Nadia Niverman đã từng có một thời tươi đẹp. Cô nữ sinh mà mọi thằng con trai đều muốn cưới làm vợ. Một nhà vô địch điền kinh, một học sinh xuất sắc, một diễn viên trong nhóm kịch của trường trung học. Nadia tiếp tục duy trì thành tích xuất sắc trong những năm đại học chuyên ngành triết. Vào năm hai mươi tư tuổi, Nadia đã là một phụ nữ trưởng thành và độc lập. Chị ta đã có bằng thạc sĩ báo chí trước khi được tuyển dụng vào làm bán thời gian cho phòng biên tập của một kênh truyền hình. Sự nghiệp của Nadia có vẻ rất xán lạn. Nhưng một ngày kia, chị ta đã gặp phải một người đàn ông xấu xa.
John Niverman chẳng là gì nếu so sánh với Nadia. Gã bị tống khỏi trường trung học, đi nghĩa vụ thì bị đuổi cổ, ngay đến cuộc hôn nhân cũng chấm dứt sớm. Gã thừa hưởng một hãng vận tải từ cha mình, hãng nhỏ nhưng phát đạt, và gã đã đánh đắm nó thành công.
Một kẻ phá hoại, Mila nghĩ bụng.
Nadia đã gặp John trong một buổi tiệc. Đẹp trai, cao ráo, phong cách trai hư đáng mến, gã làm mọi người thích thú. Và Nadia rơi luôn vào bẫy. Hai người kết hôn hai tháng sau đó.
Mila hình dung ra phần tiếp theo. Nadia đã biết ngay từ đầu John là một bợm nhậu, nhưng chị ta tự thuyết phục mình rằng gã ta là một người biết điều và có thể thay đổi được theo thời gian.
Đó chính là sai lầm to lớn nhất của Nadia.
Theo những gì Nadia đã kể với nhân viên bảo trợ xã hội, các rắc rối bắt đầu chỉ vài tháng sau tuần trăng mật. Họ cãi nhau cũng vì những lí do tầm phào như trước đó, nhưng từ lúc này Nadia cảm thấy trong cuộc cãi vã có một điều mới mẻ mà chị không xác định được. Đó là một cảm giác gắn với những hành xử nhất định của John. Chẳng hạn như, gã bắt đầu sỉ nhục Nadia, và cứ mỗi lần lại áp sát chị ta thêm một chút. Mỗi lần một chút. Nhưng rụt lại vào khoảng khắc cuối cùng.
Thế rồi một ngày, gã đánh Nadia.
“Anh sai rồi”, gã đã nói như thế. Nadia tin gã. Tuy vậy, chị ta cũng nhận thấy một tia khác lạ trong đôi mắt gã.
Một tia độc ác.
Eric Vincenti đã tập hợp tất cả những thông tin riêng tư và cá nhân đó sau khi đọc những lá đơn tố cáo mà Nadia nộp cho cảnh sát theo thời gian. Tất cả đều được rút lại chỉ sau vài ngày. Rõ ràng là vì sự làm phiền của bạn bè và người thân, hoặc vì lo ngại phải ra tòa. Hoặc cũng có thể là khi John về nhà trong tình trạng tỉnh táo và nói lời xin lỗi, gã ta tỏ ra thuyết phục đến nỗi Nadia đồng ý cho gã một cơ hội thứ hai. Gã đã có một số lượng kha khá những cơ hội thứ hai đó. Nhưng không nhiều bằng những vết thâm tím trên người vợ gã. Lúc đầu chúng chỉ là những vết bầm được che giấu bằng áo cổ lọ và một lượng kem nền kha khá. Nadia cho rằng mình không phải lo lắng chừng nào chưa có đổ máu. Mila biết câu chuyện diễn biến như thế nào đối với một số phụ nữ: chỉ cần tăng ngưỡng chịu đựng lên một chút, bạn có thể tiếp tục sống như bình thường. Khi các vết thương xuất hiện, bạn sẽ thở phào vì không bị gãy xương. Đến lúc bị đánh gãy xương, bạn lại tự thuyết phục mình rằng, xét cho cùng mọi chuyện đã có thể tệ hơn.
Thế nhưng những cú đánh không phải là thứ gây đau đớn nhiều nhất. Nadia luôn sống trong một cảm giác bất lực và sợ hãi, hiểu rằng bạo hành luôn chực chờ và có thể bùng phát chẳng vì lí do gì. Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ không làm vừa lòng John là đòn trừng phạt giáng xuống ngay. Chỉ cần hỏi thêm một câu, cho dù là tầm thường như “bao giờ anh về ăn tối?”. Hoặc đơn giản chỉ cần gã chồng thấy cái gì đó không phù hợp trong cách xưng hô hay trong giọng điệu của vợ. Một chi tiết nhỏ nhất cũng có thể bị lấy làm cái cớ.
Mila biết những người chưa từng trải nghiệm chuyện đó sẽ ngạc nhiên vì Nadia không bỏ đi ngay, và đi đến kết luận là có lẽ mọi chuyện không tệ đến thế nếu chị ta vẫn sẵn lòng chấp nhận. Thế nhưng Mila biết cơ chế của bạo hành gia đình, với các vai trò rõ ràng và bất di bất dịch. Ngược đời thay, chính sự sợ hãi là thứ giữ nạn nhân ở lại với kẻ bạo hành.
Trong tâm hồn thương tổn của Nadia, người duy nhất có thể bảo vệ chị ta khỏi John chính là John.
Nadia chỉ chống đối chồng ở một điểm. Gã ta muốn có một đứa con, nhưng chị ta bí mật uống thuốc ngừa thai.
Dẫu tin rằng những lần quan hệ tình dục trong trạng thái say xỉn và lú lẫn mà John ép mình phải chịu hết lần này đến lần khác chẳng thể tạo ra bất cứ nguy cơ gì, Nadia vẫn giữ quyết định của mình. Chị ta không thể để cho một sinh linh mới phải hứng chịu những gì mà mình đang chấp nhận.
Tuy nhiên, một buổi sáng tháng Ba, Nadia đi siêu thị về với một cảm giác khang khác trong bụng. Bác sĩ phụ khoa của chị ta đã nói rằng, cho dù có uống thuốc, vẫn tồn tại một khả năng cấn thai rất nhỏ. Nadia hiểu ngay mình đã có em bé.
Que thử thai khẳng định điều đó.
Nadia muốn bỏ thai, nhưng không thể thuyết phục mình rằng đó là lựa chọn đúng.
Nadia đã thông báo cho John biết. Chị ta cứ sợ gã sẽ nổi khùng, nhưng thật bất ngờ, có vẻ như cái tin đó khiến gã bình tâm lại một thời gian. Những lần cãi vã sau khi John chè chén vẫn tiếp tục, nhưng gã không động đến chị ta nữa. Cái bụng bầu đã trở thành tấm khiên che chắn cho Nadia. Chị ta khó khăn lắm mới tin nổi điều đó. Và dần dần, chị ta bắt đầu cảm thấy hạnh phúc trở lại.
Một buổi sáng, trong khi Nadia chuẩn bị đi siêu âm, John đề nghị đưa vợ đi vì trời đang có tuyết rơi. Gã có cái vẻ lơ đãng và sầu đời của những kẻ nát rượu khi tỉnh dậy.
Không có dấu hiệu nào của sự giận dữ.
Naida khoác áo măng tô, xách túi và bắt đầu xỏ găng tay trong lúc đứng ở đầu cầu thang. Mọi chuyện diễn ra chỉ trong tích tắc. Cú đẩy thô bạo và bất ngờ từ sau lưng, mặt sàn dưới chân hẫng đi, và Nadia không còn biết đâu vào đâu nữa. Cú đập đầu tiên vào một bậc thang, đôi tay chị ta ôm lấy bụng trong một cử chỉ bảo vệ đầy bản năng. Rồi cú đập thứ hai, lần này mạnh hơn. Bức tường lao đến mặt Nadia, góc lan can đập vào má, đôi tay do lực ly tâm đã buông cái bụng ra. Một cú đập nữa, rồi một cú nữa, dưới tác động của trọng lực. Cái bụng của Nadia đã đỡ cho sự va chạm. Vụ ngã cuối cùng cũng dừng lại. Không đau đớn, không tiếng động, và tệ hơn là, không phản ứng. Mọi thứ trong nhà thật tĩnh lặng, quá sức tĩnh lặng. Nadia còn nhớ nét mặt của John ở trên đầu cầu thang khi gã nhìn xuống mình. Tỉnh bơ. Rồi gã bỏ đi, để mặc vợ nằm dưới đất.
Do không có sự thấu cảm nên Mila không thể hiểu được cảm giác của Nadia. Cảm xúc duy nhất mà cô tiếp cận được là sự tức giận. Tất nhiên cô thấy tiếc cho người phụ nữ này, nhưng cô sợ mình giống với John nhiều hơn.
Cảnh sát không thể bỏ qua vụ việc, dù có hay không có đơn tố cáo. Chuyện đã xảy ra quá giống với một mưu toan giết người. Các cảnh sát đã cho Nadia thấy rõ là nếu chị ta kể những chuyện vớ vẩn để bảo vệ John, chẳng hạn như bị sảy chân, thì gã ta sẽ lại ra tay lần nữa. Và lần này, người chết sẽ không phải là đứa con, mà chính là chị ta.
Vậy nên Nadia đã tìm được can đảm. Sau khi nộp đơn tố cáo, chị ta đã liên hệ với một nhà tá túc dành cho các nạn nhân nữ bị bạo hành, nơi John không thể tìm được mình. Khi John bị bắt, gã đã chống lại cảnh sát và không được phép bảo lãnh tại ngoại. Chiến thắng lớn nhất của Nadia không phải là chịu đựng được tất cả những năm tháng sống cùng con quỷ đó, mà là đạt được một thoả thuận ly hôn chóng vánh.
Thế rồi Randy Philips xuất hiện.
Tay luật sư trưng ra trước toà một đôi giày cao gót. Không một nhân chứng, không một bằng chứng nào khác về con người của Nadia. Một người phụ nữ bầu bì mà không chịu từ bỏ việc làm điệu, cho dù nó gây nguy hiểm cho việc đi lại vào một ngày có tuyết. Một người phụ nữ không biết nghĩ đến sự an nguy của sinh linh mà chị ta đang mang trong bụng.
Ngày hôm đó, John đã được tự do. Và Nadia đã biến mất.
Chị ta không mang theo quần áo hay bất cứ vật dụng gì của cuộc sống trước đó, có lẽ là để khiến mọi người tin rằng mình bị chồng thủ tiêu. John đã bị thẩm vấn. Tuy nhiên, theo Randy Philips thì không có bằng chứng nào chống lại anh ta. Nadia đã thua nốt ván đấu cuối cùng.
Sau khi đọc xong hồ sơ, Mila trầm ngâm suy nghĩ. Cô phải giữ đầu óc sáng suốt, không được để cảm giác giận dữ chi phối. Sau những gì đã trải qua, Nadia không đáng bị người ta săn đuổi như một tội phạm thông thường. Valin thì có thể. Cho dù sự tuyệt vọng của một người đàn ông sau cái chết của mẹ mình là hợp lý và thông cảm được, anh ta vẫn có thể vượt qua. Nói gì thì nói, Roger đã có mười bảy năm trời để phục hồi.
Cặp đôi sát thủ, theo cách gọi của Boris, thật ra là hai cá nhân hoàn toàn khác biệt. Vào một thời điểm trong quãng đời lẩn trốn của mình, Nadia đã gặp Valin, họ đã kể cho nhau nghe chuyện đời mình, nhận ra có cùng một bí mật và cùng một lòng căm thù đối với con người. Khi hợp nhất hai nỗi oán hận, họ đã làm nên một bộ đôi tội phạm.
“Tôi không hiểu được tại sao Nadia không giết gã chồng mình thay vì tay luật sư. Có lẽ thời hạn kia được dành cho gã”. Boris đã nói như thế qua điện thoại.
Mila không chắc lắm về điều đó. Nếu Nadia thực sự muốn giết chồng, lẽ ra chị ta phải bắt đầu với gã trước. Việc giết chết Randy theo cách thức ghê rợn như thế để làm gì kia chứ? Khi làm vậy, chị ta thừa hiểu gã chồng cũ của mình sẽ được cảnh sát bảo vệ. Còn nếu đảo ngược thứ tự và giết John trước thì chẳng ai nghi ngờ việc chị ta sẽ sát hại cả tay luật sư.
Thời hạn không phải dành cho John Niverman, dù Boris khẳng định gã ta đang rất hoảng sợ. Sự trừng phạt mà nữ sát thủ chọn cho tay luật sư là một chiếc nhẫn cưới và một cái chết đau đớn trong thánh đường của các cặp vợ chồng. Còn đối với gã chồng cũ, sự trừng phạt là nỗi sợ hãi. Nadia không muốn John chết một cách chóng vánh. Gã phải trải qua những gì chị ta đã từng nếm trải, phải thấy mình đang sống trong nguy hiểm, hiểu được mình có thể bị xử lý bất cứ lúc nào, và trải nghiệm sự chờ đợi không thể chịu đựng nổi trước một định mệnh đã an bài.
Điện thoại trên bàn Eric Vincenti đổ chuông. Mila giật nảy người và ngần ngừ một chút trước khi nhấc máy.
– Cô còn làm gì ở đây vậy?. – Steph hỏi. – 11 giờ đêm rồi đấy, thời hạn đã trôi qua khá lâu rồi.
Mila nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Cô đã không để ý đến thời gian.
– Tình hình thế nào ạ? – Cô lo lắng hỏi.
– Chẳng có gì sất. Chỉ có mấy gã đâm nhau trong một quán bar, và một kẻ định thanh toán cộng sự của mình.
– Ông gặp Thẩm phán chưa?
– Thẩm phán đã giải tán chúng tôi được mười lăm phút rồi. Tôi biết ngay cô vẫn còn ngồi lại. Về nhà đi Vasquez. Rõ chưa?
– Rõ, thưa thủ trưởng.