Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
170. VỤ KIỆN CHÂU CHẤU
Ngày ấy có một con châu chấu mải mê kiếm ăn lạc mất đường về. Tối đến, trời rét lại mưa rơi rả rích, làm cho châu chấu ta run rẩy. Nó muốn tìm một chỗ ngủ, nhưng bóng đen dày đặc chẳng biết đường nào mà lần. -“Ta có bò liều may gặp chỗ nào khỏi ướt thì nằm tạm một đêm”. Nghĩ vậy, chấu ta cứ lồm cồm bò mãi trên một cành cây mới bám được. Cuối cùng, không ngờ nó lại lọt vào nhà chim ri. Đến đây, châu chấu thấy ấm áp dễ chịu. Nhưng một tiếng hỏi cất lên:
Đêm hôm khuya khoắt, ai vào nhà tôi đó ? Khéo kẻo đạp lên mấy đứa con tôi! Thấy chim ri mẹ đứng lên hỏi thế, chấu rên rỉ đáp không ra hơi:
Tôi là chấu đây!…Đêm lạnh quá…Làm ơn cho ngủ nhờ một đêm, sáng dậy là đi ngay.
Nhà rách nát chật chội, mấy mẹ con nằm không đủ. Thôi chú tìm nơi khác đi! Nhưng chấu vẫn van nài:
Cho ghé lưng nằm một tí phía ngoài này cũng được, kẻo tôi lạnh cóng không thể bước đi đâu được nữa.
Nghe nói, chim ri mẹ thương hại, bèn đáp:
Thôi được, cho chú mày nằm ghé bên kia, nhưng phải co cẳng kẻo đạp vào mấy đứa con ta.
Thế là chấu xếp hai càng vào bụng, đặt lưng ngay bên cạnh mấy con bé của chim ri.
Chỉ một chốc sau, chấu cũng như chim ri ai nấy đều ngon giấc.
Đang ngủ say sưa, bỗng nhiên một tiếng nai kêu “tác” bên cạnh nhà. Tiếng kêu quá to làm cho châu chấu giật mình tỉnh dậy. Chấu vươn vai rồi quên mất lời chim ri dặn, duỗi thẳng đôi cẳng dài thượt của nó. Nhà chim ri vốn đặt lơ lửng trên một cành na, nhà quá rách nát vì gió đánh tả tơi lâu ngày chưa kịp chữa. Châu chấu duỗi mạnh đôi càng làm cho cả một chỗ nằm răng rắc:
– Ôi chao! Đổ mất, đổ mất.
Chim ri mẹ kêu tướng lên. Quả nhiên cái duỗi chân của chấu đã làm hại nó. Mấy con chim con bị đạp dồn về một phía, cái nhà nghiêng hẳn, chỉ một chốc rời khỏi cành na, một con chim non còn ngủ say cũng lăn theo và rơi tõm xuống sông. Mẹ con chim bay loạn xạ đi tìm thì nó đã bị nước cuốn trôi mất.
Tức giận, vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai họa cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim ri bèn đi kiện với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:
– Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?
Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả nó có gây tang tóc cho nhà chim ri, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý:
Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi.
Thấy châu chấu thức tỉnh nên Bụt cũng thương hại, bèn cho gọi nai đến, kể cho nai biết đầu đuôi sự việc xảy ra, rồi bảo:
Nhà đổ, con chết, rõ ràng là tại tiếng kêu thét của nhà ngươi. Tại sao nhà ngươi đêm hôm khuya khoắt đến đây kêu rống lên làm gì để gây nên tai vạ?
Nai vội vàng trả lời:
Oan tôi quá! Lúc ấy tôi cũng đang lim dim đôi mắt. Tự nhiên một quả na xanh rơi xuống trúng vào mặt làm tôi toáng đảm kêu lên. Vậy là tại quả na chứ không phải tại tôi.
Nghe nai bày tỏ có lý, bụt quay sang hỏi cây na:
Vì sao ngươi lại để cho quả xanh rơi trúng vào mặt con nai, làm cho nó hét tướng lên, gây tai vạ cho nhà ngươi. Người đã biết tội chưa?
Na đợi Bụt buộc tội xong, lập tức trả lời:
Bẩm ngài. Tôi đâu có muốn quả xanh của tôi rơi. Vì con sâu nó làm hại tôi, nó cắn cuống quả xanh, cho nên quả mới rụng đấy ạ!
Đến lượt sâu được Bụt sai gọi đến kể cho nghe sự tình rồi kết tội:
Nhà ngươi đã thấy rõ chưa? Nếu nhà ngươi không cắn quả na xanh thì làm gì có tai vạ xảy đến cho nhà chim ri. Vậy ngươi không tránh được tội lỗi.
Nhưng Bụt không ngờ sâu cũng không nhận tội. Sâu đáp:
Bẩm ngài, tôi vốn sống yên ở trong đám lá khô dưới kia. Ở đó tôi có nhiều thức ăn ngon lành. Nhưng mấy hôm nay có con gà ở đâu đến sục sạo tìm giết cả họ nhà tôi rất kinh khủng. May mắn làm sao, tôi ba chân bốn cẳng bò được lên đây. Chẳng có gì nhét vài bụng nên tôi phải gặm chút vỏ quả na cho đỡ đói. Nếu có rơi trúng vào nai hay con gì khác thì điều đó không phải tại tôi mà là tại con gà kia.
Lại đến lượt gà được gọi đến đối chất. Gà vốn không phải quê tại khu vực này. Nó có một đàn con. Mẹ con thường dẫn nhau đi kiếm ăn. Nhưng thức ăn ngày một hiếm. Ngày hôm kia, mẹ gà nhờ được vịt, chỗ quen biết chở qua sông hứa sẽ xin ấp trứng để đến ơn. Vì thế mấy hôm gà được no bụng. Nhưng khi nghe Bụt bụt buộc tội vì đã gây vạ cho chim ri gà đờ người không biết tìn câu gì để chống chế vì khu vực này không phải quê quán của mình. Hỏi đến ba lần, gà không trả lời được, nên bị Bụt giam lại.
Bầy con của gà có bốn con mái một con trống. Khi nghe vịt cho biết là mẹ mình bị giam ở bên kia sông thì chúng nó hết sức hốt hoảng. Chúng khẩn khoản nhờ vịt chở sang thăm mẹ. Bốn con gà mái nhớ thương mạ quá tranh đi trước. Chúng nó chỉ biết kiếm sâu tìm mồi nuôi mẹ mà không biết kêu van với Bụt để mạ được tha, nên cuối cùng lại về không. Hôm sau đến lượt con trống con đi thăm mẹ nó kể đầu đuôi sự tình vì sao Bụt bị bắt giam, gà trống con bèn đi tìm Bụt rồi phân trần:
Bẩm ngài, ngài bắt giam mẹ con quả thật oan ức. Bụt chau mày, hỏi:
Lại còn oan nỗi gì. Nếu mẹ mày cứ kiếm ăn ở bên kia sông đừng qua bên này, thì làm gì có chuyện con sâu bò lên cắn quả na xanh, làm gì có chuyện quả na xanh ấy đứt cuống rơi vào mắt con nai để con nai kêu thét lên, rồi làm gì có chuyện con châu chấu giật mình duỗi chân đạp đổ nhà chim ri và làm cho con nó chết. Chính thủ phạm là mẹ mày, mày còn kêu oan nỗi gì.
Gà trống con lễ phép thưa:
Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc sáu loài, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa. Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi khác kiếm ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu có phải là tội tại mẹ con!
Bụt thấy gà trống con cãi cho mẹ có lý có lẽ, đành phải thả cho mẹ nó về.
Thấy gà trống bé người mà khôn ngoan, ai nấy đều khen ngợi. Từ đó mỗi lần có kiện tụng việc gì, người ta thường mang gà trống theo, hy vọng nhờ sự có mặt của nó mới thắng kiện. Còn gà thì phải ấp trứng vịt để trả ơn, dòng dõi của nó sau này vẫn thế [1] .
KHẢO DỊ
Đồng bào Tây Việt-bắc có truyện tương tự: Tại sao bụng con ve không có ruột?
Xưa, chim chích kết bạn với cào cào, hai con chơi với nhau rất thân thiết. Một hôm đi làm về bị mưa to, cào cào xin nghỉ nhờ nhà bạn một đêm. Nhà chim chích chỉ có hai mẹ con chật chội, còn cào cào chân dài: mình nằm trong nhà nhưng chân lại thò ra ngoài sân. Nghe lời bạn, cào cào co chân lại và cứ thế đánh một giấc ngon lành. Cũng như truyện của ta, nửa đêm nghe tiếng hươu kêu, cào cào giật mình duỗi chân, không phải đạp đổ nhà mà đạp phải bụng con của bạn, lòi ruột ra. Chim chích kêu kiện ở xã trưởng là ké đọt – giống chim lớn hơn chim chích. Ké đọt không xử được. Nội vụ đưa lên cai tổng là bìm bịp. Bìm bịp tra vấn cào cào. Cào cào đổ lỗi cho hươu. Đến đây truyện bắt đầu khác với của ta. Hươu bị đòi đến lại đổ lỗi cho sóc: -“Vì con sóc ném quả xuống đầu tôi”. Sóc đến lượt bị đòi đến đối chất lại đổ lỗi cho ve: – “Vì con ve nó kêu nên tôi sợ tôi phải về, vội vàng đánh rơi hạt dẻ”. Lại đến lượt ve bị đòi đến, trả lời: – “Vì mưa tạnh mát trời nên tôi kêu chơi”. Bìm bịp liền kết tội ve là thủ phạm, bắt ve moi ruột gan để đền cho con của chim chích. Vì thế ngày nay loài ve không có ruột mà hàng ngày kêu chẳng có giờ giấc gì cả [2] .
Người Thái cũng có truyện: Tại sao ve (mành khằm) không có ruột? có khác với truyện của người Tày:
Một hôm Trời (Then) phái ve xuống trần để làm nhiệm vụ hàng ngày báo tin mặt trời sắp lặn cho mọi giống vật sớm tìm đường về hang ổ. Vừa xuống, lập tức ve cất giọng kêu thử. Không ngờ tiếng kêu làm cho mọi giống vật hốt hoảng. Gấu đang kiếm ăn gần đấy liền chạy nhanh về. Vội quá gấu va phải bí. Bí đứt cuống lăn xuống va phải gốc vừng. Vừng bị lay, hạt nứt nẻ văng vào mắt gà đang kiếm ăn gầm đó. Gà mắt nhắm mắt mở mổ nhầm phải tổ kiến vàng, kiến vàng bò toán loạn đốt phải chân sóc. Sóc đau nhức, chạy lung tung đạp phải cây cùn ngứa. Quả cùn ngứa (vốn đụng đâu làm ngứa đó) rơi, không may rụng trúng lưng trâu. Trâu ngứa quá chạy tìm ao để dầm mình, không ngờ đạp phải mô đất. Mô đất lăn xuống ao đè bẹp ruộng nòng nọc. Nòng nọc bèn bắt đền mô đất; mô đất đổ tại trâu; trâu đổ tại cùn ngứa; cùn ngứa đổ cho sóc; sóc đổ cho kiến vàng; kiến vàng đổ cho gà; gà đổ cho vừng; vừng đổ cho bí; bí đổ cho gấu; gấu cuối cùng đổ tại ve. Ve đổ vấy cho “Then”. Nòng nọc bèn kiện lên then. Then phán: -“Chưa tối mà đã kêu thế là chính lệnh bất nhất. Vậy ve phải rút ruột đền cho nòng nọc?”. Bởi vậy ngày nay bụng con nòng nọc thì to, con ve không có ruột [3] . truyện người Dao thì ve sầu cũng được trời giao nhiệm vụ như trên, tức là báo tin trời sắp tối cho mọi giông vật biết. Nhưng ở đây lý do sinh ra vụ kiện là vì hôm ấy ve lười không chịu đi kiếm ăn. Đói bụng ve cất tiếng kêu ảo não không đúng lúc. Các thú vật nghe tiếng ve, như thường lệ vội vã chạy về. Sóc chạy vội va cào cây chiêu cô piếu (loại cây có quả to bằng quả bưởi có cùi dày ăn được). Quả chiêu cô piếu rụng, rơi đúng xuống lưng nai. Nai giật mình chạy, vô tình dẫm phải rùa làm cho mai rùa bị rạn. Rùa bị thương nặng kiện lên trời. Trời gọi nai đến. Nai đổ cho chiêu cô piếu. Chiêu cô piếu đổ cho sóc. Sóc cuối cùng quy tội cho ve. Thế là ve ta bị trời hành tội bằng cách rút ruột. Từ đấy ve kêu không đúng giờ đúng giấc, tiếng kêu ai oán nên gọi là ve sầu. Còn rùa thì được trời chữa cho lành, nhưng mai còn mang dấu vết rạn nứt, cho đến con cháu ngày nay vẫn còn [4] .
Một truyện khác cũng của người Dao lại gần với truyện của ta, nhưng ở đây truyện được kể có phần nào thiếu lô-gic.
Sẹt sành (một loại chấu có càng to) chở thuế nộp cho vua, dọc đường trời tối, xin ngủ trọ tại nhà chim. Chim đanh ấp trứng sắp đến ngày nở. từ chối, nhưng thấy sẹt sành nói mãi cuối cùng cũng cho trọ. Đêm lại, tự dưng một cây gần đó đổ, sẹt sành giật mình đạp tung để bay ra, vì thế trứng rơi vỡ, đàn con của chim chết cả. Chim kiện lên vua. Vua bắt sẹt sành, sẹt sành đổ tại cái cây đổ làm nó giật mình. Cây đổ lỗi cho mối ăn ruỗng gốc. Vua bắt tội mối, mối đổ tại gà. Gà bị vua bắt ném xuống nước cho chết. Không biết bơi gà tưởng đi đứt nếu không có vịt tới cứu. Từ đó gà ấp trứng vịt để đền ơn [5] .
Người Ít-xra-en (Israël) có truyện Thủ phạm là con sói hung cũng là dị bản của các truyện trên:
Sói hung một hôm định giết cầy hương vì có con gửi cho nó trông hộ, không ngờ bị nó giẫm chết. Các thú vật trong rừng họp lại xử tội. Hỏi cầy, cầy thưa: -“Tôi đang ở trong nhà chợt nghe quạ khoang vỗ cánh kêu quàng quạc cố ý gây sự. Tôi vội chạy ra xem , không may giẫm phải”. Các thú vật bắt tội quạ, quạ thưa: -“Tôi nhận là có vỗ cánh kêu oan nhưng là để đối phó với khỉ đỏ đít, vì nó ở đâu nhảy tới nhe răng kêu kheng khéc”. Tra vấn khỉ, khỉ thưa: -“Tôi có làm như thế thật, nhưng tôi đâu có chủ đích đánh quạ khoang mà do nai mốc xông tới định húc, tôi phải chạy và kêu cứu”. Hỏi nai, nai đáp: -“Vì hươu sao chạy ở đâu tới húc tôi nên tôi phải chạy”. Tới lượt hươu bị tra hỏi, hươu đáp: -“Tôi đang ăn khế ở đàng kia, bỗng thấy thỏ nhanh nhẩu chạy tới giục: “Chạy đi! Chạy đi!” nên tôi hoảng quá chạy vội mà húc phải nai, chứ có muốn thế đâu”. Các thú vật nổi giận đòi đánh thỏ nhanh nhảu, thỏ thưa: -“Khoan. Vì tôi bị sói hung đuổi bắt ăn thịt nên sợ mà chạy, gặp hươu thì tôi bảo chạy ngay kẻo nguy”. Các thú vật bấy giờ nhìn lại sói hung, sói gượng gạo: -“Nhưng con tôi chết thì sao đây. Cầy hương phải đền mạng chứ”. -“Chính mày gây nên chuyện, -các thú vật thét-Con mày chết nguyên do tại mày. Gieo họa gặp họa còn gì nữa”. Sói lỉnh mất. Cáo cũng cúp đuôi chạy [6] .
Một truyện của Việt-nam: Chiền chiện và ông sư kết hợp giữa một số tình tiết của truyện Sự tích chim tu hú với Vụ kiện châu chấu:
Có hai vợ chồng con chiền chiện [7] làm tổ bên tai ông sư đẻ được một con. Một hôm chim vợ đi kiếm ăn không được gì lại bị hoa sen cụp lại nhốt ở trong không về được.
nhà chim chồng có một con cào cào vào ngủ, nhưng vì chân dài vô ý nên nó đè gãy chân chim con. Sáng dậy chim vợ về, chim chồng đánh ghen quát tháo om sòm. Chim vợ chửi cào cào đã không nhận lỗi thì chớ, lại to tiếng chối phắt làm ầm ỹ điếc cả tai. Ông sư tức mình vứt cái tổ xuống. Vì thể mà sư ta không được đắc đạo [8]
Theo lời kể của người Cao-Bằng.
Theo Truyện cổ Việt-bắc, tập I, nhà xuất bản Việt-bắc, 1973.
Theo Truyện cổ Hà-sơn-bình.
Theo Truyện cổ Hà-sơn-bình.
Theo Truyện cổ Việt-bắc, tập II, đã dẫn. Ở truyện của người Mèo kể trong Truyện cổ dân tộc Mèo, chuyện về giống chuột còn thêm một con vật nữa là Chuột. Tiếc rằng cấu trúc của truyện này phần nào đã bị phá vỡ không đúng như sơ đồ của các truyện trên;
Chuột con phá ngô bị người đánh đau. Chuột già mời ve sầu về làm thầy cúng, nhưng ve vắng nhà, chấu đi thay. Chấu đã không biết cúng lại giở lời đạo đức khuyên chuột làm ăn lương thiện, nên chấu bị chuột đánh đuổi chạy tới nhà chim đang ấp trứng, xin ngủ nhờ một đêm vì chân đau. Thương hại, chim cho nằm ghé. Cũng như truyện của ta, nửa đem có tiếng hoẵng kêu to, chấu giật mình đạp tung, trứng rơi vỡ hết. Chim kiện chấu ở Trời. Chấu lúc đầu đổ cho hoẵng. Hoẵng đổ cho cây đổ đè lên người mình, cây đổ cho gà bới ruỗng gốc. Ở đây gà tự biện bạch vì phải nuôi lấy đàn con lại không có vú, hơn nữa chỉ ăn sâu chứ không gặm gỗ. Trời đang lúng túng không biết xử ra sao, thì chấu lần này lại kể tội chuột cắn phá của người. Chấu kể đúng bệnh của chuột, nhưng chuột lại đuổi đánh nó nên phải xin ngủ nhờ. Các con chuột lúc này đều đồng thanh đổ cho chuột xấu nết. Trời bèn phạt chuột, bắt chuột phải bé người lại.
Theo Đinh Tú: Cô gái đẹp lấy chồng rắn.
Chiền chiện: ở đây là một loài chuồn chuồn cánh vàng (theo lời người kể).
Theo Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam, B- Muông chim.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.