Hernani

Lời Giới thiệu



Vichto Huygô (1802 – 1885) là cây đại thụ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp đã toả bóng gần khắp thế kỷ trước. Tên tuổi của ông gắn liền với những tập thơ nổi tiếng Lá thu, Tiếng hát buổi hoàng hôn, Trừng phạt, Mặc tưởng, Truyền kỳ các thời đại… và với nhiều bộ tiểu thuyết quen thuộc Nhà thờ Đức Bà Pari, Những người khốn khổ, Chín mươi ba… Tuy nhiên, ông còn là nhà soạn kịch và ta không thể nói đến kịch lãng mạn của thế kỷ XIX mà không nhắc đến Huygô.
Sáng tác kịch của Huygô thu gọn vào trong một khoảng thời gian tương đối hẹp: mười vở từ 1827 đến 1843 tức là vào những năm cuối cùng của thời kỳ Trung hưng (1815 – 1830)và kéo dài gần hết thời kỳ Quân chủ tư sản (1830 – 1848) ở pháp: Amy Rôpxa (1827), Crômoen (1827), Hecnani (1830), Mariông Đơlormơ (1831), Nhà vua vui chơi (1832), Luycrex Borgia (8133), Mari Tuydo (1833), Ănggielô (1835), Ruy Blax (1838). Những người Buyêcgravơ (1843).Bốn chục năm sau ông mới lại viết Torcơmadda (1882).Vở thứ mười hai: Những anh em sinh đôi,chưa hoàn thành.
Kịch của Huygô góp phần quan trọng vào sự chiến thắng của kịch lãng mạn trong thời đại bấy giờ, và khá đa dạng. Mỗi vở đi vào những chủ đề, đề tài khác nhau, đưa khán giả đến những xứ sở và thời đại không giống nhau, đồng thời còn khác nhau cả về một số đặc điểm hình thức.
Kịch đã từng có một thời kỳ hoàng kim với chủ nghĩa cổ điển ở Pháp trong thế kỷ XVII, với các bi kịch của các Cornây, Raxin, các hài kịch của Môlie. Kịch cổ điển đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa tiến bộ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bước sang thế kỷ XIX, tinh thần thời đại đã hoàn toàn thay đổi, khác rất xa với thế kỷ cổ điển của Lui XIV. Tính chất hài hoà, cân đối với quy tắc ba duy nhất và sự phân chia ranh giới rạch ròi giữa bi kịch và hài kịch không còn phù hợp với những tâm hồn lãng mạn đương muốn thoát ra khỏi cuộc sống tư sản tầm thường ở đó mọi thứ đều như bị trật khớp, họ không thể thích nghi nổi.
Hoàn cảnh mới đòi hỏi một sân khấu mới. Kịch lãng mạn ra đời. Đây không phải chỉ là sự đổi mới về nội dung mà cả về hình thức thể loại, đổi mới từ kịch bản đến việc dàn dựng và diễn xuất ở nhà hát. Một thể loại mới được khẳng định: kịch đram lãng mạn, gắn liền với tên tuổi của Huygô. Crômoen là vở kịch nổi tiếng đầu tiên của ông, rút ra từ Những hồi ký về Cách mạng Anh của Ghidô, với khung cảnh nước Anh năm 1657. Nhân vật chính là Crômoen, lãnh tụ của cách mạng tư sản, lúc này đã đạt đến uy quyền tột đỉnh và đương ôm ấp mộng đế vương. Với năm hồi, gần bẩy ngàn câu thơ, hơn sáu chục nhân vật, chưa kể hàng loạt nhân vật phụ không có tên, nếu đem diễn sẽ kéo dài trên mười tiếng đồng hồ. Crômoen không thích hợp với sân khấu. Tác phẩm này chủ yếu chỉ là nơi để nhà văn tuôn trào ra đầu ngọn bút những suy nghĩ sôi sục ấp ủ trong đầu, những nhiệt tình cuồn cuộn làm căng từng đường gân thớ thịt. Mở đầu vở Crômoen là một bài tựa cũng vượt ra ngoài mọi khuôn khổ, xét về độ dài cũng như về nội dung ý nghĩa của nó. Tựa Crômoen trở thành bản tuyên ngôn của kịch đram, đồng thời cũng được xem như cương lĩnh của chủ nghĩa lãng mạn nói chung. Tựa Crômoen xuất hiện chẳng khác nào cuộc bùng nổ năm 1793 của cao trào Cách mạng Pháp như chính tác giả đã nhận xét.
Trong Tựa Crômoen, tác giả chỉ ra rằng tự nhiên cũng như xã hội không phải chỉ phô bày toàn những cái chân, thiện, mỹ; trái lại, cái xấu tồn tại bên cạnh cái đẹp, cái ác bên cạnh cái thiện, cái xấu xí bên cạnh cái cao nhã, bóng tối bên cạnh ánh sáng. Văn học phải phản ánh toàn vẹn những mặt tương phản ấy trong cuộc sống. Và kịch đram đáp ứng được yêu cầu này, nó phù hợp với tâm trạng chán ghét của các nhà văn tiến bộ trước thực tại xã hội dưới thời quân chủ Buôcbông và quân chủ Lui Philip.Tựa Crômoen đả phá việc phân chia nghệ thuật một cách võ đoán thành các loại hình cao và thấp, không thừa nhận cái ranh giới cứng nhắc giữa bi kịch và hài kịch.
Bi kịch và hài kịch cổ điển phải nhường chỗ cho kịch đram “Kịch đram nhào lẫn cái thô kệch và cái trác việt, cái khủng kiếp và cái hài hước, bi kịch và hài kịch đram… là đặc tính của văn chương hiện nay”.
Đặc điểm quan trọng khác của kịch đram được Huygô nêu lên khá cặn kẽ trong Tựa Crômoen là sự phá bỏ các quy tắc duy nhất về địa điểm và duy nhất về thời gian lâu nay vẫn là kỷ cương trong kịch trường của chủ nghĩa cổ điển. Với Tựa Crômoen, những đặc trưng của kịch đram được hệ thống hoá và được nâng lên thành nguyên tắc.
Một trong những nguyên nhân chính tạo nên sức hấp dẫn của kịch đối với các nhà lãng mạn là nghệ thuật tự do. Mọi thứ dây rợ ràng buộc đôi cánh của ngòi bút và của tâm hồn tác giả đều phải đập phá. Mọi kiểu lồng giam hãm nghệ thuật đều bị bẻ nát dù đó là lồng sơn son thếp vàng. Không có quy tắc trong kịch. Không có cả quy tắc trong thơ.
Câu thơ tự do thay thế cho câu thơ alêc xăngđranh[1] cân đối, nghiêm ngặt. Huygô và các nhà lãng mạn không thích nghi nổi với thời đại tư sản. Tâm hồn khao khát vươn lên trời cao của họ luôn luôn bị vít xuống mảnh đất “trần tục”, nơi đó ngự trị thế lực kim tiền. Họ cảm thấy thân phận của mình như những chim trời bị buộc lông trói cánh trong sân nuôi gà vịt.

Họ bị tù túng. Họ khao khát tự do. Những tâm hồn ấy làm sao có thể đi đôi được với “trật tự”, hoà hợp được với quy tắc cổ điển!
Hecnani là vở kịch đầu tiên của Huygô được ra mắt công chúng. Đó là một vở kịch thơ năm hồi. Từ bối cảnh nước Anh trong Crômoen, bây giờ kịch được đưa trở về lục địa, sang nước láng giềng Tây Ban Nha đầu thế kỷ XVI, vào lúc vua Đôn Caclôx trở thành hoàng đế quốc Đức. Huygô sáng tác Hecnani với một tốc độ hiếm có. Vở kịch được hoàn thành trong 28 ngày, từ 29-8 đến 25-9-1829. Các thế lực bảo thủ tìm mọi cách ngăn cản vở kịch trình diễn. Thêm vào đó là cái õng ẹo của nữ diễn viên Macxơ đóng vai Dônha Xon trong những buổi diễn tập. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Ngày 25-2-1830, Hecnani ra mắt ở Pari, và “trận Hecnani” thực sự bắt đầu!
Liền trong 45 tối trình diễn vở kịch, Kịch viện Pháp trở thành “bãi chiến trường” giữa hai phe cổ điển và lãng mạn. Có cà chua, trứng thối và có cả những cuộc ẩu đả! Huygô đã thắng: Kịch lãng mạn đã thắng!
Huygô rời Tây Ban Nha trở về với khung cảnh của nước Pháp thế kỷ XVII dưới thời tể tướng Risơliơ trong Mariông Đơlormơ cũng là một vở kịch thơ năm hồi. Vở này mới đầu có nhan đề Một cuộc quyết đấu dưới thời Risơliơ, viết xong từ năm 1829, trước Hecnani, nhưng đã bị kiểm duyệt cấm. Vua Saclơ X rất bực tức với nó và phản đối việc đưa ra trình diễn vì vai trò của nhân vật vua trong vở kịch chẳng đẹp đẽ gì. Phải đợi hai năm sau khi tình hình chính trị đã thay đổi kịch mới được ra mắt công chúng.
Tình trạng cũng gần tương tự như vậy đối với vở Nhà vua vui chơi. Cũng vẫn là kịch thơ năm hồi, cũng vẫn khai thác đề tài trong lịch sử dân tộc, nhưng không phải ông vua Lui XIII âu sầu, lép vế dưới quyền tể tướng Risơli mà là ông vua Frăng xoa I của thế kỷ XVI đẹp trai, vui vẻ, ham chơi, đã từng làm hại cuộc đời bao nhiêu phụ nữ. Ngày 22/11/1832, vở kịch được trình diễn lần đầu. Ngày 23, có lệnh cấm. Buổi diễn thứ hai đã được ấn định vào ngày 24, bị huỷ bỏ. Như vậy buổi diễn đầu tiên cũng là buổi cuối cùng. Số phận của còn long đong hơn cả Marông Đơlormơ . Phải đợi đến nửa thế kỷ sau, khi Huygô đã tám mươi tuổi. Ông mới được xem vở kịch ấy của mình! Vở kịch bị cấm vì lý do “vô đạo đức”, có “nhiều đoạn… làm tổn hại đến phong hoá”. Nhưng thực ra chính là vì hình ảnh vua Frăng xoa I trên sân khấu còn tồi tệ hơn vua Saclơ X trong Mariông Đơlormơ.

Khán giả xúc động vì tình cha con của T’ribulê trong Nhà vua vui chơi lại xúc động vì tình mẹ con trong Luycrex Borgia. Vẫn là không khí của thế kỷ XVI, nhưng nhà văn đã đưa chúng ta rời nước Pháp sang bên Ý cũng như trong vở Ănggiilô. Trước mắt chúng ta bây giờ là các thành phố Vơnidơ, Pherarơ, Pađu. Huygô từng chủ trương kịch phải viết bằng thơ. Trong Tựa Crômoen, ông không tán thành ý kiến cho rằng “những yếu tố ngôn ngữ thơ ca của chúng ta xung khắc với cái tự nhiên và cái thật”, ông phê phán những ai “đã kết luận một cách có lẽ hơi vội vã là kịch phải viết bằng văn xuôi”. Tuy nhiên, Huygô không cứng nhắc. Đa số các vở kịch của ông là kịch thơ. Nhưng Luycrex Borgia và Ănggiêlô lại viết bằng văn xuôi.
Mari Tuyđo, vở kịch ra đời cùng một năm với Luycrex Borgia cũng viết bằng văn xuôi. Từ ý, chúng ta lại trở về với nước Anh của thế kỷ XVI. Về mặt kết cấu hình thức, tác giả không chia vở này thành “hồi” mà thành “ngày”. Đây là vở kịch ba “ngày”. Riêng “ngày” thứ ba lại chia nhỏ thành hai “phần”.
Khung cảnh Tây Ban Nha đã xuất hiện trong vở kịch đầu tiên của Huygô ra mắt công chúng, sẽ lại xuất hiện một lần nữa trong Ruy Blax, kịch thơ năm hồi, vở cuối cùng thành công của tác giả. Nhưng ở đây là Tây Ban Nha của Mađrit thế kỷ XVII chứ không phải của Xaragôx thế kỷ XVI. Có thể nói, trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác kịch của Huygô, đây là vở xuất sắc hơn cả.
Các đề tài lịch sử thuộc nhiều nước khác nhau tạo điều kiện cho nghệ thuật dàn cảnh phát huy đến cao độ và màu sắc địa phương có dịp được khai thác triệt để: sông Tami, điện Hoaitơ Hôn, điện Luvrơ, tháp Luân Đôn, hầm mộ Saclơ-manhơ… những tướng cướp, những gái giang hồ, những anh hề, những sủng thần…; rồi các lọ thuốc độc, các dao găm tô-lét to bản… Cũng cần nói ngay rằng Huygô thường chỉ mượn lịch sử làm khung cảnh cho những câu chuyện do ông hư cấu nên chứ không muốn hoàn toàn lệ thuộc vào lịch sử. Tất nhiên trong vở kịch nào của ông cũng có một vài nhân vật có thật, nhưng lồng vào đó là cả một thế giới sáng tạo của nghệ thuật. Đúng như tác giả đã viết trong Tựa Crômoen; “Tất cả những gì tồn tại trong thế giới, trong lịch sử, trong cuộc sống, trong con người, tất cả đều cần phải và có thể phản ánh vào sân khấu, nhưng dưới chiếc đũa thần của nghệ thuật”.

*

* *

Trong kịch của Huygô, chúng ta thường bắt gặp kiểu nhân vật nổi loạn. Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này chắc chắn là Hecnani. Lần đầu tiên một nhà soạn kịch Pháp đã táo bạo đưa lên sân khấu nhân vật tướng cướp, mà lại là nhân vật chính. Một con người sống ngoài vòng pháp luật, cùng đồng đảng tung hoành khắp xứ, bị triều đình truy lùng mọi nơi. Nhưng đây không phải “tướng cướp” hiểu theo nghĩa thông thường, mà là kẻ “nổi loạn chính trị” có mối thù không đội trời chung với vua Tây Ban Nha.
Con người “nổi loạn” ấy có những phẩm chất tốt đẹp, ý chí căm thù sâu sắc, tinh thần kiên cường bất khuất trong đấu tranh, tâm hồn cao thượng trong tình yêu… Trong khi đó đối thủ của chàng – Đôn Caclôx – là một con người bỉ ổi, dùng đủ mọi lời đường mật trơ trẽn để quyến rũ phụ nữ và không ngần ngại có cả những hành động vũ phu. Đôn Caclôx không chỉ xuất hiện như một cá nhân mà gắn với hệ thống xã hội đầy bất công. Hành động trả thù của Hecnani do đó có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn.
Nhân vật ” nổi loạn” không nhất thiết cứ phải là con người sống ngoài vòng pháp luật. Trong kịch Huygô, xét về địa vị xã hội, còn gì xa cách nhau, trái ngược nhau bằng một quan tể tướng triều đình và một tướng cướp rừng xanh. Nhưng Ruy Blax lại có nét hết sức gần gũi với Hecnani. Hecnani kình địch với triều đình từ bên ngoài. Ruy Blax đối chọi với triều đình từ bên trong. Đó cũng là một nhân vật “nổi loạn”. Bên trong bộ quần áo tể tướng là tâm hồn của một người bình dân – anh đầy tớ Tuy Blax. Đẹp biết bao hình ảnh của tể tướng Ruy Blax đứng thẳng người trong cuộc họp của Hội đồng tư vấn trước mặt bọn quan lại tham nhũng im lặng gục đầu nghe chàng quở mắng! Khác với Hecnani, ở đây, Ruy Blax không “nổi loạn” vì một mối thù cá nhân nào. Chàng chống lại cả một trật tự xã hội.
Có thể nói trong hầu hết các vở kịch của Huygô, hành động bao giờ cũng được xây dựng trên bối cảnh triều đình thối nát, dù đó là chế độ quân chủ Tây Ban Nha giai đoạn đương lên (Hecnani) hay trong buổi suy tàn (Ruy Blax), là ông vua hiếu sắc gây tai hoạ cho mọi gia đình (Nhà vua vui chơi) hay mối quan hệ tội lỗi giữa nữ hoàng Tây Ban Nha với gã sủng thần người ý (Mari Tuyđo).
Tất cả những cái đó tạo nên nội dung xã hội – chính trị tiến bộ trong kịch Huygô phản ánh tâm trạng chống đối của nhà văn đối với các chế độ Trung hưng và Quân chủ tư sản.

Trong hàng ngũ các nhà văn lãng mạn, Huygô là người có ý thức rõ rệt nhất về sứ mệnh cao cả của nghệ thuật và của nghệ sĩ. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy mà ta có thể nói đến lý tưởng dân chủ trong kịch của Huygô, tuy còn mờ nhạt.
Lý tưởng dân chủ ấy thiếu một cơ sở tư tưởng thật vững chãi. Nhà văn chưa nhìn thấy sự thắng lợi tất yếu của các lực lượng dân chủ trong một tương lai không xa, hơn nữa lại bị chi phối phần nào bởi tư tưởng điều hoà giai cấp và khuynh hướng. Do đó, nhân vật “nổi loạn” thường dừng lại giữa đường khi chưa hoàn thành sự nghiệp (Hecnani) hoặc đi đến kết thúc bi thảm (Ruy Blax, T’ribulê…). Nhà văn chủ trương con đường hoà giải mâu thuẫn thay thế cho biện pháp đấu tranh cách mạng quyết liệt để tiêu diệt cái ác. Muốn thế, mỗi bên phải biết dẹp hằn thù, mở rộng lòng khoan dung, nén bớt dục vọng. Đó là mặt hạn chế của Huygô. Quyết định của Đôn Caclôx khoan dung độ lượng với tất cả mọi người trong Hecnani không khỏi làm cho ta ngạc nhiên. Còn Crômoen trong vở kịch cùng tên đã tự chủ được mình, tuyên bố từ chối vương miện là cái đích ông tha thiết bấy lâu, làm cho cả những kẻ mưu hại ông cũng phải thán phục!
Dưới ngòi bút của Huygô, số phận bi đát thường đến với các nhân vật nào thiếu lòng khoan dung mà chỉ theo đuổi mộng trả thù.
Còn nhân vật “nổi loạn” của Huygô thì đồng thời cũng không vượt được ra ngoài quỹ đạo của nhân vật nổi loạn lãng mạn. Sự phản kháng mang màu sắc chính trị dù quyết liệt đến đâu cũng đều được đan vào những tình huống không thật, sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng nhất. Vua và tướng cướp cùng yêu một người con gái và người con gái dòng dõi quý tộc ấy trao trái tim mình cho tướng cướp chứ không cho vua; gã đầy tớ Ruy Blax thầm yêu hoàng hậu Tây Ban Nha; anh hề T’ribulê thân hình dị dạng là cha đẻ của một thiếu nữ xinh đẹp biết rõ vua là hạng Sở Khanh mà vẫn cứ yêu vua… Mặt khác, sự nổi loạn lại mang nặng sắc thái cá nhân. Đó là những cá nhân nổi loạn. Một cá nhân đơn độc chống lại cả xã hội tàn ác thì không thể thắng lợi được dù cho cá nhân đó kiên cường như Hecnani hay quyền thế như tể tướng Ruy Blax.
Dẫu sao thì những nhân vật “nổi loạn” trong kịch của Huygô vẫn để lại trong lòng mọi người mối thiện cảm tốt đẹp. Huygô là nhà văn của chủ nghĩa nhân đạo. Tinh thần đó cũng là một nội dung lớn trong kịch của ông. Các nhân vật được Huygô xây dựng với ngòi bút ưu ái, trong đó có nhiều nhân vật chính, đều là những con người dưới đáy xã hội; Ruy Blax, Mariông, Điđiê, T’ribulê, Ginbe, Jan… cả Hecnani nguyên dòng dõi cao sang nhưng bị đẩy sang hàng ngũ dân chúng. Nhà văn sử dụng phương pháp tương phản quen thuộc để làm nổi bật những phẩm chất của họ; tướng cướp đặt bên cạnh vua Tây Ban Nha, anh hề đặt bên cạnh vua Pháp. Ruy Blax bên cạnh hầu tước Đôn Xaluyxi, Jan bên cạnh nữ hoàng Mari Tuyđo.
Đối với những con người ấy, Huygô không chỉ biểu lộ một tấm lòng yêu thương vô hạn mà còn nhìn thấy được phần nào sức mạnh của họ. Hình ảnh “Nhân dân – Đại dương” đã từng làm cho vua Tây Ban Nha phải kinh hoàng lo lắng. Song, xem kịch của ông, ta thấy hình ảnh nhân dân không vượt ra khỏi giới hạn một người đầy tớ, một gái giang hồ, một anh hề, một thanh niên không biết cha mẹ là ai, một người bị đày đoạ đến mức phải đi làm giặc…
Huygô quan niệm nhân dân ít nhiều còn trừu tượng và nhìn con người dưới góc độ nhân tính chung chung. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho các nhân vật của Huygô có phần nào đơn điệu, tâm lý không phong phú, tuy ta cũng không nên khuyếch đại quá đáng nhược điểm này đến mức cho rằng các nhân vật chính trong kịch Huygô chỉ lặp đi lặp lại một kiểu và tâm lý nghèo nàn, đơn giản một cách sơ đẳng như có người nghĩ…
Về nghệ thuật dắt dẫn hành động kịch, có ý kiến cho rằng bên những ưu điểm, Huygô có nhược điểm là thường xen vào những lớp phụ hoặc những màn độc thoại, để riêng ra thì rất hay, nhưng nhiều khi không thật cần thiết lắm đối với hành động kịch nói chung. Diễn biến của một số nhân vật đôi lúc cũng hơi đột ngột, không thật hợp lôgich.
Một nhược điểm khác dễ thấy hơn của kịch Huygô là việc sử dụng khá phổ biến một số biện pháp quen thuộc của nhạc kịch cổ điển nhằm tác động đến thị hiếu dễ dãi của một tầng lớp khán giả nào đấy. Đó là sự xuất hiện trên sân khấu những nhân vật đeo mặt nạ hoặc cải trang khiến mọi người hồi hộp: Đôn Caclôx đeo mặt nạ, Đôn Ruy Gômê mặc áo Đôminô đen (Hecnani) Xavecny cải trang thành sĩ quan, Điđiê và Mariông cải trang thành diễn viên (Mariông Đơlormơ) Ruy Blax, khoác áo tể tướng, Đôn Xaluyxt mặc hiệu phục đầy tớ (Ruy Blax) kẻ tử thù mình trùm vải đen (Mari Tuyđo)… Đó còn là những lọ thuốc độc, những con dao găm, những tiếng tù và, những hầm mộ, những chỗ ẩn nấp bí mật, những mảnh đăng ten rớm máu, những ám hiệu…

Kịch lãng mạn của Huygô, với tất cả ưu điểm và nhược điểm của nó, ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật sân khấu ở phương Tây.
Cũng cần nói thêm, Huygô cùng với Đuyma(1) được đánh giá là hai nhà soạn kịch kiêm dàn cảnh hiện đại đầu tiên(2). Đối với Huygô, những yêu cầu về dàn cảnh không để tách riêng ra mà được đưa ngay vào trong kịch bản.

Ở đầu mỗi hồi kịch, nhà văn đều miêu tả thật tỉ mỉ cách bài trí sân khấu. ở đầu mỗi lớp, đối với các nhân vật quan trọng, nhà văn nói rõ cách trang phục. Chúng ta còn thấy trải ra trong kịch bản, suốt từ đầu đến cuối, hầu như từng trang, từng đoạn, những ý kiến hướng dẫn cho diễn viên đóng vai của mình. Ở lề bản thảo các vở kịch, Huygô lại thường vẽ phác các dự án bài trí cho sân khấu.
Tập sách này giới thiệu với bạn đọc hai vở kịch chọn lọc của Huygô: Hecnani, Ruy Blax.

Phùng Văn Tửu

Nhân vật

Hecnani Đôn Caclôx
Đônha Xon Đơ Xinva Đônha Xon Đơ Xinva Vua Bôhêm
Quận Công Đơ Bavie Quận Công Đơ Gôta
Quận Công Đơ Luytdenbua Nam Tước Đơ Hôhenbua Đôn Xăngsô
Đôn Matiax Đôn Bicacđô
Đôn Gacxi Xuyarê

Đôn Frăngxixgô Đôn Joăng Đơ Harêo Đôn Gin Telê Girông JaKê
Đônha JôDêpha Duyactơ
Người mưu sự thứ nhất, thứ hai, thứ ba Một tráng sĩ Lục Lâm
Một Bà phu Nhân
Những người mưu sự (Thuộc Đảng liên minh chí thánh, gồm người Đức và người Tây Ban Nha).
Những tráng sĩ Lục Lâm Những nhà Quý phái Lính tráng
Tiểu đồng Nhân dân v.v…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.