Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

195. LÀM CHO CÔNG CHÚA NÓI ĐƯỢC



Ngày xưa có một nàng công chúa con một ông vua nước nọ nổi tiếng xinh đẹp, nhưng có điều đặc biệt là nàng vốn ít điều ít lời, thường rất hà tiện lời nói. Trừ những lúc thật cần thiết, còn ít khi nàng chịu mở miệng nói ra. Khi công chúa đến tuổi lấy chồng, nhà vua cho niêm yết khắp nơi rằng cho phép bọn con trai bất kể là sang hay hèn, thôn quê hay thị thành, ai có cách làm cho con gái mình nói lên ba câu thì sẽ gả ngay cho người đó. Nhưng nếu trong một ngày mà không làm xong thì sẽ đánh trăm trượng, đuổi về.

Tin kén rể của nhà vua loan ra, đã có nhiều chàng trai, trong đó không thiếu gì hàng công tử vương tôn, đến xin thử thách, nhưng đều không thành công, cuối cùng đành phải nhận lấy trận đòn máu rơi thịt nát mà về. Bởi vậy cũng đã lâu năm rồi, hoàng gia vẫn chưa kén được phò mã.

Một hôm, có một chàng trai trẻ tuổi trông vẻ khốn khó, ngốc nghếch, tên là Mồ Côi, tự dưng ở đâu tìm đến cổng hoàng thành xin nộp đơn. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, bọn lính thị vệ toan không cho vào. Nhưng rồi tuân theo niêm yết, họ đành phải thu nhận. Theo lệ, người ta dẫn Mồ côi vào hoàng cung cho ở ngoài sân trước cửa lầu của công chúa sau khi bắt đọc kỹ một lượt tờ niêm yết. Đoạn báo tin cho công chúa biết để chuẩn bị. Trong khi đó có những viên quan đã cắt đặt sẵn, ngồi ở sau màn làm phận sự theo dõi để chứng thực việc công chúa có nói hay không.

Người ta thấy buổi sáng hôm ấy Mồ Côi bước vào sân, chưa nghĩ đến việc tiếp xúc với công chúa đã bắt đầu lo bữa ăn trưa của mình. Anh hỏi mượn nồi, xin củi, vo gạo, tìm đá kê làm bếp ở ngay bên thềm. Nhưng đá kê anh chỉ nhặt có hai hòn mà đít nồi thì tròn, nên đặt lên mấy lần đều bị nghiêng đổ. Mỗi lần nồi đổ, Mồ Côi lại kiên nhẫn xê dịch hòn đá, nhưng dù sửa soạn thế nào, nồi đặt lên cũng chông chênh chỉ toan lật xuống. Bấy giờ công chúa ngồi trên lầu nhìn xuống, thấy chàng trai loay hoay mãi với hai hòn đá kê đã bao nhiêu lần mà nồi vẫn đặt không vững, nên cảm thấy bực mình. Nhân một lúc nồi lại nghiêng nghiêng sắp đổ, công chúa nói chõ xuống:

– Tìm một hòn đá nữa mà kê!

Nghe theo lời, Mồ Côi chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi tìm một hòn đá thứ ba đưa về, bấy giờ nồi đặt lên mới vững. Sau khi trút gạo vào nồi, Mồ Côi bắt đầu đánh đá lửa. Anh đánh đi đánh lại nhiều lần đều không được. Vì anh đặt bùi nhìn lên phía trên đá nên tinh lửa tuy bật ra nhưng đều không bén vào bùi nhùi. Anh đánh no nê chê chán vẫn không ăn thua, vì mỗi lần không được anh lại sửa soạn ở chỗ hòn đá, chứ không soạn chỗ bùi nhùi. Trên lầu nhìn xuống, công chúa thấy sốt cả ruột, nên vào lúc đánh đến lần thứ mấy mươi, nàng bèn nói chõ xuống:

– Đặt bùi nhùi xuống dưới!

Như cái máy, Mồ Côi nghe theo lời, sửa lại vị trí bùi nhùi thì quả nhiên đánh lửa bén ngay. Vẫn không một lời cảm ơn hay nói gì với công chúa, anh cứ cắm cúi làm công việc của mình. Sau khi cơm canh đã chín, Mồ Côi nấu luôn ấm nước chè. Nước sôi rồi, có việc rót nước từ ấm vào cái bầu nậm mà chàng thường mang theo bên người. Miệng bầu nậm thì bé, miệng ấm thì rộng nên anh rót chảy cả ra ngoài. Anh cố sửa soạn để nước chè khỏi chảy phí mất, nhưng mỗi lần làm là một lần mất công, nước vẫn lênh láng ra ngoài. Thấy thế, công chúa bực mình bảo:

– Đặt vào đấy một chiếc đũa!

Mồ Côi lại cúi đầu làm theo. Quả nhiên nước chảy theo đầu chiếc đũa lọt gọn vào miệng bầu nậm.

Bấy giờ vị quan làm phận sự theo dõi công chúa đã đến gặp vua, nói:

Tâu bệ hạ. Công chúa đã nói chuyện với chàng trẻ tuổi đến lần thứ ba. Hạ thần đã ghi xong.

Vua lấy làm ngạc nhiên, sai dẫn Mồ Côi tới xem mặt. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, vua không được hài lòng. Nhưng nghĩ rằng biết bao nhiêu người không thể làm cho con mình mở miệng, thì người này hẳn là phải có tài năng xuất chúng gì đây, vả lại một ông vua không bao giờ hai lời, nên cuối cùng quyết định gả công chúa cho Mồ Côi.

KHẢO DỊ

Về hình ảnh nhân vật anh hùng “ăn mặc lôi thôi” xin vào thử thách, có người kể đó là một anh chàng ăn mày đóng khố.

Về hình ảnh bắc nồi cơm trên hai hòn đá, đồng bào Thái (Nghệ-an) có truyện Hai anh em, đại ý nói: Có hai anh em: anh đã có vợ, em chưa. Anh để vợ ở nhà đi buôn. Vợ sau đó bỏ nhà, theo con một tên phú hộ. Em cất công đi tìm không được. Anh về nghi ngờ và mắng mỏ em, định giết. Trước hết bảo em nấu cơm. Em bắc nồi trên hai cái cọc đóng làm kiềng. Anh bảo: – “Sao ngu thế, kiềng hai chân bắc nồi sao được”. Cơm chín, em lại đưa cho anh một chiếc đũa. Anh cũng bảo: – “Sao ngu thế, đũa phải có đôi chứ!” Người em mới dùng hình ảnh “kiềng ba chân” và “đũa có đôi” để khuyên anh nghĩ lại. Người anh hối hận từ đó mới biết vợ bội bạc, và ăn ở hòa thuận với em.

Tương tự với truyện của ta trên kia, đồng bào Tày có truyện Nói khoác mất con gái mà người Nùng, người Dáy cũng kể giống nhau:

Một trưởng giả giao hẹn nếu ai làm cho con gái mình nói được ba câu trong một buổi thì sẽ cho không làm vợ. Chạ – chàng trai nghe tin này đến trong một ngày giỗ để giúp việc mổ lợn – xin được thử (ở đây không có chuyện phạt một trăm trượng như truyện của ta) và nhờ các bô lão có mặt trong ngày giỗ làm chứng hộ. Lần đầu, chàng bảo cô gái trưởng giả đi gánh nước để về đun sôi cạo lông. Nhưng cô mất công gánh bao nhiêu lần đổ xuống vô hiệu, vì Chạ đặt sấp chảo. Lần thứ mười một, cô gái không nén được bực mình, bảo Chạ: “Phải lật ngửa chảo mới đổ được. Dốt ơi là dốt!”. Thế là Chạ có được câu nói thứ nhất. Nước đun xong, Chạ bảo cô gái giữ lợn cho mình chọc tiết, nhưng anh không đâm bằng mũi dao mà lại đâm bằng chuôi làm cho cô gái phải đè lợn hết sức vất vả vì những cái quẫy của nó. Bực mình cô gắt: – “Đâm đằng mũi ấy. Dốt ơi là dốt!”. Chạ lại được câu nói thứ hai. Tiệc ăn xong. Chạ cùng cô gái làm phận sự rửa bát, nhưng anh lại bỏ tất cả đĩa bát vào sọt toan xóc xóc như kiểu rửa rau, khiến cô phải kịp thời ngăn lại với câu. – “Rửa từng cái một chứ. Dốt ơi là dốt!”. Thế là Chạ cỏ đủ cả ba câu nói của cô gái và được các bô lão chứng thực, làm cho trưởng giả đành phải y ước gả con [3] .

Riêng truyền đồng bào Cao-lan kể, có một vài tình tiết hơi khác. Lần đầu, để buộc cô gái phải nói, là việc chàng Mồ Côi – ở đây là Mô Côi – lật úp chảo như trong truyện trên. Lần thứ hai không phải đâm chuôi dao vào lợn mà chàng Mồ Côi buộc thòng lọng vào đuôi lợn để bắt lợn – “Phải buộc vào chân thì mới trói nổi lợn, chứ buộc vào đuôi thì trói nổi gì”, cô gái kêu lên thế. Lần thứ ba, không phải rửa bát mà là dọn cỗ. Mồ Côi đã có chú ý giấu đi một số đũa làm cho khách mấy mâm phải ngồi chờ. Bị bố trách, cô gái phải đi gọi Mồ Côi lấy đũa cho khách. Thế là ba lần cô gái mở miệng, kết quả Mồ Côi thắng lợi buộc phú ông phải y ước gả [4] .

Một dị bản khác của người Dao thì cô gái mở miệng nói ra không phải ba mà đến năm lần. Mỗi lần cô nói, chàng trai lại bập một nhát dao vào cột để đánh dấu. Lần đầu chàng trai làm phận sự bắt lợn để giết thịt, lại nhè phải con lợn nái. Cô gái kêu lên. – “Ấy, mổ con lợn béo trong chuồng chứ!”. Lần thứ hai chọc tiết lợn, anh cầm dao chọc vào đít lợn. Tiếng cô gái: – “Ấy chọc ở cổ, sao lại ở đít”. Lần thứ ba cạo lông, anh chỉ giội vào lợn bằng nước lã. Lại tiếng cô gái: – “Phải nấu nước sôi giội vào chứ!”- Lần thứ tư luộc lòng, anh cứ để nguyên bộ lòng lợn cả phân. Cũng lại tiếng cô gái: – “Ấy phải thuôn cho sạch phân đã chứ!”. Lần thứ năm, cũng như một truyện trên kia, khi làm phận sự rửa bát, anh cũng cầm sọt xóc lên xóc xuống. – “Xóc thế vỡ mất thôi!”. Cô gái than. Anh thắng cuộc [5] .

Cũng cùng một mô-típ trên nhưng khác hình ảnh, có truyện của người Ma-rốc (Maroc): Công chúa Sát-sa hay là Mát-cút-sa:

Một công chúa rất đẹp nhưng cũng rất ác, tuyên bố chỉ lấy người nào làm cho mình nói, nếu không, trong hạn một đêm phải chém đầu. Những chàng trai khinh suất chết vì việc này khá đông, phơi ở cổng thành đã đến 93 thủ cấp. Một ông vua nước láng giềng có bảy người con trai. Do biết việc trên, nên trước khi chết vua di chúc lại dặn con không được vượt quá biên giới. Người con cả lên nối ngôi, một hôm đi săn ở núi, không ngăn được tò mò, bèn vượt qua, rồi phi ngựa đến kinh thành. Một bà già ở một hang gần đấy cản lại nhưng hắn không nghe, chỉ gửi ngựa và túi vàng lại, rồi tiến vào xin được thử thách. “Đã biết điều kiện chưa?”, vua láng giềng hỏi – “Biết”. Bèn đưa vào, đi qua bảy tấm màn. Ở đây cuộc thử thách không tiến hành ban ngày mà là ban đêm. Hoàng tử cùng công chúa ngồi ăn uống với nhau nhưng không ai nói một câu. Trời sáng, sắp đến giờ đọc kinh, hoàng tử bị điệu đi xử tử. Hoàng tử thứ hai đến lượt mình lên ngôi, cũng lại đi và cũng thất bại bỏ xác. Bốn người em khác cũng lần lượt lên ngôi và cũng chịu rơi đầu. Hoàng tử út thề quyết báo thù. Sau khi lên ngôi, chàng cũng ra đi, nhưng xin vua láng giềng hạn cho trong bảy ngày. Vì hắn giỏi chơi đàn nên vua cho ở một ngôi nhà xinh để đánh đàn. Nghe nói, công chúa tức mình vì mình vốn thông hiểu luật lệ và phong tục, vội cãi: – “Xử như thế là sai, phải chia như thế này Ngàythứ sáu, công chúa vẫn không nói một câu. Nhưng những con chim bồ câu sau khi được nghe những bài đàn bèn nói với nhau: – “Làm sao để cứu cái anh chàng cho chúng ta nghe những tiếng đàn êm tai kia khỏi chết?”- “Làm sao?”, con khác hỏi. – “Chúng ta hãy đến giả bộ xin anh ta xử cho một việc, thế nào rồi công chúa lại chẳng tham gia”. Sang ngày thứ bảy, những con bồ câu đến đậu ở cửa sổ xin phân xử: chúng tôi có ba chị em chia của, con thứ nhất đòi chiếm 3/6, con thứ hai chiếm 2/6, còn lại 1/6 thì con kia không chịu. Xin anh phân xử hộ. Hoàng tử út nói: – “Phải chịu như thế.này…”.Viên quan ngồi sau màn ghi chép ngay lời nói của công chúa. Thế là hoàng tử thắng cuộc, mang công chúa về làm vợ [6] .

Theo lời kể của người Thái-nguyên.

Theo Truyện cổ Thái, sách đã dẫn.

Theo Hoàng Quyết, Hoàng Thao, Mai Sơn…, sách đã dẫn.

Theo Truyện cổ Việt-bắc, tập III, Nhà Xuất bản Việt-bắc, 1976.

Theo Doãn Thanh, Lê Trung Vũ. Truyện cổ Dao, đã dẫn.

Theo Mô-ha-mét En Pha-si (Mohamed El Fasi) và Đéc-men-ghem (Dermenghem – Truyện cổ tích Pha-dít (Ma-rốc).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.