Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
158. RẮN BÁO OÁN
Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con. Con rắn làm tổ ở đó đã ngót một trăm năm, chỉ còn chờ ít lâu nữa là thành xà tinh có thể đi mây về gió, biến hóa huyền diệu. Vào thời ấy có một ông đồ họ Nguyễn mở trường dạy học trong làng. Thấy đám đất ở gò Rùa có mạch rất đẹp: trước mặt là đầm làm minh đường, sau lưng là gò làm án, ông đồ bèn xin làng cấp cho mình đám đất để dựng một ngôi nhà làm nơi tĩnh mịch dạy học. Được phép làng, một buổi chiều nọ trước khi tan lớp, thầy bảo trò:
Từ mai các con tạm nghỉ học một vài ngày rồi đến phát dọn hộ cho thầy đám đất bên gò Rùa kia.
Nghe tin ông đồ sắp cho người đến phá phách chỗ ở của mình, đêm ấy rắn mẹ bèn đến báo mộng cho ông đồ biết. Ông đồ đang ngủ mơ màng thấy có một người đàn bà vẻ mặt hầm hầm đến sừng sộ:
Này ông kia! Nào ta có gây thù chuốc oán gì với nhà ngươi mà nhà ngươi lại toan phá nhà cửa của ta. Muốn tốt thì chớ có động đến, nếu không thì đừng hòng ăn ngon ngủ yên với ta đâu
Nói xong quay ngoắt trở ra. Ông đồ giật mình tỉnh dậy thì trời đã sáng. Suy nghĩ mãi về giấc mộng lạ, ông chưa hiểu thế nào cả. Sực nhớ hôm nay là ngày học trò mình bắt tay khai phá đám đất hoang, ông cho rằng hẳn có ma quỷ gì ở đấy muốn ngăn cản không cho mình tới ở. Sợ tai vạ, ông đã toan bảo học trò ngừng tay, nhưng suy đi nghĩ lại, ông thấy không nên: – “Ồ, mộng mị vô chừng, tội gì phải bận tâm cho mệt”. Rồi đó ông đồ chống gậy đi đến khoảnh đất mới xem học trò làm việc. Lúc đến nơi thì thấy học trò đã dọn quang một đám khá rộng. Ông đồ hỏi: – “Các con có thấy gì lạ không?”. Học trò đáp: – “Thưa thầy, không có gì lạ cả”. – “Nếu có gì lạ hãy báo cho thầy biết nghe không”.
Đêm hôm sau con rắn lại báo mộng. Ông đồ đang mơ mơ màng màng, bỗng thấy người đàn bà hôm trước lại đến, tay bế ba đứa con nhỏ, nhưng lần này vẻ mặt thay đổi hẳn: – “Xin nhà thầy hoãn cho ba hôm nữa, để cho đàn con tôi cứng cáp đã rồi sẽ xin đi”. Thấy người đàn bà vật nài mấy lần, ông đồ động lòng trắc ẩn, nói: – “Được, được, tôi sẵn lòng để cho nhà chị nán lại ít hôm”.
Sáng dậy ông đồ nghĩ mãi vẫn chưa hiểu ra thế nào. Ông bèn đi tới đám đất đang được phát dọn xem sao. Vừa đến nơi, người trưởng tràng đã chạy đến nói với ông: – “Thầy ạ, vừa rồi có một con rắn lớn, tiếc rằng chúng con mới chém phải một nhát ở đuôi thì nó đã chạy mất. Trong hang có một ổ ba con rắn con, chúng con đều đánh chết cả”. Ông đồ bèn hiểu ra, bèn tặc lưỡi ân hận: – “Đúng là người đàn bà ở trong con rắn đã đến cầu khẩn với ta. Nhưng ta không kịp cứu bầy con nó như lời ta đã hứa”.
Lại nói đến con rắn mẹ tự nhiên bị chết mất cả đàn con lại bị thương tích nặng nề, thì căm tức ông đồ vô hạn. Nó quyết tìm dịp báo thù. Một tối trong khi ông đồ đang đọc sách ở một ngôi nhà vừa mới dựng xong, con rắn lẻn bò vào mái tranh, đến gần sát chỗ ông ngồi, toan cắn chết. Nhưng ông đồ vừa liếc thấy đã kịp hô hoán cho người nhà chạy lại. Rắn ta hoảng hốt bỏ trốn, chỉ kịp nhỏ xuống trang sách một giọt máu. Ông đồ kinh hãi nhìn lại trang sách thì thấy giọt máu nhỏ thấm tới tờ thứ ba. Thở dài, ông lẩm bẩm: – “Chắc nó sẽ báo oán đến đời con cháu ta chứ không sai”.
*
* *
Mấy chục năm đã trôi qua. Con rắn ẩn nấp trong chằm lúc này đã lành vết thương và đã trở thành xà tinh. Nhớ lại món nợ cũ, nó bèn hóa thành một người con gái rất đẹp đi tìm kẻ thù. Lúc này ông đồ đã mất, con ông cũng lưu lạc chết ở quê người, chỉ còn cháu bé lúc này là Nguyễn Trãi bấy giờ đang làm quan đại thần ở kinh đô, chức cả quyền cao, vua quan đều trọng vọng. Một hôm, Nguyễn Trãi nhân thong thả đi chơi chợ ở phía ngoài kinh thành. Con rắn biết tin, bèn hóa thành một người con gái gánh một gánh chiếu đi chợ bán. Cho nên, lúc ông vào đến chợ, đã trông thấy một cô gái trẻ tuổi đang đặt gánh chiếu đứng đọc tờ cáo thị dán ở cổng. Thấy người con gái bán chiếu ăn mặc nghèo khổ mà mặt mũi đẹp tựa trăng rằm, lại dáng điệu thanh tú, chẳng có gì là lam lũ, ông sai dừng cáng, bảo người lính hầu gọi cô tới và hỏi:
Ả tên là gì, con cái nhà ai, tại sao lại làm nghề này? Nàng đáp:
Thiếp tên là Nguyễn Thị Lộ, vì bố mẹ đã mất cả không biết nương tựa vào ai, nên đi ở với một người dệt chiếu.
Làm sao lại biết chữ?
Hồi còn nhỏ, cha mẹ thiếp có cho theo đòi bút nghiên.
Nếu vậy thì ta có bài thơ này, thử họa lại xem:
Ả ở đâu, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
Cô gái liền đọc bài thơ sau:
Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con.
Nguyễn Trãi tấm tắc khen:
Chao ôi! Tài này thật nàng Ban, ả Tạ dễ không sánh kịp! Ta đang cần một người hầu bút nghiên, chẳng hay nàng có muốn bỏ nghề bán chiếu, về ở với ta trong phủ không?
Biết là mưu đã dắt, cô gái gật đầu. Sau lần đi dạo chợ ấy, Nguyễn Trãi đưa Thị Lộ về làm hầu gái. Càng ngày ông càng yêu vì nết, trọng vì tài. Với ông, Thị Lộ vừa là một người vợ, vừa là một người bạn văn chương. Sắc đẹp của nàng làm cho cả phủ nổi ghen. Nhưng nàng lại rất khôn ngoan, biết lấy lòng tất cả mọi người. Đối với Nguyễn Trãi thì hết sức chiều chuộng, lại giúp ông thảo các giấy tờ việc quan rất trôi chảy, nên ông rất yêu dấu.
Tiếng đồn về người hầu gái của Nguyễn Trãi chẳng mấy chốc vang đi khắp nơi. Buổi ấy nhà vua đang cần một người hầu giảng sách, nghe tiếng Thị Lộ tài sắc hơn đời, vua bèn buộc Nguyễn Trãi dâng luôn cho mình. Thị Lộ lại trổ tài và hết mực chiều chuộng ông vua trẻ. Càng ngày vua càng yêu mến không rời, phong cho làm nữ học sĩ.
Một hôm, mẹ vua bị bệnh đau mắt rất nặng, thái y viện không có cách gì chữa khỏi. Nghe tin này, Thị Lộ bèn tâu vua: – “Thiếp ngày xưa, ngoài việc học chữ còn võ vẽ đôi chút về nghề y. Nếu được phép bệ hạ, thiếp xin thử chữa cho hoàng thái hậu xem sao”. Vua không ngờ nữ học sĩ lại lắm tài nghề, bèn y cho. Thị Lộ đến nơi, chỉ dùng lưỡi mình liếm vào con mắt của mẹ vua, tự nhiên bệnh đau mắt của mẹ vua khỏi hẳn, không cần tra thuốc men gì. Sau việc ấy vua lại càng yêu dấu và tin cậy.
Một hôm, vua bị bệnh đau lưỡi. Sực nhớ tới Thị Lộ, nhà vua bèn đòi nàng vào cung để chữa cho mình. Thấy đúng là cơ hội báo thù đến nơi, Thị Lộ bèn bảo nhà vua lè lưỡi cho mình chữa. Vua thè lưỡi ra, rắn liền cắn vào lưỡi một cái. Vua ngã chết ngay không kịp kêu lên một tiếng. Triều đình lập tức bắt giam Thị Lộ và bắt giam luôn cả họ nhà Nguyễn Trãi để xét xử. Chẳng mấy chốc mà cái án giết vua đã thành.Thị Lộ bị tội trảm quyết. Khi đao phủ sắp sửa đem xử tù, thì nàng xin phép được xuống sông tắm gội lần chót. Người ta y theo lời xin, cho một người lính gác tù đi theo canh giữ. Nhưng khi vừa bước xuống nước, rắn lập tức trở lại nguyên hình và trườn xuống sông mất tích. Người lính gác để sổng mất nữ tù liền bị bắt giam và theo luật phải chết thay.
Vụ án Thị Lộ, vì chính phạm trốn mất, nên búa rìu dư luận tự nhiên giáng xuống đầu cả họ Nguyễn Trãi. Theo lệnh triều đình, bà con thân thích của ông bất kể nam nữ già trẻ, tất cả đều bị xử giáo. Riêng có Nguyễn Trãi và người lính gác tù thì bị đem đi chôn sống. Người ta đào một cái hố, đẩy phạm nhân xuống rồi lấp đất lại. Đó là cách hành hình kinh khủng nhất của triều đình. Hôm thi hành bản án, người lính gác là kẻ chịu cực hình đầu tiên. Khi sắp sửa đến lượt Nguyễn Trãi, bỗng có một người đàn bà vợ anh lính gác, ở đâu chạy tới nhảy chồm lên mộ chồng gào khóc thảm thiết, đòi một hai chết theo cho trọn đạo. Trước cảnh thương tâm, Nguyễn Trãi khuyên chị:
Ta vì một người thiếp mà chết oan cả họ, còn chồng nàng thì lại vì ta mà bị thiệt thân. Thôi, nàng hãy coi đó là số mệnh, đừng khóc nữa. Hãy ngửa bàn tay cho ta ghi lại một chút dấu tích. Sau này nếu có việc gì thì đừng quên ta!
Khi người đàn bà ngửa tay ra trước mặt ông, ông bèn nhổ vào lòng bàn tay một bãi nước bọt.
*
* *
Vợ người lính gác vừa hứng lấy bãi nước bọt thì bỗng nhiên rùng mình cảm động. Từ đấy nàng có mang, đủ chín tháng mười ngày sinh được một người con trai rất khôi ngô. Nàng đặt tên là Anh Vũ. Và nghĩ rằng đó là dấu tích của vị đại thần bị chết oan, nên tuy mình họ Phạm, nàng cũng khai cho con họ Nguyễn. Khi con lớn khôn, nàng cố gắng cho nó đi học. Anh Vũ thông minh, học chóng tấn tới. Năm Anh Vũ hai mươi tuổi cũng là năm có lệnh ân xá cho cả nhà Nguyễn Trãi, vì đức hoàng đế mới lên ngôi đã thấu rõ mối oan tày trời của bậc công thần. Tất cả những của cải, ruộng đất, nô tỳ trước đây triều đình tịch thu đều trả lại cho dòng dõi của ông. Nhưng dòng dõi của Nguyễn Trãi thì chẳng còn một ai. Thấy thế, vợ người lính gác bèn đưa Anh Vũ đến kinh thành đánh trống đăng văn. Nhà vua cho gọi vào. Trước sân rồng, nàng kể lại cho vua nghe mọi việc kể từ lúc Nguyễn Trãi nhổ bãi nước bọt vào tay đến lúc mình nuôi con khôn lớn. Vua nghe đoạn trầm ngâm một hồi, rồi phán rằng: – “Đúng đây là dấu tích của Nguyễn Trãi. Chưa nói đến sự hiển ứng, chỉ xem nét mặt cũng phảng phất giống vị công thần”. Anh Vũ bèn được coi là con đẻ của Nguyễn Trãi và được bổ làm quan. Càng ngày lòng vua thương xót vị đại thần chết oan càng dồn vào Anh Vũ. Sau một thời kỳ bước dần lên nấc thang danh vọng, Anh Vũ được cử đi sứ Trung Quốc vì nhà vua biết chàng không những có tài văn chương mà còn có tài hùng biện.
Lại nói chuyện con rắn từ ngày báo được thù cũ và trốn thoát thì nó ngao du trên mọi ngả sông hồ, không có chỗ ở nhất định. Một hôm, nghe tin dòng dõi của Nguyễn Trãi vẫn còn, lòng căm tức của nó lại bừng bừng bốc lên. Lúc thuyền sứ bộ qua hồ Động Đình thì bỗng dưng mọi người thấy một con rắn lớn đuổi theo thuyền; đuôi nó như cột buồm quẫy sóng rất dữ làm cho thuyền tròng trành cơ hồ muốn chìm nghỉm. Cả đoàn sứ bộ và thủy thủ đều sợ xanh mắt. Một lúc sau, con rắn vừa lội theo thuyền vừa ngóc đầu lên khỏi mặt nước réo tên Anh Vũ. Thấy vậy, Anh Vũ biết là món nợ của tổ tiên hãy còn dai dẳng chưa thôi. Ông phải tính liệu một bề để cứu lấy mọi người trên thuyền. Suy nghĩ một chốc, ông ra đứng ở mũi thuyền nói to: – “Hỡi rắn thần, nghe ta nói đây! Hãy để cho ta làm tròn sứ mạng của nhà vua. Xong việc nước, ta sẽ về đây nộp mình”.
Nói đoạn tự nhiên sóng êm, gió lặng. Con rắn đã biến đi mất.
Mấy tháng sau, công việc giao thiệp đã xong, thuyền sứ bộ lại trên đường về qua hồ Động Đình. Rắn lại hiện ra đằng mũi thuyền sứ réo tên Anh Vũ.
Sau khi dặn dò sứ bộ mọi điều, Anh Vũ cầm một con dao nhọn vào tay và nói:
– Tôi phải xuống để báo thù cho cha tôi!
Đoạn từ mũi thuyền, chàng lao thẳng xuống mặt hồ.
Cả đoàn sứ bộ nhìn theo ứa nước mắt khi thấy vị chánh sứ trẻ tuổi của mình một đi không trở lại. Nhưng lúc ấy, bọt tung sóng vỗ, rồi máu đỏ lênh láng trên mặt nước [1] .
KHẢO DỊ
Đuy-mu-chiê (Dumoutier) kể đoạn kết truyện trên như sau:
Lúc trở về hồ Động Đình thấy con rắn thần hiện ra, Anh Vũ bèn viết hai bức thư: một cho vua Trung-quốc, một cho vua Việt-nam để nói rõ trường hợp cái chết của mình, rồi cho người mang đi. Đoạn ông mang áo mão sứ thần nhảy xuống nước. Rắn đã chực sẵn vội vồ lấy và nuốt ngay.
Vua Trung-quốc nhận được thư ông, liền sai một pháp sư nổi tiếng mang một đạo bùa đến hồ để trị con quái vật. Kết quả con rắn bị phép thần đánh chết, xác nổi lên mặt nước. Người ta kéo lên bờ mở bụng lấy xác Anh Vũ ra làm đám trọng thể, rồi chặt rắn làm ba khúc ném xuống hồ. Ba khúc hóa thành ba hòn đảo nổi lên giữa hồ, ngày nay vẫn còn. Vua Trung-quốc lại sai dựng đền thờ Anh Vũ ở trên bờ. Vì thế hồ là hồ Trung-quốc nhưng thần là thần Việt Nam [2] .
Truyện trên còn có một dị bản như sau:
Nguyễn Trãi là thái sư nhà Lê, được ở Chí-linh thỉnh thoảng mới phải về chầu vua. Một hôm, chính ông chứ không phải người ông nội của ông, nằm mộng thấy một người đàn bà xin cứu mạng cho mười ba mẹ con. Tỉnh dậy chưa kịp nghĩ ra thì đã có lệnh vua đòi. Lúc về, người nhà cho biết đã chém một con rắn có một ổ trứng mười hai cái khi dọn vườn. Ở đây cũng có chuyện rắn nhỏ máu xuống khi ông nằm võng đọc sách, thấm đến ba tờ giấy (có người kể giọt máu thấm xuống chỗ có chữ “đại” nghĩa là “đời”). Cũng có việc gặp Thị Lộ – con rắn hóa thân – bán chiếu đưa về làm nàng hầu. Khi vua Thái Tông thấy Thị Lộ đẹp, hỏi, thì đáp là con nuôi. Vua cũng sai đưa vào cung hầu hạ. Ít lâu sau vua đi chơi, đưa Thị Lộ theo. Qua Chí-linh vua ghé vào nhà Nguyễn Trãi trong lúc ông đi vắng. Thị Lộ pha trà cho vua, trong chén trà có nước bọt của nó. Vua uống chết ngay. Nguyễn Trãi về biết rõ cơ sự, liền sai đặt xác vua vào võng, cho đưa xuống thuyền nói dối là vua đau. Về đến cung, ông đánh trống cho các quan vào chầu rồi kể lại đầu đuôi nhờ các quan luận án. Thấy không một ai dám xử, ông khóc nói: – “Phép nước xưa nay tội giết vua phải “tru di tam tộc”, xin cứ thế mà làm”. Đoạn ông uống thuốc độc chết. Các quan đành lập án như lời ông, cho bắt ba đời đem giết, còn Thị Lộ thì bỏ cũi sắt dìm sông, nhưng nàng hóa rắn lội đi mất. Ở đây không có chuyện nhổ nước bọt vào tay người đàn bà, nhưng lại có tình tiết một người vợ bé của Nguyễn Trãi lúc ấy đang đi chợ, chợt nghe tin chẳng lành, bèn trốn sang nước Bồn Man, về sau đẻ một người con trai (tức Anh Vũ). Cũng có việc vua Nhân Tông biết là oan tha tội, và về sau phong tước cho Anh Vũ y như bố. Không có chuyện rắn đuổi theo làm hại Anh Vũ lúc chàng đi sứ [3] .
Người Hà-tĩnh có truyện Sự tích về chùa Thiên-tượng:
Một cụ đồ dạy học, một hôm sai học trò vỡ đám đất hoang để dựng nhà học. Cũng như truyện trên, cụ đồ mộng thấy một mẹ dắt năm đứa con nhỏ xin khoan khoan cho mình vài ba bữa. Cụ đồ sáng hôm sau dậy muộn, khi ra đến nơi vỡ đất thì học trò đã giết chết mấy con rắn con và làm bị thương con rắn mẹ. Đêm hôm ấy con rắn cũng nhỏ máu vào sách cụ đồ đang đọc xuống đúng chữ “tộc” thấm đến ba tờ.
Vợ cụ đồ sau đó có mang đẻ được một cô gái xinh đẹp. Lớn lên cô gái kết duyên với quan huyện, học trò cũ của cụ đồ. Lấy được ít lâu cô gái giết chết người vợ cả quan huyện rồi trốn đi. Cả nhà cụ đồ vì cớ ấy mà bị kết án tử hình. Còn cô gái trốn lên chùa dan díu với một chú tiểu, chẳng bao lâu chết cả hai.
Quan huyện cũng ngã bệnh nguy kịch, bao nhiêu danh sư đều bó tay. Nghe đồn một sư già ở chùa Thiên-tượng giỏi bùa phép, người nhà quan đến cầu xin, sư cho một đạo bùa bảo về cất mồ người vợ lẽ và chú tiểu đi nơi khác. Khi đào lên không thấy xương cốt, chỉ thấy hai con rắn to lớn lạ thường, bèn xúm lại đánh chết. Bệnh dần dần lành.
Trung-quốc có hai truyện rắn báo oán giống của ta:
Truyện Phương Chính Học: Phương Chính Học đời Nguyên, khi người ông nội mất sắp đào huyệt cất đám thì đứa con (tức bố Phương Chính Học) đêm nằm mộng thấy một bà già hiện ra bảo: – “Chúng tôi ở đây đã lâu, xin ông thư thả cho chúng tôi di chuyển đi một nơi khác, rồi hãy đào”. Người con tỉnh dậy không biết thế nào cả. Ngày hôm sau những người đào huyệt thấy một ổ rắn rất nhiều con, bèn dùng gậy đánh chết tất cả. Lúc ấy con dâu người chết (tức mẹ Phương Chính Học) đang có mang. Bà ta bỗng thấy một luồng hắc khí bay vào nhà nơi mình ngồi. Khi Phương Chính Học sinh ra có cái lưỡi giống lưỡi rắn. Về sau Phương Chính Học cũng bị vạ diệt tộc, người ta cho đó là do đàn rắn thác sinh vào Phương Chính Học để báo thù.
Truyện Ngô Trân: Ngô Trân đời Tống có lần đóng quân đất Thục cho người khai phá khu rừng rậm ở Kim Bình, vì sợ nơi ấy là chỗ ẩn nấp của giặc cướp. Lệnh đốt rừng sắp thi hành, bỗng có một bà già dắt con đến cửa dinh kêu rằng: – “Nghe nói tướng quân sắp cho đốt quả núi này. Đó là quân lệnh tôi không dám ngăn trở. Nhưng mẹ con tôi ở đây đã lâu, xin tướng quân cho thư thả một chút để cho chúng tôi dời đi nơi khác đã”. Ngô Trần thét mắng mụ già, mụ ra đi còn nói: – “Nếu tướng quân không nghe, sẽ bị diệt cả họ!”. Ngô Trân giục quân cứ đốt. Ngày hôm sau họ thấy ở trong núi có hai con rắn chết. Nhưng trong khi lửa bốc cháy thì một luồng hắc khí vọt bay về phía Đông Nam đúng vào lúc con dâu nhà Ngô Trần đẻ ra Ngô Hy (theo Giang hồ kỷ văn) [5] .
Chúng tôi ngờ rằng truyện Rắn báo oán của ta chủ yếu chịu ảnh hưởng từ hai truyện trên. Và như chúng tôi đã có dịp phân tích, đây là câu chuyện do tầng lớp nho sĩ bịa đặt ra nhằm huyền thoại hóa tấn thảm kịch của người anh hùng Nguyễn Trãi, xóa mờ sự thật về tấn thảm kịch ấy, để có một cách giải thích hợp với lý trí trước cái chết oan khốc của một người như ông và cả dòng họ ông. Chính vì vậy, câu chuyện có những nhân tố hoang đường, thậm chí còn xuyên tạc hình ảnh một nhân vật tài hoa như Thị Lộ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chọn vào đây để bạn đọc thấy được một tiêu bản của dạng truyện thần kỳ có cái cốt lịch sử song đã phân khai hẳn với lịch sử. Xem thêm truyện số 4, tập I, Sự tích cây huyết dụ, cũng có hình ảnh con vật báo mộng cho người.
Theo lời kể của người miền Bắc, Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn và Ức trai thi tập.
Đuy-mu-chiê (Dumoutier), Lược khảo về người Bắc kỳ.
Theo Sử Nam chí dị.
Tài liệu của Mạch Sào Quan.
Theo Lang Anh. Thất tu loại cảo, quyển thượng (Tài liệu của Trần Văn Giáp).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.