Người Ru Ngủ

CHƯƠNG 29



Đó là một chiếc Nokia cũ.
Diana Muller đã tìm thấy nó trên một băng ghế công viên, chắc do chủ nhân của nó bỏ quên, nhưng để tìm ra người đó thì chịu. Chiếc điện thoại không phải là loại tốt – tốn pin và màn hình bị rạn – và không thể cạnh tranh được với các mẫu điện thoại thông minh tân tiến mà khi đó còn chưa xuất hiện. Nhưng nó nghe gọi được.
Đối với Diana, một cô bé chưa từng sở hữu điện thoại di động thì chỉ thế thôi đã là nhiều lắm rồi.
Chiếc điện thoại tựa như tấm giấy thông hành để bước vào đời. Cô bé nâng niu nó như một món đồ mới. Thậm chí còn trang trí nó với một cái dây nhỏ xinh gắn hình thiên thần và một cái bao điện thoại in đầy các ngôi sao vàng lấp lánh. Dưới nắp đậy, cô bé viết hàng chữ “Đồ của Diana Muller” và vẽ một trái tim nhỏ cùng với tên viết tắt của người con trai mình thích, như một kiểu bùa thuật để khiến một ngày kia cậu ta gọi đến.
Chiếc điện thoại mà cô bé rất tự hào ấy ngày nay chắc hẳn chằng làm đứa thiếu niên nào hứng thú. Nó không truy cập được Internet, cũng chẳng xem được thư điện tử, chơi game hay tải các ứng dụng. Không thể dùng nó như thiết bị định vị, máy chụp hình thì càng không.
Nó chỉ cho phép nghe gọi và nhắn tin.
– Cháu bỏ lỡ biết bao nhiêu thứ đấy, Diana. – Mila nói thầm trên đường đến nơi chiếc điện thoại được định vị.
Điều đáng lo là địa điểm đó nằm cách không xa nơi cô bé mất tích.
Chín năm về trước, một thiếu nữ đã tan biến vào không khí. Theo Mila, bí ẩn nằm ở chỗ chiếc điện thoại đang phát tín hiệu từ trong bóng tối đó tượng trưng cho điều gì đối với Diana.
Một sự ám ảnh.
Ở cái tuổi mà một cô gái nhỏ có thể quay về nhà cùng với một con chó lạc, một hôm Diana đi học về với một chiếc đài cũ, mà cô bé bảo là nhặt được trên phố. Cô bé quả quyết rằng bỏ nó ở đó thì tiếc quá, và người chủ thật vô ý thức khi vứt nó đi.
Tuy nhiên, không giống chiếc điện thoại di động, cái đài đã bị hỏng và không thể sửa chữa được. Nhưng đối với Diana, chuyện này không thành vấn đề.
Lần đó mẹ Diana lại tiếp tục để cho cô con gái làm theo ý mình mà không biết rằng kể từ lúc ấy, Diana tha lôi về nhà đủ thứ đồ vật linh tinh – một cái chăn, một chiếc xe đẩy, mấy cái hũ thủy tinh, đống tạp chí cũ. Lần nào cô bé cũng lý giải bằng một câu chuyện thuyết phục.
Lúc đầu, mẹ của Diana ý thức được tính chất khác thường trong hành vi của con gái nhưng không tìm ra lý lẽ đủ mạnh để ngăn con mình lại. Bà đã không nhận ra hành vi này che giấu một loại bệnh tâm thần được biết đến với cái tên rối loạn ám ảnh tích trữ.
Khác với bà ta, Mila biết đó là một bệnh lý ám ảnh cưỡng chế. Những người mắc bệnh này tích trữ các thứ đồ vật linh tinh và không thể vứt bỏ chúng.
Trong trường hợp của Diana, việc đó cứ tiếp tục tiếp diễn cho đến khi các món đồ tích tụ trong phòng cô bé trở nên quá cồng kềnh. Ngoài việc thiếu không gian di chuyển, vấn đề vệ sinh cũng được đặt ra: thật sự thì “kho báu” mà Diana khăng khăng bảo là nhặt nhạnh tình cờ xuất xứ từ các thùng rác.
Mẹ của Diana hiểu ra vấn đề vào hôm cả căn hộ bị xâm lăng bởi lũ gián. Chúng ở khắp nơi: trong tủ, chạn bếp hoặc dưới thảm. Chúng xuất phát từ trong phòng của Diana, và khi vào kiểm tra, bà kinh hoàng nhận ra các túi rác của chính gia đình mình. Không hiểu vì nguyên nhân gì, con gái bà đã đem chúng vào phòng và cất giấu giữa đống đồ đạc của mình.
Mila hình dung cảm giác ghê rợn và chấn động khi thấy trước mặt mình thứ mà theo thói thường của xã hội tiêu thụ, người ta cứ tưởng đã vứt bỏ khỏi cuộc sống cũng như trí nhớ của mình. Chúng ta vứt bỏ thức ăn thừa và các đồ dùng vô dụng. Chúng ta tin rằng chúng không còn dính dáng đến mình nữa. Cái ý tưởng nhìn thấy những thứ chúng ta đã loại bỏ tự dưng quay lại đeo bám cũng ghê rợn chẳng kém gì việc nhìn thấy sự xuất hiện trở lại của một người mà ta tin chắc rằng đã chết.
Nó vừa không thể hiểu nổi, vừa đáng sợ. Tựa như các động cơ không thể lường được của những kẻ điên hoặc các khao khát bệnh hoạn của những người mắc chứng ái tử thi.
Trong cơn hoảng loạn, mẹ của Diana đã quyết định vứt tất cả. Khi đi học về, cô con gái buộc phải đối diện với sự trống trải. Và vài ngày sau thì sự trống trải đó nuốt chửng cô bé.
Mẹ của Diana tên là Chris. Bà chỉ có mỗi mình Diana trên đời. Trong đầu Mila hiện lên cái nhìn thất thần của một người mẹ. Hồi Diana mất tích, cô chưa làm trong Minh Phủ. Cô và mẹ của Diana gặp nhau sau đó, vì bà đều đặn ghé qua trụ sở cảnh sát để hỏi thăm tin tức con. Mỗi chuyến viếng thăm của Chris là một lần khốn khổ đối với ngay chính các thành viên của Minh Phủ.
Đứng trên ngưỡng cửa Sảnh Đợi, bà tìm kiếm khuôn mặt của Diana để chắc chắn tấm ảnh vẫn còn nằm đúng chỗ và không ai quên cô bé. Sau đó, bà rón rén đi vào, chờ đợi xem có ai chú ý đến mình hay không.
Thường thì Eric Vincenti là người tiếp đón Chris. Anh sẽ bảo bà ngồi xuống và đem trà cho bà uống. Sau đó, hai người sẽ tán gẫu một chút, cho đến khi anh chắc chắn bà đã sẵn sàng để quay về nhà. Sau khi Eric biến mất, Mila là người an ủi Chris.
Không có chút thấu cảm nào, cô khó có thể hình dung những gì đang diễn ra trong trái tim người mẹ. Mila rất giỏi trong việc phân loại các cơn đau của mình: dao cứa, bỏng, bầm dập. Cùng với sự tức giận và sợ hãi, đó là nguồn cảm xúc duy nhất mà cô có. Cũng chính vì thế mà khác với Vincenti, cô chưa bao giờ thật sự kết nối được với người mẹ. Tuy nhiên, cô cũng hiểu được kha khá chuyện về bà.
Chẳng hạn như, Chris không phải là một bà mẹ tồi tệ. Bà biết nuôi dạy con gái và nghiêm khắc khi cần thiết, dù thiếu vắng một người chồng hoặc bạn trai đóng vai người cha. Bà đã dung thứ cho chứng bệnh vô lí của Diana, vì bà biết mình cũng không hoàn hảo. Một hôm, Chris nói với Mila là bà tin chắc con gái mình không hạnh phúc và ngầm căm ghét mẹ. Trong khi cô bé Diana dịu dàng và ngọt ngào ấy chẳng ghét ai cả.
Lỗi của Chris chính là yêu bọn đàn ông.
Bà toàn để bọn họ lợi dụng mình – xu hướng khổ dâm khiến bà phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Diana là nạn nhân thực sự của thái độ sống đó.
Đã bao nhiêu lần vợ của nhân tình tấn công Chris tại siêu thị để bắt bà buông tha chồng người ta? Và đã bao nhiêu lần bà phải đổi chỗ làm vì bị gã sếp sa thải sau khi đã lạm dụng xong? Hai mẹ con cứ phải chuyển nhà liên tục để tránh sự soi mói và những lời chửi bới.
Do vậy, khi Diana bắt đầu “nhặt nhạnh”, đó có lẽ là một cách gửi tín hiệu cho mẹ, đồng thời đánh dấu một lãnh địa rốt cuộc đã là của cô bé. Không có một quá khứ được xây dựng bởi các đồ vật quen thuộc, hoặc những thứ có thể gắn bó, Diana đành nhặt lấy quá khứ bị vứt bỏ của người khác.
Chris hiểu ra điều đó quá muộn, và bà đã đối xử với con gái mình như một bệnh nhân tâm thần. Có lần, Chris nói với Mila là bà tin chắc Diana không biến mất hoặc bị bắt cóc. Bà tin cô bé đã tự tử vì người mẹ đàng điếm, căn cứ theo việc một lọ Rohypnol trong nhà đã biến mất.
Mila phanh gấp khiến chiếc Hyundai chết máy. Cô ngồi yên giữa con đường vắng tanh, với tiếng tích tích trong capô và những lời nói vang trong đầu.
Lọ thuốc ngủ trong vụ mất tích của Diana không thể chỉ là trùng hợp được.
Không thể là sự thật. Không thể nào. Mình không tin. Lần này phải báo cho Boris thôi. Cô không thể liều lĩnh.
Nhưng mày đã đi quá xa, một giọng nói trong đầu bảo Mila. Chắc chắn họ đã loại mày khỏi cuộc điều tra rồi.
Tín hiệu phát ra từ trước điện thoại đã im tiếng suốt chín năm trời là một lời mời gọi dành cho Mila. Một thứ gì đó hay một ai đó đang đợi cô. Mila lại cho xe chạy tiếp.
Cô không muốn bỏ lỡ cuộc hẹn này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.