Sự Thật Về Marketing Qua Email

SỰ THẬT 19



Những lợi ích của một trung tâm lựa chọn

Cũng giống như một sảnh chờ hấp dẫn ở khách sạn, quá trình đăng ký email của bạn phải thể hiện được sự trọng thị và là dấu hiệu cho một trải nghiệm tích cực sắp tới. Nếu có điều gì đó bạn có thể làm được để giảm khả năng người sử dụng đăng ký thoát khỏi chương trình email của mình, bạn có làm không? Suy cho cùng thì việc thu hút họ trở lại còn khó khăn gấp nhiều lần việc thu hút họ đăng ký lần đầu tiên.

Tin vui là bạn có thể làm được một số việc; nhưng thật ngạc nhiên, rất nhiều chuyên gia thị trường lại không làm như thế. Việc đó gọi là trung tâm lựa chọn. Thay vì nói: “Bạn có muốn đăng ký tham gia chương trình email của chúng tôi không?”, bạn nên cân nhắc việc hỏi những câu như: “Bạn muốn đăng ký chương trình thư tin tức hay thư thông báo chương trình giảm giá hàng tuần?” Đưa ra một vài phương án để người đăng ký lựa chọn cách thức bạn liên lạc với họ là cách làm lợi cả đôi đường.

Nhưng lợi ích của nó không chỉ dừng lại ở đấy. Cung cấp lựa chọn cho người sử dụng khi họ đăng ký đem lại nhiều giá trị to lớn, nhưng đưa ra lựa chọn cho người đăng ký đang có ý định thoát khỏi chương trình cũng là một cách giúp giữ chân họ. Trung tâm lựa chọn email trên website là nơi bạn tiếp nhận thêm người đăng ký và ngăn chặn người muốn bỏ cuộc, đồng thời vẫn bảo đảm tuân thủ đạo luật CAN-SPAM về vấn đề đăng ký ngừng tham gia chương trình email. Chẳng hạn, lý do mọi người quyết định ngừng tham gia có thể không liên quan tới nội dung thông điệp trong email của bạn mà lại là do bạn gửi email quá thường xuyên. Cho họ cơ hội tự xác định hoặc thay đổi tần suất gửi email (thay vì đăng ký thoát hoàn toàn) có thể khiến họ thay đổi ý định.

Forrester Research nhận thấy một công ty trung bình mỗi năm để mất khoảng 30% người đăng ký nhận email. Tuy nguyên nhân của hiện tượng này khá đa dạng, từ người đăng ký không còn quan tâm, tới chất lượng phân phát email, và các vấn đề liên quan đến thanh lọc danh sách email, nhưng các công ty thường để người sử dụng đăng ký thoát mà không hề đưa cho họ giải pháp thay thế nào.

Nhà cung cấp dịch vụ email Silverpop nhận thấy 12% công ty tạo cơ hội cho khách hàng điều chỉnh các lựa chọn của mình bên cạnh việc đăng ký thoát hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là có tới 88% những công ty được khảo sát để người sử dụng rời khỏi chương trình giữ chân khách hàng chi phí thấp, khả năng tiếp cận cao mà không hề cho họ phương án thay thế nào!

Trung tâm lựa chọn email phục vụ nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu nó mang lại cho người sử dụng một “thực đơn” đơn giản để họ đăng ký nhận hoặc đăng ký thoát khỏi chương trình email. Dưới đây là những thành phần làm nên một trung tâm lựa chọn “khoái khẩu”. Và, cũng giống như một món súp ngon miệng, bạn nhớ khuấy thật đều và nêm gia vị dựa vào những yếu tố nào có hiệu quả hay không hiệu quả trong trường hợp của bạn.

•Mô tả toàn diện về nội dung email – Nội dung mô tả bao gồm tựa đề email, nội dung email và tần suất email nhận được. Cũng nên hiển thị các thông tin đăng ký hiện thời của người sử dụng. Đây chính là xương sống của bất kỳ trung tâm lựa chọn nào, vì thế hãy làm sao để nội dung thực sự rõ ràng và ngắn gọn, và đừng làm người sử dụng “ngợp” vì quá nhiều thông tin chi tiết, hay cũng đừng quên đưa thông tin tổng quan về lý do tại sao họ nên đăng ký các loại thư tin tức khác, và đó là những loại thư tin tức gì.

•Các phương án nhận email – Người đăng ký nên có quyền lựa chọn nhận email dưới dạng HTML hay văn bản (hoặc qua điện thoại di động, nếu bạn có lựa chọn này). Ngoài ra, bạn cũng nên dùng phần này để nhắc họ bổ sung địa chỉ email hay tên miền của bạn vào danh sách chấp nhận email cá nhân khi mối quan tâm của họ dành cho email của bạn vẫn đang ở mức độ cao nhất.

•Thư mẫu – Trung tâm lựa chọn phải kích thích được những đối tượng đăng ký tiềm năng. Hãy cho họ cơ hội nhìn thấy thư mẫu, có thể là bằng một cửa sổ pop-up nhỏ, hoặc bằng một cửa sổ lớn hơn.

•Thay đổi thông tin cá nhân/địa chỉ email – Cho phép người đăng ký nhanh chóng bổ sung hoặc điều chỉnh thông tin cá nhân của họ – tức là địa chỉ email và các dữ liệu khác mà bạn thu thập – ngay cả khi bạn không yêu cầu các thông tin đó trong quá trình đăng ký. Điều này cũng giúp bạn phân loại cơ sở khách hàng để cung cấp nội dung phù hợp hơn và có cơ hội quảng cáo tốt hơn. Nếu bạn cho phép người sử dụng bổ sung thêm thông tin cá nhân sau khi đăng ký, họ sẽ cung cấp thêm cho bạn nhiều thông tin đấy.

•Đăng ký thoát khỏi tất cả các chương trình email/đăng ký thoát khỏi từng chương trình email – Ngoài việc hiển thị phần đăng ký thoát, hãy cho phép người sử dụng cập nhật nội dung ưa thích khi nhu cầu của họ thay đổi. Chẳng hạn, nếu một người nhận thông tin về ô tô từ một website, nhưng rồi anh ta lại mua ô tô mới; lúc này, anh ta có thể muốn đăng ký thoát khỏi chương trình thư tin tức về ô tô, nhưng vẫn muốn nhận các thư tin tức về thể thao và kinh doanh. Ở phần đăng ký thoát, hãy hỏi rõ người sử dụng muốn thoát khỏi một hay tất cả các chương trình email của công ty bạn.

•Khuyến mãi – Khi đề nghị cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ miễn phí trong quá trình đăng ký email, bạn sẽ thu hút khách hàng tham gia chương trình, đồng thời khiến họ chú ý hơn trong lần đầu tiên bạn gửi email cho họ. Đây là cách làm đặc biệt hiệu quả trong trường hợp bạn phải xây dựng cơ sở khách hàng đăng ký email từ đầu. Hãy tinh ý lựa chọn những thứ bạn có thể khuyến mãi chéo, và suy nghĩ cách thực hiện điều đó.

•Thành phần lan truyền email – Hãy tạo cơ hội cho người đăng ký mới chuyển tiếp email hay thông tin về chương trình email của bạn tới bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Ai cũng muốn mình là người tiên phong, vì thế hãy khiến người đăng ký cảm thấy như họ là một phần cốt yếu trong cộng đồng của bạn bằng cách khuyến khích họ chung tay phát triển nó. Bạn có thể trao phần thưởng cho những người đăng ký mới năng động này và cảm ơn họ vì đã là những thành viên giá trị, hoặc là những người phát tán thông tin về công ty, thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ của bạn.

•Chính sách bảo mật – Luôn luôn hiển thị đường dẫn tới phần ghi chính sách bảo mật ở cùng trang nơi người sử dụng đăng ký nhận email, bổ sung/điều chỉnh thông tin cá nhân… Đây là một việc làm hữu ích, bởi nó tạo cơ hội cho họ đọc các hướng dẫn nghiêm ngặt (hoặc không nghiêm ngặt) của bạn về thông tin cá nhân và cách bạn thực hiện email marketing dựa trên công tác bảo mật.

•Dịch vụ khách hàng/Liên hệ với chúng tôi – Phần này cũng quan trọng không kém phần chính sách bảo vệ quyền riêng tư. Chức năng Liên hệ với chúng tôi là một chức năng bắt buộc phải có, vì nó không chỉ giúp nâng cao sự hài lòng của khách hàng, mà còn giúp bạn nhận biết được những vấn đề hay trục trặc có thể xảy ra trong quá trình đăng ký. Nhiều website và mẫu thư không hoạt động, trong khi chủ website lại không hề hay biết. Dĩ nhiên, bạn nên kiểm tra tất cả các khía cạnh liên quan đến website và trung tâm lựa chọn email, nhưng bạn vẫn nên tạo ra cho người đăng ký một phương pháp nhanh chóng và dễ dàng để liên hệ với bạn.

•Người đăng ký thoát khỏi chương trình/cơ hội cuối cùng/lời đề nghị ở lại – Đường dẫn đăng ký thoát phải dễ dàng và hoạt động tốt, nhưng như thế không có nghĩa là bạn không thể đưa ra “củ cà rốt” để khuyến khích những người sắp ra đi tiếp tục ở lại hoặc đăng ký vào một chương trình thư tin tức hay dịch vụ khác. Thậm chí, bạn có thể hiển thị một mẫu thư đơn giản hỏi lý do tại sao họ lại muốn thoát khỏi chương trình trước khi họ nhấp chuột và rời khỏi bạn mãi mãi. Những thông tin phản hồi của họ có thể giúp bạn điều chỉnh và cải tiến chương trình email của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.