Táo có nguồn gốc từ các miền Trung Á, Caucase và chung quanh dãy núi Hymalaya. Ngày nay, táo được trồng khắp thế giới, ở những nơi có khí hậu nóng vừa phải.
Táo có nhiều loại và có quanh năm, nhưng hiếm hơn vào tháng 7, tháng 8.
Các loại táo thường được ưa thích là táo Rome Beauty vỏ đỏ, nhiều nước, chắc thịt, táo Jomathan có nhiều vào tháng 9, vỏ đỏ, ngọt nước; táo Golden Delicious vàng vỏ, táo Fuji, táo McIntoshes, táo Granny Smith, Winesap…
Táo trên cây dễ bị sâu bọ cắn phá nên thường được phun thuốc trừ sâu, vì thế trước khi ăn cần rửa sạch.
Dinh dưỡng
Táo là loại trái cây có nhiều chất xơ pectin ở thịt và lignin ở vỏ.
Một quả táo có chừng 3g chất xơ, 8mg vitamin C.
Táo có nhiều đường fructose. Đường này được hấp thụ từ từ vào máu, nên bệnh tiểu đường không ngại việc máu tăng đột ngột đường glucose như trong trường hợp ăn đường trắng tinh chế saccharose.
Táo xanh có vị đắng của acid malic, nhưng khi táo chín thì acid này giảm đi, táo trở nên ngọt.
Hạt táo có chất amygdalin, một loại cyanide, nên nếu ăn nhiều hạt táo có thể bị trúng độc, nhất là ở trẻ em.
Trái táo là món ăn vặt lý tưởng vì dễ mang theo, ít năng lượng, hương vị ngon, ăn mau đầy dạ dày nên không sợ béo phì. Một quả táo nặng 150g chỉ cung cấp khoảng 90 calori.
Táo có thể ăn sống hoặc nấu chín với nhiều kiểu khác nhau, nhưng khi nấu thì vitamin C bị nhiệt phân huỷ.
Trong táo khô, hợp chất sulfur được dùng để táo khỏi trở nên màu nâu. Người bị dị ứng với sulfite nên tránh ăn táo khô. Thường thường, khoảng 5kg táo tươi cho 1kg táo khô. Táo khô mất hầu hết chất dinh dưỡng, ngoại trừ chất xơ.
Nước táo cũng rất phổ biến. Nước thường trong suốt vì đã được lọc để lấy hết phần bã táo và được khử trùng bằng sức nóng. Uống nước táo có thể làm bệnh tiêu chảy ở trẻ em trầm trọng hơn.
Bảo quản
Khi mua nên chọn trái còn chắc nịch, cầm thấy hơi nặng tay, vỏ táo màu tươi bóng. Khi táo bị dập, chất phenol trong táo tiết ra làm vỏ táo có màu nâu đậm.
Mang táo về nhà, nên cất giữ trong tủ lạnh để táo khỏi bị khô, quá chín, ăn mất giòn. Táo chín cây có thể giữ trong tủ lạnh được năm, sáu tuần lễ.
Không nên cắt hoặc gọt vỏ để quá lâu trước khi ăn vì táo bị oxy hóa, đổi ra màu thâm nâu, nom xấu mà ăn lại mất ngon. Ăn táo cả vỏ có nhiều chất xơ pectin hơn là gọt bỏ vỏ.
Ích lợi cho sức khỏe
Theo người Hy Lạp thời cổ, táo ngọt như mật ong và chữa được bách bệnh. Người phương Tây có câu: “Mỗi ngày một quả táo, không cần đến thầy thuốc.” (An apple a day, keep the doctor away). Táo được xem như “vua của các loại trái cây”.
a. Táo làm giảm cholesterol trong máu, đặc biệt là dạng cholesterol xấu (LDL). Theo bác sĩ Sable Amplis thuộc đại học Paul Sabatier (Toulouse, Pháp) thì ăn hai quả táo một ngày liên tục trong một tháng làm cholesterol giảm đáng kể, nhất là nữ giới. Có lẽ là nhờ chất xơ hòa tan pectin trong vỏ táo, tạo ra một lớp gel trong dạ dày, hút chất béo và cholesterol rồi thải ra ngoài theo phân.
b. Táo giúp đại tiện dễ dàng nhờ chất xơ trong táo hút nước làm phân mềm, dễ bài tiết.
c. Bệnh nhân tiểu đường ăn táo không sợ lượng đường trong máu đột ngột tăng cao, và tránh cho tụy tạng không phải tăng tiết insulin.
d. Táo có thể giúp cơ thể đề kháng với bệnh cảm cúm. Nghiên cứu ở Canada cho thấy rằng nước táo làm cho poliovirus kém hoạt động. Nghiên cứu ở đại học Michigan cho thấy sinh viên ăn nhiều táo đều ít bị nhiễm trùng đường hô hấp, bớt căng thẳng thần kinh, ít bệnh hơn nhóm sinh viên không ăn táo.
đ. Nhờ có nhiều chất xơ, ăn mau đầy dạ dày nhưng ít năng lượng nên táo tốt cho người không làm chủ được khẩu vị, ăn nhiều mà muốn giảm cân.
e. Từ xưa, táo được xem là phương thuốc rất tốt để chữa đau nhức khớp xương, có thể là nhờ có chất chống oxy hóa flavonoid.
f. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm còn cho rằng táo có khả năng ngăn ngừa sự tăng trưởng tế bào ung thư ở loài chuột.
g. Táo cũng được cho là có khả năng làm hạ huyết áp.
Vài điều cần lưu ý
– Khi phải kiêng chất xơ hoặc bị chứng đầy hơi, nên hạn chế ăn táo.
– Pectin trong táo có thể làm giảm công hiệu của thuốc digoxin trị bệnh tim.
– Khi bị dị ứng với sulfite, không nên ăn táo khô.
– Rửa sạch táo khi ăn cả vỏ để tránh thuốc trừ sâu hoặc hóa chất xịt lên táo cho có vẻ tươi.
– Tránh ngộ độc khi ăn hạt táo, vì hạt có hóa chất tương tự như hóa chất cyanide.