Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm
[6]. Những thầy phù thủy
Có một thầy phù thủy có thể nhảy vọt qua quả đồi cao 100m bất kỳ khi nào ông ấy muốn. Ông ta là nguồn cội của những điều kỳ diệu và cả sự ganh ghét, điều đó khiến chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thể có được những sức mạnh như thế không. Chúng tôi tự hỏi liệu có phải sức mạnh của ông ta bất ngờ từ trên trời rơi xuống vào một ngày nào đó lúc ông tađang thiền định không.
Mới đầu, vị phù thủy này không thể nhảy xa hơn hầu hết chúng ta, có lẽ chỉ 1m. Nhưng ông ta đặt mục tiêu nhảy qua quả đồi cao 100m và tập luyện hằng ngày, tiến bộ từng chút một. Ông ta dành toàn bộ thời gian cho nỗ lực này. Có lẽ ông ta tự rèn luyện bằng cách tập nhảy qua những vườn kê mọc cao hơn mỗi ngày. Có lẽ đó là cách ông ta trở thành một thầy phù thủy, một “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình.
Người ta rất dễ có quan niệm sai lầm rằng các thầy phù thủy sinh ra đã là phù thủy. Nhưng nếu đúng như vậy thì các chuyên gia sinh ra đã là chuyên gia và các vị chủ tịch sinh ra đã là chủ tịch. Nhưng chuyên gia và chủ tịch đều không cất tiếng khóc chào đời đã có ngay địa vị như vậy – họ chỉ nỗ lực nhiều hơn để trở thành chuyên nghiệp, giống như thầy phù thủy kia vậy.
Mỗi người đều có những khả năng vô tận, và sự khác biệt duy nhất giữa một thầy phù thủy và một người bình thường là ở chỗ thầy phù thủy sử dụng những khả năng tiềm tàng của mình và nỗ lực hơn trong bất kỳ việc gì ông ấy làm. Mọi việc đều có lý do, và nguyên nhân dẫn tới kết quả. Thành tích không ngẫu nhiên mà có; thành tích chính là đỉnh điểm của các quá trình.
Với tôi, nói thế này quả thật không khiêm nhường cho lắm, nhưng tôi có biệt danh Phù thủy. Có lẽ tôi được gọi như vậy vì tôi thường kể về thầy phù thủy nhảy cao mà tôi vừa nhắc đến lúc trước; hoặc là cái biệt danh ấy được những người ở xung quanh tôi gán cho tôi bởi lẽ, theo như tôi nghĩ, tôi có khát khao cháy bỏng muốn trở thành một chuyên gia trong mọi vấn đề tôi thâm nhập. Tôi phải thừa nhận rằng mình không thích cái biệt danh ấy lắm bởi vì suốt đời mình, tôi chỉ muốn làm một chuyên gia mà thôi.
Tôi học chuyên ngành kinh tế ở đại học, nhưng công việc đầu tiên của tôi là trong lĩnh vực không hề liên quan – dệt may. Nhưng sau 10 năm trong nghề, tôi đã trở thành một thầy phù thủy dệt may. Mặc dù tôi rời khỏi lĩnh vực dệt may mới một thời gian trước nhưng cho đến hôm nay, tôi vẫn có thể cảm nhận được từng mảnh vải và nói chính xác nó dùng cho loại sản phẩm nào, những chất liệu cần cho quy trình sản xuất ra nó, và các quy trình sản xuất liên quan. Và tôi vẫn là một thầy phù thủy trong việc phối màu và kết hợp các loại vải.
Nhưng đẳng cấp chuyên gia của tôi không chỉ giới hạn trong ngành dệt may. Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu mở rộng, tôi đã nỗ lực trở thành một chuyên gia trong nhiều lĩnh vực – máy móc, xe hơi, tài chính, đóng tàu và thậm chí khách sạn. Tôi quyết tâm trở thành chuyên gia trong từng lĩnh vực này, và chính khả năng thành thạo này giúp mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại và tiếp cận những lĩnh vực kinh doanh mới.
Nhờ tất cả những nỗ lực trong các lĩnh vực khác nhau này, tôi dần trở thành một chuyên gia cả về con người. Khi tôi nói chuyện với những lãnh đạo cấp dưới, căn cứ vào ngôn từ và nét mặt của họ, tôi có thể ngay lập tức nói được họ nghiên cứu những lĩnh vực tương ứng của họ kỹ càng đến mức nào. Chỉ với một hoặc hai câu hỏi, tôi có thể quyết định được mức độ tinh thông của họ.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyên môn hoá. Đây chính là thời kỳ mọi thứ thay đổi hằng ngày, cuộc sống trở nên phức tạp và đa dạng hơn, và nhu cầu đối với các chuyên gia ngày càng thấy rõ ở nhiều lĩnh vực. Mọi thứ đã dần thay đổi so với thời kỳ khi một người có thể xử lý tất cả mọi việc. Thậm chí, nếu một người có khả năng giải quyết cả khối lượng và chi tiết toàn bộ công việc thì thời gian cũng không cho phép người đó làm vậy. Kết quả là phải hình thành sự phân chia lao động chuyên môn hoá cao, và điều này làm tăng đáng kể hiệu quả. Do đó, giờ đây, chúng ta cần đến các chuyên gia ở mọi lĩnh vực. Trong thế giới ngày nay, bạn phải trở thành một chuyên gia hoàn toàn trong lĩnh vực mà bạn lựa chọn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ qua mọi thứ khác chỉ để tập trung vào lĩnh vực bạn chọn. Bạn cần nhiều mối quan tâm khác nhau cũng như lương tri. Ngoài việc là một chuyên gia, bạn còn phải có hiểu biết phong phú. Thế giới rất rộng lớn và cuộc sống luôn đa dạng. Bằng việc giới hạn mình vào thế giới nhỏ bé của riêng bạn, bạn trở thành “ếch ngồi đáy giếng,” không biết đến thế giới còn lại xung quanh mình.
Những điều tôi lo lắng về thời nay là chúng ta bận rộn đào một cái giếng rộng càng nhanh càng tốt đến mức chúng ta quên mất độ sâu. Nhưng để đào được đủ sâu, bạn cần một mảnh đất đủ rộng trước khi bắt tay vào đào. Nếu thật sự muốn đào sâu, trước tiên bạn phải đào rộng đã. Nếu bạn chỉ nghĩ đến độ sâu, có thể ngay từ nhát xẻng đầy đầu tiên, bạn sẽ đào được khá sâu; nhưng chỉ đào sâu hơn một chút, bạn thấy ngay rằng bạn không thể tiến sâu xuống thêm nếu như không có đủ không gian cần thiết. Cho nên hãy cho mình đủ không gian trước khi bạn bắt tay đào giếng. Khi đó, bạn có thể thấy rất dễ dàng đào sâu bao nhiêu tuỳ ý.
Hãy trở thành một chuyên gia, nhưng đừng đến mức trở nên mù quáng với tất cả mọi thứ khác. Bất kể chuyên môn của bạn là gì, bạn vẫn phải giữ được những mối quan tâm chung, bao quát. Đó là những gì chúng ta phấn đấu để trở thành người có văn hoá, có lương tri.
Một người chuyên về vi sinh không cần phải trở thành một chuyên gia về các phương pháp lắp ráp cánh máy bay. Nhưng cho dù chuyên ngành của bạn là vi sinh, y học hay văn học thì bạn vẫn cần vốn kiến thức chung nhất định. Số “vốn” mà tôi đang nói đến này chính là trở thành người có văn hoá, có hiểu biết, giúp đảm bảo chuyên môn của bạn có độ sâu nhất định. Bạn cần hiểu biết rộng về những môn như triết học, phép xã giao và đạo đức. Cho nên khi tôi nói về việc trở thành một chuyên gia, điều này bao gồm cả việc có vốn hiểu biết cơ bản và tầm nhìn vượt ra khỏi phạm vi chuyên môn của bạn.
Ngày nay, sức mạnh và uy tín không được bảo đảm một cách riêng rẽ – kỷ nguyên đó đã qua rồi. Ngày nay, sức mạnh đến từ việc trở thành chuyên gia. Uy tín và sự thừa nhận giờ đây đến từ việc trở thành người duy nhất có thể làm được một công việc nào đó. Chuyên môn hoá chính là tiêu chuẩn thời nay.
Tại sao các bác sĩ lại được kính trọng? Quan sát của tôi là họ luôn nhận được sự tôn trọng và nhìn nhận mà những người không phải chuyên gia không thể có được.
Tại sao những tác giả như Dostoyevsky, Camus và Kafka vẫn được ghi nhớ? Bởi họ là những chuyên gia về văn học, và bởi họ đạt được trình độ cao về văn học mà những người khác không có. Tất cả những người ấy đều làm được công việc mà người khác không thể làm được, hoặc không làm được ở thời điểm đó.
Vì thế, hãy trở thành một chuyên gia, một phù thủy; hãy cố gắng trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của bạn, cho dù đó là gì. Và nếu bạn băn khoăn không biết làm cách nào đạt được điều đó, cho tôi khuyên bạn hãy hoàn toàn đắm mình vào lĩnh vực đó. Những ý tưởng, tri thức và trình độ am hiểu thuộc về những người toàn tâm toàn ý cho việc gì đó. Tạm nghỉ một lát để nảy ra ý tưởng mới mẻ là điều rất ngớ ngẩn.
Nội dung hiện ra từ ngòi bút, và bạn phải viết liên tục để nảy ra ý tưởng. Cũng như vậy, những ý tưởng sáng tạo và tri thức ở những lĩnh vực khác cũng nảy ra từ quá trình say mê. Thiên tài phụ thuộc 99% vào nỗ lực, và để trở thành một thiên tài trong lĩnh vực của mình, bạn phải say mê. Hãy duy trì một không gian nhất định, và đào cho sâu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.