Người ta tưởng như vẫn đang trong mùa hè ở ngày thứ Ba cuối tháng Chín ấy.
Không khí nóng bao trùm họ như một vòng tay ấm áp. Hitch thò đầu ra khỏi cửa sổ của chiếc Hyundai, tranh thủ luồng gió được tạo ra bởi sự di chuyển của chiếc xe.
Mila quan sát con đường trong khi lái xe. Bên cạnh cô, Berish đọc lại nội dung của bìa hồ sơ nâu một lần nữa.
Cổ tay áo sơmi của anh bị dính một vệt cà phê, và anh cứ tìm cách che nó đi bằng cách kéo ống tay áo khoác xuống. Hành động của anh giống như một phản xạ. Mila liếc nhìn anh qua khoé mắt. Berish quan tâm đến vẻ ngoài của mình, vì lịch sự hơn là vì phù phiếm. Mila còn nhớ bố cô đánh giày vào mỗi buổi sáng. Ông bảo việc xuất hiện chỉn chu là rất quan trọng, vì nó thể hiện thái độ tôn trọng dành cho người khác. Berish không ở tuổi của bố cô, nhưng anh có cung cách của những người đàn ông truyền thống. Điều đó làm cô yên tâm.
– Cô không ngủ từ bao lâu rồi? – Anh lơ đãng hỏi cô.
– Tôi ổn mà.
Trong vòng hai mươi bốn giờ qua, các sự kiện đã diễn ra một cách dồn dập, nhưng giờ đây không khí ấm áp của buổi chiều có tác dụng xoa dịu thần kinh đối với Mila. Hai người băng qua một khu ngoại ô yên bình, với những ngôi nhà riêng lẻ mang phong cách hoàn toàn khác nhau, chủ yếu do giới công nhân làm chủ. Họ lao động và nuôi dạy con cái, chẳng mong gì hơn là một cuộc sống yên ổn. Đây là một cộng đồng gần gũi, nơi mọi người đều quen biết nhau.
Hai người chạy ngang qua nhà thờ báp-tít ở cuối cụm dân cư. Đó là một tòa nhà màu trắng có một gác chuông nhọn, tọa lạc giữa thảm cỏ xanh rộng rãi. Một chiếc xe tang đậu ở trước nhà thờ, nhưng họ lại nghe thấy những bài thánh ca hoan hỉ.
Mila rẽ ngay sau khi qua khỏi nhà thờ và dừng xe trước ngôi nhà thứ ba trên đường, dưới bóng mát của một cây du đồ sộ.
Một luồng gió nóng chào đón hai người khi họ bước xuống xe. Trong mảnh vườn nằm cạnh một ngôi nhà khiêm tốn không có tầng gác, ba đứa trẻ con đang chơi – hai cậu bé và một cô bé. Chúng ngừng lại để quan sát hai người khách lạ. Khuôn mặt chúng đầy những vết đỏ li ti.
– Mẹ các cháu có nhà không? – Berish vừa hỏi vừa cho Hitch xuống xe.
Bọn trẻ không đáp, chúng mải nhìn con chó.
Đúng lúc đó, một người phụ nữ bế một đứa bé chừng hai tuổi xuất hiện trên ngưỡng cửa ngôi nhà, chị ta nghi ngại nhìn hai người khách một lúc, rồi mỉm cười khi trông thấy con chó.
– Chào anh chị. – Người phụ nữ lên tiếng.
– Chào cô. – Berish đáp với giọng cũng rất chân tình. – Cô Robertson?
– Là tôi đây.
Hai cảnh sát viên băng qua lối đi nhỏ, vòng tránh các món đồ chơi và một chiếc xe đạp ba bánh, rồi bước lên bậc thềm trước hiên nhà.
– Chúng tôi đến từ sở cảnh sát liên bang.
Lúc lên đến cửa, tay đặc vụ rút ra tờ giấy độc nhất trong tập hồ sơ màu nâu và giơ nó cho người phụ nữ xem.
– Cô có nhận ra đơn trình báo này không?
– Có. – Người phụ nữ trả lời, hơi hoang mang một chút. – Nhưng tôi chẳng có thông tin gì hơn.
– Chúng tôi vào trong nhà được không? – Berish hỏi, sau khi đã đưa mắt dò xét Mila.
Một lát sau, Hitch chơi đùa trong vườn với mấy đứa lớn nhà Robertson, trong khi hai cảnh sát ngồi với mẹ chúng trong phòng khách của ngôi nhà.
Nằm rải rác trên tấm thảm dưới chân họ là những tòa nhà và các mảnh ghép hình. Trên bàn có một cái rổ đầy những quần áo cần là. Một cái đĩa bẩn nằm chênh vênh trên tay tựa của một chiếc ghế bành.
– Xin thứ lỗi, nhà tôi bề bộn quá. – Bà chủ lên tiếng trong lúc đặt đứa bé trên tay vào cũi. – Thật không dễ để giữ nhà cửa ngăn nắp với năm đứa con.
Theo lời giải thích của chị, những đứa lớn không đi học vì bị sởi Đức. Đứa áp út cũng ở nhà vì nhà trẻ sợ lây bệnh. Còn đứa bé nhất mới ba tháng tuổi đang nằm ngủ trong một chiếc nôi đặt cạnh lối vào.
– Không sao đâu. – Mila nói. – Chúng tôi xin lỗi vì đã đến mà không báo trước.
Camilla Robertson, tuổi ngoài ba mươi, là một phụ nữ nhỏ bé chắc nịch. Đôi tay mạnh mẽ của chị lộ ra khỏi chiếc áo sơmi màu vàng. Trên cổ chị ta đeo lủng lẳng một sợi dây chuyền có chiếc thánh giá bằng bạc. Mái tóc nâu cắt ngắn, làn da sáng và đôi mắt xanh trong veo làm tôn lên đôi má ửng hồng. Ở chị toát lên ấn tượng của một bà mẹ bận rộn nhưng hạnh phúc.
– Nhà tôi là mục sư của nhà thờ báp-tít ở góc đường. – Người phụ nữ vừa nói vừa ngồi xuống. – Anh ấy đang cử hành tang lễ cho một người trong cộng đồng, vừa mất hôm qua. Đáng lẽ lúc này tôi phải ở cùng anh ấy.
– Chúng tôi rất lấy làm tiếc cho người bạn của cô. – Berish nói.
– Không cần phải thế, giờ ông ấy đang ở trong tay Chúa.
Ngôi nhà được bày biện đơn giản. Những vật trang trí duy nhất là các khung ảnh với hình chụp của gia đình, và các bức tranh vẽ Chúa Giêsu, Đức mẹ Đồng trinh, hoặc bức Tiệc ly. Mila không nghĩ chúng được treo để phô trương. Chúng thể hiện lòng thành kính sâu sắc gắn liền với mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình.
– Tôi mời anh chị dùng chút gì nhé? – Người phụ nữ hỏi.
– Xin đừng bận tâm, thưa cô Robertson. – Berish đáp.
– Camilla chứ. – Người phụ nữ chỉnh lại.
– Vâng, nếu cô muốn… Camilla.
– Cà phê nhé? Tôi pha loáng cái là xong ấy mà.
– Thật mà, chúng tôi đang vội lắm.
Nhưng Camilla đã nhanh chân bước vào bếp.
Hai cảnh sát ngồi đợi vài phút dưới ánh mắt quan sát của đứa bé hai tuổi. Camilla quay lại cùng với hai cái tách bốc khói đặt trên một chiếc khay.
– Chị có thể kể cho chúng tôi nghe về vụ việc chị đã trình báo được không? – Mila hỏi.
Camilla ngồi xuống trở lại.
– Tôi có thể nói gì được nhỉ… Chuyện đã lâu rồi. Gần như là một cuộc sống khác.
– Không cần phải quá chi tiết đâu, cứ nói những gì cô còn nhớ. – Berish khích lệ người phụ nữ.
– Để xem nào… Hồi đó tôi gần mười sáu tuổi. Tôi ở với bà ngoại trong một tòa nhà gần ngã giao của các tuyến đường sắt. Mẹ gửi tôi cho ngoại từ khi tôi mới được vài tháng tuổi, mẹ tôi bị phụ tình và không biết cách chăm sóc tôi. Tôi chưa bao giơ biết mặt bố. Nhưng tôi không trách họ. Tôi tha thứ cho họ. – Camilla nói, đoạn nhoẻn miệng cười với cậu con trai. Thằng bé nhe mấy cái răng sún cười lại. – Ngoại Nora cũng không muốn nhận tôi, luôn miệng nói tôi là gánh nặng của mình. Ngoại nhận được một khoản trợ cấp vì hồi còn trẻ đã bị gãy xương chậu khi làm việc ở nhà máy. Ngoại luôn nói là nếu không có tôi thì khoản tiền đó đủ dùng, nhưng vì tôi mà bà phải sống như một kẻ khốn khổ. Ngoại đã mấy lần tìm cách đưa tôi vào viện mồ côi, nhưng lần nào tôi cũng trốn về nhà. Tôi cũng không rõ vì sao mình làm thế… Một lần nọ, khi tôi lên tám tuổi, tôi được gửi cho một gia đình. Họ là những con người tử tế, với ít nhất sáu đứa con, một số là con nuôi, giống như tôi. Họ sống chan hoà, hạnh phúc lắm. Còn tôi thì thấy mình lạc lõng, vì tôi không hiểu tại sao họ lại yêu thương mình một cách không vụ lợi như thế. Người mẹ chẳng có họ hàng gì với tôi, nhưng vẫn chăm sóc tôi, giặt quần áo cho tôi, nấu ăn cho tôi. Tôi nghĩ mình phải biết ơn bà, theo cách này hay cách khác, hoặc ít ra bà cũng mong chờ tôi biết ơn bà. Thế là một đêm tôi cởi quần áo và lẻn vào giường của chồng bà, giống như trong một cuốn phim mà tôi đã từng xem ở nhà ngoại vào một buổi tối khuya. Ông ấy không nổi giận, ông ấy rất tử tế bảo rằng hành vi đó là không đúng đắn đối với một cô bé gái, rằng tôi phải mặc quần áo vào. Nhưng tôi nhận thấy ông ấy tỏ ra thất vọng. Làm sao tôi biết mình vừa đề nghị ông ta ngoại tình? Có ai giải thích chuyện đó với tôi bao giờ đâu. Ngày hôm sau, một nhân viên bảo trợ xã hội đã đến tìm tôi. Tôi không bao giờ gặp lại họ nữa.
Camilla Robertson kể lại chuyện đó với một vẻ bình thản khiến Mila bất ngờ. Như thể chị ta đã đoạn tuyệt với quá khứ, đã tìm thấy sự yên bình và không còn gì phải che dấu. Không có chút hằn thù nào trong giọng nói của chị ta, chỉ có một nỗi buồn man mác.
Berish muốn Camilla đi thẳng vào sự việc, nhưng anh hiểu phải để cho chị ta nói.
– Cú điện thoại đầu tiên gọi đến vào sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi. Chiếc điện thoại đã đổ chuông nhiều lần, lúc đó là hai giờ chiều, và theo thói quen thì ngoại tôi ngủ cho đến sáu giờ tối. Chuông reo chán thì ngừng, rồi lại reo. Thế là tôi nhấc máy. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông chúc tôi sinh nhật vui vẻ. Chuyện đó thật kỳ lạ, vì chẳng ai nhớ ngày sinh của tôi. Cho tới lúc đó, tôi chỉ được một lần duy nhất cắt bánh sinh nhật vào một trong những dịp phải ở trong viện mồ côi, và tôi đã phải thổi nến với năm đứa bé sinh cùng tháng. Cũng hay, nhưng không có gì đặc biệt. Ngược lại, khi người đàn ông trên điện thoại nói ông ta gọi đến chỉ vì tôi, tôi đã cảm thấy… hãnh diện.
Mila quan sát các tấm ảnh của gia đình Robertson treo rải rác trong phòng khách. Khoảng một chục cái bánh sinh nhật và những khuôn mặt tươi cười dính đầy kem bơ.
– Người đàn ông đó có cho cô biết ông ta là ai hay không? – Berish hỏi.
– Tôi thậm chí còn không hỏi. Có quan trọng mấy đâu. Những người khác gọi tôi là “cháu bà Nora”, còn khi ngoại cần nói chuyện với tôi, bà dùng những từ đầy sỉ nhục. Điều quan trọng là ông ta biết tên tôi. Ông ta hỏi xem tôi có ổn không, ông ta muốn biết những chuyện khác trong cuộc sống của tôi, chẳng hạn như tôi học hành thế nào, bạn tôi là ai, ca sĩ hoặc nhóm nhạc mà tôi yêu thích. Ông ta đã biết khá nhiều thứ. Tôi thích màu tím này, ngay khi có tiền trong túi là tôi lao thẳng ra rạp chiếu bóng này, tôi thích phim tài liệu về động vật, và cả chuyện tôi muốn có một con chó tên Ben nữa.
– Chị không ngạc nhiên vì sao ông ta biết tất cả những cái đó sao? – Mila kinh ngạc hỏi lại.
Camilla mỉm cười lắc đầu.
– Tôi đã nói rồi, điều quan trọng nhất với tôi là được ai đó quan tâm đến mình.
– Chuyện gì đã xảy ra sau đó?
– Những cuộc gọi trở nên đều đặn. Thường thì ông ta gọi vào buổi chiều thứ Bảy. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong khoảng hai mươi phút, chủ yếu là tôi nói. Thật dễ chịu, tôi không quan tâm việc mình chẳng biết ông ta là ai, mặt mũi thế nào. Đôi khi, tôi thích thú với ý nghĩ rằng ông ta đã chọn mình để dựng lên mối quan hệ đặc biệt ấy. Ông ta không bao giờ yêu cầu tôi giấu giếm việc trò chuyện giữa chúng tôi với những người khác, nên tôi chẳng mảy may nghi ngờ ông ta có ý đồ xấu. Ông ta chưa bao giờ đòi gặp mặt tôi, chưa bao giờ yêu cầu tôi làm bất cứ việc gì. Đó là người bạn bí mật của tôi.
– Việc liên lạc qua điện thoại kéo dài trong bao lâu? – Berish hỏi.
– Khoảng một năm thì phải… Sau đó thì chấm dứt. Nhưng tôi vẫn còn nhớ cuộc gọi áp chót. Giọng điệu của ông ta đổi khác. Ông ta đã hỏi tôi một câu mà ông ta chưa bao giờ hỏi, đại loại là: “Cô nghĩ sao nếu được sống một cuộc đời mới?”. Sau đó ông ta giải thích điều mình muốn nói. Nếu tôi muốn, tôi có thể thay đổi tên họ, đến thành phố khác, bắt đầu từ con số không, thậm chí là cùng với một con chó tên Ben.
Mila và Berish nhìn nhau.
– Ông ta không giải thích sự thay đổi đó phải diễn ra như thế nào, ông ta chỉ nói rằng nếu tôi muốn thì chuyện đó là có thể.
Mila đặt tách cà phê xuống, thật chậm rãi, để không phá vỡ bầu không khí đã được tạo ra.
– Tôi thấy chuyện đó thật điên rồ. Tôi đã tưởng đó là một trò đùa. Thế nhưng ông ta nghiêm túc. Tôi đã đảm bảo với ông ta là tôi ổn và không muốn một cuộc đời khác. Sự thật là tôi chỉ muốn trấn an ông ta, vì không muốn ông ta cảm thấy thương hại tôi. Ông ta đã bảo tôi suy nghĩ và trả lời vào thứ Bảy sau. Khi ông ta gọi lại, tôi vẫn một mực từ chối. Ông ta không tỏ ra phật lòng. Chúng tôi đã nói chuyện như không có gì xảy ra. Tôi không hề biết đó là lần trò chuyện cuối cùng của chúng tôi. Tôi còn nhớ khi điện thoại không còn reo nữa vào ngày thứ Bảy kế tiếp, tôi cảm thấy bị bỏ rơi hơn bao giờ hết. Tôi xin lỗi. – Camilla Robertson nói và đứng dậy để đến chỗ đứa con vừa cất tiếng khóc.
– Tôi có cảm giác chị ta có nhiều thứ để kể. – Mila nói khẽ với Berish.
Anh chỉ vào bìa hồ sơ màu nâu.
– Còn cả cái này nữa…