Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ



Ngày xưa, có một chàng đánh cá trẻ tuổi có giọng hát trong trẻo du dương. Nhà chàng vốn nghèo, tài sản chỉ có một con thuyền nhỏ và một túp lều dựng ở ven sông. Ngày ngày chàng chống thuyền ra giữa sông cùng với cha buông câu thả lưới làm kế sinh nhai. Trong khi làm việc, chàng thường cất cao giọng hát. Tiếng hát ấy vọng khắp xa gần làm cho mọi người ưa thích. Tiếng hát ấy còn làm cho một nàng công chúa thủy phủ say mê. Hàng ngày nàng vẫn đội lốt cá quanh quẩn bên thuyền để được nghe tiếng hát của chàng trai người trần.

Một hôm, giữa khi đang mê mải nghe hát bên cạnh thuyền, nàng công chúa thủy phủ không may sa vào lưới. Khi gỡ cá dính lưới, người bố chàng trẻ tuổi thấy có con cá lạ có vảy đỏ lóng lánh đẹp mắt thì ném vào lòng thuyền định để cho con nuôi chơi. Nhưng rồi ông già lại quên đi không cho con biết. Cho nên, mấy ngày đầu sống dưới gầm thuyền chẳng có gì ăn, nàng công chúa thủy phủ sắp lả ra vì đói. Nhưng may sao, buổi sáng hôm sau, chàng trẻ tuổi đang ăn bỗng đánh đổ cơm lọt xuống gầm thuyền, nhờ vậy cá ta mới được một bữa no nê. Thấy cá lội tới đớp những hạt cơm rơi, chàng trẻ tuổi vội bắt lấy, ngắm nghía mãi không chán. Từ đó chàng bỏ cá vào chậu hết sức chăm chút cá không khác gì bạn thân.

Một hôm, chàng trai bắt cá lên ngắm nghía, chẳng may buột tay đánh rơi cá xuống sông. Vắng nhà lâu ngày mới được thả ra, nàng công chúa đội lốt cá lập tức quay trở về thủy phủ.

Cuộc chia ly gây nên niềm thương nỗi nhớ giữa hai bên. Chàng trẻ tuổi rất ân hận là đã đánh rơi cá đẹp xuống sông. Chàng rất nhớ cá, hàng ngày chàng cứ nhìn xuống mặt nước hy vọng tìm lại con cá quen thuộc. Về phần cá thì không quên được sự ân cần chăm sóc của chàng trẻ tuổi cũng như giọng hát mê ly của chàng. Nhưng từ ngày bị sa lưới trở về, nàng công chúa bị bố mẹ canh giữ ráo riết. Không được nghe tiếng hát quen thuộc, dần dần nàng nhuốm bệnh. Thấy bệnh con ngày một nặng, bố mẹ nàng tra hỏi. Nàng đành thú thật: không những mê tiếng hát của chàng trai trẻ trên trần mà còn ao ước được kết duyên với chàng. Nghe nói thế: vua Thủy đùng đùng nổi giận. Vua hạ lệnh phải canh giữ con gái mình nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng sau đó, nhờ hoàng hậu thương con ôn tồn khuyên can nên cơn giận của vua cũng dần dần nguôi. Khi thấy công chúa ngày một héo hon, cuối cùng, vua cũng đành để cho nàng toại nguyện.

*

* *

Ba năm trôi qua…

Lúc này chàng đánh cá trẻ tuổi vẫn làm nghề cũ giọng hát của chàng văng vẳng trên sông vẫn trong trẻo du dương. Nhưng người bố của chàng thì đã vắng bóng. Bây giờ chàng dựng một túp lều bên cạnh hòn Non-nước nổi lên giữa dòng sông mênh mông như một hòn đảo.

Một hôm ngồi trên thuyền câu, chàng đang cất cho giọng hát, thì bỗng một con cá vảy đỏ lóng lánh nhảy lên mạn thuyền. Bắt cá lên tay, chàng thấy cá nhìn mình đầy trìu mến. Bỗng chốc cá biến thành một cô gái xinh đẹp làm cho chàng kinh ngạc.

Nàng là ai? Chàng đánh cá hỏi.

Thiếp là con cá nhỏ năm xưa từng được chàng ân cần chăm sóc.

Nói rồi cô gái kể lại cho chàng trai biết mọi việc xảy ra sau khi trở về thủy phủ.

Đoạn nói tiếp:

– Bây giờ hãy làm ơn cho thiếp sống bên chàng để được ngày ngày nghe chàng hát.

Chàng đánh cá từ đấy có vợ. Chàng hát nhiều hơn trước. Hai vợ chồng sống với nhau êm đềm sung sướng.

Câu hát trong dân gian:

Xung quanh những chị em ngồi,

Giữa hòn Non-nước mình tôi với chàng.

là nói lên cuộc tình duyên êm đẹp đó[1].

KHẢO DỊ

Một truyện Duyên tiên kể có hơi khác như sau:

Có hai cha con một người dân chài ở hòn Non-nước. Con là Lý Lâm một hôm tát thuyền nhặt được một con cá nhỏ sót lại, có vây đỏ óng ánh đẹp mắt, bèn thả vào chậu nước, đặc biệt săn sóc. Cá lớn lên trông thấy và dưới dạng một cô gái đẹp thường trò chuyện với Lý Lâm trong giấc mộng. Một hôm có tên hào cường thấy cá đẹp toan bắt, nhưng Lý Lâm cố giữ, hai bên giằng nhau. Chậu vỡ, cá tuột xuống nước đi mất. Đó là con gái vua Thủy bị sa vào lưới nay mới trở về. Nhưng những ngày ở cõi trần được thấy Lý Lâm, nàng đâm ra tương tư. Lâu dần sinh bệnh, nhưng nàng không dám nói thật với bố. Khi vua Thủy biết sự thật, ông ra lệnh cho các tướng canh giữ nghiêm ngặt. Nhờ có người nữ tỳ dùng kế phục rượu cho các tướng say mềm, cô gái vua Thủy lại tìm đường đến hòn Non-nước hóa thành người, gặp lại Lý Lâm. Hai người trở thành vợ chồng rất tương đắc.

Truyện còn thêm một đoạn kết có chất khôi hài là: một hôm nữ tỳ lên báo cho vợ Lý Lâm biết vua cha gọi nàng về gấp, có các tướng sắp tới bắt. Mưu kế cũ lại bày ra. Vợ

Lý Lâm dọn tiệc cho thuồng luồng, ba ba làm cho hai tướng mềm môi, nhưng trong rượu có thuốc độc nên cả hai đều chết cả. Sau đó mưa to gió lớn nổi lên, các tướng khác của vua Thủy kéo tới định bắt cô gái bướng bỉnh, nhưng họ lại bị dân làng hết sức che chở chống cự, nên không làm gì được. Từ đấy hai vợ chồng sống yên ổn[2].

Dân tộc Cor có truyện Nàng tiên cá cũng là một dị bản của các truyện trên:

Một anh chàng đánh cá có một túp lều bên bờ hồ. Hàng ngày quăng lưới, anh hát giọng hát du dương, có lúc lại đánh nhạc chiêng. Một hôm kéo lưới thấy nặng tay, bỗng có một bàn tay người giơ lên vẫy vẫy, và có tiếng nói: – “Xin chàng thả em ra!” Kéo lên thì là một cô gái đẹp da trắng, tóc đen nằm gọn trong lưới. Chàng đánh cá ngắm không chán mắt, đoạn buông thả. Về đến thủy cung, cô gái thầm cảm ơn chàng trai. Về phía chàng trai cũng đâm ra nhớ cô gái, lại ra chỗ cũ kéo lưới. Cô gái cũng tìm đến chỗ cũ để được nhìn mặt và nghe giọng hát của anh chàng người trần. Một hôm, nàng bỏ thủy cung lên bờ, hai người đẹp duyên. Nàng tiên cá sau đó đẻ được hai người con trai đều giống bố. Lớn lên chúng lấy vợ người làng, cũng sinh con. Một hôm, có một trận bão dữ dội thổi nàng tiên cá ra hồ, rồi biến mất. Không thấy vợ trở về, chồng khóc thương vô hạn. Hàng ngày, chàng thường ra chỗ gặp gỡ cũ ca hát, nhưng giọng không còn trong trẻo nữa. Đau buồn, thất vọng, chàng chết, người ta chôn bên cạnh lều. Thế rồi một hôm nàng tiên cá lại xuất hiện, đến lều tìm chồng. Đêm nào nàng cũng ngồi cạnh mộ khóc than, nhưng không thể làm cho chồng sống lại được nữa[3].

Truyện Chàng Ta Luông của người Dao có đoạn đầu cũng cùng một mô-típ với hai truyện trên, duy đoạn sau thì gắn với hình ảnh một số truyện như: Nàng tiên trong vỏ ốc (Khảo dị truyện số 118) và Ai mua hành tôi? (số 135), đều ở tập III, như sau:

Ta Luông khỏe mạnh, đẹp trai, nhưng mồ côi, nhà nghèo, sống bằng nghề đốn củi và câu cá, có giọng hát rất hay làm cho các cô gái trong vùng mê như điếu đổ, nhưng anh chưa để ý một ai. Gần vùng có một vực sâu ăn thông với các sông hồ gọi là Vũng-sâu. Ta Luông ngày ngày câu ở đây. Tiếng hát của anh vang đến tận thủy phủ làm cho vua đây là Long vương nghe mê mẩn, ngày nào cũng biến thành một con cá nhỏ đến nghe. Không ngờ một hôm có một ông lão kéo vó gần đó cất được “cá nhỏ”. Thấy cá đẹp, Ta Luông xin về chơi nhưng không biết bỏ vào đâu, cuối cùng lại thả xuống vũng. Được giải phóng, Long vương cảm ơn anh bằng cách cho người lên mời ân nhân xuống chơi thủy phủ, đãi anh rất hậu, và khi anh về tặng anh một bình nước thần có thế làm mưa lụt. Như các truyện trên, công chúa con gái Long vương sau khi gặp Ta Luông mê anh đến tương tư thành bệnh. Long vương can không được, cuối cùng cho lên trần lấy Ta Luông nhưng bắt thu hết phép mầu. Công chúa hóa thành con cá vàng theo trận mưa rơi xuống ở nhà Ta Luông, được anh nuôi trong một vại nước. Từ đấy nhà Ta Luông ngày ngày có cơm canh dọn khi anh vắng mặt. Anh để tâm rình, và cuối cùng biết cá vàng chính là nàng công chúa mà anh gặp ở thủy cung và anh cũng thầm yêu trộm nhớ từ ngày ở thủy phủ về. Từ đấy họ thành vợ chồng.

Nhưng công chúa rất đẹp khiến Ta Luông không muốn xa vợ giây phút nào. Vợ bèn tự vẽ chân dung của mình cho anh ngắm nghía trong lúc đi làm. Bức tranh ấy một hôm không phải bị quạ tha mà bị một cô láng giềng của Ta Luông vì ghen yêu nên trộm lấy đem dâng một tên vua hiếu sắc. Thế là trong khi Ta Luông vắng nhà, vua cho lính bắt vợ chàng về kinh. Nhận ra dấu hạt cải do vợ rắc. Ta Luông tìm đến kinh đô. Trong khi đó thì tên vua vẫn chưa chinh phục được cô gái thủy phủ, vì từ lúc vào cung nàng vẫn không chịu nói cười. Và nàng chỉ cười khi nghe tiếng hát của chồng từ ngoài cổng thành. Thấy vậy, vua sai đưa Ta Luông vào. Cũng như truyện Ai mua hành tôi, nhưng ở đây không có gánh hành, vua buộc chàng đổi áo quần hy vọng có giọng hát hay như anh ta. Vừa đổi xong thì Ta Luông đã hô lính chém chết vua và khi bọn lính nhận ra Ta Luông không phải là vua thì chàng đã giội bình nước thần, thành một trận lụt, nhận chìm hết chúng. Ta Luông từ đó lên ngôi vua[4].

Loại truyện cùng một sơ đồ như các truyện trên có khá nhiều ở các dân tộc anh em cũng như ở Đông nam Á, nhưng mỗi truyện có ít nhiều tiến triển và sắc thái khác nhau. Ví dụ truyện Nàng Long Nữ và chàng Tam Lan của Trung-quốc cũng nói đến một chàng trẻ tuổi có tiếng đàn (hay sáo) tuyệt vời làm cho con gái Long vương nghe mà mê mệt và thầm yêu trộm nhớ, nhưng cũng bị bố giam giữ không cho liên lạc với người yêu như truyện của ta. Cuối cùng được một nhân vật khác giúp, chàng trẻ tuổi dọa đun sôi nước biển khiến cho Long vương hoảng sợ, buộc phải để cho đôi bên lấy nhau, v.v… Xem thêm các truyện Chàng thổi khèn (Khảo dị số 135, tập III), Tiếng khèn Tồng Páo (Khảo dị số 149) của người Mèo, Anh Ba và quan thổ ty (Khảo dị số 148) của người Choang (Trung-quốc), đều ở tập IV, v.v…

Người Nùng có truyện Tài Xì Phoòng[5] gần như là một với truyện Người con gái cá của người Xạ Phang (xem Khảo dị truyện Của Thiên trả Địa, số 42, tập II) đều có một số hình ảnh có phần tương tự với các truyện trên.

(HẾT TẬP IV)

Theo Đinh Gia Thuyết. Non nước Ninh-bình, trong Thực nghiệp dân báo và theo lời kể của người Ninh-bình.

Theo Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam, tập III.

Theo Đỗ Thiện, Ngọc Anh, Đinh Văn Thành. Truyện cổ Tây-nguyên, đã dẫn.

Theo Hoàng Quyết, Hoàng Thao, Mai Sơn,… sách đã dẫn.

Xem Hoàng Quyết. Truyện cổ Tày Nùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.