Ô-liu (olive) thuộc loại trái cây nhưng lại được dùng như rau ăn. Nguồn gốc ôliu ở bán đảo Hy Lạp, được người Tây Ban Nha mang đến California vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17.
Hiện nay, ôliu được trồng nhiều ở Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Tây Ban Nha và Ý chiếm 50% sản lượng trái ôliu và 55% dầu ôliu trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, 98% ôliu được trồng ở California.
Trái ôliu hình bầu dục, vị đắng, khi chưa chín thì màu xanh, lúc chín thì màu đen.
Sau khi hái, ôliu xanh và đen được nhúng vào dung dịch nước có pha một chút muối natri hydroxid rồi rửa sạch bằng nước để loại bỏ chất đắng oleuropein.
Ôliu trên thị trường được bán dưới nhiều hình thức và đã được lên men hoặc không lên men.
Trái ôliu cung cấp rất ít năng lượng, có một số chất dinh dưỡng như vitamin A, calci, sắt, chất béo chưa bão hòa dạng đơn và chất xơ. Trong 20g trái ôliu có 2g chất béo. Ôliu dùng để ăn hoặc lấy dầu.
Dầu ôliu được dùng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dầu ôliu được dùng trộn xà lách hoặc nấu với các thực phẩm khác. Ôliu là món ăn cần thiết của người dân vùng Địa Trung hải, để nấu với thịt vịt, thịt cừu non…
Với nhiều nơi khác thì ôliu được coi là món ăn khai vị kích thích sự ngon miệng, thường được dùng với rượu Martini hoặc dùng trang trí trên các món ăn chính như xà lách, pizza… cho thêm phần hấp dẫn.
Trái ôliu sống cần được chế biến ướp muối, nấu chín trước khi ăn.
Khi mua ôliu hộp, nên chọn hộp nguyên vẹn, không bị không khí xâm nhập. Loại ôliu xanh vị hơi chát hơn ôliu đen.
Hộp ôliu dùng dở cần được cất vào tủ lạnh để tránh hỏng vì oxy hóa.
Ôliu hộp thường có vị mặn, nếu ngâm vào dầu ôliu trước khi ăn thì sẽ bớt mặn hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.