Sự Thật Về Marketing Qua Email

SỰ THẬT 40



Một cái nhìn gần hơn về thư rác

Thư rác là một trong những vấn nạn lớn nhất trong thế giới Web 2.0 ngày nay. Nó gây rắc rối cho người tiêu dùng, các công ty, và các chuyên gia thị trường hợp pháp sử dụng email marketing với sự cho phép của người đăng ký để liên lạc với khách hàng. Tất nhiên, để bảo đảm rằng các thông điệp được cho phép của bạn được người nhận nhận dạng là email phù hợp, bạn phải biết những kẻ gửi thư rác thường làm gì. Suy cho cùng, bạn không muốn các thông điệp của mình cũng bị nhìn bằng cặp mắt dành cho thư rác đúng không nào?

Vậy thư rác ngày nay trông như thế nào? Tôi xin mượn lời của Potter Steward, thẩm phán Tòa án Tối cao, khi nói về các ấn phẩm đồi trụy: “Nhìn là biết ngay thôi”. Thật may mắn, thư rác ít nhất cũng có những quy định nào đó, nhưng phần lớn chúng ta đều vẫn có thể nhận diện chúng khi chúng lọt vào hòm thư của mình.

FTC định nghĩa thư rác là “thư thương mại không mong muốn”. Đạo luật CAN-SPAM còn đưa ra định nghĩa chi tiết hơn và làm rõ đâu là những yếu tố khiến một email trở nên phạm luật. (Tuy rằng một số thư rác không vi phạm pháp luật về mặt lý thuyết – nếu bạn không rõ về Đạo luật CAN-SPAM và những yếu tố vi phạm pháp luật của thư rác, xem Sự thật 39). Hãy nhớ rằng có thư rác được định nghĩa bởi luật pháp, và cũng có những thư rác được định nghĩa bởi nhà cung cấp dịch vụ internet. Tốt hơn hết là tuân thủ đúng luật chơi phải không nào? Cũng giống như các chuyên gia email marketing, những kẻ gửi thư rác ngày càng trở nên tinh vi hơn, với rất nhiều mưu mẹo.

Gần đây, khi dọn dẹp hộp thư, vợ tôi hỏi tôi về mục đích của một số thư rác mà cô ấy tìm thấy. Kiểm tra kỹ hơn, tôi vẫn không khỏi lúng túng. Một số thư rác không hề gửi kèm đường dẫn nào cả, không hứa sẽ giúp bạn tăng cường sinh lực, cũng như không cam kết sẽ giúp vợ tôi làm việc ở nhà mà vẫn có thể tăng thu nhập gấp ba lần. Nhiều thông điệp thư rác trông như những khổ thơ kỳ quặc, không có ý nghĩa, và chúng cũng không chào bán sản phẩm nào cả.

Vì thế, chúng tôi quyết định phân loại và phân tích thư rác trong một tuần để tìm hiểu xem những kẻ gửi thư rác thực sự muốn nhắm tới điều gì. Chúng tôi kiểm tra những thư rác gửi đến địa chỉ email nơi làm việc, các tài khoản email của chúng tôi ở Hotmail, Yahoo! Mail và Gmail. Những gì chúng tôi phát hiện ra sẽ không loại bỏ được thư rác, nhưng thật thú vị khi so sánh chúng với những phương pháp hiệu quả nhất mà các chuyên gia email marketing hoạt động có phép của người nhận áp dụng.

Một số thư rác dường như là email từ một cá nhân gửi cho một cá nhân khác (tức những email có dạng như: “Thưa ông____, tôi cần ông giúp đỡ hoàn thành một giao dịch), một số khác lại là những thông điệp thư rác cỡ lớn quảng bá cho sản phẩm nào đó. Tuy nhiên, cũng có những thư rác như tôi vừa nêu; chúng chứa đựng nội dung vô nghĩa, không có đường dẫn và dường như cũng chẳng có mục đích gì cả. Một số email bắt đầu bằng một lời đề nghị (bán một sản phẩm thể thao hay dược phẩm nào đó), nhưng tới nửa sau của email họ lại đưa vào những vần thơ khó hiểu và đáng sợ, như thể bài thơ đó được viết bởi một kẻ giết người hàng loạt ở thế kỷ XIII vậy. Nhiều thư rác cũng đưa vào phần nội dung những mẩu tin tức về những sự kiện chính xác và mới xảy ra.

Những kẻ gửi thư rác đã tiến một bước dài

Tôi và nhóm làm việc đã nghiên cứu kết quả tổng hợp đứng từ góc độ so sánh thư rác với thư liên lạc thông thường của các công ty lớn (các công ty này thường áp dụng những chuẩn mực làm việc hiệu quả nhất) và phân tích thư rác dựa trên những khía cạnh sau:

•Nó có ý nghĩa gì không?

•Nó có lời kêu gọi hành động không (Ấn vào đây, Gọi số này)?

•Nó có gửi kèm các đường dẫn không?

•Nó có gửi kèm đường dẫn đăng ký thoát hay thông tin liên hệ không?

•Dòng Tiêu đề hay dòng Người gửi có ghi thông tin sai lệch không?

•Nó có đòi hỏi bạn đưa tiền hay nhờ bạn giúp thực hiện giao dịch không?

•Nó có phải là một phần trong âm mưu thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp không?

Cuộc nghiên cứu không chính thức này của chúng tôi đã cho thấy những phát hiện thú vị:

•32% dường như không có ý nghĩa gì cả

•71% có lời kêu gọi hành động rõ ràng

•77% có đường dẫn

•43% có đường dẫn đăng ký thoát hoặc cung cấp thông tin liên lạc

•30% có dòng Tiêu đề sai lệch và 80% có phần Người gửi ghi thông tin sai.

•3% yêu cầu bạn gửi tiền hoặc nhờ bạn giúp hoàn thiện một giao dịch tài chính

Chúng tôi không nhận được email khai thác thông tin trái phép nào.

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều (32%) thông điệp thư rác không có nội dung cụ thể và không có ý nghĩa. Và chúng tôi cũng ngạc nhiên không kém khi thấy nhiều thư rác không chứa đường dẫn hay lời kêu gọi hành động nào.

Gần một nửa có đường dẫn đăng ký thoát hoặc cung cấp thông tin liên lạc theo đúng yêu cầu của Đạo luật CAN-SPAM. Chúng tôi không khẳng định là các đường dẫn này có hoạt động hay không (điểm quan trọng trong CAN-SPAM), nhưng dường như có những loại đường dẫn lừa đảo khác. Nhiều thông điệp thư rác cũng cung cấp thông tin liên lạc nhưng lại ghi phần sản phẩm và phần Người gửi khác. Điều này có nghĩa một người gửi thư rác làm việc cho nhiều khách hàng cùng một lúc.

Chúng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy dòng Tiêu đề tương đối rõ ràng, nhưng chúng tôi lại thấy khá bình thường khi tỷ lệ dòng Người gửi đáng ngờ lại khá cao. Tên giả thậm chí còn không ăn nhập gì với địa chỉ giả (chẳng hạn, Martin Smith [[email protected]]).

Theo những gì chúng tôi xác định được, các ngành hay bị những kẻ gửi thư rác mạo danh nhất là:

•Dược phẩm – (Dùng Hoodia để bảo vệ sức khỏe!) – 17%

•Thế chấp – (Tỷ lệ hoàn vốn đặc biệt!) – 8%

•Giáo dục – (Lấy bằng ngay hôm nay!) – 8%

•Việc làm – (Tăng gấp đôi thu nhập – Làm việc tại nhà!) – 6%

•Thị trường chứng khoán – (Các mẹo mới nhất!) – 5%

Vì thế, hỡi các chuyên gia email marketing hợp pháp, hãy tiếp tục con đường mình đang đi, và đừng để những kẻ gửi thư rác đi trước một bước bằng những thông điệp gây mất tập trung và khó hiểu vốn vẫn cạnh tranh với những email hợp pháp ở trong hộp thư của khách hàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.