Khoai tây là thực phẩm được nhiều người ưa thích vì có hương vị ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Thuở xưa, khoai là thực phẩm chính của người nghèo, nhưng ngày nay thì mọi người đều ăn khoai tây.
Khoai tây được trồng khắp nơi trên thế giới và là loại nông sản đứng hàng đầu về sản lượng. Khoai tây được trồng ở Peru và Chile cách đây nhiều ngàn năm. Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha mang giống khoai tây về trồng và phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ 15. Ngày nay, khoai tây được trồng nhiều ở Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Khoai tây thực ra không có liên hệ gì về chủng loại với khoai lang.
Có hàng trăm loại khoai tây khác nhau về hình dáng, màu da, thời gian thu hoạch…
Giá trị dinh dưỡng
Khoai tây là thực phẩm có nhiều carbohydrat, nhiều tinh bột, nhiều chất xơ. Ngoài ra còn có chất đạm, gồm hai loại acid amin là methionin và cystine.
Khoai có nhiều vitamin B, C và folacin.
Một củ khoai nướng trung bình cho 25mg vitamin C, 22mcg folacin, 5g chất đạm, 4g chất xơ, 840mg kali và một lượng rất ít chất sắt, kẽm, magnesium.
Nhiều người cho rằng khoai tây làm mập. Thực ra khoai tây cung cấp rất ít năng lượng. Vấn đề là khi ta chiên khoai tây với dầu hoặc ăn chung với nhiều bơ, nước xốt béo… Một củ khoai tây trung bình khi bỏ lò chỉ cung cấp khoảng 80 calori, nhưng nếu chiên dầu thì sẽ cung cấp lên đến gần 500 calori.
Bảo quản
Khi mua nên lựa củ khoai chắc mập, không bị trầy, không vết đen, không mọc mầm, ít nốt đen.
Khoai tây có thể để trong nhà, chỗ mát, khô ráo, tránh ánh sáng. Nhớ đừng rửa khoai trước khi cất, và đừng cất khoai trong tủ lạnh vì độ ẩm sẽ làm khoai hỏng.
Không nên giữ khoai tây quá lâu vì vitamin C bị phân hủy với thời gian.
Đừng để khoai tây chung với hành vì khoai sẽ có mùi của hành.
Khoai tây có thể bảo quản lâu bằng cách đông lạnh, nhưng phải làm khô trước
Nấu nướng
Có nhiều cách để nấu khoai tây. Hương vị và chất dinh dưỡng của khoai tây tùy thuộc vào cách nấu.
Không nên gọt bỏ vỏ khoai tây trước khi nấu vì hầu hết các chất dinh dưỡng đều nằm dưới vỏ khoai. Chỉ cần rửa thật sạch đất bụi bám ở ngoài là được.
Chỉ cắt khoai tây ngay trước khi nấu, vì để lâu không khí sẽ làm khoai đen. Có thể ngâm khoai trong nước lạnh hay nước pha chút chanh, nhưng vitamin sẽ mất đi.
Ninh, hầm với thịt, nấu súp… đều được, nhưng phổ biến nhất là món khoai tây chiên. Khoai hấp cách thủy, bỏ lò hoặc làm chín trong lò vi-ba đều giữ được nhiều vitamin hơn.
Luộc khoai với ít nước và để cả vỏ sẽ giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Khi bỏ lò hoặc nướng trong lò vi-ba, phải dùng nĩa chọc thủng vài lỗ để củ khoai khỏi nổ tung ra. Nướng khoai trong lò vi-ba mau chín hơn so với bỏ lò, tiết kiệm điện hơn.
Khi chiên khoai với mỡ hoặc dầu, không nên đun quá sôi, vì như vậy dầu có thể sinh ra vài chất đắng không tốt ngấm vào khoai chiên.
Tác dụng trị bệnh
Về y học, nhiều người cho là khoai tây làm giảm đau nhức khi bị phong thấp, nhưng khoai tây cũng có một hóa chất là solanin có thể bất lợi cho cơ thể như làm đau bụng, nôn mửa, tiểu ra máu, kém hô hấp và thần kinh. Trường hợp này thường xảy ra khi ta ăn quá nhiều, khoảng vài ba kg cùng một lúc, hoặc khi ăn nhằm khoai bị mốc meo, hư thối. Đặc biệt khi khoai tây mọc mầm hay vỏ củ đã xanh do để ngoài ánh sáng thì tỷ lệ solanin tăng cao dễ gây ngộ độc hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.