Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm
Phần II. Bài Học Từ Thế Giới Của Loài Nhện – [18]. Bài học từ thế giới của loài nhện
Có một loài nhện biết khéo léo đẻ một số lượng trứng rất lớn vào lớp vỏ cây và ngụy trang bên trên bằng lớp mạng. Sau một thời gian, lũ nhện con nở ra, và nhện mẹ, không hề nghĩ đến bản thân, bắt đầu công việc tìm thức ăn cho đàn con giống như tất cả mọi loại động vật và côn trùng.
Tuy nhiên, khi nhện con đủ cứng cáp để tự bắt mồi, nhện mẹ kiệt sức mà chết. Kỳ lạ hơn nữa, ở loài nhện khác, thực tế nhện mẹ còn tự làm thức ăn cho các con của mình. Có vẻ khó tin, nhưng cơ thể nhện mẹ cung cấp đủ dưỡng chất cho nhện con. Thật cảm động khi thấy rằng cuộc đời của nhện con tùy thuộc vào sự hy sinh và cái chết của nhện mẹ, và nhện mẹ phải chết để đàn con được sống.
Cũng với ý nghĩa như vậy, sự thịnh vượng của một thế hệ tương lai tùy thuộc vào những hy sinh của thế hệ hiện tại; trên thực tế, có thể không đạt được thịnh vượng nếu không có sự hy sinh như vậy. Ở cấp độ cá nhân hơn, hạnh phúc của trẻ em tùy thuộc vào những hy sinh của cha mẹ. Mồ hôi và nước mắt của một thế hệ tạo ra niềm vui cho thế hệ tiếp theo. Vì lẽ đó, những ông bố bà mẹ lười nhác, vô trách nhiệm sẽ tạo ra con đường khổ ải cho chính con cái mình.
Theo quan sát của tôi thì những gia đình sống sung túc là những gia đình trong đó cha mẹ đã hy sinh và nỗ lực làm việc cho thế hệ sau chứ không phải làm việc cho chính mình. Giống như bắt chước quy luật tự nhiên của loài nhện, cha mẹ chúng ta thắt lưng buộc bụng và làm việc cực nhọc vì chúng ta. Sự thịnh vượng của chúng ta hôm nay là kết quả trực tiếp từ những hy sinh của thế hệ trước.
Điều này đúng với mọi quốc gia thịnh vượng: Sự thịnh vượng được tạo dựng từ những hy sinh của cả một thế hệ. Người ta thường nói đến “Phép màu sông Rhine,” nhưng có thật đó là một phép màu không? Phép màu sông Rhine chính là quá trình nỗ lực làm việc suốt ngày đêm của cả một thế hệ để xây dựng một nước Đức mới. Âm thanh xây dựng chính là âm thanh của sự hy sinh, và sự hy sinh đó là sức mạnh đằng sau một nước Đức cường thịnh ngày nay.
Có rất nhiều ví dụ quanh ta. Tinh thần tiên phong hy sinh tồn tại qua nhiều thế hệ trong quá trình tạo dựng nên sự phồn thịnh của nước Mỹ, và Nhật Bản chính là kết quả của những hy sinh trong thời kỳ Phục hưng Minh Trị. Và ai đã làm cho nước Anh thành cường quốc? Chính là những người hy sinh bản thân sống như nô lệ trong những xí nghiệp khắc nghiệt thời Cách mạng Công nghiệp.
Chẳng có gì tự nhiên mà có trên đời này cả, và chẳng có gì là ngẫu nhiên.
Các bạn càng đào, cái hố càng sâu, và cái hố càng sâu thì nước giếng càng nhiều. Lẽ tất nhiên là như vậy.
Ở Hàn Quốc, chính thế hệ sống trong thập niên 1960 vốn hy sinh rất nhiều cho tương lai, nhiều đến mức tôi có thói quen mô tả thế hệ của mình là thế hệ hy sinh. Chính trong những năm 1960 là lúc chúng tôi mở mắt trước khả năng xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và một quốc gia hùng cường, và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đó bằng nhiệt tình và quyết tâm không gì sánh được. Những gì thế hệ trẻ có được ngày hôm nay chính là kết quả của những nỗ lực và hy sinh ấy.
Những người đến từ các quốc gia thịnh vượng thường hỏi tôi một câu hỏi giống nhau: “Tại sao ngài lại suốt ngày làm việc quần quật và thậm chí chẳng có lấy một ngày nghỉ như vậy? Chẳng nhẽ không có lúc nào ngài cảm thấy hài lòng một chút và nghỉ ngơi sao?”
Tôi luôn đưa ra cùng một câu trả lời: “Các vị sống tốt hơn chúng tôi rất nhiều, cho nên các vị không nghĩ rằng thế hệ tiếp theo của chúng tôi cần thu hẹp khoảng cách một chút ư? Thế hệ tôi cảm thấy có nghĩa vụ đặt nền móng để lấp đầy khoảng trống ấy. Vẫn còn hơi sớm để chúng tôi ngồi xuống và cảm thấy thỏa mãn.”
Cá nhân tôi cảm thấy rằng chúng ta vẫn còn phải hy sinh rất nhiều. Tôi lo lắng về khuynh hướng của một số người, những người với thói quen sống hoang phí mới học được, ứng xử cứ như thể họ sinh ra trong một quốc gia kinh tế phát triển vậy. Chúng ta phải phục hồi tinh thần hy sinh thời trước và tinh thần đương đầu với tương lai vì chúng ta vẫn đang sống trong một thời kỳ đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nỗ lực làm việc. Nếu thực tế các bạn nghĩ đến điều này từ góc độ một thế hệ hy sinh vì thế hệ tiếp theo thì khi đó mọi thế hệ đều cần hy sinh cho một tương lai tốt hơn nữa. Cho dù thành tích có là gì thì một thế hệ cũng nên kiểm soát những cảm xúc thỏa mãn của mình, vì sự thỏa mãn của một thế hệ sẽ tạo ra sự bất mãn ở thế hệ tiếp theo. Điều này vừa ích kỷ vừa ngu ngốc.
Một đứa trẻ hái quả trên cái cây do ông mình trồng. Nếu không có cái cây, không có gì cho đứa trẻ đó hái. Nếu cả một thế hệ chỉ nghĩ cho mình thì còn gì để lại? Thậm chí nếu chúng ta không có ý định hái quả thì chúng ta cũng có trách nhiệm trồng cây. Thật vui sướng khi nghĩ đến thế hệ cháu chúng ta hái quả và suy ngẫm về những gì thế hệ ông bà đã làm và tại sao họ lại làm thế!
Hy sinh chỉ có thể thực hiện được khi các bạn gạt bỏ mọi ý nghĩ về bản thân, khi các bạn chỉ nghĩ đến người khác và khi các bạn nghĩ đến những điều lớn lao hơn là lợi ích và lòng tham cá nhân. Hy sinh là hình thức tối thượng của chủ nghĩa vị tha.
Thanh niên Hàn Quốc ngày nay dường như không thích từ “hy sinh,” và xu hướng này bị ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân phương Tây và một không khí xã hội đòi hỏi một đời sống tốt hơn ngay từ lúc này. Vậy còn từ “cống hiến” thì sao? “Hy sinh” và “cống hiến” là những từ được dùng rộng rãi ở thế hệ tôi, nhưng dường như thanh niên bây giờ chẳng được dạy những điều như thế. Không ai bảo thanh niên ngày nay phải biết hy sinh hoặc cống hiến cho một sự nghiệp lớn hơn.
Vì không có ai nói điều đó nên hãy để tôi: Hãy hy sinh cho tương lai và cống hiến cho lương tri. Làm những việc của chính các bạn có thể rất ổn, nhưng dành những gì của mình cho một sự nghiệp lớn hơn chính là lối sống có giá trị hơn nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.