Hàn Phi Tử

QUYỂN XIV – Thiên XXXV: Sưu tập những chuyện bên ngoài – Phần sau, đoạn dưới (Ngoại trữ thuyết, hữu hạ)



I. Việc thưởng phạt nếu vua cùng làm với bầy tôi thì lệnh cấm không được thi hành. Lấy cái gì để chứng minh điều đó? Chuyện Tạo Phụ, Ư Kỳ chứng minh điều đó. Tử Hãn làm con lợn nhảy, Điền Hằng làm cái ao vườn. Cho nên vua nước Tống và Tề Giản Công bị giết. Mối lo là ở chỗ Vương Lương cùng Tạo Phụ cùng đánh xe, Điền Liên và Thành Khiêu cùng gảy đàn cầm vậy.
II. Nước trị binh cường là do pháp luật sinh ra. Nước loạn và yếu là do pháp luật quanh co sinh ra. Bậc vua sáng thấy rõ điều đó, thì làm cho sự thưởng phạt đúng đắn, chứ không dùng lòng nhân đối với những người dưới. Tước lộc sinh ra nhờ công lao, việc giết và phạt sinh ra vì phạm tội. Bầy tôi hiểu rõ điều đó thì đều liều chết ra sức mà không phải lo trung với nhà vua. Nhà vua hiểu rõ, sự bất nhân, bầy tôi hiểu rõ sự bất trung, thì có thể làm vương được Chiêu Tương biết tình cảm của nhà vua mà không phân phát rau trái năm vườn, Điền Vĩ biết tình cảm của bầy tôi cho nên dạy Điền Chương, mà Công Nghi từ chối không nhận cá.
III. Bậc vua chúa sáng xét việc bên ngoài mà việc bên ngoài không thể không thành. Cho nên Tô Đại chê Tề Vương. Bậc vua chúa lấy kẻ sĩ để xét thì các cư sĩ không thể không vinh hiển. Cho nên Phan Thọ nói về tình cảm của vua Hạ Vũ. Bậc vua chúa không giác ngộ được. Phương Ngô biết thế có nên sợ những người cùng mặc áo, cùng họ như mình, huống nữa là cho người khác mượn cái quyền của mình? Ngô Chương biết thế cho nên nói chuyện giả vờ thương ghét, huống nữa là chuyện thương ghét thật? Triệu Vương ghét mắt hổ mà bị che đậy. Đạo của bậc vua sáng như chuyện người hành nhân của nhà Chu khước từ Vệ Hầu vậy.
IV. Kẻ làm vua chúa là kẻ phải giữ pháp luật, căn cứ vào kết quả mà xét để lập công lao. Chỉ nghe có quan lại tuy làm loạn nhưng dân vẫn cứ tốt, chứ không nghe có dân làm loạn nhưng quan lại vẫn cứ trị an một mình. Cho nên bậc vua sáng trị quan lại mà không trị dân, câu chuyện lấy gốc cây và kéo dây lưới nói lên điều đó.
Cho nên không thế không bàn đến chuyện những người gặp hoả hoạn. Con người cứu hoả hoạn nếu cầm cái bình nước chạy đến chỗ lửa cháy thì chí có cái công dụng của một người mà thôi. Nhưng nếu như cầm cái roi sai khiến người ta thì làm cho vạn người phải làm việc.
Cho nên kẻ dùng cái thuật trị nước để đối phó cũng giêng như Tạo Phụ gặp con ngựa hoàng sợ. Nếu giục ngựa đẩy xe thì không thể nào tiến lên nhưng nếu thay người đánh xe, cầm cương, cầm roi ngựa thì ngựa chạy nhanh. Chuyện cái dùi đập cho kim khí bằng phẳng và cái giá sửa gỗ cho thẳng nói lên điều đó. Nếu không làm thế thì thất bại, chuyện Trạc Xỉ dùng nước Tề để giết Tề Mẫn Vương, Lý Đoái dùng nước Triệu làm Triệu Chủ Phụ chết đói nói lên điều đó.
V. Nếu dựa theo cái lý của sự việc mà làm thì không vất vả mà thành công. Cho nên Tư Trịnh ngồi trên càng xe mà hát để đi lên cái cầu cao. Cái lo là ở chỗ các viên lại coi thuế hỏi Triệu Giản Chủ nên đánh thuế nặng hay đánh thuế nhẹ, và Bạc Nghi nói về phần giữa của nước no. Triệu Giản Chủ vui mà kho lúa kho tiền trống rỗng, trăm họ đói mà bọn quan lại gian xào làm giàu. Cho nên Tề Hoàn Công xét tình thực của dân mà Quản Trọng xét tiền hư nát và con gái oán. Nếu không làm thế thì như Diên Lăng cưỡi ngựa mà không thể tiến, Tạo Phụ đi qua đó, vì thế mà khóc.
1-1. Tạo Phụ chỉ huy bốn con ngựa, cho ngựa rong ruổi lượn quanh, ngựa làm theo ý muốn của ông. Ngựa làm theo ý muốn của ông là vì ông nắm lấy dây cương và roi để khống chế nó. Nhưng nếu như những con ngựa hốt hoảng vì có con lợn chạy ra, mà Tạo Phụ không thể ngăn cấm được thì điều đó không phải là do chỗ dây cương và roi không đủ nghiêm, mà vì cái uy lực của ông ta bị con lợn chạy ra chia sẻ mất đi. Vương Tử Ư Ky cho thêm ngựa phụ vào cỗ xe, không dùng dày cương và roi và mặc ngựa làm theo ý muốn của mình và vì ông khéo dùng cái lợi của cỏ và nước. Thế nhưng những con ngựa đi qua ao vườn thì con ngựa phụ thêm rối loạn. Đó không phải vì cái lợi của nước và cỏ không đủ mà vì cái đức của ông ta bị vườn rau chia sẻ mất. Cho nên Vương Lương và Tạo Phụ là những người điều khiển ngựa giỏi trong thiên hạ, thế nhưng nếu khiến Vương Lương cầm dây cương bên phải mà lấy roi quất thì con ngựa không thể đi được mười dặm. Đó là vì người cùng chỉ huy một cỗ xe. Điền Liên và Thành Khiếu là những người giỏi gảy đàn cầm trong thiên hạ. Thế nhưng nếu Điền Liên gẩy ở trên, Thành Khiếu bấm ở dưới thì không thể thành khúc nhạc được. Đó là vì hai người cũng gẩy chung một cái đàn. Ôi, khéo như Vương Lương, Tạo Phụ, mà cùng nhau nắm lấy dây cương ngựa, còn không thể điều khiển con ngựa, thế thì vị vua chúa làm thế nào có thể cùng nắm quyền với bọn bầy tôi để làm nên công được?
Một thuyết khác. Tạo Phụ là người đánh xe cho vua Tề. Ông ta làm cho ngựa khát nước và thuần dưỡng được ngựa. Thử đánh xe vào vườn, con ngựa khát nước nhìn thấy cái ao vườn, bỏ xe chạy đến bên ao, cỗ xe hỏng. Vương Tử Ư Kỳ vì Triệu Giản Chủ đi trên đường tranh đi nhanh nhất trên đường xa ngàn dặm. Lúc mới ra đi, có con lợn nấp ở dưới cái rãnh, Vương Tử Ư Kỳ cầm dây cương, cầm roi cho ngựa tiến lên, con lợn đột nhiên ở dưới rãnh nhảy lên. Con ngựa hoảng sợ, cỗ xe bị phá hỏng.
1-2. Quan tư thành là Tử Hãn nói với vua nước Tống: “Khen thưởng và ban cấp là những điều dân chúng thích, xin bệ hạ cứ tự mình làm. Giết chém, trừng phạt là những điều dân chúng ghét, thần xin đảm nhiệm”. Vua Tống nói: “Được”. Tử Hãn bèn ra uy thi hành mệnh lệnh trừng trị quan đại thần. Nhà vua nói: “Hãy hỏi Tử Hãn”. Do đó, các quan đại thần sợ ông ta, dân hèn mọn theo ông ta. Được chẵn một năm, Tử Hãn giết vua nước Tống và đoạt lấy quyền chính. Cho nên Tử Hãn làm con ngựa chạy xổ ra mà đoạt lấy cái nước của vua của mình.

1-3. Vua Tề Giản Công ở địa vị trên phạt nặng, hình phạt nghiêm, thuế khoá nặng và giết tróc dân chúng. Điền Hằng chủ trương nhân từ thương người, nêu rõ điều khoan dung, hậu hĩ. Giản Công làm cho dân nước Tề thành con ngựa khát nước, không gia ơn cho dân. Còn Điền Hằng thì lấy điều nhân hậu làm cái ao vườn vậy.
Một thuyết khác. Tạo Phụ làm người đánh xe phụ cho vua Tề. Ông tập cho ngựa nhịn khát để thuần dưỡng chúng. Được một trăm ngày thì thuần dưỡng xong. Thuần dưỡng xong, Tạo Phụ xin mời vua lên xe. Vua Tề nói: “Đánh xe vào vườn”. Tao Phụ thúc ngựa vào vườn, ngựa thấy cái ao vườn thì bỏ chạy. Tạo Phụ không cấm nổi. Tạo Phụ lấy cái khát thuần dưỡng con ngựa đã lâu, nay con ngựa nhìn thấy cái ao thì đột nhiên bỏ chạy, dù có Tạo Phụ cũng không thể trị được. Nay Giản Công lấy pháp luật ngăn cấm dân chúng đã lâu, mà Điền Hàng làm lợi cho dân, như thế là Điền Hằng đưa cái ao vườn ra cho dân khát nước thấy vậy.
Một thuyết khác. Vương Tử Ư Kỳ vì vua nước Tống dự cuộc đua ngàn dặm. Đã thắng vào xe, ông vuốt bờm sờ mép ngựa và bắt đầu thúc ngựa chạy. Ông thúc cho nó tiến lên. Bánh xe đúng với dây, ông kéo dây. Ngựa chân sau giẫm lên dấu chân trước, ông quất và cho ngựa chạy. Bỗng có con lợn từ dưới rãnh nhảy ra. Con ngựa lùi lại. Đánh nó cũng không chịu tiến lên. Ngựa chạy lồng lên, gò cương lại nó cũng không dừng.
Một thuyết khác. Quan tư thành là Từ Hãn nói với vua nước Tống: “Khen thưởng và ban cấp là việc dân chúng thích, xin bệ hạ tự làm. Giết tróc, trừng phạt là chuyện dân chúng ghét, thần xin đảm nhiệm”. Do đó, gặp việc giết dân hèn, trừng trị các quan đại thần, nhà vua đều bảo: “Hãy bàn với Tử Hãn”. Được một năm, dân chúng biết mệnh lệnh giết chết hay cho sống là do Tử Hãn quyết định, cho nên cả nước theo ông ta. Do đó Tử Hãn hiếp vua nước Tống mà đoạt lấy chính quyền, pháp luật không thể ngăn cấm được. Cho nên nói: Tử Hãn làm con lợn chạy xổ ra, và Điền Hằng làm cái ao vườn vậy. Nếu sai Vương Lương, Tạo Phụ cùng đánh một cỗ xe, mỗi người nắm lấy một sợi dây cương để vào cổng làng, thì cỗ xe thế nào cũng hỏng và không đến nơi được. Nếu sai Điền Liên, Thành Khiếu mỗi người gảy một dây đàn thì âm thanh thế nào cũng loạn mà khúc nhạc không thành.
II-1. Tần Chiêu Vương bị bệnh. Trăm họ trong làng mua bò cầu cho nhà vua. Công Tôn Thuật đi ra nhìn thấy thế, vào mừng nhà vua nói: “Trăm họ mỗi làng đều mua bò để cầu cho nhà vua được sống”. Nhà vua cho người hỏi thì quả có thực. Nhà vua nói: “Phạt mỗi người hai bộ áo giáp. Không có lệnh mà lại tự tiện cầu thọ, như thế là yêu quả nhân. Yêu quả nhân thì quả nhân cũng đổi phép tắc làm cho lòng mình thuận, theo họ. Phép tắc không lập thì đó là con đường đi đến loạn và mất nước. Không bằng phạt mỗi người hai áo giáp và cùng họ trị an”.
Một thuyết khác. Tần Tương Vương bị bệnh. Trăm họ vì ông ta cầu thọ. Bệnh lui. Quan lang trung là Diêm Át và Công Tôn Diễn đi ra thấy thế nói: “Bây giờ không phải là lúc tế thổ thần, không phải là tháng chạp tại sao lại giết bò cúng ở đền xã?”. Hai người lấy làm lạ hỏi. Trăm họ nói: “Nhà vua bị bệnh, cầu thọ cho nhà vua. Nay bệnh đã lành, giết bò để cúng tạ”. Công Tôn Diễn, Diêm Át vui mừng vào yết kiến nhà vua nói: “Bệ hạ hơn Nghiêu Thuấn”. Nhà vua hoảng sợ hỏi: “Tại sao lại nói thế?”. Thưa rằng: “Nghiêu, Thuấn, dân chúng chưa từng vì ông ta cầu nguyện. Nay bệ hạ bị bệnh, mà dân chúng giết bò cầu nguyện, cho nên thần trộm cho bệ hạ là hơn Nghiêu, Thuấn”. Nhà vua bèn cho người hỏi làng nào làm điều đó. Phạt người cầm đầu làng và những người cầm đầu năm nhà hai bộ áo giáp. Diêm Át, Công Tôn Diễn xấu hổ nhưng không dám nói ra.
Được vài tháng, nhà vua uống rượu vui vẻ, Diêm Át, Công Tôn Diễn nói với nhà vua: “Trước đây bọn thần cho bệ hạ hơn Nghiêu, Thuấn không phải là dám nịnh hót. Nghiêu, Thuấn bị bệnh, nhưng dân của hai ông cũng chưa đến nỗi giết bò cầu nguyện. Bệ hạ bị bệnh, họ giết bò cầu nguyện. Nay bệ hạ lại phạt người cầm đầu làng và những người cầm đầu năm nhà hai bộ áo giáp, bọn thần trộm lấy làm lạ”. Nhà vua nói: “Tại sao các ngươi lại không biết điều đó? Dân chúng kia phục vụ cho ta không phải vì ta thương họ nên họ phục vụ cho ta. Đó là vì cái thế của ta cho nên họ phục vụ cho ta. Nếu ta bỏ cái thế để lấy lòng dân thì khi ta không thương dân, dân sẽ không phục vụ ta. Cho nên ta cắt đứt cái đạo thương dân”.

11-2, Nước Tần đói to, Ứng Hầu xin với nhà vua: “Cây cỏ đất năm vườn dồi dào, có rau, quả, tượng, cây táo, cây lật, đủ để nuôi sống dân. Xin phát cho họ”. Chiêu Vương nói: “Phép tắc nước Tần ta, khiến dân có công thì được thưởng, có tội thì bị phạt, Nay phát rau cỏ năm vườn, khiến cho những người dân có công hay không có công cũng đều được thưởng. Nói chung, việc khiến cho dân chúng có công hay không có công đều được thưởng đó là điều sinh loạn. Phái của cải năm vườn mà nước loạn không hàng vứt bỏ rau quả mà nước trị”.
Một thuyết khác. Nhà vua nói: “Sai phát rau, quả, quả táo, quả lật của năm vườn đủ để cho dân sống, như thế là khiến cho những người dân có công và không có công tranh nhau giành lấy. Phàm khiến họ sống mà sinh loạn, không bằng để họ chết mà nước trị. Các quan đại phu hãy bỏ việc đó đi”.
11-3. Điền Vĩ dạy con là Điền Chương: “Muốn làm lợi cho thân mình thì trước đó phải làm lợi cho vua mình. Muốn làm giàu cho nhà mình, thì trước đó phải làm giàu cho nước mình”.
Một thuyết khác. Điền Vĩ dạy con là Điền Chương: “Nhà vua bán quan tước, bầy tôi bán trí khôn và sức lực. Cho nên phải tự cậy vào mình mà không cậy vào người”.
11-4. Công Nghi Hưu làm tướng quốc nước Lỗ, lại thích ăn cá. Cả nước tranh nhau mua cá để biếu ông ta. Công Nghi Tử không nhận. Người em can: “Ngài thích ăn cá mà lại không nhận cá là tại sao?”. Công Nghi Tử đáp: “Vì ta thích ăn cá nên ta không nhận. Ta mà nhận cá thì ta thế nào cũng phải có cái vẻ mặt chiếu cố đến người ta. Có cái vẻ chiếu cố đến người ta thì thế nào cũng bẻ cong pháp luật. Bẻ cong pháp luật thì không làm được tướng quốc. Lúc đó thì dù ta có thích ăn cá nhưng không chắc là có thể tự mình kiếm được cá cho mình. Ta lại không có thể tự mình cung cấp cá cho mình. Còn nếu ta không nhận cá thì vẫn cứ được làm tướng quốc. Tuy ta thích ăn cá ta vẫn cứ có thể tự cung cấp cho mình mãi”.
Điều đó chứng tỏ nhờ cậy ở người không bằng nhờ cậy ở mình. Nó chứng tỏ nhờ cậy người ta làm cho mình không bằng nhờ cậy chính mình làm cho mình vậy.

III-1. Tử Chi làm tướng quốc nước Yên, được sang nhưng nhà vua vẫn quyết định mọi việc. Tô Đại làm sứ giả nước Tề sang nước Yên, nhà vua hỏi: “Vua nước Tề là vị vua như thế nào?”. Tô Đại nói: “Chắc chắn không làm bá”. Yên Vương hỏi: “Tại sao thế?”. Đại đáp: “Ngày xưa Tề Hoàn Công làm bá, mọi việc bên trong đều giao cho Bão Thúc, mọi việc bên ngoài đều giao cho Quản Trọng. Tề Hoàn Công chỉ xoã tóc ngày vui chơi với đàn bà, ngày đi chơi ngoài chợ. Nay vua Tề không tin quan đại thần”. Vua Yên nhân đấy lại càng tin Tử Chi. Tử Chi nghe thế khiến người đưa cho Tô Đại một trăm dật vàng tha hồ cho ông ta tiêu dùng.
Một thuyết khác. Tô Đại làm sứ giả nước Tần sang nước Yên. Đại thấy rằng nếu mình không giúp được gì cho Tử Chi thì không làm nên việc mà về, nước mình sẽ không được đề công mà mình sẽ không được ban thưởng. Bèn yết kiến vua Yên. Vua Yên hỏi: “Vua Tề là người giỏi như thế, thì sẽ làm vương thiên hạ chăng?”. Tô Đại đáp: “Cứu cảnh mất nước còn chưa nổi, làm sao làm vương thiên hạ được?”. Vua Yên hỏi: “Tại sao thế?”. Đại đáp: “Ông ta dùng người mình yêu không chuyên tâm”. Vua Yên hỏi: “Tại sao nước mất?”. Đại đáp: “Ngày xưa Tề Hoàn Công yêu Quản Trọng, cho ông ta làm Trọng phụ, lo việc bên trong, quyết định việc bên ngoài. Trao cả nước cho ông ta. Cho nên một lần cứu thiên hạ, chín lần họp chư hầu. Nay vua Tề dùng người mình yêu không chuyên tâm, cho nên biết là nước sẽ mất” Vua Yên nói: “Nay ta tin dùng Tử Chi thiên hạ vẫn chưa biết”. Ngày hôm sau, bèn thiết triều và nghe theo lời Tử Chi.
III-2. Phan Thọ nói với vua nước Yên: “Bệ hạ không bằng nhường nước cho Tử Chi. Người ta sở dĩ nói vua Nghiêu hiền là vì ông ta lấy nước nhường cho Hứa Do. Hứa Do nhất định là không nhận, như vậy thì Nghiêu có được cái tiếng là nhường thiên hạ cho Hứa Do, mà thực ra vẫn không bỏ mất thiên hạ. Nay nhà vua đem nước nhường cho Tử Chi, Tử Chi thế nào cũng không nhận. Như vậy là bệ hạ có được cái tiếng là nhường nước, và ngang với Nghiêu vậy”. Vua Yên bèn giao cả nước cho Tử Chi, Tử Chi rất được trọng.
Một thuyết khác. Phan Thọ là một người ở ẩn Vua Yên cho người mời ông ta. Phan Thọ yết kiến vua Yên nói: “Thần sợ Tử Chi sẽ như Ích”. Nhà vua hỏi: “Tại sao lại như Ích!”. Phan Thọ đáp: “Ngày xưa vua Hạ Vũ chết sắp truyền thiên hạ cho Ích. Những người của Khải nhân đấy họp nhau lại đánh Ích mà lập Khải. Ngày nay, bệ hạ tin dùng yêu quý Tử Chi, sẽ truyền ngôi cho Tử Chi. Những người của thái tử đều mang ấn, những người của Tử Chi không có một người nào ở triều đình, thì Tử Chi cũng là Ích vậy”. Nhà vua bèn thu ấn quan lại từ hạng lương ba trăm thạch trở lên và giao cho Tử Chi, Tử Chi rất được tôn trọng.
Phàm kẻ nhà vua nhìn vào để soi gương mình là những kẻ sĩ ở chư hầu. Nay những kẻ sĩ của chư hầu đều là bè đảng của nhà riêng. Nhà vua lấy những người trong hang núi làm vây cánh cho mình. Nay những người trong hang núi cũng đều là những tay chân của nhà riêng. Tại sao thế? Cái quyền sinh quyền sát là ở Tử Chi. Cho nên Ngô Chương nói: “Kẻ làm vua không thể giả vờ thương người hay ghét người, nếu giả vờ thương người thì không còn có thể ghét lại được nữa, nếu giả vờ ghét người thì sẽ không còn có thể thương lại được nữa
Một thuyết khác. Vua Yên muốn truyền nước cho Tử Chi, đem điều đó hỏi Phan Thọ. Phan Thọ đáp: “Vua Hạ Vũ yêu Ích và giao thiên hạ cho Ích cai trị. Sau đó, lại chính những người của Khải làm hại. Đến khi Hạ Vũ già, Hạ Vũ cho rằng Khải không có đủ năng lực cai trị thiên hạ, cho nên truyền thiên hạ cho Ích. Nhưng cái thế lớn là ở Khải, ít lâu sai, Khải cùng bè bạn phe đảng đánh Ích và cướp thiên hạ, như vậy là Vũ có cái tiếng là truyền thiên hạ cho Ích, nhưng thực tế là khiến cho Khải tự mình giành lấy. Điều đó chứng tỏ rõ ràng Vũ không bằng Nghiêu, Thuấn. Nay nhà vua muốn truyền nước cho Tử Chi mà các quan lại không ai không phải là những người của thái tử. Như vậy là có cái tiếng là truyền cho ông ta nhưng thực tế là sai thái tử tự mình giành lấy”. Vua Yên bèn thu ấn từ trăm thạch trở lên đều giao cho Tử Chi. Kết quả Tử Chi được trọng.
III-3. Phương Ngô Tử nói: “Tôi nghe lễ xưa người cai trị không ngồi cùng một xe với người mặc áo như mình, không ở cùng một nhà với người cùng họ với mình. Huống nữa bậc làm vua mà lại cho người ta mượn cái quyền của mình và tách mình ra khỏi cái thế của mình sao?”.
III-4. Ngô Chương nói với Hàn Tuyên Tử: “Kẻ làm vua không thể giả vờ yêu người ta. Làm thế này sau sẽ không có thể ghét người ta được; không có thể giả vờ ghét người ta, làm thế một ngày kia sẽ không có thể yêu người ta lại được. Cho nên nếu dấu hiệu của việc giả vờ yêu, ghét bộc lộ thì những kẻ a dua sẽ nhân vào đó mà khen chê. Tuy có vị vua sáng cũng không có thể cứu vãn được, huống nữa là thực sự cho người ta mượn”.
III-5. Vua Triệu chơi trong vườn. Những người chung quanh đem thỏ cho hổ ăn thịt. Con hổ liếc nhìn trợn tròn con mắt. Nhà vua nói: ” Mắt hổ đáng ghét quá!”. Những người chung quanh nói: “Mắt của Bình Dương Quân còn dữ hơn thế! Nhìn mắt hổ còn chưa bị hại chứ nhìn mắt Bình Dương Quân thì thế nào cũng chết thôi”. Ngày hôm sau Bình Dương Quân nghe vậy, sai người giết người nói mà nhà vua không trị tội ông ta.
III-6. Vua nước Vệ vào chầu nhà Chu. Quan hành nhân nhà Chu hỏi hiệu của nhà vua. Vua Vệ đáp: “Tôi là chư hầu Tịch Cương”. Người hành nhân không cho vào nói: “Chư hầu không được có cùng tên hiệu với Thiên tử[55]”. Vua Vệ bèn tự mình thay đổi nói “Chư hầu huỷ”. Sau đó mới cho vào chầu. Trọng Ni nghe vậy, nói: “Thực khéo ngăn cấm sự lấn át từ xa! Cái tên suông còn không thể cho người ta mượn, huống nữa là cái thực!”.
IV-1. Người lay cây nếu cứ lay từng lá cây thì mệt mà không xiết được. Hai tay nắm lấy cái gốc mà lay thì lá đều lay động hết. Đến vực mà lay cây thì chim chóc sợ mà bay cao, cá sợ mà lặn xuống. Kẻ khéo chăng lưới thì kéo cái dây giêng chứ không kéo từng mắt lưới một. Kéo từng mắt lưới thì phải kéo đến một vạn cái mắt rồi mới được, như thế thì vất vả mà lại khó làm. Kéo cái dây giềng thì con cá đã vào giỏ rồi. Cho nên kẻ quan lại là mối giềng của dân. Cho nên thánh nhân trừng trị quan lại mà không trừng trị dân.
IV-2. Trong việc cứu hoả, nếu như viên lại có trách nhiệm ra lệnh, lại cầm một bình nước mà chạy cứu hoả thì chỉ làm được cóng việc của một người mà thôi. Nhưng nếu như ông ta cầm cây roi chỉ huy và đốc thúc người ta chữa, thì điều khiển được vạn người. Cho nên bậc thánh nhân không thân người dân hèn và bậc chúa sáng không thân hành làm những việc nhỏ.
IV-3. Tạo Phụ đang bừa cỏ, nhìn thấy hai cha con đi xe đi qua. Con ngựa hoảng sợ không đi. Người con xuống xe, kéo con ngựa, người cha đẩy cái xe. Hai người nhờ Tạo Phụ giúp mình đẩy xe. Tạo Phụ bèn thu dụng cụ đặt lên xe, giúp người con lên xe, rồi mới bắt đầu so dây cương, cầm roi. Chưa dùng đến dây cương và roi thì những con ngựa đã tiến lên. Giả sử Tạo Phụ không biết điều khiển xe, thì dù có dốc sức vất vả giúp đẩy xe, ngựa vẫn không chịu đi. Nay thân mình khoẻ khoắn ngồi lên xe mà lại có ân đức với người khác. Đó là vì cái thuật để đối phó.
Cho nên nước là cái xe của nhà vua, thế là cái con ngựa của nhà vua. Nếu không có cái thuật trị nước để điều khiển thì thân mình dù có vất vả vẫn không khỏi nước loạn. Còn nếu có cái thuật trị nước để điều khiển thì thân mình ở vào nơi rỗi rãi, vui vẻ mà lại làm được cái công lao của bậc đế vương.
IV-4. Cái chuỳ rèn là cái để làm cho vật lồi lõm bằng phẳng, cái giá gỗ là cái để nắn lại cái không thẳng. Thánh nhân làm phép tắc là để làm cho cái không bằng phẳng được bằng phẳng và nắn lại cái không thẳng.
IV-5. Trạc Xỉ năm quyền hành ở nước Tề rút gân Tề Mẫn Vương. Lý Đoái nắm quyền hành ở nước Triệu bắt Triệu Chủ Phụ chết đói. Hai ông vua kia đều không biết dùng cái chuỳ rèn, cái giá gỗ của mình cho nên thân bị chết bị giết mà bị thiên hạ cười.
Một thuyết khác. Vào nước Tề thì chỉ nghe nói đến Trạc Xỉ mà không nghe nói đến vua Tề. Vào nước Triệu thì chỉ nghe nói đến Lý Đoài mà không nghe nói đến vua Triệu. Cho nên có câu: “Kẻ làm vua nếu không nắm lấy cái thuật trị nước, thì cái thế mình nhẹ mà bầy tôi nắm lấy cái tiếng”.
Một thuyết khác. Điền Anh làm tướng quốc nước Tề. Có người nói với nhà vua: “Việc tính toán cuối năm, nếu nhà vua không dành vài ngày để tự mình xem thì không có cách nào biết điều gian tài đúng sai của các quan lại”. Nhà vua nói: “Phải đấy”. Điền Anh nghe vậy, thân hành đến xin nhà vua nghe các bảng kế toán của mình. Nhà vua định nghe. Điền Anh sai các quan chuẩn bị sổ sách, đấu, thạch, thăng. Nhà vua thân hành nghe tính, cho đến lúc không thể nghe được nữa. Ăn cơm xong lại ngồi nghe không ăn bữa cơm chiều. Điền Anh lại nói: “Quần thần suốt năm ngày đêm không dám lười biếng được bệ hạ một tối nghe cho thì bọn bầy tôi rất được khuyến khích vậy”. Nhà vua bảo: “Phải”. Lát sau nhà vua đã ngủ gục. Các viên lại chờ tất cả các sổ sách thăng đấu. Nhà vua tự mình nghe sổ sách thì cái loạn từ đó nẩy sinh.
Một thuyết khác. Vũ Linh Vương sai Huệ Van Vương cầm quyền chính, Lý Đoái làm tướng quốc. Vũ Linh Vương không tự mình nắm lấy cái chuyện sinh sát cho nên bị Lý Đoái hiếp.
V-l. Tư Trịnh Tử đẩy xe lên cái cầu cao nhưng không đẩy nổi. Tư Trịnh ngồi trên càng xe mà hát, người trước đứng, người sau đun lên. Cái xe bèn lên. Giả sử Tư Trịnh không có cái thuật để lôi kéo người thì cái thân tuy kiệt sức mà chết, cái xe vẫn không lên được. Nay thân không vất vả khổ sở mà xe lại lên được, là vì có cái thuật để lôi cuốn người ta vậy.
V-2. Triệu Giản Chủ ra lệnh thu thuế. Viên lại hỏi nên đánh thuế nhẹ hay nặng. Giản Chủ đáp: “Không nhẹ, không nặng. Đánh nặng thì cái lợi quy về người trên, đánh nhẹ thì cái lợi quy về dân chúng. Làm lợi không có lợi riêng thế là đủ”. Bạc Nghi nói với Triệu Giản Chủ: “Nước của bệ hạ nó ở giữa”. Giản Chủ hớn hở vui mừng, hỏi: “Làm sao như thế?”. Bạc Nghi nói: “Kho lúa kho tiền trống rỗng ở trên, trăm họ nghèo khổ ở dưới, nhưng bọn quan lại gian thì giàu có”.
V-3. Tề Hoàn Công mặc y phục của người thường đi xét các nhà dân. Có người tuổi già nhưng phải tự nuôi lấy mình. Hoàn Công hỏi tại sao lại thế ông ta đáp: “Thần có ba đứa con. Nhà nghèo không có thể cưới vợ cho con, chúng đi làm thuê chưa về”. Hoàn Công trở về, nói điều đó với Quản Trọng. Quản Trọng nói: “Trong kho có thì của cải mục, vứt bỏ thì người ta có sắc đói; trong cung có cô gái oán thì dân không có vợ”. Hoàn Công nói: “Phải đấy”. Bèn xét những người đàn bà trong cung để gả chồng cho họ. Ra lệnh cho dân: “Con trai hai mươi thì lấy vợ. Con gái mười lăm thì lấy chồng”.
Một thuyết khác. Hoàn Công mặc đồ dân thường đi chơi trong dân gian. Có người tên là Lộc Môn Tắc tuổi đã bảy mươi mà không có vợ; Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Có người dân già mà không có vợ chăng?”. Quản Trọng đáp: “Có Lộc Môn Tắc đã bảy mươi tuổi mà không có vợ”. Hoàn Công nói: “Làm thế nào để cho anh ta có vợ?”. Quản Trọng đáp:

“Thần nghe nói: ở trên có của cải chứa chất thì dân thế nào cũng thiếu thốn ở dưới. Trong cung có oán nữ thì có những người già không có vợ”. Hoàn Công nói: “Phải đấy”. Ra lệnh những người con gái trong cung không được vua dùng đến lần nào thì đều cho lấy chồng, và ra lệnh cho con trai hai mươi tuổi phải lấy vợ, con gái mười lăm tuổi phải gả chồng. Do đó trong cung không có con gái oán, ngoài dân không có người đàn ông không vợ.
V-4. Diên Lăng Trác Từ ngồi trên cỗ xe chạm rồng xanh. Hàm thiếc ở trước, roi vọt ở sau. Ngựa muốn tiến lên thì bị cái hàm thiếc cản lại, ngựa muốn thối lui thì bị roi vọt quất. Do đó, con ngựa chạy ngang. Tạo Phụ đi qua vì thế mà khóc chảy nước mắt, nói: “Người xưa trị dân cũng thế. Thưởng là để khuyến khích dân, nhưng sự chê bai lại nằm ở đấy. Phạt là để ngăn cấm dân nhưng khen lại thêm vào đó, dân đứng ở giữa mà không biết đi về đâu? Cho nên điều đó cũng khiến cho bậc thánh nhân vì họ mà khóc”.
Một thuyết khác. Diên Lăng Trác Tử đi cỗ xe chạm rồng xanh, ngựa có vằn. Đằng trước thì có cái hàm thiếc, đằng sau thì có cái mũi nhọn. Ngựa tiến lên thì kéo dây cương, ngựa lùi lại thì lấy roi quất. Con ngựa tiến lên không tiến lên được, thối lui không lui được. Cho nên chạy ngang và lồng ra. Do đó, người ta rút dao chặt chân nó. Tạo Phụ nhìn thấy thế, khóc, suốt ngày không ăn, bèn ngẩng đầu lên trời mà thở dài nói: “Cái roi là để làm cho ngựa tiến lên, nhưng cái hàm thiếc ở đằng trước; người ta kéo nó để nó lùi lại, nhưng lại có cái mũi nhọn phía sau. Nay vị vua chúa tiến cử người ta vì họ thanh thiết nhưng họ không hợp với những người chung quanh nhà vua cho nên cho họ lui đi. Vì họ công bình chính trực mà khen họ, lại vì họ không nghe những người chung quanh mà bỏ họ. Dân chúng sợ đứng ở giữa mà không biết đi về đâu? Điều đó khiến cho bậc thánh nhân rơi nước mắt vậy”.

Chú thích:

[55] Tịch cương tức là “khai tịch cương thổ”, mở mang đất nước, đó là hiệu của thiên tử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.