Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
164. CƯỜNG BẠO ĐẠI VƯƠNG
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát. Bố mất từ thuở lọt lòng, anh sống với người mẹ cho đến khôn lớn, rồi bỏ nhà đến đây. Vốn tính ngang tàng, từ người đến thần, anh chẳng sợ một ai, lại thường tự xưng mình là Cường Bạo. Nhất sinh Cường Bạo chỉ làm quen với Táo Quân. Lúc bắt được cá ngon tôm béo, Cường Bạo thường dọn mời Táo Quân cùng ăn. Bởi thế hai bên chơi với nhau thân thiết lắm. Những khi trời sắp bão lụt, hay ở đâu có xảy ra việc gì lạ, Táo Quân thường bảo cho Cường Bạo biết. Cậy có chỗ dựa tốt, Cường Bạo ngày càng tỏ ra kiêu căng, khinh thị mọi yêu ma thần thánh, thậm chí coi Trời chỉ bằng cái vung.
Từ ngày có vợ, Cường Bạo đối đãi với mẹ không được như trước. Đã nhiều lần anh tỏ ra ngỗ ngược quá lắm, làm cho người mẹ hết sức giận dữ, phải kêu lên đến tận Trời.
Thấy một tên dân hạ giới không tuân phép tắc, Ngọc Hoàng thượng đế phái ngay Thiên Lôi xuống trừng phạt. Nghe tin chẳng lành, Táo Quân liền báo cho anh biết. Cường Bạo vấn kế: – “Làm thế nào để tránh được lưỡi búa của Thiên Lôi?” Táo Quân đáp: – “Tối nay anh đừng có đi đâu cả, Thiên Lôi xuống thế nào cũng phải đứng trên nóc chòi. Vậy giá có một thứ nước nhờn đặt trên nóc làm Thiên Lôi trượt ngã thì hay nhất. Lúc đó chỉ việc cho hắn ăn đòn.”
Cường Bạo nghe lời, cứ theo cách ấy để trị Thiên Lôi. Bèn lấy rau mùng tơi giã ra lấy nước rồi hòa với dầu vừng thành một thứ nước nhờn sền sệt như mỡ. Đoạn anh dùng thứ ấy rưới lên nóc lều, lại quét vào lá chuối gác lên mái. Xong mọi việc, anh nấp trong xó tối ngồi đợi Thiên Lôi.
Quả nhiên đêm hôm ấy, Thiên Lôi cùng với thần Mưa thần Gió ầm ầm lao xuống. Vừa đặt chân lên nóc lều Cường Bạo, Thiên Lôi vô tình giẫm phải thứ nước trơn, trượt chân ngã lăn oạch xuống đất. Thế là Cường Bạo nhảy xổ ra cầm gậy vụt lấy vụt để. Sa cơ, Thiên Lôi bị đòn đau, cố gắng lắm mới nhỏm dậy được rồi chạy vụt về Trời. Trong khi hốt hoảng, Thiên Lôi đánh rơi cả búa. Cường Bạo mừng lắm, nhặt lấy búa Thiên Lôi làm vũ khí tùy thân. Từ đấy đi đâu cũng khoe với mọi người rằng đã đánh ngã được Thiên Lôi rồi.
Về đến Thiên đình, Thiên Lôi chẳng những đau ê ẩm cả người mà còn bị Ngọc Hoàng mắng cho một trận nên thân. Lập tức Ngọc Hoàng ra lệnh cho vua Thủy phải trừ ngay Cường Bạo vì hắn đã xúc phạm đến tướng nhà Trời. Vua Thủy vốn có một lũ bộ hạ rất đông và đắc lực. Thoạt đầu Vua Thủy giao công việc ấy cho Quận Rết. Quận Rết vâng lệnh bò đến chỗ nằm của vợ chồng chàng đánh cá, chui vào trong gối, định đến khuya sẽ ra cắn vào cổ. Táo Quân được tin, vội báo cho Cường Bạo biết. Anh bèn bảo vợ nấu một nồi nước sôi rồi đem chiếc gối nhúng vào, Quận Rết chết không kịp ngáp.
Đợi mãi không thấy Quận Rết về, Vua Thủy lại sai Quận Rắn lên. Biết hai vợ chồng Cường Bạo hay đi đái đêm ở sau hè, Quận Rắn bèn nấp vào đống rạ gần đó. Táo Quân lại kịp thời mách cho Cường Bạo biết. Đêm ấy hai vợ chồng hai gậy đón đánh dập đầu Quận Rắn.
Thấy cả hai bộ hạ có đi không về, vua Thủy vô cùng tức tối, mới tìm đến Diêm Vương kể chuyện cho nghe và nhờ báo thù.
Hà ! Hà! Việc ấy chẳng có gì khó. Để tôi sai bộ hạ lên lôi cổ nó xuống giam dưới tầng ngục thứ mười tám cho nó biết tay. Bác cứ yên trí.
Diêm Vương nói vậy, lập tức sai Quận Cú lên làm phận sự.
Quận Cú lên trần đúng vào lúc Cường Bạo còn đang đi đánh cá vắng. Đứng trên nóc lều của Cường Bạo, Quận Cú kêu lên ba tiếng. Ngay lúc đó vợ Cường Bạo nằm trong lều thiếp đi và tắt thở. Chừng Cường Bạo về thấy thế, vội vã đi cầu cứu Táo Quân, Táo Quân bảo:
Anh khéo tay, hãy làm cho tôi một cái lồng chim cho thật đẹp. Tôi sẽ có cách cứu vợ anh.
Cường Bạo đan lồng không mấy chốc đã xong. Táo Quân xách lồng đi một mạch xuống cõi âm tìm đến nhà Quận Cú. Thấy cái lồng Quận Cú vui vẻ:
Kính chào ngài Táo Quân. Ngài đi đâu mà xách cái lồng xinh thế kia. Ngài có thể vui lòng cho tôi xin được không?
Táo Quân đáp:
Thật chẳng đáng là bao, ta sẵn sàng biếu ngươi. Nhưng trước hết ngươi hãy vào lồng xem có vừa mắt không đã. Quận Cú không nghi ngờ gì cả, chui ngay vào lồng. Lập tức Táo Quân đóng sập cửa lại, bảo:
Ngươi bây giờ là tù của ta. Ta chỉ cho mở cửa là ngươi đi đứt.
Cắn cỏ lạy ngài Táo Quân. Xin ngài sinh phúc tha cho tôi.
Được thôi. Miễn là ngươi cho ta biết cách ngươi làm cho người ta chết như thế nào. Cứ nói thật đi, ta hứa sẽ thả.
– Tôi có hai cái lưỡi: một lưỡi âm và một lưỡi dương. Hễ bao giờ tôi kêu bằng lưỡi âm thì có người phải chết, kêu bằng lưỡi dương thì người sống lại.
– Ngươi hãy thè lưỡi âm ra cho ta xem.
Quận Cú vừa há miệng thè lưỡi âm thì Táo Quân bèn rút dao xẻo đứt ngay. Đoạn Táo Quân xách lồng đi gấp lên nhà Cường Bạo, bắt Quận Cú phải kêu lên ba tiếng. Tiếng kêu vừa dứt thì người vợ Cường Bạo tự nhiên sống lại. Táo Quân mở lồng cho Quận Cú về.
Diêm Vương tiu nghỉu khi thấy tướng tài của mình phái đi trở về thân tàn ma dại, bèn tâu báo lên Ngọc Hoàng biết. Ngọc Hoàng chưa bao giờ kinh ngạc và giận giữ đến như thế. Bèn hạ lệnh cho vua Thủy phải hợp sức với Thiên Lôi và các thần Mưa, thần Bão mau mau dâng nước cho thật cao làm cho vợ chồng Cường Bạo chìm xuống tận đáy biển, lôi cổ đến để trị tội. Được tin, Táo Quân lại mách cho Cường Bạo hay. Cường Bạo hỏi kế, Táo Quân bảo:
Vua Thủy và thần Mưa chỉ giỏi về nghề dâng nước đổ nước; thần Bão và thần Gió chẳng qua cũng chỉ thổi bạt đi đó đi đây. Hãy chuẩn bị làm cho cái bè thật chắc, như thế dù cho nước dâng đến tận đâu, bão thổi bạt đi đến phương nào, cũng không làm gì được. Nhưng nhớ phải chuẩn bị cái ăn và phải đề phòng Thiên Lôi đánh lén.
Cường Bạo một mực tuân lời. Lúc vua Thủy bắt đầu dâng nước thì vợ chồng Cường Bạo đã ngồi trên một bè chuối, trên bè có dựng rạp bằng lá chuối quét sẵn thứ nước trơn hôm nọ. Ngoài ra anh còn cắm mỗi góc một lá cờ và đặt trước chỗ mình ngồi một cái trống, một cái chiêng. Lại có mang theo một con gà. Chẳng bao lâu, nước dâng lên mênh mông như biển cả, ngập hết làng mạc núi non; mặt khác, bão thổi đùng đùng mỗi lúc mỗi dữ dội. Nhưng trên bè, Cường Bạo đã ung dung phất cờ giong trống chiêng. Lại giục gà trèo lên nóc lều gáy lên từng hồi dõng dạc. Đoạn đứng dậy múa lưỡi búa lấy được của Thiên Lôi và nói:
Phen này ta quyết lên phá trời một chuyến chơi! Ngọc Hoàng đang ngồi ở trên thiên đình chợt nghe tiếng chiêng trống vang lừng và tiếng hô hét, bèn phái một thiên thần xuống xem thử là tiếng gì. Thiên thần nghe ngóng lúc lâu rồi về báo là Cường Bạo đang chống cự với các thần, và nhân nước lớn đang đe dọa lên phá cả thiên đình. Ngọc Hoàng thượng đế sợ, bèn phán:
Thôi, kíp bảo Thủy thần lập tức rút nước ngay đi, và gọi các thần kia lập tức trở về Trời, mặc cho nó muốn làm gì thì làm, để dịp khác sẽ hay.
Nhờ vậy, Cường Bạo lại sống yên ổn với vợ. Anh càng yêu quý Táo Quân và không quên biện rượu thịt, thỉnh thoảng mời Táo Quân chè chén.
Nhưng một hôm, trong khi Cường Bạo đi thăm đồng, anh bỗng thấy từ dưới ruộng đi lên một con cua. Cua dừng lại trước mặt anh giương mắt, giơ cả hai cái càng đòi kẹp. Cường Bạo hề hề nói:
Thiên Lôi, Hà Bá, tao chẳng sợ thay, thứ mày tí hon có mấy sức mà dám hỗn láo. Nói rồi co chân đạp một cái như trời giáng xuống mình cua; cua chết không kịp ngáp. Nhưng Cường Bạo đâu ngờ rằng cái càng cua có mảnh nhọn xóc vào chân mình, lâu dần da thịt thối loang ra. Vợ Cường Bạo lo lắng, hết sức tìm thầy chạy thuốc, nhưng không kịp nữa. Chẳng bao lâu Cường Bạo lăn ra chết. Đó là bộ hạ của vua Thủy theo lệnh chủ tìm cách lên trần hại Cường Bạo bằng chước khiêu khích.
Người ta nói do việc Cường Bạo la hét, đánh trống chiêng, cho gà gáy, chống cự các thần và làm cho Ngọc Hoàng phải ra lệnh lui binh, nên từ đấy về sau, Thiên Lôi rất sợ tiếng gà gáy, còn vua Thủy thì lại sợ tiếng chiêng trống, tiếng la hét. Mỗi lần có sấm sét người ta bắt chước tiếng gà gáy để cho Thiên Lôi không dám bén mảng, hay khi bão lụt người ta thường gióng chiêng trống hay la hét cho Thủy thần phải trốn chạy, hy vọng nhờ thế nước lụt có thể mau rút [1] .
KHẢO DỊ
Người Bắc-giang có truyện Sự tích ông Bạo Ngược vốn là dị bản của truyện trên, nhưng ở đây truyện đã gắn bó với đặc điểm địa lý của một vùng:
Ngày xưa, ở trung tâm tổng Tiên-bát có một hòn đá lớn giống thực khí của nữ, người ta gọi là Thạch-tỉnh (giếng đá). Tự nhiên một hôm đá nứt ra, xuất hiện một người đàn ông sức khỏe tuyệt trần. Không cha, không mẹ, không thầy, không vua, ông thường làm chuyện ngược ngạo, đặc biệt là không sợ một ai, nên thường gọi là ông Bạo Ngược.
Cũng như chuyện trên, Bạo Ngược chỉ thân với thần Bếp.Người ta kiện ông lên đến Trời. Trời sai thần Sét xuống đánh, nhưng mấy lần đánh đều hụt vì nhờ có thần Bếp mách nước (các tình tiết cũng tương tự như ở chuyện Cường Bạo đại vương). Nhưng kết thúc câu chuyện lại khác. Một hôm ông đi cày, đang cày bỗng cá cày gãy, ông bèn đút ngón tay trỏ của mình vào thay cho cá cày để thanh toán nốt góc ruộng. Ở thiên đình, thần Sét thấy không có dịp nào tốt hơn thế nữa, bèn nhảy xuống đánh chết. Ngày nay, làng Hạ-lát có một khu bãi (ở tả ngạn sông Cầu) rộng độ 200 mẫu, tương truyền đó là chỗ cư trú đồng thời là nơi hàng ngày luyện tập của ông Bạo Ngược. Hình thế đất đai ở đây gồ ghề, đất chỗ nào cũng như bị cày xới lên không làm sao bằng được. Nhờ có những chiến tích đó, dân làng giành được bãi đất về địa phận mình, không để làng khác chiếm [2] .
Người miền Nam có truyện Sự tích cây tràm cũng là dị bản, nhưng lại có nhiều tình tiết đặc biệt. Đại khái cũng có một anh chàng ngỗ ngược tên là Tràm, chuyên môn nhờ ông Táo mà không nhờ vị thần nào khác. Các thần tức lắm, một hôm đem tội của anh tâu với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng sai “Thiên Lôi chuyên lột da” xuống trị tội. Ông Táo bày cho anh làm một cốt người bằng nan giống anh như hệt, đoạn tráng bánh tráng (tức bánh cuốn) dán ra ngoài nhiều lớp, rồi chui vào cối lật úp lại mà nấp. Thiên Lôi xuống thấy cốt nan tưởng là tội nhân, bèn tới lột da nếm thử một miếng thấy ngon, tức thì lột được bao nhiêu chén hết bấy nhiêu. Ăn chán, chạy về tâu với Ngọc Hoàng: “Tâu bệ hạ, nó có phép, thần lột hết tầng da này đến tầng da khác, nó vẫn trơ trơ không việc gì”. Lần thứ hai, Ngọc Hoàng sai một Thiên Lôi khác xuống. Ông Táo bày cho anh kiếm thật nhiều gà chọi thả khắp vườn, lại cột lên cả nóc nhà nữa. Thiên Lôi xuống, đi đến đâu cũng bị gà của anh nhảy lên đá, nên hoảng sợ bỏ chạy. Người ta gọi là Thiên Lôi gà đá. Lần thứ ba, Ngọc Hoàng lại sai Thiên Lôi khác. Thiên Lôi này vốn là dân nghiện. Ông Táo bày cho anh bày đèn bàn giữa giường. Thấy có đèn bàn, Thiên Lôi sà xuống tiêm tiêm hút hút. Hút no ngủ quên. Anh chàng bèn từ chỗ nấp chạy ra rút lưỡi tầm sét mà giắt đầu cán chổi thay vào. Tỉnh giấc, Thiên Lôi cầm chổi vung tít vài cái mới biết là đã mất búa, bèn hốt hoảng chạy về. Nghe lời tâu, Ngọc Hoàng nổi giận bèn cách chức.
Cũng như truyện Cường Bạo đại vương, lần khác Ngọc Hoàng sai Thủy thần dâng nước, đồng thời cũng sai hai Thiên Lôi trước cùng xuống phụ lực. Ông Táo cũng bảo anh kiếm một chiếc thuyền đặt cốt người đắp bánh tráng, xung quanh có các gà chọi, đằng mũi thuyền đặt một trống lớn, một thanh la, hễ thấy nước dâng lên đến đâu thì nổi trống và thanh la tới đấy. Chuyến ấy hai Thiên Lôi vốn đã sợ sẵn nên không dám động tay, vì vậy Thủy thần chỉ mất công chẳng được tích sự gì. Thoát nạn anh mua một con gà luộc lên đãi ông Táo. Không hiểu vì lẽ gì mà có một miếng mề là món ngon nhất lại thiếu, còn anh thì lại tưởng ông Táo ăn. Ông Táo giận để bụng, bèn tâu với Ngọc Hoàng cách trị Tràm. Thế là một hôm đang đi chơi, anh bỗng bị thiên thần bóp cổ chết, xác hóa thành cây tràm. Người ta bảo rằng cây tràm có lá nghiêng nghiêng, một cạnh ngoảnh lênh trời, một cạnh ngoảnh xuống đất, đó là dấu hiệu của sự bạo thiên nghịch địa [3] .
Người Nghệ-an có chuyện Người học trò không sợ Trời cũng là dị bản của các truyện trên:
Một người học trò thông thái từng vào Đường trong ra Đường ngoài, nổi tiếng khắp nơi, nhưng tính thì khinh người báng thần, chẳng sợ một ai cả. Một hôm anh thuê thợ đến dựng nhà. Ngày “phạt mộc”, anh bắt thợ làm đúng vào ngày “thiên hỏa địa hỏa với lại trùng tang”. Thợ nói: – “Tôi không dám làm”. Anh bảo: – “Cứ làm, tội vạ tôi chịu”. Sau việc đó Trời giận, bảo Diêm vương trị tội anh học trò. Diêm vương sai cú xuống. Cú đến nhà anh vừa kêu mấy tiếng: – “Cú cú”, anh nói ngay: – “Kêu chi đó cú? – cổ thụ vinh hoa”.
Cú bỏ đi. Diêm vương lại sai hét ma đưa lưỡi xấu ra kêu, nhưng mới kêu được một tiếng thì anh đã nói ngay: – “Kêu chi đó hét ma? – thám hoa tiến sĩ”. Hét ma thất bại chạy về. Lại đến lượt dủ dỉ. Anh cũng nói: – “Kêu chi đó dủ dỉ? – tham nghị triều đình”. Dủ dỉ cũng không làm gì được. Sau đó Diêm vương sai quỷ kéo quân tới. Sẵn có tổ ong trước thềm, anh mở nắp cho ong bay ra cắn. Quỷ bỏ chạy thục mạng. Thấy tình hình như vậy, Trời nói: – “Như thế thì ta phải lên cao mà ở” [4] .
Nguyễn Văn Ngọc có kể chuyện Làm giường cho vợ đẻ, trong đó cũng có một nhân vật không sợ thần, giống truyện vừa kể.
Một người có vợ gần đến ngày sinh, thấy xung quanh ngôi đền thành hoàng lắm tre; bèn biện một cái lễ đến đền để xin tre. Anh khấn xong, gieo tiền xin âm dương. Thần không muốn cho, nên làm cả hai đồng tiền cùng dựng đứng. Anh kia nói: – “Thế là thần cho chặt một cây đàng trước một cây đàng sau”. Bèn cứ thế chặt về đóng giường. Thần tức mình bèn tìm cách dọa anh ta, chờ khi giường đóng xong, làm cho giường chạy khắp nhà. Vợ sợ quá, nhưng chồng bảo: – “Sợ gì. Người chỉ có hai chân còn muốn đi, nữa là giường những bốn chân”.Thần cụt hứng, liền sai chim dù dì (dủ dỉ) đến đậu trước nhà kêu lên mấy tiếng. Thấy vợ lại tỏ ý sợ hãi, anh ta nói: – “Dù dì kêu chi? Tiến sĩ trạng nguyên”. Dù dì biết là không ăn thua, bay về. Thần lại sai át ma (hét ma) đến. Vợ lại sợ, nói với chồng. Chồng bảo: – “Át ma kêu à? đa điền đa cốc”. Át ma lại bỏ về. Thấy dù dì, át ma không làm gì được, thần bèn sai quân đến định bắt cả hai vợ chồng. Quân tới vừa lúc người vợ chạy vội, bị ngã. Chồng bảo đùa: – “Làng quàng như Thành hoàng mắc bẫy”. Quân nghe nói tưởng anh kia định đánh bẫy bắt cả thần, liền rủ nhau chạy biệt. Từ đó, thần để cho hai vợ chồng yên ổn [5] .
Nguyễn Văn Ngọc còn kể một chuyện khác về ông Na Á, đại thể gần giống truyện
Cường Bạo đại vương, nhưng không có tình tiết chống đối nhà Trời:
Mấy lần bị tướng của Diêm vương lên định ám hại, Na Á vẫn không việc gì. Có lần Thủy thần dâng nước lên cao để giết vợ chồng Na Á, nhờ có bè chuối, vợ chồng họ vẫn vô sự. Tuy vậy, trần gian lúc đó bị một trận lụt chưa từng có. Cho đến khi nước rút, muôn loài chết hết, chỉ còn lại hai vợ chồng. Bấy giờ không nhà, không cửa, họ phải nương náu trên cây. Vì thế có câu:
Trời làm một trận lụt to,
Để cho Na Á phải bò lên cây.
Sau đó vợ chồng sinh được năm người con trai, mỗi người đi một phương kiếm ăn. Mỗi người tìm được một vợ, sinh con đẻ cháu ngày một đông đúc. Loài người sau đó định xây một cái tháp thật cao để trèo lên thiên đình. Nhưng Ngọc Hoàng sợ họ làm loạn. Bèn khiến thiên thần làm cho tiếng nói của mỗi người mỗi khác. Vì thế không ai hiểu được tiếng nói của nhau, công việc xây tháp đành bỏ dở. Từ đấy tiếng nói loài người mỗi nơi một khác [6] .
Đồng bào Mường có truyện Rớt và Quỷ là một dị bản của truyện Cường Bạo đại vương nhưng chỉ giống ở phần cuối:
Rớt vừa sinh ra thì mẹ đã chết, được một người đánh cá đưa về nuôi. Người ấy chết,
Rớt nối nghề. Một hôm đi câu, mấy lần một hũ sành nút kín cứ mắc vào lưỡi câu. Tức mình, anh ném vỡ hũ thì có một con quỷ bước ra, người cứ mỗi lúc một to dần. Quỷ cho biết vì mình chọc con gái Ngọc Hoàng nên bị nhốt vào hũ ném xuống sông. Quỷ mấy lần biến hóa để dọa Rớt nhưng Rớt không sợ, vì thế quỷ phục và nhận Rớt làm anh. Nhờ có Quỷ, Rớt diệt được Da Nơ, lấy lông mũi và tóc của mụ làm dây câu, câu được nhiều trâu bạc lợn vàng, và cũng nhờ có mẹo của Quỷ, Rớt lấy được con Ngọc Hoàng làm vợ.
Một hôm Ngọc Hoàng hóa thân xuống thăm con gái, mới biết Rớt là một anh làm ruộng bình thường, liền tìm kế giết rể để bắt con về. Đến đây gặp truyện của ta. Đầu tiên, Ngọc Hoàng sai rắn trắng đi giết Rớt, Rắn núp trong màn đợi vợ chồng vào ngủ sẽ cắn chết người chồng. Không ngờ Quỷ phát hiện sớm, đánh một gậy chết tuốt. Lại sai rắn đen đi giết Rớt. Rắn đen ẩn trong đống tro đợi Rớt cúi xuống thổi lửa sẽ mổ vào mắt, không ngờ đúng lúc ấy Quỷ xúc tro đi đổ, thấy rắn, bèn chém chết. Không thấy rắn về, Ngọc Hoàng bảo mụ Vó xuống tìm cách giết Rớt để bắt vợ. Mụ xuống thì Rớt và quỷ còn bận việc ở ngoài đồng. Mụ uốn lưỡi kêu ba tiếng, vợ Rớt chết, quỷ vội bay lên đuổi theo. Đuổi kịp, bắt mụ trả hồn. Mụ uốn lưỡi kêu lên ba tiếng. Ở dưới trần nàng tiên tỉnh dậy. Cũng như truyện trên của ta, quỷ hỏi mụ cách làm như thế nào? Đáp: – “Tôi vốn có hai lưỡi: kêu lưỡi độc thì người chết, kêu lưỡi lành thì người chết sống lại”. Quỷ bảo mụ thè lưỡi độc rồi cắt đi, đoạn thả mụ về trời. Mụ sợ tội không dám bay về, bèn vào rừng, kiếm ăn qua ngày. Từ đó biến thành gà rừng (gà ươi). Người Mường trước đây vẫn cho tiếng kêu của loài gà này báo hiệu có người chết.
Ngọc Hoàng sợ quỷ và người lên làm loạn thiên đình, nên hóa phép nâng trời lên cao hơn để cho cách biệt với trần gian [7] .
Đồng bào Tày có truyện Người kết anh em với quỷ gần như là một với truyện trên:
Chạ – chàng mồ côi – làm được một đám đất trồng rau nhưng bị một con quỷ xuống nhảy nhót để chữa cái chân què, làm hỏng cả rau. Anh không bắt đền mà còn kết bạn với nó. Lành chân, quỷ cùng anh đi chơi đến kinh kỳ. Nhờ thuốc của quỷ, anh chữa mắt cho mọi người mà nổi tiếng, rồi nhờ chữa mắt cho công chúa mà xin được sáu chiếc “lông bù nhìn”, dùng nó, anh câu được ngựa vàng, con vật có phép ỉa ra vàng và biết bay. Lại nhờ quỷ, Chạ lấy được vợ, vợ Chạ rất đẹp làm cho Ngọc Hoàng thèm muốn Ngọc Hoàng bèn sai thiên sứ xuống định bắt cóc, nhưng quỷ cưỡi ngựa xuống trước, bảo vợ Chạ xoa nhọ nồi vào mặt, làm cho sứ giả thấy xấu xí không bắt, bỏ về, tâu rằng vợ Chạ quá xấu. Không tin, Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi đi bắt. Nhờ quỷ xuống báo trước và bày cách chổng đít lên trời, làm cho Thiên Lôi lấy làm lạ, về tâu là vợ Chạ “bị ai chém mất đầu và bổ đôi ngực”. Ngọc Hoàng vẫn không tin, lại sai tướng Mãng xuống. Quỷ lại báo trước và bày kế cho Chạ kế mời ăn cỗ trong có món củ ráy làm cho nó ngứa lưỡi. Tướng Mãng bị quyến rũ vì sắc đẹp của vợ Chạ, nhận lời mời, nhưng chất củ ráy làm cho hắn ngứa lưỡi đến điên người. Quỷ bảo hắn: – “Đã thế thì cắt đi để làm gì cho khổ”. Tưởng thật, tướng Mãng tự cắt lưỡi mình, rồi vì quá đau chạy về, không nói được nữa mà chỉ phát ra mấy tiếng “quái, quái” (cho nên ngày nay con mãng còn kêu “quái, quái”). Ngọc Hoàng giận dữ lại sai tướng Hổ mang đi bắt. Hổ mang nấp vào nồi chõ, chờ đến sáng Chạ dậy lấy chõ đồ xôi thì nhảy ra cắn. Quỷ lại mách. Sáng dậy, Chạ lấy vải bịt ngay miệng chõ, đem gác lên lửa. Nóng quá, Hổ mang kêu van xin tha mạng, sẽ không dám làm gì. Chạ mở cho ra, thì da Hổ mang đã bị phồng rộp lên và đen thui vì ám khói (cho nên ngày nay da Hổ mang còn giữ dấu vết). Thấy tướng Hổ mang thân tàn ma dại, Ngọc Hoàng bèn cất thân ra đi. Không ngờ nóng nảy vội vàng, Ngọc Hoàng ngã lộn nhào từ trời xuống đất, chết không kịp ngáp. Thấy vậy quỷ lên trời bảo các quan thiên đình: – “Nay Ngọc Hoàng đã lấy được chị dâu tôi, ngài mê mẩn không về nữa. Ngài cho tôi lên thay ngài ít lâu”. Quỷ được lên ngôi, đón vợ chồng Chạ lên trời [8] .
Truyện chàng mồ côi của người Lào cũng tương tự với hai truyện trên:
Thao Khăm-pha, mồ côi nghèo khổ ở với bà, một hôm nghe lời bà, đan một cái đó để bắt cá ở suối. Hôm sau đến xem thì không ngờ có một con cáo chui vào đó. Thấy cáo lạy lục xin tha, hứa xin báo ơn, anh thương hại bèn thả ra. Lần thứ hai một con hổ mắc vào đó. Vì hổ cầu xin nên lại thả. Lần thứ ba một con tê giác, lần thứ tư một con voi, lần thứ năm một con ma Phi Nọi, và lần cuối cùng một con rắn. Chúng đều được tha vì anh thấy chúng lạy lục và hứa báo ơn. Riêng voi tặng anh một chiếc ngà. Từ đó mỗi lần bà cháu đi vắng, nàng tiên ở trong ngà voi hiện ra dọn dẹp nhà cửa và nấu thức ăn rồi biến đi trước lúc họ về. Sau đó Khăm-pha bất chợt đập vỡ ngà voi, buộc nàng tiên phải ở với mình làm vợ. Thấy nàng tiên ngà rất đẹp, một viên quan đem việc ấy báo với vua (pha-nha). Vua buộc anh nhường vợ không xong, bèn dùng kế. Đầu tiên bắt anh mang gà đến chọi với gà mình, nếu thua thì phải nộp vợ. Nhờ cáo hóa thành gà có móng sắc đá cho gà vua chết. Lần thứ hai, vua bắt đấu bò, nhờ hổ hóa thành bò húc cho bò vua lòi ruột. Lần thứ ba đấu voi, nhờ tê giác, voi vua cũng chết. Lần thứ tư vua bắt anh thi bơi thuyền với lính của mình. Rắn hóa làm thuyền giúp anh thắng cuộc, rồi tiếp đó họ hàng nhà rắn sai con làm sập mái lầu đè lên vua. Vua chết, nhưng lại hóa thành ma Phi Hại. Phi Hại bảo bộ hạ hóa rắn nằm trong nồi chực cắn. Phi Nọi báo tin này cho anh. Anh bảo vợ nấu một nồi nước sôi đổ vào. Rắn chết, Phi Hại lại nhờ Mé Ngọt và Nốc Khậm đến cắn chết anh, nhưng chúng bị Phi Nọi giết. Phi Hại lại nhờ Bàng (cú mèo) đến kêu lên mấy tiếng. Nàng tiên ngà tự dưng tắt nghỉ. Phi Nọi bảo anh đừng vội chôn, để mình cứu. Đoạn đi tìm Bàng bảo ngồi vào sọt mang hồn nàng tiên về nộp cho Phi Hại. Khi cùng ngồi vào sọt, Phi Nọi bảo hắn thử làm cho người chết sống lại xem tài năng thế nào. Bàng “vỗ cánh rồi giơ một chân lên, đạp cánh ra, rướn cổ rú một tiếng dài”. Nàng tiên ngà sống lại. Phi Nọi kịp thời tóm lấy cổ Bàng cắt lưỡi. Phi Hại thất vọng mà chết.
Từ đó mọi người sống yên. Pha-nha chết không con nối, triều đình thấy Khăm-pha tài giỏi, liền cho voi đến rước anh lên ngôi. Anh từ chối, chỉ xin làm một người dân lương thiện như lời Phật dạy. Nghe nói thế, các quan cũng trả áo mão về nhà. Không có vua, dân chúng hưởng cảnh thái bình sung sướng [9] .
Đồng bào Thái ở Tây-bắc cũng có truyện Anh chàng lười gần như là một với truyện của Lào: Có một chàng lười tình cờ kết bạn với một con ma (phi) Gia hang. Ma bày cho anh đặt bẫy lần lượt bắt được cáo, hổ, voi, đều thả ra. Chúng hứa sẽ đền ơn, trừ voi tặng ngay một chiếc ngà. Cũng có một cô gái đẹp ra khỏi ngà, rồi trở thành vợ anh. Cũng có tình tiết vua buộc anh lần lượt đưa gà, trâu, rồi voi đến đấu với gà, trâu, voi của vua, nhưng nhờ các con vật báo ơn nên anh đều thắng, không phải gán vợ. Vua tức giận mà chết, nhưng ở đây hồn vua lên trời tâu cáo với Ngọc Hoàng (then). Từ đây hình tượng có khác với chuyện của Lào. Gia hang lên, ngồi rình ở dưới sàn nhà của Ngọc Hoàng nghe ngóng, thấy Ngọc Hoàng gọi bộ hạ xuống bắt hồn vợ chàng lười về. Một bộ hạ là sâu Ngoăn tong tâu: – “Tôi sẽ xuống đậu lên búi tóc của nó để bắt hồn”. Gia hang kịp về báo cho bạn bảo vợ bôi nhiều dầu lên tóc rồi ngồi bên cạnh nồi nước sôi.Vì dầu trơn, sâu Ngoăn tong vừa đậu lên búi tóc đã rơi tuột xuống nồi nước sôi chết. Anh quẳng cho gà ăn. Hồn sâu về trời tâu cáo. Gia hang lại lên nghe ngóng thấy Ngọc Hoàng hỏi bộ hạ: -“Ai có thể đi?” Quạ đáp: – “Tôi sẽ xuống đậu ở thềm, nếu thấy nó ra, tôi quắp vào cổ bắt hồn về”. Gia hang lại về trước dặn vợ bạn chớ có ra khỏi nhà, còn mình thì thủ sẵn cung nỏ chờ cho quạ đậu xuống, bắn một phát chết ngay. Gia hang lại theo hồn quạ lên trời, rắn nói sẽ xuống nằm trong ống thổi, khi nó nhóm bếp nấu cơm sẽ cắn lấy hồn. Chờ khi rắn chui vào ống, Gia hang lấy đá chặn lại rồi đốt lửa, rắn chết. Đến lượt ma Gia vang vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống, bắt được hồn vợ chàng lười bằng cách kêu mấy tiếng “Khloát khloát”. Lần này khi lên trời, Gia hang đã thấy nhà trời ăn mừng giết trâu mổ lợn, uống rượu linh đình. Thấy tay Gia hang cầm một cái rọ lợn, chúng xúm lại hỏi cái gì. – “Để cho trẻ con chui vào chơi rất thú”. Gia vang xin chui vào thử, và bị Gia hang buộc rọ lại xách về. Đến nhà chàng lười, Gia hang bảo: – “Mày hãy làm cho nàng sống lại, tao mới tha”. Gia vang kêu lên mấy tiếng “Mơ-né, mơ-né”, vợ chàng lười sống lại. Gia hang lại bảo: “Mày thè lưỡi tao xem”. Lưỡi của Gia vang thè ra có ba mũi nhọn, Gia hang chỉ cắt bỏ cái mũi nhọn làm cho người ta chết [10] .
Dân tộc Dao Cao-lan có một truyện đúng là một dị bản của Cường Bạo đại vương; những hình tượng của truyện này gợi cho ta rất nhiều về dấu vết một thần thoại xa xưa nay đã biến dạng:
Xưa có một người tên là Thang Vua có sức khỏe tuyệt trần, thú rừng và ma quỷ đều sợ. Thấy Thiên Lôi độc ác, anh bèn tìm đường lên trời định giết để trừ họa cho mọi người. Đi đến ngày thứ năm, một bà cụ gặp anh hỏi chuyện, rồi bày cho anh dựng một ngôi nhà nóc lợp lá ráy và lá chuối để bắt Thiên Lôi. Dựng xong, bà bảo anh giả cách đánh mình, và kêu la ầm ĩ. Nghe tiếng kêu, lại thấy người trẻ đánh người già, Ngọc Hoàng lại sai Thiên Lôi xuống trị tội. Nhưng vừa đứng lên mái nhà lá, Thiên Lôi bị hẫng, thụt hai chân xuống. Thang Vua nắm được hai chân, trói lại, nhốt vào một hang đá định chén thịt. Trong khi anh đi mời khách thì ở hang, Thiên Lôi đánh lừa hai đứa con của anh, bảo chúng cho mình xin một ngụm nước, và để đền ơn lại, Thiên Lôi nhổ một cái răng của mình bảo chúng đem gieo. Răng mọc thành một cây bầu có quả. Thiên Lôi dặn khi nào thấy mưa to gió lớn thì chui vào quả bầu. Dặn xong đâu đấy, được ngụm nước Thiên Lôi phun ra, tự nhiên biến thành bão táp mưa lụt, phá tung cửa hang. Thế là Thiên Lôi chốn thoát. Nhưng Thang Vua không phải tay vừa. Vừa về, thấy Thiên Lôi đã lên trời, anh vươn vai một cái cao lên tận mây xanh, nắm được chân Thiên Lôi kéo xuống. Nhưng bấy giờ Thiên Lôi đã nắm được cửa nhà trời, không làm sao kéo xuống được nữa, trời bẻ hai đùi đắp vào chân mình. Rồi để báo thù, Thiên Lôi tâu với Ngọc Hoàng xin cho một trận mưa bão lụt kinh khủng cho người trần chết hết. Chỉ có hai đứa con của Thang Vua nhờ chui vào quả bầu nên không chết. Chúng trở thành ông bà tổ của loài người. Còn Thiên Lôi từ đấy mình người chân gà, hàng năm vẫn chưa quên mối thù cũ, vì vậy vẫn gây nên lụt bão [11] .
Dân tộc Kơ-dong có truyện Lưỡi búa của thần sét cũng có tình tiết người trần bắt thần Sét và hình tượng con cóc gợi lên vai trò “Con cóc là cậu ông Trời” trong thần thoại của ta:
Y Reng là nô lệ của một tù trưởng, hàng ngày phải đi chăn một đàn trâu, nhưng vì bị đối đãi quá tàn tệ, một hôm liền nghĩ đến chuyện báo thù. “Phải có một lưỡi búa của thần Sét thì mới có thể giết được nó!” Bèn làm một cái bẫy sập lớn gài ở cửa hang. Đoạn bẻ cành cây làm cày, rồi bắt một con cóc vàng buộc vào bắt cày bắt kéo. Vì cóc là dòng dõi của Ngọc Hoàng, nên khi thấy thế, Ngọc Hoàng nổi giận, sai thần Sét đi đánh Y Reng. Thần Sét cầm búa nhẩy xuống, vừa đến cửa hang thì bẫy sập, bị nhốt ngay vào trong. Thất cơ, thần Sét đành phải năn nỉ, cuối cùng phải cho Y Reng búa thần để đánh đổi lấy tự do. Nhờ có búa của thần Sét, Y Reng đã tiêu diệt tên tù trưởng .
Ngành Đơ-ruôn (Tây-nguyên) có truyện Ông Sét phần nào cũng gần với truyện
Cường Bạo đại vương:
Trời sai thần Sét đem quân xuống trần đánh chết – ở đây không phải đàn ông mà là một người đàn bà – vợ anh Nâm ở một làng nọ. Trong khi Trời còn dặn dò thì một người bạn của anh Nâm ở thiên đình nghe lỏm được, vội xuống báo cho bạn biết và bàn cách cứu. Bèn sửa soạn rượu ngon thức nhắm tốt để sẵn ở chiếc lều dựng bên đường thần Sét đi qua. Đúng ngày giờ đã định, thần Sét búa giắt lưng, biến thành người, dẫn quân tới. Bạn anh Nâm mời họ vào tiếp rất niềm nở. Thần Sét chưa bao giờ được uống thỏa thích đến thế nên say mềm, cùng bộ hạ lăn ra ngủ quên. Khuya lại, tỉnh dậy thì đã quá hạn không đánh được nữa, đành lủi thủi trở về [13] .
Người Miến-điện (Myanmar) có truyện Đánh thần Sét cũng có tình tiết mời thần Sét ăn uống:
Thần Sét thấy một nhà nọ ở dưới trần có cô gái đẹp đang quay tơ, bèn nhảy xuống gây nên một tràng sấm. Thấy cô gái giật mình kinh hãi, thần nói: – “Cô đừng sợ, có tôi, tôi sẽ vì cô che chở”. Sau khi tán chuyện, thần Sét lại vác búa đi. Cô về kể chuyện vừa rồi cho chồng chưa cưới của mình. Anh bảo: – “Làm một bữa cơm ngon đón thần Sét xuống, ta sẽ có cách”. Khi thần Sét đến, anh lại dặn dò cô gái: – “Nếu thần hỏi lấy em, em cứ giả tảng đồng ý”. Cô gái dọn ăn, thần Sét không từ chối. Ăn đoạn, thần Sét hỏi cô gái về chuyện hôn nhân. Thấy cô gái gật đầu, hắn mừng: – “Tốt lắm”. Khi thần Sét hỏi ý kiến chàng trai, anh đáp: – “Đó là vinh hạnh của chúng tôi”. – “Bao giờ thì cưới được” – “Ba hôm nữa, chỉ xin đến một mình thôi”. Anh liền đặt trong bếp một cái vò miệng nhỏ, bỏ các món ăn thơm ngon vào. Đúng hẹn thần Sét đến, cô gái mời mọi người ăn uống no say. Nhưng thần Sét vốn tay ăn khỏe, còn đói, nửa đêm vào bếp lục lọi, cuối cùng chui đầu vào vò. Chàng trẻ tuổi đã rình sẵn, thấy vậy bèn hô lớn: – “Trộm! trộm! Đánh đi”. Thần Sét kinh hoàng không rút đầu ra kịp, bèn đội cả vò mà chạy. Gậy nện như mưa, may mà chạy được một quãng đụng đầu vào cột nhà, vò vỡ, nhờ vậy trông thấy đường đi thần Sét bèn một mạch phi về Trời, không dám ngoảnh cổ lại. Từ đấy, những lúc gây chuyện sấm sét ở dưới trần, thần thường giấu mặt vì sợ xấu hổ [14] . [TD1]
Trung-quốc có truyện Điền Phương Sinh đánh chết Diêm vương, tuy mang chất khôi hài, cũng gần như là một dị bản của truyện Cường Bạo đại vương:
Một nông dân mưu trí tên là Điền Phương Sinh bị Diêm vương sai một tên quỷ xuống bắt. Nghe tiếng quỷ gọi, Điền Phương Sinh nhìn qua khe cửa đoán ra nguy cơ, bèn lấy lưới làm thành một cái vợt bắt cá, rồi giả vờ lên tiếng bảo quỷ chui vào chỗ thủng của mái tranh. Quỷ rơi tọt vào lưới. Điền bắt bỏ vào chum nút kín, đoạn đào hố bỏ xuống lấp đất lại. Diêm vương chờ mãi không thấy quỷ về, bèn lại sai một tên quỷ khác đi. Biết quỷ này mắt toét, nên khi hắn gọi cửa, Điền làm bộ đáp: – “Vâng, cho tôi nấu xong nồi thuốc chữa toét mắt đã”. – “Nấu thêm cho ta với”. Anh nấu cao da bò, khi tra vào mắt quỷ, quỷ không còn thấy đường lối nào nữa, bị đẩy xuống giếng sâu. Diêm vương chờ không được, lại sai một quỷ khác xuống đòi. Thấy tên quỷ này đi chân không, Điền làm bộ nói: – “Tôi đang bận rèn một tý”. – “Rèn gì?” quỷ hỏi. – “Rèn giày để đi đường xa” – “Rèn hộ cho ta một đôi”. Điền bèn lấy lưỡi cày nung đỏ. Quỷ bị bỏng chạy về, kêu khóc ầm ĩ. Giận quá, Diêm vương bèn tự thân ra đi. Đến nơi bắt Điền Phương Sinh, Điền nói: -“Vâng tôi xin đi, nhưng ngài cưỡi ngựa thiên lý thì làm sao theo kịp, vì tôi có trâu vạn lý” – “Hãy đổi cho ta” – “Vâng, nhưng ngài phải thay quần áo kẻo nó lạ hơi người”. – “Đổi cho ta ngay”. Điền bèn đổi áo cho Diêm vương lại vẽ mặt cho Diêm vương giống mình, mình giống Diêm vương. Anh xuống trước bảo quỷ sứ đón, hễ thấy Điền Phương Sinh đến thì đánh chết tươi. Trâu đi quá chậm. Diêm vương phải cuốc bộ, cuối cùng khi về đến cõi âm bị quỷ sứ đánh chết [15] .
Tóm lại, truyện Cường Bạo đại vương có nguồn gốc là một thần thoại và dường như chỉ lưu hành trong một khu vực nhất định ở Đông nam Á, trong đó có Việt-nam.
Theo Tô Linh Thảo dịch trong Đại-nam kỳ nhân liệt truyện; Trương Vĩnh Tống. Chuyện lạ nước Nam; và lời kể của người Hà-tĩnh (Mạnh Sào Quan).
Theo lời kể của người Bắc-ninh do Nguyễn Văn Tấn cung cấp.
Theo báo Bông lúa số 46 (1975).
Theo Bản khai của thôn Bùi-ngọc.
Sách đã dẫn.
Theo Phổ thông độc bản, Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà-nội, 1933. Đoạn cuối này tương tự với thần thoại Ông bà Trống của đồng bào Ba-na (Bahnar).
Theo Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt-nam, tập III.
Theo Hoàng Quyết, Hoàng Thao, Mai Sơn…Truyện cổ Việt-bắc.
Theo Hoàng Lâm, Xu-văn-thon. Truyện dân gian Lào.
Theo Đơ-jor-jơ (Degeorge). Truyền thuyết của người Tày ở An-nam, tạp chí Nhân loại (Anthropos) (1921 – 1922).
Theo Đức Hùng, Phù Ninh. Nàng Ái Kao, Ty Thông tin văn hóa Tuyên Quang, 1974.
Theo Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập II. Truyện Em Cốc của dân tộc Hrê (Hré) cùng kể y như trên, duy đoạn kết có chi tiết như sau: Sau khi chiếm được búa của thần Sét, một hôm em làm mất một con trâu. Tù trưởng định giết em thế mạng trâu. Em xin hắn khoan cho một đêm để về cúng mẹ và từ giã dân làng. -“Được, ta cho sống đến mai”. Bèn đào sẵn một cái hố để đợi khi em đến, hắn sẽ đẩy em xuống hố, nhưng không ngờ em rút búa thần Sét ra, một ánh chớp sáng lòa nổ rầm trời. Tù trưởng chết, dân làng tới chia của cải của hắn. (Theo Đỗ Thiện, Ngọc Anh, Đinh Văn Thành. Truyện cổ Tây-nguyên).
Theo Truyện cổ Tây-nguyên, đã dẫn.
Theo Đinh Tú: Truyện cổ tích Miến-điện.
Theo Lê Bá Cơ. Đánh chết Diêm vương.
[TD1] Ở chú thích này, trong sách in là Diến-điện, mình tự sửa thành Miến-điện
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.