Không Gia Đình

9. TÔI GẶP MỘT NGUỜI KHỔNG LỒ ĐI HÀI BẢY DẶM



Tôi còn nhớ đi khỏi miền đá vôi khô cằn thì chúng tôi lọt vào một thung lũng quanh năm xanh tươi. Đó là thung lũng sông Đoócđônhơ. Chúng tôi đi xuôi chiều thung lũng, đi những chặng ngắn thôi. Đất đai màu mỡ làm cho dân cư giàu có, cho nên chúng tôi biểu diễn được nhiều lần. Tiền thưởng rơi vào cái bát gỗ của con Capi khá dễ.

Một cái cầu lơ lửng trên không như treo trong sương mù bằng những sợi tơ nhện giăng ngang trời, vắt qua một con sông rộng, nước chảy lững lờ. Đó là cầu Cúpdắc và sông Đoócđônhơ.

Một thành phố đổ nát, có hào, có hang động, có vọng lâu, có những tường thành rạn nứt của một tu viện ở giữa, có lũ ve sầu kêu râm ran trên những cây nhỏ rải rác đó đây. Đó là thành phố Êmiliông.

Tất cả những thứ này đều mập mờ hỗn độn trong trí nhớ của tôi. Duy có một cảnh tượng dội khá mạnh vào đầu óc tôi khiến nó ghi nhớ mãi cho đến ngày nay. Mỗi khi tôi hồi tưởng lại thì cảnh tượng ấy lại hiện lên rõ nét như ban đầu.

Chúng tôi ngủ đêm ở một làng khá nghèo khổ và hôm sau chúng tôi lại ra đi khi trời vừa hửng sáng.
Chúng tôi đi đã lâu lắm trên đường cái đầy bụi. Tầm con mắt đang bị thu hẹp vào một con đường nhỏ hai bên trồng nho, bỗng dưng mở rộng ra trên một khoảng mênh mông, dường như có chiếc gậy thần đã đụng vào một bức phông đột nhiên buông xuống trước mặt chúng tôi.

Một con sông chảy uyển chuyển vòng quanh ngọn đồi, chúng tôi vừa bước chân tới. Bên kia sông, những mái nhà và những gác chuông của một thành phố lớn rải rác khắp nơi, tít chân trời mờ dạng. Nhà mới nhiều làm sao! Và biết bao nhiêu là ống khói! Một vài ống khói cao và đẹp hơn, vươn lên như những cây cột, phun từng luồng khói đen cuồn cuộn bay theo chiều gió tạo thành một đám mây mù trên thành phố! Ở giữa dòng sông và dọc theo bến tàu, tàu thủy đậu ngổn ngang chen chúc. Dây lèo, cột buồm, cánh buồm, cờ muôn màu sắc phất phơ trước gió, tất cả những cái ấy chen nhau chi chít như cây trong rừng. Có những tiếng ầm ầm ì ì, tiếng sắt vụn loảng xoảng, tiếng xoong chảo, tiếng búa dập và trên cả các tiếng đó là tiếng rầm rầm của vô số xe cộ chạy nhộn nhịp trên bến tàu. Cụ Vitali nói:

– Thành phố Boócđô đấy.

Đối với một đứa trẻ như tôi, một đứa trẻ cho tới lúc ấy chỉ trông thấy những thôn xóm nghèo nàn ở miền sông Crơdơ hay một vài đô thị nhỏ tình cờ gặp trên đường đi, thì quang cảnh này quả thực là thần tiên. Không nghĩ ngợi gì cả, chân tôi tự nhiên dừng lại. Tôi đứng yên nhìn về phía trước, nhìn xa, nhìn gần, nhìn xung quanh. Nhưng rồi mắt tôi chăm chú nhìn vào một điểm: con sông và tàu trên sông. Tàu bè ra vào nhộn nhịp làm cho tôi chú ý nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, và càng không hiểu lại càng chăm chú.

Có những chiếc tàu buồm giương thẳng cánh, thân nghiêng chênh chếch xuôi theo dòng sông. Có những chiếc khác đi ngược dòng nước. Có chiếc đang quay tròn mà tôi chẳng trông thấy cái gì làm nó quay như vậy. Lại cũng có những chiếc không cột, không buồm nhưng có một ống khói nhả khói lên trời cuồn cuộn. Chúng chạy thật nhanh, xuôi ngược đủ chiều, để lại sau lái những làn bọt trắng trên mặt nước vàng vàng.

Thấy tôi ngạc nhiên, cụ Vitali giải thích, tuy tôi không hỏi:

Đây là giờ thủy triều lên. Có những con tàu từ biển khơi vào sau những cuộc hành trình lâu dài: đó là những tàu trông như han gỉ, màu sơn đã bẩn. Cũng có tàu rời bến. Cháu hãy nhìn những con tàu đang quay ở giữa sông kia kìa, chúng đang trở mũi quanh neo, để cho mũi tàu quay về phía ngọn nước dâng lên. Những tàu chạy trong đám khói mù mịt kia là những tàu kéo đấy.

Chà sao mà lắm tiếng kỳ lạ thế! Sao mà lắm điều mới mẻ thế!

Khi chúng tôi đi đến chiếc cầu nối liền Baxti với Boócđô thì cụ Vitali không có đủ thì giờ để trả lời lấy một phần trăm những câu tôi muốn hỏi cụ.
Cho tới lúc đó chúng tôi chưa ở lại lâu trong những đô thị mà chúng tôi đi qua. Yêu cầu biểu diễn bắt buộc chúng tôi ngày nào cũng phải thay đổi nơi diễn để có khán giả mới. Với những diễn viên như trong “gánh xiếc của cụ Vitali trứ danh” thì tiết mục cũng chẳng được phong phú cho lắm. Khi đã diễn những vở: “Người đầy tớ của ông Giôlicơ”, “Cái chết của vị tướng”, “Sự đắc thắng của người chính trực”, “Con bệnh tẩy ruột” và ba bốn vở khác nữa thì chẳng còn gì, và các diễn viên của chúng tôi cũng đã dốc cạn tài nghệ rồi. Do đó phải đi chỗ khác để diễn lại vở “Con bệnh tẩy ruột” hoặc “Sự đắc thắng của người chính trực” cho những khán giả chưa từng xem.

Nhưng Boócđô là một thành phố lớn. Khán giả đổi mới thường xuyên.Từ khu phố này sang khu phố khác, mỗi ngày chúng tôi có thể diễn ba bốn lần, không sợ người ta la ó như ở tỉnh Caho: “Bao giờ cũng có thể thôi à?”.

Từ Boócđô chúng tôi định đến Pô. Hành trình của chúng tôi phải trải qua một vùng đất hoang rộng lớn chạy dài từ cửa ô Boócđô mãi cho tới dãy núi Pyrênê. Nơi này người ta gọi là vùng Lăngdơ. Tôi bây giờ thì chẳng còn giống hệt con chuột nhắt trong chuyện ngụ ngôn nữa, nó thấy cái gì cũng ngạc nhiên, cũng thán phục hay sợ hãi tuy thế ngay buổi đầu cuộc hành trình này, tôi đã bị một cái nhầm làm chủ tôi phì cười và chế giễu tôi mãi cho tới khi đến thành phố Pô.

Chúng tôi đã rời Boócđô được bảy tám ngày. Trước hết chúng tôi đi dọc theo bờ sông Garon. Chúng tôi rời con sông ở xã Lănggông rồi đi vào con đường núi Mácxăng xuyên sâu vào nội địa. Chẳng còn thấy ruộng nho, đồng cỏ, vườn cây ăn quả đâu nữa. Chỉ thấy toàn là rừng thông và bãi thạch thảo. Rồi nhà cửa cũng thưa thớt và xác xơ hơn. Tiếp đến một vùng đồng lầy trải mênh mông trước mắt với những nếp đất nhấp nhô. Ở đây không trồng trọt cũng không có rừng. Xa xa chỉ có một màu đất xám và ở cạnh, dọc hai bên đường cái phủ rêu mịn như nhung và những cây thạch thảo khô héo và những cây kim tước chi cằn cỗi. Cụ Vitali nói:

Chúng ta đến miền Lăngdơ rồi đấy. Chúng ta còn phải đi giữa cánh đồng hoang vu này độ chừng hai mươi hay hai mươi lăm dặm nữa! Cháu phải vững chân nhé!
Không những là phải vững chân mà còn phải vừng lòng vững chí. Vì đi trên con đường hầu như vô tận, tôi cảm thấy ngập một nỗi buồn không gì khuây khỏa được.
Sau này tôi đã nhiều lần đi biển. Lần nào cũng vậy, cứ ra đến giữa đại dương, không còn thấy bóng cánh buồm nào nữa thì nỗi buồn vẩn vơ khó tả ấy lại tràn ngập lòng tôi như ở giữa cảnh hiu quạnh này.
Cũng như ở trên đại dương, mắt chúng tôi phóng tới tận chân trời chìm đắm trong hơi thu mà chẳng nhìn thấy cái gì khác ngoài cảnh đồng bằng xám ngắt, phẳng lì và đơn điệu, trải ra trước mặt chúng tôi.

Thầy trò chúng tôi đi mãi. Bất giác nhìn quanh thì tưởng như mình vẫn giẫm chân tại chỗ không tiến được bước nào vì cảnh vật không thay đổi, vẫn những cây thạch thảo, vẫn những cây kim tước chi, vẫn những đám rêu. Rồi đến những cây phượng vĩ, lá mềm mại rung rung dưới gió, lượn lên lượn xuống uyển chuyển như sóng gợn.

Phải vượt những quãng đường dài mới gặp vài khu rừng nhỏ. Thông thường hễ có rừng thì phong cảnh vui tươi lên. Song những khu rừng này thì lại không thế. Rừng trồng những cây thông chặt cành đến tận ngọn. Ở thân cây có các vết đẽo sâu hoắm và ở trên các sẹo màu đỏ ấy nhựa thông chảy ra kết tinh lại thành những giọt trắng. Gió thổi từng cơn qua lá thông tạo nên một bản nhạc bi ai làm cho người ta tưởng như nghe thấy tiếng những thân cây bị chặt than vãn về vết thương của mình.

Cụ Vitali đã bảo rằng tối nay chúng tôi sẽ về đến thôn xóm và sẽ ngủ ở đó. Nhưng trời sắp tối rồi mà chưa thấy cái gì báo trước sẽ đến làng mạc. Không có ruộng đồng trồng trọt, không có súc vật ăn cỏ trên cánh đồng hoang và đằng xa cũng không có cột khói nào báo cho mình biết nơi đó có nhà.

Đi từ sáng sớm, tôi đã mỏi và càng thấy mỏi mệt hơn nữa vì có một sự uể oải ngao ngán đã xâm chiếm toàn thân. Cái làng hạnh phúc kia dễ không bao giờ hiện ra ở đầu con đường vô tận này chắc!

Tôi cố mở thật to mắt nhìn thật xa, vẫn chỉ thấy đồng hoang vô tận mà những bụi cây mỗi lúc càng nhòa đi trong bóng tối dần dần dày đặc.
Lòng mong mỏi sắp đến chỗ nghỉ làm chúng tôi rảo bước đi nhanh. Tuy đã quen đi đường dài, chủ tôi cũng thấy mỏi. Ông cụ muốn dừng chân để nghỉ một lát ở bên đường. Đáng lẽ ra tôi cũng ngồi xuống cạnh ông cụ nhưng tôi lại muốn trèo lên một ngọn đồi kim tước chi nhỏ gần lối đi, để xem có trong thấy nơi nào có ánh đèn không?

Tôi gọi con Capi tới để nó đi với tôi, nhưng nó cũng mệt nên tảng lờ như không nghe thấy. Đó là cái mánh lới thường lệ của nó, mỗi khi nó không thích làm theo ý tôi. Cụ Vitali hỏi:

– Cháu sợ à?

Nghe hỏi như vậy tôi không nài thêm nữa, nhất quyết đi một mình. Tôi thấy không chút gì sợ hãi nên càng không muốn cho chủ tôi chế giễu tôi. Đêm đã đến vào không có trăng nhưng có sao lấp lánh trên trời và ánh sáng xuống bầu không khí đầy những hơi mùn mỏng nhẹ, mắt có thể nhìn qua.

Vừa đi tôi vừa đưa mắt nhìn bên trái. Buổi hoàng hôn đầy sương khói ấy tạo cho mọi vật những hình dạng kỳ dị. Phải suy luận mới nhận ra những bụi cây, những lùm kim tước chi, nhất là mấy cái cây nhỏ thân cong queo, cành vặn vẹo. Từ xa, những bụi bờ, những lùm kim tước chi, những cây cối đó trông chẳng khác gì những sinh vật của một thế giới kỳ quái.

Thật là kỳ lạ! Dường như bóng tối làm cho cánh đồng hoang biến hình và có rất nhiều bóng ma huyền bí xuất hiện.
Tôi không hiểu tại sao tôi chợt nảy ra ý nghĩ là người khác ở vào địa vị tôi có lẽ phải khiếp sợ trước những hình bóng ma quỷ đó. Có thể được lắm, vì cụ Vitali đã chẳng hỏi tôi có sợ không là gì? Tuy vậy tự hỏi lòng, tôi không thấy sợ chút nào.

Tôi càng leo lên sườn đồi thì thấy những thân cây kim tước chi càng chắc hơn, cây thạch thảo và cây phượng vĩ càng cao hơn, ngọn cây thường cao quá đầu và đôi khi tôi phải luồn dưới lá của chúng.

Chẳng bao lâu tôi lên tới đỉnh gò. Tôi cố mở to mắt ra mà cũng chẳng thấy một đốm lửa nhỏ nào cả, tầm mắt tôi mất hút vào trong bóng tối: chỉ có những hình dáng mập mờ, những bóng đen kỳ quái, những cây kim tước chi vươn cành đến tôi như những cánh tay dài mềm dẻo, những bụi cây đang nhảy múa. Không nhìn thấy cái gì báo hiệu cho biết là gần đây có nhà ở. Tôi lắng nghe có tiếng gì không, tiếng bò rống hay tiếng chó sủa chẳng hạn.

Cố lắng tai nghe, nín thở để nghe cho rõ, bỗng tôi thấy rùng mình. Sự yên lặng của đồng hoang đã làm cho tôi đâm hoảng. Tôi sợ. Sợ cái gì chứ? Tôi không biết. Có lẽ sợ sự yên lặng, sợ cảnh cô quạnh và đêm tối. Dù sao, tôi cảm thấy như sắp gặp điều gì nguy hiểm.

Giữa lúc tôi hoang mang nhìn quanh thì thấy ở xa một bóng đen lớn chuyển động thật nhanh trên những cây kim tước chi. Đồng thời tôi cũng nghe thấy như có tiếng sột soạt của cành lá bị va chạm.

Tôi cố tự nhủ rằng vì sợ nên đã quáng mắt trông lầm và cái bóng đen kia có lẽ chỉ là một cái cây mà thoạt đầu tôi chưa trông thấy.
Nhưng còn tiếng động kia là gì vậy? Không có tí gió nào. Những cành cây dù nhẹ đến đâu chăng nữa, tự nó cũng không rung chuyển được. Phải có gió nhẹ đu đưa hay có người lay động nó!

Có người chăng? Cái hình thù to lớn đen sẫm đang tiến về phía tôi kia không thể nào là người được! Có lẽ là một con thú mà tôi chưa từng thấy bao giờ, hoặc đúng hơn là một con chim đêm khổng lồ, hoặc một con nhện lớn vô cùng có bốn chân lêu đêu nổi bật lên nền trời xanh nhạt trên những bụi rậm, những lùm cây phượng vĩ.

Có điều chắc chắn là cái con vật có bộ cẳng cao lêu nghêu ấy đang tiến về phía tôi bằng những bước nhảy gấp rút.
Đích thị là nó đã trông thấy tôi và chạy xổ đến tôi. nghĩ ấy làm cho đôi chân tôi lại thấy dẻo dang. Tôi xoay người lao xuống dốc để chạy về với cụ Vitali.
Nhưng mà lạ thay! Lúc xuống thì tôi lại đi chậm hơn là đi lên. Tôi lao vào những đám kim tước chi và những đám thạch thảo. Tôi va vấp vào cây, tôi bị móc lại, cứ mỗi bước mỗi dừng.
Vừa mới gỡ thoát bụi gai ra, tôi lé mắt nhìn lại phía sau thì thấy con vật sắp đến gần chỗ tôi rồi.
May thay bãi hoang không còn vướng víu những bụi rậm nữa và tôi chạy được nhanh hơn.
Nhưng dù tôi chạy nhanh bao nhiêu con vật cũng vẫn chạy nhanh hơn. Tôi không ngoảnh cổ lại vẫn cảm thấy nó đến sát sau lưng rồi.
Tôi không thở được nữa. Phần thì lo sợ, phần thì phải chạy cuống cuồng, tôi đứt cả hơi. Nhưng tôi vùng lên, cố gắng hết sức bình sinh một lần nữa, chạy đến ngã khuỵu xuống bên chân cụ chủ tôi. Trong lúc ấy ba con chó thình lình đứng cả dậy và sủa rộ lên. Tôi chỉ lắp đi lắp lại được hai tiếng:

– Con vật, con vật!

Bỗng tiếng đàn chó cắn lao nhao, tôi nghe một tiếng cười vang dội. Cũng lúc ấy, cụ chủ tôi đặt tay lên vai tôi, xoay người tôi lại:
Con vật vẫn là cháu! – Ông cụ vừa nói vừa cười – Cháu hãy thử nhìn xem, nếu cháu có gan nhìn.
Tiếng cười của ông cụ, còn hơn cả câu nói, làm cho người tôi tỉnh lại. Tôi mở mắt ra và nhìn theo phía tay cụ chỉ.
Con quái vật hiện hình vừa rồi làm cho tôi hoảng sợ, đã dừng lại: nó đứng im trên đường cái.
Tôi phải thú thực rằng tôi vẫn còn ghê tởm và kinh sợ. Nhưng bây giờ không còn ở giữa cánh đồng hoang nữa. Ông cụ Vitali ngồi đó, bầy chó vây quanh, tôi không bị cảnh vắng lặng quạnh hiu làm cho rối trí. Tôi định thần nhìn kỹ con vật.
Có phải là con vật không? Hay là một con người.

Thân hình, đầu và tay nó thì y như người. Nhưng nó lại có vẻ thú ở chỗ toàn thân phủ một bộ lông dày, chễm chệ trên đôi cẳng dài khẳng kheo, dễ thường cao đến đôi ba thước. Mặc dù bóng tối đã dày hơn, tôi vẫn nhận rõ những chi tiết ấy, vì cái hình dạng to lớn của nó nổi bật lên đen sẫm trên nền trời có ánh sáng nhờ nhờ của vô số vì sao.

Có lẽ tôi vẫn còn loay hoay với câu hỏi của tôi nếu cụ chủ không lên tiếng hỏi con quái vật đó:
Này, anh có thể cho chúng tôi biết ở gần đây có làng mạc gì không?

Đúng là người rồi, vì người ta nói chuyện với nó mà. Đáp lại câu hỏi của cụ chủ, tôi chỉ nghe thấy một tiếng cười cụt lủn giống như tiếng kêu của một con chim.
Thế thì đây rõ là một con vật.

Tuy vậy chủ tôi vẫn tiếp tục hỏi, thế mới lạ chứ. Vì rằng ai cũng biết giống vật đó đôi khi cũng hiểu ta nói gì đấy, nhưng bảo trả lời thì chúng trả lời thế nào được.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy con vật nói lại rằng quanh vùng này chẳng có nhà ở, chỉ có một trại chăn cừu và nó sẵn lòng đưa chúng tôi đến đó.
Thì ra nó nói được! Thế sao nó có cẳng nhỉ?

Nếu không bạo gan thì tôi đã lại gần nó để xem chân cẳng nó ra thế nào. Nó chẳng có vẻ dữ tợn vậy mà tôi cũng không có cái can đảm ấy. Tôi nhắc xắc lên vai đi theo cụ chủ tôi, không nói không rằng. Ông cụ vừa đi vừa hỏi:

Cháu đã thấy cái gì làm cho cháu bị một mẻ hết hồn chưa?

Có, nhưng cháu vẫn không hiểu là thế nào, ở vùng này có những người khổng lồ hay sao?
Phải, là người khổng lồ khi họ đi trên đôi chân cà kheo!

Ông cụ giải thích cho tôi là người xứ Lăngđơ muốn đi ngang qua những khoảng đất đai có nhiều cát hoặc đầm lầy ở bàn đạp. Có như thế mới khỏi thụt lún xuống tận hông.

Ấy thế là, đối với những đứa trẻ nhát gan, họ trở thành những người khổng lồ đi hài bảy dặm đấy!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.