Không Gia Đình

24. THỢ ĐUN XE



Nghề mỏ không phải là một nghề hại sức khỏe. Ngoài vài thứ bệnh hoạn do sự thiếu không khí kéo dài làm giảm hồng huyết cầu trong máu, thì người thợ mỏ cũng khỏe mạnh như người nông dân ở vùng khí hậu tốt. Người thợ mỏ còn hơn người nông dân ở chỗ tránh được những thay đổi của thời tiết, tránh được mưa, rét, nóng bức quá độ. Đối với anh ta thì cái hại lớn nhất là ở những vụ sụt hầm, những vụ nổ và những trận lụt, sau nữa là ở những tai nạn lao động xảy đến do bất cẩn hoặc vụng về.

Một ngày trước hôm tôi định lên đường thì Alơxi bị giập bàn tay phải khá nặng vì anh đã vụng về để cho một tảng than to đè lên: cả bàn tay thâm tím với nửa ngón tay bị giập. Thầy thuốc của sở mỏ đến khám và băng bó cho anh. Bệnh tình cũng không đến nỗi trầm trọng, bàn tay sẽ lành, cả ngón tay giập nữa. Nhưng cần phải nghỉ ngơi mới được.

Chú Gátxpa vốn dễ tính, sự đời diễn ra thế nào thế ấy, không buồn phiền cũng không giận dữ. Chỉ có mỗi một điều có thể làm chú mất vui, đó là công ăn việc làm bị trở ngại. Khi chú nghe nói Alơxi phải nghỉ nhiều ngày thì chú la lối lên. Trong những ngày đó, ai đẩy xe cho chú? Không có ai thay Alơxi cả. Nếu thay hẳn đi thì chú tìm được người đấy, nhưng ngay trong mấy ngày thôi thì lúc này không thu xếp được, người ta đang thiếu người làm, nhất là thiếu trẻ con.

Tuy thế, chú cũng vẫn chạy ngược chạy xuôi cố tìm một người đun xe. Nhưng chú không tìm được. Chú lại than thở. Trông chú quả thật khổ tâm, vì chú thấy mình bắt buộc cũng phải nghỉ việc, mà túi tiền của chú không cho phép chú nghỉ.

Tôi nhận thấy thế và hiểu rõ nỗi khổ tâm của chú; mặt khác cảm thấy trong hoàn cảnh như thế này, mình hầu như có bổn phận phải đền đáp sự tiếp đãi của người ta theo cách của mình, tôi hỏi chú xem cái công việc đẩy xe than có khó không. Chú trả lời:

Còn gì dễ bằng! Chỉ việc đẩy một cái gòng cho nó lăn trên đường sắt.

Gòng chắc là nặng?

Không nặng lắm, thằng Alơxi đẩy được kia mà.

Ờ nhỉ! Vậy, nếu Alơxi đẩy được thì cháu cũng đẩy được.

Cháu ấy à?

Hẳn là cháu làm được, nếu cháu muốn.

Cháu muốn, vì cái đó giúp ích cho chú.

Cháu là một chú bé tốt. Thế là quyết định rồi đấy! Mai cháu xuống mỏ với chú. Đúng là cháu giúp ích cho chú đấy! Nhưng có lẽ cũng sẽ có ích cho cháu một ngày kia. Nếu làm nghề này mà cháu thấy ưa thích thì còn hơn là đi lang thang trên đường thiên lý. Trong mỏ chẳng sợ đói đâu!
Mátchia sẽ làm gì trong khi tôi ở dưới mỏ nhỉ? Tôi không thề bắt chú Gátxpa nuôi nó. Tôi hỏi xem nó có muốn đi biểu diễn một mình với con Capi ở các vùng lân cận không. Nó nhận lời ngay. Nó vừa cười vừa nói:
Một mình tớ mà cũng làm ra tiền để thêm vào khoản tậu bò thì tớ thú lắm. Ba tháng sống chung với tôi, sống ở ngoài trời, Mátchia không còn giống cái
thằng bé gầy còm, buồn bực mà tôi đã gặp cạnh nhà thờ Xanh Mêđa đúng khi nó đói lả; lại càng không giống thằng nhãi nhóc mà tôi trông thấy lần đầu tiên ở góc nhà tên Garôphôli, đang trông nồi thịt hầm, chốc chốc lại đưa tay lên ôm cái đầu nhức nhối. Bây giờ thì Mátchia không còn bị nhức nhối cái đầu nữa, nó cũng chẳng còn buồn chán mà cũng không gầy còm nữa. Chính cái gác xép ở phố Luốcxin đã làm cho nó rầu rĩ. Bây giờ thì nắng và khí trời đã đem lại sức khỏe cho nó, do đó, cũng đem lại sự vui tươi.

Trong khi đi đường, nó là tiếng cười, là sự vui tính hiện thân lên; nó nhìn mọi việc ở khía cạnh tốt; trong chuyện rủi nó cũng tìm được thấy cái may; cái gì cũng làm nó vui được, đỉnh đinh gì cũng làm nó sướng rơn lên. Không có nó thì tôi đã ra sao rồi nhỉ? Chắc là đã nhiều lần không chống nổi mệt nhọc và buồn phiền.

Thế là chúng tôi giao hẹn với nhau, bắt đầu từ ngày hôm sau, trong lúc tôi xuống hầm mỏ làm việc thì Mátchia đi biểu diễn âm nhạc và kịch để gia tài của chúng tôi thêm to. Tôi giải thích cách thu xếp này cho con Capi nghe và chừng như nó cũng hiểu.

Sáng hôm sau, tôi mặc bộ đồ làm việc của Alơxi. Sau khi đã dặn dò Mátchia và Capi lần cuối, bảo phải hết sức ngoan trong khi biểu diễn, thì tôi theo chú Gátxpa.

Lúc đưa cái đèn xách cho tôi, chú bảo:

Phải cẩn thận đấy! Cứ theo gót chú mà đi. Và lúc xuống thang bắc, cháu nhớ đừng bỏ nấc thang trên khi chưa bám được nấc dưới.
Chúng tôi đi vào đường hầm, chú đi trước, tôi theo sát chú. Chú nói tiếp:

Nếu cháu trượt ở cầu thang thì chớ có buông xuôi, phải cố víu vào cái gì đấy mà gượng lại, chứ đáy hầm sâu và rắn lắm đấy!
Dù không có những lời dặn dò ấy, tôi cũng đủ xúc động lắm rồi. Không thể nào bình tĩnh được khi người ta từ bỏ ánh sáng để đi vào đêm tối, rời bỏ mặt đất để đi xuống hang sâu. Tự nhiên, tôi quay đầu nhìn lại. Nhưng chúng tôi đi đã khá sâu vào trong đường hầm cho nên ở đầu kia cái ống dài ấy, ánh sáng chỉ còn là một quả cầu trắng, tựa như cái mặt trăng ở giữa một vùng trời tăm tối không sao. Tôi lấy làm xấu hổ về cái cử chỉ máy móc ấy của tôi, nó chỉ diễn ra trong một thoáng, và tôi lại bước theo gót chú Gátxpa ngay.

Lát sau, chú nói: “Cầu thang đây!” và chúng tôi đã đứng trước một cái hang đen ngòm. Trong khoảng sâu mà mắt tôi không ước lượng được, tôi thấy những ánh lửa đu đưa, gần miệng hang thì còn to, càng đi xa càng nhỏ dần, cho đến khi chỉ còn là những đốm. Đó là đèn của những người thợ mỏ đã vào hầm trước chúng tôi. Một luồng không khí hâm hẩm thổi tạt vào mặt, mang đến chúng tôi tiếng thì thào chuyện vãn của họ. Trong không khí ấy có cái mùi mà bây giờ tôi mới hít thở lần đầu, một cái mùi gì như là mùi ête và dầu xăng trộn lẫn.

Hết cầu thang thì đến cầu thang bắc, hết thang bắc thì đến một cầu thang nữa. Đến cuối cầu thang này, chú Gátxpa nói: “Chúng ta đã đến tầng một”.
Chúng tôi đang ở trong một hầm xây cuốn tò vò, hai bên có tường gạch thẳng đứng. Vòm cuốn hơi cao hơn tầm người một ít. Tuy thế có những đoạn người ta phải cuối xuống mới đi qua được, vì vòm đá sụt xuống, hoặc là vì đất nền đã cồn lên. Chú Gátxpa nói:
Sức ép của đất như thế đấy! Vì hòn núi bị khoét khắp nơi và trong lòng núi có những chỗ trống cho nên đất cứ muốn sụt xuống và khi đã quá nặng thì nó đè bẹp hầm.

Trên nền đất có đường ray và dọc theo đường hầm có một dòng nước.

Dòng nước này sẽ hợp với nhiều dòng khác, chúng đều do những mạch nước rỉ kết lại. Tất cả đều đổ dồn vào một giếng chứa. Thế là máy bơm mỗi ngày phải hút từ một nghìn đến một nghìn hai trăm mét khối nước đổ ra sông Đivôn. Nếu máy nghỉ thì hầm mỏ bị lụt ngay. Với lại, bây giờ thì chúng ta đang ở ngay dưới lòng sông Đivôn đấy.

Tôi giật mình đánh thót một cái làm cho chú Gátxpa cười vang.

Ở sâu những năm mươi mét như thế này thì cháu không ngại bị nước đổ xuống đầu đâu!
Rủi có một cái hang, cái lỗ gì thì sao?

Ừ phải, một cái lỗ thì đáng sợ đấy! Các đường hầm đi ngang dọc chín mười lần dưới lòng sông. Có những mỏ đáng sợ lụt, nhưng ở đây thì không. Gờridu cháy, hầm sạt, mìn nổ, bấy nhiêu cũng đã quá đủ rồi.
Đến công trường, chú Gátxpa chỉ bảo công việc cho tôi làm. Khi chiếc xe goòng của tôi đầy than, chú cùng đẩy với tôi để chỉ bảo cho tôi cách đẩy xe cho tới giếng lấy than và cách đỗ xe bên đường tránh khi gặp xe khác đi ngược chiều. Chú nói có lý, cái nghề đẩy xe than này không khó: vài giờ sau thì tôi đã làm tạm được, nhưng chưa thành thạo. Tôi chưa quen tay, chưa khéo tay, mà thiếu những cái đó thì có nghề gì ta làm tốt được. Tôi đành hì hà hì hục lấy sức thay vào, cho nên mệt nhiều mà hiệu quả thì ít.

Cũng may là cảnh sống mấy năm qua, nhất là hành trình ba tháng vừa rồi, đã làm cho tôi quen chịu đựng mệt nhọc. Vì thế, tôi không hề kêu rên, và chú Gátxpa tuyên bố tôi là một thằng bé ngoan, sau này tất trở thành một người thợ mỏ giỏi.
Nhưng tôi chỉ thích xuống mỏ chứ có thích gì ở lại trong mỏ! Tôi chỉ tò mò thôi, tôi không nghe thấy tiếng gọi của nghề nghiệp.
Muốn sống trong lòng đất, phải có những đức tính đặc biệt mà tôi không có: phải ưa lặng lẽ, quạnh hiu, trầm tư mặc tưởng. Phải biết sống những khắc, những ngày đằng đẵng, tâm trí lắng xuống với mình, không trao đổi với ai một lời, không có một phút giải trí. Thế mà tôi thì không có cái khiếu ấy, xưa nay tôi quen sống lang thang, luôn chân đi, luôn mồm hát. Những giờ khắc tôi đẩy xe gòng trong đường hầm sao mà lạnh lùng, buồn tẻ thế! Đường hầm âm u, chiếc đèn tay le lói, tiếng ù ù xa xôi của xe gòng lăn trên đường sắt, tiếng róc rách của dòng nước, thỉnh thoảng tiếng mìn nổ lại xé toang sự lặng lẽ cõi âm này và làm cho nó càng nặng nề, ảm đạm thêm.

Xuống mỏ, lên mỏ mất nhiều công sức cho nên người ta ở luôn dưới mỏ suốt cả ngày mười hai tiếng đồng hồ, không về nhà ăn trưa. Người ta ăn uống ngay ở công trường.

Gần khu khai thác của chú Gátxpa, có một người đun xe gòng không phải là trẻ con như những người đun gòng khác. Người ấy, ngược lại là một ông già râu bạc. Khi tôi nói râu bạc phải hiểu rằng nó chỉ bạc ngày chủ nhật, ngày tổng vệ sinh, còn trong tuần thì ngày thứ hai nó bắt đầu ngả màu xám để đến thứ bảy thì đen hoàn toàn. Người ấy trên sáu mươi. Ngày còn trẻ, ông ta là thợ chống hầm tức là thợ mộc chuyên việc làm cọc gỗ chống hầm và chăm sóc sửa chữa những cọc ấy. Nhưng trong một vụ sập hầm, ông bị dập nát ba ngón tay, từ đấy ông phải bỏ nghề thợ mộc. Vì ông cứu ba người bạn thợ mà bị nạn cho nên sở mỏ của ông cho ông hưởng một khoản trợ cấp nhỏ. Ông sống bằng khoản trợ cấp ấy được mấy năm, sau đó sở mỏ bị vỡ nợ, ông trở thành không nghề nghiệp, không kế sinh nhai. Lúc ấy ông phải xin vào làm thợ đẩy xe ở mỏ Tơruye. Người ta quen gọi ông là “cụ giáo” bởi vì ông hiểu biết nhiều điều mà những người thợ cuốc, ngay đến thợ cả cũng không biết, và cũng tự hào về những kiến thức đó, lúc nào ông cũng sẵn sáng trình bày.

Trong các bữa ăn trưa, chúng tôi làm quen với nhau, và ông tỏ ý trìu mến tôi ngay. Tôi là một đứa say sưa nói chuyện, ông là một người vui chuyện, hóa nên chúng tôi trở thành đôi bạn chẳng rời nhau. Thường thường trong mỏ người ta ít nói, nên những người khác bảo chúng tôi là ba hoa.

Nghe những chuyện Alơxi kể, tôi còn thèm thuồng vì chưa hiểu hết những điều mình muốn biết; những câu trả lời của chú Gátxpa cũng vẫn chưa làm tôi thỏa mãn vì khi tôi hỏi chú chẳng hạn: “Than đá là gì?” thì chú cứ một mực trả lời:

– Đó là than có cái dáng đá.

Câu giải đáp của chú về than đá cũng như các câu giải đáp tương tự về những việc khác không làm cho tôi vừa ý, bởi vì cụ Vitali đã tập cho tôi cái thói quen không chịu thỏa mãn một cách dễ dàng như vậy. Khi tôi hỏi cụ giáo cái câu ấy thì cụ trả lời

khác hẳn. Cụ nói:

Than đá thì cũng là than củi mà thôi! Khi chúng ta đốt than đá, chúng ta không bỏ vào lò những cây cối ở thời đại chúng ta, do những con người như cháu và bác làm thành than. Chúng ta bỏ vào lò những cây cối từ đời xửa đời xưa do những lực lượng thiên nhiên biến thành than, những lực lượng như cháy rừng, núi lửa, động đất.

Thấy tôi nhìn cụ một cách kinh ngạc, cụ bảo:

Hôm nay chúng ta không có thì giờ nói cái chuyện ấy, phải đẩy xe đã! Nhưng mai chủ nhật, cháu đến bác chơi, bác sẽ giải thích cho nghe. Ở nhà bác có những mẫu than, mẫu đá bác nhặt nhạnh được từ ba mươi năm nay, chúng sẽ giúp cháu hễ nghe cái gì thì nhìn thấy và hiểu ngay cái ấy. Người ta cười mà gọi bác là cụ giáo. Nhưng cháu sẽ thấy cũng có ích ít nhiều. Đời sống của con người không phải chỉ ở hai bàn tay, nó còn ở trong đầu nữa. Trạc tuổi cháu, bác cũng ham hiểu biết như cháu bây giờ. Sống trong mỏ bác muốn hiểu biết những điều mình nhìn thấy hằng ngày. Bác hỏi han các kỹ sư những khi họ vui lòng nói chuyện, và lúc đọc sách. Sau khi bị nạn, bác có thì giờ nhàn rỗi và dùng thì giờ ấy để học hỏi. Sách vở là những cặp kính, khi người ta có đôi mắt để trông nhìn mà người ta mang thứ kính ấy lên thì người ta sẽ nhìn thấy được rất nhiều. Bây giờ thì bác không có nhiều thì giờ lắm để đọc sách và bác cũng không có tiền mua sách. Nhưng bác còn cặp mắt luôn mở. Mai cháu tới nhà bác nhé! Được bày vẽ cho cháu, trông nhìn quanh cháu, bác cũng thích lắm. Một lời hay lọt

vào một lỗ tai tốt sẽ làm nảy nở những gì, ai biết được? Vì đã đưa đường cho một nhà bác học lớn là Bờrôngnhia(1) đi vào đường hầm mỏ ở Bétxe và nghe ông ta nói chuyện trong lúc nghiên cứu mà bác nảy ra cái ý định muốn học tập. Và cũng nhờ vậy mà ngày nay bác hiểu biết hơn các bạn khác ít nhiều. Thôi mai nhé!

Sáng hôm sau, tôi báo với chú Gátxpa là tôi đi thăm cụ giáo. Chú cười, bảo tôi:

À, vậy là thằng bé đã gặp được người để chuyện rồi! Đi đi, cứ đi đi cháu ạ, cháu thích thì cứ đi! Dẫu sao thì tin cái gì, không tin cái gì cũng tùy cháu cả. Có điều là nếu cháu học được gì ở ông cụ ấy, cũng đừng nên tự phụ vì nó. Cái “cụ giáo” ấy mà không tự phụ thì quả là một con người tốt.
Cụ giáo không ở trong thành phố như phần nhiều những người thợ mỏ. Cụ ở một nơi buồn tẻ, nghèo nàn, trong vùng có những hang hốc tự nhiên khoét sâu vào sườn núi, cách thành phố một quãng ngắn. Cụ ở nhà một bà già vợ góa của một người thợ mỏ chết vì nạn sập hầm. Bà ấy cho cụ thuê cái hầm nhà bà và cụ kê giường nằm ở chỗ khô ráo nhất; nói thế không phải là nó khô ráo lắm đâu, bởi vì nấm vẫn mọc ngay trên chân giường. Nhưng đối với một người thợ mỏ luôn luôn dầm chân dưới nước, suốt ngày bị nước rỏ trên người, thì đây là một điều vụn vặt không đáng kể. Cái vấn đề trọng yếu là được ở gần các hang núi để tìm tòi nghiên cứu, nhất là làm sao có chỗ để tùy ý cắt đặt những mảnh than, những hòn thạch mà cụ tập hợp. Khi tôi bước vào thì cụ ra đón tôi và nói, giọng sảng khoái:

Bác đã mừng cháu một tiệc hạt dẻ lùi nhắm với vang trắng đây. Ừ, tuổi trẻ có tai có mắt muốn nghe, muốn nhìn thì cũng có họng nữa. Muốn đánh bạn với họ, phải thỏa mãn tất cả các cái ấy cùng một lúc. Sau tiệc hạt dẻ, chúng ta sẽ trò chuyện và bác cũng sẽ chỉ cho cháu xem kho sưu tầm của bác.
Cụ nói mấy tiếng “kho sưu tầm của bác” với giọng tự hào có lẽ không có ông viện trưởng viện bảo tàng nào tự đắc đến thế. Nói cho đúng thì cái kho sưu tầm ấy cũng khá phong phú, theo sự nhận xét của tôi, và nó chiếm cả gian phòng. Mẫu bé thì xếp trên những tấm ván hoặc trên những chiếc bàn, mẫu lớn thì đặt dưới đất. Đã hai mươi năm nay, trong lúc tìm tòi khảo cứu, cụ góp nhặt tất cả những cái gì đáng chú ý. Các mỏ ở khu vực sông Xerơ và sông Đivôn vốn giàu nhưng cây cỏ hóa thạch, cho nên ở kho tàng của cụ có những mẫu rất quý có thể làm cho một nhà địa chất hay một nhà sinh vật học sung sướng.

Cụ giáo nôn nóng nói cũng như tôi nôn nóng được nghe cho nên chúng tôi thanh toán nhanh chóng bữa tiệc hạt dẻ. Cụ nói:
Cháu muốn biết than đá là gì thì hãy nghe đây, bác sẽ giảng cho cháu, đại khái và vắn tắt, để cháu đủ sức xem những vật mẫu của bác. Chúng sẽ giảng giải rõ hơn vì mặc dù người ta gọi bác là cụ giáo, bác đâu có phải là một nhà bác học, không, còn xa lắm.
Cái quả đất chúng ta ở ngày xưa không phải như thế này nó trải qua nhiều trạng thái sau các cuộc biến động. Đã có những thời kì đất nước ta đây um tùm những cây cỏ ngày nay chỉ mọc ở vùng nhiệt đới, chẳng hạn như các loại phượng vĩ lớn. Rồi xảy ra một cuộc biến động lớn và những loại thực vật khác đã thay chân cho những loài ấy. Thế rồi đến lượt những loại này cũng thay thế bằng những loại mới, và sự việc cứ thế mà tiếp diễn trong có dễ hàng triệu năm. Những thực vật ấy chết chồng chất lên nhau và thối mục ra làm thành các tầng than. Cháu không tin thế à? Lát nữa bác sẽ chỉ cho cháu xem trong loạt mẫu vật của bác có những mẩu than và rất nhiều những mảnh đá lấy ở các vỉa quặng trên trần hầm hoặc thành hầm, còn in dấu vết những cây cỏ ấy. Dấu vết cây cỏ ở đây được giữ lại rõ rệt như những cây cỏ người ta xếp giữa các tờ giấy của một quyển tiêu bản thực vật. Thế là than đá hình thành do cây cỏ dồn chứa lại, như bác đã nói: đó chỉ là gỗ phân hóa và bị ép xuống.

Cháu sẽ hỏi: sự chứa chất ấy diễn ra như thế nào? Điều đó khó giải thích hơn và hình như các nhà bác học cũng chưa giải thích được tường tận, bằng chứng là họ không nhất trí với nhau. Có nhiều người cho là nước đã đưa tất cả cây cỏ ấy ra biển, ở đấy chúng kết thành những bè to lớn bị dòng nước biển xô đi và giạt vào nơi này nơi kia. Có người bảo, những tầng than hình thành do cây cỏ chất chứa lại một cách bình thường, những cây cỏ này nối tiếp nhau chôn vùi ngay ở nơi chúng mọc. Và họ làm những con tính khiến đầu óc ta choáng váng; họ tính ra nếu chặt một hécta rừng xếp trải ra trên diện tích ấy thì chỉ được mộ lớp gỗ dày tám ly là cùng; gỗ ấy thành than thì chỉ còn hai ly. Thế mà ở dưới đất có những tầng than dày đến hai mươi, ba mươi mét. Vậy phải bao nhiêu năm mới hình thành những tầng than như vậy! Chắc cháu cũng biết một rừng cây không phải mọc trong một ngày, mà phải khoảng một trăm năm. Để làm thành một tầng than dày ba mươi mét, phải có năm nghìn rừng kế tiếp nhau mọc chỗ ấy, nghĩa là phải năm mươi vạn năm. Con số đó đã kinh khủng lắm phải không? Tuy thế nó vẫn chưa đúng bởi vì cây cối không mọc nói tiếp nhau đều đặn như vậy; phải hơn một trăm năm nó mới mọc lên và chết đi được và khi một loạt mới thay thế một loạt cũ thì cần phải có nhiều sự đổi thay, nhiều cuộc biến động, cái lớp cây mục ấy mới thành thức ăn cho loại cây mới. Ấy đấy, cháu thấy chưa, năm mươi vạn năm đã có nghĩa lý gì, chắc là phải hơn thế nhiều. Nhiều nhưng là bao nhiêu? Bác không biết và cũng không phải là người đủ sức tìm tòi được điều đó. Bác chỉ muốn cho cháu một ý niệm về than đá, để cháu có đủ trình độ xem những vật mẫu của bác. Bây giờ thì mời cháu đi xem nào!

Tôi ở đến đêm, vì cứ gặp một mảnh đá, mỗi dấu vết cây cỏ, cụ giáo lại giảng giải. Nhờ vậy mà rốt cuộc, tôi cũng tạm tạm hiểu những điều thoạt đầu làm tôi hết sức ngạc nhiên.

———————–

Bờrôngnhia (Brongniart) một nhà bác học Pháp đầu thế kỉ 19, chuyên nghiên cứu về địa chất và khoáng vật – N.D.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.