Hàn Phi Tử
QUYỂN XVII – Thiên XL: Chất vấn về cái thế (Nạn thế)
1. Thận Tử[70] nói: “Con rồng bay cưỡi mây, con rắn lượn bay trong sương mù. Mây tan mù tạnh, thì con rồng con rắn cũng chẳng khác gì con kiến vì đã mất chỗ dựa vào. Người hiền mà phải chịu khuất phục trước kẻ hư hỏng, đó là vì quyền mình nhẹ, địa vị mình thấp. Người hư hỏng mà có khuất phục được người hiền, đó là vì quyền cao, địa vị mình cao. Nghiêu mà là kẻ thất phu thì không cai quản được ba người, còn Kiệt làm thiên tử thì có thể làm loạn cả thiên hạ. Ta căn cứ vào đó thì biết cái thế và địa vị là đủ để nhờ cậy, còn sự khôn ngoan sáng suốt không đủ cho ta hâm mộ.
Ôi! Cái cung yếu nhưng mũi tên bay cao là nhờ có sức gió đẩy nó. Mình là kẻ hư hỏng nhưng mệnh lệnh được thi hành là nhờ có đám đông giúp đỡ. Nghiêu khi làm kẻ thuộc hạ mà giáo dục thì dân chúng không nghe, nhưng đến khi quay mặt về hướng nam làm vương thiên hạ thì lệnh ban ra được thi hành, điều ngăn cấm bắt người ta phải thôi. Do đó mà xét thì tài giỏi khôn ngoan không đủ để làm cho dân chúng phục theo, mà cái thế và địa vị đủ làm cho người hiền giả phải khuất phục vậy.
2. Người trả lời Thận Tử nói: Rồng bay cưỡi mây, rắn lượn bay trong sương mù. Tôi không cho rằng rồng và rắn không dựa vào cái thế của mây và mù. Tuy vậy, bỏ người hiền mà chỉ độc dựa vào cái thế mà thôi thì có đủ để trị nước hay không? Tôi chưa hề thấy điều đó.
Ôi! Có được cái thế của mây của mù mà có thể bay, lượn được, đó là vì con rồng và con rắn có tài lớn. Nay mây nhiều nhưng con giun vần không thể bay được, mù nhiều nhưng con ếch cũng vẫn không thể lượn được. Có cái thế nhiều mây, nhiều mù nhưng vẫn không có thể bay lượn được đó là vì cái tài của con giun, con ếch kém. Nay Kiệt. Trụ quay mặt về hướng nam làm vương thiên hạ, lấy cái uy của thiên tử để làm mây làm mù nhưng thiên hạ vẫn cứ không khỏi loan to, đó là vì cái tài của Kiệt, của Trụ kém.
Vả lại, nếu bảo người ấy lấy cái thế của Nghiêu để trị thiên hạ, thì cái thế của ông ta có khác gì cái thí của Kiệt, của Trụ đâu? Cái thế không tất yếu khiến cho người hiền dùng nó, và người hư hỏng không dùng nó. Người hiền dùng nó thì thiên hạ trị an, người hư hỏng dùng nó thì thiên hạ loạn. Bản tính con người, người hiền thì ít mà kẻ hư hỏng thì đông, và họ lấy cái lợi của uy thế để giúp cho bọn hư hỏng làm loạn thiên hạ.
Cho nên Chu Thư nói: “Chớ cấp thêm cánh cho hổ. Nó sẽ bay vào thành ấp, vồ lấy người mà ăn thịt đấy”. Phàm cấp cái thế cho kẻ hư hỏng tức là cấp cánh cho hổ. Kiệt, Trụ làm đài cao, ao sâu, làm kiệt sức của dân, dùng hình bào lạc[71] làm hại tới cái sống của dàn. Kiệt, Trụ được cái thế làm chuyện ngang ngược, uy quay mặt về hướng nam làm thành đôi cánh của họ. Ví thử Kiệt, Trụ là kẻ thất phu thì họ chưa làm được một việc mà thân đã bị hình phạt giết chết rồi. Cái thế là cái nuôi dưỡng cái bụng hổ lang, và tạo thành chuyện bạo loạn vậy. Đó là mối lo to lớn cho thiên hạ. Cái thế dẫn tới việc trị hay loạn điều đó vốn không phải là xác định. Nhưng câu nói trên lại độc nói cái thế là đủ để cai trị thiên hạ, như vậy thì điều hiểu biết của ông ta hãy còn nông cạn vậy.
3. Phàm có con ngựa tốt, có cỗ xe chắc mà sai bọn nô tỳ điều khiển nó thì bị người ta cười. Vương Lương điều khiển nó thì ngày đi ngàn dặm. Xe và ngựa không phải là khác, nhưng lúc thì đi ngàn dặm, lúc thì bị người ta cười, như vậy thì việc khéo hay vụng là khác nhau xa. Nay lấy cái nước làm cỗ xe, lấy cái thế làm con ngựa, lấy hiệu lệnh làm dây cương, lấy hình phạt làm roi vọt, sai Nghiêu Thuấn đánh xe thì thiên hạ trị an, sai Kiệt Trụ đánh xe thì thiên hạ loạn. Như vậy thì người hiền với kẻ hư hỏng là khác nhau xa vậy. Phàm muốn ruổi nhanh và đi xa, mà không biết dùng Vương Lương, muốn tìm điều lợi trừ điều hại mà không biết dùng người tài giỏi là cái lo của việc không biết phân biệt vậy. Nói chung, Nghiêu, Thuấn cũng là Vương Lương trong việc trị dân vậy.
4. Lại có người trả lời như sau: Ông ta cho cái thế là đủ để cai quản các quan. Người khách nói: “Thế nào cũng phải đợi có người hiền mới được trị”. Như vậy là không đúng. Phàm cái thế, là cái chỉ có một tên gọi nhưng sự biến đổi của nó thì không cùng. Nếu cái thế chỉ căn cứ vào tự nhiên thì không có gì để nói đến cái thế cả. Tôi sở dĩ nói đến cái thế là vì nó là cái người lập ra. Nay nói Nghiêu. Thuấn có được cái thế mà thiên hạ trị; Kiệt, Trụ có được cái thế mà thiên hạ loạn. Tôi không phải cho Nghiêu và Thuấn không phải như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là cái một người có thể lập ra được.
Nếu Nghiêu, Thuấn sinh ra và ở địa vị trên thì dù có mười Kiệt Trụ cũng không thể nào làm loạn được. Như vậy cái thế là trị. Nếu Kiệt và Trụ cõng sinh và ở địa vị trên, thì dù có mười Nghiêu, Thuấn, nước cũng không thể trị an được. Như vậy, cái thế là loạn. Cho nên nói: “Cái thế mà trị an, thì không thể nào loạn được. Trái lại cái thế mà loạn, thì không thể nào trị an được”. Đó là cái thế tự nhiên, con người ta không thể nào lập ra nó được. Điều tôi nói là nói cái thế con người có thể lập ra được mà thối. Sự tài giỏi có liên quan gì tới điều đó đâu? Làm thế nào để chứng minh điều đó?
5. Người khách nói: “Có người bán mâu và bán thuẫn. Anh ta khen cái thuẫn của anh ta chắc, không vật nào có thể làm hỏng nó được. Lát sau, lại khen cái mâu của anh ta, nói: “Cái mâu của tôi sắc, vật gì đâm cũng thủng”. Người ta hỏi anh ta: “Lấy cái mâu của anh để đâm cái thuẫn của anh thì thế nào?”. Anh ta không có cách gì trả lời. Cái thuẫn không vật gì có thể làm hỏng được với cái mâu không cái gì là không đâm thủng được, về mặt danh nghĩa thì không thể cùng tồn tại. Phàm người hiền làm đạo thì cái thế không thể cấm được, với việc lấy cái thế làm đạo không cái gì không cấm được, lấy cái hiền không cái gì có thể cấm được ở vào cái thế không cái gì là không cấm được, đó là cái thuyết mâu thuẫn. Như vậy rõ ràng hiền và thế là hai cái không thể chấp nhận nhau.
6. Vả lại, Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ, thì ngàn đời mới xuất hiện một lần, còn những người khác thế thì chen vai nối gót nhau xuất hiện. Những người cai trị tối đại đa số là những người trung bình. Tôi sở dĩ nói đến cái thế là vì những người trung bình. Những người trung bình trên không bằng Nghiêu, Thuấn, nhưng ở dưới cũng không như Kiệt, Trụ. Nếu họ giữ pháp luật ở vào cái thế thì trị an, nếu họ từ bỏ pháp luật, gạt bỏ cái thế thì loạn. Nay bỏ cái thế, bỏ pháp luật mà đợi Nghiêu, Thuấn đến mới trị an, thì một ngàn đời loạn mới có một đời trị an. Còn nếu nắm lấy pháp luật ở vào cái thế mà đợi Kiệt, Trụ, Kiệt, Trụ đến thì loạn, như vậy thì ngàn đời trị mới có một đời loạn. So sánh một đời trị có một đời loạn, với một đời trị có ngàn đời loạn thì cũng cách xa nhau như cưỡi ngựa kỳ, ngựa ký chạy rẽ theo hai đường khác nhau.
Bỏ phép uốn nắn, bỏ thuật đo lường rồi sai Hề Trọng đóng một chiếc xe, thì ông ta không thể làm một cái bánh xe. Không có thưởng và khen để khuyến khích, không có cái uy của hình phạt, bỏ cái thế, bỏ pháp luật, thì dù có Nghiêu, Thuấn đến của thuyết từng nhà cũng có người cãi lại nên không cai quản được ba nhà. Như vậy cái thế rõ ràng là có thể dùng được. Còn nói thế nào cũng phải đợi người hiền thì không rõ ràng như vậy.
Vả lại nếu nhịn ăn một trăm ngày để đợi no nê thì thế nào cũng chết chứ không thể sống được. Nay cứ chờ đợi người hiền như Nghiêu, Thuấn để cai trị dân chúng đời nay thì cũng giống như chờ đợi có cơm có thịt rồi mới cứu người chết đói vậy.
Còn nói rằng có ngựa hay, xe vững nhưng nếu sai bọn nổ ty đánh xe thì người ta cười, còn sai Vương Lương đánh xe thì một ngày đi ngàn dặm, tôi không cho điều đó là đúng. Bời vì nếu phải đợi người nước Việt giỏi nghé đi biển đến cứu người chết đuối ở Trung Quốc thì tuy người nước Việt có giỏi bơi lội anh ta cũng không tài nào kịp cứu người chết đuối. Chờ đợi Vương Lương đời xưa để điều khiển con ngựa đời nay, thì cũng chẳng khác gì chờ đợi người nước Việt đến cứu người chết đuối vậy. Rõ ràng biện pháp ấy không thể làm được. Có ngựa hay, xe vững, cứ năm mươi dặm đạt một trạm rồi khiến người trung bình đánh xe, thì có thể đi nhanh và xa, một ngày vẫn có thể đi ngàn dặm, cần gì phải đợi đến Vương Lương thời xưa?
7. Lối bàn chuyện đánh xe là lập tức nếu không nói đến Vương Lương, thì nhất định là nói đến bọn nô tỳ làm hỏng; nói đến chuyện trị nước nếu không phải nói đến Nghiêu, Thuấn thì nói đến cái hoạ của Kiệt, Trụ, cách nói ấy cũng chẳng khác gì nói đến khẩu vị nếu không phải nói đến kẹo ngọt thì nhất định nói đến rau đắng. Lối nghị luận căn cứ vào hai điều cực đoan như thế làm sao có thể gây khó dễ cho cái lời hợp đạo lý được? Lời bàn của ông khách chưa bằng lối bàn luận đã nói vậy.
Chú thích:
[70] Thận Đáo: một pháp gia
[71] Nung cột đồng đỏ, bắt người ta trèo lên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.