Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

107. BA CHÀNG THIỆN NGHỆ



Ngày xưa, có nhà họ Lê có một cô gái nhan sắc xinh đẹp. Không những thế, nàng còn văn hay chữ tốt, lại thạo đủ các nghề. Những cô gái đẹp trong vùng khó có cô nào ăn đứt. Khi nàng đã đến tuổi lấy chồng, có nhiều chàng trai hoặc con quan, hoặc con nhà giàu, hoặc tú cử đến cầu hôn, nhưng ông già họ Lê đều từ chối. Ông nói với mọi người: – “Con gái tôi không muốn làm bà quan, cũng không thích làm bà phú hộ. Nó chỉ muốn lấy một người chồng có nghề cầm tay mà nghề đó phải tinh thuần không ai hơn mới được. Nếu không thế thì chả nên đến làm gì cho mất công!”.

Tin kén rể bay ra, những tài năng bốn phương tấp nập đến xin ra mắt, nhưng chả một ai làm cho ông già họ Lê vừa ý. Người ta chỉ thấy ông than vãn sau mỗi lần thử sức: – “Tài năng trong thiên hạ thực hiếm lắm thay!”.

Một hôm, trong buổi sáng ông tiếp luôn một lúc ba chàng trẻ tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai. Sau khi nghe họ trình bày tên tuổi, nghề nghiệp, ông già mới biết đó là ba nhân tài quê ở ba nơi, tình cờ gặp nhau tại đây. Một người tự xưng bắn giỏi có thể bắn bất cứ một vật gì dù khó đến đâu, và dù xa bao nhiêu. Một người tự xưng lặn giỏi có thể sống dưới nước hàng tuần mà không sợ nguy hiểm, có thể tìm thấy những vật nhỏ bé dưới đại dương. Còn người thứ ba thì tự xưng là một thầy thuốc lành nghề, có thể cải tử hoàn sinh bất kỳ một con bệnh nào,kể cả những con bệnh vừa tắt thở.

Ông già Lê rất vui mừng, vội dắt người thứ nhất ra sân, trỏ một cây thông cao chót vót ở bờ giậu mà bảo:

Tôi sẽ cho người nhà trèo lên ngọn cây đánh dấu vôi vào một cái lá, ngài cố gắng bắn thế nào cho lá đó rụng xuống trước mặt chúng ta, lúc đó tôi mới tin là thực tài.

Nghe nói thế, anh chàng không hề từ chối, vội chuẩn bị cung nỏ. Quả nhiên, chỉ một mũi tên văng ra, ngọn lá thông có dấu vôi rơi xuống trước con mắt kinh ngạc của mọi người.

Khi thử tài người thứ hai, ông già họ Lê dẫn chàng ra bờ biển trước nhà. Đoạn, ông đưa cho xem một chiếc nhẫn và nói:

Bây giờ tôi cho một người chèo thuyền ra khơi, thả chiếc nhẫn này xuống nước, ngài cứ theo hướng đó tìm hộ đưa về đây cho mọi người trông thấy.

Anh chàng chẳng nói chẳng rằng cởi áo nhảy ngay xuống biển và chỉ giập bã trầu là chàng đã nổi lên khỏi mặt nước với một vẻ đắc thắng, giơ chiếc nhẫn cho mọi người xem.

Để thử người thứ ba, họ lại đem nhau ra chợ. Chỉ vào một người ăn mày đang sắp sửa nhắm mắt tắt hơi, ông già bảo chàng hãy cố chữa cho người đó sống lại.

Người ta thấy anh chàng cúi xuống bắt mạch rồi bỏ đi. Đến một bụi cây, anh rẽ vào kiếm các thứ lá đem về sắc lên, đổ vào miệng người ăn mày. Không mấy chốc, người ăn mày đã ngồi dậy đòi ăn, y như sau một giấc ngủ dài mê mệt vừa tỉnh.

Thấy cả ba người đều thiện nghệ, ông già họ Lê bối rối không biết nên gả con gái cho ai. Ông mới bảo họ:

Cả ba vị quả có chân tài, con gái tôi mà được sánh duyên thật là một điều may mắn. Nhưng ngặt vì “thuyền quyên có một mà anh hùng lại ba”, biết làm thế nào bây giờ? Thôi thì chúng ta ra miếu thành hoàng làm lễ, gieo quẻ để hỏi ý. Nếu quẻ chỉ nhằm người nào thì xin để cho “tiện nữ” về với người đó.

Ba người bằng lòng, cùng ra miếu thành hoàng. Nhưng trong lúc làm lễ, bỗng có người nhà hốt hoảng chạy tới báo tin cô gái đang cuốc cỏ ở ruộng bỗng bị chim đại bàng cắp tha đi mất. Nghe nói thế, tất cả mọi người đều bỏ cuộc lễ chạy ù ra đồng thì đã thấy đại bàng đang bay thẳng ra biển. Anh chàng bắn giỏi vội lắp tên vào cung, bắn luôn một phát. Không đợi đến phát thứ hai, đại bàng đã bị trúng tên gãy cánh lặn xuống nước, mang theo cả cô gái xuống luôn. Thấy thế, chàng giỏi lặn lập tức nhảy ngay xuống cứu. Chàng lặn một mạch đến chỗ chim rơi và cuối cùng đưa được cô gái lên bờ. Nhưng bây giờ cô gái chỉ là một cái xác không hồn, bụng trương phềnh những nước. Đến lượt nhà danh y giở tài của mình, tìm thuốc chữa cho cô gái. Chỉ một chốc, nàng đã nôn ra bao nhiêu là nước và hồi tỉnh lại.

Bấy giờ ba chàng cầu hôn tranh nhau kể công lao của họ vơi cha con ông già họ Lê.

Người thứ nhất nói:

Nếu không có tôi bắn con quái vật thì chưa chắc đã tìm thấy dấu vết của nàng. Vậy nên gả nàng cho tôi.

Người thứ hai cãi lại:

Hãy khoan đã, nếu không có tôi vớt nàng lên thì dù có bắn giỏi thế nào đi nữa cũng thật là vô ích.

Người thứ ba cũng tiếp luôn:

Nhưng nếu không có công tôi cải tử hoàn sinh thì dù các anh có cứu được cũng chỉ cứu một cái xác thôi. Vậy tôi xứng đáng được kết duyên với nàng mới phải.

Cả ba người không ai chịu ai. Ông già họ Lê và những người được chứng kiến đều lấy làm bối rối, không biết nên trả lời thế nào. Cuối cùng họ dắt nhau lên quan để nhờ phân xử.

Sau bao nhiêu ngày suy nghĩ, quan cho đòi ba chàng cùng với hai cha con ông già tới công đường. Trước mặt họ, quan phán bảo:

Trong việc cứu cô gái này, cả ba người đều có công lao ngang nhau, nếu thiếu một người cũng khó mà thành. Nhưng anh thầy thuốc, anh không thể kể công như thế được. Không phải cứ cứu chữa lành cho người ra là đòi lấy người ta làm vợ. Đối với anh, người được cứu sống phải coi như ân nhân chứ không bắt buộc phải coi như chồng. Còn anh thợ bắn, nếu anh biết rằng không có một người nào sẽ lặn ra cứu cô gái thì việc làm của anh chỉ có tính chất báo thù chứ không thể gọi là cứu vớt. Tất nhiên, anh bắn trúng chim chứ không bắn trúng người là có dụng ý tốt. Nhưng giết chết chim mà không nghĩ rằng người cũng rơi xuống nước thì dụng ý đó của anh hãy còn thiếu sót. Vậy đối với anh, cô gái này cũng chỉ coi như một vị ân nhân. Còn anh giỏi lặn, anh là một trong những người cứu cô gái, mà công việc cứu vớt lại bắt buộc anh phải ôm cô gái trong tay suốt buổi. Sách xưa có nói rằng trừ vợ chồng ra, thì “nam nữ thụ thụ bất thân”. Bây giờ anh đã lỡ gần gũi cô gái đó thì hai người phải được kết duyên với nhau mới là hợp lẽ. Tuy nhiên, đối với các ân nhân, hai vợ chồng phải nhận họ làm anh em kết nghĩa.

Nghe quan phân xử có tình có lý, mọi người đều vui vẻ tuân lời. Ba chàng trai kết nghĩa trở thành anh em thân mật hơn ruột thịt. Còn chàng lặn giỏi kết duyên cùng cô gái nọ. Lễ cưới cử hành rất linh đình, có cả hai chàng kia cùng dự. [1]

KHẢO DỊ

Một truyện ở Hà Tĩnh nhan đề Tứ hải giai huynh đệ cũng cùng một nội dung với truyện trên, nhưng đáng lý có ba chàng tới cầu hôn thì ở dị bản này lại có thêm một chàng thứ tư có tài nhìn xa muôn dặm. Trong truyện không có cuộc thử thách và việc đến lễ miếu thành hoàng, nhưng cũng có tình tiết chim đại bàng tha cô gái quý, và phú ông – cha cô gái – nói với cả bốn chàng: hễ ai cứu được con thì sẽ gả cho làm vợ. Anh chàng nhìn xa là người đầu tiên nhìn thấy đại bàng mang cô gái bay giữa biển cả, bèn chỉ cho chàng giỏi bắn đuổi theo bắn, và sự việc lần lượt xảy ra như truyện vừa kể. Rốt cuộc, bốn anh chàng ở bốn phương trời trở thành anh em chí thân. [2]

Các truyện trên khá phổ biến ở thế giới. Nhà cổ tích học Pháp nổi tiếng Cô-xcanh (Cosquin) trước khi chết có viết dở dang một bài nghiên cứu về các loại dị bản của một cốt truyện – mà ông gọi tên là Cô gái bị bắt được cứu thoát và những nhân vật có tài lạ [3] – trong quá trình di chuyển giữa các dân tộc khác nhau. Nói chung, so sánh các truyện lưu hành ở các dân tộc thì đều có những nét tương đồng, nhưng mỗi nhóm dị bản thường có một kết cục riêng, có nghĩa là cách xử lý cũng như cách đánh giá công lao của các nhân vật có tài trong truyện, ở mỗi dân tộc cũng có những sắc thái riêng biệt. Chúng tôi chỉ kể ra đây một số truyện:

Truyện của người Khơ-me (Khmer), của người Lào giống với truyện của ta hơn cả, nhất là về kết cục:

Có bốn anh chàng hăm hở đến thành phố Tắc-xi-la để học nghề. Một người học về thiên văn bói toán, một người học cách dùng vũ khí, một người học bơi lặn, một người học nghề cứu chữa thiên hạ. Thành tài, họ trở về quê, dọc đường nghỉ ở bãi biển. Sáng hôm sau, chàng học thiên văn cho biết có công chúa con vua Pê-a-rê-an-xây bị chim đại bàng tha đi, sắp bay qua đây. Cũng như truyện của ta, ba chàng kia lần lượt góp phần cứu công chúa, và sau đó cả bốn đều tranh lấy nàng làm vợ. Quan không xử được, đưa lên Bồ-tát, Bồ-tát xử cho người biết thiên văn là thầy của công chúa vì anh dạy cho ba người kia hướng tìm người bị nạn; người bắn nỏ là cha vì anh có công bảo vệ công chúa; người chữa sống lại là mẹ vì anh giành lại cho công chúa cuộc sống; người nhảy xuống biển ôm công chúa vào lòng mới là chồng. Nhưng lấy nhau rồi, hai vợ chồng phải ghi nhớ công ơn của những người kia. [4]

Truyện của người Thái Lan là một câu đố do một hoàng tử đưa ra, trong đó kể câu chuyện bốn người là bà-la-môn cứu một cô gái (đại thể cũng hơi giống truyện trên). Sau đó hoàng tử đố: “Ai đáng lấy cô gái hơn cả?”.

Một người bạn của công chúa ứng vào ống nhổ trả lời: – “Lấy người chữa cho cô gái sống lại”. Công chúa đá cái ống nhổ một đá và cãi lại rằng: – “Lấy người lặn vì nó ôm cô gái vào tay”.

Một truyện của người Bê-lút-sít-xtăng (Baloutchítan) (dân tộc ở phía Đông I-răng (Iran)) cũng có kết thúc tương tự với các truyện trên, tức là giống ở quan niệm đạo đức của người phân xử:

Có ba chàng trai trẻ (không phải hoàng tử) mồ côi cha ở với cậu, người cậu đặt điều kiện cho họ nếu ai đi chơi xa tìm được vật quý và lạ thì sẽ gả con gái cho. Ba vật quý mà ba người mua được là: một vật hình quả cầu có thể tiết ra nước, nước ấy có thể làm cho người chết sống lại, một cái giường biết bay và một cái gương có thể nhìn xa hàng vạn dặm. Trên đường về, chàng trai làm chủ cái gương chợt nhìn thấy con gái của cậu đã chết, lúc ấy người ta đang khâm liệm để chôn. Anh vội báo tin cho hai người kia biết và nhờ có hai vật quý còn lại, họ trở về kịp thời, cứu cô gái sống lại.

Người cậu bối rối không biết gả con cho ai, bèn đưa việc lên vua để vua phân xử. Vua phán: – “Chiếu theo luật, ta xử cho người nào thấy cô gái khi người ta đang khâm liệm nàng, được lấy nàng làm vợ, vì hắn đã thấy nàng trong khi người ta rửa ráy thi hài. Nếu không lấy hắn làm chồng, nàng sẽ rất xấu hổ mỗi lúc gặp hắn”.

Các truyện dưới đây thì cô gái hoặc không kết hôn, hoặc kết hôn với một trong những người cứu mình, nhưng không xuất phát từ quan niệm đạo đức như trên.

Truyện của người Đức do anh em Grim (Grimm) sưu tập:

Có bốn anh em một nhà nghèo kia từ giã cha, mỗi người đi một phương học nghề. Người con đầu gặp một người ăn trộm thiện nghệ và nghe lời hắn, theo học nghề ấy. Sau ba năm hắn trở nên trộm giỏi, đến nỗi muốn lấy của ai chỉ trong nháy mắt là lấy được ngay, mà kẻ bị mất vẫn không biết gì. Người em thứ hai học nhìn xa với một thầy khác và sau ba năm thành tài, được thầy cho một cái ống nhòm, có thể nhìn thấy mọi vật ở ngoài vạn dặm. Người thứ ba học bắn và sau đó với khẩu súng của thầy cho, hắn có thể bắn trúng theo ý muốn dù khó mấy cũng chẳng sai. Còn người em út học nghề may, sau ba năm thầy cũng cho một cái kim có thể khâu vá tất cả mọi vật mà không thấy vết.

Đúng ngày hẹn, anh em trở về quê cũ. Họ trổ tài cho bố xem, người thứ hai đứng dưới đất mà biết được số trứng chim năm quả trong một cái tổ trên cây cao có con chim mẹ đang ấp; người anh cả trèo lên trộm lấy trứng xuống mà chim mẹ không hay biết gì cả; người thứ ba bày trứng lên mấy góc bàn bắn một phát trúng cả năm mà trứng không vỡ; người thứ tư khâu lại lành lặn như cũ. Đoạn người anh cả lại đưa đặt trứng lên tổ cũ. Sau đó mấy hôm trứng nở mỗi con chim non co một vành đỏ ở cổ, dấu vết đường chỉ khâu của người em út.

Không bao lâu, có tin công chúa bị rồng bắt đi mất. Bốn anh em nghe nói vua sẽ gả công chúa cho kẻ nào cứu được, bèn đến kinh xin một chiếc tàu để đi tìm. Trước tiên, người em thứ hai nhờ cái ống nhòm, nhìn thấy công chúa ở trên một núi đá, còn con rồng thì đang ngủ, đầu gối lên đùi công chúa. Người anh cả một mình lên núi trộm được công chúa xuống tàu, dong buồm mà chạy. Khi rồng thức dậy thấy mất công chúa, vội đuổi theo tàu. Chàng thiện xạ bắn luôn ba phát, rồng rơi xuống, tàu vỡ tan từng mảnh. Trong khi nguy cấp, chàng giỏi khâu vá đã làm cho tàu liền lại như cũ, cuối cùng về được đến nhà. Thấy họ kể công lao của mình với mục đích giành công chúa, vua cắt nửa đất nước giao cho họ trị vì, để khỏi phải gả công chúa cho người nào cả.

Truyện của người Xla-vơ (Slave) ở Mô-ra-vi (Moravie) giống với truyện của Đức, nhưng người thợ may được thay bằng thợ vá. Người con đầu đi học nghề trở về nói với bố: – “Con làm thợ vá nhưng không phải vá như người ta; hễ thấy cái gì cũ, con chỉ nói hai tiếng “chữa lại” là xong ngay”. Và anh nói thử mấy tiếng, cái áo của người bố bị rách cùi tay liền lành lặn như cũ. Người thứ hai nói: – “Con ăn trộm cũng vậy, chỉ nghĩ đến một vật gì đó, dù xa bao nhiêu, là có thể có trong tay rồi”. Người thứ ba nói: – “Con nhìn lên trời, có thể thấy được mọi nơi trên trái đất”. Người con út nói: – “Con là thợ săn, nhưng chỉ cần nói đến con vật nào đó là lập tức nó bị bắn chết”.

Rồi đó, nhà thiên văn cũng phát hiện ra công chúa bị rồng bắt giam ở một hòn đảo trên Hồng Hải. Bốn anh em đi tàu đến đảo. Người ăn trộm chỉ nói: – “Công chúa đến đây”, thế là công chúa có mặt trên tàu. Khi bị rồng đuổi, người thợ săn nói: – “Bắn chết” thì rồng liền rơi xuống, nhưng xác nó lại làm thủng tàu. Thấy thế, người thợ vá chỉ nói một tiếng “vá” là vá xong tàu.

Khi họ tranh giành công chúa, vua bảo:- “Nếu các anh còn tranh nhau, ta sẽ cắt con ta làm bốn cho mỗi người một phần, vì vua không bao giờ nói hai lời, nhưng như thế chả có lợi gì”. Bốn người bằng lòng để cho cô gái chọn lấy một anh làm chồng, còn ba người kia làm quan to trong triều.

Người Nùng cũng có một truyện gần giống với hai truyện trên, nhưng lại thêm một người độn thổ để có một đoạn kết với diễn biến hơi khác. Ở đây có năm anh em thiện nghệ: một người ăn trộm, một người bắn tên; một người nhìn ống nhòm (làm bằng hai trăm loại gỗ khác nhau), một người may vá, và một người do cứu con gái Long vương mà học được nghề bơi lội và độn thổ.

Đúng hẹn, họ trở về và cũng có một công chúa bị rồng bắt để cho họ trổ tài, hy vọng được lấy công chúa như lời hứa của nhà vua. Anh thợ vá ghép ba trăm tấm ván thành tàu ra biển. Anh có ống nhòm chỉ đúng chỗ ở của rồng. Anh ăn trộm đưa công chúa lên tàu.Anh bắn giỏi giết con rồng khi nó đuổi. Anh thợ vá chữa lại tàu vì bị rồng làm cho vỡ tan. Trong khi đó một con yêu tinh (giá chan) tới bắt công chúa mang đi mất. Anh có ống nhòm lại tìm thấy công chúa ở trong hang sâu dưới núi. Anh độn thổ chui xuống đất cõng về. Anh bắn tên giết yêu tinh khi mụ đuổi theo. Yêu tinh chồng lại tới bắt đưa đi nhưng cũng bị bắn chết. Khi công chúa được cứu về, vì không biết gả cho ai, nhà vua bảo họ làm anh em kết nghĩa với công chúa rồi phong cho làm quan to trong triều. [5]

Truyện của Hy Lạp (Grèce):

Bảy anh em cứu được một nàng công chúa khỏi tay quái vật, đưa về một lâu đài kín, dặn công chúa đừng nhìn qua cửa sổ. Nhưng đêm lại công chúa nhìn ra ngoài vì có tiếng nhạc hấp dẫn, nên bị con quái vật ẩn trong đám mây đen bắt đi. Người giỏi bắn vội bắn thủng đám mây, quái vật chết. Một trong số những người em có tài tung hứng bèn giơ cánh tay ra đón công chúa rơi xuống kịp thời. Đứa công chúa về đến nơi họ tranh công, vua bảo cắt công chúa làm bảy phần chia cho họ vì xét thấy ai cũng có công ngang nhau. Bảy anh em đều xin thôi, được vua thưởng rất hậu.

Truyện của người Can-đê ở I-răng (Iran) thì kết cục lại để cô gái kết hôn với nhà thiên văn:

Có ba anh em cùng yêu một cô em họ. Người bố không biết xử trí ra sao, bèn bảo họ đi học mỗi người một nghề, ai tài giỏi hơn sẽ gả. Một người học nghề thiên văn, một người học nghề kỹ sư, và một người học nghề thầy thuốc. Cả ba cùng gặp nhau ở một địa điểm. Nhà thiên văn cho biết cô gái đang bệnh nặng, nhà kỹ sư tính toán ngay đường sá, chế một cái xe để đi, và cuối cùng đưa được người thầy thuốc về kịp thời, nhờ đó chữa cho cô gái bình phục.

Khi họ ra sức tranh công, bố mẹ và bạn bè quyết định: người thầy thuốc chữa bệnh thì sẽ trả tiền, nhà kỹ sư thì trả lương, nhưng nếu không có nhà thiên văn bói ra sự việc để về chữa chạy thì cô gái chết. Bèn cho nhà thiên văn được lấy cô gái làm vợ.

Một trong mấy truyện của Ấn Độ kể trong sách Hai mươi lăm truyện quỷ (Vêtala pantachavincati) (những truyện này đều là những trường hợp khó xử do một con quỷ nêu ra để hỏi ý kiến vua Vi-krâ-ma) thì công lao lại không thuộc về nhà thiên văn hay nhà kỹ sư:

Có ba nhân vật trẻ đẹp, có tài nghệ, cùng một lúc đến hỏi một cô gái làm cho cô và bố mẹ cô bối rối không biết nên như thế nào. Giữa lúc đó thì bỗng quỷ bắt mất cô gái. Người thứ nhất giỏi thiên văn biết quỷ đã đưa lên núi Vin-đi-a. Người thứ ba chế ra chiếc xe mang tới núi. Người thứ hai giết con quỷ và cứu cô gái. Vua phân xử: người thứ hai đáng làm chồng cô gái. [6]

Truyện của người Mô-rơ (Maures) (châu Phi) cũng có kết cục như trên:

Một cô gái bị yêu tinh bắt. Một bà mẹ có bảy đứa con trai, láng giềng nhà cô gái, nhận sẽ bảo mấy đứa con mình đi cứu. Khi các con bà về, đã thấy bày sẵn giữa sân một cỗ yên cương nạm vàng, ở giữa nhà bày một bộ áo quần đẹp có cả mũ và giày. Họ hỏi mẹ những thứ ấy để làm gì? Mẹ đáp: – “Để thưởng cho đứa nào cứu được cô gái hàng xóm mất tích”. Bảy con cùng hăm hở nhận lời.

Trong bảy ngày, một người có tài “nghe được tiếng sương rơi”, liền phát hiện ra lâu đài của yêu tinh, báo cho những người kia biết yêu tinh hiện đang ngủ, răng quỷ cắn lấy tóc cô gái. Người thứ hai có tài “tay đặt vào cửa là khóa mở ra”, mở liên tiếp bảy cái cửa. Người thứ ba có tài “gỡ rối những sợi tơ vướng vào bụi gai”, đã giật được tóc cô gái ra khỏi miệng yêu tinh mà nó không biết.

Người thứ tư có tài ” tung hứng và đuổi nhanh như gió” đã lần lượt ném cô gái lên trời qua bảy lớp cửa, rồi lần lượt chạy vụt ra hứng cô trong cánh tay. Khi họ lên ngựa phi về, thì người thứ nhất báo tin yêu tinh đã biến thành diều hâu đang đuổi theo. Các anh em xúm nhau bắn chết. Sau đó, cô gái lấy người đã gỡ tóc mình ra khỏi miệng yêu tinh.

Một truyện xứ Nga cũng xử cho cô gái lấy người ăn trộm:

Một nông dân có bảy đứa con đều cùng một tên là Xi-mê-ông. Họ trẻ khỏe nhưng lười và đủ tật xấu. Người cha đưa các con đến làm đầy tớ cho vua. Vua hỏi mỗi người: – “Biết làm gì?”. Một đứa trả lời: – “Tôi biết ăn trộm”. Một đứa khác: – “Tôi biết rèn những vật quý”. Người thứ ba “có thể bắn trúng chim bay”. Người thứ tư “nếu chim rơi xuống nước, có thể lội ra lấy về”. Người thứ năm “trèo lên một chỗ cao nào đó có thể thấy hết cả nước”. Người thứ sáu “có thể đóng một chiếc tàu chạy rất nhanh”. Người thứ bảy “có thể chữa lành mọi bệnh”.

Một hôm, vua muốn lấy một công chúa nước khác nhưng không có cách gì bắt về, bèn giao việc đó cho bảy người. Bọn họ lên tàu do một người đóng tàu, đóng xong trong một thời gian rất ngắn. Đến nơi, một người trèo lên cột cao nhìn và báo tin rằng lúc này công chúa đang ngồi một mình, có thể bắt trộm được. Người thợ rèn rèn ngay hai món đồ đẹp cùng đi với người ăn trộm vào cung để bán. Cuối cùng, người sau tìm được công chúa đem về đến tàu rồi nhổ neo. Công chúa ở đây không bị bắt trở lại mà hóa thành chim thiên nga bay đi. Người đi săn bắn ngay một phát vào đầu cánh trái, chim rơi xuống nước. Người lặn giỏi vớt lên lại hóa nguyên hình cô gái đẹp, nhưng tay cô bị thương. Đến lượt người thầy thuốc chữa lành ngay.

Sau khi đưa công chúa về, vua tự thấy mình quá già. Vua hỏi: – “Nàng muốn lấy ai trong bảy anh em?”. Công chúa chọn người ăn trộm. Bèn gả cho và nhường luôn ngai vàng, lại cho các em của người ăn trộm làm chức quan to (bôi-a).

Truyện của người Ý (Italia) ở Vơ-ni-dơ (Venise) thì cái may mắn thuộc về người vá tàu.

Một người có bốn con trai và nuôi đỡ đầu một cô gái. Anh nào cũng muốn lấy cô làm vợ. Người cha bảo chúng hãy đi học mỗi đứa một nghề, lúc trở về ai tài giỏi vào bậc thầy sẽ gả cho. Khi họ trở về, cha báo cho biết là cô gái đã bị mất tích. Anh chàng học nghề thầy pháp cho biết cô gái hiện ở trong vườn của hoàng tử. Anh chàng học nghề ăn trộm lẻn vào vườn bắt ngay cô gái rồi nhảy ra rất lẹ, đưa về thuyền.

Người làm vườn sai một con rồng gác vườn đuổi theo. Rồng toan chụp bắt cô gái, nhưng anh chàng bắn giỏi đã cho một phát súng. Rồng ngã xuống đè lên thuyền, thuyền muốn vỡ tan, nhưng anh chàng học nghề thợ mộc đã nhảy ngay xuống nước, trong nháy mắt chữa được thuyền lành lặn như cũ, và đưa được cô gái về yên lành. Kết quả, người cha gả cô cho anh chàng thợ mộc.

Những truyện dưới đây, nhân vật trung tâm là cô gái, không lấy một trong những người cứu mình, mà lại lấy người cha của họ.

Truyện trong sách Pen-ta-mơ-ron của Ba-di-lơ (Basile).

Một người có năm đứa con. Thấy con không làm nghề ngỗng gì mà chỉ ăn hại, bèn bảo đi tìm học mỗi đứa một nghề, và dặn vào một ngày nhất định thì cả năm phải về nhà.

Đúng hẹn, năm anh em cùng về. Người anh cả là bợm trộm không ai ăn đứt, người thứ hai biết đóng tàu, người thứ ba có thuốc cải tử hoàn sinh, người thứ tư có tài bắn nỏ và người thứ năm biết tiếng chim. Anh chàng út tỏ tài bằng cách báo tin: anh vừa nghe một con chim đậu ở gần đó cho biết, có một con yêu cướp một công chúa đưa đến núi đá, và vua cho rao ai cứu được sẽ phong làm phò mã. Người thứ hai làm ngay một chiếc tàu, trên đó năm người cùng đi với người cha đến núi đá. Cũng như truyện của Đức, yêu tinh cũng đang ngủ say, đầu kê lên đùi công chúa. Người anh cả khiêng một hòn đá cho con yêu kê đầu, rồi trộm công chúa về tàu. Yêu cũng hóa thành mây đuổi theo, và cũng bị một phát tên rơi xuống tàu; công chúa chết ngay cùng với yêu, nhưng được người thứ tư làm cho sống lại. Lúc về, ai nấy đều tranh công. Vua giao cho người cha phân xử. Cuối cùng, vua gả công chúa cho người cha của họ là người quan trọng trong việc cứu công chúa.

Cũng như truyện của người Bê-lút-sít-xtăng đã kể trên kia, một truyện khác của người Hy-lạp (Grèce), của người Xu-a-hi-li ở đảo Dăng-di-bar (Zanzibar) đều có ba anh em và ba vật quý: ống thiên lý kính, tấm thảm bay và thuốc cải tử hoàn sinh (Hy-lạp); gương thần, chiếu biết bay và lọ dầu hồi sinh (Xu-a-hi-li). Những vật này đều có vị trí quan trọng trong việc cứu cô gái. Kết cục của truyện Hi-lạp: để chấm dứt tranh chấp giữa ba hoàng tử, vua cha lấy cô làm vợ. Còn kết cục của truyện người Xu-a-hi-li: khi ba anh bảo cô gái chọn một trong ba người làm chồng, thì cô ta chọn người cha của họ “để cho cả ba gọi mình là mẹ”.

So với các truyện vừa kể, truyện của người Tây-ban-nha (Espana) lại có kết cục lạ hơn: lấy cả ba.

Lần đầu tiên, khi người cha cô gái báo chọn một trong ba người con trai đến hỏi, cô trả lời: “Lấy cả ba”. Người cha chuyển câu trả lời ấy cho ba người và thêm vào: – “Vì đó là việc không thể được, nên sẽ gả cho người nào màng về một vật quý và hiếm”. Cuối cùng, cô gái cũng được cứu sống nhờ có ba vật của ba người: tấm gương thần, cái thùng bay và dầu hồi sinh, và câu đầu tiên cô nói là: – “Cha thấy không, phải lấy cả ba”, rồi truyện dừng lại ở đây.

Hai truyện sau đây có kết cục giống nhau và khá lý thú: cả mấy anh em và cô gái đều hóa ra các vì sao.

Một truyện của Đan Mạch (Danemark):

Có sáu anh em được cha cho đi ra nước ngoài, mỗi người một phương, học mỗi người một nghề. Người anh cả biết đóng tàu tự động chạy được. Người thứ hai có thể lái tàu chạy trên bộ cũng như dưới nước. Người thứ ba ngồi ở nước này nhưng có thể nghe chuyện người ta nói ở nước khác. Người thứ tư bắn giỏi, không phải đợi đến phát thứ hai. Người thứ năm trèo được thành cao. Người thứ sáu, bậc thầy trong nghề ăn trộm.

Truyện cũng có nàng công chúa bị bắt do một mụ phù thủy hung ác. Vua cũng hẹn gả cho người nào cứu được. Người anh cả liền đóng một chiếc tàu, tàu ấy do người em thứ hai lái. Người tài nghe phát hiện ra chỗ giấu công chúa trong một hòn núi thủy tinh. Người tài trèo trèo lên đỉnh núi, thấy tên phù thủy đang ngủ, đầu cũng gối lên đầu gối công chúa. Anh ta trèo xuống, cõng anh giỏi trộm lên và chỉ trong một chốc, anh này trộm được công chúa, rồi cả hai được anh tài trèo cõng về tàu. Cũng như các truyện trên, tàu chạy chưa được bao lâu thì người tài nghe báo tin tên phù thủy đang bay trên không, đuổi theo tàu. Người tài bắn bắn một phát vào chỗ hiểm nhất trong người tên phù thủy, như công chúa mách.

Cứu được về nhà, cả sáu người đều muốn lấy công chúa làm vợ. Vua và công chúa rất bối rối. Nhưng lúc bấy giờ, Trời không muốn để cho mấy anh em xung đột nên làm cho họ và cả công chúa hóa thành sao, tức là chòm sao Thất tinh. Người dân Đan-mạch nói ngôi sao sáng nhất trong đó là công chúa, còn ngôi mờ nhất là anh chàng giỏi trộm. Đó cũng là mọt hình thức đánh giá.

Truyện ở vùng sông Đa-nuýp (Danuble):

Công chúa bị một con rồng hung ác bảy đầu bắt đi. Vua sai viên quan đầu triều đi tìm. Viên quan tướng thất vọng đến nơi thì gặp một bà già, bà này cho biết cứ đi tìm mẹ Rồng thì có thể tìm được công chúa. Gặp mẹ Rồng, mẹ Rồng bảo chờ năm con trai mẹ về sẽ hỏi ý kiến. Năm người con rồng này có phép màu nhiệm: người thứ nhất có thể lấy trộm bất cứ vật gì theo ý muốn. Người thứ hai tìm được vật bị mất. Người thứ ba bắn tên giỏi. Người thứ tư xây lâu đài trong nháy mắt. Người thứ năm đuổi theo một vật nhanh như chớp.

Khi năm chàng rồng trở về, họ bằng lòng giúp vua. Chỗ công chúa bị giam liền được một người trong số họ phát hiện. Người thứ hai tìm vào, chiếm được công chúa, thì con rồng hung ác lại chiếm lại, và đem lên không trung. Nhưng chỉ một mũi tên của người bắn giỏi, rồng rơi xuống, đánh rơi cả công chúa, nhờ có người thư năm nhanh chân nhanh tay đỡ lấy kịp thời. Bị họ hàng nhà rồng hung ác đuổi theo, cả năm người cùng sứ giả nhà vua ẩn trong lâu đài kín do người thứ tư xây dựng trong chốc lát.

Đến lúc tranh công, bà mẹ Rồng đưa việc đó đi hỏi mẹ Gió, mẹ Gió bảo đi tìm mẹ Trăng. Mẹ Trăng lại chuyển cho mẹ Trời. Mẹ Trời bảo chính mẹ Rồng là người trọng tài tốt nhất. Lúc đó mẹ Rồng phán: – “Các con là con trai ta, còn cô gái này là con gái của ta, là em gái của các con”. Từ đó họ bay lên trời và hóa thành bảy ngôi sao gọi là Vi-la-chít-chi. Mỗi năm, bảy ngôi sao này phải đi thăm mẹ Gió, mẹ Trăng và mẹ Trời một lần, nên hôm đó người ta thấy chúng xuất hiện trên bầu trời.

Người Mông-cổ có một truyện có những tình tiết và kết thúc khác hẳn nhưng xét kỹ, vẫn cùng một loại hình với truyện trên:

Có sáu chàng thanh niên bỏ nước ra đi, khi đến chỗ có sáu con sông giao nhau, họ bắt đầu chia tay mỗi người đi theo một ngả sông, sau khi đã trồng mỗi người một loại cây ứng vào sinh mệnh của từng người. Họ hẹn sẽ gặp nhau vào một ngày nhất định, hễ thấy cây của ai héo thì biết người đó đang gặp nạn, và phải theo hướng ngả sông người đó mà đi cứu.

Một chàng con nhà giàu ngược dòng đến một nơi ở với vợ chồng một ông lão và được họ gả con gái đẹp cho làm vợ. Một hôm lính hầu của vua nhặt được chiếc nhẫn có đá quý nổi trên sông gần đó, bèn đưa về cho vua. Vua bảo phải đi tìm cho được người đàn bà chủ nhân của cái nhẫn. Khi bắt vợ chàng kia về, vua thấy sắc đẹp vượt xa các người vợ của hắn thì muốn nạp vào cung, nhưng người đàn bà đòi giữ thủy chung với chồng. Vua lại ra lệnh cho lính hầu đi giết chồng. Xác người chồng bị chúng chôn ở bờ sông, dần lên mộ một hòn đá lớn.

Khi năm người kia về đến chỗ hẹn, thấy cây sinh mệnh của bạn đã héo.Một người học phép độn tìm ra chỗ chôn xác. Một người học nghề rèn dùng búa đập vỡ hòn đá, và người học thuốc cứu bạn sống lại. Một người học nghề chạm tạc một con chim ga-ru-đa bằng gỗ có thể cho người ngồi vào trong đó và chim bay được. Một người học nghề sơn vẽ tô đẹp cho con chim. Người con nhà giàu cưỡi chim bay đến cung vua, lượn mấy vòng trên không trung. Vua nhìn chim không chán mắt, lại gọi người đàn bà đẹp lên lầu cao để xem và cho chim ăn. Nhân đó, người chồng cũ cho chim sà xuống cắp lấy vợ đi luôn. Nhưng khi về đến nơi, ai cũng muốn lấy nàng, tranh nhau không ai chịu ai. “Vậy thì chúng ta đều lấy”. Họ nói thế và cắt người đàn bà ra từng mảnh. [7]

Truyện của người Ấn-độ và người Ả-rập còn có kết cục lạ hơn. Sau đây là truyện của Ả-rập trong Nghìn lẻ một đêm:

Có ba hoàng tử muốn lấy công chúa Nu-ru-ni-har con đỡ đầu của vua cha. Vua cha quyết định sẽ gả cho người nào đi du lịch về mang một vật lạ và quý nhất. Trong lúc họ chưa về thì công chúa bị đau nặng sắp chết. Hoàng tử thứ nhất có cặp kính thần phát hiện ra công chúa chết. Hoàng tử thứ hai có tấm thảm bay mang cả ba về đến tận buồng công chúa. Đến lượt hoàng tử thứ ba cho nàng ngửi quả táo thần nên sống lại. Vua bối rối không biết giải quyết thế nào, mới bảo ba người bắn cung, ai bắn xa hơn thì được lấy công chúa. Mũi tên của hoàng tử thứ ba xa hơn nhưng lại không tìm ra dấu, nên công chúa về tay hoàng tử thứ hai.

Phần sau của truyện chuyển sang một hướng khác.Hoàng tử thứ ba Át-mét do đi tìm mũi tên của mình mà gặp nàng tiên Pa-ri Ba-nu. Hai người đưa nhau về cung và kết làm vợ chồng, nhưng hoàng tử thỉnh thoảng được vợ cho về thăm vua cha. Nghe mồm bọn nịnh thần, vua cha bắt chàng phải đi tìm: lần đầu, một cái màn có thể che được khắp đại đội quân mã của nhà vua nhưng lại có thể cầm gọn trong bàn tay; lần thứ hai, một thứ nước thần ở suối sư tử có thể chữa mọi bệnh; lần thứ ba, một con người lùn dị dạng cầm một cây gậy sắt nặng năm trăm cân. Nhưng lần cuối cùng, khi đưa người lùn dị dạng về triều, với cây gậy sắt, người lùn đã giết chết bọn nịnh thần và đưa Át-mét lên làm vua nước Ấn-độ. [8]

Phần nào giống với truyện của Ả-rập là truyện Triều-tiên: Có ba chàng yêu một cô gái. Cô gái hỏi ý kiến một đạo sĩ ở Hắc-long-sơn, cụ trao cho ba đồng tiền bảo cho mỗi anh một đồng, ai mua được vật gì quý hơn thì lấy. Anh chàng thứ nhất mua được chiếc gương thần phát hiện ra cô gái ốm sắp chết. Anh thứ hai mua được con lạc đà kỳ diệu, nhờ nó mà cả ba cùng về tới nơi trong nháy mắt. Với quả táo thần của người thứ ba, cô gái khỏi bệnh ngay lập tức. Cô bèn bảo ba anh chàng tranh công tự suy nghĩ xem ai hơn, nhưng ba ngày ba đêm vẫn chưa xong. Trước khi phân xử, cô gái dặn một cái chuông cổ là hễ cô phân xử đúng thì nó sẽ ngân lên. Cô phán như sau: – “Tôi sẽ lấy chàng thứ ba vì chàng mua táo không vì mình, mà vì người khác. Vả chăng, quả táo đã bị ăn mất, còn hai vật kia của hai người vẫn còn nguyên vẹn”. Phán xong, chuông cổ ngân lên. Thế là cô lấy anh chàng thứ ba làm chồng. [9]

Thuộc loại truyện phân xử này còn có một loạt truyện khác, cũng hơi gần gũi về kết cấu và chủ đề. Xin kể dưới đây một số.

Ba truyện của người Khơ-me (Khrmer):

Nhà sư hoàn tục và ba cô gái: một nhà sư vừa hoàn tục để kiếm vợ. Một hôm tắm ở sông bỗng bờ sông sụt lở đẩy anh ra xa. Không biết bơi, anh chới với kêu cứu. Có ba cô đi lấy nước gần đấy. Cô thứ nhất đẩy ra một khúc gỗ cho anh ôm. Nhưng anh vẫn chới với không vào được. Thấy vậy cô thứ hai đưa ra một sào tre cho anh nắm để kéo vào. Thấy anh trần truồng, cô thứ ba cởi ngay tấm chăn ở người cho anh khoác. Thấy anh đẹp trai, cả ba cô tranh công để được lấy làm chồng. Không ai chịu ai nên đưa lên quan. Hai cô đầu đều nói: – “Nếu không có tôi thì chắc tính mạng anh đâu còn”. Cô thứ ba nghe quan hỏi, đáp: – “Tôi không cứu tính mạng anh ấy, vì thấy anh ấy lõa lồ nên tôi quẳng chăn cho để che”. Sau một hồi suy nghĩ, quan phán: – “Hai cô đầu làm bổn phận một cách tự hào, hành động ấy rất đẹp, đáng được coi như mẹ chàng trai. Còn cô thứ ba thấy người không quần áo nên cởi chăn cho. Đó là sự e lệ, là tình cảm nam nữ. Hành động của cô nảy sinh mối quan hệ giữa hai người. Vậy cô đáng được coi là người yêu của chàng trai”. [10]

Người ăn trộm và bốn cô gái: một người ăn trộm đang hành nghề thì bị bắt treo cổ lên tường, theo lệ phải có một ngàn đồng vàng thì mới được chuộc mạng. Có bốn cô gái vốn yêu hắn từ trước: một cô gái giàu có bỏ tiền chuộc về, nhưng hắn bị thương tích và nằm mê man bất tỉnh, cô thứ hai kiếm thầy chạy chữa cho khỏi chết. Cô thứ ba bán hết tư trang để phụng dưỡng cho hắn. Cô thứ tư hàng ngày rửa vết thương nâng giấc hầu hạ. Chẳng bao lâu hắn bình phục, bốn cô cùng tranh công để được lấy làm chồng. Việc đưa đến vua, vua phán: – “Người bỏ tiền chuộc được coi như cha người ăn trộm; người thuốc thanh được coi như mẹ; người bán tư trang được coi như chị; còn người lau rửa vết thương săn sóc hàng ngày được coi như vợ”.

Cô gái đẹp và ba chàng trai: có ba chàng trai yêu một cô gái nhưng không được bố mẹ thuận gả. Cô gái tự nhiên chết. Ba chàng rất thương xót. Một người làm lễ hỏa táng thu nhặt hài cốt chôn cất tử tế; người thứ hai ôm lấy mộ khóc lóc thảm thiết; còn người thứ ba bỏ quê đi học phép cải tử hoàn sinh, cuối cùng phép thuật của hắn làm cho cô gái sống lại. Cả ba đều tranh lấy cô làm vợ. Việc đưa đến tai vua. Vua xử cho chàng trai thứ nhất là con cô gái vì việc thu cất hài cốt là phận sự của con với cha mẹ; người thứ ba là cha cô gái vì việc cứu vớt chạy chữa là phận sự của cha mẹ đối với con. Còn người thứ hai mới là chồng của cô gái: có là chồng thì mới ôm ấp săn sóc vợ lúc chết cũng như lúc sống. [11]

Trong sách Hai mươi lăm truyện quỷ của Ấn-độ (đã dẫn) có một truyện tương tự truyện vừa kể ở trên, đoạn cuối như sau:

Một cô gái bị rắn độc cắn chết. Cha cô gái làm lễ đốt xác. Người thứ nhất nhặt xương bó lại mang đi hết rừng này sang rừng khác. Người thứ hai nhặt tro rồi làm nhà ở lại mộ. Người thứ ba đi hết nơi này sang nơi khác. Một hôm vào nhà một người bà-la-môn xin ăn. Chủ nhà mời anh ăn uống tử tế. Giữa lúc ấy, vì đứa con quấy mẹ, người chủ nhà ném thằng bé vào lò sưởi cháy thành than. Thấy vậy, anh nghẹn ngào không ăn được nữa. Chủ nhà lấy một quyển sách, đọc một câu chú thì đứa bé lại sống lại. Anh bèn ăn trộm quyển sách ấy về làm sống cô gái. Sống lại, cô gái là đối tượng tranh giành của cả ba người. Vua Vi-krâ-ma xử rằng: người giữ xương là con, người cứu sống là cha, người dựng nhà bên đống tro mới là chồng.

Cũng quyển sách trên, còn có một truyện:

Có bốn chàng trai đẹp, trẻ, khỏe cùng một lúc đến hỏi một công chúa làm vợ. Người thứ nhất xưng có tài làm áo bán được nhiều tiền. Người thứ hai xưng hiểu tiếng loài vật trên cạn cũng như dưới nước. Người thứ ba xưng đọc được nhiều sách. Người thứ tư xưng bắn giỏi. Cô không biết lấy ai vì họ tài ngang nhau. Quỷ đem chuyện ấy hỏi vua Vi-krâ-ma. Vua đáp: người làm áo và bán áo thuộc đẳng cấp bình dân (xu-đơ-ra); người biết tiếng loài vật trên cạn cũng như dưới nước thuộc đẳng cấp nô lệ (vai-xia); người đọc sách thuộc đẳng cấp bà-la-môn; người bắn giỏi xứng đáng với công chúa vì thuộc đẳng cấp võ sĩ. [12]

Người Miến-điện (Myanmar) cũng có hai truyện:

Tình yêu chân chính: giống với truyện Khơ-me vừa kể: ở xứ Kham-ban-sa có bốn người nhà giàu kết bạn thân, ba người đều có con trai, người thứ tư có cô con gái đẹp; cả ba chàng trai đều tha thiết muốn lấy. Trước khi nhận lời, bố mẹ cô gái hỏi mỗi người xem giả dụ con gái mình chết trước khi cưới thì thái độ của họ như thế nào? Một người hứa thân hành đốt xác trông nom đám ma chu tất. Người thứ hai hứa sẽ chôn cất xương tro làm lăng mộ tốt đẹp. Người thứ ba hứa chăm sóc đêm ngày ở mộ cho đến khi hắn chết. Cô gái quả chết trước mười lăm tuổi. Cả ba chàng trai đều làm như lời hứa. Sau đó, trong khi người thứ ba trông nom ở mộ thì có một đạo sĩ (y-ô-ghi) thương hại hắn, hóa phép làm cho cô gái sống lại. Cả ba tranh công. Cuối cùng phải đưa đến công chúa Thu-đam-ma Sa-ri. Công chúa phán: chỉ có người thứ ba là có tình yêu chân chính, vì hắn tự nguyện làm việc gác mộ là việc mà xã hội khinh thị, loại khỏi đẳng cấp đến bảy đời. Do đó hắn có quyền lấy cô gái.

Ba người vợ tranh nhau một chồng: cũng ở xứ Kham-ban-sa có một chàng trai con một nhà giàu lấy vợ sớm. Khi chiêm bao thấy số phận mình sẽ chết vì rắn cắn, hắn bèn dặn người nhà đừng hỏa táng mà cho lên bè thả sông. Sau hắn quả bị rắn cắn mà chết, vợ hắn làm theo lời dặn. Bè trôi đến một nơi có ba cô gái đang gội, nhờ người bố của ba cô có phép mầu trị rắn nên cứu được hắn sống lại. Thấy anh chàng rất đẹp trai, ba cô gái lúc đầu giành nhau làm chồng, nhưng sau thỏa thuận thả cho về. Một cô cột cho hắn một dây bùa làm hắn hóa thành con vẹt. Chim bay vào vườn nhà vua cắn phá cây quả. Người ta bắt được, đem nộp công chúa. Công chúa yêu chim, nuôi ở trong buồng. Một hôm vô tình cất sợi dây bùa, chim bỗng biến thành người. Hai người từ đấy lén lút yêu nhau; đêm là người, ngày là vẹt. Vua thấy công chúa mỗi ngày một khác, ra lệnh truy tìm rất gắt thủ phạm. Hắn nghe tin sợ quá, bay qua cửa sổ đi trốn. Vừa ra khỏi cung, sợi dây bùa rơi, hóa thành người. Bị lính lùng đuổi, hắn lọt vào một nhà nọ, có hai vợ chồng và một người con gái đang ăn cơm. Hắn nói thật với họ và cầu cứu. Nhà ấy cho hắn ngồi vào mâm ăn luôn, và khi lính vào thì nhận hắn là rể. Sau đó, hắn được nhà ấy gả con gái cho làm vợ.

Công chúa mất người yêu, dần dần đâm ra sầu muộn đến đau nặng. Các lang y bó tay. Vua cha hỏi và khi biết sự thật, vua sai mở hội trong cung, buộc tất cả mọi người phải đến dự để con gái nhận người yêu. Khi công chúa nhận ra, thì người vợ cũ của anh chàng cũng nhận ra chồng cũ. Thế là cả ba người đàn bà tranh nhau chồng. Việc đưa đến Thu-đam-ma Sa-ri, người này phán: – “Người vợ cũ khi thả chồng lên bè thế là hết duyên nghĩa, không có quyền gì nữa. Công chúa khi để cho người yêu đi trốn mà không có phản ứng ngay, cũng là hết tình nghĩa từ đó. Còn cô gái lấy sau cùng, tình nghĩa chưa tỏ ra có gì phai nhạt, nên có quyền được giữ chàng làm chồng. [13]

Truyện cuối cùng Ba anh em của Pháp, do Grim (Grimm) kể: Một người cha, tài sản chỉ có mỗi một ngôi nhà, không biết để lại cho ai trong ba đứa con. Bèn bảo các con đi học nghề, hẹn một ngày nào đó phải trở về thi tài, ai hơn sẽ được hưởng ngôi nhà. Người anh cả học nghề bịt móng ngựa. Người thứ hai học nghề phó cạo và người thứ ba học múa gươm.

Khi họ về đông đủ, giữa lúc đang chuyện trò, bỗng có bóng một con thỏ rừng sắp chạy qua, phó cạo ta lập tức lấy dao, xà phòng chờ cho con thỏ chạy ngang nhà, đuổi theo xát xà phòng và cạo nhẵn bộ lông mép mà không làm xây xát. Lát sau, một chiếc xe bốn ngựa phi qua, anh bịt móng ngựa đuổi theo cỗ xe, tháo bốn móng sắt của một con trong đoàn và thay bốn móng mới trong lúc nó vẫn phi nước đại. Để trổ tài, người con út nhân lúc trời mưa như cầm vò mà trút, lấy gươm ra múa tít trên đầu, mưa không lọt được xuống đường gươm, quần áo vẫn khô. Người cha tặng ngôi nhà cho con út. [14]

Xem thêm truyện Tranh nhau pho tượng và một truyện khác của Thái-lan trong khảo dị truyện số 39 tập I.

Theo Tân thanh tạp chí

Do Thanh Minh sưu tầm

Trong Tạp chí dân tộc học và truyền thống dân gian, các tập I, II (1920 -21). Một số truyện kể dưới đây đều trích nhặt từ tạp chí này.
Theo Tập san của hội nghiên cứu Đông Dương (BSEUI, 1886); Hoàng Lâm, Xu-van-thon. Truyện dân gian Lào; Lê Trọng Khánh…Truyện dân gian Cam-pu-chia.

Theo Hoàng Quyết, đã dẫn.

Theo bản dịch của Đơ-ve-dơ (Devèze). Tạp chí Muy-dê-ông (Le Muséum)

Theo sách Xít-đi Kur (Cái chết mầu nhiệm). Một dị bản khác nói rằng: sau khi tranh công, những người ấy rút dao đâm nhau chết.

Truyện Nghìn lẻ một đêm (Bản dịch của Ga-lăng (Antoine Galland)): Truyện hoàng tử Át-mét và nàng tiên Pa-ri Ba-nu.

Theo Quả nho rừng (tập truyện cổ tích các nước bạn). Người Pháp (vùng Hạ Brơ-ta-nhơ (Basse Bretagne)) cũng có một truyện giống truyện trên: có ba anh em ruột muốn lấy một em gái con nuôi của bố. Họ cùng được bố cho mỗi người một ngàn đồng bảo mua vật gì quý nhất thì sẽ lấy. Một người mua được cặp kính thần. Khi đeo vào hắn kinh ngạc phát hiện ra không chỉ em gái mà cả bố mẹ đang hấp hối. Một người mua được chiếc xe thần đưa cả ba về nhà chỉ trong một phút. Người thứ ba mua được ba quả táo thần đưa cho mỗi bệnh nhân một quả, lập tức sống lại. Kết quả cô gái về người mua táo vì “ táo thì bị mất còn hai vật kia vẫn còn”.(Theo Đơ-la-ruy (Delarue) và Tê-ne-dơ (Ténèze), đã dẫn).

Theo Pa-vi (Pavie). Phái bộ Pa-vi ở Đông Dưong (1879-1895)

Hai truyện này đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn.

Đều theo tạp chí Muy-đê-ông (Le Muséum), sách đã dẫn.

Theo Truyện cổ tích Miến-điện, sách đã dẫn.

Truyện trên có người kể hơi khác, như sau: ba anh em đi học: người đầu nghề mùa gươm, người thứ hai nghề bịt móng ngựa, người thứ ba không phải nghề phó cạo, mà là nghề nấu ăn. Lúc trở về, người múa gươm nhân một trận mưa đá, rút gươm múa để che cho vườn nho. Mưa tạnh, không có một là nào bị ướt. Người thứ hai cũng đuổi theo bịt móng cho một con ngựa đang kéo cỗ xe. Còn người thứ ba thấy bố mình thích món trứng tráng có nấm, anh bảo bố cầm đĩa ra đứng chực ở cổng. Tráng trứng xong, anh đánh vào cán lập- là một cái, trứng văng lên chui qua ống khói, trong khi đó anh chạy ra cổng cầm lấy đĩa hứng, trứng rơi đúng vào đĩa, mà trứng lúc ấy đã lật rồi, đưa mời bố ăn. (Theo H.Pua-ra (Pourra): Kho tàng truyện cổ tích, tập I, Truyện ba chàng thiện nghệ).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.