Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[21]. Giàu có chính là vấn đề



Mấy năm qua, đất nước Hàn Quốc chúng ta đã trở nên khá phồn thịnh. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 đô-la. Đường xá có rất nhiều xe cộ, chúng ta có những cửa hàng lớn chất đầy hàng hóa tốt, cơ hội du lịch nước ngoài cũng mở ra cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, tiếc thay, một trong những hệ lụy của sự thịnh vượng mới nổi này chính là tình trạng chi tiêu lãng phí, một khuynh hướng đang lan tràn trong xã hội như một căn bệnh lây lan. Mặc dù chúng ta đã thịnh vượng hơn, nhưng chắc chắn tôi không nghĩ đã đến lúc chúng ta phung phí.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 đô-la nhưng tôi không nghĩ tình hình giống như khi Nhật Bản hoặc Đài Loan đạt đến mức 5.000 đô-la. Tôi cảm thấy rằng thực tế chúng ta đang sống với mức thu nhập bình quân chỉ 2.000 đô-la. Khi xem xét mức lạm phát và giá trị giữa đồng won Hàn Quốc và đồng đô-la, con số 5.000 đô-la của chúng ta gần với mức 2.000 đô-la nếu so sánh với mức chuẩn của Nhật Bản và Đài Loan thời đó. Nhưng mức tiêu thụ của chúng ta thì ngang bằng với Nhật Bản và Đài Loan hiện nay. Chúng ta đang tiêu xài rất lớn so với thu nhập bình quân đầu người.

Bất kỳ ai kiếm được 2.000 đô-la nhưng lại tiêu 10.000 đô-la cũng sẽ gặp rắc rối. Người nào kiếm ra 2.000 đô-la cũng chỉ nên chi tiêu dưới 2.000 đô-la. Như thế mới hợp lý, và như thế mới tạo ra cuộc sống gia đình tốt đẹp và một quốc gia lành mạnh.

Tất cả mọi người dường như đều đang chi tiêu như điên, và không ai chịu tiết kiệm, điều đó có nghĩa là rắc rối càng lớn. Cho nên chúng ta phải cắt giảm chi tiêu. Có vẻ mọi người có trí nhớ rất ngắn ngủi, vì chúng ta mới thoát khỏi đói nghèo cách đây chưa lâu. Nhìn mức chi tiêu điên cuồng thế này chẳng khác gì nhìn thấy một đứa trẻ đang chập chững tập đi tìm cách chạy cả.

Mặc dù người Nhật sống tốt hơn chúng ta, nhưng họ sống rất giản dị. Ngay cả chủ tịch các tập đoàn lớn cũng sống trong những căn nhà chỉ rộng từ 100 đến 130 mét vuông, và họ dùng đồ đạc đơn giản. Chủ tịch của hãng Toshiba khổng lồ kiếm được hơn 100 triệu yên mỗi năm, nhưng ông ấy sống trong một căn nhà 83 mét vuông và chỉ tiêu 150.000 yên mỗi tháng. Ngược lại, một số chủ tịch các công ty nhỏ tại đây có nhà rộng hơn 330 mét vuông và chất đầy trong nhà những đồ đạc nhập khẩu xa xỉ. Người Nhật là những người tằn tiện nhất thế giới. Chính sự tiết kiệm đó làm cho nước Nhật trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới ngày nay.

* * *

Tiêu thụ càng làm tăng tiêu thụ. Một khi người dân bắt đầu tiêu tiền thì rất khó dừng họ lại. Vì thế, ngay từ đầu, chúng ta phải tự thuyết phục mình về giá trị của khiêm nhường và căn cơ. Một khi người dân đã được nếm trải thứ gì đó lớn hơn và tốt hơn, sẽ rất khó quay trở lại. Chẳng hạn, rất khó, gần như không thể, để một người đang sống trong ngôi nhà rộng rãi chuyển sang một nơi chật hẹp hơn. Và chẳng có gì bất tiện hơn với một người có xe hơi riêng phải chuyển sang dùng phương tiện công cộng.

Tiêu dùng thái quá rất nguy hiểm, và nó trở thành một thói quen xấu. Một quốc gia của những người tiêu dùng chi tiêu vượt mức của mình chính là một quốc gia đang gặp rắc rối. Tuy nhiên, hiểm họa không đến từ việc lãng phí tiền bạc. Chi tiêu thái quá ảnh hưởng đến đạo đức chung, người dân trở nên giảm quyết tâm làm việc chăm chỉ, và họ quan tâm nhiều hơn đến hưởng thụ ngay lúc này. Họ muốn chơi nhiều hơn là họ muốn làm việc, và họ trở thành con mồi của sự lười biếng và phung phí mà xa rời đức tính cần cù và tiết kiệm. Thay vì tích góp từng tí một thông qua những nỗ lực lành mạnh, họ sẽ tìm kiếm vận may từ trên trời rơi xuống.

Tất cả những điều này chỉ dẫn tới tha hoá và suy đồi bản chất con người và cuối cùng là cả một dân tộc và quốc gia.

Dường như tất cả mọi người đều đang tiêu tiền như nước. Đã đến lúc chúng ta lấy lại ý thức của mình. Tình trạng phung phí này rất gần với sự rối loạn tinh thần và những người chạy theo nó đều giàu có. Hiện nay có những gia đình mà mỗi thành viên có một chiếc xe hơi riêng trong khi những gia đình khác không có đủ chỗ để ngủ. Có những người tìm cách tham gia các câu lạc bộ golf trong khi những người khác phải tự sát vì cùng quẫn đói nghèo. Điều này cho thấy vấn đề nghiêm trọng đến mức nào và sự chênh lệch lớn như thế nào.

Những người giàu nên giảm bớt mức sống quá cao của họ. Thay vì khoe khoang tài sản của mình qua việc chi tiêu bừa bãi, họ nên chia sẻ tài sản của mình với những người nghèo. Chúng ta phải phục hồi lại đạo đức của sự phồn vinh. Người giàu cần giúp thu hẹp khoảng cách giữa người nghèo và người giàu. Đất nước sẽ rơi vào nguy kịch nếu người giàu có thái độ cho rằng việc họ tiêu tiền như thế nào chẳng ảnh hưởng đến ai cả.

Vài năm trước, có một buổi sinh hoạt xã hội dành cho các lãnh đạo công ty và vợ họ, và vợ của một ông đã xuất hiện trong chiếc áo khoác lông chồn. Tôi biết rất rõ rằng ông này không có khả năng mua nổi áo lông chồn cho vợ mình với mức lương của ông ấy. Họ cũng có đến vài chiếc xe hơi trong nhà. Rõ ràng những người này đang sống quá khả năng của mình, dĩ nhiên trừ phi họ còn có gì đó phụ thêm vào. Và vì ông này đang làm việc ở bộ phận mua hàng nên nhiều người nghĩ tư cách của ông ấy có vấn đề.

Tôi không thể không cảm thấy rằng thói phung phí như thế có thể dễ dàng trở thành một căn bệnh lây lan cho những nhân viên khác, cho nên tôi ra lệnh kín đáo điều chuyển ông kia khỏi vị trí đang làm. Theo tất cả những gì tôi biết, không có lời bào chữa nào cho việc vợ ông ấy mua một chiếc áo khoác lông chồn cả. Rồi ông ấy rời khỏi công ty.

Trách nhiệm của một người đối với xã hội tăng lên tương xứng với tài sản của người ấy. Mọi thứ chúng ta có đến với chúng ta từ và qua xã hội. Điều này đúng cả với tài sản, danh tiếng và quyền lực. Và xã hội không trao những thứ đó cho chúng ta để chúng ta sử dụng cho riêng mình. Xã hội trao cho chúng ta để chúng ta có thể đáp lại xã hội một cách thích đáng. Nói cách khác, các bạn càng có nhiều tiền thì các bạn càng cần tằn tiện, và càng phải có trách nhiệm dẫn dắt xu hướng xã hội theo hướng lành mạnh bằng việc nỗ lực làm việc hơn những người khác và tằn tiện hơn những người khác.

* * *

Hiện nay, chúng ta giàu có hơn trước kia, nhưng chưa đến mức chúng ta có thể phung phí. Chúng ta đang ở giao lộ giữa hướng phát triển thành một quốc gia tiên tiến hoặc giẫm chân tại chỗ.

Hãy nhớ rằng trở ngại lớn nhất để chúng ta trở thành một quốc gia tiên tiến chính là sự phung phí và tiêu thụ quá mức.

Chúng ta hãy tích luỹ những gì dư dả hôm nay cho một ngày mai sung túc hơn nữa, và hãy kiểm soát những thèm muốn ích kỷ của chúng ta để chúng ta có thể dành cho thế hệ sau một xã hội ổn định, thịnh vượng hơn. Chúng ta hãy làm việc chăm chỉ, và chúng ta hãy tằn tiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.