Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

173. DUYÊN NỢ TÁI SINH



Ngày xưa, có một anh học trò trẻ tuổi nhà nghèo xơ nghèo xác. Vì có cha mẹ già, anh phải lang thang đây đó làm nghề gõ đầu trẻ để nuôi thân và nuôi cha mẹ. Mãi về sau, anh được một phú ông ở một làng nọ mời về “ngồi” tại nhà mình để dạy cho con học. Anh mừng thầm từ nay có chỗ yên thân để ôn luyện văn bài. Phú ông có nhiều nhà, y cho thầy đồ ở riêng ngôi nhà thờ ở góc vườn để được tĩnh mịch dạy học. Ngoài ba bữa cơm hàng ngày của phú ông, anh còn nhận được tiền gạo của những người khác có con đến học với anh, nên anh cảm thấy đầy đủ.

Phú ông có một cô con gái đã đến tuổi lấy chồng. Từ ngày có anh đồ tới, cô con gái cảm thấy lòng mình đỡ trống trải. Mặc dầu ở ăn cách biệt, cô gái và anh đồ vẫn nhiều phen gặp gỡ. Cô đâm ra yêu chàng ngày một tha thiết và cô cũng được chàng yêu lại. Mối tình vụng trộm cứ thế mỗi ngày trở nên keo sơn, không thể gỡ ra được nữa. Vì thẹn thò và sợ hãi, cô gái cũng không dám nói thật cho cha mẹ biết.

Hai người yêu nhau như vậy đã được vài năm. Nhưng một ngày nọ, có một nhà phú hộ khác ở cùng miền, mang trầu cau đến dạm cô cho con. Cha mẹ cô gái thấy hiếm có đám nào môn đăng hộ đối hơn thế, nên hối hả nhận lời. Nhưng khi hỏi ý kiến con gái thì phú ông đâu có ngờ rằng con mình xưa nay ngoan ngoãn là thế, trước việc nhân duyên tốt đẹp của mình lại tỏ ra khó tính lạ lùng. Cả vợ lẫn chồng hết lời dỗ dành con, nhưng không kết quả. Mãi về sau, cô gái mới cho cha mẹ biết là mình đã chỉ thề non hẹn biển với anh đồ và quyết kết nghĩa trăm năm. Nghe nói thế, phú ông từ lòng thương con chuyển sang giận dữ. Đời nào ông lại chịu hạ mình gả con cho một người kiết xác như vậy. Ông nhất định không để con gái làm sai chuyện hứa hôn. Cô gái trước còn khăng khăng từ chối, nhưng sau bị gia đình và họ hàng ép buộc, nên tuy uất ức mà đành ngậm miệng. Con về phía anh học trò biết phận mình không đất cắm dùi, nên cũng không dám tỏ bày nỗi lòng với vợ chồng phú ông. Vì vậy, sự định đoạt của phú ông coi như mười phần đã xong đến tám chín.

Thấm thoát mà đã một năm nữa lại trôi qua. Con trai nhà phú hộ sau mấy lần sêu tết đã chuẩn bị xong lễ cưới. Vì không có ai bênh vực, không một người đồng tình nên cô gái nhẫn nhục kia cảm thấy quẫn trí. Không còn biết cầu cứu với ai, cô quyết tự liều tấm thân còn hơn phải lấy người mà mình không ưa. Một đêm nọ, trước ngày đón dâu, cô trốn lên nhà học tự tình với anh đồ. Hai bên chuyện trò than vãn với nhau đến tận sáng. Cuối cùng cô gái lấy gói thuốc độc mang sẵn trong mình ra uống lén, và chỉ một lát quằn quại chết ngay trong lòng anh học trò.

Thấy người yêu tự vẫn mà trước sau vẫn không một lời bộc bạch cho mình biết, anh học trò lòng đau như cắt. Nhưng dầu không ngăn được nước mắt giàn giụa, anh cũng cảm thấy hết sức bối rối và sợ hãi, nghĩ đến cái chết bất ngờ của người yêu nhất định sẽ làm cho mình mang tai vạ vào thân.

Nếu mình đeo gông ngồi tù thì cũng đành cam chịu, nhưng cha mẹ già rồi đây biết cậy nhờ vào ai?

Càng nghĩ anh càng bủn rủn chân tay. Cho đến lúc gà gáy canh năm mà anh vẫn chưa biết xử trí thế nào. Cuối cùng anh nghĩ ra một kế. Anh đứng dậy đi kiếm cuốc thuổng rồi đào dưới gậm giường mình nằm một cái huyệt. Đào xong anh ôm lấy thi thể của cô gái mà thề với vong linh nàng:

Kiếp này duyên đã lỡ duyên

Quyết xin giữ trọn lời nguyền kiếp sau.

Sẵn có bút son trên bàn, anh viết vào tay cô gái hai câu:

Thử sinh duyên vị liễu;

Nguyện kết hậu sinh duyên [1] .

Viết đoạn, anh đặt xác cô xuống huyệt, lấp đất lại, lại sửa sang nền nhà thật cẩn thận, nhặt từng hòn đất, sắp từng viên gạch, rồi chùi rửa cuốc thuổng không để một vết tích gì khả nghi. Xong đâu đó anh lại lên giường nằm đợi trời sáng.

Lại nói chuyện nhà phú ông sáng hôm sau thấy con gái mất hút, bèn cho người đi khắp mọi ngả để tìm. Bên nhà trai nghe tin cũng cho người do la khắp miền. Nhưng ngày một ngày hai vẫn không một manh mối, không một tin tức gì mới mẻ. Phú ông đoán con gái mình vì không cam chịu ép duyên nên đã liều thân hoại thể ở chỗ nào xa xôi. Mặt khác sợ bọn quan nha lính tráng dựa dẫm vào việc này để đục khoét, nên ông cố ỉm đi không dám trình báo. Cuối cùng, sau những ngày hối tiếc thở than của bà con thân thích, sau những cuộc bàn tán xôn xao của xóm giềng, câu chuyện cô gái mất tích cùng với thời gian xóa mờ dần trong mắt trong ký ức mọi người.

Về phần người học trò, sau khi bí mật chôn xác người yêu, phần vì thương cảm quá độ, phần vì muốn tránh mặt vợ chồng phú ông, nên được ít lâu anh thôi dạy. Phú ông cho là thầy đồ thất tình, cũng không nghi ngờ gì cả. Rời nhà phú ông, anh đi thật xa, kiếm được một chỗ ngồi dạy khác, rồi cố nén đau khổ, tự rèn luyện thành tài để đợi khoa thi. Sau mười lăm năm sôi kinh nấu sử, sức học của anh uyên bác không ai bì kịp. Anh đi thi và đậu luôn tiến sĩ. Những ngày vinh quy rộn ràng tấp nập đã qua, nhà vua bổ anh làm quan ở một trấn gần kinh kỳ, bố mẹ cũng như hàng xóm mỗi lần gặp anh, ai cũng khuyên anh lấy vợ kẻo muộn người nối dõi, nhưng anh một mực mỉm cười, không gật đầu cũng không từ chối.

Hồi bấy giờ ở một thị trấn do quan tân khoa trị nhậm, có một nhà phú hộ hiếm hoi sinh được một cô gái nhan sắc sinh đẹp, nhưng lại có tật. Từ lúc sinh ra, mấy ngoan tay cô bị váng dính liền nhau, và vì thế bàn tay trái luôn nắm lại không thể mở ra được. Thấy con tật nguyền, nhà phú hộ lấy làm buồn phiền. Họ bắn tin ra hễ ai chữa khỏi cho con gái mình thì sẽ vui lòng hậu tạ tất cả gia sản.

Bao nhiêu danh y nội khoa, cũng như ngoại khoa tìm đến chữa chạy bằng đủ các món thuốc, nhưng cô gái chứng nào vẫn tật ấy.

Quan tân khoa lúc mới tới vùng đó đã loáng thoáng nghe được tin này. Mặc dầu đó là cái tin hơi lạ, quan tân khoa vẫn không bận tâm. Mãi về sau, nhân một chuyến đi hành hạt, quan ghé vào nhà phú hộ định bụng xem thử cho biết. Thấy có quan đến nhà phú hộ tiếp đón rất trọng thể. Nghe con hỏi về chuyện bàn tay con gái, chủ nhân cho biết con gái mình đẻ vào ngày, tháng, năm nọ, nhưng vừa lọt lòng không may đã mang tật nguyền. Nghe lời trình bày của phú hộ, quan đã lấy làm chột dạ, vì ngày tháng năm sinh của cô gái này lại trùng khớp một cách lạ lùng với ngày tháng năm mất của người yêu của mình trước đây. Quan liền nói:

– Chúng tôi cũng biết chút nghề y. Cụ hãy cho cô em ra đây thử xem sao.

Nhà phú hộ vào buồng dắt cô gái ra, khi thấy mặt nàng, quan bỗng nhiên bồi hồi xúc động, vì giống hệt mặt người yêu xưa, hầu không sai một nét. Quan liền sai người hầu múc đến cho mình một thau nước lã. Đoạn quan cầm bàn tay nàng nhúng vào nước, rồi tự mình vuốt các ngón tay. Tay quan vuốt tới đâu, váng bỗng trôi đi tới đó. Cuối cùng năm ngón búp măng của cô lại xòe được ra như thường. Khi mấy ngón tay vừa duỗi một mối kinh ngạc đến với mọi người, vì họ thấy lộ ra những dòng chữ:

Thử sinh duyên vi liễu,

Nguyện kết hậu sinh duyên.

Mười chữ son vẫn còn đỏ thắm trong bàn tay cô gái. Nhưng tất cả mọi người lấy làm ngạc nhiên hơn khi quan luôn tiện kể lại câu chuyện cũ của mình chôn kín trong lòng từ bao nhiêu năm nay: nào là hai người yêu nhau ra làm sao, cô gái nhà phú ông nọ bị ép uổng như thế nào, cuối cùng cô đã tự tử vào lúc nào và được mình chôn cất, thề bồi, v.v… Quan ứa nước mắt kể mãi, kể mãi; sau đó quan chỉ vào cô gái và nói:

– Thật là có trời! Đúng là một cuộc tái sinh không thể nào ngờ được!

Nhà phú hộ sau đó gả cô gái cho quan và biếu chàng rể tất cả gia sản làm của hồi môn. Đám cưới tổ chức rất linh đình, co vị đại thần, người của nhà vua về dự. Rồi quan đưa vợ về quê chào cha mẹ họ hàng. Quan còn không quên đưa vợ tìm đến nhà phú ông cũ, người đã đón mình ‘ngồi” dạy học tại nhà ngày trước. Thấy người đàn bà giống với con gái mình thủa xưa như đúc, phú ông rất đỗi kinh ngạc. Phú ông càng ngẩn người khi nghe quan kể lại câu chuyện về đứa con mất tích thủa nào. Mới đầu phú ông tỏ ý không tin. Nhưng khi quan chỉ chỗ chôn cô gái ở gậm giường, và sai đào lên, quả đúng như vậy.

Từ đấy quan nhận cả hai người phú hộ làm ông nhạc, và ăn ở với cô gái trọn đời [2] .

KHẢO DỊ

Một dị bản cũng do người Hà-tĩnh kể, có phần khác về đoạn kết:

Cô gái tái sinh làm con bà bán nước ở chợ (không phải là con nhà phú hộ). Tay cô bị què bẩm sinh. Quan tân khoa làm tri huyện, nghe tin, một hôm đi qua quán nước dừng lại mua bát nước uống. Cô múc nước vào bát bằng một tay cầm đưa cho quan. Quan cho là vô lễ không nhận đòi phải bưng hai tay. Tự nhiên tay cô gái không què nữa, hai tay bưng được bát. Uống xong quan nắm lấy tay cô gái vuốt tới đâu, ngón tay mở được đến đấy. Hai chữ “tái sinh”(ở đây là hai chữ, chứ không phải mười chữ) lộ ra, quan bèn kết hôn với nàng.

Còn có hai truyện khác của ta cũng tương tự với truyện trên:

Ngô Trí Hòa làm đến thượng thư đời Lê, người làng Lý-trai huyện Đông-thành (Nghệ-an), lúc nhỏ học ở kinh đô trọ nhà một người lính. Bên hàng xóm có cô gái 18 tuổi, con gái một người binh phiên người làng Nhân-mục (Hà-đông) thấy ông thì yêu, hai bên thề thốt nặng lời. Mẹ cha cô không biết chuyện ấy, gả cô cho một người làng. Cô không chịu. Cũng như truyện trên hôm sắp rước dâu đêm canh ba, cô đến nhà ông tự ải. Ông sợ quá bí mật đào huyệt dưới giường, cũng lấy son viết vào bàn tay mấy chữ:

Thử duyên kim vị liễu,

Tái kết hậu sinh duyên.

Rồi chôn. Sau ông thác kế di trú ngụ chỗ khác. Nhà binh phiên cũng không biết con gái đi đâu.

Mười năm sau ông đậu tiến sĩ, làm tả tham chính Sơn-tây đến sáu bảy năm. Ngoài công đường khi ấy có cô con gái bán trầu 16 tuổi.Người nhà cho biết cô gái ấy trong lòng bàn ấy có hai câu thơ. Ông gọi vào xem thì đúng là nét mình. Sau đó ông cưới nàng làm vợ kế. Hồi này người binh phiên làm trưởng lại ở thừa ty Sơn-nam. Người ta đùa gọi hắn là ông nhạc vờ (giả phụ ông), gọi ông là rể vờ (giả nữ tế) [3] .

Võ Hoàng làm đến thượng thư nhà Lê, vốn người xã Lương-giang, huyện Lạng-tài (Kinh-bắc). Lúc trẻ, ông đỗ hương cống, lấy con gái của Đàm Cử (Thượng thư cầm đầu sáu bộ) ở làng Đông-ngân cùng tỉnh, mới 16 tuổi. Hai người rất yêu nhau. Không ngờ được nửa năm, vợ chết. Ông rất thương, lấy bút son viết vào tay mấy câu thơ: “Con gái quan Thượng, là vợ giám sinh, nàng sao lại đi? Lòng ta sầu bi”.

Về sau, ông thi hội đậu tiến sĩ, làm tham chính Sơn-tây. Bấy giờ ở làng An-lạc cùng tỉnh, có một cô gái nhận lễ cưới của nhà trai, rồi giở quẻ không chịu lấy nữa. Bên nhà trai kiện cô ta là bội phu. Vụ kiện đưa cô đến thừa ty là nơi Võ Hoàng nhậm chức. Người nhà ông cho biết bị cáo từ khi sinh ra đã có mấy chữ son ở tay, xóa mấy cũng không sạch. Ông cho gọi cô đến, xem ra thì đúng nét chữ của mình ngày xưa, bèn lấy làm vợ thứ [4] .

Việt-nam còn có chuyện Kiếp này chẳng lành để dành kiếp sau, cũng là một dị bản của truyện trên:

Có hai người học trò kết bạn, giao ước gả con cho nhau. Về sau một người giàu một người nghèo, nhưng họ vẫn không làm sai ước cũ. Cô con gái người nhà giàu lúc về nhà chăm lo làm ăn không quản ngại khó nhọc. Một hôm vợ gánh đồ đạc cho một đám cưới. Gặp một bọn chăng dây ra một câu đối hiểm hóc, cả đám nhà trai không ai đối được. Người vợ về gọi chồng vốn là học trò thi mãi không đỗ ra giúp. Chồng gỡ rối cho đám cưới bằng văn chương tài hoa của mình. Cả đám cưới, ai nấy đều khen ngợi tài học của anh. Một thầy số cho biết sở dĩ anh chưa đỗ đạt làm nên là vì số vợ cản trở. Người vợ nghe được tin này, để cho chồng khỏi phải vướng vì mình, bèn tự tử. Chồng không ngờ vợ lại thế, thương quá, viết vào tay vợ hai chữ “tiết nghĩa” khi khâm liệm.

Về sau người chồng đi thi đỗ cử nhân. Viên chánh chủ khảo khoa thi vốn có một người con gái độ 15, 16 tuổi, cũng như các truyện trên, từ lúc mới sinh bàn tay đã nắm lại không duỗi ngón ra được. Nhưng khi quan tân khoa đến bái yết chánh chủ khảo, tự nhiên cô gái chạy ra đón anh, ban tay bỗng xòe ngón ra dễ dàng. Nhìn thấy trong lòng bàn tay cô có hau chữ “tiết nghĩa”, anh bèn kể lại câu chuyện cũ của vợ mình trước đây. Nghe đoạn, chánh chủ khảo gả cô gái cho anh làm vợ [5] .

Một truyện nôm Sơ kính tân trang cũng có sử dụng tình tiết tái sinh, tuy phần nào mờ nhạt và không nói đến hình ảnh về bàn tay có tật:

Phạm kim nhân một chuyến du lịch tình cờ quen biết Trương Quỳnh Thư. Đôi bên thi từ xướng họa trải hai năm yêu đương. Dự định kết hôn thì bỗng ngày nọ chàng có việc phải về quê, trong khi đó nàng bị một đô đốc chính quyền mới uy thế nghiêng trời, buộc bố nàng phải gả con cho mình. Trước tình thế nghiêm trọng, nàng chỉ biết viết thư báo tin chàng đến, rồi đang đêm lén tới chỗ trọ cùng chàng than thở. Ở đây cũng có việc viết chữ vào lòng bàn tay: “thiếp nay tuy (tay) có son in; “Quỳnh nương” hai chữ thì xin nhớ cùng”. Trở về, nàng uống thuốc độc tự tử, còn chàng thì đau xót bỏ đi tu. Về sau chàng lấy Thụy Châu là người vốn do bố mẹ xưa kia “ước hẹn gương lược’. Nhưng trong lòng chàng vẫn khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi người vợ mới ngửa bàn tay có dấu chữ để chồng nhận ra đó là hậu thân của người yêu cũ, mới hết băn khoăn. “Nàng (Thụy Châu) nghe nói đến chữ “Quỳnh”; nghĩ tiền duyên hẳn là mình chẳng sai. Ngửa tay xem dấu tỏ mười; Vậy hay sinh hóa cơ trời lạ thay!” [6] .

Người Nghệ-an có truyện Cái hoa chanh (hay hoa khế) có nội dung khác hẳn, trừ hình ảnh bàn tay nắm lại. Mặc dầu vậy nó vẫn cho phép ta xem như cùng mô-típ với các truyện trên:

Một anh chàng cưới vợ, giữa tiệc cưới ban đêm, có họ hàng hai bên cùng dự, thì bỗng nhiên có giấy của nhà vua về bắt anh phải đi lính thú ngay, không được chậm trễ. Hai vợ chồng mới không biết tính sao, đàng xin phép bọn lính tráng hương chức cho mình một lát để đưa nhau ra gốc chanh (hay gốc khế) tự tình. Đoạn chồng từ giã vợ ra đi.

Trong những ngày chồng vắng mặt, thì người vợ ở nhà có thai. Làng xóm bắt vạ người đàn bà, lấy cớ chồng vừa cưới đã phải đi ngay, sao lại có con. Người vợ thẹn thò không biết trả lời thế nào, đành chịu nộp vạ. Đủ ngày tháng, sinh được một đứa con trai mặt mũi khôi ngô, nhưng bàn tay luc nào cũng co ngón lại, ai mở cũng không được. Sau năm năm hết hạn lính, người chồng trở về. Thấy bàn tay con như thế, anh ngồi lại khẽ vuốt ra. Cũng như các truyện trên, vuốt đến đâu tay cháu bé duỗi ra đến đó, không ngờ giữa lòng bàn tay có một cái hoa chanh (hay hoa khế), tang chứng cho lòng trinh bạch của người vợ [7] .

Người chăm-pa có truyện Con gà trắng và chiếc nhẫn đồng, phần nào gần gũi với mô típ của truyện Cái hoa chanh, ở chỗ trong lòng bàn tay là một đồ vật chứ không phải dòng chữ, nhưng tiến triển của truyện lại có nét khác biệt:

Cặp Thành Chớ và Mơ Nai vốn từ nhỏ được bố mẹ – nông dân nghèo khổ – ước hẹn làm thông gia. Lớn lên, họ cùng đến ở đợ cho nhà phú hộ nhưng vẫn yêu nhau thắm thiết. Để tỏ lòng chung thủy, một hôm họ làm lễ thề nguyền một con gà trắng cúng trời và bẻ đôi chiếc nhẫn đồng mỗi người giữ một nửa để làm vật tin. Thấy Mơ Nai đẹp, con trai phú hộ định bắt về làm vợ lẽ, bèn đuổi Thành Chớ ra khỏi nhà. Thành Chớ lén đưa Mơ Nai đi trốn nhưng không thoát. Mơ Nai bị đánh đập, sầu não rồi ốm thành bệnh mà chết. Thành Chớ lúc ấy mồ côi bố mẹ, đón mẹ Mơ Nai cũng bị nhà phú hộ đuổi về – về nuôi. Nhớ người yêu, một hôm Thành Chớ đánh đồng xuống âm phủ tìm. Khi gặp, họ xin được phép vua âm phủ cho Mơ Nai được về dương gian.

Từ đó mẹ Mơ Nai không chồng mà có thai. Trong khi đó Thành Chớ bị quan bắt giam vì cho là tội phạm, người mẹ Mơ Nai đẻ được một đứa con gái, càng lớn càng xinh, nhưng có bàn tay nắm lại như các chuyện trên. Thấy nàng đẹp, nhiều người muốn lấy, nàng đặt điều kiện bất kể là ai hễ chữa được tay mình thì lấy làm chồng. Trai trong vùng thi nhau đến nhưng không một ai mở được. Một hôm, một người ăn mày từ xa xin đến chữa. Mặc dầu bị bọn con trai dè bỉu, người ấy vừa chạm vào tay nàng thì tự nhiên ngón tay xòe ra được. Trong lòng bàn tay cô ấy lúc ấy có nửa chiếc nhẫn đồng.

Người ăn mày thấy vậy cũng rút trong người ra nửa chiếc khác, đem so lại thì vừa như in. Đó là Thành Chớ, bao năm bị giam chấp lang bạt, nay mới trở về. Sau đó hai người thành vợ chồng [8] .

Đồng bào Dao có truyện Nghĩa vợ chồng cũng là một dị bản, nhưng ở đây có những tình tiết lạ hơn, và ngay mô-típ chính của truyện cũng không phải là chữ viết hay một vật gì đó trong lòng bàn tay, mà là vết sẹo:

Một anh chàng sau khi đi lính thú một năm thì vợ ở nhà chết. Sau ba năm anh về, sắp tới chân núi quê nhà, chợt thấy bóng dáng một người đàn bà giống vợ mình, lại gần thì mất. Về nhà mới biết là vợ đã chết, mà bóng ấy chỉ là bóng ma. Theo dấu, anh cất công đi qua nhiều nơi, lội qua nhiều suối lạ. Tới một xóm, anh xin nghỉ nhờ. Qua ngày mai, ông cụ chủ nhà dẫn anh đi nhận mặt một phụ nữ trong xóm ra gánh nước, trong đó tìm được một người đúng là vợ anh. Nhưng phải bằng cách phun nước vào mặt vợ do ông cụ bày cho, người vợ mới nhận ra chồng. Sau đó vợ đưa chồng đi xa, nhưng mặc dầu bằng nhiều cách, vợ chồng vẫn không thể nào lội qua được những dòng suối mới. Vợ bèn bảo chồng: -“Chỉ còn có cách đầu thai làm kiếp khác mới nên vợ nên chồng được”. Đoạn cầm một cái kéo. Rồi biến mất.

Chồng sau đó phiêu lưu mãi, lạc tới một vương quốc nọ, đi chăn trâu cho nhà vua. Hoàng hậu đẻ được một công chúa xinh nhưng khó tính. Khi kén chồng, công chúa cứ đòi xem bàn tay chàng trai nào đến làm rể. Đàn ông tứ xứ đổ về hầu khắp lượt, nhưng công chúa vẫn chưa tìm ra người mong đợi. Chỉ còn một người chăn trâu cho nhà vua đã luống tuổi không có ước mong được làm phò mã nên chưa dám tới thử. Nhưng đến lượt chàng, công chúa nhận ra cái bàn tay có vết sẹo hình cái kéo (ở đây không thấy nhắc đến vết sẹo trong lòng bàn tay công chúa). Công chúa quyết định lấy làm chồng trước sự bực tức của vua cha. Nhưng giữa tiệc cưới, công chúa đã hóa phép làm cho chồng trẻ lại[9].

Trong Liêu trai chí dị có truyện Chử Sinh cũng có hình ảnh bàn tay của người tái sinh có đề chữ, nhưng nội dung khác hẳn các truyện của ta:

Một người họ Trần đỗ hiếu liêm có người bạn thân là Chử Sinh. Nhà Chử nghèo mà Trần thì giàu. Trần thường trả tiền học giúp đỡ Chử. Việc ấy bị người bố biết nên sau đó ngưới bố bắt con về không cho học nữa. Thấy thế, thầy học bèn nuôi Chử ăn học coi như con. Ít lâu sau bố Trần chết, Trần lại theo học với thầy cũ, nhưng sức học của anh đã bị Chử bỏ xa. Đến kỳ thi, Trần lo không thể đỗ. Chử bèn tình nguyện đi thay bạn. Hôm thi, Trần bỗng thấy có người dắt mình đi chơi, khi trở về thì nhằm vào lúc những người trong trường thi bước ra cổng. Trần nhìn Chử thì thấy bạn tựa hồ không phải Chử mà diện mạo lại giống mình như đúc. Hỏi thì mới biết Chử đã là ma, lúc này đang mượn xác Trần để đi thay cho bạn, Chử cho Trần biêt là nay mai sẽ về đầu thai làm con thầy học. Lúc hai người chia tay, Chử bảo Trần viết vào lòng bàn tay mình mỗi bên một chữ “Chử”.

Về sau, Trần đến thăm thầy học cũ, vừa gặp lúc vợ thầy sinh con trai, anh mở bàn tay đứa bé quả thấy có chữ “Chử”.

Sau hết, Truyện Nàng Câu Dặc của Trung-quốc cũng đáng xếp vào dạng dị bản nguyên thủy của các truyện trên:

Theo Hán Vũ cổ sự thì nàng Dặc từ khi lọt lòng, bàn tay vẫn nắm lại không mở ra được. Khi nàng lớn lên, Hán Vũ Đế nghe tin lạ bèn triệu đến xem. Cũng gần như các truyện trên, khi vua mó vào, bàn tay cô gái tự nhiên mở ra, nhưng khác với truyện trên là trong tay không phải có chữ mà lại có viên ngọc “câu”. Vua bèn lấy làm vợ[10].

Hai câu này cũng đồng nghĩa với hai câu lục bát ở trên.

Theo lời kể của người Hà-tĩnh.

Theo Đại-nam Kỳ truyện.

Theo Đại-nam Kỳ truyện.

Theo Lưu Văn Thuận, Phạm Văn Phuong. Truyện cổ tich. q. I.

Theo Phạm Thái. Sơ kính tân trang (Khảo thích của Lại Ngọc Cang), nhà xuất bản Văn Hoá, Hà-nội,1960

Theo Bản khai sách Hữu-lập, sách Vĩnh-lại và sách Nhiêu-hợp. Truyện này cũng khá phổ biến ở nhiều địa phương miền bắc.

Sau đây, xin dẫn một truyện kể vào thời kháng chiến chống pháp về “Một nữ du kích bí mật” mà Trần Tiến cho biết là đã sưu tầm được ở Nam-hà, để bạn đọc thấy một cốt truyện như truyện cổ tích Cái hoa chanh có sự tự phát tiến triển, chuyển hóa sang cốt truyện hiện đại, và vẫn vận động theo quy luật của nó với tính cách là một thực thể văn học dân gian. Nói cách khác, khi một truyện kể được lồng vào với cốt truyện cũ, thì truyện dù biến dạng đến đâu, thay đổi sắc thái và kết cấu như thế nào, cái cốt truyện cũ cùng với những mô-típ cơ bản nói chung vẫn được giữ lại. Ở đây, hình tượng bàn tay nắm lại và cái hoa chanh còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn với cả những nét thần kỳ của nó.

Một cô gái ở vùng địch hậu lấy chồng được hơn một tháng thì làng bị chiếm đóng. Cô tham gia du kích và tình báo trong khi chồng trốn ra vùng tự do. Để tiến hành điều tra hành động của giặc, cô phải chịu đựng tủi nhục đóng vai lẳng lơ, và lập được nhiều công trạng mặc dầu bị dư luận chê bai. Một hôm cô được lệnh bí mật tiếp một cán bộ quân báo của ta do cấp trên cử về tại một khu vườn chanh bỏ hoang. Không ngờ người cán bộ đó lại là chồng của mình, cô bèn cùng chồng qua một đêm ân ái; từ đó có mang , bị người làng và bố mẹ chồng phỉ nhổ. Rồi cô sinh được một bé gái có bàn tay nắm chặt không mở được. Ít lâu sau, giữa khi làng sắp được giải phóng thì cô bị một mảnh đại bác của địch vô tình giết chết. Chồng về chỉ còn gặp con, bàn tay con tự nhiên mở ra được, trong đó có cái hoa chanh, chứng tích của đêm ân ái. Xem thêm toàn truyện trong Tạp chí văn học, số 4 (1970).

Theo Truyện cổ Chàm, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà-nội, 1978.

Theo Doãn Thanh, Lê Trung Vũ. Truyện cổ Dao.

Dựa theo tích truyện này, người ta bày trò chơi “tàng câu”, một trò chơi chủ yếu có một nguời cầm giấu trong tay một vật gì đó để đánh đố đối phương. Trò này cũng phổ biến ở Việt-nam. Theo Lê Quý Đôn thì đời Hồng Đức người ta lập đàn lễ phật bày trò chơi tàng câu là có ý làm cho quỷ thần vui vẻ. Trò này có người đóng vai Đại tạng Đinh Thiên Quý làm quản giáp tục gọi là “con giáp” (kép). Lại cho gái đẹp đóng vai nàng Câu Dặc. Lại truyền cỗ năm sênh phách tục gọi là “lá phách”. Một là hồi trống đầu trò chơi tàng câu, tục gọi “tiếng cơm tầm vông”, một là mã la, tục gọi “tiếng nàng dịch dịch” (Kiến văn tiểu lục).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.