Không Gia Đình

PHẦN THỨ II: 22. TIẾN LÊN



Tiến lên!

Thế giới mở rộng trước mắt tôi, tôi có thể dời chân xuống Nam hay lên Bắc, sang Đông hay qua Đoài tùy lòng.
Tôi chỉ là một đứa trẻ con, thế mà tôi đã làm chủ cuộc đời của tôi.

Than ôi! Chính cái chỗ ấy lại là chỗ đáng buồn trong cảnh ngộ tôi.

Biết bao nhiêu đứa trẻ tự nhủ: “Ôi chao! Giá ta được tự ý làm cái gì thì làm tùy thích! Giá ta được tự do! Giá ta làm chủ lấy ta!”. Biết bao nhiêu đứa sốt ruột trông cho mau tới cái ngày tuyệt sướng ấy, cái ngày mà nó được tự do, làm những điều dại dột!

Tôi thì tôi lại tự bảo: “Chao ôi! Ước gì có người để chỉ bảo ta, hướng dẫn ta!” Là vì giữa những đứa trẻ ấy với tôi có một sự khác nhau ghê gớm.
Nếu là đứa trẻ ấy làm điều dại dột thì sau lưng chúng có người đưa tay ra cho chúng níu khi chúng trượt, đỡ chúng khi chúng ngã. Còn tôi, dằng sau tôi không có ai cả. Nếu tôi ngã thì nhất định tôi phải lăn tuồn tuột đến cuối dốc rồi lúc đó mới lóp ngóp bò dậy một mình, nếu may mà chưa gãy xương. Mà việc gãy xương rất dễ xảy ra cho tôi. Tôi có đủ kinh nghiệm để nói như vậv. Mặc dù còn nhỏ, tôi đã qua nhiều thủ thách trong hoạn nạn, bởi vậy tôi thận trọng và khôn ngoan hơn phần nhiều đứa trẻ cùng lứa tuổi tôi. Cái phần hơn ấy tôi đã mua bằng một giá khá đắt.

Trước khi lao vào con đựờng rộng mở trước mắt. tôi định hỏi ý kiến bác Acanh là người đã coi tôi như con đẻ mấy năm lại đây. Dù cô Catơrin không đem tôi cùng đi với các anh chị ấy đến chào bác, thì một mình tôi cũng có thể, và có bổn phận đến hôn bác.

Tôi chưa hề đến nhà lao giam con nợ, nhưng lâu nay nghe nói đến nó nhiều quá, tôi tin rằng thế nào cũng tìm ra.
Tôi sẽ đến nhà thờ Mađơlen, con đường ấy tôi biết quá rõ, đến nhà thờ tôi sẽ hỏi thăm đường đến nhà lao. Cô Catơrin và mấy anh chị ấy đã vào thăm ông bố được thì chắc họ cũng cho phép tôi vào. Tôi có gì khác họ, tôi đã làm con ông ấy, và ông ấy đã từng yêu quý tôi như con.

Tôi không dám đi suốt Pari với con chó Capi lơn tơn bên gót, bởi vì nếu các ông cảnh sát hỏi thì tôi biết trả lời làm sao? Trong mọi nỗi sợ hãi mà tôi đã trải qua, sợ cảnh sát là nỗi sợ lớn hơn cả. Tôi không quên vụ Tuludơ. Tôi kiếm chiếc dây đai buộc cổ con chó. Nó ức về việc ấy lắm bởi vì nó có lòng tự ái của một con chó thông thái được giáo dục. Tôi dòng dây dắt nó theo để đi tìm nhà lao Cơlisi.

trên đời này có những cái buồn lắm hễ trông thấy là phải có ý nghĩ u ám. Tôi chưa từng biết thứ gì xấu xí và buồn hơn cái cửa ngục.
Tôi đứng lại một lát không dám vào nhà ngục ngay, hình như sợ rằng sẽ bị nhốt lại trong đó và cái cửa gớm ghiếc kia một khi đã khép ập lại sau lưng tôi thì sẽ không mở ra nữa.
Trước đây tôi chỉ hình dung ra khỏi một nhà ngục thì khó khăn lắm, nhưng tôi không nghĩ rằng vào ngục cũng không dễ. Bây giờ thì tôi đã rõ, nhưng biết được điều ấy phải khó nhọc bao nhiêu.
Tuy vậy, vì tôi không nản lòng, không chịu về không, cho nên cũng đến được với người tôi muốn thăm.
Người ta đưa tôi vào một cái phòng khách không có cửa sắt, không có chấn song sắt như tôi hằng tưởng tượng và giây lát sau thì bác Acanh đến, cũng không bị xích tay xiềng chân. Bác nói:
– Bác mong cháu đến, Rêmi ạ, và bác đã trách cô Catơrin sao không đưa cháu đến với mấy anh chị em nó.
Từ sớm nay tôi buồn bã, ỉu xìu, câu nói của bác làm tôi phấn khởi. – Cô Catơrin không muốn đem cháu theo.
– Tội nghiệp cháu tôi. Nhưng cái ấy khó quá cháu ạ. Ở đời có phải muốn gì thì làm được nấy đâu! Bác tin chắc rằng được về đấy thì cháu hết lòng làm lụng để bảo đảm cơm áo cho cháu. Nhưng cái không giải quyết được là chú Xuyriô chồng cô Catơrin không thể tìm ra công việc làm cho cháu. Chú ấy coi cống ở sông đào Nivécne, mà cháu biết, những người thợ cống thì mướn người trồng hoa làm gì! Lũ trẻ nói cháu muốn trở lại cái nghề hát rong. Vậy ra cháu quên rằng năm xưa cháu suýt chết rét, chết đói ở cổng nhà bác rồi hay sao?

– Không, cháu không quên!

Thế mà lúc ấy cháu không phải một thân một mình, cháu có một ông chủ dìu dắt cháu kia đấy. Cháu à, cái việc cháu định làm nó nguy hiểm lắm: bé bỏng như cháu mà một mình lang thang trên con đường ngàn dặm!
Cháu có con Capi.

Như thường lệ, con Capi nghe đến tên nó thì sủa lên một tiếng như để bảo: “Có mặt! Nếu các ngài cần tới thì có tôi đây!”
Ừ! Capi là một con chó có nghĩa, nhưng dầu sao nó cũng chỉ là một con chó thôi. Cháu sẽ sinh sống bằng cách nào?
Cháu đi hát, còn con Capi thì diễn trò.

Capi làm sao diễn trò một mình được?

Cháu sẽ tập cho nó làm xiếc. Chú sẽ tập được những trò tôi muốn, phải không chú Capi?
Capi để tay lên ngực.

Tóm lại, cháu ạ. Cháu đi làm thuê là khôn hơn hết. Cháu đã là một người thợ giỏi, đi làm lang thang đây đó, cái nghề lang thang ấy là nghề của bọn lười biếng.
Cháu không phải là đứa lười, cái đó thì bác biết. Tất bác chưa bao giờ nghe thấy cháu phàn nàn công việc quá nhiều. Nếu làm với bác thì bao nhiêu cháu cũng làm. Và sẽ ở mãi với bác. Nhưng cháu không muốn làm thuê cho người khác.
Hình như tôi nói mấy câu này một cách khác biệt thế nào ấy. Bác Acanh nhìn tôi không nói. Cuối cùng bác bảo:
Cháu có kể lại rằng lúc cháu chưa biết tông tích ông cụ Vitali thì cũng đã nhiều lần cháu ngạc nhiên về cách ông cụ nhìn người ta, về cái tư thế của ông cụ, nó hầu như nói lên rằng ông cụ là người sang trọng. Cháu có biết rằng cháu cũng có cái dáng điệu ấy không? Cháu không muốn làm thuê cho người ta? Thôi thì cũng tùy cháu. Bác nói những cái ấy vì lợi ích của cháu, không vì gì khác đâu, cháu nên tin thế. Bác nghĩ rằng bác có bổn phận phải phân giải điều hơn lẽ thiệt cho cháu nghe, thế thỏi. Còn tự cháu làm chủ cuộc đòi của cháu, vì cháu không có cha mẹ và bác cũng không làm bố cháu được nữa rồi. Một người khốn khổ đáng thương như bác đâu có quyền khiến bảo ai?

Những điều bác Acanh nói làm tôi băn khoăn lo nghĩ hết sức, nhất là vì tôi cũng đã tự nhủ như thế, nếu không y nguyên văn thì cũng gần gần.

Phải, một thân một mình thui thủi khắp đó đây là một điều rất nguy hiểm. Tôi cảm thấy cái đó, thấy rất rõ. Tôi đã sống cuộc đời nay đây mai đó, đã sống những đêm như đêm mấy con chó của chúng tôi bị sói bắt ăn thịt hay là đêm đi tìm mỏ đá Giăngtili. Tôi đã sống những ngày vừa đói vửa rét. Tôi đã bị xua đuổi hết làng này qua làng khác, một xu cũng không kiếm nổi trong cái thời gian cụ Vitali bị bỏ tù. Tôi biết rất rõ những nỗi hiếm nghèo, những cảnh khốn khổ trong cuộc sống phiêu lưu ấy, một cuộc sống không phải chỉ có ngày mai là bấp bênh mà cả đến ngày hôm nay cũng không có gì bảo đảm.

Nếu tôi từ bỏ cuộc sống ấy, thì tôi chỉ có một con đường: đi làm mướn như bác Acanh đã chỉ cho. Nhưng từ bỏ cuộc sống giang hồ thì không giữ được lời hứa với chị Êchiênnét, với Alơxi, Bănggiamanh và Lidơ, nghĩa là bỏ mặc chị em họ. Nói cho đúng thì chị Êchiênnét, Alơxi và Bănggiamanh cũng không cần tôi cho lắm vì họ có thể viết thư cho nhau. Nhưng còn Lidơ? Lidơ không biết viết, cả bà cô Catơrin cũng vậy. Nếu tôi mặc Lidơ, thì nó sẽ bị quạnh hiu. Rồi nó sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Chắc nó chỉ nghĩ một điều là tôi không yêu nó nữa, nó, cái cô bé đã tỏ ra tha thiết bao nhiêu với tôi và đã khiến cho tôi khôn xiết vui sướng. Cái đó không thể được.

Thế bác không muốn cháu đem tin các anh chị và em Lidơ đến cho bác ư?

Chúng nó có nói với bác chuyện ấy. Bác không nghĩ tới gia đình nhà bác khi khuyên cháu từ bỏ cái nghề hát rong. Không bao giờ nên nghĩ đến mình trước khi nghĩ đến người khác.
Thưa bác chính thế, và chắc bây giờ bác thấy rằng chính bác đã chỉ cho cháu cái điều phải làm: nếu cháu xóa bỏ lời cam kết của cháu vì sợ những sự hiểm nghèo mà bác nói thì ra cháu chỉ nghĩ đến mình, chứ không nghĩ đến bác, đến các anh chị và em Lidơ.
Bác Acanh lại nhìn tôi, lần này lâu hơn. Rồi đột nhiên bác nắm hai tay tôi:

Này cháu ạ, bác phải hôn cháu một cái mới được, vì câu nói ấy. Cháu là người có tình có nghĩa. Đúng là cái đó không cần phải lớn tuổi mới có.
Chỉ có bác và tôi ở trong phòng khách ngồi bên cạnh nhau trên chiếc ghế dài. Tôi ngả vào tay bác. Bác lại nói:

Bác chỉ nói với cháu một lời này nữa thôi, là “Cầu trời phù hộ cho cháu, cháu thân mến!”
Cả hai chúng tôi ngồi im lặng một lúc. Nhưng thì giờ trôi qua, và sắp đến lúc phải chia tay.
Bỗng bác Acanh móc trong túi áo gilê ra một chiếc đồng hồ quả quýt lớn có sợi dây da mỏng đính vào khuyết áo. Bác nói:
Không thể nào bác cháu chúng ta xa nhau mà cháu không nhận của bác một vật kỷ niệm gì. Cái đồng hồ của bác đây, bác biếu cháu. Nó không phải là của quý vì cháu cũng biết, nếu là vật có giá trị thì bác đã bán lâu rồi chứ còn đâu nữa. Nó chạy cũng không tốt lắm nữa, thỉnh thoảng phải vặn lại. Dẫu sao đó cùng là tất cả gia tài của bác hiện nay, vì vậy bác biếu cháu.

Bác nói thế rồi đặt đồng hồ vào tay tôi. Thấy tôi tỏ ý không muốn nhận món quà quý giá ấy, bác buồn rầu nói thêm:
Cháu thừa hiểu rằng ở đây bác có cần xem giờ làm gì đâu. Xem giờ càng thấy thời giờ đi chậm. Nếu ngồi đếm từng phút từng giờ thì bác chết mất. Thôi chào cháu, cháu bé Rêmi. Nào, hôn bác lần nữa đi. Cháu là một chú bé tốt. Cháu nhớ giữ cho được mãi mãi như thế.
Việc gì đã xảy ra trong giờ phút ấy? Bác cháu chúng tôi đã nói với nhau những gì, tôi không nhớ rõ, bởi vì tôi xúc động quá. Tôi nhớ mang máng ràng bác đã cầm tay tôi dắt ra cửa.
Bây giờ hồi tưởng lại cái phút chia tay ấy, tôi chỉ nhớ cái cảm giác ngẩn ngơ trống trải trong tâm hồn.
Hình như tôi đứng lâu, rất lâu trên đường phố trước cổng nhà lao, mãi không biết đi chiều này hay chiều kia. Có lẽ tôi đứng đó đến tối mất nếu tay tôi không vô tình chạm phái một vật gì tròn và cứng trong túi áo.
Tự nhiên như cái máy và cũng chẳng biết mình làm gì, tôi sờ soạng vật ấy. Hóa ra cái đồng hồ của tôi.
Cái đồng hồ của tôi! Buồn bã, lo ngại, hãi hùng đều tiêu tan tức khắc, cái thằng trẻ con ở trong tôi chỉ còn nghĩ đến chiếc đồng hồ. Tôi có một cái đồng hồ, một cái dồng hồ của riêng tôi, đang nằm trong túi áo tôi, tôi muốn xem giờ lúc nào cũng được! Tôi rút dồng hồ ra xem giờ đây: đúng trưa. Đúng trưa hay là mười giờ, hay là ba giờ chiều đi nữa, cái đó đối với tôi có ích gì. Nhưng tôi vẫn cứ sung sướng vì biết là đúng trưa. Tại sao thế? Hỏi thì chắc tôi lúng túng không biết trả lời ra sao. Nhưng nó cứ như thế đấy! Ồ! Đúng trưa, đã đúng trưa rồi! Tôi biết là đúng trưa rồi đấy! Chính cái đồng hồ của tôi đã mách tôi là đúng trưa, ghê không? Tôi cảm thấy rằng đồng hồ là một người bạn tâm phúc: của mình, mình có thể hỏi ý kiến nó, nó có thể trò chuyện với mình:

Mấy giờ rồi, bạn đồng hồ nhỉ?

Đúng trưa rồi đấy, anh Rêmi thân mến ạ.

Ồ! Đúng trưa. Thế thì ta phải làm việc này, và việc này, phải không?

Hẳn chứ lị!

Cậu nhắc mình thế là tốt đấy! Không có cậu thì mình quên mất.

Tôi theo anh là để nhắc nhở anh mà!

Có con chó Capi và cái đồng hồ, thế là tôi có bạn để chuyện trò rồi.

Đồng hồ tôi! Đó là ba tiếng nói lên nghe rất lý thú. Tôi đã từng vô cùng ao ước được có một chiếc đồng hồ và tôi cũng đã yên trí rằng mình sẽ không bao giờ có nổi! Thế mà giờ đây có một chiếc nằm trong túi áo tôi, kêu tích tắc. Ông bố nói nó chạy không đúng lắm. Cái đó không hề gì. Miễn nó chạy, thế là đủ. Nó cần được lên dây à? Tôi sẽ lên dây, sẽ vặn mạnh chứ, có hà tiện gì cái vặn! Và nếu vặn cũng chưa đủ thì tôi sẽ mở nó, tháo máy nó ra. Cái ấy thì phải biết là thú! Tôi sẽ xem có những gì trong lòng nó và cái gì đẩy nó chạy. Nó phải liệu mà cư xử cho đúng dắn. Tôi sẽ điều khiển nó một cách nghiêm khắc.

Tôi vui mừng quá đỗi nên không để ý rằng con Capi cũng vui sướng như tôi.

Nó cứ kéo ống quần tôi và chốc chốc lại sủa dồn. Cuối cùng nó sủa to quá làm tôi

bừng tỉnh cơn mơ mộng.

– Capi đòi gì thế?

Nó nhìn tôi, nhưng tôi đương rộn niềm vui sướng nên không đoán ra ý nó. Đợi một phút không được, nó đứng thẳng lên áp vào người tôi và đặt một chân lên túi tôi, cái túi có chiếc đồng hồ. Thì ra nó muốn xem giờ “để báo cho chư vị khán giả” như thuở nó còn làm trò với cụ Vitali.

Tôi đưa đồng hồ cho nó xem. Nó nhìn lâu lắm tuồng như đang cố nhớ, rồi vẫy đuôi, sủa mười hai tiếng. Thế là nó không quên. A ha! Thế thì tôi có thể kiếm tiền với chiếc đồng hồ này chứ phải chơi đâu! Như vậy là thêm được một trò mà trước đây tôi không tính đến.

Câu chuyện vừa rồi diễn ra ở ngoài đường, ngay trước cổng nhà lao cho nên có những khách qua đường tò mò nhìn chúng tôi, hơn nữa, họ dừng lại. Nếu tôi bạo dạn thì tôi có thể biểu diễn ngay cho họ xem, nhưng tôi không có gan, tôi sợ cảnh sát.

Vả lại đã đúng trưa, tôi cần lên đường.

Tiến lên!

Tôi đưa mắt từ biệt nhà tù lần cuối cùng, cái nhà tù trong đó bác Acanh tội nghiệp bị giam hãm, trong khi tôi tung tăng khắp bốn phương trời. Cuối cùng chúng tôi lên đường.

Đối với cái nghề nghiệp của tôi, bản đồ nước Pháp là một vật có ích nhất. Tôi biết rằng thứ ấy ở bến tàu thủy thường có bán. Tôi định mua một tấm, nên tôi đi về phía bờ sông.

Tìm cho ra một bản đồ vừa ý cũng mất nhiều thì giờ. Bản đồ vừa ý tôi phải là một bản đồ bồi vải gấp lại được, mà giá không quá một phờrăng, vì một phờrăng đối với tôi đã là một số tiền to lắm. Nhưng rồi tôi cũng tìm được một tấm vàng ố, cũ kỹ đến nỗi người chủ quầy chỉ đòi tôi có bảy mươi nhăm xăngtim(1).

Bây giờ thì tôi có thể rời thành phố Pari được rồi. Tôi định đi ngay, không trì hoãn. Tôi có thể đi một trong hai con đường này: hoặc là đường Phôngtenơbơlô qua cửa ô Italia, hoặc là đường Oóclêăng qua Mông Rugiơ. Đi đường nào cũng được thôi, tôi không thích đường nào hơn đường nào. Thật là ngẫu nhiên mà tôi đi con đường Phôngtenơbơlô.

Tôi vào phố Muphơta. Vừa đọc cái tên phố trên tấm bảng xanh xong thì cả một loạt chuyện cũ hiện lại trong trí óc: nào là Garôphôli, nào là Mátchia, nào là Ricácđô, rồi cái nồi khóa vung, cái roi da và cuối cùng là cụ Vitali. Ông chủ tội nghiệp, ông chủ rất tốt của tôi, cái người đã chết vì không để thằng cha bầu trẻ con ở phố Luốcxin mướn tôi.

Tới nhà thờ Xanh Mêđa thì tôi thấy có một chú bé đứng tựa vào tường, nom hình như là thằng bé Mátchia: rõ ràng cái đầu quá to ấy, cặp mắt ươn ướt, đôi môi mấp máy, cái vẻ hiền lành nhẫn nhục, cái dáng điệu buồn cười của thằng Mátchia. Nhưng lạ chưa? Nếu phải thằng Mátchia thì sao lâu nay nó vẫn thế, không lớn lên tí nào?

Tôi tiến đến gần để nhìn kỹ. Thôi không còn nghi ngờ gì nữa, chính nó. Nó cũng nhận ra tôi và gương mặt nhợt nhạt của nó sáng lên một nụ cười. Nó hỏi:
Có phải anh đã đến chỗ Garôphôli với ông cụ râu bạc, trước khi tôi vào bệnh viện không? Ôi chao! Cái ngày hôm đó sao mà tôi đau đầu thế!
Garôphôli vẫn là chủ của anh à?

Garôphôli đi tù rồi. Người ta tóm cổ nó bởi vì nó đánh đập thằng Oóclăngđơ tàn nhẫn quá đến nỗi thằng đó ốm chết.
Nghe nói thằng Garôphôli đi tù, tôi sướng lắm. Lần này là lần đầu tôi nghĩ rằng những nhà tù ghê gớm kia cũng có ích. Tôi hỏi:
Còn lũ trẻ?

Ồ! Tôi không biết. Lúc Garôphôli bị bắt thì không có tôi ở đó. Khi tôi ra viện, thằng Garôphôli thấy rằng hễ đánh đập tôi thì tôi đổ ốm nên muốn gạt tôi đi. Nó cho gánh xiếc Gátxô mướn tôi hai năm và nó nhận tiền trước. Anh biết gánh xiếc Gátxô chứ? Không à? Đó không phải là một gánh xiếc lớn nhưng cũng là một gánh xiếc. Họ cần một đứa bé để diễn trò uốn dẻo, cho nên bác Gátxô mới mướn tôi. Tôi làm với bác ấy cho đến hôm thứ hai vừa qua. Người ta thải tôi ra bởi vì bây giờ đầu tôi to quá rồi, không thể chui vào hộp được nữa, và nó cũng nhạy đau quá. Bởi vậy tôi đã đi từ Ghidô là nơi gánh xiếc đang diễn trò để về Pari tìm Garôphôli. Nhưng tôi không tìm thấy ai cả. Nhà thì đóng kín mít. Một ông láng giềng đã thuật lại cho tôi nghe cái việc tôi vừa nói với anh, là Garôphôli đi tù rồi. Thế là tôi đến đây vì không biết đi đâu, không biết làm gì bây giờ.

Sao anh không trở về Ghiđô?

Bởi vì cái hôm ở Ghidô tôi lên đường đi bộ về Pari thì gánh xiếc cũng khởi hành đi Ruăng. Anh tính tôi làm thế nào mà đi Ruăng cho được? Xa quá, mà tôi không có tiền. Từ trưa hôm qua đến nay tôi đã có gì vào bụng đâu!
Tôi không giàu, nhưng tôi có đủ để cứu thằng bé đáng thương ấy khỏi chết đói. Ngày tôi lang thang quanh vùng Tuludơ, đói khát như thằng Mátchia hôm nay, mà có ai chìa cho tôi một mẩu bánh mì thì tôi đã cảm tạ người ấy bao nhiêu! Tôi bảo thằng Mátchia:

– Anh hãy đứng đó!

Rồi tôi chạy đến hiệu bánh mì ở góc phố. Trong giây lát, tôi trở lại, mang theo một chiếc bánh và tôi đưa biếu nó. Nó vồ lấy, ăn ngốn ngấu hết ngay.
Bây giờ thì anh định làm gì?

Tôi không biết.

Phải làm cái gì mới được chứ?

Tôi đương cố dạm bán cây vĩ cầm của tôi thì anh đến. Giá tôi không quyến luyến nó thì tôi đã bán được rồi. Cây đàn ấy là nguồn vui, là niềm an ủi của tôi. Khi nào buồn quá, tôi tìm một chỗ khuất, một mình kéo cho mình nghe. Lúc ấy thì tôi thấy không biết bao nhiêu là điều tốt đẹp hiện lên giữa trời. Ôi! Còn đẹp hơn trong mơ nhiều! Nó cứ nối tiếp nhau không dứt…

Thế thì tại sao anh không kéo vĩ cầm ở đường phố cho người ta nghe?

Tôi đã làm thử. Không ai cho tiền cả!

Tôi cũng đã trải qua cái cảnh biểu diễn cho người ta xem mà không ai thò tay vào túi. Mátchia hỏi:
– Còn anh? Lúc này anh làm gì?

Tôi bỗng nổi máu khoác lác trẻ con lên. Tôi nói:

– Mình ấy à? Mình là chủ gánh.

Chao ôi! Thực ra thì cũng đúng, bơi vì tôi làm chủ một gánh xiếc mà con Capi làm diễn viên. Nhưng cái thực ấy cũng không xa cái dối là mấy. Mátchia nói:
Chao ôi! Nếu anh vui lòng!

Vui lòng gì cơ?

Nhận tôi vào gánh của anh.

Tất cả gánh của mình chỉ có thế.

Cũng chẳng sao! Nó với tôi là hai vậy. Chao ôi! Tôi van anh, anh đừng bỏ tôi! Anh bỏ tôi thì tôi sẽ thế nào? Chỉ còn nước chết đói mà thôi.

Chết đói! Cái tiếng kêu ấy, không phải ai nghe nó cũng hiểu nó như nhau, và ở mỗi người nó cũng không dội vào cùng một chỗ. Với tôi thì nó dội vào đúng tim. Tôi đã hiểu thế nào là chết đói.

Tôi diễn được. -Mátchia tiếp. – Trước hết tôi biết chơi vĩ cầm. Và tôi uốn dẻo, tôi nhảy dây, tôi lộn vòng, tôi hát. Rồi anh xem, anh báo gì tôi làm nấy. Tôi sẽ là đứa ở của anh, tôi vâng lời anh. Tôi không đòi tiền công ở anh đâu, chỉ cần có ăn thôi. Nếu tôi làm ăn tồi thì anh đánh tôi, ta giao ước với nhau như vậy. Tôi chỉ yêu cầu một điều là đừng đánh vào đầu, cũng phải giao ước thêm điều đó, bởi vì đầu tôi rất kém chịu đau, từ ngày thằng tha Garôphôli cứ nện bừa lên đó.

Nghe cái thằng bé tội nghiệp ấy nói như thế, tôi suýt ứa nước mắt. Làm sao nói cho nó hiểu rằng tôi không thể nhận nó vào gánh của tôi? Chết đói ư? Một mình nó, nó có thể chết đói, đối với tôi, nó cũng không thiếu cơ hội chết đói đâu! Tôi giải thích điều ấy cho nó, nhưng nó không chịu nghe. Nó nói:
Không, hai đứa thì không chết đói được. Chúng mình sẽ nương tựa nhau, giúp đỡ lẫn nhau, đứa có chia xẻ với đứa không có, như anh đã làm vừa rồi.
Câu ấy làm cho tôi hết do dự. Tôi đã có thì tôi phải giúp nó. Tôi nói:

Thôi được, đồng ý!

Tức khắc nó cầm tay tôi mà hôn, khiến lòng tôi rung động một cách êm ái, nước mắt trào ra. Tôi nói:
Anh hãy đi với tôi, nhưng không phải như một đứa ở mà như một người bạn. Rồi kéo quai dây đàn lên vai, tôi bảo:
Ta đi thôi!

Mười lăm phút sau, chúng tôi ra khỏi thành Pari.

Nắng hanh tháng ba đã làm cho đường sá khô ráo nên bây giờ chúng tôi đi lại dễ dàng trên đất rắn. Không khí mát mẻ, mặt trời tháng tư rạng rõ, nền trời xanh không một gợn mây. Thật là khác biết bao nhiêu với cái ngày mưa tuyết mà tôi vào Pari năm nọ, Pari – cái thành phố mà tôi ước ao từ lâu như ước ao đất thánh.

Trên bờ hào ở hai bên đường, cỏ bắt đầu mọc; đó đây lấm tấm những bông hoa cúc dại và hoa dâu tây, cánh hoa hướng về mặt trời. Khi hai bên đường có vườn thì chúng tôi thấy những búp đinh hương tía nhú đỏ giữa màu xanh mơn mởn của lá non. Một ngọn gió thổi qua, từ trên chóp mấy bức tường cổ, những cánh đinh hương vàng lác đác rơi xuống đầu chúng tôi. Trong vườn, trong các bụi cây nhỏ và trên những cây lớn, đâu đâu cũng nghe tiếng chim kêu ríu rít, còn trước mặt thì chim én bay là là mặt đất để đuổi theo những con ruồi, con nhặng mà mắt ta chẳng nhìn thấy đâu cả.

Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu tốt đẹp như thế, cho nên tôi rảo bước trên con đường vang dội tiếng chân, lòng đầy tin tưởng. Con Capi được thả lỏng chạy tung tăng quanh chân chúng tôi, sủa theo mấy chiếc xe, sủa vào mấy đống đá, sủa khắp nơi, sủa không vì cái gì cả ngoài thú được sủa; có lẽ nó có cái thú ấy cũng như con người ta có cái thú hát ca.

Mátchia đi bên cạnh tôi lặng lẽ. Có lẽ nó bận suy nghĩ cái gì, tôi cũng không bắt chuyện, phần sợ làm rầy nó, phần chính mình cũng có việc phải suy nghĩ. Chúng tôi dấn bước trên con đường có vẻ hăng hái như vậy, để đi đến đâu đây? Nói cho đúng thì tôi không biết cho rõ lắm, hơn thế, phải nói rằng tôi không biết gì cả. Cứ xăm xăm đi tới. Nhưng rồi sau đó? Tôi có hứa với Lidơ rằng sẽ đến thăm chị Êchiênnét và hai anh trước khi đến em, nhưng đến ai trước, Bănggiamanh, Alơxi hay Êchiênnét, thì tôi không giao hẹn gì. Tôi có thể đến người này hay người kia trước tùy ý, nghĩa là có thể bắt đầu bằng vùng núi Xêven, hay miền Srăng hoặc miền Picácđi.

Tôi đã ra khỏi Pari về phía Nam thì tất nhiên là tôi không đến Bănggiamanh trước. Chỉ còn phải chọn giữa chị Êchiênnét và Alơxi nên đến thăm ai trước.
Sở dĩ tôi quvết định đi về phía Nam trước chứ không đi về phía Bắc là vì tôi có ý muốn ghé thăm má Bácbơranh.
Lâu nay tôi không nói đến má không phải vì tôi đã quên má như một thằng vong ơn bội nghĩa.
Cũng không nên kết luận tôi là thằng bội nghĩa vì lẽ tôi không gửi thư từ gì cho má từ cái ngày rời má ra đi. Đã bao lần tôi định viết thư cho má để nói: “Con nhớ má và con vẫn yêu má hết sức”. Nhưng tôi biết rằng má không xem thư được, và tôi hãy còn sợ lão Bácbơranh. Nếu nhờ có thư mà lão tìm lại được tôi thì làm thế nào? Hoặc lão bắt tôi về? Hoặc lão lại bán tôi cho một ông Vitali nào khác không giống cụ Vitali của tôi tí nào? Hẳn lão có quyền làm những việc ấy. Nghĩ đến đó tôi chẳng còn lòng dạ nào mà viết thư, thà rằng bị má coi là bội bạc còn hơn là nỡ bị lão ta bắt vào tròng lần nũa. Hoặc lão bán tôi, hoặc lão sai bảo tôi làm việc, đằng nào cũng không xong cả. Thà rằng chết – chết đói – còn hơn là đưa đầu vào cảnh hiểm nghèo như vậy.

Tôi không dám viết thư cho má Bácbơranh, nhưng có lẽ tôi có thể về thăm má được, bởi vì ngày nay tôi muốn đi đâu thì đi, không ai cấm. Không những có thể, tôi lại thấy không khó, từ khi tôi thu nhận Mátchia vào “gánh”. Tôi sẽ cho Mátchia đi trước, còn tôi thì sẽ cẩn thận trốn lại sau. Nó vào nhà má Bácbơranh kiếm chuyện nói với má. Nếu chỉ có mình má ở nhà thì Mátchia sẽ nói thật, rồi đến báo cho tôi biết, thế là tôi trở về cái nhà tôi đã sống tuổi thơ, để ngã vào lòng bà mẹ nuôi của tôi. Nếu trái lại, lão Bácbơranh có ở làng, thì Mátchia sẽ nói với má đến một chỗ nào đó đã hẹn, để tôi gặp má và hôn má.

Đó là kế hoạch của tôi đã nghĩ ra trong khi đi đường và vì thế mà tôi đăm chiêu yên lặng: xét một vấn đề quan trọng như thế, dù tập trung tư tưởng, chăm chú hết sức cũng không thừa.

Quả vậy, không những tôi phải tính xem tôi có thể vế thăm má Bácbơranh được không, mà tôi còn phải cố tìm thử trên đường đi của chúng tôi có những làng mạc, những thị trấn nào có cơ kiếm tiền được. Muốn thế, tốt hơn hết là xem bản đồ.

Đúng vào lúc đó, chúng tôi ở giữa đồng. Chúng tôi có thể nghỉ chân trên đống sỏi kia, không ngại bị quấy phá. Tôi nói:
Mátchia, nếu anh đồng ý thì chúng mình nghỉ một lát.

Anh có vui lòng chuyện vãn không?

Anh muốn nói gì với tôi chăng?

Tôi muốn yêu cầu anh gọi tôi bằng “cậu”.

Được lắm. Chúng mình sẽ “cậu, tớ” với nhau.

Anh thì “cậu, tớ” với tôi là phải chứ tôi thì sao được!

Cậu cũng như tớ, nghe chưa? Tớ ra lệnh cho cậu thế đấy, nếu không nghe, tớ choảng cho đấy!
Choảng thì cứ choảng, nhưng chớ choảng lên đầu. – Thằng Mátchia nói thế rồi cười một cách hiền lành, chân thật, nhe cả hai hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt rám nắng.

Chúng tôi ngồi xuống, rồi tôi rút tấm bản đồ trong xắc, đem trải lên cỏ. Tôi tìm mất khá nhiều thì giờ. Nhưng nhờ nhớ lại cách làm của cụ Vitali, cuối cùng tôi đã vạch xong hành trình sắp tới của chúng tôi. Chúng tôi có thể đi Savanông được và nếu không gặp rủi ro quá thì cũng không đến nỗi chết đói dọc đường. Mátchia chỉ tấm bản đồ hỏi:

– Cái này là cái gì thế?

Tôi giải thích cho nó biết thế nào là một tấm bản đồ và bản đồ dùng để làm gì.

Tôi lặp lại hầu như nguyên văn những lời cụ Vitali giảng bài địa lý đầu tiên cho tôi.

Nó chăm chú nghe, mắt dán vào mắt tôi. Nó hỏi:

Thế thì phải biết chữ chứ?

Hẳn rồi. Cậu không biết chữ à?

Không.

Cậu muốn học không?

Ồ! Muốn lắm.

Thế thì tớ sẽ bảo cho cậu học.

Này, coi trên bản đồ, có thể tìm được con đường từ Ghidô đến Pari hay không?

Hẳn chứ! Cái đó dễ lắm.

Tôi chỉ cho nó. Thoạt đầu nó chẳng thèm tin tôi, khi tôi lấy ngón tay kéo một đường từ Ghidô đến Pari. Nó nói:
– Tớ đi bộ, thấy xa hơn thế nhiều.

Tôi bèn cố sức giảng giải cách ghi độ xa gần trên bản đồ, cố sức, nghĩa là lúng túng, chẳng có gì rõ ràng. Nó nghe nhưng có vẻ không tin lắm ở trình độ hiểu biết của tôi.

Vì cái xắc đương để hở, tôi bỗng nảy ý kiểm soát lại những đồ vật trong ấy, và nhân dịp khoe với Mátchia những của cải của mình. Tôi lấy ra, xếp tất cả trên cỏ. Tôi có ba cái sơmi vải, ba đôi bít tất, năm chiếc khăn tay, tất cả đều còn tốt, và một đôi giày hơi sờn, thằng Mátchia choáng mắt. Tôi hỏi nó:

Còn cậu, cậu có những gì?

Tớ có cây đàn này, với bộ quần áo đang mặc trên người đây.

Ồ, thế thì ta chia nhau những món này, có thế mới là bạn: cậu lĩnh hai cái sơmi, hai đôi tất và ba cái khăn tay. Nhưng đã chia thì phải chia tất cả cho công bằng, vì vậy tớ mang cái xắc này một tiếng đồng hồ, cậu lại mang một tiếng.
Mátchia muốn từ chối phần đầu trong đề nghị của tôi. Nhưng tôi đã quen thói chỉ huy rồi, và phải nói rằng tôi lấy làm thú vị điều đó, cho nên tôi cấm nó nói lôi thôi. Trên mấy chiếc sơmi, tôi đã bày cái hộp khâu của Êchiênnét và cái hộp con đựng đóa hồng của Lidơ. Mátchia muốn mở cái hộp con ấy xem. Nhưng tôi không cho mở và tôi bỏ luôn hộp vào xắc, không mở ra. Tôi nói:

Nếu cậu không muốn làm phiền lòng tớ thì đừng động tới cái hộp ấy, đừng bao giờ. Đó là một vật lưu niệm.
Được rồi. Tớ hứa sẽ không bao giờ động tới.

Từ khi tôi khoác lại tấm da cừu và đeo cây đàn lên thì có một điều làm cho tôi khó chịu mãi, đó là cái quần dài. Ra giữa công chúng, người nghệ sĩ phải mặc quần cộc và mang bít tất dài quấn dây băng ngũ sắc. Quần dài chỉ thích hợp với người làm vườn còn tôi bây giờ là một nghệ sĩ…

Đã có quvền tự chủ thì khi người ta có một dự định người ta thực hiện không trì hoãn. Tôi mở cái hộp của chị Êchiênnét lấy kéo. Tôi nói:
– Trong khi tớ chữa lại cái quần thì cậu nên kéo đàn đế tớ xem thử cậu chơi ra sao.

– Ồ! Được chứ!

Nó nói thế rồi lấy cây vĩ cầm ra kéo.

Trong lúc đó, tôi mạnh dạn chọc kéo vào ống quần, và cắt nghiến vải dạ. Phải thấy là cái quần ấy rất đẹp và cũng may bằng dạ xám như cái áo gilê và cái áo vét tôi đang mặc. Khi bác Acanh cho tôi bộ quần áo ấy, tôi mừng lắm. Tôi nghĩ rằng hớt như thế không làm quần hỏng đi mà trái lại.

Lúc đầu tôi vừa nghe Mátchia vừa cắt. Dần dần, tôi ngừng tay kéo, vểnh cả hai tai lên. Mátchia kéo đàn hay không kém cụ Vitali mấy. Tôi vỗ tay hoan hô nó và hỏi:

Thế ai dạy cho cậu đàn như vậy?

Không ai cả, mỗi người bảo một chút, nhất là tự tớ vừa làm việc vừa tập.

Ai dạy nhạc lý cho cậu.

Tớ có biết nhạc lý gì đâu! Tớ nghe người ta đàn thế nào thì tập theo thế ấy.

Tớ sẽ dạy nhạc lý cho cậu.

Thế cái gì cậu cũng biết cả sao?

Tất nhiên là thế, vì tớ là chủ gánh kia mà.

Đã là nghệ sĩ thì người ta không khỏi có lòng hiếu thắng. Tôi muốn tỏ cho Mátchia biết tôi cũng là nhạc sĩ. Tôi cầm thụ cầm lên và muốn đánh ngay một đòn oanh liệt, tôi hát bài hát tủ của tôi… Và thế là Mátchia vỗ tay hoan hô, để đáp lại những lời khen tặng của tôi lúc nãy. Nó là một bậc tài hoa, tôi cũng là một bậc tài hoa, rõ ràng là anh hùng tương ngộ(2). Nhưng có thể đâu chúng tôi cứ ngồi lì ở đó mà tán tụng nhau không ngớt! Sau khi đánh đàn cho nhau nghe vì hứng thú, còn phải đánh đàn cho người ta nghe vì bữa ăn chiều, vì chỗ ngủ trọ nữa chứ! Tôi nịt xắc lại và đến lượt thằng Mátchia mang lên vai. Đi lên, ta đi lên thôi trên đường gió bụi! Rồi thì ta sẽ dừng lại ở cái làng đầu tiên ta gặp trên đường cái, để tổ chức mừng buổi “diễn mở màn của gánh Rêmi”.

Cậu dạy tớ cái bài hát ấy. – Mátchia nói. – Khi diễn, hai đứa mình sẽ song ca và tớ chắc là nay mai tớ sẽ có thể đệm vĩ cầm nữa, rồi cậu xem, “ác” lắm!
Phải, nhất định là “ác” lắm. Có họa là tim của “chư vị khán giả’ bằng đá thì mới không chịu bỏ những đồng xu lớn đầy đĩa chúng tôi.
Chúng tôi không bị cái họa “diễn thì có, tiền thì không”. Đi khỏi Vilơduýp, đến một làng kia, chúng tôi định tìm chỗ thuận lợi để biểu diễn. Đi qua trước cổng một nông trang, chúng tôi thấy trong sân đứng đầy những người quần áo lịch sự, mỗi người mang một bó hoa buộc dây băng cuồn cuộn. Đàn ông thì cài hoa ở ve áo, đàn bà thì cài ở ngực. Không cần phải tinh ý cũng đoán ra đây là một đám cưới.

Tôi nghĩ rằng những người ấy có lẽ sẽ vui lòng nếu được ai đánh đàn cho họ khiêu vũ; tôi tiến vào trong sân, Mátchia và Capi theo sau. Tay cầm mũ, tôi bắt chước cụ Vitali chào trịnh trọng và trình bày đề nghị của tôi với người đầu tiên mà tôi gặp. Đó là một thanh niên béo phị, cái mặt màu gạch non trông như đóng khung giữa chiếc cổ cồn to, cứng, chỉ chực cứa hai mép tai anh ta. Anh có vẻ hiền lành phúc hậu.

Anh ta không trả lời. Anh quay cả người về đám khách dự lễ – hẳn anh bị vướng víu trong cái áo lễ bằng dạ đẹp và bóng. Anh thọc hai ngón tay vào mồm và dùng thứ nhạc cụ ấy huýt lên một tiếng còi dữ dội, làm cho con Capi phát hoảng. Rồi anh ta thét lên:
Ồ các bạn! Có chút đỉnh âm nhạc thì các bạn nghĩ thế nào? Có mấy nhạc sĩ vừa đến với chúng ta đây này.
Ừ, ừ, âm nhạc! Âm nhạc! Âm nhạc! – Nhiều giọng đàn ông và đàn bà thét lên như thế.
Hãy đứng vào để nhảy một bài cađơri đi nào!

Trong vòng mấy phút thôi, nhiều nhóm tay tư đã tụ họp giữa sân để chờ nhảy, làm cho lũ gà vịt kinh hoảng bay tứ tung. Tôi lo ngại quá, hỏi nhỏ thằng Mátchia bằng tiếng Italia:

Cậu đã từng đánh điệu nhảy cađơri rồi đấy à?

Đã.

Nó dạo thử một bài trên vĩ cầm. Tình cờ tôi cũng biết bài đó. Thế là chúng tôi thoát nạn.
Người ta kéo một cỗ xe bò từ nhà xe ra. Người ta bắc đòn, kê càng xe lên và bảo chúng tôi lên đấy. Mặc dù chưa khi nào chúng tôi hợp tấu với nhau, lần này chúng tôi xoay xở với bài cađơri cũng không đến nỗi tồi lắm. Cần phải thưa thật rằng thính giả của chúng tôi không khó tính và cũng không tinh về âm nhạc cho lắm. Cái anh chàng béo, mặt đỏ hồi nãy lại hỏi:

Trong hai chú có chú nào biết chơi kèn đẩy không?

Có, tôi. – Mátchia nói. – Nhưng tôi không có kèn ấy.

Để tôi đi kiếm cho chú một cái, bởi vì vĩ cầm thì hay đấy, nhưng cũng nhạt nhẽo lắm.
Cậu cũng chơi được kèn đẩy à? – tôi hỏi thằng Mátchia cũng vẫn bằng tiếng Lalia.

Cả kèn loa, ống sáo nữa và tất cả những thứ đàn địch nói chung.

Mátchia quả là của quý!

Lát sau, người ta mang kèn đẩy tới và chúng tôi lại chơi cađơri, pônka, vanxơ.

Nhất là cađơri.

Chúng tôi đánh đàn. Thổi kèn mãi cho đến tối mà những người khách nhảy vẫn không để chúng tôi nghỉ ngơi phút nào. Cái đó đối với tôi không hại lắm. nhưng đối với Mátchia thì thật là nghiêm trọng: nó gánh phần nặng nhọc hơn hết trong dàn nhạc, vả lại nó đi đường xa và ăn uống thiếu thốn lâu nay nên suy nhược. Chốc chốc nó tái người đi như sắp ngất. Tuy vậy nó vẫn tiếp tục, vẫn ráng hết sức thổi kèn. May làm sao không riêng tôi nhìn thấy vẻ nhợt nhạt của nó, cô dâu cũng nhìn thấy, cô nói:

Thôi, thôi! Chú bé này đuối sức rồi. Bây giờ thì nào, mở túi ra để thù lao cho các bạn nhạc sĩ nào!
Tôi nhảy xuống xe và nói:

Nếu quý vị đồng ý tôi sẽ cho viên thủ quỹ của chúng tôi đi một vòng nhận tiền.

Tôi nói thế rồi ném cái mũ cho con Capi. Nó ngoạm vào mồm. Người ta tán thương điệu chào duyên dáng của nó mỗi khi nó nhận tiền người ta cho và, quý hóa hơn nữa người ta cho nhiều lắm. Tôi đi sau nó nên tôi thấy những đồng hào trắng rơi tới tấp vào mũ. Chú rể bỏ tiền sau cùng. Chú bỏ một đồng năm phờrăng. Thật là dịp may hiếm có! Thế mà đã hết đâu: người ta mời chúng tôi vào ăn uống trong nhà bếp và người ta cho chúng tôi ngủ lại ở kho vựa. Sáng hôm sau, khi chúng tôi rời mái nhà hiếu khách đó ra đi, thì chúng tôi đã có một cái vốn hai mươi tám phờrăng. Tôi nói với Mátchia:

Chúng ta có được số tiền này là nhờ công cậu đấy, Mátchia ạ. Mình tớ thì làm gì thành một dàn nhạc.
Và cái câu bác Acanh nói khi tôi bắt đầu dạy cho em Lidơ học lại hiện về trong ký ức tôi để xác nhận rằng người ta làm điều lành thì bao giờ cũng được đền bù xứng đáng. Tôi nói:
Tớ nhận cậu thế mà hóa khôn đấy!

Với hai mươi tám phờrăng trong túi, chúng tôi quả là những ông hoàng. Với số tiền ấy, đến Coócbây, tôi đã mua sắm vài thứ cần thiết, không ngại tiêu phí quá tay: trước hết là một cây kèn đẩy giá ba phờrăng, mua ở một cửa hàng sắt cũ; còn bán giá ấy thì tất nhiên không phải kèn mới, kèn đẹp, nhưng rồi mình lau chùi, sửa soạn thì cũng tươm tất. Rồi ít cuộn dây băng đỏ dể quấn bít tất và cuối cùng là một cái xắc lính cũ cho Mátchia. Mang lâu dài trên vai một cái xác nhẹ vẫn hơn là thỉnh thoảng mang một cái xắc nặng, cho nên chúng tôi sẽ chia đều đồ đạc. Và như thế, sẽ đi lại nhanh nhẹn, nhẹ nhàng hơn.
Ra khỏi Coócbây thì chúng tôi có vẻ tươm tất lắm. Những buổi biểu diễn của chúng tôi đều thu khá, nên sau khi mua sắm rồi, chúng tôi vẫn còn ba mươi phờrăng trong túi. Chúng tôi có thể sắp xếp tiết mục biểu diễn thế nào để có thể ở lâu tại một nơi mà khỏi phải diễn đi diễn lại nhiều lần độc có mỗi một chương trình. Máthia và tôi lúc nào cũng ăn ý nhau, chúng tôi sống với nhau chưa bao lâu mà cứ như anh em ruột. Đôi khi nó vừa cười vừa nói:

Cậu biết không? Một ông chủ gánh mà không đánh đập kẻ tay chân thì quả là tuyệt diệu.
Thế cậu có thích không?

Từ khi tớ bỏ xứ sở ra đi, lần này là lần đầu tiên tớ không tiếc cái thời nằm bệnh viện.
Cảnh làm ăn phát đạt ấy làm cho tôi nảy ra nhiều tham vọng.

Sau khi rồi Coócbây, chúng tôi đi về phía Môngtácgi; Môngtácgi nằm trên đường về nhà má Bácbơranh.
Về thăm má để hôn má, đó là trả ơn cho má, nhưng trả ơn như thế thì ít quá và dễ dàng quá. Hay là ta mang cho má một cái gì nhỉ? Bây giờ mình đã giàu rồi thì phải tặng má một món quà chứ! Quà gì đây?
Tôi không mất nhiều thì giờ suy nghĩ. Có một món quà sẽ làm má sung sướng, không những sung sướng lúc này, mà còn sung sướng cả cái tuổi già của má: món quà đó là một con bò sữa để thay cho con Rútxét. Má Bácbơranh sẽ vui sướng biết bao nhiêu nếu ta biếu má một con bò sữa! Và cả ta nữa, ta sẽ vui mừng bao nhiêu!

Tôi tính thế này: trước khi về tới Savanông thì tôi mua một con bò sữa, rồi Mátchia dòng dây dắt nó, đưa vào sân nhà má. Tất nhiên phải không có lão Bácbơranh ở nhà. Mátchia sẽ nói: “Bà Bácbơranh ạ, cháu dắt con bò sữa đến cho bà”. “Con bò sữa à? Cháu ơi, cháu nhầm rồi” (và má thở dài). “Không đâu. Thưa bà, đúng bà là bà Bácbơranh ở thôn Savanông chứ? Thế thì hoàng tử (như trong chuyện cổ tích ấy), hoàng tử truyền cho cháu đưa con bò này đến để biếu bà”. “Hoàng tử nào?”. Lúc đó thì tôi hiện ra. Tôi xông vào lòng má Bácbơranh, và sau khi mẹ con hôn nhau phỉ sức, chúng tôi đi làm bánh rán và bánh kẹp; làm để ba mẹ con cùng ăn với nhau chứ không phải để cho lão Bácbơranh nuốt chửng, như cái ngày thứ ba ngả mặn mà lão ở đâu mò về lật chảo và trút tất cả chỗ bơ của chúng tôi vào món xúp hành của lão. Ôi! Giấc mơ đẹp quá! Duy muốn thực hiện thì phải mua cho được một con bò sữa. Bao nhiêu tiền một con bò sữa? Cái khoản này thì tôi không tưởng tượng được. Đắt tiền thì chắc đắt lắm nhưng bao nhiêu kia?

Con bò tôi định mua sẽ không phải là một con bò to béo dềnh dàng quá. Bỏi vì, trước hết bò càng béo thì giá càng đắt; rồi thì bò càng to thì càng cần nhiều thức ăn, mà tôi không muốn cái món quà tôi tặng lại làm cho má Bácbơranh của tôi phải lúng túng. Cái thiết yếu trước mắt là phải tìm hiểu giá bò sữa, hay nói cho đúng, giá một con bò sữa theo cỡ mà tôi muốn mua.

Cũng may là việc ấy đối với tôi không khó. Khi đi trên đường thiên lý, khi nghỉ lại ở quán trọ buổi tối, chúng tôi thường tiếp xúc với những người chăn bò, những người lái gia súc. Chỉ cần hỏi họ thôi, dễ lắm. Tôi nhằm một người chăn bò có vẻ cởi mở, dễ gần gũi mà hỏi. Vừa nghe xong thì anh cười phì vào mặt tôi. Rồi anh ta nằm ngả người trên ghế, chốc chốc lại đấm thình thình xuống bàn và gọi ông chủ quán mà hỏi:

Bác có biết cái chú nhạc sĩ bé con này hỏi tôi gì không? Giá bao nhiêu một con bò sữa? Một con bò sữa không to lắm, không béo lắm, tóm lại là một con bò sữa tốt. Nó có cần biết làm trò không hở?
Rồi anh ta lại cười nữa. Nhưng tôi đâu có chịu lép! Tôi nói:

Nó phải có sữa tốt và không ăn uống nhiều quá!

Có cần nó chịu cho các chú dòng dây dắt đi trên đường thiên lý như con chó kia không?
Sau khi dốc cạn kho bông đùa và trổ hết tài hóm hỉnh, anh ta chịu nói chuyện nghiêm chỉnh, hơn thế, chịu trao đổi giá cả với tôi nữa. Anh ta nói anh ta có đúng cái món tôi cần: một con bò cái rất hiền, vắt được nhiều sữa, sữa sền sệt như kem, thế mà lại chẳng ăn uống mấy tí. Nếu tôi xỉa ra giữa bàn mười lăm pítxtôn hay năm mươi êquy thì con bò ấy sẽ về tôi.

Trước tôi vất vả bao nhiêu để làm cho anh ta nói, thì bây giờ tôi vất vả bao nhiêu để làm cho anh ta im mồm đi, khi anh ta đương đà tán hươu tán vượn. Nhưng rồi cuối cùng, anh em chúng tôi cũng đi ngủ được. Nằm trên giường, tôi cứ mơ màng nghĩ đến những điều người ta vừa nói. Mười lăm pítxtôn hay năm mươi êquy, tức là một trăm năm mươi phờrăng, cái vốn của tôi còn xa con số ấy quá!

Số tiền ấy có quá sức chúng tôi làm ra hay không? Có lẽ không! Tôi tưởng nếu cái vận đỏ buổi đầu này không bỏ chúng tôi thì dành dụm từng xu một, chúng tôi sẻ góp đủ số tiền đó. Duy phải có thì giờ. Nghĩ đến đó thì một sáng kiến mới chợt lóe ra trong đầu óc tôi. Tôi tự bảo: “Nếu ta không đi thẳng một mạch đến Savanông mà đi Vácxơ trước thì có lẽ có đủ thì giờ kiếm được số tiền lớn ấy, vậy phải đi Vácxơ cái đã, đến lượt về sẽ ghé lại má Bácbơranh. Như thế thì chắc chắn lúc ấy ta sẽ có đủ số tiền một trăm năm mươi phờrăng và hai đứa ta có thể diễn cái trò cổ tích: “Con bò sữa của “hoàng tử” được”.

Rạng ngày hôm sau, tôi bày tỏ ý kiến ấy với Mátchia. Nó tán thành dễ dàng.

Nó nói:

– Thế thì ta đi thôi. Vùng mỏ có lẽ hay đấy, được xem một hầm mỏ thì tớ khoái lắm.

————————-

Một trăm xăng tim bằng một đồng phờrăng – N.D

Tương ngộ: gặp nhau – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.