Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

LỜI NÓI ĐẦU



Nghiên cứu và sưu tầm vốn văn nghệ dân gian của dân tộc nói chung và truyện cổ tích nói riêng là một trong những công việc được Nhà nước ta đặc biệt khuyến khích. Trước Cách mạng cũng từng có một vài học giả lưu tâm làm những việc đó, và họ đã công bố kết quả của mình trên sách báo. Gần đây hơn thì những công trình sưu tầm, n ghiên cứu cũng như các cuộc thảo luận giữa các bạn Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại và Văn Tân gợi ra nhiều điểm bổ ích cho việc tìm hiểu truyện cổ dân gian.

Nhưng nói chung, chưa nấy ai điều tra thật đầy đủ truyện cổ tích Việt-nam để dựng lên một hệ thống hoàn chỉnh, và trên cơ sở đó, đi sâu nghiên cứu chúng một cách toàn diện. Thực ra, k ho tàng truyện cổ tích của chúng ta có không ít loại hình, trong mỗi loại hình có khá nhiều dạng kết hợp rất phong phú, nhưng hiện vẫn còn nằm lẫn lộn trong các kho sách cũ, trong mọi trí nhớ, mà khả năng cá nhân chưa tìm tòi khai thác hết được. Do đó, việc nghiên cứu chỉ mới là bước đầu,thiên về kháiquát mà thiếu phong phú, cụ thể.

Theo chúng tôi, công tác nghiên cứu và sưu tầm vốn văn nghệ dân tộc quá khứ nếu chưa thành một công việc tập thể, được khơi động thành một phong trào rộng lớn trong cả nước, thì vẫn chưa thể gọi là toàn diện, do đó cũng chưa thể đạt kết quả dứt điểm như ý muốn. Cần phải có một cơ quan chuyên môn hoặc một hội nghề nghiệp để hướng dẫn sưu tầm, trao đổi ý kiến và tập trung tài liệu như ở nhiều nước đã từng làm, thì việc bảo tồn và phát huy vốn cũ mới mong thực hiện tốt được.

Trong khi chờ đợi sự kiện lớn lao và cần thiết đó, chúng tôi bạo dạn đem khả năng tìm tòi cá nhân thu góp những truyện cổ tích Việt-nam nghe được, đọc được và nhớ được từ trước tới nay, chỉ mong cung cấp một tài liệu tham khảo cho những bạn yêu truyền thống văn học của dân tộc.

Bộ sách này là bộ thứ hai trong những công trình nghiên cứu của chúng tôi về truyện truyền miệng, tiếp theo bộ đầu tiên nhan đề Lược khảo về thần thoại Việt-nam. Nó gồm có ba phần:

Phần đầu, tìm hiểu một ít nét về bản chất, lai lịch và lịch sử phát triển của truyện cổ nói chung và cổ tích nói riêng.

Phần thứ hai, chiếm một khoảng rất lớn trong bộ sách là những truyện cổ tích Việt-nam đã chọn lọc và sắp đặt theo một hệ thống riêng

Phần cuối là những nhận xét sơ bộ về đặc điểm tư tưởng, nghệ thuật, qua đây tạm đánh giá tổng quát truyện cổ tích Việt-nam.

Tôn trọng chủ đề và kết cấu đã có của những truyện cổ tích, trong đời sống truyền miệng từ xưa, chúng tôi cố gắng trình bày nguyên, không sửa chữa: Trường hợp những truyện có nhiều địa phương kể khác nhau về chi tiết hay toàn phần, chúng tôi sẽ ghi tóm tắt ở mục Khảo dịđể tiện tham khảo. Nếu truyện nào có nội dung tương tự với truyện của các dân tộc khác ở trong nước hay nước ngoài, chúng tôi cũng làm như vậy.

Mục đích bộ sách này là tình hiểu và giới thiệu những truyện cổ tích Việt nam, mong đáp ứng phần nào nhu cầu trước mắt. Nó chỉ giới hạn trong phạm vi truyện cổ tích của người Việt mà chưa đề cập tới kho tàng truyện cổ tích vô cùng phong phú của đồng bào thiểu số chúng ta.

Trong khi khôi phục lại cốt truyện của người xưa, trong khi tìm hiểu vốn cũ của dân tộc, chắc không tránh khỏi lầm lẫn và thiếu sót, chúng tôi mong các bạn xa gần kịp thời chỉ bảo cho.

Sau hết, chúng tôi có lời cảm ơn các bạn đã giúp cho tài liệu, đặc biệt ông bà Nguyễn Văn Nghĩa là những người đã nhen nhóm cho chúng tôi từ cái say mê nghe truyện cổ tích lúc còn trẻ cho đến hứng thú tìm tòi nghiên cứu nó sau này.

Hà-nội, tháng VI năm 1957

NGUYỄN ĐỔNG CHI


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.