Hàn Phi Tử
Thiên XXXIX: Chất vấn, phần thứ tư (Nạn tứ)
1. Tôn Văn Tử nước Vệ sang thăm nước Lỗ. Lỗ Công bước lên, ông ta cũng bước lên. Thúc Tôn Mục Tử rảo bước tiến lên nói: “Khi chư hầu họp, vua tôi chưa bao giờ ở sau vua nước Vệ. Nay ông không đi sau vua chúng tôi một bực, vua chúng tôi không biết mình có lỗi gì. Xin ông hãy nán lại một chút”. Tôn Từ không đáp nhưng cũng không thay đổi dung mạo. Mục Tử rút lui bảo người ta: “Tôn Tử thế nào cũng diệt vong. Làm bầy tôi mà không ở sau nhà vua, có lỗi mà không sửa. Đó là cái gốc của sự diệt vong”.
Có người nói: Thiên Tử bỏ mất đạo, chư hầu thay thế thiên tử, cho nên mới có Thành Thang, Vũ Vương. Chư hầu bỏ mất đạo, quan đại phu thay thế chư hầu, cho nên mới có nước Tề, nước Tấn. Nếu bầy tôi thay thế nhà vua mà thế nào cũng diệt vong thì Thành Thang. Vũ Vương đã không làm được vương, nước Tề, nước Tấn đã không lập được. Tôn Tử làm vua ở nước Vệ, nhưng sau đó không chịu làm bầy tôi của nước Lỗ. Bầy tôi sở dĩ thành vua là vì vua trước có sai lầm cho nên bầy tôi mới được làm vua. Không nói chuyện diệt vong của ông vua mất nước mà nói chuyện diệt vong của bầy tôi được nước là không biết xét. Nước Lỗ không trừng trị được quan đại phu của nước Vệ, và vua nước Vệ không đủ sáng suốt để biết bầy tôi không sửa lỗi. Tôn Tử tuy có hai khuyết điểm đó, nhưng sao lại nói ông ta diệt vong? Cái mất của ông ta chính là cái khiến cho ông ta được làm vua đấy[67].
Lại có người nói: Vua và tôi địa vị khác nhau nhưng sở dĩ bầy tôi có thể cướp địa vị của vua là vì hai bên có thể giẫm đạp lên địa vị của nhau. Cho nên nếu không phải địa vị của mình mà lấy thì mọi người có thể đoạt lại. Bỏ cái địa vị của mình rồi sau lấy lại, đó là do dân cho lại. Cho nên Kiệt đòi con gái ở Dân Sơn. Trụ đòi trái tim của Tỷ Can là thiên hạ rời bỏ. Thành Thang tự đổi tên[68]. Vũ Vương bị hình phạt mà thiên hạ phục theo. Triệu Tuyên Tử chạy lên núi. Điền Thành chạy ra nước ngoài, mà nước Tề nước Tấn theo. Như vậy thì Thành Thang, Vũ Vương sở dĩ làm vương, các nước Tề và Tấn sở dĩ dựng lên, không phải là vì những ông vua của họ. Họ được nó trước rồi sau đó mới ở vào cái địa vị của ông vua. Nay Tôn Từ chưa có cái khiến cho ông ta được làm vua mà làm cái địa vị ông ta muốn có, như vậy là đảo lộn đạo nghĩa và làm trái đức. Đảo lộn nghĩa là cái làm cho sự việc hỏng, trái với đức là cái làm cho oán giận tập trung lại. Tại sao lại không xét sự diệt vong của ông ta?
2. Dương Hổ nước Lỗ muốn tấn công ba nhà họ Hoàn nhưng không thắng được, bỏ trốn sang nước Tề. Tề Cảnh Công lấy lễ đối đãi với ông ta. Bão Văn Từ can nói: “Không được. Dương Hổ được họ Quý yêu quý nhưng lại muốn đánh Quý Tôn vì tham cái giàu của ông ta. Nay bệ hạ giàu hơn Quý Tôn và nước Tề lại lớn hơn nước Lỗ. Cho nên Dương Hổ sẽ trổ hết sự dối trá của mình”. Cảnh Công bèn bỏ tù Dương Hổ.
Có người nói: “Cái nhà ngàn vàng thì đứa con bất nhân vì con người quá vội vã chạy theo lợi”. Tề Hoàn Công là người đứng đầu trong ngũ bá, tranh nước và giết anh mình, vì cái lợi của nó lớn. Giữa vua và tôi không phải thân như anh em. Trong cái công hiếp đáp và giết nhà vua, khống chế vạn cỗ xe để hưởng cái lợi lớn, thì bầy tôi ai lại không phải là Dương Hổ? Công việc nhờ khéo léo tinh vi mà nên, vì sơ suất mà hỏng, Bọn bầy tôi chưa gây nạn là vì họ chuẩn bị chưa đủ. Các bầy tôi đều có cái bụng của Dương Hồ, nhưng nhà vua không biết đó là vì họ tinh vi và khéo léo. Dương Hồ tham lam muốn có thiên hạ lại muốn tấn công người trên như vậy là sơ hở vụng về. Không khiến Tề Cảnh Công trừng phạt bầy tôi khéo léo, tinh vi của nước Tề mà khiến ông ta trừng phạt Dương Hổ vụng về đó là cái thuyết của Bảo Văn Tử kém, bầy tôi trung hay gian trá là ở hành động của nhà vua. Nhà vua sáng suốt và nghiêm thì bầy tôi đều trung. Nhà vua nhu nhược và mê muội thì bầy tôi đều gian trá. Biết cái vi diệu gọi là sáng suốt, không tha gọi là nghiêm. Không biết bọn bầy tôi gian xảo của nước Tề mà lại trừng phạt kẻ đã làm loạn ở nước Lỗ chẳng phải là sai lầm sao?
Có người lại nói: Người nhân và người tham bụng không như nhau. Cho nên công tử Mục Di từ chối ngôi vua nước Tống, mà Thương Thần nước Sở giết vua mình. Khứ Tật nước Trịnh nhường ngôi cho em, nhưng Hoàn Công nước Lỗ lại giết anh. Năm bá kiêm tính các nước mà lấy Tề Hoàn Công làm gương. Như vậy thì họ đều không có cái đức liêm và trinh.
Vả lại, nhà vua sáng suốt và nghiêm thì bầy tôi đều trung, Dương Hổ gây loạn ở nước Lỗ, không có kết quả nên bỏ chạy, vào nước Tề mà không bị trừng phạt, thì cũng nhân đó mà gây loạn. Vị vua sáng suốt thì trừng phạt, vì biết trị Dương Hổ có thể chặn được cái loạn. Đó là nhìn thấy cái tình thế lúc nó vi diệu.
Tục ngữ nói: “Chư hầu lấy nước làm thân mình”. Nhà vua nghiêm thì cái tội của Dương Hổ không thể bỏ qua, như vậy là thực tế không tha tội.
Như vậy trị Dương Hổ là cách để khiến cho bầy tôi trung. Không biết bầy tôi khéo léo của nước Tề, mà bỏ cái tội rõ ràng làm loạn; trừng trị cái tội chưa rõ mà không trừng phạt cái tội rõ ràng, đó là sai lầm vậy. Nay trừng trị kẻ có tội làm loạn ở nước Lỗ để ra uy với những bầy tôi có lòng gian, đồng thời lại có thể được sự thân thiện của họ Quý, họ Mạnh và họ Thúc Tôn thì lời khuyên của Bão Văn Tử có gì là sai trái?
3. Trịnh Bá định cho Cao Cừ Di làm quan khanh. Chiêu Công ghét ông ta cho nên cố sức can ngàn. Trịnh Bá không nghe. Đến khi Chiêu Công lên ngôi. Cao Cừ Di sợ Chiêu Công giết mình, nên năm Tân Mão, ông ta giết Chiêu Công mà lập Tử Vĩ. Người quân tử nói: “Chiêu Công biết người mình ghét”. Công tử Ngữ nói: “Cao Bá thực đáng giết, ông ta báo oán quá đáng”.
Có người nói: Lời của công từ Ngữ chẳng phải là trái sao? Chiêu Công bị nạn là vì ông ta báo oán muộn. Như vậy thì Cao Bá chết muộn là vì ông ta báo oán quá đáng. Vị vua sáng suốt không giận suông. Giận suông thì bầy tôi có tội sẽ làm liều để thi hành mưu kế và nhà vua sẽ nguy.
Cho nên trong tiệc rượu ở Linh Đài, Vệ Hầu giận mà không trừng trị. Kết quả Chử Sư gây nạn. Trong việc ăn canh rùa, vua Trịnh giận mà không trừng trị cho nên Tử Công giết nhà vua[69]. Câu nói của người quân tử bảo “Chiêu Công biết kẻ mình ghét”, không phải là nói rằng ông ta ghét quá đáng, mà nói rằng ông ta đã biết rõ ràng như vậy mà vẫn không thi hành việc trừng phạt, để đến nỗi phải chết. Cho nên nói ông ta biết người mình ghét để nêu lên rằng ông ta không có quyền. Kẻ làm vua không chỉ thiếu sót ở chỗ thấy được cái hại mà thôi mà còn thiếu sót ở chỗ quyết định khắc phục cái hại ấy. Nay Chiêu Công đã nêu lên cái ác, vạch ra cái tội mà không trừng phạt, khiến Cao Cừ Di lo ghét sợ chết mà làm liều, cho nên nhà vua không khỏi bị giết. Như vậy Chiêu Công báo oán không phải là quá đáng.
Lại có người nói: Kẻ báo oán quá đáng là dùng lối trừng phạt nặng đối với tội nhẹ. Dùng lối trừng phạt nặng đối với tội nhẹ là cái lo của tù ngục. Vì vậy cái lo của tù ngục không phải là ở những người đã bị trừng phạt mà là ở chỗ số người thù oán đông. Vì vậy cho nên Tấn Lệ Công tuy đã diệt ba họ Khước mà họ Loan và họ Trung Hàng vẫn gây nạn; Tử Đỗ nước Trịnh tuy đã giết Bá Huyên nhưng Tự Đỉnh vẫn gây hoạ; vua Ngô tuy đã giết Tử Tư nhưng Câu Tiễn nước Việt vẫn thành bá. Như vậy thì chuyện Vệ Hầu bị đuổi, Trịnh Linh Công bị giết không phải vì Chử Sư không bị giết và Tử Công không bị trừng phạt mà vì lúc chưa có thể giận mà lại có sắc giận, lúc chưa có thể trừng phạt mà lại có cái bụng muốn trừng phạt.
Giận kẻ đáng tội và trừng phạt không trái lòng người thì tuy có bộc lộ cũng có hại gì đâu? Chưa nêu ra tội, sau khi lên ngôi, lấy tội cũ để giết, Tề Hồ bị diệt là vì thế. Nhà vua làm đối với bầy tôi còn có mối lo sau, huống nữa bầy tôi làm đối với nhà vua sao? Trừng phạt đã không đúng mà còn để cả bụng dạ vào đấy tức là biến thiên hạ thành kẻ thù. Như vậy thì có bị giết cũng là đáng lắm thay.
4. Thời Vệ Linh Công, Di Tử Hà được yêu, hống hách trong nước Vệ. Có anh hề yết kiến nhà vua nói: “Giấc mơ của thần đã thực hiện”. Nhà vua hỏi: “Mơ thấy cái gì?”. Anh hề đáp: “Thần nằm mơ thấy cái bếp cho là thấy chúa công”. Nhà vua giận nói: “Ta nghe nói thấy nhà vua là nằm mơ thấy mặt trời, sao nhà ngươi nhìn thấy cái bếp lại cho là thấy quả nhân?”. Anh hề đáp: “Mặt trời chiếu cả thiên hạ, ông vua chiếu cả một nước, một người không thể che đậy được, cho nên người ta sắp nhìn thấy vua thì nằm mơ thấy mặt trời. Cái bếp, một người đun thì người đứng sau không có cách gì để thấy. Hoặc giả có người nào che nhà vua cũng nên! “. Nhà vua nói : “Phải đấy!”. Bèn đuổi Ưng Sư, cho Di Từ Hà lui và dùng Tư Không Cẩu.
Có người nói: Anh hề khéo giả mượn chuyện nằm mơ để nêu cái đạo làm vua. Thế nhưng Vệ Linh Công không biết lời của anh hề. Đuổi Ung Sư, cho Di Tử Hà lui mà dùng Tư Không Cẩu thì đó là đuổi người mình yêu mà dùng người mình cho là tài giỏi. Tử Đô nước Trịnh cho Khánh Kiến là hiền mà bị che. Tứ Khoái nước Yên cho Từ Chi là hiền mà bị cản trở. Phàm đuổi người mình yêu mà dùng người mình cho là hiền vẫn chưa khỏi khiến cho một người đứng che mình. Kẻ hư hỏng mà đứng che nhà vua thì không đủ để làm hại tới cái sáng. Nay không khôn ngoan thêm mà khiến người hiền đứng trước mình thì thế nào cũng nguy vậy.
Lại có người nói: Khuất Đáo ưa củ ấu, Văn Vương thích dưa xương bồ. Đó không phải là những vị chính nhưng hai người hiền thích nó. Cái thích chưa nhất thiết là cái ngon. Tấn Linh Công thích Tam Vô Tuất, Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền. Đó đều không phải nhà những kẻ sĩ chính trực nhưng hai ông vua tôn trọng họ. Những người nhà vua cho là hiền không nhất thiết là hiền, so với việc yêu mà dùng thì cũng như nhau. Yêu người thực sự hiền mà dùng họ là khác việc dùng người mình yêu. Cho nên vua Trang Vương nước Sở dùng Tôn Thúc Ngao mà làm bá. Tân (tức Trụ) nhà Thương dùng Phí Trọng mà bị diệt. Hai người này đều dùng người mình cho là hiền mà kết quả trái ngược nhau. Khoái Tử nước Yên tuy dùng người ông ta cho là hiền nhưng cũng là một với việc dùng người mình yêu. Vệ Hầu có như thế không? Điều đó anh hề chưa có thể biết được. Nhà vua bị che đậy mà không biết mình bị che đậy, sau đó biết rằng mình bị che đậy cho nên cho Ung Cừ rút lui. Như thế là sáng suốt hơn. Câu nói: “Không sáng suốt hơn mà khiến người hiền đứng trước mình thì mình thế nào cũng nguy”. Nhưng nay thì đã sáng suốt hơn rồi, tuy có người đứng trước mình chắc chắn cũng không bị nguy vậy.
Chú thích:
[67] Ông ta quên cái lễ trước đây là bầy tôi nước Lỗ
[68] Câu này “Thang thân dịch danh” có lẽ là “… dịch Lữ” là bị khốn ở đất Lữ, nơi bị Kiệt cầm tù.
[69] Nước Sở biếu Trịnh Linh Công con rùa. Tử Công nói với Tử Gia; “Cái ngón tay trỏ của tôi cựa quậy, thế nào cũng ăn vật lạ đây”. Đến khi vào chầu, thấy có canh rùa, hai người nhìn nhau mỉm cười. Vua hỏi tại sao. Hai người nói thực. Nhà vua chỉ cho Tử Gia ăn. Tử Công giận, chấm ngón tay trỏ vào bát canh, mút rồi đi ra. Sau này hai người mưu giết Vệ Linh Công.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.