Không Gia Đình

23. MỘT THÀNH PHỐ ĐEN



Đường từ Môngtácgi đến Vácxơ quả là dài; Vácxơ ở chính giữa miền Xêvennơ, trên triền núi xuôi về phía Địa Trung Hải. Năm, sáu trăm kilômét theo đường thẳng, nhưng với chúng tôi thì phải đến trên một ngàn kilômét vì lối sống của chúng tôi bắt buộc phải tạt ngang rẽ ngửa đó đây: phải tìm đến những thành phố và những thị trấn lớn mà biểu diễn để thu được kha khá! Chúng tôi đi ròng rã gần ba tháng trời mới vượt được cái chặng trên ngàn kilômét ấy; nhưng tới gần Vácxơ, đếm lại tiền, tôi sung sướng thấy đã dùng thì giờ rất có ích: trong túi da của tôi đã để dành được một trăm hai mươi tám phờrăng; chỉ còn thiếu hai mươi hai phờrăng là có thể mua được con bò sữa cho má Bácbơranh.

Mátchia cũng thích thú không kém và cũng khá tự hào vì đã góp phần mình để kiếm ra số tiền như thế. Đúng là phần ấy rất lớn: không có nó, trước hết là không có chiếc kèn đồng của nó, chỉ một mình tôi với Capi thì đừng có hòng thu góp được một trăm hai mươi tám phờrăng.

Từ Vácxơ dến Savanông làm gì chẳng kiếm thêm được cái món hai mươi hai phờrăng đương thiếu!
Chúng tôi đến Vácxơ. Nơi đây, độ trăm năm trước, là một làng nhỏ xơ xác, nằm heo hút trong núi; sở dĩ được người ta biết đến là nhờ nó thường là nơi trú quân của “Những đứa con của Chúa” do Giăng Cavaliê chỉ huy. Nằm giữa núi non trùng điệp, nó trở thành một vị trí quan trọng trong cuộc chiến tranh của những người Camida(1); nhưng mặt khác cũng chính cái vị trí đó đã làm cho nó đói nghèo.

Vào khoảng năm 1750, một nhà quí tộc đã có tuổi, vẫn rất say mê thăm dò địa chất đã phát hiện ở Vácxơ những mỏ than đá. Từ ngày ấy, Vácxơ trở thành một vùng than cùng với một số khu vực khác, cung cấp than cho miền Nam và có cơ giành giật thị trường Địa Trung Hải với than của người Anh. Khi ông ta bắt đầu đào bới, mọi người đều chế nhạo. Đến khi ông đào sâu tới một trăm rưỡi mét mà vẫn không thấy gì thì mọi người hối hả tìm mọi cách để nhốt giữ ông ta như một người điên, vì gia sản của ông có cơ bị chôn vùi vào những cuộc khảo sát vớ vẩn đó. Vácxơ có mỏ sắt nhưng làm gì có mỏ than đá! Im lặng và để tránh những tiếng thị phi, ông quí tộc già ấy bèn ở luôn trong giếng đào, không ra nữa. Ông ăn ngủ ngay tại chỗ, và như vậy cũng chỉ còn phải chịu đựng sự ngờ vực của những người thợ làm việc với ông. Cứ mỗi nhát cuốc bổ xuống, họ lại nhún vai. Nhưng được động viên vì nhiệt tình của ông, họ lại bổ thêm một nhát nữa và cứ thế giếng thăm dò cứ sâu xuống dần. Tới hai trăm mét thì gặp một vỉa than đá. Ông quí tộc già không còn là một người điên nữa mà là một thiên tài; chỉ hôm trước hôm sau, sự thay bậc đổi ngôi ấy đã trọn vẹn.

Hiện nay, Vácxơ là một thành phố có mười hai ngàn dân, trước mắt có một triển vọng công nghiệp to lớn có thể cùng Ale và Bécxêgiơ là niềm hy vọng của miền Nam trong lúc này.

Sự giàu có của Vácxơ, hiện nay cũng như sau này, là cái nằm dưới lòng đất chứ không phải là cái nằm trên mặt đất. Trên mặt đất, quang cảnh đến là buồn tẻ và tiêu điều: đá vôi, bãi hoang bạc màu, tức là chỉ có khô cằn, không có một cây to. Đây đó lơ thơ vài ba cây dẻ, cây dâu hoặc cây ôliu khẳng khiu, không có đất màu, đâu đâu cũng chỉ một màu đá xám hoặc đá trắng. Lác đác có một vài đám đất trũng may mắn khí ẩm thấm lên được thì mới có chút ít cây cỏ xanh tươi, nổi bật lên mát mắt trên toàn cảnh trơ trọc của núi đá.

Do tình trạng trơ trọc ấy mà xảy ra những nạn lụt kinh khủng: trời mưa nước chảy tuột trên những dốc trơ như trên phố lát gạch; rồi những con suối, thường thì khô cạn, lúc ấy vụt cuồn cuộn chảy đổ vào các con sông trong thung lũng, dâng nước lên nhanh như chớp; chỉ mấy phút sau mực nước sông lên cao tới ba, bốn, năm mét và có khi hơn nữa.

Vácxơ nằm vắt trên một con sông như thế, con sông Đivôn; ngay trong thành phố lại có hai con suối nhỏ để vào đó: suối Tơruye và suối Xanh Ăngđêôn. Vácxơ không phải là một thành phố đẹp, cũng không sạch mà cũng không cân đối.

đây, những toa goòng đầy ắp quặng sắt và than đá đi lại liên miên giữa phố từ sớm đến tối và không ngớt tung ra những thứ bụi đỏ, bụi đen. Ngày mưa, bụi hòa với nước, làm thành một thứ bùn lỏng, ngập sâu như nước bùn ở đầm lầy. Trái lại, những ngày nắng gió, nó cuốn thành những cơn lốc mò mịt, xoáy tròn trong các đường phố rồi bốc lên cao, phủ cả thị trấn. Nhà cửa đều đen thủi đen thui từ trên xuống dưới, đen vì bụi từ mặt đường tung lên, đen vì khói các lò nung, lò bếp hay ở mái nhà xuống. Cái gì cũng đen, đất đen, trời đen, cả nước sông Đivôn cũng đen nốt. Ngựa đen, xe đen, lá cây đen, thế mà người đi trong phố xá lại còn đen hơn nữa. Tưởng như có một đám mây bồ hóng đã phủ xuống thành phố suốt cả một ngày trời, hoặc là một trận lụt hắc ín đã dâng lên ngập nhà cửa đến tận nóc. Ở đây đường sá không phải đắp ra để cho người và xe ngựa đi lại, mà là để cho đầu tàu và toa goòng của khu mỏ chạy. Đâu đâu trên mặt đất cũng thấy đường ray và ghi quay. Những cầu tự hành, những dây cuaroa, những cây trục chuyền quay động trên đầu và rú lên đinh tai nhức óc. Đi cạnh mấy ngôi nhà lớn ta thấy chúng rung chuyển đến tận móng, nhòm vào trong nhà qua các cửa ta thấy có những khối gang to di động như những khối tinh thạch khổng lồ, những búa máy làm tóe lửa như mưa, và ở khắp mọi nơi, những chiếc píttông chạy bằng hơi nước lên xuống đều đều không ngớt. Không có công viên, không có tượng ở các quảng trường, không có công trình kiến trúc. Cái gì cũng giống nhau, cái gì cũng xây dựng trên một kiểu hình khối đục nhiều hay ít cửa sổ tùy theo sự cần thiết.

Chúng tôi đến gần thành phố lúc hai, ba giờ chiều, mặt trời rực rỡ, vòm trời trong sáng. Nhưng càng đi tối, trời càng sẫm dần: giữa trời với đất, có một đám khói dày nặng nề kéo qua, thủng toạc ở những chỗ có ống khói cao vứt. Đã từ hơn một tiếng đồng hồ rồi, chúng tôi nghe thấy những tiếng rền mạnh, một thứ tiếng gầm giống như tiếng sóng biển, lẫn với những tiếng nện thình thình. Tiếng rền đó là tiếng quạt máy, còn tiếng nện thình thình là tiếng búa và chày(2) chạy bằng hơi nước.

Tôi biết ông chú của Alơxi là thợ mỏ ở Vácxơ, làm ở mỏ Tơruye, nhưng cũng chỉ biết có thế. Đến Vácxơ, tôi hỏi mỏ Tơruye thì người ta chỉ cho tôi sang tả ngạn sông Đivôn, trong một thung lũng nhỏ có một con suối chảy qua: cái mỏ đã mang tên của chính dòng suối ấy. Thành phố đã không có gì hấp dẫn, mà đến phong cảnh thung lũng này thì lại hết sức ảm đạm: một vành đồi trọc không cây, không cỏ, chỉ có đây đó những dãy đá xám xịt và một vài vạch đất đỏ cắt ngang những dãy đá kia. Đi vào thung lũng thì có những ngôi nhà lớn của sở mỏ, những nhà xe, chuồng ngựa, nhà kho, phòng giấy, những ống khói của nhà máy hơi nước.

Xung quanh là những đống than, đống đá. Chúng tôi vừa đến khu nhà cửa thì bị một thiếu phụ chặn lại. Dáng chị bơ phờ tóc chị phất phơ trên vai, tay chị dắt một em bé. Chị bảo:

Các người làm ơn chỉ cho tôi một con đường mát mẻ. Tôi sửng sốt nhìn chị. Chị tiếp:
Một con đường cây to, bóng mát, bên cạnh có dòng suối róc rách trên đá cuội và chim hót líu lo trên cành.
Chị nói thế rồi huýt một điệu sáo vui. Thấy tôi không trả lời, mà hình như cũng không nhìn thấy vẻ kinh ngạc của tôi, chị lại nói:
Các người không gặp con đường ấy ư? Đáng tiếc! Không gặp chắc là vì còn xa lắm. Ở bên phải hay bên trái, em hãy bảo chị đi em! Chị tìm mà có thấy đâu!
Chị nói thao thao, vừa nói vừa đưa tay vung vẩy, còn tay kia thì âu yếm xoa đầu đứa con.
Chị hỏi em con đường ấy, vì chị biết chắc là sẽ gặp được Mariuýt? Em biết

Mariuýt chứ? Không à? Ấy, Mariuýt là bố của con chị đây. Khi Mariuýt bị khí nổ Gờridu(3) thiêu đốt thì anh trốn vào con đường ấy. Bây giờ thì anh chỉ đi dạo trên những con đường mát mẻ mà thôi, để cho những vết bỏng đỡ nóng rát. Mariuýt biết tìm ra những con đường ấy. chị thì chị không biết. Bởi thế mà đã sáu tháng nay chị không gặp Mariuýt của chị. Sáu tháng thì lâu quá khi người ta yêu nhau. Sáu tháng, ôi sáu tháng đằng đẵng!

Chị quay về phía các tòa nhà lớn của sở mỏ, vung tay dữ dội chỉ những cuộn ông khói nhà máy đang phun khói cuồn cuộn và thét lên:
Công việc dưới hầm mỏ, công việc của quỷ sứ. Trả Mariuýt của tao cho tao! Chị lại quay về phía tôi:
Em không phải là người ở đây, phải không? Trông tấm da cừu và cái mũ của em thì biết em từ xa đến. Em hãy đến nghĩa địa mà xem và đếm những nấm mộ: một, hai, ba… toàn là chết trong hầm mỏ.
Thế rồi chị ẵm con lên, siết chặt vào lòng và bảo:

Mỏ, mày không cướp được bé Pie của tao đâu, không bao giờ! Nước ngọt lắm, mát lắm. Con đường mát ở đâu? Mày không biết con đường ấy thì mày cũng ngu ngốc chẳng kém bọn người kia, chúng cười cợt chế giễu tao. Không biết thì còn giữ tao lại làm gì? Mariuýt đang chờ tao mà!
Chị quay lưng và vừa đi những bước dài vừa huýt điệu sáo vui khi nãy.

Tôi hiểu đây là một thiếu phụ đã hóa rồ sau khi chồng bị khí gridu nổ giết chết trong hầm mỏ. Chúng tôi đã gặp gỡ người thiếu phụ đáng thương vì quá đau khổ mà phát điên kia trong khung cảnh ảm đạm này, ngay khi mới đặt chân đến vùng mỏ, cuộc gặp gõ ấy làm chúng tôi buồn nẫu ruột.

Chúng tôi hỏi được nhà chú Gátxpa: chú ở gần mỏ, trong một đường phố ngoằn ngoèo và dốc, chạy từ đồi xuống bến sông. Đến nơi, tôi gặp một người đàn bà tựa lưng vào cửa nói chuyện với một chị hàng xóm cũng đứng tựa cửa: tôi hỏi ông Gátxpa thì bà ta trả lời rằng sau giờ tan tầm ông mới về. Bà hỏi:

Các anh hỏi ông Gátxpa có việc gì?

Cháu muốn tìm Alơxi.

Anh là Rêmi đấy à? Alơxi có nóí chuyện anh với chúng tôi. Nó chờ anh đấy. Anh này là ai? – Vừa nói bà vừa trỏ Mátchia.
Bạn cháu.

Người ấy là bà thím của Alơxi. Tôi tưởng bà sẽ mời chúng tôi vào nhà để nghỉ ngơi, bởi vì đôi châu và gương mặt rám nắng của chúng tôi nói lên rõ ràng là chúng tôi mệt mỏi. Nhưng bà chẳng mời qua một tiếng; bà chỉ nhắc lại rằng Alơxi hiện đang ở trong mỏ, đến sáu giờ trở lại nhà thì sẽ gặp nó.

Tôi vốn không có gan đòi hỏi những cái mà người ta không mời. Tôi đành cảm ơn bà ta về những điều bà cho biết, và thế là chúng tôi trở ra phố, đi lùng ngay một hàng bánh mì vì đói quá: từ sáng sớm chúng tôi chỉ ăn có mỗi một mẩu bánh mì tối hôm qua còn lại. Tôi lấy làm hổ thẹn về sự đón tiếp đó; tôi cảm thấy Mátchia đang băn khoăn tự hỏi như thế nghĩa là thế nào, và chúng tôi cất công đi bao nhiêu dặm đường vừa qua để làm gì? Tôi đoán rằng Mátchia sẽ không có ý nghĩ tốt đẹp về những người bạn của tôi, và nếu tôi có nói chuyện Lidơ thì nó sẽ không để tai nghe với mối thiện cảm như trước nữa. Mà tôi thì hết sức mong muốn Mátchia có sẵn thiện cảm và tinh thần đối với Lidơ trước khi gặp em.

Bị tiếp đón lạnh nhạt như thế, chúng tôi không buồn quay trở lại nữa. Gần sáu giờ thì chúng tôi đến chờ Alơxi ở cửa hầm mỏ. Người ta đào ba lò giếng để lấy than mỏ Tơruye. Thợ mỏ không lên xuống trong khu làm việc theo những giếng ấy; họ lên xuống theo một đường hầm dài bắt đầu bên cạnh kho đèn, thông tới tầng khai thác thứ nhất, từ đó tỏa ra khắp nơi trong mỏ. Bố trí như thế để tránh cho thợ những tai nạn thường vẫn xảy ra trong các giếng khi dây cáp đứt, hoặc một cái thùng chở bị vướng mà hất những người trong thùng xuống dưới sâu hàng hai ba trăm mét; lại cũng để tránh cho họ những thay đổi đột ngột khi từ dưới sâu quãng hai trăm mét, nhiệt độ đều và cao, bỗng nhiên vì lên bằng máy mà chuyển ngay vào một nơi nhiệt độ không đều dễ bị sưng phổi, sưng màng phổi.

Được biết trước thợ mỏ ra lò theo đường hầm ấy, tôi và Mátchia đứng sẵn trước cửa và khi chuông sáu giờ đổ xong, qua mấy phút thì bắt đầu thấy nhiều đốm sáng chập chờn trong hầm tối om. Những chấm ấy lớn dần lên nhanh chóng. Đó là những người thợ đã làm xong công việc trong hầm tối, bây giờ xách đèn đi lên mặt đất sáng sủa. Họ đi chậm chạp, nặng nề, có vẻ như đầu gối họ bị đau làm sao ấy, điều này thì về sau, khi chính mình cũng đã leo hết những thang bậc xuống đến tầng cuối, tôi mới hiểu. Mặt mày họ đen đủi như mặt những người thợ thông ống khói, áo mũ họ dính đầy bụi than và bết nhiều mảnh bùn ướt. Đi đến kho đèn, ai nấy mắc đòn của mình lên một chiếc đanh riêng. Tôi hết sức chú ý, nhưng cũng không thấy Alơxi đi ra, và nếu anh ấy không nhảy tới ôm choàng cổ tôi thì có lẽ tôi cũng đã để anh đi qua mất mà không nhận ra, bây giờ anh đen thủi đen thui từ đầu đến chân, chẳng còn giống cái thằng bạn ngày nào chạy đi chạy lại trong vườn, áo sơmi sạch sẽ xắn tận khuỷu tay, da trắng lồ lộ dưới cổ áo để hở. Anh ấy quay lại với một người trạc bốn mươi đi bên cạnh: “Rêmi đây!”. Người đó có gương mặt trung hậu hiền lành cũng như bác Acanh. Điều này chắng có gì lạ, bởi vì họ là anh em ruột. Tôi biết đó là chú Gátxpa. Chú ân cần bảo:

Hai chú cháu tôi đợi anh đã lâu lắm!

Từ Pari đi Vácxơ đường dài quá!

Mà chân anh thì ngắn, có phải không? – Chú vừa bảo thế, vừa cười.

Được gặp lại Alơxi, Capi có vẻ sung sướng; nó ngoạm tay áo Alơxi mà lôi để tỏ bộ mừng rỡ. Trong lúc đó, tôi giới thiệu cho chú Gátxpa biết Mátchia là bạn và là người cộng sự với tôi, một chú bé trung thực tôi quen biết từ trước, sau này mới gặp lại, chú ta thổi kèn đẩy thì không ai bì. Chú Gátxpa tiếp lời tôi:

Còn kia là “ông” Capi. Mai là chủ nhật, sau khi nghỉ ngơi đã lại sức, các anh biểu diễn cho chúng tôi xem với! Alơxi bảo cái anh Capi này thông thái hơn một thầy giáo, lành nghề hơn một diễn viên.
Đứng trước bà thím, tôi lúng túng bao nhiêu, thì giờ đây, với ông chú, tôi thấy thoải mái bấy nhiêu. Ông đúng là em “bố” Acanh. Ông bảo:
Hai cháu nói chuyện với nhau đi, chắc là có nhiều tâm sự để giãi bày với nhau. Phần chú, để chú chuyện trò với cái anh thanh niên nghệ sĩ kèn đẩy này.
Chuyện của chúng tôi đủ nói trong một tuần lễ, mà e một tuần lễ cũng còn ít quá! Alơxi muốn biết tôi đã đi đường như thế nào, còn tôi, tôi vội muốn nghe xem anh ấy đã làm quen với cuộc sống mới như thế nào. Hai đứa mải lo hỏi han nhau hóa ra không đứa nào chú ý trả lời cho đứa nào cả. Chúng tôi đi từ từ, những người thợ mỏ trên đường về lần lượt vượt chúng tôi, họ đi thành một hàng dài, choán hết cả đường phố, người nào người nấy đều dính đầy bụi đen, cũng thứ bụi đã đóng thành lốp dày trên mặt đất.

Đi gần tới nhà thì chú Gátxpa đến bên chúng tôi, bảo:

Các chú bé này, các chú ăn bữa tối với chúng tôi nhé!

Trong khi đi đường, tôi nghĩ thầm rằng thái độ của bà thím đã không hứa hẹn gì tốt đẹp thì khi đến nhà e có lẽ phải chia tay với nhau. Cho nên lời mời của chú Gátxpa làm cho tôi sung sướng hơn bất cứ lời mời nào khác. Bước vào nhà, chú nói ngay:

Đây là Rêmi, và đây là bạn của chú ta.

Tôi cũng vừa gặp các chú ấy.

Càng hay! Vậy thì coi như đã quen nhau. Hai chú ăn tối với chúng ta đây.

Ăn tối với Alơxi nghĩa là được ở lại đêm với anh ấy, điều ấy đành rằng làm cho tôi sướng rơn đi, nhưng thực tình mà nói thì tôi phải thú thực rằng chỉ riêng cái việc được ăn bữa tối cũng đủ làm cho tôi sung sướng rồi. Từ khi ở Pari cất bước ra đi, hai chúng tôi ăn uống thất thường, gặp đâu ăn đó, đây một mảnh cùi nhỏ, kia một mẩu

bánh con, chứ có mấy khi được ngồi ghế tựa dùng bữa đàng hoàng, ăn xúp trong đĩa. Thực ra chúng tôi đã kiếm được khá tiền, đủ sức để tự thết mình những bữa chén ra trò trong các quán ăn. Nhưng còn phải dành dụm để tậu con bò của hoàng tử, và Mátchia thì tốt bụng đến nỗi nghĩ đến việc mua bò, nó cũng sung sướng chẳng kém gì tôi.

Nhưng diễm phúc dự một bữa tiệc, tối hôm ấy chúng tôi nào có được hưởng! Tôi cũng ngồi trước bàn ăn, trên ghế tựa, nhưng người ta không dọn xúp cho chúng tôi xơi. Những công ty mỏ hầu hết đều có mở những cửa hàng bán theo giá vốn cho thợ tất cả những gì cần thiết cho đời sống của họ. Quả là có lợi rõ ràng: người thợ được mua những thứ tốt và rẻ mà đến kì lương mới phải trừ tiền, tránh được nạn mua chịu của bọn con buôn nhỏ chúng rỉa ráy họ đến nghèo đói. Họ cũng tránh được nợ nần(4). Tuy nhiên cũng như nhiều chuyện tốt khác, cái điều này cũng có mặt xấu của nó. Ở Vácxơ, vợ những người thợ mỏ không có thói quen làm việc trong khi chồng xuống hầm. Họ dọn dẹp quét tước xong thì tụm nhau khi ở nhà này, khi ở nhà nọ để uống cà phê, hay sôcôla mua chịu ở cửa hàng tiếp phẩm. Họ nói chuyện, họ ngồi lê đôi mách cho đến khi chiều xuống, tức là lúc người chồng ở hầm mỏ ra, trở về nhà để ăn tối, thì họ không còn có thì giờ để nấu nướng gì nữa. Lúc ấy họ bèn chạy đến cửa hàng mua về những món thịt nguội. Tình trạng này không phải đều khắp nhưng cũng khá phổ biến. Cũng vì bà thím Gátxpa mải la cà tán gẫu mà chúng tôi không được ăn xúp. Đó là thói quen của bà ta, về sau tôi thấy tài khoản của bà ở cửa hàng gồm nhiều nhất là khoản cà phê với sôcôla và khoản thịt lợn chế biến sẵn. Ông chú là người dễ dãi vô sự, ông cứ việc xơi những món thịt này không một tiếng phàn nàn, hoặc có nói một lời nhận xét nào thì cũng là hết sức nhẹ nhàng. Ông chìa cốc nói:

Tôi không trở thành một đứa nát rượu vì tôi là người đạo đức. Vậy thì ngày mai nhà hãy cố gắng nấu cho một món xúp.
Thì giờ đâu?

Ngày giờ ở trên mặt đất ngắn hơn ở dưới mặt đất ư?

Thế thì ai khâu vá cho các người? Các người phá hoại quần áo khiếp lắm! Bấy giờ chú Gátxpa nhìn lại áo quần vấy bẩn bụi than và thủng rách đây đó
của mình:

– Ừ, quả là chúng tôi ăn mặc như những ông hoàng thật!

Bữa ăn tối của chúng tôi chóng xong thôi! Lúc đứng lên chú Gátxpa bảo tôi:

– Chú bé, chú ngủ với Alơxi.

Rồi chú quay sang nói với Mátchia:

Còn chú, chú xuống nhà bếp, ta sẽ lót cho chú một ổ rơm và cỏ ấm áp. Suốt buổi tối và mãi đến quá nửa đêm, Alơxi và tôi thức nói chuyện.
Nhờ Alơxi, tôi được biết chú Gátxpa là thợ cuốc, nghĩa là chú dùng cuốc chim mà lấy than ra, Alơxi là thợ đun xe của chú, nghĩa là anh ấy đẩy, đun một toa goòng đầy than mới khao(5) chạy trên đường ray trong hầm, từ nơi lấy than cho đến lò giếng. Đến đó, goòng được móc vào một dây cáp và kéo lên trên mặt đất bằng máy.

Tuy Alơxi mới vào làm thợ mỏ chưa được bao lâu nhưng anh đã yêu mỏ và tự hào về mỏ: theo anh thì đây là cái mỏ đẹp nhất xứ, kỳ lạ nhất xứ. Anh diễn tả với cái vẻ quan trọng của một nhà du lịch từ nơi xa lạ về, thấy người ta chăm chú nghe mình.

Trước hết, người ta đi theo một con đường ngầm đào sâu trong núi đá, chừng mười phút thì đến một bậc thang đá thẳng và dốc; dưới chân thang đá là chiếc thang bắc, rồi lại thang bậc đá, rồi thang bắc nữa và thế là đến tầng thứ nhất, sau chừng năm mươi mét. Muốn xuống tới tầng hai, sâu chín mươi mét, và tầng ba, sâu hai trăm mét, cũng lại theo một hệ thống thang bậc đá và thang bắc như thế, Alơxi làrn việc ở chính cái tầng ba này và muốn xuống tới đó, anh phải lên xuống con đường dài gấp ba lần trèo lên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Pari.

Thế nhưng lên xuống tháp nhà thờ Đức Bà vẫn dễ dàng hơn; ở đó, thang bậc đều nhau và sáng sủa; còn ở đây, trong mỏ đâu có được như thế. Bậc thang nằm vào những chỗ gồ ghề trên vách đá, thì khi cao khi thấp, chỗ rộng chỗ hẹp. Chẳng có ánh sáng nào ngoài cái đèn cầm trên tay. Trên mặt đường, thuần một thứ bùn trơn nhẫy, luôn luôn ướt sũng vì những giọt nước nhỏ xuống đều đều, có khi rơi lên mặt lạnh buốt.

Xuống sâu hai trăm mét đã là lâu nhưng đâu đã xong, lại còn phải theo các đường hầm mà đi đến những lớp khác nhau mới tới chỗ làm việc. Tất cả hệ thống đường ngầm mỏ Tơruye ước độ ba mươi nhăm đến bốn mươi kilômét. Tất nhiên không phải đi hết cả bốn chục kilômét ấy, nhưng vẫn mệt lắm vì có những quãng phải lội trong nước thấm qua những kẽ hở trên vách đá chảy lênh láng về những giếng chứa, ở đó có máy bơm hút lên tống ra ngoài.
Những quãng đường ngầm xuyên qua những vỉa đá cứng thì chỉ là địa đạo bình thường, nhưng qua những lớp đất lổn nhốn hoặc dễ thụt thì phải chống đứng và chống ngang bằng những đoạn gỗ thông phạt bằng búa, bởi vì những vết cắt bằng cưa dễ làm cho gỗ sớm bị mủn. Tuy đã sắp đặt một cách riêng thích hợp để chống lại sức ép của lớp đất, nhiều khi sức ép quá mạnh cùng uốn cong gỗ khiến đường hầm hẹp vào hoặc thấp xuống đến mức phải bò mà chui qua. Trên những đoạn gỗ ấy, nấm mọc nhiều lại có những nắm lông tơ nhẹ và xốp như bông, màu trắng như tuyết nổi bật trên đất đen, gỗ đương mục tỏa mùi nhựa cây; trên những mũ nấm, trên những cây cỏ lạ, trên rêu trắng, có những con ruồi, những con nhện, những con bướm, nhưng chúng không giống đồng loại trên mặt đất. Cũng có cả chuột cống chạy loăng quăng và những con dơi bám chặt vào thân gỗ, đầu lộn xuống dưới.

Những đường hầm ấy thường giao nhau, và đây đó, như ở Pari, cũng có những “quảng trường” và những ngã tư, cũng có con đường ngầm đẹp và rộng như đường phố lớn, hoặc hẹp và thấp như những phố nhỏ. Điều khác nhau là tất cả thành phố ngầm ấy không được sáng sủa, kém xa cái thành phố trên mặt đất ban đêm, vì thiếu những cây đèn dầu hoặc đèn khí lớn, mà chỉ có những cây đèn nhỏ người thợ mang theo. Ánh sáng không đủ đấy, nhưng tiếng động lại luôn luôn nhắc cho biết ở đây không phải là âm phủ: trong những công trường khai phá, thường có tiếng thuốc nổ và mùi thuốc cùng với khói theo gió bay ra; trong đường ngầm, tiếng bánh xe lăn; trong lò giếng, tiếng thang kéo than cọ vào dây dịnh hướng, và át tất cả là tiếng máy hơi nước ở tầng hai chạy ầm ầm.

Nhưng quang cảnh lạ mắt hơn cả là những ngách ngược, tức là những đường ngầm đào trong dốc vỉa than. Những người thợ cuốc làm việc trong đó, cởi trần ra khao than; nằm nghiêng hoặc ngồi xổm. Từ ngách ngược, than đá trôi xuống các tầng, để chuyển từng goòng ra lò giếng khai thác.

Đó là quang cảnh hầm mỏ những ngày làm việc bình thường, nhưng cũng có những ngày xảy ra tai nạn. Đến Vốcxơ được hai tuần lễ, Alơxi đã chứng kiến một tai nạn kiểu đó và thiếu chút nữa thì anh ta cũng là một nạn nhân: hơi Gờridu nổ. Gờridu là một thứ khí tự nhiên trong các mỏ than hễ gặp lửa là nổ ngay. Không gì ghê gớm hơn cơn nổ ấy: nó đốt sạch, phá sạch tất cả chung quanh. Chỉ có thể ví với sức nổ của một thùng thuốc súng lèn đầy. Ngọn lửa đèn hoặc lửa diêm vừa bắt vào khí Gờridu, tức thì đám cháy bùng lên như chớp nhoáng trong khắp đường hầm, phá tan mọi thứ trong hầm mỏ; kể cả những lò giếng thông hơi, đều bị nó hắt tung mãi đi. Nhiệt độ có lúc lên cao đến nỗi than thường trong mỏ nóng lên biến thành than cốc.

Một vụ nổ khí Gờridu đã xảy ra sáu tuần lễ trước, giết mất chừng một chục người thợ. Vợ góa của một người thợ ấy đã hóa điên. Tôi hiểu đó là người đàn bà dắt con đi tìm “một con đường mát mẻ” mà tôi gặp khi mới tới đây.

Chống lại những vụ nổ ấy, người ta dùng nhiều cách để phòng: cấm hút thuốc, và thường thường các kỹ sư, trong khi tuần tra, bắt buộc thợ phải hà hơi ngay vào mũi họ để xét xem có ai đã vi phạm điều cấm. Và cũng để đề phòng tai nạn kinh khủng ấy, người ta dùng loại đèn Đêvi, mang tên nhà bác học người Anh đã sáng chế ra nó. Những chiếc đèn ấy có một mạng lưới làm bằng những sợi kim khí đan khá dầy bao bọc, lửa cháy không lọt qua những lỗ đan được. Khi gặp khí Gờridu, chất khí sẽ bắt lửa nhưng chỉ cháy ngay bên trong đèn, không nổ lan ra ngoài.

Mới đến Vácxơ, tôi đã tò mò muốn xuống hầm mỏ một chuyến thử xem sao. Những chuyện Alơxi kể càng kích thích tính tò mò ấy đến cao độ. Nhưng ngày hôm sau, khi tôi nói với chú Gátxpa thì chú bảo rằng không thể được, vì chỉ những người làm trong mỏ mới được xuống mỏ mà thôi. Chú cười và nói thêm:

Nếu chú muốn làm thợ mỏ – cái đó dễ thôi – thì điều chú mong ước sẽ được thỏa mãn. Nói cho đúng thì cái nghề này cũng chả phải là khổ hơn nhiều nghề khác, và nếu chú sợ mưa, sợ sấm thì cái nghề này thích hợp với chú đấy. Dẫu sao nó cũng còn đỡ hơn cái nghề hát rong trên đường thiên lý. Chú ở lại với Alơxi nhé! Đồng ý chưa, chú bé. Rồi người ta cũng sẽ dùng Mátchia nhưng không phải để thổi kèn đẩy đâu nhá!

Tôi đi tới Vácxơ không phải là để ở lại đó. Tôi đã dự định cho tôi một nhiệm vụ, một mục đích khác hơn là suốt ngày đẩy một xe goòng ở tầng hai hay tầng ba tại mỏ Tơruye. Bởi thế, tôi đành nén cái tính tò mò của tôi xuống. Tôi tưởng rồi cho đến khi lên đường, tôi cũng chả biết gì hơn ngoài những điều Alơxi kể hoặc những câu giải đáp khi được khi mất ở chú Gátxpa. Thế mà tình cờ tôi lại được biết tất cả những ghê rợn, được cảm thấy tất cả những kinh hoàng của một tai nạn mà đôi khi người thợ mỏ gặp phải.

————————-

Trong thế kỉ 17, những người thuộc đạo cải cách bị chính quyền vua Lui XIV trấn áp, nổi lên chống lại người công giáo và vương quyền. Người ta gọi họ là những người Camida. “Những người con của Chúa” do Giăng Cavaliê chỉ huy một đội quân xuất xắc của họ.

Chày giã quặng – N.D

Gờridu (grisou): chất khí hỗn hợp phần lớn là chất khí cácbuya (cácbon và hydro), thường đọng trong các mỏ than, khí gặp lửa là bốc cháy và nổ làm chết người. Vì thế trong hầm mỏ không được hút thuốc lá, đánh diêm, và phải dùng một thứ đèn đặc biệt – N.D

Thực ra ở đây cũng là một tổ chức buôn bán thu lãi bảo đảm không bị quỵt nợ và có mục đích cột chặt công nhân vào hầm mỏ – N.D

Than mới quốc từ vỉa ra – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.