Hàn Phi Tử

QUYỂN VIII – Thiên XXIII: Rừng chuyện, phần dưới (Thuyết lâm, hạ)



1. Bá Lạc dạy hai người xem tướng những con ngựa hay đá. Sau đó, ông cùng họ đến tàu ngựa của Giản Tử xem ngựa. Một người chọn một con ngựa hay đá ra. Người kia đi theo sau, ba lần vỗ vào hông ngựa, nhưng ngựa vẫn không đá. Người thứ nhất cho rằng mình đã xem tướng ngựa sai.
Người thứ hai nói: “Không phải ông xem tướng ngựa sai đâu. Con ngựa này là con ngựa vai thấp mà đầu gối sưng. Phàm con ngựa hay đá hễ cất chân sau lên thì chồm vó phía trước. Nhưng chân con ngựa này đau, nó không thể cất chân sau được. Ông giỏi xem tướng ngựa hay đá nhưng vụng xem đầu gối sưng”.
Nói chung sự việc đều có cái lý do của nó cho nên mới như thế. Đó là điều chỉ một mình người khôn biết được mà thôi. Huệ Tự nói: “Nhốt con vượn vào chuồng thì nó cũng như con lợn”. Cho nên tình thế đã không tiện thì không thể trổ tài được.

2. Tướng quân nước Vệ là Văn Tử yết kiến Tang Từ. Tang Tử không đứng dậy mà chỉ mời ông ta ngồi trên chiếu, còn mình vẫn ngồi ở góc tây nam (nơi tôn quý trong nhà). Văn Tử bảo người đánh xe: “Tăng Tử ngu thực! Nếu ông ta cho ta là người quân tử, thì sao lại không kính trọng người quân tử? Nếu ông ta cho ta là kẻ hung bạo thì sao lại có thể làm nhục kẻ hung bạo. Tăng Tử mà không bị nhục là may đấy!”.
3. Có loài chim chu chu, đầu nặng mà đuôi cong. Muốn uống nước dưới sông thì ngã, phải có con chim khác ngậm lông nó nâng lên nó mới uống nước được. Con người uống nước mà chân không vững thì không thể không xét đến cái lông vũ của mình.
4. Con lươn giống như con rắn. Con tằm giống như con sâu. Người ta thấy con rắn thì sợ, thấy con sâu dựng tóc lên. Nhưng người ta đánh cá bắt lươn, người đàn bà nhặt tằm. Ở đâu có lợi thì ở đấy người ta đều là Mạnh Bồn, Chuyên Chư (những người can đảm).
5. Bá Lạc dạy con người, ông ta ghét xem tướng ngựa thiên lý mã, dạy con người, ông ta thường xem tướng ngựa thường. Ngựa thiên lý mã cả đời mới có một con, cái lợi của nó chậm. Ngựa thường ngày nào cũng có người bán, nên cái lợi nhanh. Đó là điều Chu thư nói: “Lời nói kém mà công dụng lại cao là nói dối”.
6. Hoàn Hách nói: “Phép tạc tượng nên làm mũi lớn và mắt nhỏ! Mũi nếu đẽo lớn thì có thể nhỏ đi nhưng nếu đẽo nhỏ thì không thể làm lớn lên. Mắt nếu đẽo nhỏ thì có thể làm cho to lên nhưng nếu đẽo lớn thì không thể làm cho nó nhỏ đi. Làm việc cũng thế, nếu làm cái mà sau có thể chữa được thì việc ít sai”.
7. Sùng Hầu và Ác Lai (những bầy tôi xấu của Trụ) biết Trụ không giết mình nhưng không thấy Vũ Vương sẽ tiêu diệt mình. Tỷ Can, Tử Tư biết vua của mình thế nào cũng mất nước nhưng không biết thân mình sẽ chết. Cho nên nói: “Sùng Hầu, Ác Lai biết lòng nhưng không biết sự việc, Tỷ Can, Tử Tư biết sự việc nhưng không biết lòng”. Bậc thánh nhân biết cả hai.

8. Quan thái tể nước Tống là người sang và quyết định mọi việc. Quý Tử sắp yết kiến vua Tống. Lương Tử nghe vậy nói: “Lúc nói chuyện có quan thái tể cùng ngồi không? Nếu không sẽ không khỏi bị nghi”. Quý Tử bèn nói chuyện coi trọng sức khoẻ mà coi nhẹ việc nước.
9. Dương Chu có người em là Dương Bố mặc áo trắng đi ra, trời mưa ông ta cất áo trắng, mặc áo đen về nhà. Con chó không biết cắn ông ta. Dương Bố nổi giận, định đánh chó. Dương Chu nói: “Đừng đánh nó. Em cũng thế thôi. Thí dụ con chó của em lúc đi thì trắng, lúc về thì đen thì em không ngạc nhiên được sao?”.
10. Huệ Tử nói: “Hậu Nghệ đeo cái vòng vào ngón tay, cầm cây cung gương lên bắn thì người Việt tranh nhau cầm cái đích cho ông ta. Nhưng khi đứa bé gương cung thì ngay mẹ nó cũng vào phòng đóng cửa lại”. Cho nên nói: “Nếu chắc chắn thì người Việt cũng không ngờ Hậu Nghệ, nếu không thể chắc thì ba mẹ hiền cũng trốn con trẻ tuổi của mình”.
11. Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Cái giàu có giới hạn không?”. Quản Trọng đáp: “Giới hạn của nước là chỗ không có nước. Giới hạn của cái giàu là cái giàu của mình đã đủ. Con người không thể tự ngừng ở chỗ đủ mà quên cái giới hạn của nó sao?”.
12. Có người thương gia giàu nước Tống là Giám Chỉ Tử cùng người ta tranh mua một hòn ngọc sống là một trăm lạng vàng. Anh ta giả vờ đánh rơi nó và làm vỡ nó, lấy một trăm lạng vàng để đền. Sau đó chữa lại chỗ vỡ bán được một ngàn dật vàng. Công việc có khi bắt đầu thì thất bại nhưng người hiền vẫn làm là dựa vào cái thời.
13. Có người muốn dùng tài đánh xe để yết kiến vua nước Kinh. Những người đánh xe ghen với anh ta. Anh ta bèn nói: “Thần có thể đánh xe bắt được con nai”. Anh ta yết kiến nhà vua, nhà vua đánh xe, không đuổi kịp con nai. Anh ta tự đánh xe đuổi kịp. Nhà vua khen tài đánh xe của anh ta. Anh ta nhân đó nói bọn đánh xe ghen ghét anh ta.
14. Nước Kinh sai công tử Triều sắp đánh nước Trần. Cha vợ công tử tiễn ông ta và nói: “Nước Tấn mạnh không thể không cẩn thận”. Công tử nói: “Xin cha đừng lo, con xin vì cha đánh bại nước Tấn”, cha vợ nói:

“Được. Ta sẽ làm lều ở ngoài cửa nam của nước Trần (đợi tin anh chết)”. Công tử hỏi: “Sao thế?”. Đáp: “Ta cười Câu Tiễn. Nếu đánh nước người ta dễ dàng như thế thì làm sao một mình phải mười năm khó nhọc tính toán cẩn thận làm gì?”.
15. Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do. Hứa Do bỏ trốn, ở trọ nhà một người nọ. Người này giấu cái mũ da của mình. Ôi! Bỏ thiên hạ mà người kia lại giấu cái mũ da của mình, thực là không biết Hứa Do vậy.
16. Ba con rận kiện nhau. Một con rận đi qua hỏi: “Kiện nhau việc gì thế?”. Ba con rận nói: “Tranh chỗ héo bớ”. Con rận kia nói: “Các anh không lo tháng chạp sắp đến người ta lấy cỏ tranh đốt đấy thôi. Như thế thì còn lo cái gì nữa?”. Do đó, những con này xúm nhau lại cắn con lợn và hút máu. Con lợn gầy đi, người ta bèn không giết lợn.
17. Có con sâu tên là con vực, một thân có hai miệng. Hai miệng tranh ăn với nhau và cắn nhau. Kết quả giết nhau. Những bầy tôi tranh nhau phục vụ mà làm cho nước mất đều thuộc loại con vực kia.
18. Nhà sơn trắng, đồ đạc rửa thì sạch. Hạnh kiểm và thân người cũng thế, nếu không có nơi nào phải sơn và phải rửa nữa thì ít điều sai lầm.
19. Công tử sắp làm loạn. Tề Hoàn Công sai sứ giả đến xem ông ta. Sứ giả nói: “Cười không vui, nhìn không thấy, thế nào cũng làm loạn”. Hoàn Công bèn khiến người nước Lỗ giết công tử Củ.
20. Công Tôn Hoằng cắt tóc làm quân kỵ cho nhà vua nước Việt. Công Tôn Hỷ sai người đến đoàn tuyệt với ông ta, nói: “Ta không là anh em với ngươi”. Công Tôn Hoằng nói: “Tôi cắt tóc, ông cắt đầu vì người khác chiến đấu. Tôi còn nói gì với ông nữa?”. Trong trận chiến đấu ở Chu Nam, Công Tôn Hỷ chết.
21. Có kẻ láng giềng với một người hung dữ, muốn bán nhà để tránh anh ta. Người ta nói: “Cái tội của hắn đã sắp đầy rồi, ông hãy nán đợi”. Người này đáp: “Tôi sợ hắn dùng tôi để làm đầy cái tội của hắn”. Bèn dời đi ngay. Cho nên có câu: “Khi sự vật bắt đầu nguy thì đừng có chần chừ”.

22. Khổng Tử bảo học trò: “Ai có thể nói Tử Tây đừng mua danh?”. Tử Cống nói: “Tứ này có thể nói được”. Bèn nói, Tử Tây không nghi ngờ gì (Khổng Tử) nói: “Rộng rãi, không ham lợi, phải liêm khiết”. Khổng Tử nói: “Bản tính dân có cái không thay đổi: xem cái gì cong là cong cái gì thẳng là thẳng, Tử Tây không khỏi nguy”. Trong cái nạn của Bạch Công, Tử Tây chết. Cho nên có câu: “Ngay thẳng trong hành động là điều cong ở trong ham muốn”[25].
Trung Hàng Văn Tử từ nước Tấn chạy ra nước ngoài, đi qua huyện ấp. Người đi theo nói: “Người chủ ở đây là người quen cũ của ngài sao ngài không nghỉ ở nhà ông ta để đợi xe sau?”. Văn Tử nói: “Ta thường thích âm nhạc, ông ta cho ta một cây đàn cầm tốt. Ta thích đeo ngọc, ông ta biếu ta một cái vòng ngọc. Như vậy là ông ta nêu cao cái lỗi của ta để được ta dung nạp. Ta sợ ông ta sẽ dùng ta để được người khác dung nạp”. Bèn bỏ đi. Quả nhiên người ấy bắt hai chiếc xe đi sau của Văn Tử để dâng cho vua của ông ta.
24. Chu Tháo nói với Cung Tha: “Ông nói giúp tôi với vua Tề rằng nếu vua Tề giúp tôi làm quan ở nước Nguỵ thì tôi xin lấy nước Nguỵ để thờ nhà vua”. Cung Tha nói: “Không được. Làm thế là chứng tỏ ông không có thế lực gì ở nước Nguỵ. Vua Tề nhất định không giúp một người không có thế lực ở nước Nguỵ để mang oán với nước Nguỵ. Không bằng ông nói: “Những điều bệ hạ muốn thần xin đem nước Nguỵ làm theo bệ hạ”. Vua Tề thế nào cũng cho rằng ông có thế lực ở nước Nguỵ, và thế nào cũng giúp ông. Như thế là ông có được nước Tề lại nhờ đó mà có được cả Tề lẫn Nguỵ “.
25. Bạch Khuê bảo quan lệnh doãn nước Tống “Nhà vua lớn lên thông thạo chính sự thì ông sẽ không có việc gì để làm. Nay nhà vua ít tuổi mà ham danh, không bằng ông khiến nước Kinh khen nhà vua là có hiếu. Như thế thì nhà vua sẽ không đoạt mất địa vị của ông, và rất kính trọng ông. Như vậy là ông được dùng mãi ở nước Tống”.
26. Quản Trọng và Bão Thúc bảo nhau: “Nhà vua làm loạn quá thế nào cũng mất nước. Trong các công tử nước Tề những người có thể phò được nếu không phải là công tử Củ thì đó là công tử Tiểu Bạch. Tôi với anh mỗi người ta thờ một người, người nào đạt được trước thì dung nạp người kia”. Quản Trọng bèn theo công tử Củ, Bão Thúc theo Tiểu Bạch.
Quả nhiên những người trong nước giết nhà vua, Tiểu Bạch về nước trước lên làm vua. Người nước Lỗ bắt Quản Trọng gửi sang nước Tề, Bão Thúc nói với vua Tề tiến cử ông ta làm tướng quốc.
Cho nên tục ngữ có câu: “Ông thầy cúng tuy có thể giỏi cầu cho người khác nhưng không thể tự cầu cho mình. Thầy thuốc nước Tần tuy khéo trị bệnh cho người bệnh nhưng không thể tự chích cho mình được”. Bậc thánh nhân như Quản Trọng mà còn phải chờ cho Bão Thúc giúp mình. Cái đó ngạn ngữ dân gian gọi là “Người bán áo cẩu không mua nó để mặc, kẻ sĩ tự khen lời nói của mình nhưng không tin nó”.
27. Vua nước Kinh đánh nước Ngô. Vua nước Ngô sai Thư Vệ Quệ Dung khao quân Kinh. Tướng quân nước Kinh nói: “Bắt trói nó! Giết nó để lấy máu bôi vào trống”. Sau đó hỏi: “Nhà ngươi đến trước đó có bói không?”. Đáp: “Có bói”. Hỏi: “Quẻ bói có tốt không?”. Đáp: “Tốt”. Người Kinh hỏi: “Thế tại sao nay tướng quân nước Kinh lấy máu ngươi bôi lên trống?”. Đáp: “Chính vì vậy cho nên tốt đấy. Nước Ngô cho người đến để xem thử tướng quân có nổi giận hay không. Nếu tướng quân nổi giận thì nước Ngô sẽ đào hào sâu, đắp thành cao. Còn nếu tướng quân không nổi giận thì sẽ trễ nải. Nay tướng quân giết thần thì nước Ngô thế nào cũng cảnh giác gìn giữ. Vả lại, bói cho cả nước chứ không phải cho một mình tôi. Phàm giết một bầy tôi mà bảo tồn được một nước, không bảo là tốt thì là gì? Nói chung kẻ chết rồi thì không biết gì. Như vậy lấy máu tôi bôi trống sẽ vô ích. Còn nếu người chết biết thì lúc đánh nhau, tôi sẽ làm cho tiếng trống không kêu”. Người Kinh vì vậy không giết ông ta.
28. Trí Bá sắp đánh nước Cừu Do, nhưng đường sá không thông. Bèn sai đúc một cái chuông lớn để biếu vua Cừu Do. Vua Cừu Do rất mừng, sửa sang đường sá định nhận.
Xích Chương Mạnh Chi nói: “Không được. Đây là việc nước nhỏ phải làm để thờ nước lớn. Nay nước lớn làm thế thì thế nào cũng có binh sĩ đi theo không thể nhận”. Vua Cừu Do không nghe cuối cùng nhận chuông.

Xích Chương Mạnh Chi bèn cưa trục xe cho ngắn (để đi đường hẹp) và chạy sang nước Tề. Được bảy tháng thì nước Cừu Do mất.
29. Nước Việt đã đánh thắng nước Ngô lại đòi quân của nước Kinh để đánh nước Tấn. Quan tả tử là Y Tương nói với vua nước Kinh: “Nước Việt đánh bại nước Ngô. Các kẻ sĩ hào kiệt chết, binh sĩ tinh nhuệ hết, binh sĩ mang áo giáp nặng bị thương. Nay họ lại đòi binh sĩ của ta để đánh nước Tấn đó là để biểu lộ cho ta thấy là họ không mệt. Không bằng ta cất quân cùng nước Tấn chia nước Ngô”. Vua nước Kinh nói: “Phải”.
Bèn cất quân đuổi theo quân Việt. Việt Vương nổi giận định đánh. Quan đại phu là Chủng nói: “Không được. Những kẻ sĩ hào kiệt của ta hết, binh sĩ mặc áo giáp nặng bị thương. Ta cùng đánh nhau với họ thì thế nào cũng không được, không bằng mua chuộc họ”. Bèn cắt đất năm trăm dặm ở phía bắc Lộ Sơn để đút cho nước Kinh.
30. Nước Kinh đánh nước Trần, nước Ngô cứu nước Trần. Quân đội dàn ra ba mươi dặm. Trời mưa mười ngày mới tạnh. Quan tả sử Ỷ Tương nói với Tử Kỳ: “Mưa mười ngày, võ khí tập hợp và quân đội tụ tập quân Ngô thế nào công tới. Không bằng lo phòng bị”.
Quân Kinh bèn bày trận, trận bày chưa xong mà quân Ngô đã đến, nhìn thấy quân Kinh đã bày trận nên lui. Quan tả sử nói: “Quân Ngô lui sáu mươi dặm thì các tướng sẽ nghỉ và quân sĩ thế nào cũng phải ăn. Ta đi ba mươi dặm đánh họ thì có thể đánh bại”. Người Kinh theo, kết quả đánh bại quân Ngô.
31. Nước Hàn và nước Triệu sắp gây nạn cho nhau. Hàn Tử xin binh của nước Nguỵ, nói: “Xin cho mượn binh để đánh nước Triệu”. Nguỵ Văn Hầu nói: “Quả nhân với nước Triệu là chỗ anh em, không thể theo được”. Nước Triệu lại yêu cầu quân đội để đánh nước Hàn. Văn Hầu nói: “Quả nhân với nước Hàn là chỗ anh em, không dám theo”. Hai nước không được binh nổi giận trở về. Sau đó mới biết Nguỵ Văn Hầu có ý giảng hoà cả hai bên nên đều đến chầu nước Nguỵ.

31. Nước Tề đánh nước Lỗ, đòi cái đỉnh đất Sầm. Người nước Lỗ gửi cái đỉnh giả đến. Người Tề nói: “Đỉnh giả”. Người Lỗ nói: “Đỉnh thật”. Người Tề nói: “Bảo Nhạc Chính Tử Xuân sang đây, ta sẽ nghe ông ta”.
Nước Lỗ mời Nhạc Chính Tử Xuân, Nhạc Chính Tử Xuân nói: “Tại sao không đem cái đỉnh thật sang?”. Nhà vua nói: “Ta yêu nó”. Nhạc Chính Tử Xuân nói: “Thần cũng yêu chữ tín của thần”.
32. Hàn Cữu được lập làm vua nhưng chưa ổn định. Người anh em ở nước Chu. Nước Chu muốn nâng đỡ ông ta, nhưng lại sợ người Hàn ghét không lập. Cơ Vô Khôi nói: “Không bằng đem trăm cỗ xe tiễn ông ta. Nếu ông ta được lập làm vua thì ta nói là để bảo vệ ông ta, nếu như ông ta không được lập làm vua thì nói là mang tên giặc đến”.
33. Tịnh Quách Quân sắp đắp thành ở đất Tiết. Có nhiều người khách can. Tịnh Quách Quân bảo viên quan tiếp khách:” Đừng đưa khách vào”. Có người nước Tề xin vào gặp, nói: “Thần chỉ xin nói ba tiếng mà thôi. Nếu quá ba tiếng, thần xin chịu nấu”. Tịnh Quách Quân nói: “Xin ông vì quả nhân mà nói”. Người khách rảo bước tiến lên nói: “Cá biển lớn” rồi chạy về. Tịnh Quách Quân nói: “Xin cho nghe cái thuyết của ông”. Người khách nói: “Thần không dám đùa với cái chết”. Tịnh Quách Quân nói: “Xin ông vì quả nhân nói”.
Người khách đáp: “Bệ hạ có nghe chuyện con cá lớn hay không? Lưới không chặn được nó, sợi dây không bắn được nó. Thế nhưng đi chơi lên ba thì đến kiến muốn làm gì cũng được. Nay nước Tề cũng là cái biển của bệ hạ, ngài vĩnh viễn có được nước Tề thì còn cần đất Tiết làm gì? Nếu bệ hạ bỏ mất nước Tề thì thành đất Tiết dù có cao lên tận trời cũng vô ích mà thôi”. Tịnh Quách Quân nói: “Phải đấy”. Bèn thôi không xây thành Tiết nữa.
35. Người em của vua nước Kinh ở nước Tần. Nước Tần không cho ông ta về. Viên trung xạ sĩ nói: “Cho thần một trăm lạng vàng, thần có thể đưa ông ta về”. Anh ta bèn mang một trăm lạng vàng sang nước Tần. Anh ta yết kiến Thúc Hướng mà nói: “Em của vua nước Kinh ở nước Tần, nước Tần không cho vế. Xin biếu Thúc Hướng một trăm lạng vàng”.

Thúc Hướng nhận vàng vào yết kiến Tấn Bình Công nói: “Ta có thể xây thành Hồ Khâu rồi”. Bình Công hỏi: “Tại sao?”. Thúc Hướng đáp: “Em của vua nước Kinh ở nước Tần. Nước Tần không cho về. Như vậy là nước Tần ghét nước Kinh. Nhất định nó không dám cấm ta xây thành Hồ Khâu. Nếu như nó ngăn cấm thì ta nói: “Nếu vì ta cho em của vua Kinh về thì ta sẽ không xây thành! Nếu họ cho về thì ta sẽ có ơn với nước Kinh. Nếu họ không cho về là có ý xấu, nhất định không dám cấm ta xây thành Hổ Khâu”. Bình Công nói: “Phải đấy”.
Bèn xây thành Hổ Khâu và nói với vua Tần: “Nếu ngài vì tôi cho em của vua nước Kinh về thì tôi sẽ không xây thành”. Nước Tần nhân đấy cho ông ta về. Vua Kinh cả mừng, đem một trăm dật vàng ròng cho nước Tấn.
36. Hạp Lư đánh Sính, đánh thắng ba trận. Hỏi Tử Tư: “Đã có thể rút lui chưa?”. Tử Tư đáp: “Nhân người ta chết đuối cho người ta uống nước một lần rồi thôi thì sẽ không chết được. Phải cho uống nước luôn luôn. Không bằng thừa thế nhận chìm luôn”.
37. Người nước Trịnh có đứa con sắp làm quan. Đứa con trai bảo người nhà: “Phải xây những chỗ tường hỏng để cho những kẻ bất thiện không ăn trộm được”. Người trong ngõ cũng nói như thế. Chưa kịp sửa chữa thì quả nhiên người ta ăn trộm. Anh ta cho con mình là khôn, mà cho người trong xóm đã nói thế là kẻ ăn trộm.

Chú thích:

[25]  Đoạn này nguyên văn nhiều chỗ xuất nhập nên không thể hiểu được. Theo các nhà chú giải chữ (Khổng Tử) là thừa vì đây là lời của Tử Tây. Trái lại sau chữ liêm khiết phải có chữ Khổng Tử nói. ý bài này là Tử Tây làm lệnh doãn nước Sở là người ham danh. Tử Công khuyên thì ông ta có thể trong chốc lát từ bỏ ham muốn. Nhưng bản tính con người không thay đổi, cho nên lại sẽ trở lại bản tính mà bị nguy.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.