Hàn Phi Tử
Thiên XXV: Cái yên và cái nguy (An nguy)
1. Có bảy thuật làm cho yên, có sáu đường làm cho nguy. Những thuật làm cho yên là:
1) Một là, việc thưởng hay phạt là tuỳ theo chỗ làm đúng hay sai.
2) Hai là, hoạ hay phúc là tuỳ theo thiện hay ác.
3) Ba là, sống hay chết là tuỳ theo phép tắc và quy chế.
4) Bốn là, có người giỏi có người hư mà không có người yêu ghét.
5) Năm là, dùng thước, tấc chứ không dùng ý riêng để đo lường.
6) Sáu là, có người ngu, người khôn mà không có người chê người khen.
7) Bảy là, giữ chữ tín chứ không dùng việc dối trá. Những đường lối làm cho yếu là:
1) Một là, đẽo gọt ở trong phạm vi làm mực.
2) Hai là, cắt chặt ở ngoài phạm vi pháp luật.
3) Ba là, lợi dụng cái làm cho người khác bị hại.
4) Bốn là lấy cái hoạ của người khác làm cái vui của mình.
5) Năm là, làm cho cái người ta được yên trở thành nguy.
6) Sáu là, không thân người mình thương, không xa người mình ghét.
Làm như thế thì người ta bỏ mất cái khiến cho cuộc sống vui và quên cái làm cho cái chết được xem trọng. Người ta không vui cái sống thì ông vua không được tôn trọng. Người ta không xem trọng cái chết thì mệnh lệnh không được thi hành.
2. Nếu khiến cho thiên hạ đều dốc hết cái khôn và cái tài của mình để làm việc làm mẫu mực, dốc hết sức để theo trật tự, thì khi động sẽ thắng khi tĩnh sẽ yên. Trị thế gian khiến cho người ta vui sống trong việc làm điều phải, yêu thân mình trong việc làm điều sai, thì người tiểu nhân ít mà người quân tử đông. Cho nên xã tắc luôn luôn vững, quốc gia yên ổn lâu dài.
Trên chiếc xe chạy nhanh không có Trọng Ni, dưới chiếc thuyền đắm không có Bá Di. Hiệu lệnh là thuyền là xe của nước. Nếu nước yên thì sự khôn ngoan và liêm khiết nảy sinh. Nếu nước nguy thì việc tranh giành và thô bỉ xuất hiện. Cho nên cái phép làm cho nước yên công như đói mà án rét mà mặc, không phải nhờ mệnh lệnh mà nhờ tự nhiên. Các tiên vương ghi lý thuyết trị nước ở thẻ tre và lụa. Đạo của họ thuận cho nên đời sau phục theo.
Nay khiến cho người ta bỏ ăn bỏ mặc thì dù Mạnh Bôn, Hạ Dục cũng không thể thi hành được Nếu bỏ cái tự nhiên thì tuy thuận với đạo cũng không thể đứng vững được.
Khi bắt làm những điều mà những người dũng mãnh không thể làm được thì nhà vua không thể yên được. Nhà vua đòi hỏi không biết chán, người dưới đã hết thì họ sẽ trả lời không có, không có là khinh pháp luật. Pháp luật là cái để làm nên nước mà coi khinh nó thì công không được lập mà danh cũng không thành.
Nghe nói Biển Thước ngày xưa trị bệnh thì lấy dao chích vào xương, bậc thánh nhân cứu nguy cho nước dùng lời trung làm lỗ tai nghe khó chịu. Chích vào xương thì thân thể đau một chút nhưng nước được phúc lâu dài. Cho nên con người bị bệnh nặng có lợi ở chỗ nhịn đau. Ông vua có nghị lực lớn có phúc vì lỗ tai nghe lời khó chịu. Người bệnh chịu đau được cho nên Biển Thước trổ được tài khéo léo. Nhà vua chịu khó nghe lời chối tai thì Tử Tư không chết. Cái thuật được thọ và yên là thế.
Bị bệnh mà không chịu được đau thì làm hỏng mất cái khéo của Biển Thước. Người nguy mà không chịu nghe lời chối tai thì bỏ mất cái ý của bậc thánh nhân. Như vậy thì không thể duy trì được cái lợi lâu dài, và không lập được cái công danh lâu dài.
3. Các bậc vua chúa không tự sửa mình như Nghiêu mà lại bắt bầy tôi phải làm như Tử Tư, thì cũng như là yêu cầu dân nhà Ân đều phải là Tỷ Can. Nếu họ đều như Tỷ Can thì ở trên không mất nước mà ở dưới không suy vong. Nếu không cân nhắc cái sức của bầy tôi để cho không có Điền Thành[26], mà lại muốn người ta đều là như Tỷ Can thì nước không được một ngày yên. Nếu bỏ Nghiêu, Thuấn mà lập Kiệt, Trụ, thì người ta không thể vui với cái sở trường của mình mà lo về điều sở đoản của mình. Nếu bỏ mất cái sở trường thì nước nhà không có công lao. Nếu vua giữ cái sở đoản thì dân không có vui cuộc sống của mình. Nếu bề trên không có công mà lại khống chế những người không vui cuộc sống của mình thì không thể cai trị dân chúng được. Như thế thì ở trên không có cái gì để sai khiến người dưới, và người dưới không có cái gì để thờ bề trên.
4. Việc an và nguy là ở chỗ đúng hay sai chứ không phải ở chỗ mạnh hay yếu. Việc còn hay là mất là ở chỗ thực hay hư chứ không phải ở chỗ đông hay ít.
Cho nên nước Tề tuy là nước có vạn cỗ xe nhưng cái danh và cái thực của nó không phù hợp với nhau. Bề trên ở trong nước thì trống không, làm cho cái danh hợp với cái thực, cho nên bầy tôi ở dưới có cơ hội để cướp ngôi chúa.
Kiệt là thiên tử nhưng không phân biệt điều đúng điều sai, thưởng kẻ không có công, dùng kẻ gièm pha nịnh hót, xem kẻ dối trá là quý, giết người vô tội, sai cắt cái bướu những người trời sinh ra gù lưng, cho việc trá Nguỵ là phải, cho thiên tính là sai nên nước nhỏ thắng được nước lớn[27].
Bậc vua sáng vững chắc ở bên trong cho nên không sai sót ở bên ngoài. Sai lầm về cái ở gần mà lại không mất cái ở xa là điều không có. Cho nên nhà Chu cướp được nhà Ân là vì sự sai lầm ở triều đình. Ví thử nhà Ân không có lỗi ở triều đình thì nhà Chu sẽ không dám dòm đến sợi lông mùa thu ở biên giới. Còn nói gì đến việc thay đổi địa vị? Đạo của bậc vua sáng là đúng với pháp luật, pháp luật của ông ta hợp với lòng người. Cho nên khi cai trị thì theo đúng pháp luật, khi rời bỏ thì nghĩ đến đạo.
Nghiêu không có lời giao ước keo sơn với đời bấy giờ mà cái đạo được thi hành. Thuấn không có đất cắm dùi để lại đời sau mà cái đức có kết quả. Có thể lập nên cái đạo ở thời xa xưa, mà cái đức có kết quả. Có thể lập nên cái đạo ở thời xa xưa mà để lại cái đức cho muôn đời sau, đó gọi là bậc vua sáng.
Chú thích:
[26] Kẻ cướp ngôi vua Tề
[27] Thành Thang là vua chư hầu diệt được Kiệt là thiên tử.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.