Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI VÀ TỪNG BƯỚC ĐỊNH HƯỚNG



Vừa ngừng viết và xuất bản “Kho sách bạn trẻ”, đang chưa biết làm gì thì anh tôi nhận được thư của người anh cả (Nguyễn Kinh Chi, tên thân mật trong nhà là Kinh) đề nghị cùng vào Kon-tum sống với anh cho vui vì anh cả tôi là y sĩ Đông-dương đang được điều lên phụ trách bệnh viện ở đây. Đối với một thanh niên 18 tuổi thì đây là một chuyến đi không gì thích thú bằng. Thế là vào khoảng cuối 1933 đầu 1934 anh tôi thu xếp lên đường. Vào đến Kon-tum, anh Kinh tôi mới nói lên ý định muốn hai anh em cùng cộng tác để nghiên cứu, viết một cuốn sách giới thiệu phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của người Thượng ở Kon-tum, cụ thể là người Ê-đê, Ja-rai (Djarai), Xê-đăng. Anh Kinh vì bận việc chuyên môn nên chỉ có thể tìm hiểu, tham khảo trên tài liệu, sách vở của Pháp là chủ yếu, còn anh Gióng thì được phân công đi vào các bản làng để khảo sát thực tế.

Thời đó viên công sứ Pháp mà tôi còn nhớ là Ghi-ơ-mi-nê (Guilleminet), là một học giả dân tộc học có tiếng; ông đã viết một số sách nghiên cứu các dân tộc ở Tây-nguyên. Anh Kinh đã đến gặp và trình bày ý định của mình và được viên công sứ nhiệt tình giúp đỡ, cho mượn nhiều tài liệu để đọc. Còn anh Gióng, ở cái tuổi trai tráng, anh nhận lời đi ngay vào các buôn xung quanh thị xã, làm quen, kết bạn với các thanh niên dân tộc ở trong vùng. Anh sắm một bộ y phục dân tộc gốm khố, áo, khăn choàng để đến đêm mặc vào đi chơi với bạn. Anh sưu tầm những mẩu chuyện dân gian, những bài ca hoặc câu hát đối đáp nam nữ, đi xem những lễ hội đâm trâu… Anh đã đóng rất nhiều sổ tay để ghi chép và khi về, mang về hàng tập dày. Điều làm tôi chú ý là những cuốn sổ tay ấy toàn bằng những phong bì đã gửi, khéo léo gỡ các mép dán ra và đóng lại; chả rõ anh cóp nhặt từ bao giờ và ở đâu mà nhiều đến thế. Nhân dân các buôn anh thường đến đã dành cho anh nhiều cảm tình, nhất là các cô thiếu nữ thì yêu anh lắm – anh thường nhận được những vết cấu thâm tím của các cô gái trẻ, vì đối với phong tục dân tộc họ, đó là biểu hiện của tình yêu, yêu càng đậm, véo càng đau… Kết quả là, khi trở về, cả hai anh em đã mua được các dụng cụ gia đình, các nhạc cụ, quần áo… của người Thượng về để làm kỉ niệm. Anh còn mang về một bức tượng Chàm bán thân, cụt tay, khắc bằng loại đá thô ráp rất cứng, đặt cạnh cửa sổ phòng học cho đến ngày cải cách ruộng đất. Và vào năm 1937, cuốn sách Mọi Kon-tum của hai anh được in có lời đề bạt của bị công sứ tỉnh Kon-tum.

Từ tỉnh Kon-tum trở ra Vinh, do chỗ cha tôi có quen với ông Phó Đức Thành là người bỏ vốn ra tờ báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, nên anh Gióng được ông ta nhận vào làm việc ở tòa báo này. Công việc ở tòa báo là: sửa chữa bản in, gấp báo và dán băng, viết địa chỉ để gửi cho các độc giả. Thỉnh thoảng anh cũng có viết một đôi bài cho tờ báo. Tôi còn nhớ anh đã sưu tầm và cho đăng một số mẩu chuyện dân gian xứ Nghệ về hôn nhân và gia đình rất dí dỏm, được mọi người ưa thích, chẳng hạn truyện Xin đi chín chục, kể chuyện trong một đám cưới nọ, nhà gái đòi nhà trai tiền dẫn cưới là 100 quan. Nhà trai bèn trả lời “xin đi chín chục”. Bên nhà gái thấy nhà trai chỉ bớt có một chục bèn nhận lời. Hôm dẫn cưới, giở mâm ra thấy vẻn vẹn có 10 quan, nhà gái nói: – “Ông hứa là xin đi chín chục sao bây giờ chỉ có một chuc?”, nhà trai trả lời: – “Thì tôi xin đi chín chục, chẳng phải còn lại một chục là gì?” Té ra từ “xin đi” của nhà trai có nghĩa là xin bớt, còn bên nhà gái lại hiểu là “xin nộp”. Hay là chuyên Tráo cháu đổi cô, kể chuyện một anh học trò đi hỏi vợ ở một nhà phú ông. Phú ông có một cô con gái vừa trẻ vừa đẹp nhưng lại có một có em út đã quá thì và xấu xí. Để cho cô em có vợ có chồng, phú ông đầu tiên cho con gái ra để anh học trò xem mặt; anh học trò rất ưng ý, về nhà giục bố mẹ dạm hỏi ngay. Đến ngày cưới, cô dâu nằm trong cáng, hai bên có rủ diềm che kín. Đám cưới đến sân nhà trai, cô dâu trùm mặt xuống cáng và đi vào buồng. Đến lễ hợp cần, chàng rể bước vào buồn nhìn thấy một người khác hẳn người mà mình đã được xem mặt lần trước, anh ta liền phản ứng, không chịu, Để cho sự việc được êm thấm, phú ông bèn cho chàng học trò một số ruộng đất để vợ chồng làm ăn sinh sống. Vì nhà nghèo nên anh học trò đành phải nhận lấy cô thay cháu. Những truyện này càng cho thấy việc chuẩn bị vốn liếng của người anh mà sau này là nhà cổ tích học nổi tiếng thì ra đã bắt đầu từ rất lâu.

Anh tôi làm báo đến cuối năm 1935 thì xin nghỉ về quê giúp đỡ mẹ già. Nhưng nghỉ rồi, anh vẫn còn tiếc cái nghề làm báo. Anh chăm chỉ đọc, và đi đó đi đây tìm kiếm đề tài viết thành bài đăng tải trên các báo ở Nghệ – Tĩnh. Cho đến năm 1936 thì có một số kiện xảy ra làm biến đổi ít nhiều bộ mặt chính trị của đất nước, đó là ở bên Pháp, Chính phủ bình dân của Đảng xã hội do Lê-ông Blum (Léon Blum) lên nắm quyền. Mặt trận bình dân Pháp được thành lập, và phong trào dân chủ nhanh chóng lan sang Việt-nam. Không khí tinh thần có phần cởi mở hơn trước. Kiểm duyệt bị bãi bỏ. Báo chí được nới rộng quyền tự do ngôn luận, và dân chúng thì sôi sục tố cáo bọn tham quan ô lại, nhất là đám cường hào ở nông thôn. Đã có một thời, báo chí thoải mái đăng báo chỉ trích phê phán các tệ nạn tiêu cực mà không phải lo sợ bị bịt mồm. Ở Trung-kỳ, tờ báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng là hăng hái nhất, liên tiếp đưa lên báo tiếng kêu cứu của nông dân trong các làng xã.

Chí làm báo, viết sách của anh tôi lại có dịp trỗi dậy. Không ngồi yên ở nhà, anh ra Vinh, gặp các tòa báo cũ nhận viết bài cho họ. Rồi anh đi khắp trong vùng Nghệ – Tĩnh tìm hiểu về tệ nạn cường hào, lấy tư liệu, ghi chép, thống kê rất tỷ mỷ. Anh viết không ngơi tay, và chỉ một thời gian sau, một loạt phóng sự về chuyện “phù thu lạm bổ”, “sưu cao thuế nặng” của anh tung ra, như một đòn giáng vào bộ máy hào cường có tiếng là ghê gớm của xứ Nghệ. Lúc đầu anh còn đăng báo, sau tập hợp lại thành sách, cho xuất bản, lấy tên Túp lều nát -ý nói túp lều của người nông dân đang bị sâu mọt đục khoét làm cho mọt đục khoét làm cho nát ruỗng.

Giọng văn hài hước của anh làm ai đọc cũng khoái chí, nhưng lối viết thẳng thừng đưa tên tắt của những nhân vật đang sống sờ sờ vào sách, với những sự việc đúng như nguyên mẫu, thì người đọc nào ở xứ Nghệ mà chẳng biết chúng nhằm vào ai rồi, nên tác giả không tránh được bị cả một giới hào lý hằn thù. Những người quyền thế trong họ mà anh dám hỗn xược “trêu” vào, càng bực bội với anh. Ít lâu sau, anh nhận được trát của mật thám Hà-tĩnh gọi vào chất vấn. Vẫn bộ áo quần phóng viên và chiếc xe đạp “kính coong”, anh bĩnh tĩnh ra đi, mặc dù mẹ tôi và chị Đổng có ý lo. Suốt một đêm không thấy anh về, cả nhà không ai ngủ được. Nhưng hôm sau mặt trời lên chừng ba cây sào đã thấy tiếng chuông “kính coong” reo lên ngoài cổng. Ai nấy thở phào. Anh cho biết mật thám gọi vào một căn phòng và hỏi han lịch sự lắm. Nhưng họ vặn anh rất khéo mà vặn đủ thứ: mục đích viết sách là gì? Muốn “sách động” cùng đinh làm loạn ư? Có bị ai “xúi giục” không? Có thù oán gì ai không? v.v… Họ còn kín đáo cho anh biết tấm gương tày liếp của người chuú ruột – Nguyễn Hàng Chi – từng “sách động” nông phu chống thuế ba mươi năm về trước đã bị tử hình ngay tại thị xã. Anh chỉ một mực cười ruồi: – “Nếu muốn lãnh án tử hình thì tôi làm cách khác chứ viết sách làm gì. Tôi chỉ theo gương cụ Huỳnh trên báo Tiếng dân mà Chính phủ bảo hộ và Nam triều đang cho phát hành công khai trên khắp xứ Trung-kỳ. Cụ Huỳnh cũng nào có muốn đi nếm cơm tù Côn-đảo một lần nữa đâu!”. Thế rồi họ cũng thả anh về.

Thế mà anh vẫn không chùn bước. Dựa vào phong trào đương mở rộng, anh tôi lại bàn bạc với một số thanh niên trong làng, đề xuất ý kiến mơ


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.