được hình thành từ thói quen lâu ngày. Cà rốt là loại cây trồng mới được đưa đến Việt Nam từ thế kỷ trước, nên đối với phần đông người Việt, nhất là những người dân quê, vẫn chưa quen thuộc với việc sử dụng cà rốt thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày. Nếu biết tận dụng loại thực phẩm này, chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao tình trạng sức khỏe cũng như phòng ngừa được hầu hết các bệnh do thiếu vitamin A.