Không Gia Đình

10. RA TRƯỚC CÔNG LÝ



Tôi còn giữ một kỷ niệm thật dễ chịu về thành phố Pô. Gió hầu như không bao giờ thổi ở thành phố này. Vì chúng tôi dừng lại ở đó suốt mùa đông, ngày ngày cứ trên các đường phố, các nơi công cộng và các nơi người ta đi dạo, cho nên tôi rất thích cái thuận lợi không có gió đó. Chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi. Tuy vậy đó cũng không phải là lý do khiến chúng tôi dừng lại lâu dài ở đó, khác với lệ thường. Có một lý do khác có giá trị quyết định đối với chủ tôi, tôi muốn nói khoản thu nhập dồi dào đây.

Thật vậy, suốt cả mùa đông, khán giả của chúng tôi là những em nhỏ không bao giờ chán cái chương trình biểu diễn của gánh xiếc. Không bao giờ các em la “Buổi nào cũng chỉ có thế này thôi à?”

Phần đông là những trẻ em Ănglê: những chú bé béo tốt, da thịt hồng hào và những cô gái nhỏ bé xinh xinh có đôi mắt to và hiền từ, đẹp gần như mắt con Đônxơ. Nhờ vậy tôi được biết bánh Anbe, bánh Hônly và nhiều thứ bánh khác. Trước khi đi chơi, các chú đã nhét đầy túi để rồi đem chia cho con khỉ Giôlicơ, mấy con chó và tôi một cách hào phóng.

Đến những ngày ấm áp đầu xuân thì khán giả của chúng tôi cũng bắt đầu thưa thớt dần. Sau buổi biểu diễn, nhiều khi có những trẻ em đến bắt tay con Giôlicơ và con Capi. Đó là các em từ biệt chúng nó. Hôm sau thì chúng tôi không thấy các trẻ em ấy đâu nữa.

Chẳng bao lâu chỉ còn chúng tôi trơ trọi giữa các nơi công cộng. Chúng tôi phải nghĩ đến việc rời bỏ những khu vực ấy.
Một buổi sáng chúng tôi lên đường. Đi chẳng mấy chốc đã không nhìn thấy vọng lâu Gátxtông Phêbuýt và Môngtôdê đâu nữa. Chúng tôi lại tiếp tục đời sống lang thang, phiêu dạt trên các ngả đường.

Lâu lắm, tôi không nhớ là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần lễ, chúng tôi cứ đi lên phía trước, dọc theo các thung lũng, trèo qua những trái đồi. Bên phải chúng tôi luôn có các đỉnh núi dãy Pyrênê xanh xanh giống như những đám mây chồng chất lên nhau.

Thế rồi một buổi chiều chúng tôi đến một thành phố lớn ở trên bờ sông, giữa một cánh đồng phì nhiêu. Nhà cửa phần lớn xấu xí, bằng gạch đỏ. Đường phố rải đá cuội làm đau nhói bàn chân những người khách vừa đi hàng chục dặm đường trong ngày. Chủ tôi bảo rằng chúng tôi đã đến tỉnh Tuludơ và có lẽ sẽ ở đây lâu.

Như thường lệ, công việc đầu tiên của chúng tôi ngày hôm sau là đi tìm kiếm những địa điểm thuận lợi để biểu diễn. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều, vì ở Tuludơ những chỗ đi dạo chơi không thiếu, nhất là ở khu vực cạnh vườn bách thảo. Ở đó có một bãi cỏ đẹp, có cây cao bóng mát, có những đường lớn trồng cây từ các nơi đổ về. Chúng tôi dựng rạp, căng màn, dàn trò ở trên một lối đi như thế. Ngay những buổi biểu diễn đầu tiên chúng tôi đã thu hút đông khán giả.

Nhưng rủi thay, viên cảnh sát trông coi khu vực này có vẻ không bằng lòng khi thấy chúng tôi kéo đến. Hoặc vì không thích chó, hoặc vì việc biểu diễn của chúng tôi làm trở ngại công việc của y, hoặc vì một lý do gì khác, y muốn chúng tôi phải rời đi nơi khác.

Đáng lẽ vào địa vị chúng tôi, chịu lép vế trước là khôn hơn hết. Sự tranh chấp giữa những người làm trò rong khốn khổ như chúng tôi với những người cảnh sát là một sự tranh chấp không ngang sức. Ông cụ chủ tôi vốn là người kiên nhẫn, nhưng lần này ông cụ có một tâm lý khác thường nên không nghĩ như vậy.

Tuy rằng hiện này ông cụ chỉ là một người làm xiếc chó vừa nghèo khổ vừa tuổi tác, nhưng ông cụ có tính tự trọng, hơn nữa ông cụ hiểu biết quyền lợi của mình. Nghĩa là, theo như lời giải thích của ông cụ, ông cụ tin chắc rằng sẽ được bênh vực, nếu không làm điều gì sai trái với pháp luật hay điều lệ cảnh sát.

Do đó ông cụ không chịu theo lệnh viên cảnh sát khi hắn ta muốn đuổi chúng tôi khỏi đại lộ.
Khi chủ tôi muốn dằn cơn nóng của mình xuống thì ông hay thường dùng cái lễ phép của người Italia của mình quá mức. Qua cách thưa gửi của ông cụ người ta tưởng chừng như ông cụ đang bẩm báo với những nhân vật cực kỳ quan trọng.

Thưa ngài đại diện chính quyền cao quý – ông cụ ngả mũ trả lời viên cảnh sát, – ngài có thể cho chúng tôi xem điều lệ nào của nhà chức trách đã cấm những kẻ làm trò hèn mọn như chúng tôi đem cái nghề tầm thường của họ trình bày ở nơi công cộng này không?
Viên cảnh sát trả lời là không cần phải bàn cãi mà phải tuân lệnh. Cụ Vitali đáp:

Hẳn là thế mà tôi cũng hiểu như vậy. Do đó tôi xin hứa với ngài là tôi sẽ xin tuân lệnh ngài ngay tức khắc khi ngài cho tôi biết là ngài đã chiếu theo điều lệ nào mà ra lệnh cho tôi.
Hôm đó viên cảnh sát quay lưng đi. Trong khi đó chủ tôi cầm mũ khuỳnh tay và khom lưng đi tiễn hắn với một vẻ kính cẩn vờ vịt.
Nhưng hôm sau hắn trở lại, bước qua dây thừng bao quanh rạp hát của chúng tôi và nhảy xổ vào giữa lúc chúng tôi đang biểu diễn sôi nổi. Hắn xẵng giọng nói với cụ Vitali:
Anh phải buộc mõm chó của anh lại.

Buộc mõm chó của tôi lại à?

Có một điều luật cảnh sát quy định như vậy, anh phải biết.

Chúng tôi đang biểu diễn vở “Con bệnh tẩy ruột”. Vì biểu diễn lần đầu ở Tuludơ nên công chúng rất chú ý. Sự can thiệp của viên cảnh sát làm cho họ phàn nàn và kêu ca.

Thôi đừng có phá đám nữa!

Để cho người ta biểu diễn xong đã nào!

Nhưng cụ Vitali lấy tay ra hiệu đề nghị công chúng yên lặng và công chúng làm theo. Rồi ông cụ ngả chiếc mũ dạ, vừa tiến lại phía viên cảnh sát, vừa cúi mọp người chào ba cái, cúi thấp đến nỗi lông mũ quét dưới cát. Cụ hỏi:

Có phải ngài đại diện chính quyền đáng kính đã truyền lệnh cho chúng tôi buộc mõm diễn viên của chúng tôi lại không?
Phải buộc mõm chó của anh lại, và làm nhanh lên.

Cụ Vitali kêu to, cố ý nói với công chúng hơn là nói với viên cảnh sát:

Buộc mõm Capi, Décbinô và Đônxơ lại! Ngài sơ ý đó chăng? Nếu con bệnh mà đeo trên mõm một cái rọ thì làm sao vị danh y bác học Capi cho anh ta uống thuốc? Tôi mạo muội dám xin lưu ý ngài rằng thuốc thì phải uống qua đường miệng thì mới có tác dụng. Trước mắt chư vị khán giả đây, bác sĩ Capi không đời nào cho bệnh nhân dùng thuốc bằng đường khác.
Nghe câu đó mọi người phá lên cười, cười lăn cười lộn. Rõ ràng là người ta đồng tình với cụ già và người ta càng vui thích những trò nhăn nhó của con Giôlicơ. Chú khỉ đứng ngay sau lưng “vị đại diện chính quyền” làm điệu bộ, cũng khoanh tay như viên cảnh sát, rồi cũng ưỡn người, chống nạnh, đầu ngửa ra sau với bộ mặt nhăn nhó và dáng điệu uốn éo thật là lý thú.

Viên cảnh sát có vẻ là nóng nảy. Phần vì bực vì những lời nói của ông cụ; phần vì điên tiết lên vì tiếng cười của công chúng, hắn quay phắt đầu lại. Thế là hắn trông thấy chú khỉ đứng chống nạnh với một tư thế anh hùng rơm. Người và vật đối diện nhau mấy giây đồng hồ, nhìn nhau dường như muốn thi đua xem bên nào cúi mặt trước. Thế là tiếng cười lại nổ ra, ồn ào, tràn lan và chấm dứt câu chuyện.

Viên cảnh sát giơ quả đấm dọa chúng tôi, thét:

Ngày mai mà không buộc mõm chó lại thì liệu hồn, tao sẽ đưa ra tòa. Tao chỉ nói thế thôi.
Trong khi viên cảnh sát rảo bước cút thẳng thì ông cụ vẫn cúi gập người làm đôi, vẻ rất cung kính. Sau đó cuộc biểu diễn vẫn tiếp tục.
Tôi tưởng chủ tôi đi mua rọ mõm cho chó, nhưng ông cụ không làm gì cả. Tối đến, ông cụ cũng chẳng nhắc tới chuyện cãi cọ với viên cảnh sát. Tôi bèn đánh bạo nhắc ông cụ:
Nếu ông muốn cho con Capi nó khỏi bứt tung cái rọ mõm trong buổi biểu diễn ngày mai thì cháu tưởng nên đeo cho nó trước đi và trông chừng để nó quen dần.
Thế cháu tưởng ông sẽ bắt chúng nó đeo một cái rọ sắt à?

Chà! Cháu lo cái lão cảnh sát ấy nó muốn quấy rầy ông đấy!

Cháu cứ yên tâm, ông sẽ cố thu xếp để ngày mai tên cảnh sát không thể đưa ông ra tòa được mà đồng thời mấy chú học trò của ông cũng không đến nỗi phải khổ quá. Mặt khác, giải trí cho công chúng một tí cũng tốt thôi. Cái thằng cha cảnh sát ấy nó sẽ làm cho chúng ta thu gấp bội. Nó không ngờ nó sẽ đóng một vai hề trong cái vở ông soạn riêng cho nó. Cái đó làm cho các tiết mục của chúng ta thay đổi một chút, nhưng cũng sẽ không đi quá trớn đâu! Muốn làm như thế thì ngày mai cháu sẽ đi ra chỗ diễn trò một mình với con Giôlicơ. Cháu giăng thừng ra và chơi một vài bản độc tấu. Khi đã có đủ số khán giả xúm quanh cháu và tên cảnh sát cũng tới rồi thì ông sẽ dắt đàn chó ra trò. Lúc đó vở hài kịch sẽ mở màn.

Tôi không tán thành ý kiến đó cho lắm.

Tôi không thích đi xếp đặt cuộc biểu diễn một mình như thế. Nhưng mà tôi bắt đầu hiểu biết chủ tôi và biết lúc nào mới có thể làm trái ý ông cụ. Trong hoàn cảnh hiện nay thật không có mảy may hy vọng làm cho ông cụ từ bỏ ý định bài trí vở kịch nhỏ của mình. Vì vậy, tôi quyết định làm theo cụ.

Ngày hôm sau tôi đến địa điểm thường ngày và giăng dây thừng. Tôi vừa mới dạo vài nhịp đàn thì ở khắp nơi người ta đổ đến đứng chật ních khoảnh đất tôi vừa vạch ra.

Trước đây, nhất là khi ở thị xã Pô, chủ tôi đã dạy tôi chơi thụ cầm. Bây giờ tôi gảy mấy bài mới học không đến nỗi tồi lắm. Trong các bài đó, có một bài dân ca Naplơ có điệp khúc mà tôi vừa ca vừa đàn và luôn luôn được hoan hô.

Tôi đã thành nghệ sĩ về nhiều mặt. Cho nên khi gánh hát của chúng tôi được hoan nghênh thì tôi sẵn lòng tin rằng đó là nhờ tài hoa của tôi. Tuy thế ngày hôm đó, tôi cũng có đủ lương tri để hiểu rằng không phải cốt để nghe bài dân ca có điệp khúc của tôi mà người ta chen chúc quanh vòng dây thừng.

Những người nào hôm trước đã được chứng kiến cuộc cãi cọ với viên cảnh sát, hôm nay lại đến và kéo luôn cả bạn bè đến nữa. Ở thành phố Tuludơ này người ta chẳng ưa gì cảnh sát. Người ta cũng tò mò muốn xem cái ông già người Italia này xoay xở ra sao. Dù cụ già chỉ nói gọn lỏn có mấy tiếng: “Vâng, thưa ngài đến mai”, mọi người cũng thừa hiểu rằng cuộc gặp gỡ thách thức giữa đôi bên báo trước một tấn kịch lớn. Người ta sẽ có dịp để cười cợt anh chàng cảnh sát vụng về cáu kỉnh ấy.

Sự sốt sắng của công chúng ở đó mà ra.

Cho nên khi thấy chỉ có mình tôi với con Giôlicơ thì nhiều người đã ngắt lời tôi để hỏi xem ông già người Italia có đến không.
– Ông cụ sắp đến đấy!

Tôi trả lời và tiếp tục bài dân ca.

Người đến không phải là chủ tôi mà là viên cảnh sát. Con Giôlicơ trông thấy hắn trước. Thế là nó khuỳnh tay chống nạnh, ngửa đầu ra đằng sau, đi đi lại lại, người cứng đờ, ngực ưỡn ra uy nghi một cách lố bịch.
Công chúng phá lên cười và nhiều lần vỗ tay khen ngợi. Viên cảnh sát chưng hửng đưa mắt giận dữ nhìn tôi. Tất nhiên cái đó càng làm cho công chúng cười ngặt cười nghẽo.

Tôi cũng buồn cười nhưng mặt khác lại không yên tâm. Việc sẽ kết thúc như thế nào đây? Khi có cụ Vitali ở đây thì cụ đã đối đáp với viên cảnh sát. Nhưng bây giờ chỉ có một mình tôi, phải thú thật rằng tôi rất bối rối, không biết làm thế nào xoay xở nếu hắn hỏi mình. Bộ mặt hắn làm tôi không hy vọng cái gì tốt lành cả. Hắn giận dữ, cơn thịnh nộ đã làm cho hắn như điên như dại. Hắn đi đi lại lại trước vòng dây thừng và khi hắn đi sát người tôi, hắn có một cái nhìn nghiêng khác biệt làm tôi e ngại câu chuyện sẽ kết thúc không hay cho chúng tôi.

Con Giôlicơ không biết là tình thế nghiêm trọng nên vẫn cứ đùa cợt. Nó cũng đi lại sát vòng dây thừng nhưng ở phía trong, còn tên cảnh sát đi đi lại lại ở phía bên ngoài. Đi qua trước mặt tôi, nó cũng nhìn nghiêng một cách khác biệt, vẻ mặt hài hước đến nỗi công chúng cười rộ lên.

Tôi không muốn làm cho tên cảnh sát giận dữ đến cực độ. Tôi bèn gọi con Giôlicơ. Nhưng quả không phải lúc con Giôlicơ sẵn sàng tuân lệnh. Cái trò chơi này làm cho nó thích thú. Nó cứ tiếp tục đi đi lại lại theo điệu cũ, vừa đi vừa chạy và nó lẩn tránh không để cho tôi bắt. Tôi không hiểu làm sao lại xảy ra việc đó; chắc có lẽ cơn giận đã làm cho viên cảnh sát mất lý trí. Hắn tưởng tôi kích thích con khỉ nên hắn vụt bước qua chiếc thừng. Chỉ hai bước là hắn đến sát người tôi và tát tôi một cái lạng người.

Khi tôi gượng lên được và mở mắt ra thì thấy cụ Vitali không biết ở đâu đến bất thình lình, đã đứng sững giữa tôi và tên cảnh sát và đang nắm lấy cổ tay hắn.
Tôi cấm anh không được đánh thằng bé này – ông cụ nói – Việc anh vừa làm là hèn nhát.
Tên cảnh sát muốn rút tay ra nhưng bị cụ Vitali nắm cứng.

Trong khoảnh khắc hai người mặt đối mặt giương mắt chòng chọc nhìn nhau. Tên cảnh sát như điên như dại.

Còn chủ tôi thì lẫm liệt hiên ngang. Ông cụ ngẩng cao cái đầu phủ tóc bạc rất đẹp. Mặt ông cụ đầy vẻ oai nghiêm và phẫn nộ.
Trước cử chỉ đó, tôi tưởng tên cảnh sát chỉ có cách độn thổ cho rồi. Nhưng nào phải thế! Hắn vung tay mạnh một cái, giật tay ra, túm lấy cổ chủ tôi và đẩy ông cụ đi một cách thô bạo.

Cụ Vitali phẫn nộ, đứng thẳng người lên, giơ cánh tay phải đánh mạnh vào cổ tay tên cảnh sát để buộc nó thả ra.
Anh muốn làm gì tôi nào?

Tao muốn tóm cổ chúng mày. Đi theo tao về bót.

Muốn đạt mục đích ấy hà tất anh phải đánh thằng bé này!

Không cần nhiều lời, chúng mày hãy đi theo tao.

Cụ Vitali đã trở lại rất bình tĩnh. Không cãi lại, cụ ngoảnh lại bảo tôi:

– Cháu về nhà trọ đi. Ở đấy với đàn chó. Ông sẽ báo tin cho cháu sau.

Thế là buổi biểu diễn kết thúc. Buổi biểu diễn mà chủ tôi muốn làm cho vui nhộn lại chấm dứt một cách đáng buồn.
Ban đầu mấy con chó toan đi theo chủ. Nhưng ông cụ ra lệnh cho chúng ở lại với tôi. Vốn quen tuân lệnh nên chúng quay lại ngay. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra là chúng đã bị buộc mõm. Nhưng mà đáng lẽ bị bó trong một cái rọ sắt hay trong một cái lưới, thì chúng chỉ phải đeo một cái dải lụa thắt bướm chung quanh mõm. Con Capi lông trắng thì dải lụa đỏ. Con Décbinô lông đen thì dải lụa trắng, con Đônxơ lông xám thì dải xanh lơ. Đó là những rọ mõm sân khấu.

Công chúng giải tán rất nhanh, chỉ còn dăm ba người ở lại tranh luận với nhau về sự việc vừa xảy ra.
Ông già có lý.

Ông già trái rồi.

Tại sao lão cảnh sát lại đánh thằng bé con? Nào nó có dám nói gì hay làm gì lão ta đâu?
Việc rắc rối lắm đấy! Ông già không khỏi tù đâu, nếu lão cảnh sát làm biên bản về tội của ông cụ phản kháng công chức.
Tôi trở về nhà trọ, trong lòng đau buồn và lo lắng.

Bây giờ không phải là thời cụ Vitali làm cho tôi sợ hãi nữa. Thực ra thì thời gian đó chỉ vẻn vẹn có mấy tiếng đồng hồ. Chẳng bao lâu tôi đã quyến luyến và thành thực yêu thương cụ. Tình yêu thương đó cứ càng ngày càng tăng. Chúng tôi cùng sống chung một cuộc đời, sát cánh bên nhau từ sáng đến tối, có khi từ tối đến sáng, đó là những khi ông cháu chúng tôi phải nằm chung một bó rơm. Ông cụ đã dạy tôi đọc sách, dạy tôi hát, dạy tôi viết, dạy tôi tính. Trên những đoạn đường dài dằng dặc, ông cụ luôn luôn dùng thời giờ để dạy tôi cái này, cái khác, tùy cảnh ngộ gợi ra, hoặc do tình cờ. Những ngày tiết trời quá lạnh, ông cụ nhường chăn cho tôi cùng đắp. Khi nắng gắt, ông cụ mang đỡ tôi một phần những hành lý đã chia cho tôi mang. Trong những bữa ăn không bao giờ ông cụ cho tôi miếng không ngon và dành cho mình miếng ngon. Trái lại ông cụ chia đều miếng ngon lẫn miếng không ngon. Thật ra thì đôi khi ông cụ cũng bẹo tai tôi hoặc cho tôi một cái bớp. Nhưng không vì những sự trừng phạt nhỏ nhặt ấy mà tôi quên được sự chăm sóc, những lời nói nhân từ phúc hậu và tất cả những cử chỉ âu yếm của ông cụ đối xử với tôi từ ngày chúng tôi sống chung với nhau. Ông cụ thương yêu tôi và tôi cũng thương yêu ông cụ.

Sự chia ly này làm cho tôi thật đau xót.

Bao giờ ông cháu chúng tôi gặp nhau đây?

Người ta có kháo chuyện phạt tù. Chẳng biết ngồi tù bao nhiêu lâu? Trong thời gian đó tôi phải làm gì? Làm thế nào mà sống? Sống bằng gì?
Chủ tôi vốn quen giữ cả gia tài trên người. Khi bị tên cảnh sát lôi đi, cụ chẳng kịp đưa tiền cho tôi. Trong túi tôi chỉ còn có mấy xu. Dễ mấy xu ấy đủ để nuôi sống tất cả đoàn chúng tôi hay sao? Trong hai ngày tôi bàng hoàng không dám ra khỏi sân quán trọ. Tôi trông nom con Giôlicơ và mấy con chó. Chúng nó đều lo lắng và buồn bã.

Đến ngày thứ ba thì có một người mang thư của cụ Vitali đến cho tôi. Trong thư cụ tin cho tôi biết rằng người ta giữ cụ trong nhà lao để đến thứ bảy sau đưa ra xét xử trước tòa án. Người ta khép ông cụ vào tội chống lại một công chức đang thi hành phận sự và bạo hành đối với công chức đó.

Ông cụ viết thêm: “Cái việc ông đã nóng nảy không tự chủ là một điều sai lầm nghiêm trọng có thể gây nhiều tổn hại cho ông. Cháu hãy đến dự phiên tòa, cháu sẽ rút được một bài học.”

Rồi cụ viết thêm một vài lời khuyên bảo tôi về cách cư xử. Để kết thúc, cụ gửi tôi một cái hôn và dặn tôi vỗ về con Capi, con Giôlicơ, con Đônxơ và con Décbinô hộ.

Trong lúc tôi đọc thư thì con Capi ngồi lọt giữa hai chân tôi, gí mũi vào tờ giấy ngửi, hít, ngoe nguẩy đuôi. Những cái vẫy đuôi của nó đủ cho tôi hiểu rằng nó đánh hơi ra tờ giấy đó đã qua tay chủ nó. Từ ba ngày nay, đây là lần đầu tiên nó tỏ ra hoạt động và vui vẻ.

Tôi đi hỏi thăm thì người ta cho biết phiên tòa tiểu hình bắt đầu từ mười giờ. Chín giờ sáng thứ bảy, tôi đến đứng tựa lưng vào cửa tòa và khi cửa mở thì tôi là người đầu tiên bước vào phòng xử án. Người kéo đến đông dần. Tôi nhận thấy có nhiều người đã chứng kiến cuộc cãi cọ giữa ông cụ và tên cảnh sát.

Tôi chẳng hiểu tòa án là thế nào, công lý là thế nào cả. Nhưng tự nhiên tôi cảm thấy ghê sợ. Tuy là việc của chủ tôi chứ không phải việc của tôi, tôi cũng thấy như chính tôi gặp bước nguy nan. Tôi núp đằng sau một cái lò sưởi lớn. Tôi đứng thụt vào sát tường, thu hình cho thật bé lại.

Người ta không đưa chủ tôi ra xử trước. Những người bị xử trước là những người ăn trộm, ăn cắp, đánh nhau. Người nào cũng khai là vô tội nhưng cũng đều bị phạt tất. Sau cùng đến lượt cụ Vitali ngồi trên ghế dài giữa hai tên sen đầm ở chỗ những người kia vừa ngồi.

Lúc đầu người ta nói những gì, người ta hỏi gì ông cụ, và ông cụ trả lời ra sao, tôi không biết. Tôi cảm động quá nên không nghe được hoặc có nghe mà không hiểu. Tôi nhìn chủ tôi đứng đó; mái tóc dài bạc phơ hắt ra đằng sau, cụ có vẻ xấu hổ và ưu phiền. Tôi lại nhìn viên quan tòa đang hỏi ông cụ:

Thế là anh nhận có đánh viên cảnh sát đến bắt anh mấy cú, phải không?

Thưa ông chánh án, không phải mấy cú mà chỉ một cú thôi, cốt để gỡ tay ông ta. Khi tôi tới chỗ biểu diễn thì thấy viên cảnh sát đánh thằng bé con cùng đi với tôi một cái tát.
Đứa trẻ đó không phải là con anh mà?

Thưa ông chánh án, không phải, nhưng tôi thương yêu nó như con tôi. Khi tôi trông thấy nó bị đánh, tôi có nổi nóng lên và nắm lấy tay viên cảnh sát, không cho ông ta đánh nữa.
Chính anh đã đánh viên cảnh sát, có phải không?

Nghĩa là khi ông ta túm lấy cổ áo tôi, tôi không nhận ra người đang xông vào tôi là ai, hay nói cho đúng, tôi chỉ nhận thấy có một người đang xông vào tôi chứ không kịp nghĩ ra đó là một viên cảnh sát. Tôi đã mất tự chủ nên đối phó lại bằng một động tác tự nhiên, vô ý thức.
Ở vào độ tuổi anh, người ta không để mất tự chủ.

Đúng ở tuổi tôi, người ta không được để mất tự chủ. Nhưng khốn thay có khi mình không làm được những cái mình đáng phải làm. Ngày nay tôi mới nhận thấy thế.

Tòa sẽ nghe lời khai của viên cảnh sát.

Viên này kể lể sự việc xảy ra nhưng nhấn mạnh việc người ta đem con người, giọng nói và điệu bộ của y ra mà chế giễu hơn là việc y bị đánh. Trong khi y khai trước tòa, đáng lẽ cụ Vitali phải chăm chú nghe thì ông cụ lại nhìn khắp bốn phía. Tôi hiểu ngay là ông cụ tìm tôi. Tôi bèn rời chỗ đang nấp, len lỏi giữa những người đứng xem để chen lên hàng đầu. Ông cụ trông thấy tôi. Gương mặt buồn rầu của ông cụ bỗng sáng lên. Tôi cảm thấy là ông cụ sung sướng được nhìn thấy tôi và bất giác nước mắt tôi giàn giụa.

Sau cùng viên chánh án hỏi:

Anh còn nói gì để tự bào chữa?

Riêng về phần tôi thì tôi không có gì nói thêm nữa. Nhưng vì đứa bé mà tôi yêu thương tha thiết, nó sắp phải sống cô đơn, vì nó tôi xin tòa mở lượng khoan hồng sớm cho ông cháu tôi đoàn tụ.
Tôi tưởng là người ta sẽ trả lại tự do cho ông cụ. Nhưng nào có được thế. Một viên quan tòa khác nói gì trong mấy phút. Tiếp đó viên chánh án bằng một giọng trầm trầm tuyên bố là “tên Vitali đã phạm tội lăng mạ và bạo hành đối với một viên chức nhà nước, bị phạt tù hai tháng và phạt bạc một trăm phờrăng.”
Hai tháng tù! Qua làn nước mắt, tôi thấy cánh cửa trước đây đã mở cho cụ Vitali vào phòng xử án, bây giờ lại mở ra. Cụ đi ra theo một người sen đầm rồi cánh cửa bị đóng lại.

Hai tháng xa cách!

Biết đi đâu bây giờ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.