Hàn Phi Tử

Thiên III: Ngại nói (Nan ngôn)



1. Bầy tôi là Phi không phải ngại nói. Sở dĩ ngại nói là vì nếu lời nói thuận tai trơn tru, đẹp đẽ, văn vẻ hoa mỹ thì bị xem là phù hoa mà không chân thật. Nếu lời nói đồn hậu, cung kính thẳng thần, cẩn thận thì bị xem là vụng về, không giống người ta. Nếu nói nhiều, dẫn nhiều lại hay so sánh thì bị xem là trống rỗng và vô dụng. Nếu nói tóm tắt, gọn gàng, trình bày thẳng mà không tô vẽ thì bị xem là gay gắt mà không giỏi biện luận. Nếu nói gay gắt đến những người thân cận, nêu rõ tình người thì bị xem là gièm pha và không nể nang người ta. Nếu nói chuyện rộng lớn, sâu xa không thể lường được thì bị xem là huênh hoang, vô dụng. Nếu nói chuyện vụn vặt trong nhà, trình bày hết điều này đến điều khác, thì bị xem là thô lậu. Nếu lời nói gần với thế tục, giọng không làm phật lòng người trên thì bị xem là tham sống và nịnh hót người trên. Nếu lời nói khác xa thế tục, coi thường người ta thì bị xem là lừa dối. Nếu lời nói lưu loát nhanh nhẹn, biện luận thông suốt, có nhiều văn vẻ thì bị xem là văn hoa. Còn nếu bỏ văn học, chỉ cứ theo phép tắc mà trình bày thì bị xem là quê mùa. Nếu luôn luôn đem chuyện Kinh thi, Kinh thư, nói chuyện bắt chước người xưa thì bị xem là kẻ tụng sách xưa. Chính vì vậy cho nên bầy tôi Phi ngại nói và rất lo lắng.
2. Cho nên mặc dầu phép tắc tuy đúng cũng chưa chắc đã được nghe theo, nghĩa lý tuy đã đầy đủ cũng chưa chắc đã được dùng. Nếu đại vương không tin theo lời nói này, thì ít ra cũng cho là phỉ báng, chê bai, và lớn ra thì tai hoạ chết chóc đến thân mình.
Cho nên Ngũ Tử Tư giỏi mưu kế mà bị nước Ngô giết. Trọng Ni khéo biện thuyết mà bị người nước Khuông bao vây. Quản Di Ngô thực là người hiền mà nước Lỗ bỏ tù. Ba vị kia đâu không phải là những người hiền? Nhưng vì họ gặp ba ông vua không sáng suốt vậy.
Đời Thượng cổ có Thành Thang là bậc chí thánh. Y Doãn là bậc chí trí. Một bậc chí trí thuyết phục một bậc chí thánh mà nói bảy mươi lần còn chưa nghe. Y Doãn phải tự mình cầm vạc cầm thớt làm người đầu bếp, quen thân gần gũi nhà vua Thang mới biết là ông ta hiền mà dùng.
Cho nên nói lấy người chí trí nói với bậc chí thánh, cũng chưa chắc là đã được nghe. Chuyện Y Doãn thuyết phục Thành Thang là như thế. Còn lấy người khôn thuyết phục kẻ ngu thì thế nào cũng không nghe. Chuyện Văn Vương thuyết phục Trụ là như thế.
Ngày xưa Văn Vương thuyết phục Trụ, mà Trụ bỏ tù ông ta, Dực Hầu bị nướng, Quý Hầu bị phơi khô, Tỷ Can bị moi tim, Mai Bá bị làm mắm. Quản Di Ngô bị trói, mà Tào Cơ phải chạy trốn sang nước Trần, Bách Lý Hề phải đi ăn xin, Phó Duyệt phải bị bán làm tôi tớ, Tôn Tẫn bị chặt chân ở nước Nguỵ, Ngô Khởi gạt nước mắt ở Ngạn Môn, đau xót vì đất Tây Hà sẽ bị nước Tần lấy, cuối cùng bỏ chạy sang nước Sở. Công Thúc Toa tiến cử người rường cột của nước nhưng lại bị xem là kẻ dở hơi, Công Tôn Ưởng chạy sang nước Tần, Quan Long Bàng bị chém, Trành Hoằng bị phanh thây, Doãn Tử bị ném vào hố đầy cày gai, Tư Mã Tử Kỳ chết thây trôi trên sông Giang, Điền Minh bị liệng đá chết, Bí Tử Tiện và Tây Môn Báo không tranh giành mà chết vì tay người, Đổng An Vu chết phơi thây ở chợ. Tề Dư không thoát khỏi tay Điền Thường, Phạm Thư gãy hông ở nước Nguỵ. Mười mấy người kia đều là những kẻ sĩ tài giỏi, có nhân, trung thành, tốt và có mưu lược trên đời không may gặp phải ông vua hôn ám hung bạo, bị mê hoặc, mà phải chết.
3. Như vậy thì dù có là bậc hiền thánh cũng không thể trốn khỏi chết chóc, trốn tránh nhục nhã. Tại sao thế? Bởi vì khó thuyết phục người ngu, và người quân tử không thể tiến gần nhà vua được. Vả lại, lời nói hay nghe chướng tai, phật ý, nếu không phải là bậc hiền thánh thì không ai có thể nghe được. Xin đại vương xét kỹ cho.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.